Judith Butler, Yêu sách của Antigone (trích)
Antigone bị mắc kẹt trong một mạng lưới các quan hệ không tạo ra vị trí rõ ràng trong thân tộc.

Antigone bị mắc kẹt trong một mạng lưới các quan hệ không tạo ra vị trí rõ ràng trong thân tộc.
Judith Butler sinh năm 1956, hiện giảng dạy tại Khoa Văn học so sánh và chương trình Lý thuyết phê phán tại Đại học California, Berkeley. Bà là một triết gia, nhà nghiên cứu giới rất có ảnh hưởng, đồng thời là người luôn ủng hộ một cuộc đời đáng sống dành cho con người (đặc biệt là phụ nữ, người không theo quy chuẩn giới thông thường, người thuộc nhóm thiểu số về tính dục). Câu nói của bà được trích dẫn nhiều và rất được ủng hộ là “Cuộc đời đáng sống hơn khi ta không bị giam cầm trong những phạm trù không phù hợp với mình, những phạm trù áp đặt và lấy đi tự do của mình” (phát biểu trong hội thảo “Why Bodies Matter” (Lisbon, 2015) nhân kỷ niệm 25 năm xuất bản cuốn sách Gender Trouble: Feminism and the Subversion of Identity).
Yêu sách của Antigone là công trình đầu tiên của Judith Butler được dịch ra tiếng Việt. Công trình là bản cô đúc các bài giảng của bà tại các trường đại học lớn như Đại học California, Cornell và Princeton năm 1998, bàn về tác phẩm kinh điển Antigone của Sophocles, “vở kịch được đề cập nhiều nhất trong lịch sử triết học và lý thuyết chính trị phương Tây”[1]. Vở kịch, nằm trong bộ ba câu chuyện thành Thebes kể về gia đình bi thương của ông vua Oedipus giết cha lấy mẹ, nói về số phận cô con gái Antigone – kết quả của mối tình oan nghiệt này, là tác phẩm tưởng chừng khép lại câu chuyện ấy, song cũng mở ra những tranh cãi vô tận cho đến ngày nay. Trong vô số các công trình kinh điển bàn về Antigone, Yêu sách của Antigone của Judith Butler là một dấu mốc xuất sắc. Theo nhận xét của John Seery, cuốn sách là “một trong những tác phẩm quan trọng nhất của giới học thuật trong 50 năm qua”, không những vậy, “một cách đọc như thế về một văn bản cổ điển chỉ khoảng 2.500 năm mới xuất hiện một lần”[2], mặc dù còn nhiều luận điểm cần tiếp tục được tranh luận và bàn thêm. Vậy, cuốn sách này có điều gì thú vị và quan trọng đến thế?
Bối cảnh để Judith Butler bước vào “đấu trường tranh cãi” về Antigone là bối cảnh của nữ quyền luận và nghiên cứu giới. Ở đó, Antigone thường được cho là hình ảnh của nữ giới, đại diện cho gia đình và thân tộc. Song, Butler chất vấn tất cả những điều này: Thứ nhất là bản thân tính đại diện của Antigone, ở chỗ nàng là một nhân vật hư cấu, không thể dễ dàng được đem ra làm hình mẫu mà không rơi vào phi thực tế. Thứ hai, Antigone khó lòng là đại diện tiêu biểu cho nữ quyền, vì chính nàng cũng dính líu vào quyền lực mà nữ quyền đang chống lại. Bản thân Antigone cũng không phải hình mẫu phụ nữ thuần túy: nàng không hành động, nói năng như nữ giới, không lấy chồng, sinh con. Antigone cũng khó lòng đại diện cho thân tộc, vì những rắc rối, lệch chuẩn của thân tộc mà nàng gắn vào: nàng là đứa con sinh ra trong một gia đình loạn luân – Oedipus giết cha (Laius), lấy mẹ (Jocasta) và sinh ra Polyneices, Eteocles, Antigone, Ismene; nàng chỉ yêu và chết vì người anh trai Polyneices chứ không phải vì bất cứ một người thân nào khác.
Như vậy, theo Butler, các cách đọc Antigone từ góc độ tính đại diện cần phải bị chất vấn, và cần có một cái nhìn khác về Antigone. Nàng không hoàn toàn thuộc về nữ giới, không hoàn toàn đại diện cho thân tộc theo nghĩa lý tưởng, vậy nàng thuộc về đâu? Butler cho rằng Antigone thuộc về lĩnh vực của sự hàm hồ (ambiguity), ta sẽ không thể hiểu rõ nhân vật nếu bỏ qua tính hàm hồ này, và chính điều đó làm nên sức sống của Antigone. Cuốn sách chính là nỗ lực của Butler để chứng minh Antigone là một nhân vật có khả năng mở ra những khả thể, khiến chúng ta buộc phải suy nghĩ lại và phần nào mở rộng ranh giới của những quy chuẩn tưởng chừng tự nhiên và bất di bất dịch, trong lịch sử cũng như trong đời sống. Ta cũng sẽ thấy ở đây các khái niệm làm nên xương sống cho cả sự nghiệp của Butler cho đến hiện nay: khái niệm về chủ thể ham muốn (subject of desire), tính biểu hành (performativity) và tính bấp bênh (precarity) của đời sống con người trên thế gian.
Ngoài phần chính văn Yêu sách của Antigone, ấn phẩm này còn có phần phụ lục nhằm rộng đường cho độc giả mong muốn hiểu biết thêm về cuốn sách cũng như tư tưởng của tác giả. Phụ lục 1 là bài viết nổi tiếng của Judith Butler “Hành vi biểu hành và sự cấu tạo giới: Một tiểu luận về hiện tượng học và lý thuyết nữ quyền”, đăng lần đầu trên Tạp chí sân khấu (Theatre Journal) do Đại học Johns Hopkins xuất bản. Đây là một văn bản quan trọng thời kỳ đầu, trong đó bà xây dựng các ý tưởng cơ bản cho những phát triển nghiên cứu sau này, đặc biệt là ý niệm cho rằng sự kiến tạo giới gắn với hành động biểu hành. Bài viết được dịch và đăng trọn vẹn với sự cho phép của tác giả và Nhà xuất bản Đại học Johns Hopkins. Phụ lục 2 là một trích đoạn trong nội dung Lacan bàn về Antigone, một trong những văn bản có ảnh hưởng nhất trong lịch sử tiếp cận tác phẩm, và được Butler đề cập, tranh luận trong cuốn sách của mình.
Chúng tôi tin rằng, thông qua Yêu sách của Antigone, độc giả không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng một cách đọc cực kỳ thông minh và trí tuệ của một trong những học giả sáng giá của thời đại chúng ta, mà còn có thể tham gia vào lĩnh vực tranh luận đang sôi nổi và nhiều đột phá nhất hiện nay của giới học thuật: nghiên cứu giới và người thiểu số.
Trân trọng giới thiệu với quý độc giả!
Sài Gòn, tháng 6 năm 2021
Nguyễn Thị Minh và Bùi Văn Nam Sơn
[1] Bonnie Honig, Antigone, Interrupted, Cambridge University Press, 2013. (ND – Các chú thích ghi “ND” là của người dịch; “TG” là của tác giả.)
[2] John Seery, Acclaim for Antigone’s Claim Reclaimed (or, Steiner, contra Butler), Theory and Event, Tập 9, Kỳ 1, Johns Hopkins University Press, 2006. Judith Roof trong bài viết “Antagone: A Play in Three Acts” còn hình dung cuốn sách như một màn kịch mô phỏng Sophocles, trong đó sân khấu là giảng đường đại học, Judith Butler vừa đóng vai Antagone, người muốn giành lại công lý cho Antigone, có sự hậu thuẫn của các lý thuyết gia như Michel Foucault, nhà nữ quyền luận như Juliet Mitchell chống lại các đại diện của chế độ phụ quyền như G. W. F. Hegel và Jacques Lacan, vừa đóng vai nhà tiên tri Teiresias dự báo về một tương lai sắp đến dành cho những người lệch chuẩn
(The New Centennial Review, Spring 2002, Tập 2, Số 1, tr. 259-266). (ND)
Trong nghiên cứu của George Steiner về những cách chiếm dụng Antigone theo dòng lịch sử, ông đặt ra một câu hỏi gây tranh cãi mà không theo đuổi tới cùng: Điều gì sẽ xảy ra nếu phân tâm học lấy Antigone, thay vì Oedipus, làm xuất phát điểm của mình?[2] Oedipus chắc chắn có số phận bi kịch của riêng ông, nhưng số phận của Antigone thì chắc chắn là sau Oedipus. Mặc dù các anh của nàng bị cha minh nhiên nguyền rủa, song liệu lời nguyền có tác dụng với nàng không, và nếu có thì thông qua phương tiện lẩn lút và mặc nhiên nào? Dàn đồng ca nhận xét rằng, có điều gì đó trong số phận của Oedipus chắc chắn đang tác động đến nàng, nhưng nàng đã phải mang gánh nặng lịch sử nào? Oedipus rốt cuộc biết được rằng, mẹ và cha ông là ai, nhưng phát hiện ra rằng, mẹ cũng chính là vợ của mình. Cha của Antigone là anh trai của nàng, vì cả hai đều có chung một bà mẹ là Jocasta, và các anh trai của nàng đồng thời là cháu, là con của người anh trai cũng là cha nàng, Oedipus. Các đơn vị của thân tộc trở nên nhập nhằng không thể phân giải được. Đây có phải là một phần bi kịch của nàng không? Có phải sự nhập nhằng này của thân tộc dẫn đến cái chết hay không?
Antigone bị mắc kẹt trong một mạng lưới các quan hệ không tạo ra vị trí rõ ràng trong thân tộc. Nói cho nghiêm ngặt, nàng không phải ở bên ngoài thân tộc hay, thực vậy, không phải là bất khả niệm (unintelligible)[3]. Người ta có thể hiểu được hoàn cảnh của nàng, nhưng chỉ với một nỗi khiếp sợ nhất định. Thân tộc không chỉ đơn thuần là một tình huống mà nàng sống, mà còn là một tập hợp các thực hành mà nàng thực hiện, các quan hệ được tái lập theo thời gian chính xác thông qua thực hành lặp lại chúng. Khi chôn cất anh trai mình, thì không chỉ đơn giản là nàng hành động xuất phát từ thân tộc, như thể thân tộc cung cấp một nguyên tắc cho hành động, mà hành động của nàng là hành động của thân tộc, sự lặp lại có tính biểu hành tái lập thân tộc như một vụ việc gây tai tiếng công khai. Thân tộc là những gì nàng lặp lại thông qua hành động của mình; triển khai lại một công thức từ David Schneider, nó không phải là một hình thức tồn tại mà là một hình thức thực hiện[4]. Và hành động của Antigone làm cho nàng dính líu vào một sự lặp lại lệch chuẩn của một quy chuẩn, một phong tục, một quy ước, không phải luật chính thức mà là một quy định giống như luật của văn hóa, vận hành với tính bất tất của riêng nó.
Nếu ta nhớ lại rằng, đối với Lacan, cõi Tượng, tức bộ quy tắc chi phối việc sở đắc lời nói và tính có thể nói bên trong văn hóa, bị thúc đẩy bởi lời nói của người cha, thì lời nói của người cha chắc chắn có tác động đến Antigone; có thể nói, những lời của người cha là môi trường trung gian, trong đó nàng hành động, và bằng tiếng nói của chúng, nàng bào chữa cho hành động của mình. Nàng truyền đạt những lời này theo hình thức lệch chuẩn, truyền đạt chúng một cách trung thành, và phản bội chúng bằng cách đưa chúng đi theo những hướng mà chúng không bao giờ được dự định. Những lời này được lặp lại, và tính có thể lặp lại của chúng phụ thuộc vào sự sai lệch mà việc lặp lại thực hiện. Sự lệch chuẩn là lời nói và hành động của nàng tạo điều kiện cho những truyền đạt như thế. Thật vậy, nàng đang truyền đạt cùng lúc nhiều hơn một diễn ngôn, vì yêu cầu đối với nàng đến từ nhiều nguồn: anh trai nàng cũng tha thiết thỉnh cầu nàng chôn cất tử tế cho mình[5], một yêu cầu, theo một cách nào đó, xung đột với lời nguyền mà Oedipus đã giáng xuống con trai của mình, là chết trong trận chiến, và phải xuống Địa ngục[6]. Hai yêu cầu này hội tụ và tạo ra một sự can thiệp nhất định vào việc truyền đạt lời của người cha. Rốt cuộc, nếu cha là anh trai, vậy cuối cùng sự khác biệt giữa họ là gì? Và điều gì nâng yêu cầu của Oedipus lên cao hơn so với yêu cầu của Polyneices?
Những lời nói đó có tác động đến nàng, nhưng điều đó có nghĩa là gì? Bằng cách nào mà một lời nguyền lại chỉ định cho hành động, mà chính hành động này ứng nghiệm lời tiên tri vốn cố hữu trong lời nguyền ấy? Tính thời gian của lời nguyền là gì, để cho những hành động mà Antigone thực hiện lại tạo ra sự nhập nhằng giữa những lời tác động đến nàng, để nàng đau khổ, và hành động mà chính nàng thực hiện là gì? Làm thế nào ta hiểu được luật (nomos) kỳ lạ của bản thân hành động đó? Làm thế nào mà lời nói của cái Khác trở thành hành động của chính ta, và tính thời gian của sự lặp lại này là gì, trong đó hành động do lời nguyền tạo ra, theo một cách nào đó, là một sự lặp lại lệch chuẩn, cái khẳng định rằng lời nguyền tạo ra những hậu quả khôn lường?
Tất nhiên, Oedipus vô tình ngủ với mẹ mình, giết cha mình, và bị buộc phải lưu vong, có Antigone theo cùng. Trong Oedipus ở Colonus, hai cha con họ, cùng với một nhóm nhỏ gồm những người đi theo, được Theseus cho trú ẩn trong một vùng đất do Athens cai quản.
Oedipus biết rằng các con trai của ông đã minh nhiên cấm ông quay trở lại Thebes, và cũng biết rằng chúng đã chống lại nhau trong một cuộc chiến gay gắt để giành lấy ngai vàng. Đến cuối vở kịch đó, là vở thứ hai của bộ ba, Polyneices đến thăm Oedipus và kêu gọi ông quay trở lại. Oedipus không chỉ từ chối mà còn nguyền rủa Polyneices, rằng “ngươi sẽ không bao giờ giành được mảnh đất quê hương… mà sẽ chết trong tay anh ngươi, và giết nó, kẻ đã xua đuổi ngươi đi” (1385–1393).
Antigone đứng bên cạnh, khuyên cha hãy nhân từ với Polyneices, nhưng ông không nghe con gái. Và không rõ liệu kẻ tung đòn chí mạng là Eteocles, người em trai có hành động giết Polyneices, hay là Oedipus, với lời nguyền vừa tiên đoán vừa trao quyền cho chính cú đòn đó. Tuy vậy, Polyneices bất chấp sự phản đối của Antigone, vẫn quyết định tham gia trận chiến với Eteocles, và Antigone bị bỏ lại, kêu lên “Trái tim em đã tan vỡ!”. Sau đó, nàng nói một lời báo trước rằng, bản thân nàng đã sớm biết số phận của chính mình: “Anh ơi, ai mà không thương xót, nhìn thấy anh lao vào cái chết nhãn tiền, khi anh đi với đôi mắt mở to nhìn thần chết!” (Grene 1645–1649). Thật vậy, Antigone sẽ, và – theo trình tự thời gian của các vở kịch – “đã” trải qua chính xác số phận mà nàng dự đoán cho anh mình, biết chết mà vẫn lao vào.
Antigone không chỉ mất anh trai vì lời nguyền của cha, là lời nguyền mang lại sức mạnh hủy diệt theo đúng nghĩa đen, mà sau đó còn mất cha vì cái chết, bởi lời nguyền đối với ông. Lời nói và việc làm dính vào nhau một cách chết người trong tình cảnh của gia đình này. Các hành động của Polyneices và Eteocles dường như ứng nghiệm và thực hiện lời nói của người cha, nhưng lời nói – và những việc làm của người cha này – cũng chịu sức ép buộc từ một lời nguyền dành cho ông, lời nguyền của Laius. Antigone lo lắng về số phận của họ ngay cả khi nàng bắt đầu khởi sự hành động của riêng mình, theo đó cái chết là một cái kết tất yếu. Ham muốn cứu những người anh em thoát khỏi số phận của họ dường như bị ham muốn cùng tham gia vào số phận đó lấn át.
Trước khi chết, Oedipus nói những lời thiết lập một lời nguyền. Ông nói những lời cuối dành cho Antigone, nhưng hiệu lực của những lời cuối này sẽ ràng buộc Antigone với ông. Lời trăng trối của ông kết thúc bằng việc nàng vĩnh viễn không có tình yêu, do Oedipus yêu cầu sự trung thành, một yêu cầu gần giống với hành vi sở hữu có tính loạn luân: “Không ai từng dành cho các con tình yêu lớn hơn người đàn ông này, từ giờ các con sẽ phải dành phần đời còn lại của mình mà không có người đàn ông đó” (1617–1619)[7]. Lời nói của ông tạo ra một hiệu lực theo thời gian, vượt quá tính thời gian khi tuyên bố: Chúng đòi hỏi nàng mãi mãi không có người đàn ông nào ngoại trừ người đàn ông đã chết, và mặc dù đây là một yêu cầu, một lời nguyền, do Oedipus, tự cho ông là người đàn ông duy nhất của nàng, tạo ra, rõ ràng là nàng vừa tôn trọng, vừa không tuân theo lời nguyền này, khi nàng chuyển tình yêu dành cho cha sang anh trai mình. Thật vậy, nàng coi anh trai là người đàn ông duy nhất của mình – nàng sẵn sàng mạo hiểm bất chấp chỉ dụ được ban ra, không phải vì người họ hàng nào khác ngoại trừ Polyneices. Vì vậy, nàng phản bội Oedipus ngay khi thực hiện những điều mục trong lời nguyền của ông[8]. Nàng sẽ chỉ yêu một người, là người đã chết, và do đó nàng sẽ không yêu ai. Nàng tuân theo yêu cầu của ông, nhưng tuân theo một cách hỗn chuẩn (promiscuously[9]), vì ông rõ ràng không phải là người đàn ông duy nhất đã chết mà nàng yêu, và, quả thực, không phải là người cuối cùng. Có phải tình yêu dành cho người này không liên quan gì đến tình yêu dành cho người kia không? Và khi chính “người anh trai quý giá nhất” của nàng, người mà, vì anh ta, nàng thực hiện hành động vừa tội phạm vừa vinh quang, liệu có xác định được rõ người anh này là Polyneices, hay đó chính là Oedipus?
Biết rằng mình sắp chết, Oedipus hỏi “Và liệu họ có khâm liệm xác ta trong đất Theban không?” (406) và biết rằng tội ác của mình làm cho điều đó là bất khả. Do đó, ông được Theseus chôn mà không ai nhìn thấy, kể cả Antigone. Sau đó, Antigone, trong vở kịch mang tên nàng, bắt chước hành động của Theseus mạnh mẽ và chân chính, chôn cất anh trai không cho ai nhìn, và đảm bảo vong hồn (shade) của Polyneices là một phần của cát bụi Theban. Sự chôn cất quyết đoán của Antigone, mà nàng thực hiện hai lần, có thể được hiểu là cho cả hai, một cuộc chôn cất đồng thời phản ánh và xác định sự nhập nhằng của người anh và người cha. Rốt cuộc, với nàng, họ đã có thể thay thế cho nhau, nhưng hành động của nàng tái tạo và bàn lại về tính có thể thay thế đó.
Mặc dù Sophocles đã viết Antigone vài năm trước khi viết Oedipus ở Colonus, song hành động trong Angtigone lại diễn ra sau hành động trong Oedipus ở Colonus. Sự đến muộn này có ý nghĩa gì? Có phải ta chỉ có thể hiểu được những lời nói thúc đẩy hành động khi hồi cố về nó hay không? Có phải là những hàm ý của lời nguyền, được hiểu là hành động mở rộng, chỉ có thể hiểu theo kiểu hồi cố không? Hành động được lời nguyền dự đoán cho tương lai hóa ra là một hành động đã xảy ra từ đầu, để cho vận động về phía trước của thời gian chính xác là những gì bị đảo ngược thông qua tính thời gian của lời nguyền. Lời nguyền thiết lập tính thời gian cho hành động mà nó dẫn dắt đến, là cái có trước chính lời nguyền ấy. Những lời này mang đến tương lai điều đã luôn luôn xảy ra rồi.
Antigone sẽ không yêu ai ngoại trừ người đàn ông đã chết, nhưng theo một nghĩa nào đó, nàng cũng là một người đàn ông. Và đây là danh hiệu mà Oedipus ban cho nàng, một món quà hoặc phần thưởng cho lòng trung thành. Khi Oedipus bị lưu đày, Antigone chăm sóc ông, và với lòng trung thành, nàng được coi là một “nam nhi” (aner). Thật vậy, nàng trung thành đi theo ông vào nơi hoang vắng, nhưng có lúc sự đi theo ấy vô hình trung lại thành cảnh tượng trong đó nàng dẫn dắt ông: “Đi, đi lối này theo con, vì cha không nhìn thấy, thưa cha, hãy đi theo nơi con dẫn dắt cha!” (183–184).
Thật vậy, nàng ngay lập tức rơi vào lời nguyền trung thành với một người đàn ông đã chết, lòng trung thành khiến nàng trở nên nam tính, buộc nàng đạt được thuộc tính mang sự chuẩn thuận của ông, để rồi ham muốn (desire) và sự đồng nhất (identification) bị xáo trộn trong một ràng buộc u sầu. Oedipus rõ ràng hiểu rằng, giới chính là một cái gì đó thuộc về lời nguyền, vì một trong những cách ông lên án các con trai của mình là đưa ra lời buộc tội thông qua thủ pháp đảo ngược giới theo kiểu phương Đông:
Hai con đang tuân theo những phong tục phổ biến ở Ai Cập trong bản tính và việc nuôi dưỡng đời sống! Ở cái xứ đó, đàn ông đàn ang ngồi khung cửi xó nhà, để cho vợ làm việc bên ngoài cung phụng. Còn trong trường hợp các con, các con của ta, những đứa con trai lẽ ra phải làm công việc nặng nhọc này, thế mà chúng lại ngồi giữ nhà như đàn bà, và hai con ở vị trí của chúng, chịu gánh nặng u sầu của người cha bất hạnh này. (337–344, tôi nhấn mạnh)
Sau đó, Oedipus cho rằng, theo đúng nghĩa đen, Ismene và Antigone đã hoàn toàn thay thế những người anh của mình, từ đó mà có được nam tính. Đề cập đến những đứa con trai, ông nói:
Nếu không có những đứa con gái này chăm sóc cho ta, thì ta đã không sống nổi, vì tất cả những gì các ngươi đã làm với ta. Nhưng cũng giống như chúng bảo vệ ta, là người chăm nuôi ta, chúng là đàn ông, không phải phụ nữ, khi chúng đến phụng sự cho ta; còn các ngươi là con trai của một kẻ nào khác kia, không phải con trai của ta. (1559–1563)
Các con gái của ông, do đó, trở thành con trai của ông, nhưng cũng chính những đứa con này (Antigone và Ismene), ông nói trước đó, cũng là “các em” của ông (328). Và vì vậy, ta đi đến một cái gì đó giống như rắc rối thân tộc (kinship trouble)[10] ở tâm điểm của Sophocles. Sau đó, Antigone đã thay vị trí của anh trai mình; khi nàng cắt đứt với Ismene, nó phản ánh sự cắt đứt mà Polyneices thực hiện với Eteocles, do đó, nàng hành động, có thể nói, như các anh nàng đã làm. Vì thế, vào thời điểm vở kịch này kết thúc, nàng, vì thế, đã giữ vị trí của hầu như mọi người đàn ông trong gia đình mình. Đây có phải là tác động của những lời đó đến nàng không?
Thật vậy, ở đây những lời nói thi hành một quyền lực nào đó không rõ ràng ngay lập tức. Chúng hành động, chúng thực hiện một loại lực biểu hành nào đó, đôi khi chúng rõ ràng có hậu quả bạo lực, khi ngôn từ hoặc cấu thành, hoặc sinh ra bạo lực. Thật vậy, đôi khi có vẻ như những ngôn từ đó hoạt động theo hình thức ở lời, thực hiện việc làm mà chúng gọi tên trong chính khoảnh khắc gọi tên. Với Hölderlin, điều này cấu tạo nên một loại hiệu lực chết người của ngôn từ trong sáng tác Sophocles. Hãy xem xét khoảnh khắc trong đó dàn đồng ca trong Oedipus ở Colonus nhắc nhở Oedipus về tội ác của mình, một tự sự bằng lời về hành động trở thành hình phạt nghiêm khắc cho hành động đó. Chúng không chỉ tường thuật các sự biến, mà còn đưa ra lời buộc tội, buộc ông phải thừa nhận và giáng xuống một hình phạt thông qua cách đề cập đầy chất vấn:
Dàn đồng ca: Kẻ bất hạnh, rồi sao? Ngươi đã giết… cha ngươi phải không?
Oedipus: Khốn khổ! Ngươi đã giáng cho ta một cú đánh thứ hai, đau đớn chồng lên đau đớn!
Dàn đồng ca: Ngươi đã giết ông ta!
(542–545)
Vì vậy, Oedipus bị dàn đồng ca tấn công bằng lời vì đã tấn công và giết cha mình; việc kết tội lặp lại bằng lời đó, một lần nữa tấn công vào nơi Oedipus đã bị tổn thương, và nơi mà ông, do đó, lại bị tổn thương một lần nữa. Ông nói “Ngươi lại tấn công ta lần nữa” và họ tấn công lần nữa, tấn công bằng lời, lặp lại “Ngươi đã giết ông ta”; và dàn đồng ca, được đề cập một cách hàm hồ là “Các vị thần ở trên trời”, nói với hiệu lực mà ngôn ngữ của thần linh có được. Những cảnh như vậy, chắc hẳn, đã khiến Hölderlin nhận xét về tính chất nguy hiểm chết người của lời nói trong “Anmerkungen zur Antigone” của ông: “Ngôn từ trở thành hiện thực trung giới ở chỗ nó nắm giữ cơ thể cảm giác. Ngôn từ của bi kịch Hy Lạp có tính hiện thực chết người [tödlichfaktisch], bởi vì nó thực sự nắm lấy cơ thể giết người.”[11]
Vấn đề không phải chỉ là những lời này giết chết Oedipus theo một nghĩa ngôn ngữ và tâm lý nào đó, mà những lời này, bao gồm lời nguyền trước đó của Laius đối với ông, đưa ông đến chỗ phạm tội loạn luân và giết người. Khi giết người, ông ứng nghiệm hay hoàn tất những lời lẽ áp đặt lên mình; hành động của ông trở nên không thể tách rời khỏi hành động đã được nói ra, một điều kiện mà chúng ta có thể nói về cả lời nguyền mà hành động kịch phản ánh, lẫn cấu trúc của chính hành động kịch. Đây là những lời mà người ta truyền đạt, nhưng chúng không được người nói chúng tạo ra hoặc duy trì một cách tự trị. Theo cách nói của Hölderlin, chúng xuất hiện từ một cái miệng được truyền cảm hứng hoặc bị điều khiển (aus begeistertem Munde) và nắm giữ cơ thể giết người. Những lời này được nói cho Oedipus, nhưng ông cũng lại tái diễn tổn thương của mình, có thể nói, khi những lời nói của ông nắm lấy và giết chết các con trai ông, nắm giữ chúng và làm cho chúng giết người, khi lời nói của ông cũng nắm giữ và biến cơ thể của con gái ông, Antigone, thành nam giới. Và chúng làm điều này chính xác bằng cách trở thành những lời hành động trong thời gian, mà tính thời gian của chúng vượt quá khung cảnh phát ngôn, trở thành ham muốn của những người chúng chỉ mặt đặt tên, lặp lại và đầy ma thuật, mang lại ý thức về một quá khứ tất yếu và dai dẳng chỉ bằng hồi cố, được phát ngôn dự đoán xác nhận, nơi sự dự đoán trở thành hành động ngôn từ xác nhận một cái tất yếu đã có hiệu lực.
Nguyễn Thị Minh dịch và chú giải, Bùi Văn Nam Sơn chủ trương và hiệu đính, NXB Phụ nữ, 2021 (tr. 117-129).
[1] Trong nguyên bản là “promiscuous obedience”, chữ “promiscuous” có nguồn gốc từ tiếng La tinh “promiscuus”, là sự ghép lại của hai yếu tố “pro” và “miscere” (“mix”, nghĩa là trộn lẫn), chỉ sự pha trộn, không phân biệt, việc nhóm họp các cá nhân lại với nhau không theo trật tự. Bắt đầu từ thế kỷ XIX, từ này có nét nghĩa liên quan đến tính dục, chỉ quan hệ lang chạ, bừa bãi. Như vậy từ này vừa có nghĩa tích cực – chỉ một cách tiếp cận không phân biệt đối xử, không theo quy luật nhân quả, vừa có nghĩa tiêu cực chỉ sự hỗn loạn, lộn xộn, bừa bãi. Ở đây chúng tôi dịch “promiscuous” là “hỗn chuẩn”, vì đặt nó trong hệ thống từ vựng “giải quy chuẩn” của Butler, bên cạnh từ “lệch chuẩn” ở chương 2. Tiêu đề của chương nói lên tình cảnh của Antigone khi vâng theo lời cha nhưng cũng phản bội cha vì nàng lại dành tình yêu duy nhất cho người anh trai của mình (trớ trêu ở chỗ, Oedipus cũng là anh trai nàng). Từ trường hợp rất cá biệt này, Butler suy tư và chất vấn tính cứng nhắc của quy chuẩn. Đây cũng là chương hay nhất của cuốn sách, trong đó Butler nêu ra những ý tưởng chủ đạo về cách nhìn Antigone từ góc độ ham muốn loạn luân. Chương này được trích trong phần II có tựa đề “Incestuous Desire: Sexuality, Kinship and Psychoanalytical Approaches” của cuốn Feminist Readings of Antigone (State University of New York, Suny Press, 2010). (ND)
[2] Steiner, Antigones, tr. 18. (TG)
[3] Xem chú thích về “tính khả niệm văn hóa” (trang 36). (ND)
[4] David Schneider, A Critique of the Study of Kinship (Ann Arbor: University of Michigan Press, 1984), tr. 131. (TG)
[5] Trong Oedipus ở Colonus, sau khi bị cha nguyền rủa, Polyneices đã nói với Antigone: “Anh xin em, nếu lời nguyền của cha ứng nghiệm, và em có trở về nhà, xin đừng khinh bỏ anh, mà hãy đắp cho anh nấm mộ và mai táng” (Sophocles: Antigone, Women of Trachis, Philoctetes, Oedipus at Colonus, Hugh Lloyd-Jones dịch và chủ biên, Loeb Classical Library, Harvard University Press, 1994, tr. 561). (ND)
[6] Lời Oedipus (trong Oedipus ở Colonus, tlđd) là như sau: “Hãy biến đi, ta không còn là cha ngươi nữa, ta phỉ nhổ vào ngươi, kẻ bất lương hơn mọi kẻ bất lương, hãy mang theo những lời nguyền ta dành cho ngươi, ngươi sẽ không bao giờ giành được mảnh đất quê hương, cũng sẽ không thể trở về với đám tàn quân Argos, mà sẽ chết trong tay anh của ngươi, và giết nó, kẻ đã xua đuổi ngươi đi! Đó là lời nguyền của ta, và ta cầu mong bóng tối đáng ghét của Tartarus (tức Địa Ngục, nơi những linh hồn tội lỗi bị đày đọa và trừng phạt) cho ngươi nơi ở mới, và ta cầu mong các nữ thần, mong thần chiến tranh, sẽ tiêm nhiễm sự căm ghét ác nghiệt này vào đầu óc các ngươi! Giờ thì ngươi đã nghe thấy rồi đấy, hãy đi đi, nói cho quân của Cadmus cùng những đồng minh đáng tin cậy của ngươi rằng, đó là phần thưởng mà Oedipus này ban cho các con trai của ông ta” (tr. 559). (ND)
[7] Thực ra thì câu nói này không chỉ dành riêng cho Antigone, mà Oedipus nói cả với Ismene, và nhìn từ góc độ nào đó, đây có thể hiểu là lời trăng trối của người cha trước khi chết dành cho những đứa con gái yêu dấu của mình. Điều này cũng được Rachel Bowlby nhắc đến trong bài viết “The Constancy of Kinship”, đăng trên Cambridge Quarterly, 2003, Tập 32, Số 1, năm 2003, tr. 79. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận giả thuyết của Butler là những lời này quả tình có thể tác động sâu sắc đến Antigone. Hơn nữa, Oedipus không nói “không ai yêu các con hơn người cha này”, mà nói “người đàn ông này”. (ND)
[8] Cách diễn giải của Butler khác với những nhà phân tích khác ở chỗ, bà nhận ra rằng Antigone đồng thời vừa nghe theo, vừa chống lại những lời nguyền dành sẵn cho mình. (ND)
[9] Nếu muốn giữ lại ý nghĩa tính dục của từ “promiscuous” này, có thể dùng các từ tiếng Việt tương ứng, chẳng hạn “lang chạ” hay “lăng nhăng”. Tuy nhiên, ở đây vấn đề của Antigone mà Butler đặt ra không hẳn là vấn đề tính dục nhiều cho bằng vấn đề loạn chuẩn hay hỗn chuẩn. Điều đưa Antigone trở thành một hình tượng tham gia vào đời sống đương đại là trường hợp của nàng có thể chất vấn các quy chuẩn. Bản thân Butler cũng hay dùng họ từ “promiscuous” để chỉ thái độ không phân biệt trong việc tiếp cận, kết hợp quan điểm của các lý thuyết gia tưởng chừng rất mâu thuẫn nhau và không thể đứng cùng một dòng. Trong Lời tựa Gender Trouble năm 1999, bà tự hào cho rằng “tính hỗn chuẩn về trí tuệ (intellectual promiscuity) của văn bản chính là dấu ấn Mỹ của nó, khác với Pháp”. Sau này trong bài trả lời phỏng vấn của Pierpaolo Antinello và Roberto Farneti có tựa đề “Antigone’s Claim: A Conversation with Judith Butler”, bà cũng nhắc đến việc mình có thể tự do sử dụng triết học châu Âu, đọc Foucault, Gadamer, Levinas nhưng không trở thành người theo các trường phái trên, đưa tư duy của các lý thuyết gia tưởng chừng không liên quan đến gần nhau, chỉ vì bà thấy có hiệu quả. Với một số người, đó có thể là kiểu hỗn chuẩn về trí tuệ đặc trưng cho kiểu tư duy nào đó ở Mỹ, nhưng không gọi nó là “của Mỹ”. Như vậy, từ này đã được Butler sử dụng trong nhiều văn cảnh khác nhau, và không nhất thiết liên quan đến tính dục. (ND)
[10] Từ “trouble” (rắc rối) đã là từ gắn liền với Judith Butler, sau khi cuốn sách nổi tiếng của bà Gender Trouble: Feminism and the Subversion of Identity được xuất bản. Đặc biệt, với Butler và kể từ Butler, từ này đã không còn chỉ mang nghĩa tiêu cực nữa. Trong Lời tựa cho Gender Trouble năm 1990, Butler viết: “Có lẽ rắc rối không cần phải mang một giá trị tiêu cực như vậy. Trong diễn ngôn thống trị của tuổi thơ tôi, gây rắc rối là điều người ta không bao giờ nên làm, chính xác vì điều đó sẽ khiến ta gặp rắc rối. Sự nổi loạn và lời quở trách vì nổi loạn dường như cũng rơi vào vòng luẩn quẩn ấy, một hiện tượng mở ra cho tôi sự thức nhận có tính phê phán đầu tiên về mưu mẹo tinh vi của quyền lực: luật hiện hành đe dọa con người bằng rắc rối, thậm chí đẩy họ vào rắc rối, tất cả chỉ để làm cho họ thoát khỏi rắc rối. Vì thế, tôi đi đến kết luận là, đằng nào ta cũng không tránh khỏi rắc rối, và nhiệm vụ của ta là gây rắc rối và sống trong rắc rối sao cho hiệu quả nhất” (tr. xxvii). Từ đó có thể hình dung được từ “rắc rối thân tộc” trong văn bản này với nghĩa tương tự, trong đó người gây ra rắc rối không hẳn là làm một chuyện tiêu cực mà trái lại, bắt đầu mở ra các khả thể. (ND)
[11] “Das Wort mittelbarer faktisch wird, indem es den sinnlicheren Körper ergreift. Das griechischtragische Wort ist tödlichfaktisch, weil der Leib, den es ergreift, wirklich tötet,” trong “Anmerkungen zur Antigone” trong Friedrich Hölderlin, Werke in einem Band (Munich: Hanser Verlag, 1990), tr. 64. Toàn bộ các trích dẫn tiếng Anh được trích từ “Remarks on Antigone,” Friedrich Hölderlin: Essays and Letters, Thomas Pfau biên dịch (Albany: State University of New York Press, 1977). Xem thêm Philippe LacoueLabarthe, Métaphrasis suivi de la théâtre de Hölderlin (Paris: Presses Universitaires de France, 1988), tr. 63–73. (TG)
(Sách được NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành toàn quốc tháng 10 năm 2021.)
Chấm sao chút:
Đã có 4 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3