Thời gian đọc: 24 phút

1

Không có thực hành nào diễn ra mà không đi kèm giả định về các khái niệm lý thuyết vừa thúc đẩy nó vừa giới hạn nó. Không có lý thuyết nào có thể được phát biểu mà quên xét đến tính vật chất của một thực hành cụ thể, các dạng thức và quy trình đặc thù của nó, giúp các khái niệm lý thuyết vừa chính xác trong tư duy vừa hiệu quả trong ứng dụng1[1]. Lý thuyết dịch thuật xây dựng các thông số khái niệm nhờ đó vạch ra được các vấn đề trong thực hành và tìm ra giải pháp cho các vấn đề đó. Nhưng các thông số này chỉ có thể đưa đến những vấn đề và giải pháp đặt ra từ các khái niệm khoanh vùng cho những thông số đó. Những vấn đề không được đặt ra từ các khái niệm này sẽ bị loại bỏ.

Lý thuyết dịch thuật có thể giúp phát triển các phương thức thực hành dịch sáng tạo, và thực hành dịch cũng có thể giúp hình thành các khái niệm lý thuyết sáng tạo. Lý thuyết không có ứng dụng thực tế sẽ trở thành thói nệ lý thuyết, thành sự suy tôn tư biện suông khiến dịch thuật trở thành một thứ mơ hồ trừu tượng. Thực hành nhưng thiếu suy ngẫm về lý thuyết sẽ dẫn đến thói nệ thực hành, thành sự suy tôn việc tìm giải pháp vấn đề khiến dịch thuật trở thành những lựa chọn từ ngữ riêng lẻ. Cả hai thái cực này đều dẫn đến việc vượt lên trên hoặc làm ẩn đi cái tình thế văn hóa và khoảnh khắc lịch sử quyết định bản chất và ý nghĩa của văn bản được dịch. Việc này càng đẩy mạnh quan niệm vị hiện tại (presentism), là thứ giúp duy trì hiện trạng của ngành dịch thuật cũng như của nền văn hóa tiếp nhận nói chung, bởi nó thất bại trong việc tạo dựng một cơ sở lịch sử cho việc phê bình các hiện trạng đó. Viện tới lịch sử có thể giúp ta phát triển một quan điểm phê phán đối với hiện tại, không quy giản về những đối lập tư tưởng hệ đang gây chia rẽ cái giao điểm hiện tại; mà thay vào đó, nhằm hình dung một khả thể trong tương lai[2].

 

2

Mọi cách diễn giải về văn bản luôn ngụ ý rằng văn bản đó đáng được đưa ra diễn giải, xóa bỏ sự phân biệt giữa thực tế và giá trị, đảm bảo rằng việc phân tích cũng đồng thời là đánh giá – kể cả dù kết quả đánh giá cuối cùng lại là không tích cực[3]. Không văn bản nào có thể được tiếp cận trực tiếp mà không thông qua sự trung gian của diễn giải, dù là diễn giải của người đọc khi đọc nó lần đầu, hay là có từ trước kinh nghiệm đọc ấy, định dạng cho hoặc thẩm thấu vào kinh nghiệm đọc ấy. Hơn nữa, dạng thức, nghĩa và hiệu ứng của mỗi văn bản lại thay đổi theo từng bối cảnh khác nhau mà nó được đặt vào; và vì thế, mỗi văn bản luôn có thể có nhiều cách diễn giải khác nhau, xung đột nhau, dù xuất hiện trong cùng giai đoạn lịch sử hay qua nhiều giai đoạn khác nhau.[4]

Do vậy, mọi văn bản ngoại văn bước vào quá trình dịch thuật đều đã đi qua sự trung gian của những thực hành diễn giải đặt nó vào trong một mạng lưới ý nghĩa. Một số thực hành ấy sinh ra trong nền văn hóa nguồn, trong khi một số khác nằm trong nền văn hóa tiếp nhận. Ngay từ khi người dịch bắt đầu đọc văn bản nguồn, nó đã lại đi qua một lần trung gian nữa, tức là được diễn giải một lần nữa, và sự diễn giải của người dịch cùng lúc nhìn theo cả hai hướng, không chỉ theo văn bản và văn hóa ngoại văn mà còn theo ngôn ngữ và văn hóa dịch. Tuy nhiên, cách diễn giải được khắc vào qua một bản dịch, suy cho cùng, vẫn nghiêng về tình thế nó được tiếp nhận. Dịch thuật, về cơ bản, mang tính đồng hóa.

 

3

Phân tích-đánh giá một bản dịch chỉ đơn giản bằng cách so sánh nó với văn bản gốc là một hành động tự huyễn hoặc mà cũng là tự khen mình. Việc so sánh luôn được thực hiện qua trung gian là các nghĩa diễn giải[5], là những nhân tố thực hiện một hành động diễn giải rất bạo lực, nhưng người phân tích-đánh giá lại thường không nhận ra những nhân tố này, vì thế nên đây là hành động tự huyễn hoặc. Các nghĩa diễn giải xuất phát từ khái niệm về tính tương đương, tức là mặc định rằng bản dịch có thể và phải tạo dựng được một mối quan hệ đăng đối với văn bản ngoại văn. Khái niệm này thường lấy một phần trong văn bản ngoại văn làm đơn vị dịch, có thể là từ hoặc câu đơn lẻ, hoặc đoạn văn hoặc chương, hay thậm chí toàn bộ văn bản đó. Tiếp đó, đơn vị văn bản nguồn này được cố định trong một hình thức, nghĩa hoặc hiệu ứng để tạo thành cơ sở đánh giá liệu đơn vị tương ứng trong văn bản dịch có tương đương hay không. Cuối cùng, một bộ mã hoặc một chủ đề được áp dụng để xác nhận rằng cặp đơn vị này là khớp nhau. Tuy nhiên, bộ mã hay chủ đề đó thực chất lại là cách diễn giải của người phân tích-đánh giá bản dịch đối với văn bản nguồn. Các nghĩa diễn giải giúp việc so sánh trở nên khả thi nhưng lại loại bỏ những khả năng diễn giải khác, phụ thuộc vào một khái niệm khác về tương đương, một quy ước khác về đơn vị trong dịch thuật, và một bộ mã khác. Diễn giải của người phân tích-đánh giá quá thường xuyên vừa bị kìm hãm vừa được ưu tiên đằng sau giả định mù quáng rằng mình có thể tiếp cận trực tiếp [không qua trung gian] đối với văn bản nguồn. Vì thế nên đây là hành động tự khen mình.

 

4

Kể từ xưa, trên khắp thế giới, tư duy về dịch thuật đã bị thống trị bởi một mô hình thuộc về chủ nghĩa công cụ: dịch thuật được hiểu là sự tái tạo hoặc dịch chuyển một thứ bất biến, được chứa trong hoặc gây ra nhờ văn bản nguồn, một hình thức, nghĩa hoặc hiệu ứng bất biến. Thời xưa, thứ bất biến này được đặt cơ sở trên một chân lý thiêng liêng hoặc một sự tôn phong thần thánh ngôn ngữ và văn hóa nguồn; sau đó, nó bị thế tục hóa thành một bản chất siêu hình.

Nhưng thứ bất biến đó không hề tồn tại. Nếu mỗi văn bản có thể có vô số cách diễn giải tiềm năng, thì nó cũng có thể có vô số cách dịch tiềm năng. Vì thế, mô hình dịch thông diễn học, xuất hiện vào đầu thế kỷ 19 và trải qua vô số những biến đổi từ đó đến nay, đã cho thấy là một mô hình toàn diện và thấu suốt. Mô hình này coi dịch là một hành động diễn giải, một hành động biến đổi hình thức, nghĩa và hiệu ứng của văn bản nguồn theo các lợi ích và các đặc tính khả thụ (intelligibility) trong tình thế tiếp nhận. Mô hình này thừa nhận các khác biệt văn hóa và ngôn ngữ mà việc dịch sinh ra để giải quyết nhưng lại không thể không nhân bội lên. Mô hình này không chỉ có khả năng bao hàm các điều kiện chồng lấn đan xen khi bản dịch được tạo ra và tiếp nhận, mà còn phân biệt rõ ràng giữa các điều kiện ấy.

Dịch thuật là một hành động bắt chước nhưng biến đổi. Nó có thể, và thường là vậy, tạo ra một sản phẩm đăng đối về ngữ nghĩa và tương tự về phong cách với văn bản nguồn. Nhưng những tương đồng này không bao giờ có thể trả lại nguyên vẹn văn bản ấy. Mỗi văn bản đều là một sản phẩm văn hóa phức tạp, mang những nghĩa, giá trị và chức năng không thể tách rời khỏi văn hóa và ngôn ngữ ban đầu của nó. Việc dịch đã diễn giải quá trình mã hóa [signification] và tiếp nhận trong văn bản ngoại văn bằng cách tạo ra một quá trình tương tự, mang theo những nghĩa, giá trị và chức năng không thể tách rời khỏi văn hóa và ngôn ngữ dịch. Sự thay đổi là không thể tránh khỏi.

Vì thế, sự bất tương thích ấy gây nên việc dịch mà lại gần như không chịu tác động của việc dịch. Tuy nhiên, thực tế này không ủng hộ những tuyên bố về cái gọi là bất khả dịch[6]. Những tuyên bố như vậy tất yếu dựa trên một khái niệm cụ thể về dịch thuật, về cách dịch thế nào là cần thiết và về sản phẩm cần thiết của việc dịch. Khái niệm đó đưa ra một mô hình dịch thuật theo chủ nghĩa công cụ, giả định có một thứ bất biến cần được tái tạo nhưng không thể tái tạo. Tuy nhiên, nếu mọi văn bản đều có thể diễn giải thì mọi văn bản đều có thể dịch.

 

5

Người dịch di chuyển giữa các đơn vị văn bản nguồn, bắt đầu từ cấp độ từ, nhưng vẫn luôn cân nhắc tới các đơn vị lớn hơn, và cứ đi lại giữa hai cấp độ đó. Không chỉ trong quá trình qua qua lại lại này mà còn cả trước và sau đó, bắt đầu từ lúc quyết định sẽ chọn văn bản nào để dịch, người dịch đã khắc vào một cách diễn giải bằng cách áp dụng một bộ nghĩa diễn giải phức tạp, cả về hình thức và chủ đề. Nghĩa diễn giải hình thức mang tính cấu trúc. Chúng bao gồm: công việc biên tập, từ chọn phiên bản nào của văn bản gốc đã được xuất bản cho đến tham khảo các dị bản để biên soạn lời nói đầu, chú thích v.v. cho bản dịch; một khái niệm về tính tương đương, có thể được xét lại khi người dịch nhận diện các vấn đề diễn giải khác nhau trong quá trình dịch một tác phẩm cụ thể; và một phong cách phù hợp với thể loại hoặc diễn ngôn được yêu cầu. Nghĩa diễn giải chủ đề là các bộ mã. Chúng bao gồm: một cách diễn giải văn bản nguồn được hình thành trong phần bình chú, độc lập với bản dịch; một hệ tư tưởng, được định nghĩa là tập hợp các giá trị, niềm tin, trình hiện phù hợp với lợi ích của một nhóm xã hội nhất định; chức năng mà bản dịch sẽ cần đảm nhận. Nghĩa diễn giải hình thức và chủ đề có thể quyết định lẫn nhau: một đặc trưng về phong cách, ví dụ như cách dùng thuật ngữ, có thể ủng hộ một cách diễn giải độc lập, một hệ tư tưởng và chức năng nào đó, và ngược lại.

Nghĩa diễn giải được áp dụng trong dịch thuật mọi thể loại, mọi kiểu văn bản trong bất kỳ ngành nào – nhân văn, thực tiễn hay kỹ thuật. Mọi bản dịch, dù ở thời nào và ở nơi nào, đều có thể được hiểu là một hành động diễn giải.

 

6

Nghĩa diễn giải được phái sinh từ các chất liệu sẵn có trong cả nền văn hóa nguồn và nền văn hóa đích, nhưng chúng đồng hóa một cách dứt khoát văn bản nguồn vào những gì được coi là dễ hiểu và thú vị với các đối tượng tiếp nhận trong văn hóa dịch, nếu không, bản dịch ra đời sẽ là một bản dịch thất bại.

Các chất liệu sẵn có bao gồm các dạng thức và thực hành văn hóa: mô thức dùng từ trong ngôn ngữ dịch, quá khứ và hiện tại, tiêu chuẩn và phi chuẩn; các truyền thống và quy ước trong việc soạn ra các sáng tác nguyên gốc, bao gồm phong cách, thể loại và diễn ngôn; các truyền thống và quy ước trong thực hành dịch và phê bình bản dịch, bao gồm các khái niệm lý thuyết và chiến lược thực hành; các mô thức tiếp nhận, trong lịch sử cũng như gần đây, bao gồm các bản dịch đã có của tác giả đó cũng như của các tác giả khác cùng ngôn ngữ; và các giá trị, niềm tin, trình hiện đã khắc sâu vào hệ tư tưởng. Các nghĩa diễn giải phái sinh từ đó một cách chọn lọc, bắt chước nhưng biến đổi các chất liệu đó, thậm chí chủ ý xét lại các chất liệu đó.

Dịch là hành động tự soi chiếu, nhưng người dịch không kiểm soát quá trình này một cách hoàn toàn có ý thức[7]. Rút ra các nghĩa diễn giải phái sinh từ chất liệu sẵn có và áp dụng chúng trong khi dịch là hành động có chủ ý. Nhưng người dịch không ngừng tích lũy các quy tắc và nguồn lực, chiến lược và giải pháp, mà một số có thể do họ nghĩ ra đầu tiên và một số thì không. Và vốn liếng này, dù cá nhân hay xuyên cá nhân, đều có xu hướng lùi sâu về trạng thái tiền ý thức, có thể được phát biểu và nhờ thế trở lại trạng thái ý thức nhưng nói chung được sử dụng một cách bản năng, thường tự phát mà không kèm theo suy nghĩ có tính phê phán. Hơn nữa, người dịch không thể nhận ra mọi điều kiện ảnh hưởng tới việc tạo thành bản dịch. Người dịch cũng không thể đoán định được mọi hệ quả của bản dịch, đặc biệt là bởi việc lưu hành và tiếp nhận mỗi bản dịch đều được thúc đẩy bởi một mạng lưới phức tạp những tác nhân, thực hành, phương tiện. Những điều kiện không được nhận ra và những hệ quả không được đoán định tạo nên vô thức của người dịch, vừa mang tính tâm lý vừa mang tính chính trị, một vốn liếng những khát vọng cá nhân chịu ảnh hưởng quyết định của những khát vọng tập thể[8].

 

7

Người dịch có thể và sẽ mắc những lỗi mà, cho dù bản dịch của họ có được kiểm tra kỹ lưỡng, vẫn bị bỏ qua. Người dịch mới có thể phân tích nhầm những đặc trưng cú pháp và từ vựng của văn bản nguồn chỉ đơn giản vì họ thiếu kinh nghiệm hoặc không tham khảo các nguồn thích đáng. Người dịch có kinh nghiệm có thể tránh các lỗi ngôn ngữ mà vẫn sai về mặt ngữ nguyên, nghĩa là đi lạc khỏi hoặc cố ý rời xa khỏi văn bản nguồn, viết lại nhằm tạo ra một cách diễn giải cụ thể.  Tuy nhiên, thực tế là một người dịch ở trình độ nào, dù lão luyện nhất, cũng có thể mắc lỗi ngôn ngữ mà không ý thức được, hoặc không phát hiện ra. Lỗi sai này có thể xảy ra vô thức: một đơn vị dịch trong văn bản nguồn đánh thức mong muốn hoặc lo âu nào đó của người dịch, nhưng mong muốn hoặc nỗi lo ấy ngay lập tức bị ức chế, chỉ để lại một cú nói nhịu minh chứng cho sự tồn tại của nó. Kiểu lỗi này có thể bị ảnh hưởng do uy tín của ngôn ngữ và văn bản nguồn, hoặc của tác giả văn bản so với tình thế văn hóa và thời điểm lịch sử khi bản dịch hình thành. Kết quả là, cú nói nhịu kia giống như một thách thức, một tra xét của người dịch, dù đó là sự cạnh tranh để tạo ra một tư cách tác giả – luôn có đặc trưng giới – ngang bằng với bản gốc, hay đó là một xung đột hệ tư tưởng thể hiện những mong đợi có tính không tưởng về đời sống xã hội[9]. Điều đáng nói nhất về các lỗi dịch thuật là chúng có khả năng đọc lên hoàn toàn có nghĩa đối với độc giả, và vì thế, không bị phát hiện.

 

8

Nghĩa diễn giải, giống như các chất liệu văn hóa nó phái sinh từ đó, nằm trong những thứ bậc về uy tín và thẩm quyền được đảm bảo nhờ những thiết chế xã hội. Các thứ bậc này xác định giao điểm hiện tại của nền văn hóa tiếp nhận, còn các thiết chế quy định các thứ bậc này có thể thay đổi bằng cách nào và đến mức nào.[10] Các thứ bậc hình thức và thực hành không chỉ thay đổi qua các giai đoạn lịch sử mà còn trong cùng một giai đoạn, giữa các nhóm văn hóa khác nhau và trong cùng một nhóm.

Nghĩa diễn giải ở vị thế thống trị được trao cho tính điển phạm, nó sở hữu vốn văn hóa, vốn biểu tượng và vốn kinh tế.[11] Nó cho phép bản dịch được lưu hành rộng rãi bởi làm cho nó dễ hiểu, đồng hóa văn bản nguồn vào những gì quen thuộc nhất và được coi là giá trị nhất trong nền văn hóa tiếp nhận. Nghĩa diễn giải ở vị thế phụ thuộc hoặc ngoại vi thì hoặc là dấu vết còn sót lại, duy trì từ những giai đoạn trước, hoặc đang trong quá trình xuất hiện, sinh ra từ các chất liệu mới vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi, và chúng có thể chịu sự kỳ thị của các hệ tư tưởng thống trị ở nhiều mức độ khác nhau.[12] Nghĩa diễn giải ngoại vi hạn chế phạm vi lưu hành của bản dịch bởi nó yêu cầu mức độ xử lý nhận thức lớn hơn, nó đồng hóa văn bản nguồn vào thứ ít quen thuộc và ít được coi là giá trị hơn. Tuy nhiên, sự thiếu quen thuộc này có thể gợi nên cảm giác xa lạ của văn bản ngoại văn, tính khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ của nó, dù chỉ là gián tiếp. Cảm giác xa lạ trong bản dịch là một kiến tạo, về căn bản có tính thách thức, là một sự vị ngoại, qua trung gian là các chất liệu của nền văn hóa tiếp nhận, và có tính đối nghịch với cái đang chiếm vị thế thống trị.

Diễn giải của người dịch không thể tránh khỏi can thiệp vào cái giao điểm nơi nó sinh ra khi nó hoặc công nhận hoặc thách thức các thứ bậc văn hóa. Áp dụng các nghĩa diễn giải ngoại vi là một hành động đạo đức, bởi nó chất vấn sự thống trị của các hình thức và thực hành điển phạm đối với văn hóa và văn bản ngoại văn. Áp dụng các nghĩa diễn giải thống trị có thể sẽ là vô đạo đức nếu nó bảo vệ hiện trạng và không ghi nhận sự khác biệt nào.

 

9

Ngày nay, trên khắp thế giới, các ngôn ngữ dịch có xu hướng bám sát văn phong chuẩn hiện hành. Xu hướng này rất rõ ràng trong nhiều thể loại văn bản, từ văn bản kỹ thuật, văn bản thực tiễn hay văn bản nhân văn, dù cho văn bản và ngôn ngữ nguồn có như thế nào và dù văn bản kỹ thuật và thực tiễn có thể chứa nhiều thuật ngữ hay các cách diễn đạt phi chuẩn. Văn phong chuẩn hiện hành là hình thức dễ tiếp cận nhất của một ngôn ngữ dịch, và khi áp dụng vào các bản dịch có độ trôi chảy cao, nó góp phần củng cố ảo tưởng về tính trong suốt, để bản dịch dường như không phải là bản dịch mà là văn bản gốc. Các nhà xuất bản và biên tập viên, các hãng đại diện và khách hàng, các học giả và giáo viên, người điểm sách và người đọc – bất kể là ai có thể trở thành độc giả dự kiến của bản dịch – đều không khuyến khích người dịch áp dụng các lối nói, phong cách và diễn ngôn đa dạng. Thay vào đó, các dạng thức và thực hành thống trị sẽ bị áp đặt để khiến bản dịch trở nên dễ đọc, và do đó, dễ bán, biến nó càng giống một món hàng càng tốt.

Ta không nên khuyến khích người dịch từ bỏ tính dễ đọc, trôi chảy và trong suốt, mà thay vào đó, nên mở rộng các thông số cho phép tạo nên những hiệu ứng văn bản này. Việc mở rộng này không thể tùy hứng mà cần cân nhắc kỹ lưỡng các đặc trưng ngôn ngữ của văn bản nguồn trong mối tương quan với các thứ bậc văn hóa của tình thế tiếp nhận, tạo dựng một nhu cầu thiết yếu cho cách diễn giải của người dịch. Đi chệch khỏi những chất liệu thống trị như phong cách chuẩn sẽ cho phép người dịch chịu trách nhiệm với sự biến đổi không thể tránh khỏi trong việc dịch, bởi sự đi chệch như thế sẽ thu hẹp hoặc hạn chế sự thống trị liên văn hóa của tình thế tiếp nhận. Chúng thể hiện sự tôn trọng đối với văn bản nguồn bằng cách cổ vũ sự sáng tạo trong nền văn hóa và ngôn ngữ dịch.

 

10

Các ngôn ngữ và văn hóa đều nằm trong các thứ bậc uy tín và nguồn lực toàn cầu, dựa trên nhiều điều kiện quyết định – kinh tế và chính trị, luật pháp và quân sự.[13] Những thứ bậc này có thể đi từ đa số hoặc thống trị đến nhiều vị thế phụ thuộc khác nhau cho các nhóm thiểu số tương đối hoặc ngoại biên. Những ngôn ngữ đa số như tiếng Anh và tiếng Pháp đã tích lũy được lượng vốn lớn đến mức các thực hành và dạng thức văn hóa của chúng trở thành đối tượng để các ngôn ngữ thiểu số bắt chước và dịch ra. Những ngôn ngữ thiểu số, đến lượt mình, lại tìm cách để được dịch sang các ngôn ngữ đa số nhằm được dùng chung nguồn vốn đó và được ghi nhận.[14]

Hệ thứ bậc như vậy tạo ra sự mất cân bằng trong các mô thức dịch. So với các ngôn ngữ thiểu số, các ngôn ngữ đa số thường được dịch ra nhiều nhất trong khi lại ít dịch từ các ngôn ngữ kia. Các ngôn ngữ đa số cũng thường xuyên dịch lẫn nhau, càng củng cố uy tín và nguồn lực của mình trong khi phớt lờ những ngôn ngữ ở các cấp bậc thiểu số khác nhau. Thứ bậc này cũng có thể thúc đẩy một mô hình dịch thuật thích hợp với nhiều vị thế khác nhau. Giả định về tính biến dị của dịch thông diễn có thể xuất phát từ quan điểm thiểu số mong muốn phát triển về mặt văn hóa và được ghi nhận, hoặc quan điểm đa số tự mãn với địa vị bá chủ và không nhìn ra được những giới hạn văn hóa của chính mình.[15] Giả định về tính bất biến của chủ nghĩa công cụ có thể xuất phát từ quan điểm thiểu số theo đuổi một thứ chủ nghĩa dân tộc về văn phong, đề cao khái niệm có tính bản chất luận về sự thuần nhất văn hóa và tính nguyên bản của tác giả, hoặc từ quan điểm đa số áp đặt một thứ chủ nghĩa đế quốc về ngôn ngữ giúp bành trướng vị thế thống trị của ngôn ngữ đa số đó và kiểm soát các cách diễn đạt được khắc vào nhờ bản dịch.[16]

Tương tự như vậy, chức năng đạo đức của bản dịch cũng biến đổi theo sự thiếu cân bằng trong mức độ uy tín và nguồn lực. Bản dịch đảm bảo đạo đức vừa phơi bày khoảng trống trong các thiết chế của nền văn hóa tiếp nhận, vừa bổ sung vào những chỗ khuyết đó.[17] Người dịch sang các ngôn ngữ thiểu số vượt thoát khỏi vị trí ngoại biên bằng việc thúc đẩy phát triển văn hóa thông qua sự đối thoại với các nền văn hóa đa số. Người dịch sang các ngôn ngữ đa số chất vấn sự thống trị của nó bằng việc đón nhận những ngôn ngữ và nền văn hóa đã bị gạt ra ngoài.

 

11

Từ lâu, các bản dịch vẫn được đọc theo phương pháp công cụ, như thể chúng tái tạo hoặc dịch chuyển văn bản nguồn mà không xảy ra biến dị gì. Hướng tiếp cận này biến công sức diễn giải của người dịch trở nên vô hình. Người đọc thuận theo sự trong suốt ảo tưởng sinh ra từ việc dịch trôi chảy và từ đó, được trao cho vị thế chủ thể trong bất kỳ quyết định tư tưởng hệ nào được đưa vào qua bản dịch.

Để đọc bản dịch như một bản dịch, người đọc phải sử dụng một mô hình thông diễn để tìm ra và xử lý các dấu hiệu cho thấy công lao của người dịch. Không chỉ có phần nghĩa cần được hiểu, dù rất dễ bị quy giản coi đều là nghĩa của văn bản nguồn, mà phần hình thức cũng cần đánh giá phê bình xứng đáng, các đặc trưng ngữ vực, phong cách và diễn ngôn riêng có của ngôn ngữ dịch. Bởi mọi người dịch trên thế giới đều làm việc dưới một chỉ đạo diễn ngôn đòi hỏi dùng văn phong chuẩn hiện hành, những cách đi chệch, lệch chuẩn có thể được coi là dấu vết của sự can thiệp của người dịch. Việc so sánh với văn bản nguồn sẽ càng bộc lộ rõ các nghĩa diễn giải người dịch đã dùng, miễn là người đọc vẫn ý thức được rằng việc so sánh dựa trên một cách diễn giải khác, của người đọc, về văn bản nguồn, chứ không dựa trên bản thân văn bản đó.

Các lựa chọn từ ngữ của người dịch nên được nhìn nhận như những lựa chọn diễn giải tạo thêm sắc thái cho các cấu trúc và nghĩa của văn bản nguồn, như điểm nhìn trần thuật, xây dựng nhân vật, vận luật và hình ảnh, thuật ngữ và lập luận, chủ đề và tư tưởng. Ý nghĩa của các lựa chọn này càng rõ ràng khi chúng được đặt trong ngữ cảnh rộng hơn, bao gồm những bản dịch khác từ ngôn ngữ nguồn đó, các sáng tác nguyên bản trong ngôn ngữ dịch, và thứ bậc ngôn ngữ và văn hóa toàn cầu. Một đối thoại biện chứng phê phán có thể được mở ra giữa văn bản nguồn và văn bản dịch, nơi mỗi bên đem bên kia ra phê bình sát sao, bộc lộ những ưu thế lẫn hạn chế của nó. Khi tạo dựng những ngữ cảnh diễn giải đa dạng này, người đọc áp dụng một bộ nghĩa diễn giải thích hợp, bản thân chúng cũng khả biến bởi được dùng cho những hoàn cảnh diễn giải khác nhau.

 

12

Bản thân người dịch cũng góp phần vào sự hiểu lầm và thờ ơ ngày càng lớn mà dịch thuật gặp phải kể từ đầu thế kỷ XX, dù đã xuất hiện ngành mà ta gọi là nghiên cứu dịch. Những màn tự trình diễn của người dịch hầu như đều là những phát biểu có tính ấn tượng chủ nghĩa về sản phẩm của mình, về giá trị văn hóa và văn học của nó, về sự tương đương mà họ tin rằng mình đã đạt được so với văn bản nguồn. Họ mang một quan niệm có tính công cụ chủ nghĩa về sự tái tạo đơn giản, mà đối với người dịch văn học, quan niệm ấy đã biến thành sự phô diễn ngôn ngữ đẹp đề cao tính tự trị về thẩm mỹ mà họ đòi có cho bản dịch; đối với người dịch khoa học nhân văn, thành chủ nghĩa giáo điều đề cao những diễn giải thống trị mà họ khắc vào văn bản nguồn; đối với người dịch thực tiễn và kỹ thuật, thành chủ nghĩa chức năng ca tụng những giải pháp rập khuôn được áp dụng mà không màng tới những nhiệm vụ xã hội mà bản dịch cần thực hiện. Mỗi nhóm thực tế đã chọn lấy một thái độ bài trí thức với việc dịch, khước từ sự tự vấn lý thuyết có thể giúp họ phê bình và cải thiện sản phẩm của mình cũng như trình bày sáng tỏ về nó cho người đọc.

Người dịch có thể kháng cự lại vị thế ngoại biên bằng nỗ lực trở thành trí thức và người sáng tác. Họ có thể học hỏi các kiến thức chuyên sâu trong ngành và lĩnh vực của mình để đối thoại với các phương pháp, xu hướng, thảo luận hình thành nên các thực hành dịch. Họ có thể học cách nhìn nhận sản phẩm của mình trong các khung lý thuyết và thực hành, không chỉ các khung thiết chế mà còn cả các khung liên dân tộc, có tính đến các điều kiện văn hóa xã hội. Họ có thể dùng ngôn ngữ dịch để gián tiếp, theo cách riêng của nó, đưa vào những khác biệt của văn hóa, ngôn ngữ và văn bản nguồn, huy động chúng qua những sáng tạo thách thức các thứ bậc nâng đỡ cho các thiết chế xã hội và văn hóa ở tình thế tiếp nhận.[18] Là những tác nhân vận dụng cái xa lạ, người dịch có thể chọn cách phô phang triệt để cảm giác về cái “ngoại” xa lạ làm chiến lược để phê phán nguyên trạng.

 

13

Cụm từ “dịch văn hóa” là một từ thừa: dịch vốn đã là một thực hành làm trung gian giữa các nền văn hóa. Một mặt, cụm từ này tách rời ngôn ngữ ra khỏi văn hóa khi tư duy về dịch thuật, và mặt khác, làm ẩn đi phương tiện thực tế nơi việc dịch diễn ra. Vì thế, cụm từ này không chỉ cản trở tư duy về dịch thuật liên ngôn ngữ mà còn dung túng cho những bình luận tư biện phớt lờ các dạng thức và thực hành dịch có tính vật chất.

Chỉ bằng cách làm bật lên tính vật chất này thì tư duy về dịch thuật mới có thể tiến bộ thêm. Vì thế, việc thường xuyên sử dụng các hình ảnh ẩn dụ để mô tả dịch thuật chỉ càng làm ta trượt xa khỏi việc khảo sát gắt gao về dịch thuật như là một thực hành văn hóa. Nếu như các từ ngữ dùng để gọi tên và miêu tả dịch thuật từ xa xưa về cơ bản đều mang nghĩa ẩn dụ, nếu như bản thân ngôn ngữ cũng có tính ẩn dụ khi mô tả thực tại, tạo ra những phép so sánh dựa trên các giả định có tính ẩn dụ[19], thì việc sinh sôi vô tổ chức các ẩn dụ sẽ dễ rơi vào bản chất luận mà làm mờ đi dịch thuật.

Tương tự như thế, việc sử dụng khái niệm “dịch” như một ẩn dụ cũng cần suy xét. Sự di chuyển qua lại giữa nhiều loại phương tiện , mỗi phương tiện với hình thức và thực hành riêng, vẫn thường khiến người ta dùng đến chữ “dịch”. Trình diễn sân khấu, chuyển thể thành phim, nghệ thuật miêu tả tác phẩm hình ảnh bằng lời [ekphrasis], biên tập văn bản, trưng bày triển lãm – những thực hành này đều đã từng được coi là “dịch”. Tuy nhiên, cách gọi này thường quên suy xét xem chính xác thì khái niệm “dịch” ở đây có nghĩa là gì. Hầu hết những dịp đó, đấy là một khái niệm theo chủ nghĩa công cụ.

Dù vậy, việc dùng ẩn dụ cũng có thể có ích nếu nó giả định một mô hình thông diễn nêu ra một hành động diễn giải đạt được qua các đặc điểm vật chất của một phương tiện cụ thể. Khi đó, tư duy về dịch thuật có thể giúp soi rọi các lĩnh vực và chuyên ngành khác như ngôn ngữ lập trình máy tính, luật hiến pháp, và các mối quan hệ giữa nghiên cứu y học-chẩn đoán-trị liệu. Dịch thuật có thể trở thành hình mẫu chính cho các công việc có tính phái sinh, qua đó cho thấy bản chất phái sinh của chính chất liệu nguồn bằng việc kêu gọi chú ý tới những điều kiện ngầm ở dưới nhưng không được nói ra.[20]

 

14

Một mô hình dịch thuật là một hệ tri thức (episteme) mà chủ yếu chưa được phát biểu, vừa mang tính hệ hình vì bao gồm các quan hệ cơ bản giữa các thông số và quy trình của tri thức, lại vừa mang tính sản sinh, đề xuất ra những khái niệm lý thuyết và chiến lược thực hành mới.[21] Mô hình theo chủ nghĩa công cụ, bởi định nghĩa dịch thuật là tái tạo hoặc dịch chuyển cái bất biến, khiến bản dịch vượt ra ngoài thời gian và không gian; trong khi mô hình thông diễn, bởi định nghĩa dịch thuật là diễn giải khả biến, lại khiến bản dịch phụ thuộc vào những tình thế văn hóa cụ thể tại những thời điểm lịch sử cụ thể. Tuy nhiên, sự phân biệt nhị nguyên bề ngoài này là lầm lẫn: hai cách tiếp cận cạnh tranh với nhau này đều là những cách diễn giải khác nhau về bản chất của dịch thuật, bởi mỗi mô hình đều là một kiến tạo có tính gợi mở, vừa cho phép vừa giới hạn tư duy về dịch thuật.

Tuy nhiên, nếu khẳng định rằng mọi bản dịch đều có thể được hiểu là một hành động diễn giải, và rằng cách hiểu này cho ta một giải thích toàn diện và thấu suốt nhất về dịch thuật, thì chẳng phải những khẳng định ấy cũng tìm cách vượt lên cái cụ thể, giống như chủ nghĩa công cụ, và vì vậy cũng siêu hình như thế sao?

Không. Ta cần nhận ra điều kiện thực làm nên những khẳng định ấy: chúng phái sinh từ, và nhằm để thách thức cũng như thay đổi, tình thế đương đại của ngành lý thuyết và phê bình dịch thuật, nơi chủ nghĩa công cụ vẫn đang chiếm vị trí thống trị và gạt mô hình thông diễn ra ngoài lề. Cách hiểu nào về dịch thuật sẽ xuất hiện trong tương lai để xét lại hoặc thay thế ý niệm “diễn giải” chính là những điều các luận đề đã bàn luận tại đây chưa suy xét đến.

Chiêu Dương dịch

[1] Tham khảo chuyên đề của Jacques Derrida, Theory and Practice, David Wills dịch, Geoffrey Bennington và Peggy Kamuf biên tập (Chicago: University of Chicago Press, 2019): “Hãy tin rằng mỗi lần bạn cố vượt qua ranh giới [déborder] đối lập giữa lý thuyết/thực hành, bạn đều đang làm một động tác mà đôi khi giống như thực hành, đôi khi giống như lý thuyết, và đôi khi là cả hai cùng lúc” (86).

[2] Đây là cải biên từ khái niệm “chủ nghĩa duy sử” theo quan điểm Marxist của Fredric Jameson, trong đó “không phải chúng ta là kẻ phán xét về quá khứ, mà đúng hơn, quá khứ, sự khác biệt triệt để của các phương thức sản xuất khác (và thậm chí của cái quá khứ ngay mới của phương thức sản xuất của chính chúng ta) mới là thứ phán xét ta, áp đặt cho ta cái tri thức đau đớn về điều mà chúng ta không phải, không còn là và vẫn chưa trở thành.” Xem Jameson, “Marxism and Historicism,” New Literary History 11/1 (1979): 41-73, tr.70.

[3] Barbara Herrnstein Smith, Contingencies of Value: Alternative Perspectives for Critical Theory (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1988), tr.10-11.

[4] Những phát biểu này tóm tắt các khái niệm của Jacques Derrida “inscription” (khắc vào) và “iterability” (sự lặp lại); xem “Violence and Metaphysics: An Essay on the Thought of Emmanuel Levinas,” Writing and Difference, Alan Bass dịch (Chicago: University of Chicago Press, 1978), tr.115, và “Signature Event Context,” Margins of Philosophy, Alan Bass dịch (Chicago: University of Chicago Press, 1982), tr.320.

[5] Thuật ngữ “nghĩa diễn giải” [interpretant] dựa theo khái niệm của Charles S. Peirce, The Writings of Charles S. Peirce: A Chronological Edition, 1867-1871, Edward C. Moore biên tập (Bloomington: Indiana University Press, 1984), 2:53-54; Umberto Eco, A Theory of Semiotics (Bloomington: Indiana University Press, 1976), tr.15, 69-71; và Eco, “Khái niệm ‘nghĩa diễn giải’ của Peirce,” MLN 91 (1976): 1457-1472.

[6] Một số ví dụ gần đây có thể xem: Barbara Cassin chủ biên, Vocabulaire européen des philosophies: Dictionnaire des intraduisables (Paris: Seuil, 2004); Cassin chủ biên, Dictionary of Untranslatables: A Philosophical Lexicon, Steven Rendall, Christian Hubert, Jeffrey Mehlman, Nathaneal Stein, và Michael Syrotinski dịch, Emily Apter, Jacques Lezra, và Michael Wood biên tập (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2014); và Apter, Against World Literature: On the Politics of Untranslatability (London: Verso, 2013).

[7] Một mô tả về tính tự quyết của người dịch, dựa trên Anthony Giddens, Central Problems in Social Theory: Action, Structure, and Contradiction in Social Analysis (Berkeley: University of California Press, 1979), chương 2.

[8] Cũng có thể suy nghĩ về bản dịch theo chiều hướng mà Fredric Jameson đã trình bày trong The Political Unconscious: Narrative as a Socially Symbolic Act (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1980).

[9] Quan điểm này tham khảo từ Eve Kosofsky Sedgwick, Between Men: English Literature and Male Homosocial Desire (New York: Columbia University Press, 1985), tr.1-5, 21-27, và Jameson, The Political Unconscious, tr.281-299.

[10] Tham khảo khái niệm “linguistic conjuncture” [giao điểm ngôn ngữ] của Jean-Jacques Lecercle trong The Violence of Language (London: Routledge, 1990), tr.201-208. Xem thêm Frank Kermode, “Institutional Control of Interpretation,” Salmagundi 43 (mùa đông 1979): 72-86.

[11] Xem Pierre Bourdieu, “The Forms of Capital,” Richard Nice dịch, trong John G. Richardson biên tập, Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education (Westport, CT:  Greenwood, 1986), tr.241-258.

[12] Những phân biệt này được nêu trong Raymond Williams, “Base and Superstructure in Marxist Cultural Theory,” Problems in Materialism and Culture: Selected Essays (London: Verso, 1980), tr. 31-49.

[13] Đây là một khái niệm về “world space” [không gian thế giới] được vay mượn từ các công trình của Pascale Casanova nhưng nhằm để khôi phục lại quan niệm của Althusser về tính tự chủ tương đối của các thực hành xã hội. Xem Casanova, The World Republic of Letters, M. B. DeBevoise dịch (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2004), và “Literature as a World,” New Left Review 31 (tháng 1-2 2005): 71-90; Louis Althusser, “Contradiction and Overdetermination: Notes for an Investigation,” For Marx, Ben Brewster dịch (London: Allen Lane, 1969), tr. 87-128.

[14] Pascale Casanova, “Consecration and Accumulation of Literary Capital: Translation as Unequal Exchange,” Siobahn Brownlie dịch, trong Mona Baker biên tập, Critical Readings in Translation Studies (Abingdon: Routledge, 2010), tr. 287-303.

[15] Hành động thông diễn đầu tiên có thể thấy qua tác phẩm của nhà thơ và viết luận người Catalan J. V. Foix (1893-1987) trong cuộc đối thoại nhiều mặt của ông với phe tiền phong của chủ nghĩa hiện đại (qua các bản mô phỏng, bản dịch và bình chú); hành động thứ hai được thể hiện qua Imitations (1961), một tuyển tập các phóng tác của nhà thơ người Mỹ Robert Lowell (1917-1977).

[16] Nhà văn người Pháp gốc Czech, Milan Kundera minh họa cho cả hai hành động mang tính công cụ này, đầu tiên là tranh cãi với những dịch giả dịch tiểu thuyết tiếng Czech của ông ra tiếng Anh, và sau đó là quyết định viết bằng tiếng Pháp thay vì tiếng Czech và sửa lại các bản dịch tiểu thuyết ông ra tiếng Pháp.

[17] Một nguyên tắc đạo đức dịch thuật xuất phát từ Alain Badiou, Ethics: An Essay on the Understanding of Evil, Peter Hallward dịch (London: Verso, 2001), tr. 67-71.

[18] Tham khảo Edward Said, Representations of the Intellectual (New York: Random House, 1994).

[19] Xem Jacques Derrida, “White Mythology: Metaphor in the Text of Philosophy,” Margins of Philosophy, Alan Bass dịch (Chicago: University of Chicago Press, 1982), tr. 207-271.

[20] Tham khảo khái niệm “dịch bạo ngược” hay dịch thí nghiệm của Philip E. Lewis, khi “áp đặt một hệ thống khái niệm và ngôn ngữ mà nó phụ thuộc vào” cuối cùng lại “hướng cú phê bình trí mạng trở về phía văn bản mà nó dịch và đã trở thành một kẻ đến sau gây đảo lộn đối với văn bản đó (như thể bản dịch cố dọn vào ngôi nhà vốn đã đảo lộn của bản gốc, và từ đó hoàn toàn không thể “nội hóa” nó mà còn biến nó thành một nơi xa lạ với chính mình.)” Xem Lewis, “The Measure of Translation Effects,” trong Joseph Graham biên tập, Dierence in Translation (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1985), tr. 31-62, tr.43.

[21] Thuật ngữ “episteme” [hệ tri thức] dựa theo Michel Foucault, The Order of Things: An Archaeology of the Human Sciences, người dịch ẩn danh (New York: Random House, 1970), tr. xi, xxii, 168, và The Archaeology of Knowledge and The Discourse on Language, A. M. Sheridan Smith dịch (New York: Random House, 1972), phần IV.

 

(Bài gốc: “Theses on Translation: An Organon for the Current Moment“, Flugschriften, số 5 2019.

Đọc thêm đoạn trích cuốn sách lý luận kinh điển “Sự vô hình của người dịch” của Lawrence Venuti.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn giáo sư Venuti đã giới thiệu và đồng ý cho Zzz Blog dịch bài viết này.)

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Chiêu Dương
Các bài viết khác

Một người dịch