Jaroslav Hašek, Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới (trích)
Quân lính không được phép lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện đi ỉa, mà phải nghĩ đến chuyện chiến đấu.

Quân lính không được phép lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện đi ỉa, mà phải nghĩ đến chuyện chiến đấu.
Một người đàn ông mặc quân phục, quần có viền sọc hông đỏ và vàng, bước vào toa tàu. Đó cũng lại là một trong những vị tướng thanh tra trên các tuyến tàu.
“Mời các anh ngồi”, vị tướng nói một cách thân thiện. Ông thấy vui mừng vì lại làm ngạc nhiên một đơn vị hành quân mà ông không biết trước là sẽ dừng lại ở nhà ga.
Đại úy Ságner muốn trình báo, nhưng vị tướng chỉ phẩy tay: “Đơn vị của anh không ổn. Đơn vị của anh không ngủ. Đơn vị của anh đúng ra phải đang ngủ rồi. Khi tàu dừng ở nhà ga thì quân lính cũng phải đi ngủ vào lúc chín giờ, như ở trong doanh trại vậy”.
Vị tướng nói ngắn gọn và nghiêm khắc: “Trước chín giờ tất cả quân lính phải đi nhà xí ở sau nhà ga, sau đó đi ngủ. Nếu không thì ban đêm họ sẽ làm bẩn đường tàu. Anh có hiểu không, hả đại úy? Anh hãy nhắc lại cho tôi nghe đi! Hay là anh không phải nhắc lại gì cho tôi, mà hãy làm đúng như tôi đã yêu cầu. Thổi kèn báo động để lính ra nhà xí, thổi kèn báo hiệu giờ ngủ và lính sẽ đi ngủ. Kiểm tra xem ai không ngủ. Phạt! Vâng, phạt! Còn gì nữa không? Ăn chiều vào lúc sáu giờ!”
Bây giờ, vị tướng nói về một cái gì đó trong quá khứ, về một điều đã không xảy ra, về cái gì ở đằng sau một góc nào đó. Trước mặt mọi người, ông như một bóng ma trong thế giới không gian bốn chiều.
“Phát thức ăn chiều vào lúc sáu giờ”, vị tướng tiếp tục nói bằng tiếng Đức, đồng thời đưa mắt nhìn kim đồng hồ lúc đó đã chỉ mười một giờ mười phút đêm. “Báo động lúc tám rưỡi, đi ỉa ở nhà xí, sau đó đi ngủ. Thay cho 150g phô mai Emmental, thức ăn chiều sẽ là goulash với khoai tây”.
Tiếp theo đó là mệnh lệnh yêu cầu quân lính thể hiện tinh thần khẩn trương. Đại úy Ságner lại cho thổi kèn báo động. Và vị tướng thanh tra vừa nhìn quân lính của tiểu đoàn đang xếp đội ngũ, vừa đi cùng các sĩ quan và liên tục nói với họ như nói với những kẻ ngu ngốc. Như thể họ không sao hiểu được ngay sự việc. Vị tướng giơ chiếc đồng hồ ra. “Các anh xem đây, tám rưỡi đi ỉa, một nửa tiếng đồng hồ sau đi ngủ. Như thế là hoàn toàn đủ. Đằng nào thì trong thời gian chuyển quân thế này lính tráng cũng chỉ có phân lỏng thôi. Cái chủ yếu là giấc ngủ. Để có sức mà tiếp tục hành quân. Khi ở trong tàu hỏa thì quân lính phải nghỉ ngơi. Nếu trong các toa tàu không có đủ chỗ cho tất cả thì lính phải chia ra thành nhóm mà ngủ luân phiên. Một phần ba số lính sẽ nằm ngủ đàng hoàng từ chín giờ tối đến nửa đêm, rồi nhường chỗ cho nhóm thứ hai ngủ từ nửa đêm tới ba giờ sáng, còn nhóm thứ ba thì nằm ngủ từ ba giờ sáng đến sáu giờ sáng. Lúc đó cũng là giờ tất cả quân lính phải dậy rồi đi rửa mặt buổi sáng. Khi tàu chạy thì không ai được nhảy xuống! Phải có lính đứng canh để không người nào được nhảy xuống khi tàu chạy! Nếu người lính bị kẻ thù làm gãy chân…” Vị tướng đập đập vào chân mình: “…thì đó là cái tốt, nhưng nhảy tàu để bị gãy chân thì là chuyện vô ích và đáng bị trừng phạt”.
Nhìn thấy tất cả quân lính đang ngái ngủ, có nhiều người còn không đứng vững được, có nhiều người vì bị đánh thức đang ngáp dài trong không khí mát mẻ ban đêm, vị tướng hỏi đại úy Ságner: “Đây là Tiểu đoàn của anh ư? Đại úy ạ, đây là tiểu đoàn ngáp, anh hiểu không? Quân lính phải đi ngủ lúc chín giờ!”
Vị tướng dừng lại trước Đại đội 11. Švejk đứng ở cánh trái và liên tục ngáp to. Anh đưa tay lên che miệng rất lịch sự, nhưng tiếng ngáp vẫn vang lên. Trung úy Lukáš run người, chỉ mong sao vị tướng không trông thấy Švejk. Trung úy có cảm giác là Švejk cố ý ngáp.
Và vị tướng, xem ra nhận thấy điều đó, dừng lại trước mặt Švejk và hỏi anh bằng tiếng Đức: “Anh người Séc, hay người Đức?”
“Người Séc, báo cáo chuẩn tướng”, Švejk trả lời bằng tiếng Đức.
“Tốt”, vị tướng người Ba Lan chuyển sang nói bằng thứ tiếng Séc ngọng nghịu, “làm gì mà rống như bò rống thế? Mím môi, ngậm miệng, câm đi! Đã ra hố xí chưa?”
“Báo cáo chuẩn tướng, chưa ạ”.
“Vì sao anh không đi ỉa cùng với những người lính khác?”
“Báo cáo chuẩn tướng, hồi tập trận ở Písek[1], khi quân lính nằm dài ở ruộng lúa mì trong những giờ giải lao thì đại tá Wachtl bảo chúng tôi rằng, quân lính không được phép lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện đi ỉa, mà phải nghĩ đến chuyện chiến đấu. Nói cho cùng thì, báo cáo chuẩn tướng, chúng tôi ra hố xí để làm gì? Có cái gì để mà rặn ra đâu! Cứ theo lịch trình thì chúng tôi phải được phát thức ăn chiều ở một số nhà ga, nhưng chúng tôi chẳng nhận được gì cả. Với cái dạ dày lép kẹp thì đừng có ra hố xí!”
Bằng lời lẽ đơn giản, Švejk trình bày để vị tướng biết rõ tình hình chung, đồng thời đưa mắt nhìn một cách thân thiện đến mức mà vị tướng cảm thấy phải làm gì để giúp đỡ quân lính. Một khi đã ra lệnh tổ chức tiến quân đồng loạt ra hố xí, thì lệnh ấy cũng phải được dựa trên nền tảng của cái gì đó ở bên trong.
“Anh hãy cho tất cả trở lại toa”, vị tướng bảo đại úy Ságner. “Tại sao mà lính không được phát thức ăn chiều? Tất cả các đơn vị lính đi qua ga này đều phải được phát thức ăn chiều, ga này là ga tiếp tế của hậu cần. Không thể làm khác được. Đã có một kế hoạch như thế rồi”.
Vị tướng khẳng định điều đó dứt khoát đến mức mà, cho dù lúc ấy đã hơn mười một giờ đêm, và bữa chiều đã phải được phát cho lính vào lúc sáu giờ chiều, như ngài đã nói từ đầu, cuối cùng thì không còn cách nào khác là giữ tàu ở lại ga cho qua đêm, qua cả ngày hôm sau đến tận sáu giờ chiều, để quân lính được nhận goulash với khoai tây làm bữa ăn chiều.
“Không có gì tồi tệ hơn việc trong chiến tranh quên phát lương thực cho quân lính trên đường hành quân”, vị tướng nói hết sức nghiêm trang. “Tôi có nghĩa vụ phải tìm hỏi ngọn nguồn sự thật của việc này ở Văn phòng Ban chỉ huy nhà ga. Bởi vì, các anh ạ, đôi khi chính bản thân các sĩ quan chỉ huy đơn vị hành quân là những người có lỗi. Khi đi thanh tra nhà ga Sobotica[2] ở tuyến đường phía Nam Bosna, tôi phát hiện ra là có sáu đoàn tàu chở lính không được phát thức ăn chiều, tại vì sĩ quan chỉ huy các đơn vị ấy quên không đề nghị lấy thức ăn. Ở nhà ga, đã sáu lần người ta nấu goulash với khoai tây, nhưng mà chẳng có ai yêu cầu lấy thức ăn. Thành thử họ phải đem đổ đi, đổ xuống hố thành đống, mà những đống ấy to lắm, các anh ạ. Thế là các đoàn tàu chở lính ấy chạy qua những đống goulash với khoai tây ở Sobotica, để rồi ở nhà ga thứ ba sau đó, quân lính phải đi xin bánh mì để ăn. Đấy, các anh thấy là trong trường hợp này thì không phải là lỗi từ phía bộ phận quản lý quân đội đâu”.
Vị tướng phẩy mạnh tay: “Sĩ quan chỉ huy các đơn vị không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Nào, chúng ta vào Văn phòng đi!”
Mọi người đi theo ông, ai cũng suy nghĩ về vấn đề vì sao mà tất cả các vị tướng đều đã phát điên.
Ở Văn phòng chỉ huy, người ta phát hiện ra rằng quả thật không ai biết gì về chuyện goulash. Vâng, đúng ra thì ngày hôm nay phải nấu món ấy cho tất cả các đoàn tàu chở lính đi qua nhà ga, nhưng mà lại nhận được lệnh thanh toán nội bộ về cung cấp lương thực cho quân lính. Phải trừ đi 72 haléř ở mỗi một khẩu phần, rồi cộng nó vào tiền lương cho từng người. Tức là mỗi một người lính đi theo đơn vị mình qua nhà ga này sẽ được ban hậu cần của họ phát thêm 72 haléř ấy trong đợt lĩnh lương gần đó nhất. Còn bánh mì thì đến nhà ga Hatvan mỗi người sẽ được phát một nửa cái.
Về mặt cung cấp thức ăn cho quân lính thì Chỉ huy bộ phận cung cấp không phải lo sợ cái gì cả. Ông ta nói thẳng vào mặt vị tướng, rằng các mệnh lệnh cứ thay đổi từng giờ. Có khi đã chuẩn bị thức ăn cho các đoàn tàu chở lính đi, nhưng lại có tàu chở thương binh về với mệnh lệnh cao hơn, và thế là xong chuyện. Lính ra trận phải đứng nhìn những cái vạc nấu ăn trống không.
Vị tướng gật đầu đồng ý và đưa ra nhận xét, rằng mọi việc bây giờ dứt khoát tốt hơn, chứ hồi đầu chiến tranh thì còn tệ hơn nhiều. Không thể làm tất cả mọi việc cùng một lúc được, để làm được như thế thì dứt khoát cần phải có kinh nghiệm, có thực hành. Đúng ra mà nói thì lý thuyết thường cản trở thực hành. Chiến tranh càng kéo dài ra bao nhiêu lâu thì những việc được thực hiện đâu vào đấy sẽ càng nhiều thêm bấy nhiêu.
“Tôi có thễ dẫn dắt một thí dụ trong thực tế”, vị tướng phấn khởi nói, như thể đã nghĩ ra được điều gì tuyệt vời. “Cách đây hai hôm, tất cả các tàu chở lính hành quân đi qua ga Hatvan đều không nhận được miếng bánh mì nào, nhưng ngày mai thì ở đó các anh sẽ được phát. Thôi, bây giờ chúng ta hãy vào quán ăn nhà ga”.
Trong quán ăn nhà ga, vị tướng lại nói về hố xí, và về quang cảnh không đẹp mắt hai bên đường tàu, vì ở đấy mọc toàn xương rồng. Vừa nói, vị tướng vừa ăn món bít tết. Mọi người có cảm tưởng rằng vị tướng đang nhai miếng xương rồng.
Vị tướng lại nhấn mạnh vào những cái hố xí, cứ như thể chiến thắng của nhà nước quân chủ phụ thuộc vào chúng vậy.
Về tình hình mới với Ý, vị tướng tuyên bố rằng chính các hố xí là cái lợi thế không thể chối cãi được của quân đội chúng ta trong cuộc chiến tranh với Ý.
Chiến thắng của Áo leo lên từ các hố xí.
Đối với vị tướng, tất cả mọi thứ đều rất đơn giản. Con đường dẫn đến quang vinh chiến tranh đi theo một trình tự: lúc sáu giờ tối quân lính ăn goulash và khoai tây, lúc tám rưỡi tối đi ra hố xí ỉa, lúc chín giờ tối đi ngủ. Trước một quân đội như thế, quân địch phải khiếp hồn mà bỏ chạy.
Ngài chuẩn tướng suy nghĩ, châm điếu xì gà rồi nhìn rất lâu lên trần nhà. Ông cố nhớ xem còn có thể nói gì nữa, khi mà đã đến đây, và cũng cố suy nghĩ xem còn có thể giảng giải gì nữa cho các sĩ quan của đơn vị hành quân.
Khi tất cả đều nghĩ rằng chuẩn tướng sẽ tiếp tục im lặng nhìn lên trần, thì ông đột ngột nói: “Về cơ bản thì Tiểu đoàn của các anh lành mạnh, quân lính của các anh hoàn toàn ổn. Bằng sự thẳng thắn cùng với kỷ luật quân đội, người lính nói với tôi lúc nãy đã thay mặt cho cả Tiểu đoàn thể hiện hy vọng lớn nhất, rằng họ sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng”.
Vị tướng ngừng lời, ông thoải mái dựa vào tay tựa ghế và lại đưa mắt nhìn lên trần nhà, rồi tiếp tục giữ tư thế đó. Với bản tính của một tâm hồn nô lệ, thiếu úy Dub là người duy nhất cũng ngước mắt nhìn lên trần nhà như vị tướng. Sau một hồi, vị tướng lại lên tiếng: “Nhưng Tiểu đoàn của các anh cần làm thế nào để những hoạt động của nó không bị rơi vào lãng quên. Các tiểu đoàn của Lữ đoàn các anh đã có lịch sử của chúng, Tiểu đoàn của các anh phải tiếp tục lịch sử ấy. Các anh đang thiếu một người ghi chép chính xác các sự kiện và viết sử ký cho Tiểu đoàn. Tất cả mọi đại đội phải cho người ấy biết về những gì đại đội đã làm. Đó phải là người thông minh, chứ không phải là đồ ngu, không phải là đồ bò. Đại úy ạ, anh phải bổ nhiệm một người làm sử ký cho Tiểu đoàn”.
Dứt lời, vị tướng nhìn lên đồng hồ trên tường. Kim đồng hồ nhắc cả nhóm người đang buồn ngủ rằng đã đến giờ đi ngủ.
Tàu thanh tra của vị tướng đang đứng ở nhà ga. Ông yêu cầu mọi người đi cùng ông tới toa ngủ của mình.
Vị tướng đã quên trả tiền đĩa bít tết và chai rượu vang. Chỉ huy nhà ga thở dài ngao ngán, ông lại phải bỏ tiền để trả. Trong một ngày, ông có đến mấy cuộc viếng thăm như thế. Đã có hai toa rơm bị mất vào những khoản thanh toán như thế. Ông cho kéo hai toa rơm ấy sang đường ray cụt rồi bán cho công ty Löwenstein, đại lý cung cấp rơm cho quân đội, làm giống như kiểu bán lúa non vậy. Ban quản lý hành chính quân sự sẽ mua lại hai toa rơm ấy, nhưng để cho tiện, người ta chẳng chuyển chúng đi đâu. Bởi vì biết đâu lại có ngày sẽ lại phải bán chúng cho công ty Löwenstein.
Nhưng cái chủ yếu là, tất cả các đoàn thanh tra quân sự đi qua nhà ga chính này ở Budapest đều khẳng định rằng ở chỗ Chỉ huy nhà ga có đồ ăn thức uống rất ngon.
Sáng hôm sau, tàu chở lính vẫn còn đứng ở nhà ga. Đến giờ báo thức, quân lính mang cặp lồng ra máy nước để đánh răng rửa mặt. Tàu thanh tra của vị tướng cũng vẫn chưa rời nhà ga. Vị tướng lại đích thân đi kiểm tra các hố xí, nơi quân lính phải đến theo “từng toán, dưới sự chỉ huy của toán trưởng”, đúng như lệnh của đại úy Ságner, để cho vị tướng được phấn khởi. Và cũng để cho thiếu úy Dub được sung sướng, đại úy phân công cho ông ta nhiệm vụ ngày hôm nay kiểm tra việc thực hiện mệnh lệnh đó.
Thế là thiếu úy Dub đi theo dõi các hố xí.
Hố xí là một cái hố dài có đủ chỗ ngồi từ hai phía cho hai toán lính của một đại đội.
Và bây giờ thì quân lính đang ngồi xổm ở hai mép hố, người này sát người kia, thành hai hàng quay lưng vào nhau. Trông họ giống như những con chim én đậu trên dây điện vào mùa thu, khi chúng chuẩn bị bay sang châu Phi tránh rét.
Người lính nào cũng tụt quần xuống, để lộ hai đầu gối, còn cái thắt lưng thì được quàng qua cổ, như thể ai cũng sẵn sàng treo cổ bất cứ lúc nào, chỉ còn chờ lệnh thôi.
Chỉ nhìn cũng thấy từ tất cả mọi người toát ra cái kỷ luật thép, cũng như sự tổ chức tuyệt vời của quân đội.
Švejk ngồi ở cánh bên trái hố xí và đang chăm chú đọc mảnh giấy xé từ một cuốn tiểu thuyết nào đó của nữ văn sĩ Růžena Jesenská[3]:
…ây ký túc xá đáng tiếc các cô…
… ái không rõ ràng, có lẽ thực tế nhiều hơn…
… à đa số giữ trong mình mất m…
… ang sách vào các phòng của mình, hay là kh…
…ong sự vui vẻ đặc biệt. Và nếu họ có nói g…
…ười ta chỉ nói về nỗi nhớ đến a…
đã tốt hơn, hay là đã không muốn thành công nh…
. …lùi lại, như là chính họ muốn th…
chẳng còn gì cho chàng thanh niên K…
Rời mắt khỏi mảnh giấy, Švejk vô tình nhìn về phía đông của hố xí và rất lấy làm ngạc nhiên. Ngài chuẩn tướng, người mà anh thấy lúc ban đêm, đang trang trọng đứng đó cùng với sĩ quan phụ tá của mình, bên cạnh là thiếu úy Dub đang hào hứng nói với họ cái gì đó. Švejk quay đầu nhìn xung quanh. Tất cả mọi người vẫn bình thản ngồi bên hố xí, còn các hạ sĩ quan thì cứng người bất động.
Švejk cảm nhận thấy cái nghiêm trọng của tình hình.
Nhanh chóng sử dụng mảnh giấy, rồi cứ nguyên với cái quần tụt xuống tận dưới đầu gối, thắt lưng quàng trên cổ, Švejk đứng phắt dậy và gào to bằng tiếng Đức: “Kết thúc! Đứng lên! Nghiêm! Nhìn bên phải, chào!” Và giơ tay chào. Cũng quần tụt xuống tận dưới đầu gối và thắt lưng quàng trên cổ, cả hai đơn vị lính đồng loạt đứng dậy bên mép hố xí.
Vị tướng mỉm cười thân thiện và nói: “Nghỉ! Các anh hãy tiếp tục!” Hạ sĩ Málek là người đầu tiên ra lệnh cho đơn vị của mình trở lại tư thế ngồi như trước. Duy có Švejk là vẫn đứng nghiêm giơ tay chào, bởi vì một bên là thiếu úy Dub hùng hổ giận dữ, một bên là ngài chuẩn tướng với nụ cười hiền hậu, cả hai đang tiến về phía anh.
“Đêm hôm qua tôi đã thấy anh”, chuẩn tướng nói nửa tiếng Ba Lan, nửa tiếng Đức với Švejk, bất kể anh đang ở tư thế kỳ quặc. Nhưng thiếu úy Dub bực tức quay sang nói bằng tiếng Đức với vị tướng: “Báo cáo chuẩn tướng, đấy là người đầu óc ngu độn, hắn là thằng ngu nổi tiếng không ai bằng”.
“Anh nói cái gì vậy, hả thiếu úy?” Chuẩn tướng đột ngột gào lên bằng tiếng Đức rồi tiếp tục nói, rằng đúng ra thì ngược lại. Đó là người lính biết phải làm gì khi trông thấy cấp trên, mà các hạ sĩ quan thì lại làm ngơ như không nhìn thấy cấp trên. Điều đó cũng tương tự như ở ngoài mặt trận, khi mà trong trường hợp hiểm nghèo một người lính bình thường tiếp nhận việc chỉ huy. Và đúng ra thì chính thiếu úy Dub phải là người ra khẩu lệnh ‘Kết thúc! Đứng lên! Nghiêm! Nhìn bên phải, chào!’ như anh lính này đã ra lệnh.
“Anh đã chùi đít chưa?” chuẩn tướng hỏi Švejk bằng tiếng Ba Lan xen tiếng Đức.
“Báo cáo chuẩn tướng, mọi việc ổn cả ạ”.
“Có ỉa nữa không?” chuẩn tướng hỏi bằng tiếng Ba Lan.
“Báo cáo chuẩn tướng, tôi xong rồi ạ”.
“Thế thì kéo quần lên, rồi lại đứng nghiêm”. Vị tướng nói “đứng nghiêm” to hơn một chút, làm cho những người đang ngồi bên hố xí gần đó đứng cả dậy.
Nhưng chuẩn tướng giơ tay làm hiệu và nói với họ bằng giọng của người cha: “Không đâu! Không đâu! Nghỉ! Nghỉ! Các anh cứ tiếp tục đi!”
Švejk đã chỉnh tề đứng trước chuẩn tướng, và vị tướng nói với anh một diễn văn ngắn bằng tiếng Đức: “Trong quân đội thì tôn trọng cấp trên, hiểu biết về nghĩa vụ và sự nhanh trí có nghĩa là tất cả. Khi mà những điều đó còn gắn liền với lòng dũng cảm nữa thì chúng ta không phải sợ bất kỳ một kẻ thù nào cả”.
Rồi vừa chọc ngón tay vào bụng Švejk, chuẩn tướng vừa quay sang nói với thiếu úy Dub: “Anh hãy ghi lại đi: khi ra đến chiến trường phải thăng quân hàm cho người lính này ngay, nhân một dịp gần nhất thì đề xuất tặng huy chương đồng về việc thực hiện đúng nghĩa vụ, và hiểu biết về… mà thôi, chắc hẳn anh biết tôi nghĩ gì. Giải tán!”
Chuẩn tướng rời khỏi hố xí, còn thiếu úy Dub thì, để cho vị tướng nghe thấy, lớn tiếng ra lệnh ngay bằng tiếng Đức: “Toán thứ nhất, đứng lên! Xếp hàng bốn! Toán thứ hai…”
Trong khi đó, Švejk bỏ ra ngoài. Khi đi qua thiếu úy Dub, anh giơ tay chào theo đúng quy định. Mặc dù vậy, thiếu úy tuyên bố: “Chào sai!” và thế là Švejk phải chào lại lần nữa, đồng thời cũng lại phải nghe: “Anh có biết tôi không? Anh không biết tôi! Anh biết tôi từ mặt tốt, nhưng cho đến khi anh biết tôi từ mặt xấu thì tôi sẽ buộc anh phải khóc!”
Binh Slavická dịch
(Nguồn: Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới, tập III-IV, © NXB Phụ nữ Việt Nam 2021)
[1] Một thành phố nhỏ vùng Nam Séc, cách České Budějovice khoảng 51 km về phía tây bắc. Tại Písek có Sở Hiến binh huyện mà Švejk đã được giải đến đó, kết thúc chuyến đi vòng quanh từ Tábor tới České Budějovice của anh.
[2] Thành phố ở miền Bắc Serbia, cách Beograd khoảng 170km về phía đông bắc.
[3] Růžena Jensenská (1863–1940), nhà văn, nhà thơ và nhà giáo Séc.
Chấm sao chút:
Đã có 2 người chấm, trung bình 4.5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3