Thời gian đọc: 15 phút

Phỏng vấn nhà phê bình văn học Ruth Franklin

Đây là bài thứ hai trong chuỗi bài phỏng vấn về nghệ thuật phê bình. Các bài khác sẽ sớm được giới thiệu tiếp.

 

Ruth Franklin được công nhận là một trong những nhà phê bình dưới 40 tuổi có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất của Mỹ. Cô là tác giả của cuốn Một Ngàn Sự Ám Muội: Dối Trá và Sự Thật Trong Tiểu Thuyết Holocaust (A Thousand Darknesses: Lies and Truth in Holocaust Fiction (NXB Oxford)). Cô cũng đang trong quá trình ấp ủ một dự án tiểu sử về nhà văn Shirley Jackson. Franklin đã từng là cộng tác viên thường niên ở mảng bình luận phim ảnh cho rất nhiều tờ báo khác nhau, trong đó có New Republic, New Yorker, New York Review of Books, và Granta. Cô được trao giải Roger Shattuck cho mảng lý luận phê bình của mình vào năm 2012.

Riêng với tờ Prospect, Franklin đã viết về tiểu thuyết đa nghĩa khó nắm bắt của JM Coetzee, về sự phục hưng của các truyện ngắn Mỹ, về sự phát triển của dòng văn chương “hậu dân tộc” (hoặc “vô dân tộc”), và luận bàn trong số báo gần đây nhất về Margaret Atwood cũng như niềm khoái cảm nảy sinh từ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Tôi trò chuyện với Franklin từ hồi đầu tháng về phê bình cay nghiệt, về khoảng cách giới cố hữu trong phê bình văn chương và cả về cuộc gặp gỡ đầu tiên lạ lùng giữa cô và James Wood.

 

 

Có một định kiến phổ biến rằng nhà phê bình văn học chỉ toàn là những nhà văn thất bại và gay gắt vì sự phá sản văn chương của chính mình. Nhưng chính bài diễn từ năm ngoái của cô lại nhấn mạnh việc cô luôn muốn trở thành một nhà phê bình. Vì sao lại như vậy?

Sách vở đã trở thành một phần quan trọng của cuộc đời tôi từ hồi còn rất sớm. Tôi nghĩ là tôi có chút phóng trong bài diễn văn đó – không phải như thể tôi đã lớn lên với mục Phê Bình Sách trên New York Times đâu – mà giả dụ lúc nhỏ tôi mà biết đến một ngành nghề có thể kiếm tiền được chỉ thông qua việc đọc sách suốt ngày thì chắc tôi sẽ nghĩ ngay đến một miền thiên đường cực lạc nào đó rồi.

Tôi được biết là cô đã từng học cao học, vậy thì mục tiêu ban đầu của cô có phải là theo đuổi ước mơ được trả tiền làm học thuật để đọc sách?

Thực ra tôi chả có kế hoạch gì cụ thể. Tôi từng nhảy qua nhảy lại cả hai mảng học thuật và báo chí trong một khoảng thời gian, rồi lúc sống ở Ba Lan tôi quyết định đi học cao học, hồi đó tôi làm trợ lý nghiên cứu cho New York Times chi nhánh ở thủ đô Warsaw.

Không biết cô có từng bị việc theo đuổi nghề báo chí thuần túy hơn cám dỗ chăng?

Tất nhiên rồi. Tôi từng là tổng biên tập cho một tờ báo ở trường đại học và thật sự lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng đây là con đường duy nhất mà mình muốn theo đuổi.

Vậy điều gì đã khiến cô rẽ hướng chuyển mình từ báo chí truyền thống sang địa hạt văn chương?

Tôi nghĩ phần nhiều là do sự khủng hoảng khi phải đối mặt thường xuyên với một thế giới chỉ toàn là những sự thật trần trụi. Đời sống tinh thần, không nói kiểu phô trương đâu, luôn luôn mật thiết đối với tôi và tôi vẫn muốn có một cuộc sống mà mình có thể tự do vẫy vùng làm những điều mình muốn theo đuổi. Cuộc sống của phóng viên thường trực ở nước ngoài dường chừng cũng khá thú vị và hào hứng ở rất nhiều khía cạnh, nhưng mà từ tận sâu bên trong tôi biết mình thuộc típ người sẽ thích ở nhà và đọc sách hơn cả.

Vậy cô thấy học thuật kinh viện như thế nào?

Chỉ sau vài năm thôi là tôi nhận ra rõ ràng là con đường học thuật không phải là dành cho tôi. Cũng một phần là vì tôi chưa có chuẩn bị gì đầy đủ. Tôi bước chân vào giảng đường cao học mà không có được sự chú trọng thật sắc vào một đề tài cụ thể, là thứ cần thiết để tiến xa hơn. Mọi người thường hay hỏi tôi có phải quyển sách đầu tay của tôi có bắt nguồn và phát triển từ luận văn cao học hay không, và không may là câu trả lời luôn là “không phải.” Nếu mà tôi biết tôi đã có nhiều ý tưởng nhiều như thế nào để viết khi còn là sinh viên cao học thì có lẽ tôi đã không bỏ ngang xương.

Rồi một ngày tôi chợt ngộ ra có thể đọc sách một cách nghiêm túc mà không nhất thiết phải thuộc giới kinh viện. Đó chính là cái ngày mà tôi quyết định dứt áo ra đi. Tôi nhớ đến những lần vào thư viện mà chỉ mượn chục cuốn sách mà tôi hằng ao ước để đọc, nhưng lại không nằm trong danh sách đọc yêu cầu ở bất kì lớp nào mà tôi đang theo học.

Nhưng mà khi cô chuyển sang viết cho một lượng lớn độc giả chung chung, liệu nền tảng hàn lâm khi đó có hữu dụng?

Rất hữu dụng là đằng khác. Thật sự là tôi không thể mường tượng đến việc trở thành nhà phê bình mà không có phần nền tảng học thuật đó. Tất cả những bài viết đầu tiên tôi đóng góp cho New Republic cũng toàn xuất phát trực tiếp từ cao học của tôi cả. Bài đầu tiên nhất tôi viết cho tờ báo là bài phê bình về bản dịch tác phẩm của Ingeborg Bachman, người mà tôi phát hiện ra khi còn học cao học và sau đó trở thành một trong những tượng đài văn chương nữ của tôi. Thật sự là đặc biệt khi dùng tri thức được tích lũy trong một môi trường có vẻ như rất không thực tế mà áp dụng vào thế giới thật và thậm chí còn được trả lương nữa.

Cô từng có một câu chuyện rất thú vị về việc va chạm với tờ New Republic ngay cả trước khi viết bài cho họ…

Năm đầu tiên học cao học ở Harvard, tôi tham gia một buổi hội thảo về cái “dơ dáy”. Tôi trình bày một bài, cũng là bài đầu tiên của tôi ở một hội thảo, xoay quanh về các hình ảnh thị giác dơ dáy được đăng trên các tạp chí phụ nữ và việc những thứ như vậy sẽ góp phần khiến phụ nữ cảm nhận tiêu cực về thân thể của họ như thế nào. Tôi không nhớ chính xác đã nói những gì, và tôi biết chắc những điều tôi nói không phải là phát kiến quá đặc biệt trong thời buổi học thuật hết sức năng động lúc bấy giờ. Marjorie Garber và Barbara Johnson, những người “mẹ đẻ” đầu tiên của chương trình lý thuyết ở Harvard, cũng là những người xây dựng khung tiêu chí đánh giá, đều là những nhân vật rất thú vị để được học cùng. Cũng vì thế mà việc tham dự buổi hội thảo đó là một kinh nghiệm tuyệt vời.

Vì thế nên bài tường thuật của James Wood mang tên “Bưu thiếp Cambridge” (Cambridge Postcard) đăng trên New Republic về buổi hội thảo làm tôi mất nhuệ khí ít nhiều. Rõ ràng anh ấy phục kích ở đó cả cuối tuần, tôi không nghĩ là có một ai chú ý đến sự hiện diện của anh ấy và anh ấy đã viết một bài chỉ trích thô bạo. Thật là nản lòng khi thấy người ngoài này bóp méo những gì chúng tôi đang làm theo kiểu mỉa mai. Có rất nhiều phụ nữ hiện diện ở buổi hội thảo, và cái cách mà anh ấy miêu tả họ theo kiểu cười “rúc rích và quằn quại” chẳng khác nào một kẻ trọng nam khinh nữ.

Thực tế anh ấy còn dùng một câu trích từ bài viết của tôi trong bài “Biểu tượng học của băng vệ sinh,” mà không thèm biết ơn nhắc đến tên tôi. Nhưng tôi nhận ra ngay. Hẳn nhiên nhìn thấy chuyện đó được in trên báo thật quá khủng khiếp. Nhưng tôi nghĩ lẽ ra nên nhẹ nhàng chút đối với những sinh viên chân ướt chân ráo bắt đầu tham gia vào học thuật.

Rồi cũng bẵng đi mấy năm sau đó, tôi bắt đầu công việc ở New Republic. Tôi vừa đến buổi họp ban biên tập thì nhận ra ngay James Wood ở đó. Thử tưởng tượng xem tôi đã ngạc nhiên như thế nào khi biết được anh ấy là một người cực kỳ tử tế và ăn nói cực kỳ nhẹ nhàng. Tôi không thể tin được là cái người từng viết cái bài bần tiện và xấu xa đến thế lại cùng là cái ông James Wood sâu sắc và tốt bụng như này. Chúng tôi thành bạn bè, rồi đến một ngày bọn tôi đi ăn trưa và anh ấy khuyên tôi nên bắt đầu “viết cho bìa sau của cuốn sách.” Và tôi nghĩ đó chính là lúc thích hợp để trải ra hết nỗi bực tức ghìm nén trong lòng bấy lâu nay.

Rồi anh ấy phản ứng sao?

James cực kỳ hối tiếc. Một thời gian sau đó anh ấy cứ quà cáp tôi dồn dập, và tất nhiên, mọi sự đều đã được bỏ qua.

Bằng cách nào mà cô từ một người được trích dẫn không lấy gì làm hay ho trên New Republic cho đến lúc được làm việc ở chính tờ báo đó?

Khi rời khỏi giảng đường cao học, tôi nghĩ là tôi rất muốn làm xuất bản. Thậm chí tôi còn có ước vọng mở một nhà xuất bản riêng như Nan Talese. Nhưng tôi phải trải qua một khoảng thời gian khá vất vả để tìm được một công việc như ý. Tôi mất một năm đau khổ làm việc xuất bản sách giáo khoa đại học nhưng may mắn thay, nhờ một mối quan hệ mà tôi biết được New Republic đang tuyển trợ lý cho biên tập viên quản lý và rồi tôi cuối cùng cũng được làm ở đó.

Cô đã viết rất nhiều tiểu luận và phê bình cho New Republic. Bài của cô đa phần có mở đoạn rất dài chỉ dành cho việc tra vấn một ý tưởng có khắp trong bài. Cô tiếp cận đoạn mở đầu của các bài dài như thế nào?

Khi viết về một tác phẩm với độ dài như vậy, cỡ 3000-5000 chữ, thì ta thường không thể khai mào bằng việc nhảy thẳng vào ngay cuốn sách được. Tôi nghĩ người phê bình đưa ra văn cảnh lý thuyết ở ngay đầu bài là thật sự cần thiết để người đọc được chuẩn bị tinh thần cho những câu hỏi mà ta sẽ đưa ra trong bài.

Tôi nhớ lúc còn là ma mới của toà soạn, tôi đã đọc một bài dài hơi có vẻ như là phê bình ấn bản mới tác phẩm của Coleridge. Sự thật là bài phê bình đó còn không nhắc tới quyển sách được phê bình ở bất kì chỗ nào. Tôi hỏi James tại sao quyển sách đó còn không xuất hiện. Anh ấy bảo chà thực ra bài ấy không hẳn viết về quyển sách. Tôi lúc đó thấy thực sự bối rối, như kiểu làm sao chúng ta có thể viết điểm sách mà không hẳn nhằm vào quyển sách chúng ta đang phê bình? Và tất nhiên cũng có nhiều người nhận xét rằng đó chính xác là vấn đề khi phê bình sách của những tạp chí như New RepublicNew York Review. Nhưng đơn giản đấy chỉ là phương pháp phê bình khác mà thôi. Nó không nhằm vào việc khuyên người đọc nên mua sách nào mà khuyên người đọc nên suy nghĩ như thế nào về sách. Đây là giáo dục độc giả.

Vậy thì cô tiếp cận bài cho New Yorker có khác đi hay không?

New Yorker thường có ý niệm cụ thể hơn về việc họ muốn bài phê bình sách đạt được mục đích nào, trong khi New Republic chỉ cần ta đặt ra hàng loạt các câu hỏi và tiến tới một quan điểm cuối cùng, thì tôi nghĩ có thể an toàn mà nói rằng những bài viết đó viết thế nào cũng được. New Yorker là một tờ báo được lưu hành rộng rãi phổ biến, vì vậy điều mật thiết là cần phải cung cấp cái nhìn tổng quan giải thích vì sao người viết này lại quan trọng, tại sao người ta lại bỏ thời gian bận rộn trong ngày của mình để đọc một bài viết 3000 chữ về tác giả này.

Mở đầu bài phê bình (rất tích cực) của cô dành cho quyển Black Swan Green của David Mitchell là phần luận giải những khó khăn khi giải thích tại sao mình thích một thứ, trong khi đối lập lại là việc viết về một quyển sách dở thì sẽ dễ như thế nào. Tại sao lại như vậy?

Tôi thật sự nghĩ rằng chúng ta sẽ cảm thấy khó khăn hơn trong việc giải thích tại sao chúng ta yêu một thứ gì đó so với việc tại sao chúng ta ghét nó. Điều này không chỉ đúng với sách vở, mà còn là với nhiều thứ ở đời. Tôi nghĩ nhiều khi một nhà phê bình viết bài chê dở thì nguồn cơn như kiểu người yêu bị thất vọng vậy, vì ta tiếp cận bất kỳ cuốn sách nào đều mong sẽ phải lòng nó. Nếu quyển sách thất bại trong việc hấp dẫn ta, ta sẽ có cảm giác người viết đã không làm được như đã hứa.

Nhưng quan trọng hơn cả, tôi nghĩ nhà phê bình có nghĩa vụ phải thành thật khi viết. Tôi suốt ngày gặp phải người viết phê bình – thường là tiểu thuyết gia hay các cây viết khác – từ chối hạ bút đặt những dòng bình luận tiêu cực. Họ không thấy việc chọn những cuốn sách ra mà phê phán có giá trị gì cả; họ thích cổ vũ những cuốn sách làm họ thích thú hơn. Điều đó bình thường thôi cho đến một hạn định nào đó, nhưng khi ta va phải một nhà văn được đánh giá quá cao, và tác phẩm của họ được ca tụng vì những lý do cho thấy người ta đã không còn hiểu được chuyện gì là quan trọng trong văn chương, thì tôi nghĩ việc lùi lại mà nói toẹt ra điều đó là rất quan trọng. Chúng ta không chỉ nhìn sách như văn vật được xuất bản vào năm 2013. Hi vọng rằng một quyển sách hay sẽ luôn giữ cái giá trị tầm nguyên ấy cho người đọc, dù là 10, 20, hay 50 năm đi nữa. Tiểu thuyết rất hay được tán dương ngoài văn cảnh – khi bạn đọc một cuốn sách và bạn có trải nghiệm thú vị thì bạn sẽ tự động nghĩ ngay “ồ cuốn này hay ghê.” Nhưng thực ra điều đó không tạo nên tính tuyệt tác cho tiểu thuyết. Nói một cách sến sẩm thì thước đo hay dở của một tiểu thuyết là nó đặt ra những câu hỏi giá trị chịu được sự thử thách của thời gian.

Vậy thì cuốn Tự Do (Freedom) của Jonathan Franzen, cái quyển mà cô đã phê phán rất gay gắt ấy, có phải là một tác phẩm mà cô nghĩ là nên lùi ra xa mà đánh giá không?

Tất nhiên rồi. Tôi thường nhớ về tiểu luận “Lời bênh tiểu thuyết” của Orwell khi ông than phiền rằng tiểu thuyết “đang bị lăng xê cho đến chết” vì lời ngợi khen bị thổi phồng, ông còn viết “đem thước đo đàng hoàng ra đo đám tiểu thuyết cá mè một lứa thì cũng không khác nào bỏ con rận lên bàn cân vốn để cân voi.” Quan điểm của ông là vì tất cả những cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào thời điểm nhất định về cơ bản là những con rận cả, và nhà phê bình bị buộc phải hiệu chỉnh lại nhiệt kế khi đo sự khác biệt giữa con rận này và con rận khác, làm cho sự phân biệt đó không còn là quá quan trọng nữa. Trong khi đó, khi một tác phẩm thực sự lớn xuất hiện, nó làm nhiệt kế dùng để đo rận vỡ tung. Cuốn Tự Do của Franzen có vẻ như là một con rận được đối xử như một con voi. Tôi nói thế không có nghĩa là rận có vấn đề gì cả –  lũ rận thế nào thì nó cũng hoàn toàn ổn thế ấy – nhưng coi quyển sách này là voi tức là chúng ta đang không còn hiểu thế nào là một cuốn tiểu thuyết thật sự lớn cả.

Có những quyển tiểu thuyết thực sự lớn nào đã được xuất bản trong khoảng gần 3 hay 4 năm trở lại đây mà cô nghĩ thật sự đứng vững trước định luật bào mòn của thời gian hay không?

Thật khó nghĩ khi chỉ giới hạn trong 3 hay 4 năm gần đây. Tôi thì đã có cả một danh sách liệt kê những tiểu thuyết hay nhất của thế kỷ 21. Tôi thích những tác phẩm của David Mitchell và tin rằng Bản Đồ Mây (Cloud Atlas) là một cuốn tiểu thuyết thật sự ấn tượng. Một Nửa Mặt Trời Vàng (Half of a Yellow Sun) của Chimamanda Ngozi Adichie tất nhiên cũng nằm trong danh sách đó. Nhìn lại một khoảng xa hơn thì còn có Âm Giới (Underworld) của Don DeLillo – một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất của Mỹ trong vòng 20 năm trở lại đây.

Chuyển sang vấn đề khác, cô đã đang rất thẳng thắn khi nhắc đến sự cân bằng về giới trong văn hóa văn chương, cụ thể hơn là sự chênh lệch giữa số lượng nhà phê bình nam và nữ có bài xuất bản trên các tờ báo và tạp chí hàng đầu. Là một người từng chuyên trách vị trí biên tập viên và cũng là nhà văn tự do, cô đã từng chứng kiến cả hai mặt của vấn đề này. Khi làm ở New Republic cô có thấy đấy là vấn đề không? Hay lúc tự viết lách tự do thì tệ hơn?

Khi làm việc ở New Republic khó mà không nhận ra rằng có ít nhân viên nữ. Tạp chí này từ hồi xưa vốn đã tạo cảm giác rất chi là đàn ông trị. Hẳn nhiên, nó chưa từng có chủ bút là nữ. Nói vậy thôi chứ tôi luôn cảm thấy được khích lệ làm nghề hồi ở đó. Tôi đã từng được giao viết rất nhiều bài quan trọng và thu hút sự chú ý nên tôi ít khi cảm thấy mình bị đối xử không công bằng chỉ vì giới tính của mình.

Tại sao cô lại nghĩ “những ấn phẩm thanh thế” đã thất bại trong việc tuyển chọn thêm nhiều người phê bình là nữ?

Tôi nghĩ vấn đề lớn hơn ở đây đơn giản là không có nhiều phê bình gia là nữ có tiếng tăm trong ngành. Thế thôi. Vấn đề mất cân bằng giới trong ngành xuất bản đã được thiết lập vững chắc từ rất lâu rồi, mặc dù cũng phải thừa nhận rằng tình trạng này không phải lúc nào cũng tồn tại, và hồi đầu thế kỉ 20 tiểu thuyết là thế giới của người nữ. Nhưng trong báo chí và phê bình chính thống thì việc đó đã tồn tại từ rất lâu rồi và thay đổi thì đến chậm vô cùng. Biên tập viên thường có xu hướng ỷ lại vào nhóm cây viết đã có sẵn. Nên rất khó cho bất kỳ nhà văn mới nào, bất kể là nam hay nữ, có thể phá vỡ được nhóm đó.

Cô có nghĩ rằng việc tuyển thêm nhiều chủ bút là nữ thì sẽ cải thiện được tình hình này? Có một số ấn phẩm như London Review of Books đã cân bằng được số lượng nhân viên nam và nữ, nhưng đồng thời họ cũng không có quá nhiều nhà phê bình là nữ.

Tôi nghĩ đó chính xác là giải pháp cho vấn đề nan giải này. Nếu chúng ta chưa thấy được một thế hệ phụ nữ được tin tưởng giao giữ các chức vụ biên tập quan trọng và họ không bị xem là trường hợp dị biệt – LRB là tờ duy nhất trong các tờ này có chủ bút là nữ, trái ngược với New York Review of Books, New Republic, TLS và một cơ số khác – thì hẳn nhiên chúng ta sẽ không bao giờ thấy được những thay đổi trong ngành này. Nhưng cũng thật là diễm phúc khi tôi được chứng kiến những biên tập viên nữ tại các tờ báo lớn như New Republic, New Yorker và tôi mong một ngày nào đó sẽ thấy họ giữ các vị trí biên tập viên hàng đầu.

Cô nghĩ rằng sự mất đối xứng về giới này sẽ làm nghèo nàn cuộc đối thoại văn chương ở những khía cạnh nào?

Tôi nghĩ phụ nữ nhìn chung vẫn đang tìm kiếm một điều gì đó khác với cánh mày râu. Một trong những thứ họ thường tìm kiếm (tất nhiên nhận định này không phải lúc nào cũng đúng tuyệt đối) là tiểu thuyết được viết bởi người nữ. Kathryn Schulz, một nhà phê bình của tạp chí New York, cũng đã bàn luận về vấn đề này. Cô ấy bảo mình có quyền chọn sách để viết phê bình, và khi nhìn lại số lượng sách viết bởi người viết nam và người viết nữ mà cô đã điểm, thì cô thấy rằng những con số đó gần như là tuyệt đối ngang nhau. Nhưng khi cô nhìn số sách của nhà phê bình nam tiền nhiệm, số lượng giữa các sách đã được điểm của nhà văn nam và của nhà văn nữ vẫn cực kỳ chênh lệch.

Đây không phải là nói xấu người tiền nhiệm, chính là nhà phê bình tài hoa Sam Anderson, nhưng tôi nghĩ đây ít nhiều là dấu hiệu của gu thẩm mỹ. Không có cái mong muốn tự thân nào rõ ràng trong việc cố ý loại những tác phẩm viết bởi người nữ trong cuộc đối thoại văn hoá, nhưng sự thiếu hụt đó lại đặt ra những câu hỏi nhức nhối về việc gu của người đọc được hình thành và về cái gì mà họ coi là có giá trị trong văn chương. Thuần theo kinh nghiệm thì đúng là phụ nữ đọc sách viết bởi tác giả của cả hai giới, còn đàn ông chỉ đọc sách được viết bởi đàn ông mà thôi. Cho đến lúc có được sự thay đổi đó, nếu có bao giờ thay đổi được, thì chúng ta vẫn cần các nhà phê bình nữ trong văn chương.

Cô có nghĩ là một nhà phê bình nam có thể bỏ lỡ một số đề tài hay vấn đề nhất định, trong khi nhà phê bình nữ lại dễ nhận thấy không?

Tôi cũng hơi lưỡng lự khi phát ngôn rằng có một cách thức nữ trong phê bình sách. Mỗi nhà phê bình đều sẽ mang đến một hệ thống quan điểm khác nhau. Sẽ có lợi hơn khi chúng ta có độc giả từ nhiều nền tảng khác nhau, và phụ nữ sẽ luôn luôn là yếu tố cần thiết để đa dạng hoá nhóm độc giả đó. Ngoài ra thì còn có cả vấn đề thiếu cân bằng về sắc tộc trong ngành này, nó ít được chú ý hơn nhiều nhưng cũng quan trọng chả kém.

Và đây là câu hỏi cuối cùng: Tôi phân vân không biết cô có thể nêu ra một quyển sách hoặc tiểu luận mà cô cho là quy chuẩn để viết phê bình?

Tôi không có một tiểu luận mẫu nào để luôn trở đi trở lại coi là khuôn mẫu tuân theo khi viết phê bình. Tôi đã nhắc tới “Lời bênh tiểu thuyết” của Orwell vì tôi nghĩ đó là một gáo nước lạnh để các nhà phê bình nhìn ra hiện thực. Mọi thứ trong tiểu luận đó vẫn đúng tính cho đến thời điểm hiện tại.

Còn về các tác phẩm phê bình văn học mẫu mực thì các tác phẩm của Janet Malcolm là thứ khiến tôi quay lại nhiều nhất. Tôi nghĩ rằng đó cũng là một việc khá ngạc nhiên vì bà không phải người phê bình truyền thống. Nhưng tôi thích cái cách bà viết trong quyển về Chekhov, rồi cuốn tiểu sử của Gertrude Stein, hay cả trong cuốn sách ưa thích của tôi mang tên Người Phụ Nữ Trầm Lặng (The Silent Woman) kể về việc viết tiểu sử Sylvia Plath, chính là cái cách bà hoà hợp giữa câu chuyện thế giới thực đằng sau những quyển sách kia được viết ra như thế nào cũng như sự hiểu sâu sắc chính những cuốn sách đó. Đó chính là thứ mà tôi muốn học theo nhất.

David Wolf  thực hiện

Uyên Linh dịch

(Dịch từ bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Prospect, ngày 30 tháng 8 năm 2013)

Chấm sao chút:

Đã có 4 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Uyên Linh
Website | Các bài viết khác

Mầm non của đất nước, đang học tập cật lực từ các tiền bối