Elena Ferrante, Người bạn phi thường (trích)
Để đi theo cậu ấy, tôi phải bỏ lại ánh sáng xanh leo lét ngoài sân để bước vào bên trong cánh cổng tối tăm.

Để đi theo cậu ấy, tôi phải bỏ lại ánh sáng xanh leo lét ngoài sân để bước vào bên trong cánh cổng tối tăm.
Giữa thập kỷ 2010, có một cơn sốt kéo qua giới độc giả các nước nói tiếng Anh: cơn sốt mang tên Elena Ferrante (Ferrante Fever). Bộ tiểu thuyết bốn tập của một tác giả không ai biết đến, từ nền văn học Ý nhiều năm gần đây không để lại tác giả nào ấn tượng, bằng một lối văn không có gì đặc sắc, kể những câu chuyện đời thường vặt vãnh ở một xó quê nghèo Napoli: câu chuyện ấy đã nhanh chóng hớp hồn, hút hồn người đọc, không chỉ vì tác giả mang một thân thế bí ẩn không ai biết là ai đã khiến giới văn chương đổ xô truy tìm tung tích suốt nhiều năm. Trên hết, đó là vì câu chuyện về tình bạn-sự ganh đua giữa hai cô gái miền quê khao khát vượt ra ngoài cuộc sống của mình, về nỗi bí bức và ngột ngạt của cảnh sống giam hãm ấy, về sự ngưỡng mộ ẩn chút tỵ hiềm với “người bạn phi thường” ở bên mình, đã được kể một cách đơn giản nhưng thấu suốt, thẳng thắn và sắc ngọt đến đáng sợ, khiến bất cứ ai ở độ tuổi nào cũng có thể bồn chồn và bất an nhận ra mình trong đó.
Zzz Blog
Chuyện về Ngài Achille
Cái lần Lila và tôi quyết định leo lên những bậc thang tối tăm dẫn từng bậc một tới cánh cửa căn hộ của Ngài Achille là khi tình bạn giữa chúng tôi bắt đầu.
Tôi nhớ ánh đèn tím leo lét ngoài sân, những mùi hương của một buổi tối mùa xuân ấm áp. Hai mẹ đang sửa soạn bữa tối và đã đến giờ phải về nhà nhưng chúng tôi nán lại vì phải vượt qua thử thách này để thử lòng dũng cảm mà không nói với nhau một câu nào. Đã một thời gian, dù ở trường hay ở ngoài, chúng tôi không làm gì ngoài việc đó. Lila đút bàn tay rồi toàn bộ cánh tay vào trong một miệng cống tối thui còn tôi cũng ngay lập tức làm tương tự, tim đập thình thịch, mong sao mấy con gián đừng bò lên da và lũ chuột không cắn mình. Lila leo lên trên cửa sổ tầng một nhà bà Spagnuolo, dựa vào thanh sắt có chăng dây phơi quần áo. Cậu ấy đu lên dây rồi thả mình trượt xuống tận vỉa hè. Tôi làm theo y hệt khi tới lượt mình, mặc dù cũng sợ ngã và sợ bị đau. Lila luồn dưới da cái kim băng mà cậu nhặt được trên đường. Tôi không rõ từ bao giờ nhưng cậu ấy đã giữ nó trong túi như món quà từ một bà tiên. Tôi quan sát mũi kim bằng kim loại xuyên một lỗ trăng trắng vào mu bàn tay của Lila rồi sau đó cậu ấy lôi nó ra và chĩa về phía tôi. Tôi cũng làm hệt như vậy.
Bỗng nhiên cậu ấy ném cho tôi một cái nhìn, một trong những ánh nhìn đặc trưng của cậu, bất động, với cặp mắt nheo nheo rồi hướng về phía khu nhà nơi Ngài Achille ở. Tôi đơ người ra vì sợ. Achille là yêu quái trong truyện cổ tích. Tôi bị cấm tuyệt đối không được lại gần lão, nói chuyện với lão, nhìn lão hay rình rập lão. Phải làm như thể lão và cả gia đình của lão không hề tồn tại. Có một nỗi sợ, một sự căm ghét không chỉ trong gia đình tôi và cũng không biết từ đâu sinh ra đối với người đàn ông này. Cách bố tôi kể về lão khiến tôi hình dung lão ta là một kẻ to lớn, người đầy nốt phồng rộp tím ngắt, một kẻ dữ dằn mặc dù có tước hiệu “Ngài”, cái tước hiệu gợi cho tôi một thứ uy quyền điềm đạm. Lão là sinh vật được tạo nên bởi vật chất gì tôi cũng không rõ – sắt, thủy tinh, cây tầm gai – nhưng là thứ sinh vật sống có hơi thở nóng bỏng phả ra từ lỗ mũi và miệng của lão. Hẳn chỉ cần nhìn thấy lão từ xa là tôi đã bị lão phóng ra cái nhìn bằng con ngươi sắc lẹm rực lửa. Giả sử tôi có điên khùng mon men đến cánh cửa nhà lão, lão sẽ giết tôi.
Tôi đợi một lát xem Lila có nghĩ lại và quay về hay không. Tôi biết cậu ấy muốn làm trò gì và đã hy vọng một cách vô ích rằng cô bạn tôi sẽ quên điều đó – nhưng không hề. Đèn cao áp còn chưa sáng và các bóng đèn trên cầu thang cũng vậy. Từ các căn hộ vang lên những giọng nói bực dọc. Để đi theo cậu ấy, tôi phải bỏ lại ánh sáng xanh leo lét ngoài sân để bước vào bên trong cánh cổng tối tăm. Tôi quyết đi theo Lila, ban đầu tôi không nhìn thấy gì mà chỉ ngửi thấy mùi hôi của đồ đạc cũ kỹ và mùi thuốc trừ sâu DDT. Tôi dần quen với bóng tối và phát hiện Lila ngồi ở bậc thềm đầu tiên của đợt thang thứ nhất. Cậu ấy đứng dậy và chúng tôi bắt đầu leo lên cầu thang.
Chúng tôi tiến lên phía trước men theo bờ tường. Cậu ấy đi trước hai bậc còn tôi đi sau hai bậc, đang đấu tranh giữa việc rút ngắn khoảng cách hoặc để kệ cho cậu ấy đi trước. Tôi vẫn còn nhớ khi đó vai mình mài lên bức tường bong tróc và cảm tưởng rằng các bậc thang rất cao, cao hơn cả tòa nhà nơi tôi ở. Tôi run run. Mỗi tiếng bước chân, mỗi giọng nói báo hiệu Ngài Achille đang ập đến từ sau lưng chúng tôi hoặc đang ở trước mặt chúng tôi với con dao chọc tiết dài của những kẻ chuyên phanh ức gà. Có mùi tỏi phi phảng phất. Maria, bà vợ của lão có khi sẽ cho tôi lên chảo dầu đang sôi, bọn trẻ con sẽ ăn thịt tôi còn Ngài Achille sẽ húp bộ não của tôi giống như khi bố tôi ăn mấy con cá phèn.
Chúng tôi dừng lại liên tục và lần nào tôi cũng mong Lila sẽ đổi ý quay đầu lại. Tôi toát hết mồ hôi, còn cậu ấy thì tôi không rõ. Thỉnh thoảng cậu ấy lại nhìn ngước lên trên nhưng tôi không hiểu cậu ấy nhìn cái gì, tôi thì chỉ nhìn thấy mấy ô cửa sổ dơ dáy ở mỗi đợt thang. Những chiếc bóng đèn bỗng sáng lên, nhưng yếu ớt và phủ đầy bụi, để lại cả một khoảng tối mập mờ đầy nguy hiểm. Chúng tôi nán lại xem có phải Ngài Achille vặn công tắc không nhưng chẳng nghe được gì dù là tiếng bước chân hay tiếng cửa mở ra đóng vào. Rồi Lila bước tiếp còn tôi theo sau.
Lila cho rằng cậu ấy đang làm một việc đúng đắn và cần thiết còn tôi thì quên sạch vì sao mình lại tới đó, mà chắc chắn rằng tôi ở đó chỉ vì có Lila. Chúng tôi từ từ leo lên tột cùng của nỗi sợ hãi lúc bấy giờ, đối mặt với nỗi sợ và nhìn thẳng vào nó.
Đến tầng thứ tư, Lila phản ứng một cách bất ngờ. Cậu ấy dừng lại đợi tôi và khi tôi bước tới nơi thì đưa tay ra đón lấy tôi. Cử chỉ này đã thay đổi mọi thứ giữa chúng tôi, thay đổi mãi mãi.
Tất cả là lỗi của cậu ấy. Cách đó không lâu – mười ngày hoặc một tháng gì đó, ai mà biết được, chúng tôi chẳng biết đến thời gian – cậu ấy lấy con búp bê của tôi để chơi khăm rồi vứt nó xuống dưới một tầng hầm. Còn giờ chúng tôi đang tiến dần tới nỗi sợ và cũng lúc ấy chúng tôi cảm thấy mình bắt buộc phải quay xuống, lao thật nhanh mà không cần biết mình chạy tới đâu. Ở trên cao hay dưới thấp chúng tôi đều có cảm giác sẽ gặp phải một thứ thật kinh khủng, dù nó tồn tại ở đó trước chúng tôi đi nữa thì những thứ ghê rợn đó vẫn luôn chờ đợi chúng tôi. Với một đứa trẻ mới chào đời chưa được bao lâu, thật khó để hiểu thảm họa là gì bắt nguồn từ cảm nhận của chúng ta về thảm họa, có lẽ người ta thậm chí không thấy cần thiết phải hiểu. Người lớn, trong lúc chờ đợi tương lai, vẫn sống ở một thực tại mà đằng sau đó là ngày hôm qua, hôm kia hoặc tối đa là tuần trước. Còn xa hơn thì họ không muốn nghĩ đến. Trẻ con không biết ý nghĩa của “ngày hôm qua”, “hôm kia” hay cả “ngày mai” là gì mà tất cả chỉ là hiện tại, bây giờ: đây là con đường, cái cổng, các bậc thang, người này là mẹ, người kia là bố, thế này là ban ngày, như kia thì là đêm. Tôi bấy giờ còn nhỏ và sau cùng con búp bê của tôi lại biết nhiều hơn về tôi. Tôi tâm sự với nó, nó tâm sự với tôi. Nó có mặt, tóc và mắt bằng nhựa dẻo. Nó mặc chiếc đầm màu xanh mà mẹ tôi may cho trong một khoảnh khắc vui vẻ hiếm hoi. Và nó rất xinh. Con búp bê của Lila thì ngược lại. Nó được làm từ một mảnh vải màu vàng nhạt đầy những đường khâu bằng tay và tôi thấy nó thật xấu xí, lem nhem. Hai con búp bê lén nhìn nhau, trầm tư. Chúng luôn chực chui vào vòng tay của chúng tôi nếu trời đổ mưa dông, sấm rung chớp giật hay có kẻ nào đó lực lưỡng hơn với hàm răng nhọn muốn vồ lấy chúng.
Chúng tôi chơi trong sân, nhưng làm ra vẻ không hề chơi cùng nhau. Lila ngồi bệt xuống đất, bên cạnh ô cửa của một cái hầm còn tôi ngồi đầu bên kia. Chúng tôi rất thích vị trí đó, nhất là vì chúng tôi có thể đặt trên bề mặt bê tông, giữa những thanh chắn ô thoáng tầng hầm và dựa vào đó đồ đạc của Tina, con búp bê của tôi và Nu của Lila. Chúng tôi để mấy hòn sỏi, nắp cài chai thủy tinh, những bông hoa nhỏ, đinh cài và những mảnh thủy tinh vỡ. Lila nói gì với Nu tôi đều nghe lỏm được và thầm thì lại với Tina, nhưng có lái khác đi một chút. Nếu cậu ấy lấy cái nắp chai đội lên đầu cho con búp bê làm mũ, thì tôi lại nói với Tina của mình bằng tiếng địa phương rằng: Tina, đội vương miện của em lên, nếu không em sẽ lạnh đấy. Nếu Nu chơi nhảy lò cò trong tay của Lila thì chỉ một lát sau tôi cũng làm y như vậy với Tina. Nhưng chúng tôi vẫn chưa bày ra trò nào để chơi chung hay để hợp tác với nhau. Thậm chí vị trí chúng tôi ngồi chơi cũng không hề có sự đồng thuận của cả hai đứa. Lila ngồi đó, tôi cũng tha thẩn ra đấy nhưng vờ như đang đi ra một chỗ khác. Rồi như không có chuyện gì, tôi mới đặt mình cạnh ô thoáng của căn hầm, nhưng ở đầu bên kia.
Điều khiến chúng tôi thích thú nhất chính là hơi mát từ trong căn hầm phả ra ngoài làm chúng tôi mát rượi cả mùa xuân lẫn mùa hè. Hai đứa bọn tôi còn thích cả những thanh chắn của ô thoáng bám đầy mạng nhện, với bóng tối và tấm lưới sắt đan khin khít đã chuyển màu đỏ vì hoen gỉ, cong lại ở cả phía tôi và Lila, tạo ra khe hở song song nên bọn tôi có thể ném sỏi xuống đó và lắng nghe tiếng những viên sỏi rơi xuống nền đất. Lúc bấy giờ mọi thứ thật tuyệt mà cũng dễ sợ. Qua những khe hở đó, bóng tối có thể bất ngờ lấy mất búp bê của bọn tôi. Đôi lúc chúng ở yên an toàn trong vòng tay của chúng tôi nhưng chủ yếu là đặt bên cạnh tấm lưới vẹo vọ nên sẽ hứng luồng khí lạnh từ căn hầm hay những âm thanh đầy hăm dọa cũng từ căn hầm vọng lại, cùng tiếng sột soạt, cót két.
Nu và Tina không vui. Những nỗi sợ hãi mà chúng tôi nếm trải mỗi ngày cũng chính là những gì mà hai con búp bê phải trải qua. Chúng tôi không tin tưởng vào ánh sáng chiếu trên những phiến đá, trên các tòa nhà, trên những cánh đồng, trên những con người trong và ngoài mỗi ngôi nhà. Chúng tôi cảm nhận được thứ ánh sáng đó đang che giấu những góc tối của họ, những cảm xúc dồn nén luôn chực nổ tung. Và bọn tôi gán cho những cái hố tối tăm đó, những cái hang nằm bên dưới các tòa nhà trong khu phố, tất cả những gì khiến chúng tôi sợ hãi dưới ánh sáng ban ngày. Như Ngài Achille chẳng hạn, lão ta không chỉ ở trong nhà của mình ở tầng trên cùng mà còn là con nhện trong số những con nhện, con chuột giữa bầy chuột, như một hình thù khoác lên mình đủ mọi hình thù khác ở dưới tầng hầm. Tôi hình dung lão ta há hốc miệng để lộ hàng răng nanh gớm ghiếc, thân hình được làm bằng đá tráng men và thảo mộc có độc, luôn sẵn sàng đón lấy tất cả những gì bọn tôi đánh rơi từ khe hở của tấm lưới sắt vào cái túi khổng lồ của lão. Cái túi ấy là điểm nhận dạng của lão, một vật bất ly thân, lão đeo nó cả khi ở trong nhà và lão nhét trong đó đủ mọi thứ dù còn sống hay đã chết.
Lila biết về nỗi khiếp sợ đó vì con búp bê của tôi cao giọng nhắc đến việc đó. Vì vậy vào chính cái ngày bọn tôi không thèm thỏa thuận mà chỉ giao tiếp với nhau bằng ánh mắt và cử chỉ, lần đầu tiên hai đứa đã đổi búp bê cho nhau. Ngay khi cầm Tina trong tay, cậu ấy đã đẩy nó qua tấm lưới sắt và để nó rơi xuống hầm tối.
Lila xuất hiện trong đời tôi năm lớp một và ngay lập tức gây ấn tượng với tôi bởi cậu ấy rất hư. Trong lớp học đó, chúng tôi đứa nào cũng có chút ngỗ ngược nhưng chỉ khi cô Oliviero không để mắt đến. Còn cô bạn tôi thì lúc nào cũng hư. Một lần cậu ấy xé vụn mẩu giấy thấm, nhét những mảnh vụn vào trong ống mực, lấy ngòi bút khều ra rồi bắt đầu ném về phía chúng tôi. Tôi bị trúng hai lần vào tóc và một lần vào cổ áo trắng. Cô giáo quát lên bằng giọng đanh thép khiến cả lớp sợ hãi, như thể cô đã biết Lila là người bày trò và yêu cầu cậu ấy lên bảng chịu phạt. Lila không nghe lời và còn chẳng tỏ chút sợ sệt, lại tiếp tục ném quanh lớp những mẩu giấy ngấm đầy mực. Cô Oliviero – lúc bấy giờ là một người phụ nữ khệ nệ và có vẻ rất già so với độ tuổi mới chừng bốn mươi của cô – bước xuống cuối lớp và lên tiếng mắng dọa Lila. Cô vấp chân vào vật gì đó không rõ và không giữ được thăng bằng nên đã ngã đập mặt vào một cạnh bàn rồi nằm sõng soài ra sàn nhà như đã chết.
Tôi không nhớ chuyện gì xảy ra ngay sau đó. Tôi chỉ nhớ thân hình bất động của cô, một cái bịch đen đen, còn Lila thì nhìn chằm chằm cô giáo với gương mặt nghiêm túc.
Tôi còn giữ trong đầu nhiều vụ tai nạn kiểu như thế. Chúng tôi sống trong một thế giới mà trẻ con và người lớn thường hay làm tổn thương lẫn nhau, từ những vết thương rỉ máu cho đến những vết thương bị nhiễm trùng và đôi khi còn mất mạng. Một trong hai cô con gái nhà bà Assunta bán rau quả từng bị thương do một cái đinh và chết vì uốn ván. Đứa con trai út của bà Spagnuolo qua đời vì bệnh viêm thanh quản cấp. Một người anh họ của tôi mới tuổi hai mươi sáng ra đi xúc vữa, tối đến đã chết vì bị lớp gạch vữa đè vào người, máu chảy ra từ tai và miệng. Ông ngoại tôi thì qua đời vì rơi xuống từ một tòa nhà mà ông đang xây dựng. Bố của ông Peluso bị máy phay gỗ bất ngờ chém mất một cánh tay. Em gái bà Giuseppina, vợ ông Peluso, chết vì lao phổi khi mới hai mươi hai tuổi. Con cả của lão Achille – tôi chưa chạm mặt bao giờ nhưng có vẻ như tôi còn nhớ anh ta – đã tham gia chiến trận và hy sinh hai lần, lần một là chết chìm ngoài Thái Bình Dương, lần hai là do cá mập ăn thịt. Cả nhà Melchiorre chết trong tư thế ôm chặt lấy nhau và la hét hoảng loạn dưới một trận mưa bom. Quý cô Clorinda già nua chết do hít phải khí gas. Hồi bọn tôi học lớp một, Giannino lớp bốn. Một hôm anh ta tìm thấy một quả bom và động vào nó nên đã thiệt mạng. Luigina, tôi chỉ nhớ mỗi tên bạn ấy, hình như đã từng chơi cùng chúng tôi trong sân hoặc không, thì chết vì sốt phát ban. Thế giới của chúng tôi là như vậy, đầy rẫy những từ ngữ chết chóc: viêm thanh quản cấp, uốn ván, sốt phát ban, khí gas, chiến tranh, máy phay, gạch vữa, công việc, bom đạn, lao phổi, nhiễm trùng. Tôi khơi lại những nỗi sợ đã đeo bám tôi suốt cả cuộc đời bằng những từ ngữ này và trong những năm ấy.
Con người ta có thể chết chỉ vì những thứ tưởng như rất bình thường. Ví như người ta có thể chết nếu đổ mồ hôi rồi uống nước lạnh từ vòi mà không làm mát cổ tay trước: người bạn có thể nổi đầy những đốm đỏ, rồi bạn bị đau họng, nghẹt mũi, khó thở. Người ta có thể chết nếu ăn quả anh đào đen mà không nhổ hột. Người ta cũng có thể chết nếu lơ đãng nuốt phải kẹo cao su khi đang nhai. Và nhất là người ta hoàn toàn có thể chết nếu trúng một cú đấm vào thái dương. Thái dương là vị trí rất dễ bị tổn thương nên ai cũng cần phải đề phòng. Chỉ cần một cú ném đá thôi, mà ném đá lại là chuyện cơm bữa với chúng tôi. Ngoài cổng trường có một nhóm trai quê, cầm đầu là một đứa tên là Enzo hay Enzuccio gì đó, một trong những đứa con nhà bà Assunta bán rau quả. Anh ta bắt đầu ném đá về phía bọn tôi. Đám con trai thấy bị sỉ nhục vì bọn tôi học giỏi hơn. Mỗi lần những cục đá lao về phía mình, bọn tôi đều bỏ chạy, trừ Lila, cậu ấy tiếp tục tiến lên từng bước đều nhau và thi thoảng còn đứng yên. Lila rất giỏi xác định quỹ đạo bay của những hòn đá và ném chúng bằng chuyển động bình tĩnh mà hôm nay tôi phải nói là vô cùng thanh lịch. Cậu ấy có một người anh trai và có thể đã học được từ anh trai mình, tôi không biết. Tôi thì có em trai mà chẳng học được gì từ chúng cả. Tuy vậy, khi nhận ra Lila đang thất thế, tôi đã dừng lại và chờ cậu ấy mặc dù rất sợ.
Lúc ấy đã có điều gì đó ngăn tôi không bỏ cậu ấy lại một mình. Tôi không hiểu rõ về cậu ấy. Chúng tôi chưa từng nói với nhau lời nào, dù hai đứa thường xuyên ganh đua với nhau cả ở trong lớp lẫn ở ngoài trường. Nhưng tôi cảm thấy bối rối nếu bỏ đi với đám con gái. Tôi sẽ để lại một phần gì đó của mình mà Lila không bao giờ trả lại nữa.
Ban đầu tôi nấp đằng sau bức tường và chỉ thò ra để xem Lila có đến chỗ mình không. Nhưng rồi có vẻ cậu ấy không động tĩnh gì, tôi buộc phải tới nhập bọn với cậu ấy. Tôi đưa cho cậu ấy mấy hòn đá rồi cả tôi cũng ném. Song tôi cứ ném một cách vô định. Tôi đã làm rất nhiều việc trong đời mà chưa từng thấy thuyết phục. Lúc nào tôi cũng cảm thấy không hoàn toàn tập trung vào những việc mình đang làm. Lila thì ngược lại, từ nhỏ – giờ tôi không biết phải nói chính xác là khi mới ở tuổi lên sáu lên bảy hay khi bọn tôi tầm tám chín tuổi, lúc cùng nhau leo lên những bậc thang dẫn đến nhà của Ngài Achille, cậu ấy đã có cái tính quyết đoán tuyệt đối rồi. Cho dù là sọc ba màu của chiếc bút mực hay một cục đá hoặc tay vịn của cái cầu thang tối om, cậu ấy đều truyền đến dự cảm rằng những chuyện sau chắc chắc sẽ xảy ra tiếp theo – phi thật chính xác chiếc bút mực vào mặt bàn gỗ, ném đạn tẩm mực, đánh bọn con trai ở nông thôn, lên đến cửa nhà Ngài Achille – cậu ấy làm mọi thứ mà không hề do dự.
Lũ con trai đến từ mỏm đất gần đường ray xe lửa, chúng dự trữ được một kho đá nằm giữa đường ray. Tên cầm đầu, Enzo là một đứa rất nguy hiểm. Anh ta bét ra cũng hơn bọn tôi ba tuổi, một thằng học sinh lưu ban với mái tóc vàng cũn cỡn và đôi mắt sáng. Anh ta ném những viên đá nhỏ có cạnh sắc lẹm một cách chính xác, còn Lila thì đứng chờ tới lượt mình để cho anh ta sáng mắt trông cậu ấy lia những cục đá tài như thế nào. Điều này làm Enzo vô cùng khó chịu và Lila đáp trả ngay lập tức bằng những cú ném hiểm hóc không kém. Một lần bọn tôi ném trúng mắt cá chân bên phải của anh ta. Tôi nói là “chúng tôi” vì chính tôi đã đưa vào tay Lila cục đá phẳng có nhiều cạnh sắc nhọn. Hòn đá sượt qua da của Enzo như một lưỡi lam và để lại một vết xước chảy máu. Anh ta nhìn xuống dưới chân đang rỉ máu trong khi trước mắt tôi đã trông thấy giữa ngón cái và ngón trỏ của anh ta là một hòn đá. Anh ta chuẩn bị ném. Cánh tay anh ta đã giơ lên nhưng bất ngờ khựng lại. Kể cả bọn con trai dưới quyền chỉ huy của anh ta cũng nhìn chằm chằm vết máu, không thể tin nổi. Nhưng Lila không bày tỏ chút hài lòng nào về cú ném thành công của mình và cúi xuống nhặt một hòn đá khác. Tôi nắm lấy cánh tay cậu ấy và đó là lần tiếp xúc đầu tiên giữa chúng tôi, một sự tiếp xúc đột ngột đầy lo sợ. Cảm thấy bọn con trai sẽ hung hăng hơn nên tôi muốn cả hai rút lui. Nhưng không kịp. Mặc dù mắt cá vẫn đang chảy máu, Enzo đã hồi phục một cách đáng ngạc nhiên và ném cục đá anh ta cầm trong tay. Tôi vẫn nắm chặt lấy tay Lila trong khi cục đá bay thẳng vào mặt cậu ấy khiến Lila ngã ra đất. Ngay sau đó cậu ấy nằm soài trên vỉa hè với cái trán bị rách.
Máu. Thường người ta chỉ đổ máu sau một trận chửi rủa nhau bằng những từ ngữ kinh khủng và tục tĩu. Trình tự luôn luôn là như vậy. Bố tôi, tuy là một người đàn ông tốt bụng theo như tôi thấy, cũng hay buông lời sỉ vả dọa nạt kẻ nào mà theo ông nói là không xứng có mặt trên cuộc đời này. Bố tôi đặc biệt khó chịu với Ngài Achille. Ông ấy luôn có chuyện để hằn học với lão nên thỉnh thoảng tôi phải dùng tay bịt tai lại để khỏi bị ảnh hưởng bởi những lời lẽ xấu xí của bố. Lần nào nói chuyện với mẹ bố tôi cũng gọi lão là “anh họ của bà” song mẹ tôi đều khước từ ngay tức thì mối quan hệ máu mủ ấy (thứ họ hàng xa lắc xa lơ) và chồng chất thêm những lời sỉ nhục. Sự giận dữ của họ làm tôi hoảng sợ và tôi rợn nhất là Ngài Achille có thể có đôi tai thính tới mức nghe được những lời lăng mạ từ xa. Tôi sợ lão đến giết bố mẹ tôi.
Kẻ thù không đội trời chung của Ngài Achille tuy vậy lại không phải bố tôi mà là ông Peluso, một người thợ mộc lành nghề nhưng luôn nhẵn túi vì đánh cược toàn bộ số tiền mà ông kiếm được trong gian phòng phía sau của quán bar Solara. Peluso là bố của một cô bạn cùng trường với tôi, Carmela. Ngoài ra ông còn có Pasquale là con trai cả và hai đứa con nữa mà chúng tôi thi thoảng chơi cùng. Hai đứa này còn khốn khổ hơn cả bọn tôi: cả ở trường lẫn bên ngoài, tụi nó luôn tìm cách ăn cắp đồ của tôi và Lila như bút, tẩy, mứt quả mộc qua, đến mức chúng thường trở về nhà tím tái bầm dập vì mấy trận đòn của bọn tôi.
Lần nào trông thấy ông Peluso là ông đều xuất hiện với hình ảnh của một kẻ vô vọng. Một đằng ông ta đã đánh cược toàn bộ vào cuộc chơi, đằng khác ông ta thường công khai tự vả vào mặt mình vì không còn biết nuôi sống gia đình thế nào nữa. Không hiểu vì lý do gì mà ông ta đổ lỗi sự tan vỡ của mình lên đầu Ngài Achille. Ông ta bắt Ngài phải trả giá cho việc đã tráo trở lấy đi mọi công cụ phục vụ nghề mộc, khiến cho cái xưởng mộc trở nên vô dụng, như thể cơ thể cường tráng của Ngài ấy được làm bằng nam châm. Ông ta còn trách móc Ngài Achille vì đã lấy đi cả cái xưởng và biến nó thành cửa hàng tạp hóa. Suốt nhiều năm, tôi đã tưởng tượng cái kìm, cưa sắt, cây búa, mỏ kẹp và hàng ngàn hàng ngàn cái đinh bị hút lại thành một đống kim loại bên trong thứ vật chất tạo nên con người Ngài Achille. Cũng trong nhiều năm liền tôi đã chứng kiến từ cơ thể thô ráp và nặng nề làm từ những vật chất không đồng nhất của Ngài, luôn tuôn ra hàng đống xúc xích salami, phô mai provolone, mortadella[1], mỡ lợn và prosciutto[2].
Mọi việc diễn ra trong khoảng thời gian tăm tối và xa xôi. Ngài Achille hẳn đã thể hiện cái bản chất dữ tợn của mình trước khi chúng tôi sinh ra. Trước khi đó. Lila vẫn thường sử dụng cách nói này ở trường và ở ngoài, nhưng có vẻ như cậu ấy không mấy bận tâm những việc xảy ra trước khi có chúng tôi – những sự kiện thường mờ ám mà người lớn hoặc im lặng hoặc bàn tán một cách thận trọng – mà việc đó thực sự là đã xảy ra trước rồi. Vì điều này mà hồi đó Lila rất bối rối và đôi khi còn thấy lo lắng. Khi chúng tôi trở thành bạn của nhau, cậu ấy đã nói với tôi về điều phi lý đó – cái trước khi có chúng tôi – nhiều tới nỗi khiến tôi cuối cùng cũng cảm thấy bất an theo. Đó là khoảng thời gian lâu, rất lâu khi chúng tôi còn chưa ra đời; khoảng thời gian Ngài Achille đã phơi bày bộ mặt thật trước tất cả mọi người: một kẻ ác nhân có bộ mặt xảo quyệt của một loài cầm thú máu lạnh, dường như đã “hút” máu của người khác trong khi mình chưa từng rơi một giọt máu nào. Có khi còn không thể đụng vào một sợi tóc của lão.
Chừng thời gian chúng tôi học lớp hai, cả hai đứa vẫn chưa nói chuyện với nhau. Khi ngoài đường bàn tán xôn xao về việc ngay trước cửa nhà thờ của Hội Thánh, khi buổi cầu nguyện kết thúc, ông Peluso đã cãi nhau với Ngài Achille. Sau đó Ngài Achille rời vợ mình, đứa con trai cả Stefano, Pinuccia và Alfonso, đứa bằng tuổi chúng tôi, và xông tới ông Peluso trong bộ dạng đáng ghê sợ của lão, nhấc bổng ông ta lên rồi quăng vào một gốc cây trong khu vườn nhỏ rồi bỏ lại ông ta nằm ngất lịm ở đấy, máu me túa ra từ trăm vết thương ở đầu và khắp cơ thể. Ông Peluso tội nghiệp còn không thể thở ra được câu: “Cứu tôi với!”
Tôi không hoài niệm về tuổi thơ của chúng tôi bởi nó chỉ đầy rẫy bạo lực. Đủ mọi loại chuyện xảy ra trước mắt chúng tôi, ở nhà hay ngoài đường, ngày nối ngày, nhưng giờ tôi không nhớ đã từng nghĩ rằng cuộc đời này lại đặc biệt xấu xa đến thế. Cuộc sống là như vậy, chấm hết. Chúng tôi lớn lên với nghĩa vụ phải khiến cho cuộc đời kẻ khác trở nên khó khăn trước khi bị kẻ khác gây khó dễ. Chắc chắn là tôi sẽ thích kiểu cách nhẹ nhàng lịch thiệp mà cô giáo và cha xứ thuyết giảng nhưng tôi cảm giác rằng những lối lịch thiệp đó chẳng hề phù hợp với khu phố của chúng tôi, kể cả với phụ nữ. Đàn bà họ còn đấu đá với nhau nhiều hơn cả đàn ông. Họ túm tóc và gây gổ với nhau. Gây lộn đã từng là một căn bệnh. Từ lúc còn nhỏ tôi đã tự tưởng tượng mình là những động vật bé xíu đến mức gần như vô hình, thường chỉ đến đêm mới chui ra từ các ao nước, các khoang chứa hàng bỏ không ngoài bãi đất, từ những cây cỏ bốc mùi hôi thối, từ những con ếch, thạch sùng và ruồi, từ những hòn đá, hạt bụi rồi chui vào trong nước uống, thức ăn và trong không khí khiến các bà, các mẹ phát cáu như mấy con chó cái hung dữ đang khát nước. Họ còn tha hóa hơn cả đàn ông vì đàn ông vốn luôn trở nên hung dữ nhưng rồi cuối cùng vẫn bình tĩnh lại, còn phụ nữ bề ngoài thì êm ả, thân thiện nhưng khi đã điên lên thì họ chiến tới cùng, tới mức không thể kiềm chế được nữa.
Lila nhớ rất rõ sự việc xảy ra với Melina Cappuccio, một người họ hàng bên ngoại của cậu ấy. Tôi cũng thế. Bà Melina sống cùng tòa nhà với bố mẹ tôi, nhà tôi tầng hai còn bà ấy sống ở tầng ba. Hồi ấy bà mới ngoài ba mươi và có sáu đứa con nhưng trông đã như một bà già. Ông chồng cùng tuổi làm công việc bốc hàng ở chợ hoa quả. Tôi nhớ ông này thấp béo nhưng đẹp trai với khuôn mặt kiêu căng, ngạo mạn. Một đêm ông ta ra khỏi nhà như mọi lần và có lẽ đã chết vì kiệt sức, hoặc có thể là bị ám sát. Một đám tang đau lòng được tổ chức với sự tham gia của cả khu phố, bố mẹ tôi và cả bố mẹ của Lila nữa. Không lâu sau đó không ai biết được chuyện gì đã xảy ra với bà Melina! Bên ngoài bà ấy vẫn thế, một người phụ nữ khô khan mũi to, tóc đã hoa râm, giọng nói the thé cứ mỗi tối lại đứng từ cửa sổ gọi tên từng đứa con một, kéo dài giọng một cách bất lực: “Aaa-daa! Mii-chè!” Ban đầu bà ấy rất hay được ông Donato Sarratore, người đàn ông sống ở căn hộ ngay phía trên, tầng bốn và cũng là tầng cuối cùng của tòa nhà, giúp đỡ. Donato Sarratore là người thường xuyên đi lễ nhà thờ của Hội Thánh và với tư cách là một con chiên ngoan đạo, ông ấy đã làm rất nhiều việc cho bà như quyên góp tiền, quần áo hay giày cũ, sắp xếp cho Antonio, con trai lớn của bà Melina một chỗ làm trong gara của ông Gorresio, một người quen của ông. Bà Melina rất biết ơn và lòng biết ơn ấy đã nhen nhóm trong lồng ngực của một người phụ nữ cô đơn một tình yêu, một đam mê. Bà ấy không biết liệu Sarratore có bao giờ nhận ra được tình cảm của mình không. Ông ấy là một người vô cùng lịch thiệp nhưng cũng rất nghiêm túc, lúc nào cũng chỉ có gia đình, nhà thờ và công việc. Ông làm việc ở cơ quan Đường sắt quốc gia với đồng lương ổn định để cho bà vợ Lidia và năm người con mà đứa lớn nhất tên là Nino, một cuộc sống thoải mái. Những lần ông ấy không đi công tác trên chặng khứ hồi Napoli-Paola là lại dành thời gian sửa cái này cái kia trong nhà, đi chợ hay đẩy xe đưa đứa con út đi dạo chơi. Toàn là những việc hiếm hoi ở cái khu phố này. Chẳng ai nghĩ rằng ông Donato cố gắng như thế để san sẻ gánh nặng với vợ. Không: tất cả đàn ông trong khu phố này kể cả bố tôi trong đầu đều xem ông ấy là một người thích làm mấy việc của đàn bà, nhất là việc ông ấy sáng tác thơ rồi sẵn lòng đọc những vần thơ ấy cho bất cứ ai. Đến cả bà Melina cũng chưa bao giờ nghĩ thế. Người góa phụ chỉ thích nghĩ tới việc người đàn ông có tâm hồn lịch lãm này chẳng qua chỉ cam chịu bà vợ nên đã bà quyết đấu tranh với Lidia Sarratore để giải phóng cho ông ấy và cho phép ông gắn bó lâu bền với mình. Trận chiến thoạt đầu tôi còn thấy thú vị. Mọi người cả trong nhà tôi lẫn nhà người khác đều nói về chuyện đó cùng những tràng cười xấu xa. Bà Lidia phơi ga trải giường mới giặt sạch sẽ thì bà Melina trèo lên thềm cửa sổ nhà mình và làm bẩn chúng bằng cây gậy mà bà cố tình đốt cháy đen một đầu; bà Lidia đi ở dưới thì bà Melina nhổ nước bọt vào đầu bà qua ô cửa sổ và dội mấy xô nước bẩn xuống; ban ngày bà Lidia cùng lũ trẻ nghịch ngợm đi lại rầm rầm trên đầu còn bà Melina tức tối dùng gậy lau nhà đập lên trần nhà cả đêm. Ông Sarratore đã tìm mọi cách để xoa dịu đôi bên nhưng ông ta quá nhạy cảm và lại lịch sự nữa. Thế rồi, hết trò này đến trò khác hai người đàn bà bắt đầu đấu khẩu mỗi khi gặp nhau trên đường hoặc trên cầu thang bằng những lời lẽ nặng nề kinh khủng. Từ lúc đó họ bắt đầu làm tôi sợ. Một trong những cảnh tượng kinh khủng của tuổi thơ tôi bắt đầu bằng những tiếng la hét của bà Melina và Lidia, những lời lăng mạ chửi rủa mà họ quẳng vào mặt nhau từ ô cửa sổ rồi đến cầu thang. Cảnh tượng ấy tiếp diễn với việc mẹ tôi lao ra phía cửa ra vào, bà mở cánh cửa thò mặt ra chỗ chiếu nghỉ trên cầu thang, theo sau là bọn trẻ con chúng tôi và cảnh tượng chấm dứt bằng hình ảnh mà đến giờ với tôi vẫn không tài nào chịu đựng nổi. Đó là hai bà hàng xóm cuộn vào nhau lăn long lóc xuống chân cầu thang. Đầu bà Melina đập xuống sàn chỉ cách mũi giày của tôi có vài xăng ti mét, hệt một quả dưa lê rơi tuột khỏi tay bạn.
Tôi khó mà giải thích được tại sao ngày đó bọn trẻ con chúng tôi lại đứng về phe của Lidia Sarratore. Có lẽ vì bà có thân hình cân đối và mái tóc vàng. Hoặc vì ông Donato là chồng của bà và chúng tôi hiểu ra một điều rằng bà Melina muốn nẫng mất ông ta. Hay vì lũ con của bà Melina áo quần rách rưới bẩn thỉu, trong khi bọn trẻ nhà bà Lidia luôn được tắm rửa sạch sẽ, tóc tai chải chuốt và Nino, con trai lớn của cô hơn tôi mấy tuổi rất xinh trai và chúng tôi đều yêu quý anh ấy. Riêng Lila thì đứng về phía bà Melina, nhưng không bao giờ giải thích tại sao mà chỉ bảo rằng trong một hoàn cảnh nào đó nếu Lidia Sarratore chết đi thì cậu ấy cũng ủng hộ. Còn tôi thì nghĩ rằng Lila phản ứng như vậy là bởi cậu ấy xấu tính và một phần vì Lila và bà Melina dẫu gì cũng là họ hàng xa.
Một hôm tan học về chúng tôi đi thành tốp bốn năm đứa con gái. Đi cùng với chúng tôi có Marisa Sarratore. Bình thường bạn ấy đi cùng không phải do muốn thân thiện với chúng tôi mà bởi bọn tôi hy vọng rằng, thông qua Marisa, bọn tôi có thể tiếp cận với cậu anh cả của bạn ấy, tức là Nino. Bạn ấy là người đầu tiên nhận ra bà Melina. Người đàn bà đi bộ phía bên kia đường với những bước chân chậm rãi, trong tay cầm một gói giấy cuộn hình nón ngược, tay kia vừa bốc vừa ăn. Marisa chỉ bà Melina cho chúng tôi còn gọi bà ấy là “zoccola[3]” nhưng không hề có ý khinh miệt, bởi bạn ấy chỉ “nhại” theo cách gọi mà ở nhà mẹ bạn ấy từng dùng. Ngay lập tức Lila, mặc dù dáng người còn thấp bé và gầy gò hơn, đã giáng cho bạn ấy một cái tát mạnh tới nỗi bạn ấy ngã lăn ra đất. Cậu ấy tát Marisa mà mặt vẫn lạnh tanh như cậu ấy vẫn thường làm mỗi lần gây gổ, trước sau đều không la hét, cũng không báo trước lấy một lời, không một cái chớp mắt – lạnh lùng và quyết đoán.
Trước tiên tôi đỡ Marisa dậy, lúc ấy đã khóc lóc nức nở và giúp bạn ấy đứng lên, rồi tôi quay ra nhìn xem Lila đang làm gì. Cậu ấy bước từ vỉa hè xuống đường, băng qua đường để sang bên kia đường với bà Melina, không thèm để tâm đến những chiếc xe tải đi qua đi lại. Tôi nhìn thấy ở cậu ấy, qua quan sát thái độ nhiều hơn là nhìn vào khuôn mặt, điều gì đó giày vò tôi và đến giờ tôi vẫn khó có thể cắt nghĩa được. Đằng nào thì hiện giờ tôi cũng sẽ hài lòng mà nói rằng: mặc dù cậu ấy di chuyển cắt ngang con đường, nhỏ bé, u ám, khó chịu, mặc dù cậu ấy làm điều đó theo cách quyết đoán quen thuộc của mình, nhưng tôi có cảm giác cậu ấy đã sững lại. Bên trong cậu ấy sững lại vì tất cả những gì mà người họ hàng bên ngoại của cậu ấy khi đó đang làm, sững lại vì hình phạt, sững lại như một bức tượng, gắn bó làm một với bà Melina khi bà ấy nắm trong lòng bàn tay cục xà bông màu đục mềm oặt vừa mua ở dưới tầng hầm của ông Carlo, tay kia vừa véo lên một miếng vừa ăn.
Cái ngày cô Oliviero ngã từ trên bục giảng và đập gò má vào cạnh bàn như tôi đã nói ở đoạn trước, tôi đã coi như cô ấy chết rồi, tử vì nghề giống như ông tôi và chồng bà Melina. Có vẻ như Lila sẽ phải nhận lại một hình phạt khủng khiếp là cái chết. Thế nhưng trong khoảng thời gian mà tôi không thể xác định được là ngắn hay dài, chuyện đó đã không xảy ra. Cả hai cô trò họ chỉ cùng nhau biến mất, cô giáo và học trò, khỏi những ngày tháng của chúng tôi, khỏi ký ức của chúng tôi.
Nhưng mọi thứ lúc ấy thật đáng ngạc nhiên. Cô Oliviero quay trở lại trường bình yên vô sự và lại bắt đầu quan tâm đến Lila nhưng không phải để trách phạt cô học trò, điều chúng tôi cho là hiển nhiên, mà để khen ngợi cậu ấy.
Giai đoạn mới này khởi đầu khi mẹ của Lila, bà Cerullo được mời đến trường. Một buổi sáng bà nhấn chuông và báo tin đã có mặt. Ngay sau đó, bà Nunzia Cerullo bước vào với ngoại hình thật khó mà nhận ra. Bà ta, cũng như phần lớn những người phụ nữ trong khu phố, sinh hoạt luộm thuộm, chân đi dép sục và mặc những bộ quần áo cũ kỹ sờn rách. Bà xuất hiện trong bộ đầm đi lễ (đám cưới, lễ ban Thánh Thể, lễ Thêm Sức, đám tang), tuyền một màu tối sầm với một chiếc túi xách cũng màu đen bóng, đôi giày có tí gót khiến bàn chân bà sưng lên. Bà ta biếu cô giáo hai túi quà, một túi đường và một túi cà phê.
Cô giáo vui vẻ nhận món quà rồi vừa nhìn Lila, người đang cúi gằm xuống bàn, vừa nói với mẹ cậu ấy và cả lớp mấy câu đại khái khiến tôi mất tập trung. Hồi đó chúng tôi học lớp một, vừa mới học xong bảng chữ cái và số đếm từ một đến mười. Đứa giỏi nhất lớp khi ấy chính là tôi. Tôi nhận diện được tất cả các chữ cái và biết đếm một, hai, ba, bốn, v.v… Tôi liên tục được cô giáo khen ngợi vì vở sạch chữ đẹp và giành được phù hiệu bằng ruy băng ba màu do cô tự tay khâu. Thế mà thật không thể ngờ mặc dù Lila đã khiến cho cô ngã đến mức đi viện mà vẫn được cô khen là đứa học trò giỏi nhất trong số chúng tôi. Cậu ấy phải là học trò hư hỗn nhất mới đúng. Hư hỗn nhất là vì đã ném giấy thấm mực vào người bọn tôi. Hư hỗn nhất là vì nếu đứa trẻ đó không xử sự một cách vô kỷ luật như vậy thì cô giáo của bọn tôi đã không bị ngã và thương tích ở má. Hư hỗn nhất vì cô giáo đã buộc phải trách phạt cậu ấy liên tục bằng cái thước gỗ hoặc yêu cầu quỳ gối trên lúa mì cứng phía sau tấm bảng. Nhưng có một việc cậu ấy đã làm cho cô giáo vui sướng, vừa với tư cách giáo viên, vừa với tư cách một người bình thường, một việc làm tuyệt vời mà cô đã khám phá ra mấy ngày trước đó, một cách tình cờ.
Nói đến đây, cô dừng lại như thể mọi lời lẽ đều là không đủ hay như thể cô giáo muốn truyền đạt cho mẹ của Lila và cả bọn học trò chúng tôi rằng lời nói không quan trọng bằng hành động, gần như luôn luôn là như vậy. Cô lấy một mẩu phấn rồi viết lên bảng (bây giờ tôi không nhớ cô đã viết những gì, lúc ấy tôi vẫn chưa biết đọc: nên tôi tự bịa ra một từ) từ mặt trời. Rồi cô quay ra hỏi Lila:
“Trò Cerullo, trên bảng viết từ gì đây?”
Trong phòng học bao trùm bầu không khí im lặng tò mò. Lila cười khẩy rồi quay người sang một bên về phía cô bạn ngồi cùng bàn đang tỏ vẻ vô cùng khó chịu. Cậu ấy trả lời bằng giọng sưng sỉa:
“Mặt trời.”
Nunzia Cerullo nhìn sang cô giáo. Cái nhìn của bà ta vừa bối rối vừa sợ hãi. Cô Oliviero có vẻ không hiểu làm sao trong ánh mắt của người mẹ kia không có cùng niềm phấn khởi như cô. Nhưng rồi cô cũng hiểu rằng bà Nunzia không biết đọc hoặc cũng không chắc là trên bảng có đúng là từ mặt trời không. Cô nhíu mày. Thế nên để cho bà Cerullo hiểu tình huống và cũng để khen ngợi cô bạn của chúng tôi, cô nói với Lila:
“Giỏi lắm, đúng là từ mặt trời.”
Xong cô yêu cầu:
“Đến đây, trò Cerullo, lên bảng nào.”
Lila miễn cưỡng đi lên bục giảng, cô giáo đặt viên phấn vào tay Lila.
“Em viết đi, cô giáo nói với Lila, từ phấn.”
Lila rất tập trung với nét chữ còn run rẩy, chệch choạc, chữ chệch lên trên, chữ chệch xuống dưới, cậu ấy viết: pấn.
Cô Oliviero viết thêm chữ “h” còn bà Cerullo, vì thấy cô giáo sửa lỗi, nói với con gái với vẻ thất vọng:
“Con viết sai rồi!”
Nhưng cô giáo liền an ủi học trò:
“Không, không, không: Lila còn phải luyện tập, điều này là chắc chắn, nhưng con bé đã biết đọc, biết viết. Ai đã dạy cho con bé?”
Bà Cerullo đưa mắt nhìn xuống, đáp:
“Tôi không dạy.”
“Thế ở nhà hay trong khu nhà có ai có thể làm việc đó không?”
Nunzia thể hiện sự phủ nhận mạnh mẽ bằng cái lắc đầu nguầy nguậy.
Thế rồi cô giáo quay sang Lila và bằng sự khâm phục, cô hỏi Lila trước mặt tất cả lớp:
“Trò Cerullo, ai đã dạy em biết đọc, biết viết?”
Cerullo nhỏ bé, đen tuyền từ màu tóc, cặp mắt đến cái yếm với cái ghim cài hoa ở cổ và mới sáu tuổi, trả lời:
“Em.”
Nguyễn Minh Nguyệt dịch
(Dịch từ nguyên bản tiếng Ý. Tác phẩm đã được Nhã Nam mua bản quyền và sẽ xuất bản trong thời gian tới.)
[1]Một loại thịt nguội của Ý làm từ thịt lợn, hình dạng giống xúc xích khổ lớn (tất cả chú thích nếu không ghi chú gì thêm đều là của dịch giả).
[2]Một loại dăm bông của Ý làm từ phần thịt đùi của con lợn.
[3]Từ dùng để chỉ người đàn bà dâm đãng.
Chấm sao chút:
Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3