Thời gian đọc: 35 phút

Cổng Mặt Trời, hay Bab al-Shams, 1998, là cuốn tiểu thuyết dài nhất trong sự nghiệp cho tới nay của Elias Khoury, tiểu thuyết gia, nhà báo, trí thức người Lebanon. Là một bản sử thi về số phận của nước Palestine, người Palestine trong nửa thập kỷ từ cuộc Nakbah năm 1948, khi xứ Palestine ngừng tồn tại, những ngôi làng Palestine biến mất trên bản đồ cũng như trên mặt đất, những ngôi nhà bỏ hoang để người Israel mới đến dọn vào, hơn tám mươi phần trăm dân số Palestine trở thành không nhà, vất vưởng trong những trại tỵ nạn đã trở thành nơi sinh ra lớn lên cho bao nhiêu thế hệ mới của họ, Cổng Mặt Trời đã nhận được nhiều lời khen trong đó có cả của Edward Said, và được ví với tác phẩm của Mahmoud Darwish, nhà thơ dân tộc Palestine.

Trong cái khung lời tâm sự của viên bác sĩ trong trại tỵ nạn với một chiến sĩ vì tự do đã thành huyền thoại, cuốn sách tích hợp 200+ “câu chuyện” kể lại bởi 40+ trong tổng số 220+ nhân vật được nêu tên, giống như một cuốn Nghìn lẻ một đêm thời hiện đại. Những câu chuyện xảy ra từ thập niên 1920 đến tận thời hiện tại trong tác phẩm ấy vừa cộng hưởng vừa mâu thuẫn, dệt lại thành một lời chứng chung, một bản sử truyền miệng của một dân tộc chưa hề có sử và thậm chí chưa được công nhận rộng rãi là dân tộc, chỉ có thể gìn giữ ký ức của mình bằng con đường truyền miệng ở những nơi rất xa quê hương tuyệt không còn có thể quay về. Nhưng những câu chuyện ấy, khi ở trại tỵ nạn nghèo và khổ, khi ở hang núi du kích, khi đấu tranh trên trường quốc tế, khi trở về làng cũ gặp những người Israel mới và giật mình nhận ra, “kẻ thù” của mình cũng mang một khuôn mặt con người, không đơn thuần khát máu hay kể khổ; giữa những câu chuyện ấy là những suy tư phức tạp thế nào là ký ức, thế nào là di sản, thế nào là dân tộc, và làm sao để hận thù và chiến đấu trong khi ta vẫn phải sống và yêu.

Tác giả Elias Khoury đã từng tham gia chiến đấu trong PLO thời trẻ trước khi quay lại con đường học thuật và giành tiến sĩ ở Đại học Paris. Ông từng làm chủ bút nhiều tờ báo, viết rất nhiều tiểu thuyết được dịch ra nhiều thứ tiếng châu Âu cũng như Hebrew, và giảng dạy ở nhiều trường đại học châu Âu và Mỹ cũng như quê nhà Lebanon. Cổng Mặt Trời được đạo diễn Ai Cập Yousry Nasrallah dựng thành phim năm 2003.

Phần dưới đây dịch từ bản dịch tiếng Anh Gate of the Sun của Humphrey Davies, Archipelago Books 2006. 10 năm trước tôi có gạ NXB Trẻ quyển này, biên tập viên thích nhưng nhà xuất bản ngại không bán được, thôi thì đăng Zzz vậy.

– An Lý

 

Ông nói, cầu Allah rủ lòng thương xót ông:

Một ngày nọ, Sheikh al-Junayd lên đường du hành và giữa đường bỗng thấy khát cồn cào. Ngài bắt gặp một cái giếng quá sâu không thể nào kéo nước, vậy nên ngài tháo dải đai lưng, thò xuống giếng tới khi nhúng vào nước, rồi cứ thế lôi lên hạ xuống và vắt nước vào miệng mình. Một người dân làng đó ở đâu đi đến hỏi ngài: “Sao ông phải làm thế? Hãy bảo nước dâng lên rồi múc bằng tay mà uống!” Rồi người đó đến bên thành giếng, nói với nước: “Có Chúa cho phép, hãy dâng lên,” thế là nước dâng lên, người dân làng và vị sheikh cùng uống. Uống xong, ngài quay sang người kia hỏi, “Anh là ai?” “Tôi chỉ là một tạo vật bình thường của Chúa.” “Sheikh của anh, thủ lãnh của anh, là ai?” “Là al-Junayd, dù tôi chưa từng được thấy đức ngài.” “Làm sao anh có được quyền năng này thế?” “Nhờ vào lòng tin vào đức sheikh của tôi.”

 

Phần Một: Bệnh viện Galilee

 

Umm Hassan chết rồi.

Tôi thấy tất cả mọi người chạy bổ qua đường ngang ngõ dọc trong trại và nghe tiếng khóc. Khắp các nhà người người tuôn ra, họ vừa chạy vừa gập bụng ngăn dòng nước mắt.

Nabilah, vợ của Mahmoud al-Qasemi, mẹ chúng tôi, chết rồi. Chúng tôi gọi bà là mẹ vì tất cả những ai chào đời ở trại Shatila đều lọt lòng mẹ rơi thẳng vào tay bà.

Cả tôi cũng đã rơi vào tay bà, và cả tôi cũng chạy cái ngày bà chết.

Umm Hassan quê ở làng al-Kweikat, ở Galilee, rồi trở thành bà mụ duy nhất ở Shatila – một người đàn bà không rõ tuổi, không con cái. Tôi biết bà khi bà đã già rồi, vai gù xuống, mặt nhăn nheo, cặp mắt rất to sáng lóa giữa ô vuông màu trắng, một miếng vải trắng bịt mớ tóc trắng.

Chị hàng xóm Sana’, vợ của Karim al-Jashi chuyên bán bánh kunafa, nói Umm Hassan có ghé qua chơi đêm hôm kia, bà cho chị biết là mình sắp chết.

“Bác nghe thấy nó nói, con gái ạ. Thần chết nói thì thầm, giọng nó rất êm dịu.”

Bằng ngữ điệu lai Bedouin, bà kể cho Sana’ nghe về sứ giả thần chết.

“Sứ giả đến sáng nay, bảo bác hãy sẵn sàng.”

Rồi bà chỉ dẫn cho Sana’ hãy liệm mình như thế nào.

“Bà nắm tay tôi,” Sana’ nói, “dẫn tôi về nhà mình rồi mở rương gỗ nâu cho xem tấm lụa liệm trắng. Bà nói tôi bà sẽ tắm trước khi đi ngủ. ‘Bác sẽ chết trong sạch, và bác chỉ muốn mình con tắm cho bác.’ ”

Umm Hassan chết rồi.

Tất cả mọi người đều biết sáng hôm nay, thứ Hai 20 tháng 11 năm 1995, là giờ đã định để Nabilah, con gái Fatimah, đến với cái chết.

Tất cả mọi người tỉnh dậy rồi chờ đợi, nhưng chẳng ai có can đảm đến nhà xem bà chết thật chưa. Umm Hassan đã kể cho mọi người biết và mọi người đều tin bà.

Mỗi tôi là bị bất ngờ.

Tôi ở đây với bố tới tận 11 giờ đêm qua, bố ạ, đến lúc mệt lả và quay về phòng ngủ. Lúc ấy đã là đêm, cả trại đã ngủ cả, chẳng ai cho tôi biết.

Nhưng ngoài tôi mọi người đều biết.

Chẳng ai không tin lời Umm Hassan vì bà lúc nào cũng nói đúng. Chẳng phải có mỗi bà khóc nức nở buổi sáng hôm 5 tháng 6 năm 1967 đấy sao? Tất cả mọi người hân hoan nhảy múa ngoài đường, nghĩ sắp được về nhà ở Palestine đến nơi rồi, nhưng bà thì khóc. Gặp ai bà cũng bảo mình sẽ bắt đầu mặc đồ tang. Mọi người cười ồ bảo Umm Hassan hóa điên rồi. Suốt sáu ngày chiến tranh dài dặc cửa sổ nhà bà đóng chặt; tới ngày thứ bảy bà mở cửa ra ngoài, lau khô mắt cho tất cả mọi người. Bà nói mình biết Palestine sẽ chẳng bao giờ trở lại cho tới lúc chúng ta đều đã lìa đời.

Trong suốt cuộc đời đằng đẵng của bà, Umm Hassan đã lần lượt chôn bốn đứa con. Chúng về với bà, nằm dài trên ván, áo quần đẫm máu. Sót lại chỉ còn một đứa con trai tên Naji, bây giờ đang sống ở Mỹ. Naji không phải con ruột bà nhưng cũng chẳng khác gì con ruột: bà đã nhặt cậu ta dưới gốc cây ô liu trên đường từ Kabri tới Tarshiha, cho cậu bú bầu vú héo, rồi trả cậu lại cho mẹ đẻ khi tới làng Qana ở Lebanon.

Umm Hassan mất hôm nay.

Chẳng ai dám vào nhà bà. Đàn bà chừng hai chục người đứng bên nhau đợi, rồi Sana’ tới gõ cửa, nhưng không thấy mở. Chị đẩy cửa, cửa mở ra, chị đi vào chạy thẳng tới phòng ngủ. Umm Hassan đang ngủ, khăn trắng bịt trên đầu. Sana’ đến gần nắm lấy vai bà, và âm khí từ người chết xộc thẳng vào đôi tay chị, khiến chị rú lên. Đám đàn bà theo vào, tiếng hờ khóc nổi lên, và tất cả mọi người chạy bổ về phía nhà bà.

Tôi cũng muốn chạy theo mọi người, vào nhà cùng họ, nhìn Umm Hassan ngủ giấc ngàn thu và hít lấy mùi ô liu vương vít trong căn nhà nhỏ.

Nhưng tôi không khóc.

Ba tháng nay tôi không còn phản ứng được gì nữa. Chỉ còn người này, đang lửng lơ bên trên giường bệnh, là gợi được trong tôi những cảm xúc cho thấy mình còn sống. Ba tháng trời ông nằm dài trên giường trong bệnh viện Galilee, còn tôi là bác sĩ ở đây, hay là tôi giả vờ mình là bác sĩ ở đây. Tôi ngồi cạnh ông, cố hết sức mình. Ông còn sống hay là chết rồi? Tôi chẳng biết – tôi đang giúp đỡ hay đang hành hạ ông? Tôi nên kể chuyện hay nên lắng nghe ông đây?

Ba tháng nay tôi ở lì trong phòng này.

Hôm nay Umm Hassan chết, và tôi muốn ông biết vậy, nhưng ông không chịu nghe. Tôi muốn ông đi cùng tôi đến viếng bà, nhưng ông không chịu dậy.

Người ta bảo ông đã hôn mê.

Trong não có gì đó nổ, gây tổn thương vĩnh viễn. Người này nằm trước mặt tôi, mà tôi chẳng biết phải làm gì. Tôi chỉ cố sức đừng để ông thối rữa giữa lúc còn sống, vì tôi tin chắc ông chỉ đang ngủ chứ chưa phải chết.

Nhưng thì có khác gì đâu?

Umm Hassan nói có đúng không, rằng người ta ngủ cũng như là chết? Bà nói chỉ khác nhau ở chỗ linh hồn người đang ngủ rời khỏi xác rồi trở lại khi người ấy dậy, còn linh hồn người chết rời đi là chẳng quay về? Vậy linh hồn Yunes, con trai Ibrahim, con trai Suleiman al-Asadi ở đâu? Nó đã bỏ ông đi đến một nơi xa xôi, hay đang quanh quẩn trên nóc phòng bệnh viện, bảo tôi đừng có đi vì ông đang chìm trong những vùng bóng tối xa xăm và rất sợ im lặng?

Tôi chẳng biết chút gì, tôi thề đấy.

Lần đầu qua thăm Umm Hassan nói Yunes đang bị giày vò. Bà nói ông ở một nơi khác, không phải ở đây.

“Thế con nên làm gì đây?” tôi hỏi.

“Ông ấy bảo gì thì làm nấy,” bà đáp.

“Nhưng ông ấy có nói gì đâu,” tôi nói.

“Ồ có chứ,” bà nói, “có nghe được giọng ông không là tùy con thôi.”

Và tôi không nghe được, tôi thề đấy, nhưng tôi đã mắc kẹt trên ghế này rồi, chỉ có thể nói hoài không nghỉ.

Nói đi, tôi xin bố, tôi phải làm gì?

Tôi ngồi đây bên bố nghe tiếng khóc hờ vọng qua cửa sổ phòng bố. Bố không nghe thấy ư?

Mọi người khác đều khóc cả, sao bố không khóc?

Chúng ta đã thành thói quen để ý tìm dịp khóc, vì nước mắt tắc lại ứ đầy trong mắt ta. Umm Hassan đã khơi cho đập nước mắt ấy trào ra. Thế sao bố không dậy đi mà khóc?

 


 

Này bố!

Tôi phải nói chuyện cho bố nghe hay nói với bố hay nói về bố thế nào đây?

Tôi có nên kể lại những chuyện bố đã biết rồi, hay là im lặng để bố muốn đi đâu cứ đi? Tôi đến gần bố, bước đi rón rén để khỏi làm bố thức, rồi tự thấy mình nực cười vì tôi chẳng muốn gì hơn là đánh thức bố. Tôi chỉ cần một điều – một điều thôi, hỡi Chúa: là con người đang chết chìm trong mắt chính mình đây sẽ dậy, sẽ mở mắt nói câu gì.

Nhưng đấy là nói dối.

Bố biết bố đã biến tôi thành thằng nói dối không?

Tôi nói mình chỉ muốn một điều, nhưng thực ra tôi muốn hàng nghìn điều. Tôi nói dối, cầu Chúa rủ lòng thương bố, thương tôi và thương cả bà mẹ đáng thương của bố. Phải, chúng ta quên mất bà mẹ bố. Bố kể cho tôi hàng mớ chuyện, mà lại chẳng bao giờ kể mẹ bố chết thế nào. Bố kể chuyện ông bố mù của bố đã chết và bố lẻn về Galilee viếng ông. Bố đứng trên ngọn đồi nhìn xuống làng Deir al- Asad, nhìn mà chẳng bị ai nhìn, khóc mà không khóc.

Lúc ấy tôi tin bố. Tôi tin là trực giác mách bảo bố quay lại nhà mình, mấy giờ trước khi ông chết.

Nhưng giờ tôi không tin nữa.

Lúc ấy tôi đã mê mẩn lắng nghe chuyện bố. Bây giờ bùa phép tan rồi, tôi không còn tin bố nữa.

Nhưng còn mẹ bố thì sao?

Sao bố chẳng nói gì về hoàn cảnh bà chết?

Mà mẹ bố chết chưa?

Bố có còn nhớ chuyện bức hình Thánh Mẫu Đồng Trinh không?

Chúng ta đang sống qua nội chiến Lebanon, còn bố thì bảo chiến tranh lẽ ra không phải thế này. Bố thậm chí còn khuyên tôi, hồi tôi mới từ Bắc Kinh về với mác bác sĩ, đừng tham chiến mà đi cùng bố về Palestine.

“Nhưng bố có đi để đánh nhau đâu hả bố Yunes. Bố đi vì vợ bố cơ mà.”

Bố lên lớp cho tôi hồi lâu về ý nghĩa của chiến tranh và rồi nhắc tới bức hình Thánh Mẫu Đồng Trinh trong nhà bố, và chính lúc đó tôi đã hỏi có phải mẹ bố đi đạo Thiên Chúa không, và nếu có thì làm sao ông sheikh của làng Ain al-Zaitoun lại lấy vợ Thiên Chúa giáo được. Bố bảo bà chẳng theo đạo mà chỉ yêu mến Đức Mẹ Maria thôi, bà thường đặt bức hình dưới gối. Bà đã dạy bố biết yêu Người nữa, vì Người là bà chủ của mọi đàn bà trên thế giới, và vì trong bức hình Người rất đẹp, đầu cúi xuống đứa con trai mới sinh đã quấn trong vải liệm.

“Thế còn cụ sheikh nghĩ gì?” tôi đã hỏi.

Đến lúc ấy thì bố bảo cụ sheikh bố mình bị mù, nên chẳng bao giờ nhìn thấy bức hình.

Còn Nahilah báo tin mẹ chết cho bố lúc nào?

Sao bố chẳng kể cho tôi? Có phải vì vợ bố nói bà mẹ muốn được chôn cùng bức hình, khiến cả làng náo loạn một phen?

Sao bố cứ ngủ vùi chẳng trả lời như thế?

Bố ngủ cứ như bản thân bố là giấc ngủ. Bố ngủ trong giấc ngủ, bố đang chìm. Bác sĩ nói bố có cục máu đông trong não, nói về mặt y học bố chết thật rồi, chẳng còn hy vọng gì nữa. Tôi không muốn tin ông ta.

Tôi nhìn bố nằm trước mặt đây, mà chẳng làm gì được.

Tôi nói chuyện với bố, tôi kể chuyện cho bố nghe. Tôi sẽ kể cho bố mọi điều. Bố nghĩ sao – tôi sẽ pha trà, chúng ta cùng ngồi trên ghế thấp trước nhà bố và kể chuyện ba láp nhé! Bố vẫn thường giễu tôi không biết hút thuốc. Bố thì hay hút đến tận lúc điếu tàn, nhay nhay mẩu tàn thuốc ngậm trên môi và nuốt khói vào bụng.

Bây giờ thì tôi ở đây. Tôi đóng cửa phòng bố rồi. Tôi ngồi bên cạnh bố. Tôi châm thuốc lá, hít một hơi đầy phổi, rồi kể chuyện cho bố nghe. Mà bố thì không trả lời.

Sao bố không nói với tôi?

Trà nguội cả rồi, tôi cũng mệt rồi. Bố thì mải mê thở, chả để ý gì cả.

Xin đừng tin chúng.

Bố còn nhớ cái ngày bố tới gặp tôi, bố nói ai cũng chán ghét bố, và tôi không cách nào xua được nỗi buồn trên khuôn mặt trắng tròn của bố? Tôi phải nói gì? Chẳng lẽ tôi nói thời của bố qua rồi, hay vẫn còn chưa tới? Như thế bố sẽ còn mếch lòng hơn. Tôi cũng không thể nói dối bố được. Thế là tôi cũng buồn theo, và nỗi buồn rạch một đường sâu hoắm trong hồn tôi không thể nào lành lại, nhưng tôi không muốn bố chết, tôi thề đấy.

Sao bố lại nói dối tôi?

Sao bố lại bảo khi những người đến viếng đã về cả rằng Nahilah chết cũng chẳng ý nghĩa gì, vì đàn bà chỉ chết khi người đàn ông không yêu nàng nữa, và Nahilah chưa chết vì bố vẫn yêu nàng?

“Nàng ở trong này,” bố bảo thế, chỉ vào mắt mình, mắt bố mở to nhìn thấy cả màu xám đậm. Tôi chẳng bao giờ biết gọi màu mắt bố là gì – khi tôi hỏi, bố đáp lại rằng cả Nahilah cũng chẳng biết gọi là màu gì, và rằng ở Bab al-Shams nàng vẫn thường hỏi bố mọi thứ màu gì.

Bố nói dối tôi.

Bố làm tôi tin rằng Nahilah vẫn chưa chết thật, và chẳng nói hết câu. Lúc ấy tôi chẳng tiếp thu điều bố nói; tôi nghĩ đấy chỉ là những lời lẽ hoa mỹ người tình nhân già tìm cách chữa lành mối tình của mình. Nhưng nửa sau câu đó là nói về cái chết, vì đàn ông chết khi người đàn bà thôi không yêu hắn nữa, và bố đang chết dần mòn vì Nahilah thôi không yêu bố nữa khi nàng chết.

Và thế là bố ở đây, ngủ gật gà.

Hỡi Chúa, gà gật thế này là sao? Và sao mỗi lần tới gần bố tôi lại thấy uể oải gà gật như là cái chết? Tôi tựa mình vào ghế rồi ngủ thiếp. Khi thức dậy lúc nửa đêm, tôi thấy ê nhức khắp mình.

Tôi đến gần bố, tôi thấy không khí cuộn tròn xung quanh bố, tôi thấy cả cái nơi tôi vẫn chưa đến kia. Tôi quyết định rồi, tôi sẽ đi; ai cũng đi cả, tại sao tôi không đi? Tôi sẽ đi nhìn một cái xem. Tôi sẽ đi cắm lại các cột mốc trong mắt mình. Bố vẫn thường bảo, bố biết hết mọi điểm vì cái nào cũng khắc vào mắt bố như những cột mốc không thể hủy hoại được.

Các cột mốc ở đâu, ông bạn? Làm sao tôi biết đường đi, ai sẽ dẫn đường?

Bố bảo rằng có những hang đục vào vách đá. Có thật là bố vẫn thường gặp nàng tại đó không? Hay là bố chỉ dối tôi? Bố nói những hang ấy gọi là Bab al-Shams – Cổng Mặt Trời – và mỉm cười nói thêm Shams đó không phải là Shams yêu dấu của tôi, hay là trận tàn sát kinh hoàng ở trại Miyyeh wi-Miyyeh đã giết chết nàng.

Bố bảo tôi không yêu Shams và tốt nhất nên quên nàng đi: “Nếu cậu yêu nó, cậu đã trả thù cho nó. Đấy không phải tình yêu, con trai ạ. Cậu yêu một người đàn bà không yêu cậu, đấy là điều không thể.”

Bố đâu có hiểu. Làm sao tôi báo thù được cho người đàn bà bị giết vì một người đàn ông khác?

“Nghĩa là cô ta không yêu cậu,” bố nói.

“Có, nhưng theo cách riêng của cô ấy,” tôi đáp.

“Tình yêu có một ngàn cánh cửa. Nhưng yêu đơn phương thì không phải là cửa, chỉ là dối mình.”

Lúc đó tôi không đáp trả lại rằng tình yêu của bố với Nahilah có thể cũng chỉ là dối mình, vì bố chỉ gặp nàng trong những chuyến đi chẳng khác gì giấc mơ.

 

Tôi lại gần vì muốn báo cho bố trăng tròn. Ở al-Ghabsiyyeh chúng tôi yêu trăng, và cũng sợ trăng. Khi trăng tròn, chúng tôi không ngủ.

Dậy nhìn trăng đi.

Bố không kể cho tôi về mẹ bố, nhưng tôi sẽ kể về mẹ tôi. Thực tình tôi không biết nhiều về bà – bà đã mất tích. Người ta bảo bà đến với họ hàng ở Amman, khi tới Jordan năm 1970 tôi có đi tìm bà, nhưng đấy là chuyện khác, tôi sẽ kể sau.

Tôi đã kể bố nghe về mẹ mình rồi, và sẽ kể lại lần nữa. Hồi kể cho tôi về Bab al-Shams, bố vẫn thường nói chuyện kể cũng như rượu: càng kể ra càng ngấu. Có phải thế nghĩa là lời ta kể cũng như là vò ủ rượu? Bố vẫn thường kể đi kể lại những chuyện về Nahilah, lần nào mắt cũng sáng rực nỗi khao khát ấy.

“Nàng bỏ bùa tôi,” bố bảo thế.

Nhưng tôi biết bùa phép chính là ở bố – nếu không làm sao bố thuyết phục được Nahilah ở với mình, người còn hôi rình những dặm trường?

Mẹ tôi thường đánh thức tôi trong trại khi trời còn đêm, thì thầm gọi dậy, và tôi dậy ngắm trăng tròn vành vạnh trên đầu, và không ngủ lại.

Cái bà làng al-Kweikat kia nói chúng tôi điên: “Người làng Ghabsiyyeh bị rồ, đi sợ mặt trăng.” Nhưng chúng tôi đâu có sợ – mặc dù đúng là chúng tôi sẽ thức thâu đêm. Mẹ tôi không cho tôi ngủ. Mẹ buộc khăn đen trên đầu rồi bảo tôi nhìn lên mặt trăng để tìm thấy mặt người cha đã chết của tôi.

“Có thấy không con?” mẹ hỏi.

Tôi sẽ đáp rằng có, dù tôi thề là không. Nhưng bây giờ, bố có tin nổi không, bây giờ sau chừng ấy năm, mỗi khi nhìn lên mặt trăng tôi lại thấy mặt cha tôi bê bết máu. Mẹ tôi nói chúng giết cha tôi, vứt lại một đống bên cửa rồi đi mất. Mẹ nói ông nằm một đống, cứ như không phải người mà là bao tải. Và khi đi lại gần ông thì mẹ không nhận ra ông. Người ta mang ông đi chôn bí mật trong Nghĩa trang tử đạo. “Nhìn lên cha con, bảo cha con con muốn gì.”

Ngày xưa tôi nhìn mà không thấy, nhưng không nói. Bây giờ thì tôi thấy rồi, nhưng phải nói gì đây?

Dậy nhìn mặt trăng đi bố! Bố có thấy vợ bố không? Bố có thấy cha tôi không? Chắc chắn bố sẽ chẳng bao giờ thấy mẹ tôi, mà có thấy nữa thì bố cũng chẳng biết mẹ tôi. Cả tôi cũng đã quên bà rồi, đã quên giọng nói và nước mắt của bà. Điều duy nhất tôi còn nhớ là vị bột mẹ thường nhào trong lò đất sét trước nhà. Mẹ bỏ ớt đỏ, dầu ăn, cumin và hành vào miếng bột rồi đem nướng. Rồi mẹ pha trà ăn với bánh, tôi cũng ăn cùng, hai mẹ con cùng ngắm trăng. Cái vị xé lưỡi ấy vẫn còn bỏng lưỡi bỏng mắt tôi mỗi lần giờ đây ngắm trăng; tôi uống trà, nhìn lên mặt trăng, và tôi thấy.

Mẹ tôi bảo rằng ở làng cha tôi người ta không ngủ. Khi trăng tròn, lên ngồi trên ngai cao trên trời, cả làng trở dậy, ông ca sĩ mù ngồi giữa quảng trường chơi cây vĩ cầm một dây, hát cho đêm nghe, giọng ông nghe như khóc. Cả tôi cũng đang khóc đây, vì gà gật, vì vị ớt bỏng, vì những gì có vẻ là giấc mơ.

Trăng tròn rồi, hỡi kẻ đang bơi giữa những tấm ga trắng. Dậy nhìn rồi uống trà với tôi đi. Hay là ở làng Ain al-Zaitoun của bố người ta không dậy đón trăng tròn?

Nhưng bố có phải người Ain al-Zaitoun đâu chứ. Mà đúng là bố người Ain al-Zaitoun, nhưng ông bố mù lòa của bố đã dời đến Deir al-Asad sau khi cả làng bị tàn sát vào năm 1948.

Bố đẻ ra ở Ain al-Zaitoun, người ta đặt tên bố là Yunes. Bố bảo rằng ông bố mù của bố đặt tên bố là Yunes, bởi giống như Yunes, Jonah trong Kinh Thánh, bố đã chiến thắng cái chết.

Bố chưa bao giờ kể mẹ bố là ai, chỉ có Amna kể. Bà bảo bà là em họ đằng nội bố, đến đây giúp bố thu vén căn nhà. Bà đẹp lắm. Sao hôm đó bố nổi đóa với tôi? Tôi thề là tôi đâu có ý gì. Tôi chỉ mỉm cười, thế mà bố trừng mắt, chạy ào ra khỏi nhà, để mặc tôi với bà.

Bố vào nhà thấy tôi ngồi với Amna, bà mang nước cho tôi. Bà bảo bà biết hết mọi chuyện về tôi vì bố kể với bà, bà bảo tôi nhớ chăm lo cho bố vì bà không thể suốt ngày từ Ain al-Hilweh lặn lội đến Shatila được. Tôi cười với bà, nháy mắt, rồi từ hôm đó trở đi tôi không bao giờ gặp Amna ở nhà bố nữa. Tôi thề là tôi đâu có ý gì. Thật ra tôi cũng có ý gì đấy, nhưng suy cho cùng bố là đàn ông mà, sao lại nổi cáu. Như thế mới là con người, con người đã như thế từ thời ông tổ Adam, cầu Allah ban phúc cho ông, và con người luôn phản bội người mình thương yêu; phản bội rồi hối tiếc; phản bội vì yêu; vậy thì có vấn đề gì?

Làm thế thật là khủng khiếp. Sao bố lại bảo Amna đừng đến nhà bố nữa? Vì bà yêu bố phải không? Tôi biết mà – tôi chỉ cần nhìn một người đàn bà đang yêu là tôi biết. Tình yêu tuôn trào ra khỏi bà, bà mềm mại và đung đưa. Đàn ông thì không thế. Đàn ông là thứ đáng thương hại vì họ không biết đến cái mềm mại sẽ tràn ngập từng thớ cơ, khiến các cơ bừng lên như dậy bột.

Amna yêu bố, nhưng bố không muốn lấy bà. Bà kể chuyện đó cho tôi, cũng như đã kể hàng đống chuyện khác mà bà bắt tôi thề không bao giờ nhắc đến trước mặt bố. Giờ thì tôi được giải phóng khỏi lời thề rồi vì bố chẳng nghe thấy gì, mà có nghe nữa thì cũng bất lực. Bố sẽ chỉ bảo Amna nói dối, và câu chuyện đến đó là hết.

Amna kể hết chuyện đời bố cho tôi nghe rồi.

Bà kể cho tôi về bố của bố.

Bà kể rằng Sheikh Ibrahim, con trai Salem, con trai Suleiman al-Asadi, kết hôn khi đã tứ tuần, và suốt hai mươi năm sau đó bà vợ sinh đứa nào là chết đứa đấy chỉ sau vài ngày, vì bà mắc phải một chứng bệnh không tên. Đầu vú bà sẽ viêm tấy lên rồi tụt vào trong khi đứa trẻ bắt đầu bú mẹ, nên chúng đều chết đói. Thế rồi bố sinh ra. Amna kể tôi nghe, bố là đứa duy nhất có thể cắn vào một bầu vú không có núm. Bố cắn, bố mút, mẹ bố gào thét vì đau đớn. Còn bố thì thoát chết.

Tôi không tin lời Amna kể, vì câu chuyện này có vẻ khó tin. Sao mẹ bố không đi tìm thuốc chữa cho bầu vú? Sao đám trẻ kia lại chết? Sao ông bố không đem chúng đi bú nhờ các bà khác trong làng?

Tôi không tin lời Amna, nhưng bố xác nhận đấy là sự thật, nên tôi càng nghi ngờ hơn. Bố bảo bố là đứa duy nhất sống vì bố có thể gậm được một bầu vú không có núm, nên mẹ bố không bao giờ quên nhắc nhở bố rằng bà đã chịu đau đớn thế nào. Rồi khi tôi hỏi sao ông bố không đi lấy một bà vợ khác, bố giơ tay lên, như thể không muốn tôi đặt ra câu hỏi đó – bởi như bố nói với tôi, người làng bố “chỉ một lần lấy một người đàn bà, đã như thế từ khai thiên lập địa”.

Tôi mường tượng một đứa trẻ man dã, cái đầu to, cặp môi nghiến ngấu, day đi day lại bầu vú của người mẹ đầm đìa nước mắt.

Rồi bố bảo với tôi rằng không phải vì có núm vú hay không. Các anh chị bố chết vì một chứng bệnh kỳ bí, bị lây từ bầu ngực viêm của người mẹ.

Giờ tôi thấy bố rồi, tôi thấy đứa bé kia, tôi thấy cái đầu to – gương mặt nó trong một dòng thác ánh sáng. Tôi thấy mẹ bố oằn oại vì đau đớn lẫn sướng khoái khi cảm thấy môi bố bập vào dòng sữa. Tôi gần như nghe thấy bà thở dài, nhìn thấy nỗi thống khoái đong đầy trong cặp mắt nặng trĩu vì ngái ngủ của bà. Tôi thấy bố, thấy cái chết của bố, thấy đoạn kết.

Bố đừng có nói với tôi là bố sắp chết nhé. Đừng có chết. Umm Hassan đã bảo tôi đừng sợ, nên tôi không sợ. Bà bảo tôi ở đây với bố vì sẽ không thằng nào dám xông vào bệnh viện tìm tôi – ngay cả Umm Hassan còn nghĩ tôi đã biến cái chết của bố thành nơi trú ẩn cho tôi. Ngay cả Umm Hassan còn không hiểu rằng tôi muốn chặn lại cái chết của bố, chứ không phải của tôi. Tôi không sợ bọn nó, hơn nữa tôi có liên quan gì đến cái chết của Shams? Hơn nữa, sẽ chẳng phải chút nào nếu câu chuyện kia lại chen vào câu chuyện của bố, câu chuyện huyền thoại của bố.

Tôi biết bố sẽ nói, “Huyền thoại cái căng củ cọt!”, vâng thì tôi cũng nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn xin bố đừng có chết. Vì tôi, vì bố, để chúng nó không tìm thấy tôi.

Tôi lạc lối rồi. Tôi lạc lối, tôi sợ, tôi tuyệt vọng, tôi dao động, tôi bứt rứt, tôi nhớ, tôi quên.

Tôi gần như ở cả ngày trong phòng bố. Tôi xong việc ở bệnh viện, rồi tôi lại về bên bố. Tôi ngồi bên bố, tắm cho bố, xoa bóp cho bố, xức hương cho bố, rắc phấn cho bố, bóp dầu thơm khắp mình bố. Tôi đắp chăn cho bố, kiểm tra xem bố ngủ chưa, nói chuyện với bố. Người ta nghĩ tôi bị điên nói chuyện một mình. Ở bên bố tôi đã tìm ra thêm bao nhiêu tôi bên trong tôi, với những tôi ấy tôi có thể trò chuyện đến thiên thu bất tận.

Vấn đề là, tôi từng đọc trong một quyển sách tôi quên tên rồi, rằng mấy người hôn mê có thể lấy lại ý thức nếu có người khác nói chuyện cùng. Bác sĩ Amjad bảo không thể có chuyện đó được. Tôi biết sách tôi đọc chẳng khoa học gì cho cam, nhưng tôi đang cố, tôi đang cố đánh thức bố bằng lời lẽ, vậy sao bố không trả lời tôi? Một chữ cũng đủ rồi.

Bố hoặc là không thể nói, hoặc là không muốn nói, hoặc là bố không biết cách nói.

Vậy thì bố phải nghe thôi. Tôi biết bố nghe chuyện tôi đã phát ngán rồi, vậy tôi sẽ kể bố nghe chuyện bố. Tôi trả lại cho bố những gì bố đã cho tôi. Tôi sẽ kể, rồi sẽ thấy bóng một nụ cười phảng phất trên đôi môi mím chặt của bố.

Bố nghe giọng tôi không?

Bố thấy lời lẽ của tôi không, như những cái bóng?

Tôi cũng chán nói rồi. Tôi ngưng lại, lời lẽ ào ào tới. Ào ào tới như mồ hôi rỉ ra từ lỗ chân lông, và tôi không nghe thấy giọng mình, mà nghe giọng bố phát ra từ họng tôi.

Tôi ngồi bên bố hoàn toàn im lặng. Tôi nghe bố thở khò khè, tôi cảm thấy nước mắt run run trong mình, nhưng tôi không khóc. Tôi nói, “Đủ rồi, tôi không quay lại nữa đâu. Tôi ở đây làm gì chứ, chẳng có gì cả.”

Tôi ngồi bên cái chết, bầu bạn cùng cái chết. Bầu bạn cùng cái chết khó lắm bố ạ. Chính bố kể với tôi về ba cái xác trong rừng ô liu. Bố đừng quên – bố là kẻ đào vong, mà kẻ đào vong không bao giờ quên. Bố có nhớ đã có chuyện gì khi bố về tới Ain al-Hilweh, sau khi được thả khỏi tù? Bố có nhớ bố bắn súng lên trời rồi chửi mắng tất cả mọi người rồi bị bắt? Khi mọi người đã dựng trại, những cái lều gió thông thốc qua cả hai phía, bố nói với họ: “Chúng ta không đi tỵ nạn. Chúng ta lẩn trốn, chỉ có thế tôi. Chúng ta sẽ chiến đấu, sẽ giết, sẽ bị giết. Nhưng chúng ta không đi tỵ nạn.” Bố nói với mọi người rằng tỵ nạn có một nghĩa cụ thể, rằng đường về những làng Galilee vẫn mở rộng. Râu dài, bẩn thỉu. Báo cáo của cảnh sát ở Sidon nói vậy; bố vác súng trường, lầm bầm lẩm bẩm như người điên. Viên cảnh sát Lebanon viết tường trình rằng bố bị điên rồi cho bố đi. Bố trợn mắt, không tin, nhưng ông ta cắn môi nháy mắt rồi ra lệnh cho bố ra ngay khỏi đồn cảnh sát. Hôm đó bố gào rống rằng không đời nào bố ra khỏi tù nếu không có khẩu súng trường, thế là người ta tống cổ bố ra. Rồi đến đêm bố lại đột nhập vào, lấy lại khẩu súng trường, thêm ba khẩu nữa từ bốt gác. Với bốn khẩu súng ấy, tất cả bắt đầu.

Giờ tôi không muốn nói đến bắt đầu. Tôi muốn bảo với bố rằng những kẻ lẩn trốn không bao giờ ngủ. Bố từng kể rằng bố chỉ ngủ một mắt, mắt kia mở đề phòng hiểm nguy.

Mắt kia của bố đâu rồi, mở ra nhìn tôi đi chứ?

Tôi lại bên bố, mở mắt bố ra, chỉ toàn tròng trắng. Trắng làm sao! Tôi biết bố có thấy tôi đi tìm bố, vì nhìn tròng trắng tôi thấy hết những cái bóng của bố. Chẳng phải bố từng kể tôi có một người đi cùng những cái bóng của mình trên những con đường xa xôi ấy? Trong mắt bố tôi thấy hình ảnh của một người không sống cũng không chết.

Sao bố không chết đi?

Không, bố đừng có chết! Bố chết rồi tôi biết làm gì? Trốn tiếp trong bệnh viện à? Rời khỏi nước này à?

Xin đừng! Tôi sợ chết.

Bố đã quên rồi à, rừng ô liu, người đàn bà ấy, ba người đàn ông ấy?

Bố bảo rằng bố sợ người đàn bà ấy. “Đi qua bao nhiêu cuộc chiến tranh tôi chẳng sợ gì. Nhưng người ấy, ôi trời! Trước bà ấy đầu gối tôi rủn ra, mặt tôi giật giật. Bà ấy nằm ngủ dưới gốc cây ô liu. Tôi đi lại chỗ bà ấy. Tóc dài phủ kín mặt bà ấy. Tôi cúi người lại gần, gạt mái tóc qua một bên, bà ấy đã chết cứng, tóc che đứa nhỏ tí xíu cuộn tròn người ngủ trên người bà ấy. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy người chết. Tôi lùi lại, đốt thuốc lá rồi ngồi sưởi nắng, ở đó sau tảng đá, tôi thấy thêm ba cái xác.”

Bố ở lại bên họ, không cách nào chạy thoát, bởi hôm đó súng máy Israel quét gục bất cứ ai lẻn qua bên kia, chắc là chúng vừa quét súng, còn bố thì vừa quay về sau khi lẻn qua. Bố kể rằng bố ăn ô liu mà sống một tuần. Bố lấy gậy đập vỡ quả ô liu, nhúng xuống nước rồi ăn, đắng chát. “Ô liu thật ra không đắng lắm – nhưng vị đắng dính khắp mồm miệng cả lưỡi nên ăn mỗi quả lại phải uống nước.”

Bố không đào nổi mộ. Bố bới bằng tay vì súng của bố đã chôn trong hang cách Deir al-Asad ba giờ đồng hồ. Bố bới mãi, nhưng không đủ rộng chứa bốn người bọn họ. Bố bới một huyệt mộ nhỏ cho đứa bé nhưng rồi nghĩ lại: Chia tách nó khỏi mẹ nó như thế có phải không? Rốt cuộc bố chẳng chôn ai cả; bố bẻ mấy cành ô liu phủ lên mấy cái xác rồi quyết định sẽ mang cuốc chim quay lại đào sau. Bố phủ cành ô liu lên xác họ rồi tiếp tục trên đường đi Lebanon. Và rất nhiều lần bố quay lại Deir al-Asad, nhưng chẳng lần nào còn thấy họ.

 

Tôi đang ở với bố đây, đêm rồi. Điện tắt rồi, nến run rẩy vì những cái bóng của bố, bố không mở mắt.

Bố mở mắt ra nói xem, bố quên tên tôi rồi à? Tôi là bác sĩ Khalil. Bố bảo tôi giống y như con đầu của bố, thằng Ibrahim đã chết rồi. Cứ coi tôi là thằng con chưa chết của bố đi. Sao bố không mở một mắt ra nhìn tôi xem? Bố ốm đấy, bố ạ. Tôi sẽ gọi bố là bố suốt. Tôi không bao giờ gọi tên bố nữa đâu.

Tên bố là gì?

Ở trại người ta gọi bố là Abu Salem, bố thằng Salem, ở Ain al-Zaitoun: Abu Ibrahim, trong những nhiệm vụ đi xa: Abu Saleh, trong Bab al-Shams: Yunes, ở Deir al-Asad: người đó, còn ở Khu Tây: Izz al-Din. Bố có vô số tên, tôi chẳng biết dùng tên gì gọi bố.

Lần đầu tôi gặp bố, bố là Abu Salem, dù tôi cũng không dám chắc, vì tôi không nhớ lần đầu là lần nào, mà bố cũng không nhớ. “Nhớ không,” bố bảo tôi, “cậu có một mình trong trại trẻ con trai.” Mẹ tôi đã đi Jordan bỏ lại tôi cho bà. Tôi lên chín. Tôi nhớ mẹ tôi để lại cho tôi một miếng giấy trắng, viết loằng ngoằng những gì tôi không đọc được; bà không biết đọc biết viết. Giờ tôi chỉ còn láng máng nhớ bà. Tôi nhớ một người đàn bà hoảng hốt, ôm chặt tôi, nghi kỵ nhìn tất thảy xung quanh, bảo rằng họ sẽ giết mẹ con tôi như đã giết cha tôi. Tôi sợ đôi mắt bà; đôi mắt có gì sâu thẳm và tôi không thể nhìn vào được. Nỗi sợ ngủ sâu trong mắt, bố ạ, và trong mắt người đàn bà mẹ tôi tôi bắt gặp một nỗi sợ lạnh buốt bám lấy tôi không bao giờ dứt ra được cho đến ngày tôi nhìn vào mắt Shams.

Tôi biết bố sẽ cười lớn và bảo tôi đâu có yêu Shams, và bảo tôi gọi bố là Abu Salem, bởi Salem – Kẻ được cứu rỗi – đã được cứu thoát chết, và chúng ta không được chết.

Bố thường gọi Nahilah là Umm Salem, mẹ thằng Salem, và bảo nàng, trong hang hay dưới gốc ô liu, rằng nàng hãy dùng tên đứa thứ hai, từ nay đã thành thằng cả.

Nói thật với bố, tôi không còn biết cái gì là thật nữa. Bố chẳng bao giờ thực sự kể cho tôi câu chuyện của bố – chuyện ấy đến với tôi trong từng mảnh vụn như thế này. Tôi muốn bố kể cho tôi toàn bộ, nhưng tôi không dám hỏi. Không, nói không dám là không đúng. Đúng hơn là tôi không cảm thấy mình đủ sức hỏi bố, hoặc không thể tìm được cơ hội, hoặc không thể nhận ra câu chuyện ấy quan trọng cỡ nào.

Trăng tròn rồi bố.

Tôi gọi bố là bố, nhưng bố có phải bố tôi đâu. Bố nói bố hy vọng thằng Salem sẽ thành bác sĩ, nhưng hoàn cảnh lúc đó – chính thể quân sự, giờ giới nghiêm, cảnh bần hàn – không cho nó học hành, nó đi làm thợ máy. Giờ nó là chủ xưởng xe ở Deir al-Asad, nó nói tiếng Hebrew và tiếng Anh.

Bố bảo tôi, “Bác sĩ ạ, cậu cũng như con trai tôi. Tôi đã lôi cậu ra từ hồi lên chín, tôi đã yêu cậu, tôi đã hỏi mấy người ở trại trẻ con trai cho tôi lo cho cậu, và cậu đã thành con trai tôi. Cậu đã mất bố mẹ, còn tôi thì mất con. Hãy làm con tôi nhé.”

Bố dần dà gọi tôi là “bác sĩ Khalil con trai tôi”, dù tôi cũng chẳng phải bác sĩ, như bố biết đấy. Đi tập huấn ở Trung Quốc ba tháng không làm nên bác sĩ được. Bố phong cho tôi làm bác sĩ của trại, yêu cầu tôi đổi tên như các fedayeen. Nhưng tôi không đổi tên, còn quân fedayeen thì theo tàu Hy Lạp đi mất, ở lại đây chỉ còn tôi với bố. Chiến tranh chấm dứt rồi, tôi cũng không còn làm bác sĩ. Thực tế là bác sĩ Amjad, giám đốc bệnh viện, đã yêu cầu tôi làm điều dưỡng. Ai mà chấp nhận rơi từ bác sĩ xuống làm điều dưỡng? Tôi từ chối, nhưng bố đã đến nhà quở tôi một trận, rồi bắt tôi đến bệnh viện báo danh ngay lập tức.

Khi bố nói, bố mở mắt to hết cỡ tưởng như không thể to hơn. Lời lẽ tuôn ra từ mắt bố, bố cao giọng lên, thế là tôi không nói gì. Tôi sẽ lén nhìn sang mắt bố, mở căng đến hết những đường biên trái đất.

Trong văn phòng ở trại trẻ con trai, bố hay đứng quay mãi quay mãi quả địa cầu rồi bắt nó dừng. Khi quả cầu bé tí dừng quay, bố sẽ chỉ ngón tay mà nói, “Đấy là Acre. Đây là Tyre. Đồng bằng chạy đến đây, còn đằng này là các làng của quận Acre. Đây là Ain al-Zaitoun, và Deir al-Asad, và đây là Bab al-Shams. Chúng ta đến từ Ain al-Zaitoun, các nhóc tì ạ. Ain al-Zaitoun là một nơi rất nhỏ, núi bao bọc xung quanh che chở nó. Ain al-Zaitoun là ngôi làng đẹp nhất trần gian, nhưng chúng nó phá làng năm 48 rồi. Chúng nó cho nổ tung hết nhà rồi lấy xe ủi ủi đi, nên chúng ta rời làng đến Deir al-Asad. Nhưng còn tôi, tôi lập ra làng mới ở một nơi không ai biết, một ngôi làng trong lòng đá, nơi mặt trời vào ngủ.”

Cảnh trong phim Bab El Chams của đạo diễn Yousry Nasrallah.

Bác sĩ Amjad nói ông cũng không biết nữa. Bác sĩ nói, và tôi cũng nói, rằng bố có nghe thấy tiếng nhưng không biết tiếng ấy là gì. Những tiếng ấy có vào được ý thức của bố không, hay mãi mãi chỉ là tiếng động?

Bác sĩ nói bố không nhìn được, tôi cũng không hỏi ông thế nghĩa là gì. Là bố ở trong màu đen ư, mà đen có phải là màu không? Hay bố tồn tại trong một cõi không màu? Mà thế nào là không màu chứ? Bố có thấy cái thứ đáng sợ pha trộn giữa đen và trắng có tên là xám? Nếu bố không thấy được màu, nghĩa là không phải bố ở trong màu đen, mà ở một nơi chúng ta không biết. Bố không sợ những gì mình không biết sao?

Bố từng nói bố không sợ chết, và rằng bố chỉ biết sợ đúng một lần, hồi sống cùng người chết trong rừng ô liu kia. Bố nói rằng con người ta chết vì sợ, rằng sợ là thứ ở sâu bên dưới.

Bố có đang ở “sâu bên dưới”? Bố thấy gì?

“Đây là vấn đề số học mà thôi,” bố từng bảo tôi. “Ta sợ vì ta sống trong ảo ảnh, vì cuộc đời là một giấc mơ dài. Người ta sợ chết, nhưng thật sự thì đáng phải sợ những gì có trước khi được sinh ra. Trước khi được sinh ra, con người ta ở trong cõi tối tăm vĩnh cửu. Nhưng đấy là ảo ảnh. Ảo ảnh khiến ta nghĩ rằng người sống được thừa hưởng đời sống của tất cả mọi người khác. Nên người ta mới nghĩ ra lịch sử. Tôi không phải trí thức gì, nhưng tôi biết lịch sử là mẹo lừa người ta tin rằng chúng ta đã sống từ thuở khai thiên lập địa và rằng ta thừa kế từ những người chết. Ảo ảnh mà thôi. Không ai thừa kế cái gì, không ai có lịch sử hay cái gì như vậy. Sống là con đường nối giữa hai cái chết. Tôi không sợ cái chết sau vì tôi chưa từng sợ cái chết đầu.”

“Nhưng lịch sử không phải là ảo ảnh,” tôi đã trả lời. “Mà nếu thế nữa thì tất cả là vì cái gì?”

“Cái gì là vì cái gì?”

“Chúng ta chiến đấu rồi chết để làm gì? Chẳng lẽ Palestine không xứng với cái chết của chúng ta? Bố là người dạy tôi lịch sử, rồi thì giờ bố lại bảo tôi lịch sử là mánh khóe để trốn tránh cái chết!”

Ngày hôm đó bố đã cười tôi rồi nói rằng bố của bố, ông sheikh mù ấy, xưa vẫn nói chuyện như vậy, mà “chúng ta cần học hỏi từ các bậc cha chú ta”. Tôi không biết có phải chúng ta đã bàn luận chuyện này trong một lần duy nhất không, bởi ta chẳng bao giờ bàn luận gì cả, chỉ nói chuyện dông dài, còn bố thì chưa nói hết câu đã nhảy từ chữ này sang chữ khác, chả cần để ý cái gì dẫn đến cái gì. Nhưng bố chỉ cười. Bố cười nghe như bố đang bùng nổ từ trong ra. Tiếng cười của bố từng làm tôi rất ngạc nhiên, bởi hồi ấy tôi tin rằng đã là anh hùng thì không cười. Tôi vẫn thường nhìn ảnh các bậc tử đạo treo trên tường trại, không có ai trong số họ cười. Trông họ cau mày và khép kín, như thể họ nhốt trong mình những tử tù.

Nhưng bố thì không.

Bố là anh hùng, và bố cười nhạo anh hùng. Và những nếp nhăn nhỏ tỏa ra từ đuôi mắt bố mở ra một không gian để cười tủm lẫn cười ha hả. Bố là một vị anh hùng biết cười – tuy thế tôi vẫn không tin vào mấy lý thuyết của bố, hay của bố của bố, về cái chết và lịch sử.

Đáp lại tôi, bố nói rằng điều đáng cho ta chết là những điều vì nó ta muốn sống.

“Palestine không phải là một chính nghĩa. Được rồi, về mặt nào đó thì đúng là như thế, nhưng lại không hẳn thế, vì đất đai không rời khỏi chỗ của mình. Đất sẽ ở lại, và câu hỏi không phải là ai nắm giữ mảnh đất đó, bởi ngay ý nghĩ rằng mảnh đất có thể nắm giữ được cũng là ảo tưởng. Không ai có thể nắm giữ được đất bởi rốt cuộc người ấy sẽ chôn vào trong đất. Chính là đất nắm giữ người ta và lôi người ta trở về lại với mình. Anh bạn ạ, tôi không chiến đấu vì mảnh đất hay vì lịch sử. Tôi chiến đấu vì người đàn bà tôi đã yêu.”

Giờ tôi không nhớ chính xác bố đã nói gì nữa. Bố nói những lời đơn giản, trong suốt và trôi chảy. Bố nói như thể không phải là bố nói, còn tôi nói như thể là tôi nói. Nhưng tôi nhớ bố có nói về mùi. Hai ta đang ngồi uống trà trước khách sạn, đấy là vào mùa xuân giả. Năm đó mùa xuân đến từ tháng Hai. Mặt trời vượt qua mùa đông, đánh lừa trái đất, khiến những hoa vàng trắng xanh bẽn lẽn ló đầu ra khỏi đống hoang tàn. Ngày hôm đó bố dạy tôi cách ngửi thiên nhiên. Đặt ly trà xuống, bố đứng dậy hít căng lồng ngực không khí lẫn mùi hương, giữ trong ngực đến khi mặt bố đỏ bầm lên. Khi bố lại ngồi xuống nhấp trà rồi nói về cỏ xạ hương và hoa nhài và hoa lâu đẩu cùng các loài hoa dại, bố nói người đàn bà ấy giống như các mùa. Cứ mỗi mùa sang nàng lại bước vào hang của bố mang theo một mùi hương mới. Nàng thả mái tóc đen dài rợp xuống là hương hoa cỏ tràn ngập bốn bề. Bố nói lần nào bố cũng mê say vì những mùi hương mới, như thể nàng đã biến thành một người đàn bà khác.

“Đàn bà, con trai ạ, lúc nào cũng mới. Mùi của người ấy sẽ tiết lộ về người ấy. Đàn bà là hương thơm của thế giới, và khi tôi ở với nàng tôi đã học được cách hít vào đầy phổi hương thơm của mảnh đất này.”

Và lúc ấy tôi đã hiểu điều bố nói về cái chết của nàng: Nahilah không chết, vì mùi của nàng vẫn còn trong bố. Nhưng Umm Hassan thì đã chết rồi. Bố không muốn đi viếng bà với tôi sao? Tất cả mọi người đều họp lại ở nhà bà, trừ con bà Naji, đang ở Mỹ như bố biết. Tôi phải đi đây. Tôi muốn khiêng đòn cho Umm Hassan, và tôi sẽ không sợ thằng nào cả.

Dậy đi. Hai ta sẽ cùng đi viếng Umm Hassan, rồi bố có thể quay về với đám con bố, chết cùng luôn cũng được. Cứ đi chết chung với chúng đi, như Umm Hassan đã khuyên, rồi trả tự do cho tôi.

Bố còn nhớ Umm Hassan không?

Umm Hassan là thầy dạy y cho tôi. Tôi đang ở trong bệnh viện thì có một bà bầu được đưa vào, tôi chưa hề thấy đàn bà đẻ. Ở Trung Quốc người ta dạy tôi băng bó vết thương và mổ xẻ đơn giản, cái đó gọi là “bệnh viện dã chiến”. Nhưng y lý thực sự thì họ không dạy.

Bà bầu kia đang quằn quại trước mắt tôi, còn tôi thì bất lực. Rồi tôi nhớ ra Umm Hassan, tôi nhờ người mời và bà đến. Bà đỡ đẻ, bà dạy cho tôi tất cả mọi điều. Bà vừa giúp đỡ người kia vừa giảng giải mọi điều cho tôi như bác sĩ đào tạo sinh viên. Từ đó trở đi tôi biết phải làm gì, rồi tôi đã đủ tự tin có thể tự mình đỡ trẻ chào đời. Nhưng công là của bà hết. Umm Hassan là bà mụ có chứng chỉ duy nhất trong cả làng al-Kweikat; bà còn có cả bằng cấp của Anh để chứng minh.

Tôi đang thấy bà.

Bà đội cái chậu đang cắp theo lên đầu rồi cúi xuống nhặt từng đứa bé trong rừng ô liu. Trong thực tế, bà chỉ nhặt mỗi Naji, nó trở thành con bà. Tôi kể chuyện đó cho bố rồi, bố nhớ không? Đoàn của bà đang lang thang khắp trong Palestine, vì sau khi bị đuổi ra khỏi al-Kweikat, họ bị lạc giữa đồng rồi dừng lại bên rìa Deir al-Asad, rồi lại bị đuổi đi khỏi đó, thế là họ đến Tarshiha, rồi khi máy bay Israel đốt trụi Tarshiha, họ lại lên đường đi về miền Nam Lebanon, và Qana là chặng dừng đầu tiên của họ. Trên con đường ấy, một người đàn bà tên Sara al-Khatib đã sinh con, có Umm Hassan ở bên. Ai cũng chạy, của nả đội đầu trong tay nải, thế mà Sarah lại nằm vật xuống gốc cây quằn quại vì đau đớn. Umm Hassan tắm rửa cho đứa bé bằng nước nóng, lấy quần áo cũ quấn cho nó rồi trao cho người mẹ.

Tất cả mọi người đều đi trên “hành trình cuối” ấy, như những người dân các làng Galilee gọi cuộc xuất hành tập thể của mình về Lebanon. Nhưng với họ đấy chưa phải hành trình cuối. Thậm chí đấy còn là mở đầu những ngày lang bạt trong hoang mạc cho đến khi nào thì có chúa mới biết được.

Trên hành trình cuối ấy, giữa khi Umm Hassan bước đi, chậu đội đầu, xung quanh là bốn đứa con, ông chồng, anh em trai cùng chị em dâu và các cháu, bà thấy một bọc quần áo cũ vứt đi dưới gốc ô liu, và nhận ra đấy chính là quần áo bà đã lấy quấn đứa con của Sara. Bà cúi xuống, nhặt đứa bé lên, cho nó vào trong chậu, và đặt tên nó là Naji – Kẻ được cứu thoát. Bà nhét cho nó cặp vú khô của bà, rồi cho nó ăn bơ vừng pha nước. Tới làng Qana, khi lần đầu đoàn người dừng chân lại, mẹ thằng bé đến khóc mùi xin lại con. Umm Hassan từ chối, nhưng cuối cùng khi thấy sữa căng tức trong ngực người mẹ lấm tấm cả ra ngoài áo, bà đã trao đứa bé cho cô.

Umm Hassan nói bà đã đặt tên nó là Naji nên người mẹ không có quyền đổi tên cho nó. Sara vâng lời, đón lấy thằng bé, cho nó ngậm vú mình rồi đi mất.

“Naji là đứa con duy nhất còn sống của tao,” Umm Hassan nói. “Nó viết thư cho tao từ Mỹ, cầu Chúa ban phúc lành cho nó. Nó thành ra giáo sư ở trường đại học rất lớn, nó gửi thư gửi tiền cho tao, còn tao gửi cho nó dầu ô liu.”

Tôi thấy bà vừa đi vừa nhặt trẻ con lên bỏ vào cái chậu đội trên đầu. Cứ như thể bà đã nhặt tôi lên, cứ như thể tôi chính là Naji, cứ như thể vị vừng pha với nước vẫn còn vương trong miệng tôi, cứ như thể – tôi không biết nữa. Tôi thề là tôi không biết nữa. Umm Hassan chết sáng nay rồi, phải chôn bà trước khi đến giờ cầu nguyện trưa, thế mà bố cứ ngủ kỹ như thể bố không biết cái chết của Umm Hassan có nghĩa gì với tôi, với bố, với toàn thể mọi người trong trại.

Umm Hassan kể cho tôi mọi điều về Palestine. Tôi nhờ bà, trước khi bà lên đường đi thăm anh trai ở al-Kweikat, hay những gì còn lại của al-Kweikat, hãy đi qua al-Ghabsiyyeh buộc một dải vải lên cành táo gần thánh đường cho tôi. Tôi kể với bà rằng cha tôi đã lập lời thề sẽ làm như vậy, và ông đã chết trước khi kịp làm tròn nhưng lời thề đó ông truyền lại cho mẹ tôi, mẹ tôi truyền lại cho tôi trước khi đi sống với họ hàng ở Amman. Tôi vẫn chưa, và tôi không dám nhờ bố làm việc đó. Tôi sợ bố sẽ cười nhạo tôi và nhạo sự mê tín của cha tôi. Tôi nhờ Umm Hassan đọc một câu cầu nguyện trong thánh đường rồi treo dải vải đen lên cây và thắp ngọn nến cho tôi.

Khi trở về, bà đưa cho tôi một cành cam trĩu quả và bảo bà đã vào thánh đường cầu nguyện.

“Cho súc vật vào thì có phải làm ô uế thánh đường không?”

Umm Hassan không hỏi mình câu đó. Bà vào thánh đường ở al-Ghabsiyyeh, giờ nhung nhúc những bò, lùa hết bọn chúng ra ngoài, rửa ráy theo nghi lễ và cầu nguyện. Rồi bà ra ngoài đến chỗ cây táo treo dải lụa đen lên, rồi thắp hai cây nến.

Bà bảo trên cây treo đầy vải.

“Con trai ạ, bác không hiểu nổi. Làng con hoang vu. Đường sá không còn, nhà không bị đập nhưng cũng đổ sụp, gần như điêu tàn. Bác không hiểu sao nhà cửa bị người ta bỏ rơi lại thành như thế. Nhà cửa bị bỏ rơi cũng giống như đàn bà bị bỏ rơi, cái nhà gập người lại như thể đang ngã xuống. Trong làng không một dấu vết sự sống, chỉ trừ những dải vải buộc quanh cành cây táo và nến đã chảy đặt khắp xung quanh kéo dài đến tận thánh đường.”

Umm Hassan nói bà rất sợ cây ấy vì người ta kể cho bà về chú tôi, Sheikh Aziz Yunes, rằng người ta bắt gặp chú chết dưới gốc cây ấy. Nhưng khi đến gần, cảm giác trong lòng bà là kính ngưỡng, bà đã quỳ gối mà khóc và thắp nến lên.

Bà nói bà nghe giữa lá cành xào xạc linh hồn người chết. “Linh hồn người chết sống trong cây,” bà nói. “Chúng ta phải về rung cành cây để linh hồn rơi xuống và được bình yên trong mộ.”

Tôi định dứt một quả cam trên cành để nếm vị Palestine, nhưng Umm Hassan đã hét: “Không được ! Cam này không phải để ăn, đây là Palestine.” Hổ thẹn, tôi treo cành cam lên tường phòng khách nhà mình, rồi tới khi bố qua chơi nhìn thấy cành cây đã mốc hết cả, bố hét: “Mùi gì kinh thế?” Và tôi kể lại chuyện khiến bố đùng đùng nổi giận.

“Cậu đáng lẽ phải ăn hết cam đi chứ!” bố quở.

“Nhưng Umm Hassan không cho, bà bảo tôi đấy là cam quê hương.”

“Umm Hassan già lẫn hết rồi,” bố đáp. “Cậu phải ăn cam, vì quê hương là thứ ta phải ăn vào mình chứ không phải để nó ăn ta. Ta phải ăn hết những trái cam Palestine, ta phải ăn hết Palestine, Galilee.”

Lúc đó tôi nhận ra rằng bố nói đúng, nhưng cam đã ủng đi rồi. Bố đi lại tường giật cành cây xuống, tôi đỡ lấy từ tay bố, lúng túng đứng đó, không biết dùng món của lễ đã hỏng này làm gì.

“Cậu định làm gì với nó?” bố hỏi.

“Đem chôn.”

“Sao lại chôn?”

“Tôi không vứt nó đi đâu, đây là quà quê hương mà.”

Bố cầm lấy cành cam trên tay tôi vứt vào sọt rác.

“Vớ vẩn!” bố nói. “Mấy trò mê tín các bà này là cái gì? So với treo một mẩu quê hương lên tường thì tốt hơn hết là đập vỡ tường rồi đi chỗ khác. Chúng ta phải ăn cho bằng sạch cam trên đời này mà vẫn không sợ hãi, vì quê hương không phải là mấy trái cam. Quê hương là chúng ta.”

 

Umm Hassan đang đợi. Bố không đi với tôi ư? Tôi đang vội đây, nên tôi không kể cho bố bà đã làm gì ở al-Kweikat đâu.

Đứng lên đi, ông bạn. Bố thật không thể chịu nổi. Bà già chết rồi, mọi người đến nhà bà cả rồi. Tôi còn nghe tiếng họ khóc bên kia tường bệnh viện, mà bố lại chả nghe gì cả.

Bố không đi à? Được rồi, tôi đi một mình vậy. Nhưng bố nói xem, sao trông bố lại thế này – như một đứa bé con quấn trong tã trắng? Ba tháng rồi tôi nhìn bố từ từ nhỏ lại. Trời ạ, bố mà nhìn thấy mình trước khi bố chết thì. Tệ làm sao bố lại không biết có chuyện gì xảy ra, tệ làm sao bố không được thấy người ta không chết mà trở lại như khi mình bắt đầu. Tôi từng nghĩ các nhà thơ bảo người ta sẽ trở về bụng mẹ là nói phét. Nhưng giờ thì tôi thề là đúng vậy: người ta trở thành một đứa sơ sinh trước khi chết. Chỉ có trẻ sơ sinh mới chết, mọi cái chết đều là cái chết của trẻ sơ sinh – những trẻ sơ sinh kiếm tìm bụng mẹ, nằm cuộn mình như bào thai. Và bố ở đây, đang lộn về lại thành trẻ sơ sinh, cuộn người, mù dở. Bố mà nhìn thấy bố thì.

Tôi không nghe rõ. Bố lầm bầm làm gì thế? Bố đưa tay trái làm gì? Bố muốn tôi kể bố nghe về Nahilah à? Bố đã biết chuyện đó rồi, tôi không kể lại nữa đâu. Bố nghĩ mình là người hùng trong truyện tình ái à? Sao bố đã lại quên những vai anh hùng khác của bố rồi vậy? Hay là cũng chẳng anh hùng lắm. Bố từng bảo, “Ai cũng nghĩ các chiến sĩ là anh hùng, nhưng không phải vậy đâu. Người ta đánh nhau tự nhiên như thở hay ăn hay đi nhà xí vậy thôi. Chiến tranh chẳng có gì đặc biệt. Muốn làm chiến sĩ thì chỉ cần chiến đấu. Anh hùng là một chuyện khác hẳn, trên đời không có tính anh hùng, mà dũng cảm cũng chẳng phải điều gì đặc biệt. Người can đảm có thể biến thành thằng hèn, thằng hèn cũng có thể biến thành can đảm. Quan trọng chỉ là…” Đến đó bố không nói nữa.

Tôi không hỏi quan trọng chỉ là gì. Tôi biết bố sẽ trả lời thế nào, tôi không muốn nghe lại nữa. Và giờ bố lại muốn tôi kể chuyện cho bố ư? Không, tôi không kể chuyện đâu, hôm nay thì không. Hôm nay tôi bận lắm. Thương tôi chút đi; đứng dậy đi, thả tôi ra đi, xin hãy thả tôi ra. Tôi mệt và chán rồi.

Tôi chán mọi thứ rồi. Tôi chán căn bệnh của bố và vẻ u sầu của bố, tôi chán cái mặt tròn như trẻ thơ lơ lửng trên cổ bố, tôi chán cầu nguyện cho bố rồi.

Bố có biết tôi cầu nguyện không nhỉ?

Bà tôi thường nói cầu nguyện có nghĩa là đặt xuống từng từ như trải thảm trên sàn. Tôi đặt từng từ xuống đất để bố đi trên đó.

Sao bố không dậy?

Nguyễn An Lý dịch

Tranh: Rừng ô liu của Salam Kanaan.

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

không biết viết ngắn