Hỏi, đáp về Beckett trong 6 ngày – Ngày iv: Các nhà văn và triết gia tiếp nhận Beckett
“công thức mà tôi [Banville] cho là đúng, khi tôi ghi chú rằng Joyce là xác, Beckett là hồn.”

“công thức mà tôi [Banville] cho là đúng, khi tôi ghi chú rằng Joyce là xác, Beckett là hồn.”
Zzz Blog trân trọng giới thiệu với độc giả một xê ri nhỏ mang tên “Hỏi, đáp về Beckett trong 6 ngày”, với sự tham gia của Nguyễn Vũ Hưng, người thực hiện đề tài PhD: “Nhận thức và ngôn ngữ Beckett” ở Đại học Paris 8, hướng dẫn bởi Giáo sư danh dự Bruno Clément.
Ngày i: Có thật Beckett là nhà văn phi lý không?
Q: Những nhà văn, triết gia nào chịu ảnh hưởng của Beckett?
A: Vốn phổ biến toàn cầu, Samuel Beckett đã truyền cảm hứng cho, hoặc làm tốn bao nhiêu giấy mực bình chú của những nhà văn và triết gia quan trọng nhất thời đại chúng ta. Có thể kể đến John Banville, Philippe Sollers, Harold Pinter, Gilles Deleuze, Julia Kristeva, Hélène Cixous, Alain Robbe-Grillet, Georges Bataille, Alain Badiou, Maurice Nadeau, Italo Calvino, Oe Kenzaburo, Adorno, O’Brien, Colm Tóibín, J.M. Coetzee, Salman Rushdie, Paul Auster… Danh sách còn dài.
Dưới đây điểm qua một vài nhà văn-người đọc Beckett.
Từ một góc nhìn nào đó có thể coi Trong khi chờ đợi Godot đưa lên sân khấu sự thất bại của hành động có mục đích. Khi rút ngắn vở kịch xuống công thức như vậy, chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi như Coetzee trong tiểu luận Tám cách nhìn Samuel Beckett[1]. Coetzee đọc được trong Beckett câu hỏi lãng mạn về trí thông minh của con người đối diện với thế giới. Coetzee, trong phần IV của tiểu luận này, truy vấn liệu cuộc sống của chúng ta có thể được giải quyết nhờ vào trí năng hay không, hay cuộc sống của chúng ta chỉ là tập hợp những gì xảy đến với chúng ta. Coetzee giả thuyết các nhân vật của Beckett đều bị kẹt trong tình thế bất lực, không thể di chuyển, hay thậm chí tật nguyền, thiếu tay chân, bị nhốt trong lọ v.v. thể hiện sự thất bại của trí năng, vốn kiêu ngạo tin rằng công cụ duy nhất có thể giải quyết đời sống là trí năng. Và ngay cả khi sự thất bại của trí năng là rõ ràng như trong các tình thế trên, con người vẫn phải tiếp tục. Coetzee lặp lại Beckett: Không thể tiếp tục. Vẫn tiếp tục. Thử lần nữa. Thất bại lần nữa.
Coetzee trong khi so sánh Beckett với Melville cho rằng với Melville, Ahab – kẻ quyết chí đi săn cá voi Moby Dick – là một nhân vật bi kịch điên rồ và vĩ đại kiểu Macbeth, trong khi, với Beckett, nhân vật của ông là gương mặt tiêu biểu của hài kịch, hay ít nhất là hài kịch duy trí thức, duy lí trí.
Banville đặt Beckett và Joyce vào vị thế đối lập : “Đối với những nhà văn thế hệ của tôi, […], có hai con đường để đi, con đường Joyce và con đường Beckett. Tôi cực kỳ ngưỡng mộ Joyce, nhưng Beckett mới là nghệ sĩ có các tác phẩm tôi yêu mến, và là nghệ sĩ mà tôi cảm thấy chia sẻ được nhiều nhất.”[2] Trong một buổi thảo luận khác tại Cambridge, khi so sánh thế giới của Joyce và Beckett, Banville trình bày cảm nhận bằng một “công thức mà tôi [Banville] cho là đúng, khi tôi ghi chú rằng Joyce là xác, Beckett là hồn.”[3]
Năm 1967, trong một bài tiểu luận[4], Calvino nhận thấy Beckett không chỉ bàn về thảm hoạ mà còn về khía cạnh hài hước của thảm hoạ, tức là, vào thời điểm ấy, Calvino vẫn còn bị bó hẹp trong cách đọc nhắm đến diễn giải hiện sinh và đời sống con người trong thế giới thực tại. Đến 1985, Calvino ghi chú về Beckett “Có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử có một nhà văn kể về cái kết của mọi câu chuyện. Nhưng […] dẫu chẳng còn gì để kể, nhà văn vẫn tiếp tục kể.”[5] Trong ghi chú này của Calvino, bản chất của văn chương và chính sự tồn tại của văn chương trở thành chủ đề trong văn chương Beckett.
Oe Kenzaburo thậm chí có lẽ còn chịu ảnh hưởng lớn hơn bởi cách đọc này. Oe Kenzaburo kể rằng trong khi hoàn tất bộ ba tiểu thuyết của mình với cuốn Sayonara, Watashi no Hon yo! đã đọc bộ ba tiểu thuyết của Beckett để tìm kiếm khả năng sống sót của thể loại tiểu thuyết và thậm chí nói rằng bộ ba của mình “tương đương với bộ ba của Beckett ”[6]. Về mặt xây dựng nhân vật, Oe cũng thừa nhận xây dựng nhân vật chính và người bạn trong cuốn Sayonara, Watashi no Hon yo! dựa trên ý tưởng cặp-đôi-giả từ Beckett.
Trong l’Épuisé, tiểu luận in chung với tác phẩm hậu kỳ Quad của Beckett tại nhà xuất bản Minuit, Deleuze đề xuất coi “exhaustion” (tạm dịch: “sự khai thác kiệt quệ”) như là nguyên lý căn bản của ngôn ngữ Beckett, và dựa trên đó phân biệt ba thời kỳ ngôn ngữ khác nhau trong sự nghiệp Beckett. Thời kỳ đầu, “language of names”: văn Beckett khai thác kiệt quệ các khả năng gọi tên, sau đó là “language of voices”: văn Beckett khai thác kiệt quệ các khả năng giọng nói (mục đích mà nó hướng đến là “im lặng thật sự ”), và cuối cùng, xa hơn “language of voices”, là một thứ “language of images”: văn Beckett hậu kỳ không còn nhắm đến “im lặng thật sự ” mà nhắm đến tạo ra hình ảnh thuần tuý, không là gì khác ngoài hình ảnh, độc nhất, không có tính cá nhân hoặc lý trí, thoát khỏi trí nhớ và tư duy.
Trong L’Oeuvre sans qualités, Clément luận rằng kể từ Blanchot và Bataille, bình chú văn chương Beckett lặp lại văn bản mà nó bình chú, lặp lại vị thế lý thuyết mà người kể nắm giữ trong văn bản văn chương (ngoại trừ Barthes và Deleuze). Do đó, Clément nhận thấy thiếu vắng một khoảng cách phê bình thật sự. Văn Beckett lồng trong mỗi hư cấu một diễn ngôn về hư cấu có sức mạnh dự báo và kềm tỏa các phê bình, biến các phê bình này này thành trích dẫn vô cùng tận của chính tác phẩm. Từ quan sát đó, Clément đề xuất một phân tích rhetoric đồng đại (khác với Blanchot và Deleuze, những người nhìn Beckett trong thời gian và cho rằng tác phẩm Beckett ngày càng tiến dần đến thể hiện cái căn bản rõ ràng hơn). Clément dựa trên năm yếu tố của tu từ học cổ điển inventio, dispositio, elocutio, actio, memoria, nhằm tạo ra cái nhìn phi cá nhân về Beckett, một cái nhìn thoát khỏi vùng kềm tỏa của chính tác giả Beckett. Clément đặc biệt nhấn mạnh “epanorthosis ”, matrix căn bản trong Beckett, bao gồm “tự sửa lỗi ”. Bởi vì “epanorthosis ” là một hình thái, nó không chỉ là giải pháp trong elocutio mà có thể bao gồm mọi nội dung và dung dưỡng chuyển động trong tác phẩm của Beckett.
Paul Auster đến Paris vào tháng 2 năm 1971 và nhờ vào lời giới thiệu của Barney Rosset, biên tập nhà xuất bản Grove Press, để viết thư xin gặp Beckett. Ba ngày sau, Beckett trả lời và hẹn gặp tại La Closerie dé Lilas.[7] “Lòng ngưỡng mộ ”, như chính Paul Auster nói, dành cho Beckett bắt nguồn từ thời trai trẻ. Lúc 19 tuổi, Paul Auster đọc được những dòng đầu tiên tiểu thuyết Watt của Beckett. Đến dòng thứ năm, Paul Auster không thể ngưng phá lên cười vì tính hài hước cực độ và sự lạ lùng trong phong cách văn chương Beckett. “Tôi hoàn toàn tin rằng quyển sách mà tôi đang có trong tay là kiệt tác của một bậc thầy văn chương.”[8]
Nếu bạn tò mò:
Nếu đọc đến đây bạn vẫn còn tò mò, hãy trở thành nhà nghiên cứu Beckett.
Nguyễn Vũ Hưng
[1] J.M. Coetzee, Late Essays: 2006-2017, Penguin, 2019.
[2] John Banville, “Interview with Lois Oppenheim/Entretien avec Lois Oppenheim”, in En compagnie de/In the Company of Samuel Beckett, Passage(s), 2019, tr. 43.
[3] Ibid. tr.45.
[4] Italo Calvino, Vittorini : progettazione e letteratura, All’Insegna del Pesce d’Oro, 1967.
[5] Italo Calvino, Saggi 1945-1985, Arnoldo Mondadori, 1995, tr. 753.
[6] Oe Kenzaburo, « Oe Kenzaburo Kataru », in Shincho 102.11, tr.262.
[7] Paul Auster kể chuyện này trong Objet.Beckett, Imec/Centre Pompidou, 2007, tr. 78.
[8] Paul Auster, “On a Paragraph in Watt”, trong En compagnie de/In the Company of Samuel Beckett, Passage(s), 2019, tr. 250.
Chấm sao chút:
Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3