Thời gian đọc: 9 phút

Zzz Blog trân trọng giới thiệu với độc giả một xê ri nhỏ mang tên “Hỏi, đáp về Beckett trong 6 ngày”, với sự tham gia của Nguyễn Vũ Hưng, người thực hiện đề tài PhD: “Nhận thức và ngôn ngữ Beckett” ở Đại học Paris 8, hướng dẫn bởi Giáo sư danh dự Bruno Clément.

Ngày i: Có thật Beckett là nhà văn phi lý không?

Ngày ii: Beckett giữa đôi dòng ngôn ngữ

Ngày iii: Godot là ai?

Ngày iv: Các nhà văn và triết gia tiếp nhận Beckett

Ngày v: Beckett và giảng dạy

Ngày cuối: Beckett và nhận thức

 

Trong những ngày trước chúng ta đã nghe Calvino nói về Beckett như là nhà văn viết về cái kết của những câu chuyện và kể cả khi không còn gì để kể nhà văn vẫn tiếp tục kể. Cái kết của những câu chuyện mà Calvino cảm nhận được có thể hiểu theo nghĩa nào? Là cái kết sau những mở màn, biến cố, v.v. hay Beckett viết về cái kết gì khác?

Một nhà văn khác là Banville khi so sánh Beckett với Joyce cho rằng Joyce là xác, Beckett là hồn. Cái gì khiến Banville cảm nhận Beckett là hồn ?

Trong ngày cuối này, để bắt đầu, chúng ta sẽ liên kết hai câu hỏi trên lại với nhau khi tìm hiểu những vấn đề về nhận thức trong văn chương Beckett.

 

Ý của Calvino cho rằng văn chương của Beckett viết về cái kết của những câu chuyện và ý của Banville cho Beckett là hồn, một phần lớn vọng lại khẳng định của các nhà nghiên cứu, những người quan tâm đặc biệt đến Beckett ở chỗ văn chương Beckett trình ra khắp nơi và dày đặc, thông qua các nhân vật, những mô hình nhận thức hư cấu đang hoạt động (fictional neurocognitive models). (Tần suất dày đặc của những mô hình nhận thức đang vận hành này có thể là lý do chính khiến Banville cho rằng Beckett là hồn.) Khai thác những mô hình nhận thức đang hoạt động đó, văn chương Beckett từ bỏ lối viết trình bày (representational) – vốn mô tả thế giới và tạo nghĩa từ những dữ liệu kinh nghiệm như là sản phẩm đã hình thành, được hoàn tất bởi nhận thức – để, trái lại, đưa lên sân khấu hay văn bản cách thức những mô hình nhận thức hư cấu này (thất bại trong) hoạt động và tạo nghĩa. (Thất bại căn bản của nhận thức này có thể đồng nghĩa với cái không thể, cái kết của những câu chuyện, theo lời Calvino.)

 

Từ nhị phân tinh thần/thể xác kiểu Descartes, đến phức hợp nhận thức-thân thể-môi trường: Beckett phê phán phân biệt mối quan hệ trong/ngoài

 

Vào thế kỷ XVII, triết gia Pháp Descartes đã tạo ra một sự phân biệt nhị phân mà bốn thế kỷ sau, đến tận ngày nay, loài người vẫn đang loay hoay chưa thoát được khỏi nó: lưỡng thể thể xác (body hay res extensa) và tinh thần (mind hay res cogitans). Tinh thần được coi như bên trong não bộ còn thể xác là phần bên ngoài.

Những ảnh hưởng của Descartes lên Beckett cũng là dấu ấn không thể vượt qua của những nghiên cứu đầu tiên về nhận thức trong Beckett. Suốt nhiều thập kỷ giới nghiên cứu tạo ra và tin vào một Beckett bị ảnh hưởng bởi model truyền thống nhị phân tinh thần/thể xác của Descartes, vốn coi não bộ như một cỗ máy cô lập, được đóng dấu xác nhận tiêu chuẩn về tạo nghĩa, nhận các thông tin từ bên ngoài và tạo ra các phản ứng. Giả thuyết này càng được khẳng định khi từ sau Thế chiến II, văn chương Beckett tạo ra rất nhiều tác phẩm kể ở ngôi thứ nhất, bỏ lại sau lưng thế giới bên ngoài để đi theo các dòng suy tư của tinh thần. Chỉ gần đây họ bắt đầu nhận thấy Beckett thật ra chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn triết học khác biệt và thực ra có tương đối ít tiếp xúc với triết học của Descartes. Và cho dù ở giai đoạn hậu kỳ, ít nhiều theo xu hướng “less is more” của chủ nghĩa tối giản khiến văn Beckett không còn nhiều chuyện kể (hành động, nhân vật, setting), nhận thức trong những tác phẩm này vẫn luôn tìm kiếm và căn bản là được tạo dựng nên từ những yếu tố ở môi trường bên ngoài. Chẳng hạn Beloborodova luận trong Postcognitivist Beckett[1] rằng, mặc dù nhị phân Descartes vẫn là một model không dễ bị xóa bỏ, giai đoạn hậu kỳ Beckett chứng kiến sự thể nghiệm các model nhận thức khác. Nhận thức trong hư cấu hậu kỳ của Beckett là một thứ nhận thức bên ngoài bộ não, được tạo ra trước hết trên nền tảng tương tác liên tục với storyworlds (các thế giới truyện kể).

Nhị phân thể xác/tinh thần của Descartes tìm thấy tiếng vọng của nó trong những tác phẩm rất sớm của Beckett như Molloy. Tuy nhiên, mặc dù Molloy vẫn bắt đầu với, và phải dựa trên, nhị phân thể xác/tinh thần kiểu Descartes, tác phẩm này cuối cùng trình ra tính chất tương đối của phân biệt nhận thức bên trong/thế giới bên ngoài.

Beckett là một người rất yêu nghệ thuật và những phát biểu của ông về nghệ thuật giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu sau này tìm cách tái hiện lại mỹ học của ông. Beckett đặc biệt tán dương tranh Bram van Velde nơi Beckett thấy “những gì được gọi là bên ngoài với bên trong thật ra là một.” Sự tàn phá nhị phân nhận thức bên trong/thế giới bên ngoài sẽ thấy rõ ở tiểu thuyết L’Innommable, được bắt đầu viết ba tuần sau đó.

Như vậy, nếu như giả thuyết “inward turn” [2], cho rằng văn chương hiện đại có thể được xem như cú chuyển vào bên trong, lúc đầu khiến các nhà nghiên cứu hứng khởi quan tâm tới Beckett, cuối cùng, lại bị những nhà nghiên cứu đương đại về Beckett phần lớn phủ nhận, vì đối với Beckett nhận thức không nằm bên trong, trong thế đối lập với thế giới bên ngoài, mà tồn tại dựa trên những tương tác phức hợp nhận thức-thân thể-môi trường.

Trong Film – một tác phẩm quan trọng của Beckett vì thuần túy bàn về thị giác -, chủ thể quan sát trở thành đối tượng quan sát. Từ nhận định hoàn toàn nhị phân của Berkeley “esse est percipi” mà Beckett đặt làm dictum nổi tiếng cho tác phẩm, Film mang lại một ánh sáng hoàn toàn khác cho ý nghĩa của nhận định của Berkeley: thông qua Film, quan sát chính là bị quan sát. Bản thể do đó không thể tồn tại độc lập bên ngoài thế giới. Film của Beckett làm sụp đổ hệ thống nhị phân, hay nói chính xác hơn là chứng kiến hai nửa nhị phân sụp đổ vào nhau.

Cách nhìn một loạt những tác phẩm khác viết cho radio, chẳng hạn, cũng thay đổi. Trong khi thế hệ nhà nghiên cứu đầu tiên như Esslin và Zilliacus coi lựa chọn medium này của Beckett là để ưu tiên âm thanh và tách rời giọng nói – như là hiện diện của tinh thần – ra khỏi thân thể, vì radio là medium phi-không gian và phi-thân thể. Góc nhìn này bỏ lỡ yếu tố âm thanh từ môi trường, yếu tố hiện tượng học về âm thanh và nghe, yếu tố thị giác và tương tác, những yếu tố sẽ cho phép kết luận các tác phẩm viết cho radio của Beckett là để đi ngược lại truyền thống coi radio như là “speech-based medium” (medium dựa trên giọng nói), và mức độ tối quan trọng của thế giới bên ngoài lên nhận thức.

Tương tự, trong Ceiling, như Dirk van Hulle[3] lập luận, ý thức không được mô tả hay trình bày, mà được “enacted” nhờ vào văn bản. Trong Ceiling, “quá trình hồi phục chậm chạp của ý thức” được thực hiện khi một người đàn ông nằm trong giường, mở mắt. Thứ đầu tiên anh ta thấy là trần nhà màu trắng. Ý thức trở lại dần dần nhờ neo đậu vào cái trần nhà mà anh ta thấy, cùng với màu trắng như là quy chiếu trong toàn bộ văn bản. Điều này chứng minh giả thuyết nhận thức hư cấu trong Beckett là nhận thức tồn tại nhờ vào môi trường bên ngoài.

Thất bại của nhận thức

Một lý do khác Beckett tán dương Bram van Velde là vì tranh Bram van Velde “vẽ cái ngăn cản việc vẽ”. Văn chương Beckett viết về cái ngăn cản sự viết, hay chính xác hơn, là ngăn cản suy nghĩ. Các mô hình nhận thức hư cấu của Beckett có thể được xem như một “performance” của thất bại trong nhận thức.

Từ sớm trong tiểu luận về Joyce, Beckett đã nhấn mạnh sự không thể tách biệt giữa hình thức và nội dung “nội dung là hình thức, hình thức là nội dung”, và lý giải “văn chương Joyce không phải là về một thứ gì đó, nó là chính thứ đó.” Nhiều năm sau mối quan tâm của Beckett dành cho các khả năng của hình thức vẫn không thay đổi. Trong bài phỏng vấn với Brater, Beckett nói về mối căng thẳng trong nghệ thuật giữa hình thức và sự hỗn độn, làm sao hình thức có thể ứng đáp sự hỗn độn đó. Beckett không tin tưởng vào những phương tiện hình thức có thế hiểu thực tế, có thể lập trật tự cho những hành vi hỗn độn (hoàn toàn ngược lại với tình yêu Beckett dành cho các môn khoa học chính xác). Ngẫu nhiên và trật tự được phản ánh trong mối căng thẳng giữa bản chất hỗn độn của thực tế và những đặc tính hình thức của tác phẩm văn chương Beckett.[4]

Từ một góc độ khác và mục đích khác, Ionica phân tích mối quan hệ nhận thức giữa văn bản Beckett và người đọc, nhưng có cùng nhận xét về sự chồng lấn và mâu thuẫn nhận thức. Dựa trên tự sự học nhận thức (cognitive narratology), Ionica[5] cho rằng văn bản hậu kỳ của Beckett, so với giai đoạn sáng tác đầu tiên, không còn là văn bản của câu chuyện (story/ “what” /the matter) mà là văn bản của diễn ngôn kể chuyện (discourse/ “how” /the manner)[6]. Việc Beckett thay đổi các quy chuẩn kể chuyện (bắt nguồn từ việc nhìn nhận một số phương cách kể truyền thống vô hồn) sẽ khiến nhận thức người đọc phải nhân rộng và làm giàu các frames/scripts/schemata. Do bắt buộc người đọc/người xem phải liên tục đánh giá lại và lồng ghép đa dạng các khung tham chiếu và quan sát mà họ tạo ra trong nhận thức (mental processes) và thể nghiệm chúng, nên văn bản của Beckett đem lại cảm giác như nó là văn bản dựa trên nghịch lý (paradox-based discursive operations). Văn bản trở thành văn bản hành động theo nghĩa nó tạo ra những hiệu ứng xúc cảm mà nó gợi ý sẵn trong cấu trúc tự sự. Từ điểm nhìn này, Trong khi chờ đợi Godot có thể được đọc như một sân khấu của các mối quan hệ và cơ chế loại trừ và áp chế. Dù không thể hiện dưới dạng representational (trình bày) nhưng văn bản của Beckett là không gian của practice (thực hành), tạo ra cảm nhận các hệ quả của áp chế trong nhận thức người đọc. Nhờ khả năng phản chiếu (mirroring) với môi trường của nhận thức, văn bản Beckett đưa nhận thức người đọc tới chỗ từ chối đơn giản hóa một sự kiện và bị điều khiển.

 

Nếu bạn tò mò:

  1. Ngoài văn xuôi, kịch, radio, bạn còn biết Beckett sáng tác cho medium nào khác không ?
  2. Khoa học nhận thức giúp đọc Beckett từ góc độ lý thuyết của ngành khoa học này. Từ góc độ văn chương, bạn có thấy một điều gì về nhận thức mà những phân tích trên bỏ lỡ, hoặc nếu có thể, có điểm gì trong văn bản Beckett có thể bổ sung hoặc mở ra các bàn thảo mở rộng về các lý thuyết khoa học nhận thức trên ?

 

Nếu bạn vẫn còn tò mò :

Beloborodova, Olga, Postcognitivist Beckett, Cambridge University Press, 2020

Ionica, Cristina. The Affects, Cognition, and Politics of Samuel Beckett’s Postwar Drama and Fiction. Revolutionary and Evolutionary Paradoxes, Palgrave MacMillan, 2020

Bernini, Marco. “Narrative and Cognitive Modelling: Insights from Beckett Exploring Mind’s Complexity”, trong Richard Walsh & Susan Stepney, Narrating Complexity, Cham: Springer International Publishing, 2018

Nguyễn Vũ Hưng

[1] Beloborodova, Olga, Postcognitivist Beckett, Cambridge University Press, 2020.

[2] Bắt đầu từ Herman, David (ed.), The Emergence of Mind: Representations of Consciousness in Narrative Discourse in English, Lincoln: U of Nebraska P, 2011, Herman đặt lại vấn đề về việc xem văn chương hiện đại như “inward turn” (chuyển động vào trong) và “prob[ing of] psychological depths” (khai phá những độ sâu tâm lý). Herman luận rằng văn chương hiện đại, trái lại, minh chứng cho tinh thần (mind) trong môi trường (context) nhằm đến các hành động và tương tác. Tinh thần không hề nằm “bên trong” (interior space), ngược lại nó được tạo ra nhờ một sự phụ thuộc vào xã hội và môi trường vật chất trong đó nó tìm cách chuyển động.

[3] Van Hulle, Dirk. “The Extended Mind and Multiple Drafts: Beckett’s Models of the Mind and the Postcognitivist Paradigm”. Samuel Beckett Today / Aujourd’hui 24, no 1 , 2012, tr. 277‑90.

[4] Bernini, Marco. “Narrative and Cognitive Modelling: Insights from Beckett Exploring Mind’s Complexity”, trong Richard Walsh & Susan Stepney, Narrating Complexity, Cham: Springer International Publishing, 2018, tr. 233‑51.

[5] Ionica, Cristina. The Affects, Cognition, and Politics of Samuel Beckett’s Postwar Drama and Fiction. Revolutionary and Evolutionary Paradoxes, Palgrave MacMillan, 2020.

[6] Về sự phân biệt giữa “story” và “discourse” trong tự sự học truyền thống, xem Seymour Chatman, Story and Discourse: Narrative Structure in Fiction and Film, Cornell University Press, 1978.

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3