Thời gian đọc: 27 phút

Pablo Neruda, nhà thơ quốc dân của Chile, được trao giải Nobel Văn chương năm 1971, nhờ “thứ thơ ca dũng mãnh như một nguyên tố tự nhiên làm định mệnh và giấc mơ của cả một châu lục bừng sống dậy”. Trong cuốn hồi ký Confieso que he vivido (Tôi thú nhận mình đã sống) xuất bản năm 1974, Neruda kể lại cuộc đời từ lúc còn là một cậu bé nhà quê, đến những thành công đầu tiên trong lĩnh vực thơ ca, đến quãng đời làm lãnh sự ở các nước, tới  sát những ngày cuối đời. Ông qua đời vào năm 1973, chỉ 12 ngày sau cuộc đảo chính do Augusto Pinochet cầm đầu lật đổ chính phủ của tổng thống Salvador Allende.

Các phần được chọn dịch dưới đây nằm trong chương “Thơ ca là một nghề”, nơi Neruda bày tỏ một cách giản dị và thẳng thừng các quan điểm của mình về thơ ca, thi sĩ, nhà phê bình, như một cách đập tan các huyền thoại về thơ ca nói chung.

Zzz Blog

 

Khúc ca Maldoror chính là một câu chuyện in phơi ơ tông tuyệt vời. Đừng quên rằng Isidore Ducasse lấy bút danh từ cuốn tiểu thuyết của nhà văn viết truyện dài kỳ Eugène Sue: tác phẩm Lautréamont, được viết ở Châtenay năm 1837. Nhưng Lautréamont này, như chúng ta biết, đi xa hơn Lautréamont kia rất nhiều. Anh ta trở nên thấp kém hơn nhiều, anh ta muốn trở thành Satan. Và cao cả hơn nhiều, một tổng lãnh thiên thần sa ngã. Ở đỉnh cao bất hạnh, Maldoror cử hành hôn lễ cho thiên đường và địa ngục. Cuồng nộ, túy ca và đau đớn tạo nên những làn sóng cuốn trôi trong nghệ thuật tu từ của Ducasse. Maldoror: Maldolor.

Lautréamont lên kế hoạch cho một giai đoạn mới; ông khước từ mặt ảm đạm và mở màn cho một thứ thơ lạc quan mới mà ông chưa bao giờ có cơ hội viết. Nhà thơ trẻ người Uruguay này đã qua đời ở Paris. Nhưng sự thay đổi được hứa hẹn trong thơ ông, chuyển hướng sang sự tốt lành và lành mạnh, mà ông không thực hiện được, đã gây ra nhiều chỉ trích. Ông được tôn sùng vì nỗi buồn và bị lên án vì chuyển hướng sang niềm vui. Nhà thơ phải hành hạ bản thân và đau khổ, anh ta phải sống trong tuyệt vọng, anh ta phải viết tiếp khúc ca tuyệt vọng của mình. Đây lâu nay là quan niệm ​​của một tầng lớp xã hội, ​​của một giai cấp. Công thức thâm căn cố đế này được hưởng ứng bởi nhiều người chịu đau khổ do những luật lệ bất thành văn, mà lại thâm căn cố đế không kém. Những luật lệ vô hình này đã buộc nhà thơ phải gắn chặt với lều tranh, giày rách, bệnh viện, nhà xác. Vậy là thiên hạ cứ thế sướng: ai cũng vui mà ít phải rơi lệ.

Hoàn cảnh thay đổi vì thế giới thay đổi. Và nhà thơ chúng tôi đột nhiên dẫn đầu cuộc nổi loạn chống lại nỗi sướng vui. Nhà văn bất hạnh, nhà văn bị đóng đinh thập ác là một phần của nghi lễ hạnh phúc trong buổi hoàng hôn của chủ nghĩa tư bản. Gu thẩm mỹ được khéo định theo hướng phóng đại nỗi bất hạnh là chất xúc tác cho sự sáng tạo tuyệt vời. Để viết được thơ thì phải sống suy đồi và khốn khổ. Hölderlin, điên khùng và bất hạnh; Rimbaud, lang thang và cay đắng; Gérard de Nerval, treo cổ trên cột đèn ở một con phố nhỏ tồi tàn; họ trao cho những năm cuối thế kỷ không chỉ sự bùng nổ cái đẹp mà còn con đường đau khổ. Tín điều biến con đường chông gai này thành điều kiện tiên quyết cho sự sáng tạo tinh thần.

Dylan Thomas là người cuối cùng bị đẩy đến cảnh tử vì đạo.

Lạ là những quan niệm này của giai cấp tư sản già nua dằn dỗi vẫn còn đúng trong tâm trí một số người. Những tâm trí không bắt mạch của thế giới qua mũi của nó, nơi cần được bắt, bởi vì chiếc mũi của thế giới ngửi thấy tương lai.

Có những nhà phê bình như loại bầu leo mà cành non và tua tìm kiếm hơi thở thời đại mới nhất, sợ bỏ lỡ mất. Nhưng gốc rễ thì lại vẫn còn nằm sâu trong quá khứ.

Nhà thơ chúng ta có quyền được hạnh phúc, miễn là chúng ta gần gũi với người dân của đất nước mình và ở chỗ ác liệt nhất trong cuộc đấu tranh cho hạnh phúc của họ.

“Pablo là một trong rất ít người hạnh phúc mà tôi biết,” Ilya Ehrenburg nói đâu đó trong tác phẩm của mình. Pablo đó là tôi và Ehrenburg không hề sai.

Đó là lý do tại sao tôi không ngạc nhiên khi những người viết tiểu luận hằng tuần lại quan tâm đến tình trạng thể chất của tôi, dù các vấn đề cá nhân của tôi không nên thuộc mối quan tâm của nhà phê bình. Tôi nhận ra rằng việc tôi có thể hạnh phúc làm nhiều người khó chịu. Nhưng sự thật là, trong lòng tôi hạnh phúc. Lương tâm tôi trong sáng còn trí tuệ thì hoạt động không ngừng.

Với đám phê bình gia chỉ trích nhà thơ vì điều kiện sống tốt hơn, tôi nghĩ họ nên tự hào thơ đã được in, bày bán, và giúp họ hoàn thành sứ mệnh có cái mà phê bình; họ nên vui mừng vì nhà văn được trả nhuận bút và ít ra vài người kiếm sống được nhờ lao động lương thiện. Các nhà phê bình nên thể hiện niềm tự hào vì điều này, thay vì bới lông tìm vết.

Đó là lý do tại sao gần đây, khi tôi đọc những đoạn về tôi của một nhà phê bình trẻ, một tu sĩ tài năng, tôi nghĩ tài năng của anh đã không ngăn anh khỏi những nhầm lẫn tệ hại.

Theo anh, thơ tôi yếu đi bởi niềm vui sướng trong đó. Anh kê đơn thuốc đau khổ cho tôi. Cứ theo lý thuyết này thì viêm ruột thừa sẽ tạo ra những áng văn xuất sắc còn viêm phúc mạc có thể tạo ra những vần thơ bất hủ.

Tôi vẫn cứ sáng tác với các chất liệu mà tôi có, những chất liệu mà tôi được nhào nặn nên. Với cảm xúc, sự sống, sách vở, sự kiện và những cuộc chiến, tôi ăn tạp mọi thứ. Tôi muốn nuốt chửng quả đất. Tôi muốn uống cạn biển cả.

 

Những dòng thơ ngắn dài

 

Là nhà thơ tích cực, tôi chiến đấu chống lại thói chỉ biết đến bản thân mình và do đó giải quyết được sự tranh chấp giữa cái thực tế và cái chủ quan sâu thẳm trong chính tôi. Tôi không cố đưa ra lời khuyên, nhưng kinh nghiệm của tôi có thể giúp người khác. Hãy xem qua kết quả.

Đương nhiên là thơ tôi chịu chỉ trích nghiêm trọng cũng như đối mặt với những lời phỉ báng xấu xa. Đó là một phần của trò chơi. Ở phần này của cuộc thảo luận, tôi không có tiếng nói, nhưng tôi có phiếu bầu. Về phần phê bình những ý nghĩa sâu xa, phiếu bầu của tôi là sách của tôi, toàn bộ sự nghiệp thơ của tôi. Đối với những phỉ báng thù nghịch, tôi cũng có quyền bỏ phiếu và nó nằm trong sự sáng tạo nghiêm túc không ngừng của tôi.

Nếu những gì tôi đang nói nghe phù phiếm thì anh đúng đấy. Trong trường hợp của tôi, đó là sự phù phiếm của người nghệ nhân đã làm một công việc nhiều năm với tình yêu sâu sắc.

Nếu tôi có hài lòng về điều gì, thì bằng cách này hay cách khác, ít nhất là ở nước mình, tôi đã khiến mọi người tôn trọng nghề nghiệp của nhà thơ, nghề sáng tác thơ.

Lúc tôi mới bắt đầu viết, có hai loại nhà thơ. Một số là quý ông thuộc tầng lớp trên được tôn trọng nhờ tiền bạc, giúp họ đạt được vị thế chính đáng hoặc phi chính đáng. Những nhà thơ còn lại là những chiến binh lang bạt của thơ ca, những anh hùng bàn nhậu, đám điên nhiệt tình, những kẻ mộng du khốn khổ. Và đừng bỏ qua những nhà văn bị dính chặt, giống như nô lệ khổ sai trói chặt vào tay chèo, vào chiếc ghế nhỏ trong công sở. Ước mơ của họ cơ hồ luôn bị chết ngạt bởi hàng núi giấy tờ được đóng dấu đỏ, bởi nỗi sợ hãi khủng khiếp cấp trên, và sợ bị cười chê.

Tôi bắt đầu cuộc sống trần trụi hơn Adam nhưng với tâm trí cương quyết duy trì sự liêm chính của thơ ca. Quan điểm không gì lung lay được này không chỉ hợp với tôi mà còn ngăn lũ ngốc cười nhạo. Và sau đó, nếu những kẻ ngốc này có trái tim và lương tâm thì họ chấp nhận, như những người tốt, những thứ cốt lõi được thơ ca tôi khuấy động lên, còn nếu chúng là kẻ ác tâm, chúng dần dần trở nên sợ tôi.

Và vì vậy Thơ ca, với chữ T in hoa, được tôn trọng. Không chỉ thơ mà cả nhà thơ nữa. Tất thảy thơ ca và toàn bộ các nhà thơ.

Tôi nhận thức sâu sắc nhiệm vụ này với mọi người, và tôi sẽ không cho phép bất cứ ai giành lấy công trạng này từ tôi, bởi vì tôi thích đeo nó như một tấm huy chương. Họ có thể nghi ngờ mọi thứ khác, nhưng những gì tôi đang kể là lịch sử không thể bàn cãi.

Những kẻ thù ngoan cố của tôi sẽ đưa ra nhiều lập luận không còn giá trị. Họ gọi tôi là thằng ăn mày khi tôi còn trẻ. Bây giờ họ tấn công tôi bằng cách khiến mọi người nghĩ tôi là ông lớn, chủ sở hữu một gia sản kếch xù, mà tôi không có nhưng rất muốn có, trong số nhiều thứ khác để làm họ khó chịu hơn nữa.

Những kẻ khác thì lại đo chiều dài dòng thơ của tôi để chứng minh tôi cắt nhỏ hoặc kéo dài quá mức. Điều đó chả quan trọng. Ai lập ra quy tắc dòng thơ ngắn hay dài, hẹp hay rộng, vàng hay đỏ? Nhà thơ viết ra chúng là người quyết định. Anh ta quyết định bằng hơi thở và máu, bằng trí tuệ và sự ngu dốt của mình, bởi tất cả những điều này là nguyên liệu để sáng tạo thơ ca.

Nhà thơ mà không có óc thực tế thì đáng vứt đi. Song nhà thơ chỉ có óc thực tế cũng vứt đi nốt. Nhà thơ chỉ toàn phi lý sẽ chỉ có chính mình và người mình yêu hiểu được, điều này thật đáng buồn. Nhà thơ hoàn toàn duy lý thậm chí đến thằng ngốc cũng hiểu được, thì càng buồn hơn. Không hề có những quy tắc cứng nhắc và bền vững, không có yếu tố nào được Thượng đế hoặc Quỷ dữ quy định, nhưng hai quý ông vô cùng quan trọng này liên tục đánh nhau trong vương quốc thơ ca, và trong trận chiến này, lúc thì bên này thắng lúc thì bên kia thắng, nhưng thơ ca không thể bị đánh bại.

Rõ ràng nghề nhà thơ bị lạm dụng ở một mức độ nào đó. Không biết bao nhiêu nam thi sĩ với nữ thi sĩ mới liên tục xuất hiện đến nỗi chẳng chóng thì chầy ai cũng sẽ trông giống nhà thơ, thế rồi độc giả sẽ biến mất. Chúng ta sẽ phải đi tìm độc giả trong các cuộc thám hiểm băng qua những đụn cát sa mạc trên lưng lạc đà hay vòng quanh bầu trời trên tàu vũ trụ.

Thơ ca là tiếng gọi nội tâm sâu sắc trong con người; từ đó phụng vụ, thánh ca, và cả giáo lý của các tôn giáo ra đời. Nhà thơ đối mặt với các hiện tượng thiên nhiên và vào thời sơ khai tự gọi mình là tư tế, để biện minh cho ơn gọi của mình. Cũng như vậy, để biện minh thơ ca của mình, nhà thơ thời hiện đại nhận chức nghiệp mà đường phố, và quần chúng dành cho anh ta. Ngày nay nhà thơ của nhân dân vẫn là một thành viên của dòng tu sớm nhất. Xưa anh ta hiệp thông với bóng tối, nay anh ta phải giải thích ánh sáng.

 

Sự độc đáo

 

Tôi không tin vào sự độc đáo. Nó cũng chỉ là một kiểu tôn sùng nữa được tạo ra trong thời đại chúng ta, và đang nhanh chóng đi đến bờ vực sụp đổ. Tôi tin vào cá tính đến được với người đọc qua bất kỳ ngôn ngữ nào, bất kỳ hình thức nào, bất kỳ phương tiện sáng tạo nào được nghệ sĩ sử dụng. Mà sự độc đáo điên rồ là trò bịa đặt thời hiện đại và trò gian lận bầu cử. Có một số người muốn được bầu làm Đệ nhất Thi sĩ ở đất nước họ, ngôn ngữ của họ hoặc trên toàn thế giới. Vì vậy, họ chạy đi kiếm cử tri, họ ném những lời lăng mạ vào những người có vẻ đủ gần để tranh cây quyền trượng, và thơ ca biến thành trò hề.

Tuy nhiên, điều cần thiết là phải giữ những định hướng bên trong, kiểm soát chất liệu bổ sung mà thiên nhiên, văn hóa và đời sống xã hội góp phần mang lại sự xuất sắc nhất của nhà thơ.

Từ xưa, những nhà thơ cao quý nhất và tài giỏi nhất, như Quevedo chẳng hạn, đã viết những bài thơ với lời cảnh báo như thế này: “Bắt chước Horace,” “Bắt chước Ovid,” “Bắt chước Lucretius.”

Về phần tôi, tôi giữ giọng điệu của riêng mình được bồi đắp bởi chính bản chất của nó qua thời gian, giống như mọi sinh vật sống. Chắc chắn cảm xúc chiếm vai trò chính yếu trong những tập thơ đầu tiên của tôi, và thật khốn khổ cho nhà thơ không đáp lại bằng thơ ca trước những tiếng gọi dịu dàng và giận dữ của trái tim! Tuy nhiên, sau bốn mươi năm kinh nghiệm, tôi tin rằng nhà thơ có thể tiết chế cảm xúc tốt hơn trong tác phẩm của mình. Tôi tin vào tính tự phát có kiểm soát. Đối với điều này, nhà thơ phải luôn có dự trữ, trong túi mình, giả dụ thôi, để chuẩn bị trong trường hợp cần kíp. Đầu tiên, dự trữ các quan sát thực tế, chính thống, dự trữ từ ngữ, âm thanh hay hình ảnh, những thứ vụt qua ngay trước mặt chúng ta như những chú ong vậy. Ta phải nhanh tay bắt lấy và bỏ vào túi. Khoản này tôi rất lười biếng, nhưng tôi biết mình đang truyền lại lời khuyên hữu ích. Mayakovsky có một cuốn sổ nhỏ mà anh liên tục giở ra. Ngoài ra còn phải dự trữ cảm xúc. Làm thế nào có thể lưu giữ được chúng? Bằng cách ý thức về chúng khi chúng đến. Sau này, khi chúng ta đối mặt với trang giấy, ý thức này sẽ trở lại với chúng ta một cách sống động hơn cả cảm xúc thực.

Trong hầu hết tác phẩm của mình, tôi cố gắng chứng minh rằng nhà thơ có thể viết về thứ được giao cho mình, về thứ cần thiết cho toàn bộ cộng đồng. Hầu hết mọi tác phẩm vĩ đại thời xưa đều được thực hiện hoàn toàn do đặt hàng. Tác phẩm Georgics tuyên truyền cho hoạt động nông nghiệp của nông thôn La Mã. Một nhà thơ có thể viết cho một trường đại học hay một liên đoàn lao động, cho các hội và các nhóm ngành nghề. Tự do không bao giờ bị mất chỉ vì điều này. Cảm hứng thần diệu và việc nhà thơ giao tiếp được với Thượng đế là những chuyện bịa đặt do tư lợi. Lúc xuất thần sáng tạo nhất, sản phẩm có thể là một phần của người khác, bị ảnh hưởng bởi những điều đã đọc và áp lực bên ngoài.

Đột nhiên tôi dừng những suy xét có phần lý thuyết này, và bắt đầu nhớ về cuộc sống văn chương ở Santiago hồi còn trẻ. Các họa sĩ và nhà văn làm việc âm thầm lặng lẽ. Trữ tình mùa thu phảng phất trong hội họa và thơ ca. Mỗi nghệ sĩ cố gắng phá cách hơn, suy đồi hơn, phóng túng hơn những người khác. Những khuấy động hỗn loạn diễn ra trong các tầng lớp xã hội Chile. Alessandri đã có những bài diễn thuyết lật đổ. Nơi hoang mạc muối diêm tiêu, công nhân, những người sẽ tạo ra phong trào nhân dân quan trọng nhất trên lục địa, đang tập hợp lại. Đó là những ngày thiêng liêng của cuộc đấu tranh. Carlos Vicuña, Juan Gandulfo. Tôi nhanh chóng tham gia phong trào công đoàn sinh viên vô chính phủ. Cuốn sách yêu thích của tôi là Sacha Yegulev của Andreyev. Những người khác đọc tiểu thuyết khiêu dâm của Artsybashev và gán cho những cuốn sách đó sự công kích ý thức hệ, y như ngày nay người ta gán cho khiêu dâm ý nghĩa hiện sinh vậy. Trí thức ẩn náu trong quán rượu. Rượu lâu năm khiến sự khốn khổ sáng lấp lánh như vàng tới tận sáng hôm sau. Juan Egaña, một nhà thơ tài năng phi thường, suy sụp tinh thần mà chết. Người ta đồn anh được thừa hưởng một gia sản lớn và đã bỏ lại hết đám giấy bạc trên bàn trong một ngôi nhà hoang. Bạn nhậu của anh toàn những kẻ ngủ ngày, đêm đến mò ra ngoài mang về những thùng rượu lớn. Nhưng thơ Juan Egaña, như ánh trăng, là một chấn động vô danh trong “khu rừng trữ tình” của chúng tôi. Đây là tựa đề lãng mạn của tuyển tập hiện đại tuyệt vời do Molina Núñez và O. Segura Castro xuất bản, một cuốn sách hoàn chỉnh, đầy sự vĩ đại và rộng lượng. Đó là Tổng tập Thi ca của một kỷ nguyên hỗn loạn, được đánh dấu bằng cả những khoảng hổng lớn lẫn sự lộng lẫy thuần khiết. Nhân vật gây ấn tượng nhất với tôi nhà độc tài của văn chương trẻ. Giờ đây không còn ai nhớ đến anh nữa. Tên anh là Aliro Oyarzún. Anh là một người theo trường phái Baudelaire gầy guộc, một người suy đồi xuất sắc, là Barba Jacob của Chile, dằn vặt, tái nhợt, điển trai và điên rồ. Anh cất giọng âm vang từ vóc dáng cao lớn của mình. Anh sáng tạo ra cách viết chữ tượng hình để trình bày vấn đề thẩm mỹ, đặc biệt với một phân khúc nhất định của thế giới văn chương chúng ta. Giọng anh cao vút; trán anh là mái vòm vàng của ngôi đền trí tuệ. Anh sẽ nói, chẳng hạn: “dáng tròn của vòng tròn,” “phóng đãng trong phóng đãng,” “tối tăm của tối tăm.” Nhưng Aliro Oyarzún không ngốc chút nào. Trong anh kết hợp cả văn hóa của thiên đường và hỏa ngục. Anh là người theo chủ nghĩa quốc tế vì theo đuổi lý thuyết mà giết chết bản chất của mình. Người ta nói rằng anh đã viết bài thơ duy nhất của mình để thắng một vụ cá cược, và tôi không thể hiểu nổi tại sao bài thơ đó không có trong tất cả các tuyển tập thơ của Chile.

 

Kẻ thù văn chương

 

Tôi cho rằng những xung đột lớn nhỏ luôn tồn tại, và sẽ tiếp tục tồn tại, giữa các nhà văn ở khắp nơi trên thế giới.

Văn chương lục địa nam Mỹ chúng tôi đầy những vụ tự tử lớn. Ở nước Nga cách mạng, những kẻ đố kỵ đã đẩy Mayakovsky vào đường cùng và sau cuối anh đã siết cò súng.

Những mối hận thù nhỏ nhặt đang trở nên trầm trọng ở Mỹ Latinh. Thậm chí đố kỵ đôi khi trở thành một nghề. Người ta cho rằng chúng tôi đã thừa hưởng đặc điểm này từ thực dân Tây Ban Nha đổ nát. Quả thật là ở Quevedo, Lope de Vega và Góngora, chúng ta thường gặp những vết thương mà họ gây ra cho nhau. Bất chấp sự huy hoàng trí tuệ tuyệt vời, Thời đại hoàng kim Tây Ban Nha là một thời đại bất hạnh, với đói khát rình rập bên ngoài các cung điện.

Trong vài năm qua, tiểu thuyết đã đi theo một chiều hướng mới ở các nước chúng tôi. Những cái tên như García Márquez, Juan Rulfo, Vargas Llosa, Sábato, Cortázar, Carlos Fuentes và Donoso của Chile được nhắc đến và tác phẩm của họ được đọc ở khắp nơi. Vài người trong số họ được gom thành nhóm gọi là “sự bùng nổ (văn học Mỹ Latinh)”; Người ta cũng thường nói rằng họ là một nhóm tự tán dương mình.

Tôi đã gặp hầu hết họ và thấy họ rất lành tính và rộng lượng. Càng ngày tôi càng hiểu rõ hơn tại sao vài người họ phải bỏ nước mà đi tìm sự thanh thản tâm hồn để sáng tác, tránh xa sự thù địch chính trị và sự đố kị đầy rẫy khắp nơi. Những lý do cho sự lưu vong tự nguyện của họ là không thể bác bỏ: sách của họ ngày càng trở nên cấp thiết hơn đối với sự thật và ước mơ của châu Mỹ chúng tôi.

Tôi e ngại khi nhắc đến chuyện mình từng bị đố kị cực kỳ quá quắt. Tôi không muốn có vẻ tự cho mình là trung tâm, tự mãn, nhưng thật may mắn là tôi được những người bướng bỉnh và đồng bóng như vậy ghen tị nên chuyện rất đáng kể lại.

Những cái bóng dai dẳng này quả là từng khiến tôi tức giận. Nhưng thực ra, họ đang thực hiện một nghĩa vụ tuyên truyền kỳ lạ, trái ý họ, như thể họ thành lập công ty chuyên trách làm cho tôi nổi danh khắp nơi.

Cái chết bi thảm của một trong những đối thủ tàn nhẫn đó đã để lại một sự trống rỗng trong đời tôi. Trong suốt nhiều năm, anh ta liên tục chống lại mọi thứ tôi làm, giờ thì tôi cảm thấy nhớ điều đó.

Bốn mươi năm khủng bố văn chương là một điều gì đó thật đặc biệt. Tôi thấy chút vui vẻ khi nhìn lại trận chiến đơn độc mà một người chống lại cái bóng của chính mình, vì bản thân tôi chưa bao giờ tham gia vào.

Hai mươi lăm tờ tạp chí đã được xuất bản bởi chỉ một chủ bút (luôn luôn là anh ta) chỉ để hủy hoại nghiệp văn của tôi, quy cho tôi đủ loại tội ác, phản bội, thơ hết vốn, trụy lạc công khai và bí mật, đạo văn, tình dục bệnh hoạn. Tờ rơi cũng xuất hiện và được phân phát không ngừng; thỉnh thoảng là những bài báo hài hước; và cuối cùng là cả một cuốn sách có tên Neruda y yo (Neruda và tôi), một tập sách dày cộm đầy những lời sỉ nhục và lăng mạ.

Đối thủ của tôi là một nhà thơ Chile lớn tuổi hơn tôi, cuồng tín và độc đoán, làm màu hơn là thực chất. Loại nhà văn vị kỷ dữ dội này đầy rẫy ở châu Mỹ. Sự cay nghiệt và tính tự mãn của họ có thể có các hình dạng khác nhau, nhưng cái gốc D’Annunzio của họ buồn thay rõ mồn một.

Vào những buổi sớm tồi tệ ở những khu nghèo khó, bọn nhà thơ chúng tôi, phần lớn rách rưới và đói khát, phải bước quanh đám nôn mửa của những kẻ say xỉn mà tìm thức ăn. Ở những hoàn cảnh khốn khổ đó, thật kỳ lạ, văn chương đã sinh ra những kẻ bắt nạt, những người sống sót trong cuộc sống giang hồ. Một chủ nghĩa hư vô vĩ đại, một sự hoài nghi kiểu Nietzsche giả dối đã khiến nhiều nhà thơ của chúng tôi ẩn đằng sau những chiếc mặt nạ tội lỗi. Khá nhiều người đã quặt đời mình sang lối tắt phạm pháp và tự hủy diệt.

Nhân vật phản diện lừng danh của tôi xuất hiện từ nền tảng đó. Đầu tiên anh ta cố quyến rũ tôi, để khiến tôi rối tung rối mù trong luật chơi của anh ta. Chuyện này đi ngược lại bản chất cậu bé nhà quê, thuộc tầng lớp tiểu tư sản của tôi. Tôi không đủ can đảm, mà cũng không muốn là kẻ cơ hội. Ngược lại, người hùng của chúng ta là một chuyên gia tận dụng mọi tình huống. Anh ta sống trong một thế giới trò hề bất tận, nơi anh ta tự lừa dối mình bằng cách đóng vai kẻ bắt nạt, vừa là nghề vừa là thứ che chở.

Đã đến lúc đặt tên cho nhân vật này. Anh ta tên là X. Đó là một người mạnh mẽ, râu ria, cố gây ấn tượng với mọi người bằng cả tài hùng biện lẫn ngoại hình của mình. Một lần, hồi tôi mới mười tám hay mười chín tuổi, anh ta đề nghị tôi và anh ta cùng phát hành một tạp chí văn chương. Tạp chí chỉ bao gồm hai phần: một phần anh ta sẽ khẳng định, bằng nhiều giọng điệu khác nhau, trong các tác phẩm văn xuôi và thơ, rằng tôi là một nhà thơ mạnh mẽ và xuất sắc; và phần kia tôi sẽ tuyên bố rộng rãi rằng anh ta sở hữu trí thông minh tuyệt đối và tài năng vô hạn. Như vậy thì mọi thứ đều hoàn hảo.

Mặc dù còn rất trẻ, nhưng tôi thấy dự án này quá đáng quá. Tuy nhiên, tôi phải vô cùng vất vả mới ngăn anh ta dừng chuyện đó lại. Anh ta xuất sắc trong việc xuất bản các tạp chí phê bình, và cách anh ta gom tiền để duy trì được trò phát tờ đơn không ngừng thật đáng kinh ngạc.

Anh ta vạch ra một đường lối hành động rõ ràng ở các khu vực lạnh giá và cô lập. Anh ta lên một danh sách dài các bác sĩ, luật sư, nha sĩ, nhà nông học, giáo sư, kỹ sư, những người đứng đầu trong các công sở, v.v. Được bao bọc trong ánh hào quang của các tạp chí đồ sộ, ấn phẩm, tuyển toàn tập, những tập sử thi và thơ trữ tình, nhân vật của chúng ta sẽ xuất hiện như sứ giả văn hóa phổ quát. Anh ta sẽ long trọng mời những kẻ vô danh mà anh ta đến thăm mua tất cả những thứ này, rồi chiếu cố lấy vài xu lẻ. Trước những lời đao to búa lớn của anh ta, các nạn nhân dần thu nhỏ lại ngang cỡ một con ruồi. X thường rời đi với những đồng xu trong túi và bỏ lại con ruồi phía sau, hoàn toàn bị chế ngự bởi sự vĩ đại của Văn hóa Phổ quát.

Vào những lúc khác, X tự giới thiệu mình là chuyên gia quảng cáo nông nghiệp và đề nghị chuẩn bị cho những nông dân ở vùng nông thôn hoang dã miền nam những chuyên khảo sang trọng về nông trang của họ, với ảnh chủ sở hữu và bầy gia súc. Anh ta diễn ra trò, đến trong chiếc quần bò và đôi giày lính cứu hỏa, khoác một chiếc áo chùng lộng lẫy và kỳ lạ. Vừa tâng bốc vừa ngầm đe dọa sẽ viết không hay ho về họ, người đàn ông của chúng ta rời khỏi trang trại miền quê với nhiều tờ séc. Các chủ đất rất keo kiệt nhưng thực tế, và họ đã đưa cho anh ta ít tiền để thoát khỏi anh ta.

Đặc điểm quan trọng bậc nhất của X, triết gia trường phái Nietzsche và nhà văn viết không kiểm soát đến mức không thể cứu vãn được, là trò bắt nạt về trí tuệ và thể chất. Anh sắm vai tên lưu manh trong đời sống văn học Chile. Trong nhiều năm, anh ta có đám quần hầu gồm những con quỷ tội nghiệp tung hô anh ta. Nhưng đời lại có thói nhất quyết chơi bọn cơ hội này một vố.

Cái kết bi kịch của đối thủ giận dữ của tôi – anh ta đã tự tử ở tuổi xế chiều – khiến tôi chần chừ một thời gian dài trước khi viết ra những hồi ức này. Cuối cùng tôi cũng làm được, vì tôi cảm thấy đây là thời điểm và chỗ thích hợp. Một dãy núi thù ghét khổng lồ chạy qua các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha; nó ăn mòn tác phẩm của các nhà văn, bằng sự ghen tị đáng lo ngại. Cách duy nhất để chấm dứt sự xấu xa đầy hủy diệt này là công khai chỉ mặt đặt tên nó.

Một trò khủng bố văn chương-chính trị khác nhằm vào tôi và tác phẩm của tôi của một tay người Uruguay nào đó có họ của người Galicia, gì đó như Ribero, cũng điên rồ và dai dẳng chả kém gì. Nhiều năm qua, người này đã xuất bản các cuốn sách nhỏ bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp, trong đó anh ta băm vằm tôi ra. Kỳ quái là những hành động chống Neruda của anh ta không chỉ là quá nhiều giấy in mà anh ta tự trả tiền, mà anh ta còn chi tiền cho các chuyến đi đắt đỏ, với mục tiêu thường trực là hủy hoại tôi.

Nhân vật kỳ lạ này đã đến Đại học Oxford khi được thông báo rằng tôi được trao bằng tiến sĩ danh dự ở đó. Tay thợ thơ người Uruguay đến đó với những cáo buộc kỳ quái, chực xé tan danh tiếng văn chương của tôi thành từng mảnh. Tôi vẫn đang khoác chiếc áo choàng đỏ tươi, sau lễ vinh danh, khi những giảng viên trường Oxford vui vẻ bình luận với tôi, qua những ly rượu chúc tụng, về những cáo buộc của anh ta về tôi.

Thậm chí còn khó tin và táo bạo hơn nữa là chuyến đi của anh chàng Uruguay này đến Stockholm năm 1963. Người ta đồn rằng tôi có khả năng được Nobel. Chà, thế là anh ta đến gặp các thành viên của Viện hàn lâm, trả lời phỏng vấn báo chí, lên đài phát thanh tuyên bố dứt khoát rằng tôi là một trong những sát thủ đã giết Trotsky, hy vọng tôi sẽ bị loại khỏi giải thưởng bằng những cáo buộc này.

Thời gian đã chứng minh rằng anh chàng luôn gặp vận xui, và cả ở Oxford lẫn Stockholm, anh ta đều vừa mất tiền vừa thất bại thảm hại.

 

Phê bình và tự phê bình

 

Không thể phủ nhận rằng có một số nhà phê bình giỏi về tôi. Tôi không muốn nói những người ủng hộ các bữa tiệc văn chương, mà tôi cũng không nói về những lời lăng mạ mà tôi vô tình gây ra.

Tôi nói đến những người khác. Trong số những cuốn viết về thơ tôi, ngoài những cuốn của các nhà phê bình trẻ hăng hái, tôi phải công nhận cuốn sách của Lev Ospovat, người Nga, là cuốn hay nhất. Chàng trai trẻ này dụng công đến mức học thành thạo tiếng Tây Ban Nha, và nhìn thơ tôi bằng một thứ hơn là sự khảo sát ý nghĩa và âm thanh: anh ta đặt nó trong viễn cảnh tương lai, áp cho nó ánh sáng phương bắc trong thế giới của anh.

Tiểu vương Rodríguez Monegal, một nhà phê bình hạng nhất, đã xuất bản một cuốn sách về thơ tôi và đặt tựa đề là El viajero inmóvil (Người du hành bất động). Nhìn một phát là ta thấy ngay rằng học giả này là người khôn ngoan. Ông ngay lập tức nhận ra tôi thích du hành mà không cần bước ra khỏi nhà hay rời khỏi đất nước mình hoặc thậm chí đi ra khỏi chính mình. (Trong tiểu thuyết trinh thám tuyệt hay mà tôi có một cuốn, tác phẩm The Moonstone, có một hình minh họa tôi rất thích. Đó là hình ảnh một quý ông luống tuổi người Anh khoác một tấm áo chùng, hay áo trùm, áo choàng nặng hay bất cứ thứ gì tương tự, ngồi trước lò sưởi, một tay cầm sách, tay kia là tẩu thuốc và hai chú chó ngủ lơ mơ dưới chân. Tôi cũng muốn được như vậy mãi mãi, ngồi trước ngọn lửa, cạnh bờ biển, cùng hai chú chó, đọc những cuốn sách mà tôi đã nhọc công thu thập được, hút tẩu thuốc.)

Cuốn sách của Amado Alonso, Poesía y estilo de Pablo Neruda (Thơ ca và phong cách của Pablo Neruda), được nhiều người đánh giá cao. Anh quan tâm tìm hiểu  bóng tối, tìm kiếm mức độ giữa ngôn từ và hiện thực mơ hồ. Hơn nữa, nghiên cứu của Alonso cho thấy mối quan tâm nghiêm túc đầu tiên đối với tác phẩm của một nhà thơ đương đại viết bằng ngôn ngữ của chúng tôi. Và nó tôn vinh tôi quá mức.

Để nghiên cứu và giải nghĩa thơ tôi, nhiều nhà phê bình đã quay sang hỏi tôi, trong số đó có chính Amado Alonso; anh căn vặn tôi và luôn đòi tôi phải rõ ràng, ở điểm này thì nhiều lần tôi không hiểu nổi anh.

Một số người tin rằng tôi là một nhà thơ siêu thực, với những người khác tôi lại là một nhà thơ theo chủ nghĩa hiện thực, còn những người khác nữa thì không tin tôi là nhà thơ. Tất cả đều có phần đúng và có phần không đúng.

Tập thơ Residencia en la tierra đã được viết, hoặc ít nhất là bắt đầu được viết, cũng như tập Tentativa del hombre infinito, trước thời hoàng kim của chủ nghĩa siêu thực, nhưng chúng ta không thể luôn tin vào ngày tháng. Không khí thế giới vận chuyển những phân tử thơ ca, nhẹ tênh như phấn hoa hay nặng trịch như chì, và những hạt giống đó rơi xuống luống, hoặc rơi trên đầu người, mang lại cho mọi thứ không khí mùa xuân hay trận chiến, tạo ra hoa cũng như tên lửa.

Còn chuyện chủ nghĩa hiện thực, tôi phải nói là tôi không hợp, tôi ghét chủ nghĩa hiện thực trong thơ ca. Hơn nữa, thơ không phải là siêu thực hay bán hiện thực, mặc dù nó có thể là phản hiện thực. Và đó là chủ nghĩa phản hiện thực với tất cả sự hợp lý, với tất cả sự bất hợp lý; nghĩa là với tất cả thơ ca.

Tôi yêu những cuốn sách, chất liệu đặc quánh của tác phẩm thơ ca, khu rừng văn chương, tôi yêu tất cả, ngay cả gáy sách, nhưng không yêu nhãn dán trường phái. Tôi muốn những cuốn sách không có trường phái và không có phân loại, như cuộc sống vậy.

Tôi thích “người hùng lạc quan” trong thơ Walt Whitman và Mayakovsky, trong những nhà thơ tìm ra người hùng ấy không theo công thức có sẵn, và đưa anh ta, cùng những khổ đau, vào cuộc đời trần tục này, bắt anh ta chia sẻ với chúng ta đồ ăn và cả giấc mơ.

Xã hội xã hội chủ nghĩa phải chấm dứt huyền thoại về thời đại tốc độ, nơi quảng cáo bằng áp phích có giá trị cao hơn hàng hóa, nơi các thứ thiết yếu bị gạt sang một bên. Nhưng nhu cầu khẩn thiết nhất cho nhà văn là viết ra sách hay. Tôi thích “người hùng lạc quan” được tìm thấy trong các chiến hào hỗn loạn của cuộc nội chiến của nhà thơ Hoa Kỳ Walt Whitman và nhà thơ Liên Xô Mayakovsky, nhưng trong trái tim tôi cũng có chỗ cho người hùng đau khổ của Lautréamont, hiệp sĩ lang thang thở dài của Laforgue, và người lính tiêu cực của Baudelaire. Hãy cẩn thận khi tách hai nửa quả táo sáng tạo, vì chúng ta có thể cắt phải tim mình và ngừng tồn tại. Hãy cẩn thận! Chúng ta phải yêu cầu nhà thơ hãy chọn vị trí trên đường phố và trong cuộc chiến, cũng như trong ánh sáng và trong bóng tối.

Có lẽ nhà thơ luôn có nghĩa vụ giống nhau trong suốt lịch sử. Vinh dự của thơ ca là ở chỗ đi ra ngoài đường phố, tham gia vào trận chiến này kia. Nhà thơ không sợ hãi khi bị coi là kẻ nổi loạn. Thơ là sự nổi loạn. Nhà thơ không thấy bị xúc phạm khi bị gọi là kẻ lật đổ. Sự sống vượt qua mọi cấu trúc, và có những quy tắc mới cho linh hồn. Hạt giống nảy mầm ở bất cứ đâu; mọi ý tưởng đều kỳ lạ; chúng ta chờ đợi những thay đổi lớn mỗi ngày; chúng ta say sưa sống qua sự đột biến của trật tự con người: mùa xuân là nổi loạn.

Tôi đã cho đi tất cả những gì tôi có. Tôi đã ném thơ mình lên vũ đài, và tôi thường xuyên chảy máu, chịu đau đớn và ca ngợi những khoảnh khắc vinh quang mà tôi đã chứng kiến ​​và trải qua. Đôi khi tôi bị hiểu lầm vì điều này hay điều khác, và điều đó không thực sự quá tệ.

Một nhà phê bình Ecuador đã nói rằng không có hơn sáu trang thơ cho ra thơ trong tập Las uvas y el viento của tôi. Hóa ra phê bình gia Ecuador đọc tập thơ của tôi mà không có lấy một chút tình yêu nào bởi vì đó là một tập thơ chính trị, giống như các nhà phê bình siêu chính trị khác chê tập Residencia en la tierra của tôi vì họ cho rằng nó quá nội tâm và u ám. Ngay cả một nhà văn nổi tiếng như Juan Marinello cũng từng chỉ trích nó vì lý do đạo đức. Tôi tin rằng cả hai đều cùng phạm một sai lầm, xuất phát từ một điểm chung.

Đôi khi tôi cũng phát ngôn gay gắt về Residencia en la tierra, nhưng khi làm như vậy, tôi không nghĩ về tính thơ mà về không khí bi quan khắc nghiệt của tập thơ. Tôi không thể nào quên vài năm trước, một cậu bé ở Santiago đã tự sát dưới một gốc cây và để tập thơ của tôi mở ra ngay tại bài thơ “Significa sombras” (“Đó nghĩa là bóng tối”).

Tôi tin rằng cả Residencia en la tierra, một tập thơ đen tối và ảm đạm nhưng cốt yếu trong sự nghiệp của tôi và Las uvas y el viento, một tập thơ về không gian bao la và ánh sáng chan hòa, có quyền tồn tại ở đâu đó. Và tôi không mâu thuẫn với chính mình khi tôi nói điều này.

Thật ra, tôi có chút yếu lòng với tập Las uvas y el viento, có lẽ vì đó là tập thơ bị hiểu lầm nhiều nhất của tôi; hoặc bởi vì hành trình đi khắp thế giới của tôi được bày khắp trong từng trang. Nó chứa bụi đường và nước sông; nó chứa các sinh vật, sự liên tục và những nơi chốn ngoài biển khơi mà tôi không biết cho đến khi tôi phát hiện ra chúng trong nhiều chuyến đi. Tôi nhắc lại, đó là một trong những tập thơ tôi yêu thích nhất.

Trong tất cả các tập thơ của tôi, Estravagario không phải tập có giai điệu hay nhất mà là tập có bước nhảy tuyệt nhất. Những vẫn thơ nhảy nhót của nó bỏ qua sự phân biệt, tôn trọng, bảo vệ lẫn nhau, các nền tảng và nghĩa vụ, để bảo trợ cho sự bất kính tôn kính. Nhờ sự bất kính của nó, nó là tập thơ gần gũi với tâm hồn tôi nhất. Bởi vì phạm vi của nó, nó là một trong những tập thơ quan trọng nhất. Đối với riêng tôi, đó là một tập thơ đỉnh cao, với vị muối mặn mà sự thật luôn luôn có.

Trong tập Odas Elementales, tôi quyết định viết về mọi thứ ở thời điểm khởi đầu, bắt đầu từ trạng thái nguyên sơ, từ khởi sinh trở đi. Tôi muốn viết lại rất nhiều điều đã được viết, được nói và lặp đi lặp lại. Ý định của tôi là bắt đầu như cậu bé đang ngậm cây bút chì, chuẩn bị làm bài tập làm văn về mặt trời, bảng đen, đồng hồ hay gia đình. Không có gì được bỏ qua khỏi phạm vi hoạt động của tôi; dù cho đi bộ hay bay trên trời, tôi phải chạm vào mọi thứ, diễn đạt rõ ràng và tươi mới nhất có thể.

Một nhà phê bình Uruguay bị sốc vì tôi so sánh viên đá với con vịt nhỏ. Anh ta mặc định rằng vịt nhỏ, và một số loại động vật nhỏ khác, không phải là chất liệu cho thơ ca. Sự trui rèn nghệ thuật văn chương đã trở nên nhố nhăng như thế này rồi đây. Họ đang cố buộc các nghệ sĩ sáng tạo chỉ bàn đến các đề tài siêu phàm. Nhưng họ đã sai. Chúng tôi thậm chí còn làm thơ từ những thứ bị các bậc thầy thẩm mỹ khinh miệt nhất.

Giai cấp tư sản đòi hỏi thơ ca ngày càng xa rời hiện thực. Nhà thơ biết cách nói thẳng tuột thì rất nguy hiểm đối với chủ nghĩa tư bản đang giãy chết. Sẽ thuận tiện hơn cho nhà thơ khi tin rằng mình là “một vị thần nhỏ,” như lời của Vicente Huidobro. Niềm tin này, hay lập trường này, không làm giai cấp thống trị khó chịu. Nhà thơ đắm mình trong sự cô lập thiêng liêng của chính mình, vì thế không cần phải mua chuộc hay tiêu diệt anh ta. Chính anh ta bị mua chuộc bằng cách buộc mình vào với thiên đàng. Trong khi đó, trái đất rung chuyển trên đường đi của anh ta, trong ánh sáng rực rỡ của anh ta.

Các nước Mỹ Latinh chúng ta có hàng triệu người mù chữ; sự dốt nát này được lưu giữ như di sản và đặc quyền của chế độ phong kiến. Đối mặt với chướng ngại bảy mươi triệu người mù chữ này, chúng ta có thể nói rằng độc giả của chúng tôi chưa được sinh ra. Chúng ta phải đẩy nhanh sự ra đời của độc giả, để chúng ta và tất cả các nhà thơ sẽ được đọc. Chúng ta phải mở toang tử cung châu Mỹ để lan tỏa ánh sáng rực rỡ của nó.

Các nhà phê bình văn học thường chiều theo quan điểm của bọn doanh nhân phong kiến. Chẳng hạn vào năm 1961, ba tập thơ của tôi cùng xuất hiện: Canción de gesta, Las piedras de ChileCantos ceremoniales. Các nhà phê bình ở nước tôi thậm chí chẳng hề nhắc đến tựa những tập thơ này suốt cả năm trời.

Hoặc khi trường ca Alturas de Macchu Picchu của tôi lần đầu được xuất bản, không một ai ở Chile dám nhắc đến. Đại diện nhà xuất bản đã đến văn phòng của tờ báo lớn nhất và tồn tại gần một trăm năm mươi năm ở Chile, tờ El Mercurio; anh mang theo thông cáo và trả tiền để đăng tin tập thơ được xuất bản. Họ chấp nhận với điều kiện tên tôi bị xóa đi.

“Nhưng Neruda là tác giả,” Neira phản đối.

“Điều đó không quan trọng,” họ nói.

Alturas de Macchu Picchu đã phải xuất hiện như một trường ca không có tác giả trong tin quảng cáo. Một trăm năm mươi năm tuổi thì ích gì cho cái tờ báo này? Trong suốt quãng thời gian đó, nó đã không học được cách tôn trọng lẽ phải, sự thật, hay thơ ca.

Đôi khi những cảm xúc tiêu cực về tôi không chỉ đơn thuần do giai cấp, mà còn vì những nguyên nhân khác.

Tôi có hơn bốn mươi năm sáng tác và được vài giải thưởng văn chương vinh danh, những tập thơ của tôi đã được xuất bản bằng các ngôn ngữ đáng ngạc nhiên nhất, ấy vậy mà không một ngày nào trôi qua mà tôi không nhận được một cú chọc ngoáy hay nói xấu từ những kẻ đố kỵ xung quanh. Căn nhà của tôi là một điển hình. Tôi đã mua căn nhà này ở Isla Negra, một nơi vắng vẻ, từ lúc ở đây chưa có nước uống hay điện. Nhờ nhuận bút, tôi đã sửa chữa và tân trang lại nó. Tôi mua những bức tượng gỗ thân thương, những con tàu mô hình cũ kỹ tìm thấy nơi trú ẩn và nghỉ ngơi trong nhà tôi sau những chuyến đi dài.

Nhưng nhiều kẻ không chịu được việc một nhà thơ đã đạt được, nhờ thành quả của các tác phẩm được xuất bản rộng rãi, vật chất đầy đủ mà mọi nhà văn, nhạc sĩ và họa sĩ xứng đáng được hưởng. Bọn viết thuê phản động, lạc thời đòi danh dự cho Goethe không ngơi giây phút nào, lại không chịu cho nhà thơ ngày nay quyền được sống. Việc tôi sở hữu một chiếc xe hơi đặc biệt khiến họ phát điên. Theo họ, xe hơi là đặc quyền của doanh nhân, nhà đầu cơ, chủ chứa, bọn cho vay nặng lãi và lừa đảo.

Để trêu ngươi bọn họ hơn nữa, tôi sẽ để lại ngôi nhà ở Isla Negra cho nhân dân. Một ngày nào đó nó sẽ được sử dụng cho các cuộc họp của công đoàn và là nơi mà các thợ mỏ và nông dân có thể đến để nghỉ ngơi. Đó sẽ là sự trả thù của thơ tôi.

Ngô Thanh Tuấn dịch từ bản tiếng Anh Memoirs của Pablo Neruda do Hardie St. Martin dịch (Farrar, Straus and Giroux xuất bản),  biên tập từ bản tiếng Tây Ban Nha Confieso que he vivido. Với lời cảm ơn đặc biệt dành cho K. vì những hỗ trợ quý báu.

(Ảnh © Sam Falk/New York Times Co./Getty Images)

 

Chấm sao chút:

Đã có 5 người chấm, trung bình 4.4 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3