Thời gian đọc: 24 phút

LỜI GIỚI THIỆU

Giống như nhiều kiệt tác văn chương khác, Dòng máu khôn ngoan khi mới ra đời vào năm 1952 đã không được giới phê bình đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Caroline Gordon, nhà văn đàn chị của Flannery O’Connor và cũng là một cây bút phê bình cự phách, đã dành những lời tán dương không thể nồng nhiệt hơn cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của nữ tác gia khi đó mới 27 tuổi, người sau này sẽ trở thành một trong những văn hào vĩ đại nhất của nước Mỹ:

Dòng máu khôn ngoan gây ấn tượng mạnh với tôi hơn bất cứ cuốn tiểu thuyết nào khác mà tôi đã từng đọc trong cả một quãng thời gian dài. Bức tranh cô khắc họa thế giới này thật vô cùng khủng khiếp. Kafka gần như là người duy nhất trong số những nhà văn đương đại của chúng ta đạt được hiệu quả ở tầm mức như vậy. Tôi xin dành sự ngưỡng mộ to lớn cho tác phẩm của cô nhà văn trẻ này”.

Đã gần 70 năm trôi qua kể từ khi tác phẩm này lần đầu tiên xuất hiện, nhận xét của Caroline Gordon cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị: Dòng máu khôn ngoan giờ đây đã được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của văn chương Mỹ thời hậu chiến, đã được đạo diễn lừng danh John Huston chuyển thể thành phim vào năm 1979 với diễn xuất của ngôi sao điện ảnh Brad Dourif và đã được tờ The Guardian xếp vào danh sách 100 cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của mọi thời đại.

 

Hà Nội 06/2019

Nguyễn Nguyên Phước

 

 CHƯƠNG 1

Hazel Motes ngồi trên cái ghế tàu bọc vải nhung lông màu xanh, người ngả về phía trước, phút này thì nhìn ra ngoài cửa sổ cứ như thể anh muốn nhảy ra ngoài, phút sau lại nhìn ra lối đi phía cuối toa. Con tàu phóng qua những ngọn cây thỉnh thoảng xòa xuống, để lộ ra mặt trời đứng yên, đỏ ối, ở phía bìa rừng xa tít. Ở gần hơn là những cánh đồng được cày xới uốn lượn và phai màu, mấy con lợn đang sục sạo những luống đất trông như những tảng đá lớn lấm chấm. Bà Wally Bee Hitchcock, người ngồi đối diện với anh trong khoang, nói rằng bà nghĩ buổi chiều hôm như thế này là thời gian đẹp nhất trong ngày và hỏi anh liệu anh có nghĩ như vậy không. Bà là một phụ nữ mập mạp mặc cái áo có cổ và tay áo màu hồng, đôi chân hình quả lê duỗi xiên từ trên ghế tàu xuống mà chẳng chạm được đến sàn.

Anh nhìn bà trong giây lát và, không buồn trả lời, anh ngả người về phía trước nhìn dọc xuống cuối toa một lần nữa. Bà quay đầu lại để nhìn xem cái gì ở đằng sau đấy nhưng tất cả những gì bà thấy chỉ là một đứa bé con đang dòm ngó trong một khoang và, ở phía xa hơn chỗ cuối toa tàu, gã phục vụ đang mở phòng kho ra, chăn nệm được cất trong đó.

“Tôi đoán cậu đang trên đường về nhà”, bà vừa nói vừa quay lại với anh. Theo quan sát của bà thì anh trông mới chỉ ngoài hai mươi thôi, nhưng anh lại để cái mũ cứng rộng vành màu đen trong lòng, cái mũ mà chỉ mấy lão mục sư ở quê mới đội. Anh mặc bộ vét màu xanh chói, cái thẻ ghi giá vẫn còn ghim trên tay áo.

Anh không trả lời bà mà cũng chẳng rời mắt khỏi cái anh đang nhìn. Cái túi dưới chân anh là loại túi vải dày dùng đựng quân trang và thế là bà nhất định cho rằng anh đã ở trong quân đội, vừa được ra quân và giờ thì anh đang trên đường về nhà. Bà muốn tới gần anh hơn để xem bộ vét kia ngốn mất của anh bao nhiêu nhưng thay vì thế bà lại thấy mình đang nheo mắt nhìn vào mắt anh, cố gắng để gần như có thể nhìn vào bên trong cặp mắt ấy. Mắt anh màu hồ đào và trũng sâu trong hốc mắt. Đường nét cái sọ dưới làn da của anh trông rõ ràng và dứt khoát.

Bà cảm thấy khó chịu và chuyển hướng chú ý sang cái khác, nheo mắt nhìn cái thẻ ghi giá. Bộ vét ấy ngốn mất của anh 11,98 đô. Bà cảm thấy điều này đánh giá được con người anh và nhìn lại mặt anh một lần nữa cứ như thể giờ đây bà đã được tiếp thêm sức mạnh để chống lại nó. Anh có cái mũi như mỏ con chim bách thanh, hai bên miệng anh mỗi bên đều có một nếp nhăn dài theo chiều dọc; tóc anh trông cứ như thể nó bị bẹt ra vĩnh viễn dưới cái mũ nặng trịch, nhưng cặp mắt anh mới là thứ bà để ý nhìn lâu nhất. Thần thái của cặp mắt ấy sâu sắc đến nỗi với bà chúng giống như thể những con đường dẫn tới đâu đó và người bà ngả về phía trước chiếm tới một nửa khoảng cách giữa hai cái ghế, cố gắng nhìn vào bên trong cặp mắt ấy. Anh đột nhiên quay ra phía cửa sổ rồi gần như nhanh chóng quay đầu lại nhìn về chỗ mà nãy giờ anh nhìn chằm chằm.

Đối tượng mà anh đang nhìn chính là gã phục vụ. Lúc anh mới lên tàu, gã phục vụ đang đứng giữa hai toa – một thằng cha mình dày có cái đầu hói tròn vo màu vàng. Haze đã dừng lại và ánh mắt gã phục vụ quay về phía anh rồi lại quay đi, ý ngầm ra hiệu cho anh biết anh phải lên toa nào. Khi thấy anh không đi, gã phục vụ nói, “Tới toa bên trái ấy”, vẻ rất khó chịu, “tới toa bên trái ấy”, và Haze tiếp tục đi.

“Chà”, bà Hitchcock nói, “không đâu bằng nhà mình cả”.

Anh liếc nhìn bà và thấy cái bản mặt phèn phẹt của bà, đỏ lựng dưới mớ tóc màu lông cáo. Bà mới lên tàu cách đây hai ga. Trước đó anh chưa bao giờ gặp bà cả. “Cháu phải đi gặp tay phục vụ một chút”, anh nói. Anh đứng dậy đi đến cuối toa nơi gã phục vụ đang bắt đầu gá lắp giường. Anh dừng lại bên gã và tựa vào một cái tay ghế, nhưng gã phục vụ chẳng buồn nhìn anh. Gã đang kéo một tấm ngăn khoang ra.

“Lắp một cái giường mất bao nhiêu lâu?”

“Bảy phút”, gã phục vụ trả lời, mắt vẫn không thèm nhìn anh.

Haze ngồi xuống trên cái tay ghế. Anh nói, “Quê tôi ở Eastrod”.

“Tàu này không đến đấy đâu”, gã phục vụ nói. “Cậu bắt sai tàu rồi”.

“Tôi lên thành phố thôi”, Haze nói. “Ý tôi muốn nói là tôi lớn lên ở Eastrod”.

Gã phục vụ không nói gì.

“Eastrod”, Haze nói to lên.

Gã phục vụ giật cái màn cửa sổ xuống. “Cậu muốn lắp giường của mình luôn bây giờ hả, hay cậu đứng đây có việc gì khác?”, gã hỏi.

“Eastrod”, Haze nói. “Ở gần Melsy ấy”.

Gã phục vụ vặn cho một bên ghế nằm ngang ra. “Quê tôi ở Chicago”, gã nói. Gã vặn nốt bên kia xuống. Khi gã ngả người, gáy của gã phồng lên thành ba múi.

“Ừ, tôi cá là quê anh ở đó đấy”, Haze vừa nói vừa liếc mắt rất đểu cáng.

“Chân cậu đang ở ngay giữa lối đi đấy. Nhỡ có người khác muốn đi qua thì sao”, gã vừa nói vừa đột nhiên quay người và đi lướt qua.

Haze đứng dậy và nán lại thêm vài giây nữa. Anh trông cứ như thể bị giữ lại bởi một sợi dây thừng buộc ngang lưng và đầu còn lại của sợi dây ấy buộc vào trần tàu. Anh nhìn gã phục vụ hơi lảo đảo bước đi ở giữa lối đi và biến mất ở cuối toa. Anh biết chắc gã là một thằng mọi đen nhà Parrum ở Eastrod. Anh quay về khoang của mình và ngả người xuống, đặt một chân lên cái ống chạy dưới cửa sổ. Hình ảnh thị trấn Eastrod tràn ngập trong đầu anh và rồi nó vượt ra khỏi đó, choán lấy không gian trải dài từ con tàu qua những cánh đồng vắng lặng đang tối dần. Anh hình dung ra hai ngôi nhà, con đường đất đỏ, mấy ngôi nhà tuềnh toàng của đám da đen, một cái nhà kho và một cửa hàng nhỏ với dòng chữ đỏ và trắng quảng cáo thuốc lá bột CCC[1] bị bong ra suốt dọc mé bên cửa hàng.

“Cậu đang trên đường về nhà à?”, bà Hitchcock hỏi.

Anh nhìn bà vẻ cáu kỉnh và siết chặt vành mũ đen. “Không ạ”, anh nói bằng giọng Tennessee, âm mũi cao the thé.

Bà Hitchcock nói bà cũng thế. Bà kể với anh rằng trước khi kết hôn nhũ danh của bà là cô Weatherman và rằng bà đang trên đường đi Florida thăm cô con gái đã lấy chồng tên là Sarah Lucile. Bà nói cứ như thể bà chưa bao giờ có thời gian đi một chuyến xa đến như vậy. Mọi thứ cứ thế diễn ra, cái này nối tiếp cái kia, như thể thời gian trôi qua nhanh đến nỗi ta không dám chắc là mình còn trẻ hay đã già.

Anh nghĩ nếu bà hỏi thì anh sẽ bảo bà là bà đã già rồi. Anh ngừng không nghe bà nói một lúc lâu. Gã phục vụ lại bước trên lối đi và không thèm nhìn anh. Bà Hitchcock lạc mất mạch chuyện của mình. “Tôi đoán cậu đang trên đường đi thăm ai đó có đúng không?”, bà hỏi.

“Đi Taulkinham ạ”, anh nói và ép chặt người xuống ghế, nhìn ra ngoài cửa sổ. “Cháu chả biết ai ở đó, nhưng cháu phải đi để làm một số việc”.

“Cháu sẽ làm một số việc mà trước kia cháu chưa bao giờ làm”, anh nói và liếc xéo bà, môi hơi bĩu ra một tí.

Bà nói bà biết một ông Albert Sparks nào đó quê ở Taulkinham. Bà nói ông là anh rể của cô em chồng bà và ông…

“Quê cháu không phải ở Taulkinham đâu”, anh nói. “Cháu nói cháu sẽ đến đó, có vậy thôi”. Bà Hitchcock lại bắt đầu nói nhưng anh ngắt lời bà và nói, “Tay phục vụ kia lớn lên cùng quê với cháu đấy, vậy mà hắn lại bảo hắn quê ở Chicago”.

Bà Hitchcock nói bà biết một ông sống ở Chi…

“Người ta cũng có thể đi chỗ này chỗ kia”, anh nói. “Đó là tất cả những gì cháu biết”.

Bà Hitchcock nói à thời gian trôi nhanh quá. Bà nói đã năm năm rồi bà không gặp mấy đứa cháu con bà chị gái và bà không biết liệu giờ mà gặp mấy đứa cháu, bà có nhận ra chúng không. Có ba đứa tất cả, Roy, Bubber, và John Wesley. John Wesley mới sáu tuổi và nó viết thư cho bà, Mẹ Búp Bê kính mến. Chúng gọi bà là Mẹ Búp Bê và chồng bà là Bố Búp Bê…

“Cháu nghĩ bác cho rằng mình đã được cứu chuộc”, anh nói.

Bà Hitchcock nắm lấy cổ áo mình.

“Cháu nghĩ bác cho rằng mình đã được cứu chuộc”, anh nhắc lại.

Bà đỏ mặt. Một giây sau bà nói phải, cuộc sống là một nguồn cảm hứng rồi bà nói bà đói rồi và hỏi anh có muốn đi ra toa phục vụ ăn tối không. Anh đội cái mũ đen tuyền lên đầu và đi theo bà ra khỏi toa.

Toa ăn kín hết chỗ và mọi người phải xếp hàng đợi đến lượt. Anh và bà Hitchcock xếp hàng nửa tiếng đồng hồ, đứng lắc lư trong cái lối đi rất hẹp và cứ dăm phút lại phải ép người sang một bên để cho một dúm người đi qua. Bà Hitchcock bắt đầu nói chuyện với cái bà đứng kế. Haze Motes thì nhìn vào thành tàu. Bà Hitchcock kể với bà kia về ông anh rể bà làm việc ở Công ty Cấp Nước Thành Phố ở Toolafalls, tiểu bang Alabama, còn bà kia thì kể chuyện đứa em họ bị ung thư cổ họng. Cuối cùng họ cũng tiến được gần đến cửa toa ăn và có thể nhìn vào bên trong đó. Có một lão phụ trách toa có nhiệm vụ vẫy tay ra hiệu cho những người đến lượt đi vào và đưa thực đơn cho họ. Lão là người da trắng, có mái tóc đen bôi sáp bóng mượt và bộ vét lão mặc cũng toát lên vẻ đen bóng lộn. Lão di chuyển như một con quạ, lăng xăng từ bàn này sang bàn khác. Lão ra hiệu cho hai người vào, mọi người trong hàng tiến lên thành thử ra Haze, bà Hitchcock và cái bà mà bà Hitchcock đang nói chuyện sắp sửa đến lượt được vào. Một phút sau, hai người khác đi ra. Lão phụ trách toa ra hiệu, bà Hitchcock và bà kia bước vào, Haze cũng đi theo họ. Lão phụ trách chặn anh lại và nói, “Chỉ hai người thôi”, rồi đẩy anh lại về phía cửa toa.

Haze đỏ bừng mặt vì xấu hổ. Anh cố gắng đi ra sau người kế tiếp rồi cố gắng đi qua dòng người xếp hàng để trở về toa của mình, nhưng có quá nhiều người đứng túm tụm ở chỗ cửa toa. Anh đành phải đứng đó, trong khi ấy mọi người xung quanh cứ nhìn anh chằm chằm. Trong một lúc lâu chẳng có ai đi ra cả. Cuối cùng một bà ở phía đầu toa bên kia đứng dậy, lão phụ trách khoát tay ra hiệu, Haze lưỡng lự rồi thấy tay lão lại khoát lên một lần nữa nên anh đành lảo đảo cất bước trên lối đi giữa hai hàng ghế, trên đường đi bị va vào bàn tới hai lần, tay anh dính đầy cà phê của người khác. Lão phụ trách xếp anh ngồi với ba phụ nữ còn khá trẻ, ăn mặc lòe loẹt như mấy con vẹt.

Tay họ đặt trên bàn, đầu móng tay đỏ nhọn hoắt. Anh ngồi xuống và chùi tay vào khăn trải bàn. Anh không bỏ mũ ra. Ba cô kia đã ăn xong và đang hút thuốc. Khi anh ngồi xuống họ bèn thôi không nói chuyện nữa. Anh chỉ luôn vào món đầu tiên trên thực đơn và lão phụ trách toa, đứng ngay đó, nói, “Ghi ra giấy đi, con giai”, và nháy mắt với một trong ba người phụ nữ; cô ta bèn khịt khịt mũi. Anh ghi ra giấy và lão phụ trách toa mang đi. Anh ngồi và nhìn ra phía trước mặt mình, cau có và căng thẳng, vào cổ người phụ nữ đối diện. Thỉnh thoảng bàn tay cầm điếu thuốc của cô ta lại đưa ngang qua chỗ anh đang nhìn vào cổ; nó chệch ra khỏi tầm nhìn của anh rồi lại đi ngang qua, đi xuống lại mặt bàn; giây lát sau, một làn khói thẳng tưng phả vào mặt anh. Sau khi nó phả vào mặt anh ba hay bốn lần gì đó, anh ngẩng lên nhìn cô ta. Cô ta có cái vẻ táo tợn của một con gà chọi mái, cặp mắt nhỏ ti hi chĩa thẳng vào anh.

“Nếu chị mà được cứu chuộc”, anh nói, “thì tôi sẽ không đời nào muốn được cứu chuộc nữa”. Rồi anh quay đầu nhìn ra cửa sổ. Anh nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình nhợt nhạt cùng với khoảng không tăm tối trống rỗng ngoài kia lướt qua nó. Một toa tàu hàng gầm rú vụt qua, xẻ đôi cái khoảng không trống rỗng kia, và một trong số ba người phụ nữ bật cười.

“Chị nghĩ tôi tin vào Chúa Jesus sao?”, anh vừa nói vừa ngả người về phía cô ta, nói gần như thể hụt hơi. “À kể cả Ngài có tồn tại đi chăng nữa tôi cũng chả tin. Kể cả Ngài có ở trên tàu này đi chăng nữa”.

“Có ai nói mày phải tin đâu?”, cô ta hỏi bằng giọng miền Đông đầy hằn học.

Anh lui người về.

Người phục vụ mang bữa tối đến cho anh. Mới đầu anh ăn rất chậm, rồi sau đó anh ăn nhanh hơn vì mấy phụ nữ kia cứ nhìn chòng chọc vào cái cơ hàm lộ ra khi anh nhai. Anh ăn món gì đó lấm tấm có trứng và gan. Anh ăn xong, uống cốc cà phê rồi rút tiền ra. Lão phụ trách toa nhìn thấy anh nhưng lão chả thèm tới tính tiền. Mỗi lần đi qua bàn, lão đều nháy mắt với ba người phụ nữ đó và nhìn Haze chằm chằm. Bà Hitchcock và cái bà kia đã ăn xong và rời khỏi toa. Cuối cùng lão kia mới tới tính tiền. Haze dúi tiền vào tay lão rồi hích lão ra để đi ra khỏi toa.

Anh đứng một lúc lâu ở giữa hai toa tàu, nơi có ít nhiều không khí trong lành và làm một điếu thuốc. Rồi gã phục vụ đi qua giữa hai toa. “Ê này Parrum”, anh gọi.

Gã phục vụ không thèm dừng lại.

Haze đi theo gã vào toa. Tất cả giường nằm đã được lắp xong. Tay bán vé ở nhà ga tại Melsy đã bán cho anh một cái vé giường nằm vì anh nói rằng anh sẽ phải ngồi cả đêm trên tàu; hắn đã bán cho anh vé giường nằm tầng trên. Anh đi đến đó lôi cái túi xuống và đi vào nhà vệ sinh nam thay quần áo ngủ sẵn sàng lên giường. Anh ăn quá no nên anh muốn mọi thứ xong xuôi thật nhanh để leo lên giường và nằm ườn ra đó. Anh nghĩ mình sẽ nằm đó nhìn ra ngoài cửa sổ và ngắm xem về đêm miền quê lướt qua tàu trông như thế nào. Một tấm biển thông báo nói rằng hãy gọi người phục vụ đến giúp bạn lên giường nằm tầng trên. Anh nhét túi lên giường rồi đi tìm gã phục vụ. Anh không tìm thấy gã ở đầu toa và đành quay trở lại phía cuối toa. Khi đi đến chỗ góc, anh đâm sầm vào một cái gì đó màu hồng sẫm; nó thở hổn hển và làu bàu, “Đồ hậu đậu!” Hóa ra là bà Hitchcock mặc áo choàng ngủ màu hồng, tóc thì búi thành các túm quanh đầu. Bà nheo mắt nhìn anh với đôi mắt gần như nhắm tịt lại. Những cục tóc bao lấy khuôn mặt bà trông như những cây nấm đen. Bà cố lách qua anh, còn anh thì cố để cho bà lách qua nhưng lần nào họ cũng đâm vào nhau. Mặt bà trở nên đỏ tía tái ngoại trừ những cái đốm trắng trên đó không nóng lên. Bà giữ người cứng lại, đứng yên và nói, “Cậu làm sao thế hử?”. Anh rón rén đi qua chỗ bà đứng rồi lao theo lối đi và đâm sầm vào gã phục vụ khiến cho gã bị trượt ngã.

“Anh phải giúp tôi lên giường nằm chứ, Parrum”, anh nói.

Gã phục vụ tự nhấc mình dậy rồi loạng choạng bước dọc theo lối đi và một phút sau gã loạng choạng quay trở lại, mặt lạnh như tiền, tay cầm theo cái thang. Haze đứng nhìn trong lúc gã bắc thang lên; rồi anh leo lên thang. Khi leo lên được lưng chừng thang anh quay ra nói mắt vẫn nhìn gã phục vụ, “Tôi nhớ ra anh rồi. Bố anh là một lão mọi đen tên là Cash Parrum. Mà giờ anh chả thể quay lại đấy được đâu, mà cũng chả ai quay lại đấy được, kể cả có muốn đi chăng nữa”.

“Quê tôi ở Chicago”, gã phục vụ nói, giọng khó chịu. “Tên tôi không phải là Parrum”.

“Lão Cash chết rồi”, Haze nói. “Lão ấy bị lây dịch tả từ một con lợn”.

Mồm gã phục vụ trề xuống và gã nói, “Bố tôi là nhân viên ngành đường sắt”.

Haze cười phá lên. Gã phục vụ bất thình lình xoay tay giật cái thang đi hất Haze vào giường, nhào xuống tấm chăn. Anh nằm sấp trên giường trong vài phút, im thin thít không động đậy gì hết. Sau một hồi anh quay ra tìm thấy ánh đèn và nhìn xung quanh. Hóa ra ở chỗ này không có cửa sổ. Toàn bộ cái giường nằm này gần như đóng kín khít khịt người anh ngoại trừ một khoảng không bé tí phía trên cái rèm. Trần của khoang giường nằm tầng trên rất thấp và được uốn cong. Anh nằm xuống và nhận ra rằng cái trần uốn cong này trông cứ như thể nó chưa được đóng sập xuống hoàn toàn; trông cứ như thể nó đang trong quá trình đóng sập xuống. Anh nằm yên trên đó một lúc lâu không hề nhúc nhích. Có cái gì đó trong họng anh tựa như một miếng xốp có vị trứng vậy; anh không muốn lật người lại vì sợ miếng xốp ấy sẽ xê dịch. Anh muốn tắt đèn đi. Anh với tay nhưng không xoay người, sờ vào cái công tắc, bật tách một cái và bóng tối trùm xuống người anh rồi có chút bóng mờ từ cái đèn ở chỗ lối đi chiếu xuyên qua khoảng không gian phía chân anh, chỗ ấy để hở. Anh muốn tất cả tối đen như mực, anh không muốn tối mờ mờ. Anh nghe thấy tiếng bước chân của gã phục vụ dọc theo lối đi, đập nhẹ vào tấm thảm, bước đi đều đều, chạm nhẹ vào tấm màn cửa màu xanh và nhỏ dần rồi tắt hẳn, không còn nghe được nữa. Rồi sau một lúc lâu khi sắp ngủ đến nơi rồi thì anh lại có cảm giác nghe thấy tiếng bước chân ấy quay lại. Tấm màn của anh rung rinh và tiếng bước chân nhỏ dần.

Trong cơn chập chờn nửa tỉnh nửa mơ, anh tưởng mình đang nằm trong một cái quan tài. Cái quan tài đầu tiên mà anh được nhìn thấy có người khâm liệm ở bên trong là của ông nội anh. Họ chống cho nắp quan tài mở bằng một que củi nhóm lò vào cái đêm mà quan tài đặt ở trong nhà cùng với ông cụ nằm trong đó, và Haze đứng ngắm từ xa, vừa ngắm vừa nghĩ bụng: ông sẽ không để cho người ta đậy nắp quan tài lên mình đâu; đến lúc người ta đóng nắp lại, khuỷu tay của ông thể nào cũng trồi lên khỏi khoảng hở cho mà xem. Ông nội anh là một mục sư kinh lý,[2] một ông già hay cáu bẳn đã phải chạy xe suốt ba hạt cùng với Chúa Jesus ẩn náu trong đầu ông như một cái gai châm. Lúc chôn cất ông, người ta đậy nắp quan tài lại, ông thì chả nhúc nhích gì.

Haze có hai thằng em trai; một đứa chết từ lúc còn ẵm ngửa và được đặt vào một cỗ quan tài nhỏ. Đứa kia thì bị ngã trước máy cắt cỏ lúc nó lên bảy. Quan tài của nó cỡ bằng một nửa quan tài của người bình thường, và khi người ta đậy nắp quan tài, Haze chạy tới mở nó ra. Người ta nói rằng bởi vì anh quá đau khổ khi phải lìa xa đứa em trai, nhưng thực ra không phải vậy; mà là vì anh nghĩ, sẽ thế nào nếu mình nằm trong đó và người ta đậy nắp quan tài lại.

Giờ thì anh đã ngủ và anh mơ thấy mình lại ở trong đám tang, chuẩn bị mai táng chôn cất bố. Anh thấy ông chống tay ngồi xổm trong cỗ quan tài đang được đưa ra huyệt mộ. “Chừng nào tao mà còn cầm được cút rượu”, anh nghe ông già nói, “thì chừng đó chẳng đứa nào có thể đậy bất cứ cái gì lên người tao hết”, nhưng khi người ta hạ quan tài ông xuống huyệt, họ để cho nó rơi cái uỵch và bố anh nằm bẹp dí như mọi người khác. Tàu hỏa nảy lên một cái và lại khiến anh rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, rồi anh nghĩ, hồi đó phải có hai mươi nhăm người ở Eastrod, ba người nhà Motes. Giờ thì nhà Motes chả còn ai ở đó, nhà Ashfield cũng chả còn ai, nhà Blasengame cũng thế, nhà Fey, nhà Jackson… hay nhà Parrum cũng thế – thậm chí cả bọn mọi đen cũng chả thèm ở đó. Rẽ vào con đường, anh thấy trong bóng tối cửa hàng tạp hóa đóng kín cửa, nhà kho bị xô nghiêng, và ngôi nhà nhỏ đã bị phá dỡ một nửa, hiên đã mất, sàn phòng sảnh không còn nữa.

Hồi anh mười tám tuổi và rời khỏi chốn ấy, nó không đến mức như vậy. Hồi ấy vẫn còn mười người ở đó và anh không nhận ra rằng kể từ thời bố anh nó càng ngày càng trở nên nhỏ lại. Anh rời khỏi chốn ấy lúc mười tám tuổi vì quân đội gọi anh nhập ngũ. Lúc đầu anh đã nghĩ đến chuyện bắn vào bàn chân mình để không phải đi lính nữa. Anh sẽ trở thành mục sư giống như ông nội anh và kể cả khi thiếu mất một bàn chân thì mục sư vẫn có thể làm việc được. Sức mạnh của một mục sư nằm ở cái cổ, cái lưỡi và cánh tay. Ông nội anh đã đi khắp ba hạt trên một chiếc xe Ford. Thứ Bảy cuối tháng nào ông cũng lái xe vào thị trấn Eastrod cứ như thể ông đến vừa kịp lúc để cứu rỗi họ khỏi sa vào Địa Ngục, và ông quát to lên ngay trước khi cửa xe mở ra. Mọi người vây quanh chiếc xe Ford của ông vì ông có vẻ như đang thách thức họ. Ông sẽ trèo lên trước mũi xe và đứng thuyết giảng trên đó, thỉnh thoảng ông còn trèo lên nóc xe và thét to vào mặt họ. Họ giống như những hòn đá thôi! ông sẽ thét lên như vậy. Nhưng Chúa Jesus đã chết để cứu chuộc họ! Jesus là một linh hồn phải chịu đói khát đến nỗi Ngài đã chết đi, một cái chết cho tất cả, nhưng Ngài đã chết cái chết của mọi linh hồn chỉ để một linh hồn phải chết! Họ có hiểu điều đó không? Họ có hiểu rằng cho mỗi linh hồn chai đá, Ngài đã phải chết mười triệu cái chết, đã phải để cho người ta dang tay kéo chân Ngài trên cây thập giá và chịu đóng đinh mười triệu lần cho một kẻ trong số họ? (Ông già chỉ vào đứa cháu nội, Haze. Thằng bé sở hữu một sự bất kính đặc biệt dành cho ông vì khuôn mặt ông lặp lại gần như chính xác trên khuôn mặt nó và điều đó giống như một sự nhạo báng đối với ông.) Họ có biết rằng ngay cả để cho thằng bé kia, cho cái thằng bé nhẹ dạ, nhỏ nhen, đầy tội lỗi đang đứng kia với đôi bàn tay bẩn thỉu nắm chặt bên hông rồi lại thả ra, Chúa Jesus thà chết cả mười triệu lần còn hơn Ngài để cho nó đánh mất linh hồn mình? Ngài sẽ đuổi theo nó khắp mặt nước của tội lỗi! Họ còn nghi ngờ gì về việc Chúa Jesus có thể bước đi trên mặt nước của tội lỗi ư? Thằng bé đó đã được cứu chuộc và Chúa Jesus sẽ không bao giờ từ bỏ nó. Chúa Jesus sẽ không bao giờ cho phép nó quên đi chuyện nó đã được cứu chuộc. Kẻ tội lỗi này nghĩ rằng cái đó sẽ được lợi lộc gì ư? Chúa Jesus cuối cùng cũng có được hắn!

Thằng bé đâu cần phải nghe chuyện đó. Bên trong nó đã có một sự kết án tăm tối sâu thẳm không lời rằng trốn tránh Chúa Jesus cũng chính là trốn tránh tội lỗi. Lúc mười hai tuổi nó đã biết rằng nó sẽ thành mục sư. Về sau trong đầu nó còn mường tượng ra cảnh Chúa Jesus di chuyển từ cây này sang cây khác, một cái hình hài tả tơi dữ dội khiến nó phải quay đầu lại và cuối cùng phải chạy vào chốn tăm tối nơi nó không dám chắc chân mình đang ở đâu, nơi nó có thể bước đi trên mặt nước mà không biết rồi đột nhiên lại biết và chết chìm luôn. Nơi anh muốn sống là ở thị trấn Eastrod, nơi anh lúc nào cũng có thể mở to mắt ra nhìn, hai bàn tay anh luôn được sờ nắm những thứ thân thuộc, hai bàn chân anh đi trên những lối quen, và miệng anh thì không nói năng bừa bãi quá mức. Hồi anh mười tám tuổi và quân đội gọi anh đi lính, anh nhận thấy chiến tranh như một cái trò dẫn anh vào thử thách cám dỗ, và nếu không tin rằng mình sẽ được quay trở về trong vài tháng, không trở nên đồi bại thối tha, thì anh hẳn đã bắn vào chân mình rồi. Anh có một niềm tin mạnh mẽ rằng mình có sức mạnh chống lại cái ác; nó là thứ, cũng giống như khuôn mặt anh vậy, mà anh đã được thừa kế từ ông nội mình. Anh đã nghĩ rằng nếu trong vòng bốn tháng mà chính quyền không cho anh giải ngũ, thì kiểu gì anh cũng sẽ đào ngũ. Anh đã nghĩ, khi đó anh mới mười tám tuổi, rằng anh sẽ cho họ đúng bốn tháng của đời mình. Nhưng cuối cùng anh đã đi lính tới bốn năm; anh chả được về nhà, dù chỉ là một chuyến nghỉ phép.

Chỉ có hai thứ ở Eastrod mà anh mang theo vào quân ngũ là một cuốn Kinh Thánh bìa đen và một cặp kính gọng bạc vốn là của mẹ anh. Anh đã theo học ở một trường quê nơi anh được học đọc và học viết nhưng lẽ ra không nên theo học thì tốt hơn; Kinh Thánh là quyển sách duy nhất mà anh đọc. Anh không đọc Kinh Thánh thường xuyên nhưng mỗi khi đọc anh thường đeo cặp kính của mẹ. Nó khiến mắt anh bị mỏi thành ra chỉ được một lúc là kiểu gì anh cũng phải thôi không đọc nữa. Anh định sẽ nói với kẻ nào dụ anh sa vào vòng tội lỗi rằng quê anh ở thị trấn Eastrod, tiểu bang Tennessee, rằng anh định quay lại đó và sống ở đó, rằng anh sẽ trở thành mục sư thuyết giảng sách phúc âm và rằng anh sẽ không bao giờ để linh hồn mình bị đọa đày nơi hỏa ngục bởi chính quyền hay bất cứ xứ sở xa lạ nào mà chính quyền bắt anh tới.

Sau một vài tuần ở doanh trại, khi anh có được mấy người bạn – họ không thực sự là bạn nhưng anh phải sống với họ – việc mà anh chờ đợi đã xảy ra, chúng nó tìm cách dụ dỗ anh sa vào vòng tội lỗi. Anh lấy cặp kính của mẹ ra khỏi túi áo và đeo lên. Rồi anh bảo chúng nó rằng dù có cho anh một triệu đô và một cái giường nệm lông vũ để nằm thì anh cũng không đi với chúng nó; anh nói quê anh ở thị trấn Eastrod, tiểu bang Tennessee, và rằng anh sẽ không bao giờ để linh hồn mình bị đọa đày nơi hỏa ngục bởi chính quyền hay bất cứ xứ sở xa lạ nào mà họ… nhưng giọng anh vỡ vụn ra và anh không nói hết câu. Anh chỉ nhìn chúng nó chằm chằm, làm mặt rất chi là đanh thép. Mấy đứa bạn anh nói rằng chả ai quan tâm đến cái linh hồn chó chết của anh hết trừ phi đó là linh mục và anh cố gắng trả lời rằng không có một gã linh mục nào nhận lệnh từ giáo hoàng có thể quấy phá linh hồn anh được. Chúng nó bảo anh chả có linh hồn gì sất và kéo nhau đi nhà thổ.

Anh phải mất một thời gian dài để tin chúng nó vì anh muốn tin chúng nó. Tất cả những gì anh muốn là tin chúng nó và dứt khoát vứt bỏ cái đức tin của mình một lần cho xong, anh nhìn thấy ở đây cơ hội vứt bỏ nó mà không trở nên đồi bại, mà trở nên một cái gì đó hư vô thay vì trở nên cái ác. Quân đội đã bắt anh đi suốt nửa vòng trái đất và quên béng mất anh. Anh bị thương và họ nhớ anh đủ lâu để gắp cái mảnh đạn ra khỏi ngực anh – họ nói họ đã gắp ra nhưng họ chưa bao giờ giơ nó ra cho anh xem và anh cảm thấy nó vẫn còn ở đây, hoen gỉ, và hủy hoại cơ thể anh – rồi họ bắt anh tới một sa mạc khác và lại quên béng mất anh. Anh có tất cả thời gian anh có thể muốn để nghiên cứu linh hồn mình và để khẳng định với bản thân mình rằng nó không có. Khi đã hoàn toàn đoan chắc chuyện này, anh thấy rằng đây là cái mà anh vốn đã luôn biết từ trước. Nỗi khốn khó của anh chính là niềm đau đáu trở về quê nhà; nó chả liên quan gì đến Chúa Jesus sất. Khi quân đội cuối cùng cũng cho anh giải ngũ, anh rất hài lòng khi nghĩ rằng mình vẫn còn chưa trở nên đồi bại. Tất cả những gì anh muốn là quay trở lại thị trấn Eastrod, tiểu bang Tennessee. Cuốn Kinh Thánh bìa đen và cặp kính của mẹ anh vẫn còn ở dưới đáy túi đựng hành lý của anh. Giờ anh không còn đọc bất cứ cuốn sách nào nữa nhưng anh vẫn giữ quyển Kinh Thánh vì nó là vật mang đi từ quê nhà. Anh giữ cái kính để phòng khi thị lực anh bị kém đi.

Khi quân đội cho anh ra quân hai ngày trước ở một thành phố cách nơi anh muốn đến ba trăm dặm về phía bắc, anh đã ngay lập tức ra ga ở đó mua vé tới Melsy, ga tàu hỏa gần thị trấn Eastrod nhất. Rồi bởi vì phải đợi tàu mất bốn tiếng đồng hồ nên anh đi vào một cửa hàng bán quần áo mũ mão ở gần ga, cửa hàng rất tối. Đó là một cửa hàng rất hẹp bốc lên mùi bìa các tông, càng đi sâu vào trong càng tối hơn. Anh đi sâu tít vào trong đó và được người ta bán cho một bộ vét màu xanh và một cái mũ màu đen. Anh nhét bộ quân phục vào cái túi giấy rồi quẳng vào cái thùng rác ở góc. Khi ra ngoài trời, bộ vét mới chuyển sang màu xanh sáng lóa còn những đường nét của cái mũ thì cứng lại rất nhiều.

Anh tới Melsy vào buổi chiều lúc năm giờ và anh bắt được một chiếc xe tải chở hạt giống cây bông, nó chở anh đi được hơn nửa quãng đường tới thị trấn Eastrod. Anh phải đi bộ nốt phần đường còn lại và tới đó lúc chín giờ tối, khi ấy trời cũng vừa mới tối. Ngôi nhà tối đen như đêm và mở ra cho bóng đêm vào và mặc dù nhìn thấy hàng rào xung quanh đã đổ xuống một phần, thấy đám cỏ dại đã mọc qua sàn hiên, anh vẫn không nhận ra ngay lập tức là đó chỉ là cái vỏ nhà, rằng chẳng còn gì ở đây hết ngoài khung xương của ngôi nhà. Anh vò một cái phong bì và bật diêm lên rồi đi qua những căn phòng trống trơn, lên cầu thang rồi lại xuống. Khi cái phong bì cháy hết, anh đốt một cái khác rồi lại đi hết các phòng. Tối hôm đó anh đã ngủ ở sàn bếp và một miếng ván trên trần nhà đã rơi trúng đầu, cắt vào mặt anh.

Trong nhà chả còn gì ngoài cái tủ quần áo ở bếp. Mẹ anh thường ngủ trong bếp và để cái tủ quần áo bằng gỗ óc chó ở đó. Bà đã bỏ ra ba mươi đô để mua cái tủ đó và không mua thêm bất cứ món đồ lớn nào khác cho riêng mình nữa cả. Bất cứ kẻ nào, cho dù có được món đồ gì khác đi chăng nữa, thì rồi cũng đều bỏ lại hết cả thôi. Anh mở hết tất cả các ngăn kéo ra. Trong cái ngăn kéo trên cùng có hai đoạn dây buộc, còn những ngăn khác thì không có gì. Anh ngạc nhiên vì không có ai tới ăn trộm một cái tủ như thế này. Anh lấy hai đoạn dây buộc đấy ra, cột chân tủ lại qua lớp ván sàn và trong mỗi cái ngăn kéo anh đều để lại một mẩu giấy với dòng chữ: CÁI TỦ NÀY THUỘC QUYỀN SỞ HỮU CỦA HAZEL MOTES. ĐỪNG CÓ ĂN CẮP NẾU KHÔNG CÁC NGƯỜI SẼ BỊ SĂN ĐUỔI VÀ BỊ GIẾT CHẾT.

Anh nghĩ về cái tủ quần áo trong cơn chập chờn nửa tỉnh nửa mê và cho rằng mẹ anh giờ sẽ yên nghỉ thanh thản hơn dưới mồ khi biết rằng nó đã được canh giữ. Nếu ban đêm bà có đến vào bất cứ lúc nào đi nữa, thì bà cũng sẽ nhận thấy điều đó. Anh tự hỏi liệu bà có đi lại vào ban đêm và có bao giờ tới đó không. Bà sẽ tới với cái vẻ mặt như thế, không ngừng nghỉ và nhìn ngó, với vẫn vẻ mặt đó, cái vẻ mặt giống như anh đã thấy khi nhìn xuống phía dưới qua khoảng hở của cái quan tài chứa đựng thi thể bà. Anh đã nhìn thấy vẻ mặt ấy của bà qua khoảng hở khi người ta đóng sập nắp quan tài xuống thi hài bà. Khi đó anh mới mười sáu tuổi. Anh đã nhìn thấy bóng tối tỏa xuống khuôn mặt bà và nó kéo môi bà trề xuống như thể bà không còn cảm thấy mãn nguyện với việc đã chết hơn là còn sống, như thể bà sẽ bật dậy, hất tung nắp đậy quan tài và bay ra ngoài tự mình đi tìm kiếm sự mãn nguyện cho bản thân: nhưng họ vẫn đóng sập cái nắp lại. Bà có lẽ đã sắp sửa bay ra ngoài kia rồi, bà có lẽ đã sắp sửa bật dậy rồi. Trong giấc ngủ chập chờn, anh thấy bà thật kinh khủng, như một con dơi không lồ lao ra khỏi cái quan tài đang bị đóng sập lại, bay ra khỏi đó nhưng bóng tối lại đang tỏa xuống trên người bà, đóng sập lại vĩnh viễn. Từ bên trong anh nhìn thấy nó đang đóng sập xuống, mỗi lúc một gần hơn, thấp xuống gần hơn, cắt hết mọi nguồn sáng và căn phòng. Anh mở mắt ra, thấy nó đang sập xuống và anh bật dậy giữa khoảng hở, nhét đầu và vai qua đó và treo lơ lửng ở đó, chóng mặt, với ánh đèn tàu nhờ nhợ chậm rãi phô bày ra tấm thảm phía dưới. Anh treo lơ lửng ở đó, ngay trên tấm rèm của cái giường nằm tầng trên và thấy gã phục vụ ở cuối toa, một hình hài trắng toát trong bóng tối, đứng đó nhìn anh và không động đậy gì hết.

“Tôi phát ốm mất thôi!”, anh gọi to. “Tôi không thể nào nằm đóng kín khít khịt trong cái thứ này được. Cho tôi ra đi!”

Gã phục vụ đứng nhìn anh, im lìm không động đậy gì hết.

“Ôi Chúa Jesus ôi”, Haze nói, “Ôi Chúa Jesus ôi”.

Gã phục vụ đứng im không động đậy gì hết. “Chúa Jesus đã đi mất từ lâu lắm rồi”, gã nói bằng giọng chanh chua đắc thắng.

Nguyễn Nguyên Phước dịch

(Tiểu thuyết “Dòng máu khôn ngoan” được Phanbook xuất bản vào tháng 6/2021)

[1] CCC là thương hiệu một loại thuốc lá bột (dùng để đưa lên mũi hít) của hãng Samuel Gawith.

[2] Mục sư kinh lý (circuit preacher) là mục sư làm nhiệm vụ thuyết giảng ở nhiều nhà thờ khác nhau trong vùng, do thiếu mục sư. Ở Mỹ, vào cuối thế kỷ 19, mục sư kinh lý rất phổ biến, nhất là ở những vùng nông thôn, xa xôi hẻo lánh.

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3