Thời gian đọc: 4 phút

Năm 1969, Samuel Beckett nhận được một bức điện tín từ giám đốc nhà xuất bản Minuit nơi in các tác phẩm của ông, “Mặc cho mọi thứ, họ đã trao giải Nobel cho anh. Tôi khuyên anh nên đi trốn.” Beckett, nhà văn khét tiếng là ẩn dật và né tránh truyền thông, trốn biệt ở châu Phi, nhờ người đi nhận hộ giải, tiền thì phân phát cho bạn bè. Với ông, giải Nobel Văn chương phần lớn chỉ đem lại sự khó chịu. Nhưng không nhiều độc giả biết rằng, ông đã chờ đợi rất lâu để các tác phẩm của mình được xuất bản và được đánh giá đúng đắn. Cuộc đời của Beckett có thể phân làm hai nửa: nửa đầu sáng tác trong vô danh và nghèo đói, nửa sau là vinh quang đến phiền nhiễu. Vở kịch “Trong khi chờ đợi Godot” chính là cột mốc quan trọng tạo ra sự phân đôi đó, và cụm “chờ đợi Godot” đã trở nên nổi tiếng đến nỗi là từ cửa miệng mỗi khi người ta muốn nhắc đến một sự chờ đợi trong vô vọng.

Zzz Blog trân trọng giới thiệu với độc giả một xê ri nhỏ mang tên “Hỏi, đáp về Beckett trong 6 ngày”, với sự tham gia của Nguyễn Vũ Hưng, người thực hiện đề tài PhD: “Nhận thức và ngôn ngữ Beckett” ở Đại học Paris 8, hướng dẫn bởi Giáo sư danh dự Bruno Clément.

Zzz Review

Ngày i: Có thật Beckett là nhà văn phi lý không?

Q: Trong khi chờ đợi Godot hay được các nhà phê bình và nghiên cứu xếp vào trường phái kịch phi lý, anh có thể nói cụ thể hơn về trường phái này và vì sao người ta lại xếp Beckett vào đây không?

 

A: “Phi lý” là từ vựng phổ biến trong giới trí thức châu Âu sau chiến tranh thế giới II (Ionesco viết năm 1953: “[Phi lý] là một từ vựng thời thượng […] Bây giờ nó thành ra mơ hồ đến mức vừa không có nghĩa gì vừa gần như định nghĩa được tất cả mọi thứ”[1]), trước khi trở thành kinh điển nhờ đi vào tựa đề của cuốn Kịch phi lý, được Martin Esslin xuất bản tại New York năm 1961, trong đó tác giả luận về điểm chung giữa các lý thuyết triết học hiện sinh và kịch vào thời điểm này (Beckett, Sartre, Camus, Ionesco, Adamov).

Đặt kịch vào thế giới hậu chiến tranh thế giới II, “hậu thảm họa”, Martin Esslin coi kịch phi lý như là minh họa của thân phận con người trong một thế giới hoang tàn và không còn Chúa. Không còn Chúa nghĩa là không còn ai đảm bảo ý nghĩa cuộc đời, cho nên chỉ còn lại thế giới thiếu vắng lý lẽ và logic, ngập chìm trong đêm tối phi lý nơi mọi hành động của con người đều hóa ra vô nghĩa.

Những vở kịch viết ra trong giai đoạn này, từ góc nhìn của Martin Esslin, chia sẻ tâm thế chung đó của thời đại và chia sẻ với triết học hiện sinh đang thịnh hành. Camus viết “Phi lý sinh ra giữa tiếng gọi của con người và tiếng đáp lời im lặng khó hiểu của thế giới. Phi lý không nằm trong con người, mà trong con-người-giữa-thế-giới.”[2] Cũng giống như nhân vật huyền thoại Sisyphe ngày qua ngày tiếp tục đẩy đá lên đồi dù viên đá cứ lên gần đến nơi rồi lại lăn xuống, con người bị kết án phải làm những điều tưởng như đầy ý nghĩa nhưng thật ra là hoàn toàn vô nghĩa. Tình thế của Sisyphe tìm thấy tiếng vọng của nó trên sân khấu nơi Didi và Gogo thúc giục nhau “Continuons/Hãy tiếp tục”, trong khi chờ một Godot không đến.

Trước Camus (với các tác phẩm Caligula, Le mythe de Sisyphe, l’Etranger, l’Homme révolté, Le Malentendu) hay Sartre (với La Nausée, Huis Clos), vốn là những người cùng thời với Beckett, có thể truy vết “truyền thống” phi lý trong triết học Kierkegaard, Heidegger, trong Zarathustra của Nietzche, trong nghệ thuật Dada, văn chương Kafka, Commedia dell’arte, thậm chí là ở Shakespeare.

Có thể coi lý thuyết “kịch phi lý” của Martin Esslin đại diện cho thế hệ những người đọc Beckett thời đầu (những năm 50 và 60) gắn liền với hiện sinh, thấy tiếng cười và tính hài hước trên sân khấu đáp trả ảo tưởng tiến bộ và và cũng là đáp trả tính phi lý của đời sống.

 

Tuy nhiên, Beckett, mặc dù, và có lẽ bởi vì, nghiên cứu triết học rất nghiêm túc, không chỉ nhất quyết từ chối bị xếp vào nhãn hiệu triết học này (“Thật phi lý khi nói rằng nó [kịch của Beckett] phi lý.”[3]), mà còn, nếu chúng ta quan sát kỹ lưỡng toàn bộ tác phẩm của ông, luôn giữ thái độ thận trọng với toàn bộ triết học, thậm chí thường xuyên giễu nhại triết học trong văn chương của mình.

Mặc dù không phủ định những yếu tố có tính phi lý trong tác phẩm Beckett, thế hệ đọc Beckett sau đó (kể từ những năm 70) ý thức rằng phi lý chỉ là một phần, thậm chí là phần bị Beckett chối từ. Được giải phóng khỏi chiếc lồng phi lý và triết học hiện sinh, văn chương Beckett chứng kiến sự đa dạng của những tiếp cận ngày càng giàu có đến tận ngày nay.

 

Nếu bạn tò mò:

  1. Bạn có thể nêu một vài lý luận căn bản của Triết học hiện sinh, ra đời sau thế chiến II không?
  2. Truyền thống “phi lý ” hiện diện thế nào trong văn học Kafka, Commedia dell’arte, Shakespeare, và trong triết học Kierkegaard, Heidegger, Nietzche?

 

Nếu bạn vẫn còn tò mò:

Martin Esslin, Théâtre de l’absurde, Buchet/Chastel, 1971

Arthur Adamov, l’Homme et l’enfant, Gallimard, 1981

Theodor Adorno, Notes sur la littérature, Flammarion, 1984

Nguyễn Vũ Hưng

[1] Eugène Ionesco, Notes et contre-notes, Gallimard, 1966, tr. 297.

[2] Albert Camus, Le Mythe de Sisyphe, Gallimard, 1942.

[3] Beckett trả lời phỏng vấn Charles Juliet, trong Charles Juliet, Rencontre avec Samuel Beckett, Fata Morgana, 1986, tr. 49.

(Ảnh: © Sara Krulwich/The New York Times)

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3