Thời gian đọc: 12 phút

Khỏi phải nói rằng vào thời điểm này danh giá của tiểu thuyết trên thị trường văn chương đang thấp hết chỗ nói, thấp đến nỗi cái tuyên bố “tôi chẳng bao giờ đọc tiểu thuyết”, mới chừng chục năm trước vẫn được thốt ra có chút áy náy, thì giờ lúc nào cũng nghe đắc chí tự phụ. Quả đúng là cũng còn dăm ba tiểu thuyết gia đương thời hoặc suýt soát đương thời mà giới trí thức vẫn cho phép ta được đọc; nhưng điều đáng nói là thứ tiểu thuyết “dở nhưng hay” thông thường nói chung sẽ bị lờ đi, trong khi thứ thơ hoặc phê bình “dở nhưng hay” thông thường vẫn còn được coi trọng. Thế có nghĩa là nếu anh viết tiểu thuyết, anh tự động đặt mình vào với một công chúng kém thông minh hơn so với nếu anh chọn một thể loại nào khác. Điều này tiếp đó lại ngăn trở những tiểu thuyết hay được viết ra vì hai lý do hiển nhiên. Ngay cả lúc này, tiểu thuyết cũng đang phai tàn trông thấy, và nó sẽ còn phai tàn chóng hơn nhiều nếu hầu hết các tiểu thuyết gia hiểu được ai là những độc giả đang đọc sách của mình. Tất nhiên vẫn dễ lập luận rằng (chẳng hạn hãy xem bài viết hằn học kỳ dị của Belloc) tiểu thuyết là một hình thức nghệ thuật đáng khinh miệt, vì thế nó có đi về đâu cũng chẳng việc gì phải lo. Nhưng tôi nghĩ ý kiến loại này thì không phải mất thời gian bác bỏ làm gì. Dù sao, tôi cũng đứng trên lập trường rằng tiểu thuyết tất yếu đáng cứu rỗi, và muốn cứu rỗi được nó thì phải thuyết phục được những người thông minh coi nó là nghiêm túc. Từ đó, cũng đáng bỏ công phân tích một trong rất nhiều nguyên nhân – mà theo tôi là nguyên nhân chính – dẫn đến sự suy tàn danh giá của tiểu thuyết gần đây.

Vấn đề nằm ở chỗ là tiểu thuyết đang bị lăng xê cho đến chết. Cứ hỏi bất kỳ con người biết suy nghĩ nào xem vì sao anh ta “chẳng bao giờ đọc tiểu thuyết”, là thường thì rốt cuộc, lý do là vì những thứ rác kinh tởm được đám điểm sách lên bìa rặn ra. Cũng không cần lấy nhiều ví dụ làm gì, chỉ cần một mẫu vật này trên tờ Sunday Times tuần trước: “Nếu anh đọc cuốn này mà không rú lên sung sướng, thì anh cần phải xem tâm hồn mình đã chết chưa.” Một nhận định như vậy hoặc từa tựa như vậy giờ đây có thể bắt gặp viết về bất kỳ tiểu thuyết nào in ra, chỉ cần dò theo những câu trích trên bìa là thấy. Những ai coi Sunday Times là lời thánh phán hẳn phải thấy đời là một chuỗi ngày dài cực nhọc cố đuổi theo cho kịp. Giới xuất bản bắn tiểu thuyết vào anh pằng pằng mười lăm cuốn mỗi ngày, cuốn nào cuốn nấy đều đại tuyệt tác bất hủ mà không đọc là đẩy tâm hồn mình vào cửa tử. Chọn sách trong thư viện hẳn phải là một việc khó khăn tột bậc, còn ai mà không rú lên sung sướng nổi chắc phải thấy ăn năn lắm lắm. Nhưng thật ra không ai có sạn có sỏi mà lại bị lừa bởi mấy thứ ấy cả, nên sự khinh ghét mà điểm sách tiểu thuyết đã lâm vào nay đã lây sang cả chính bản thân tiểu thuyết. Khi tiểu thuyết nào cũng được ấn cho anh và xưng xưng kêu là thiên tài, thì kết quả tự nhiên là anh sẽ giả định gì cũng là rác tuốt. Trong đám trí thức văn chương, giả định này giờ đã thành đương nhiên rồi. Ngày nay thú nhận mình thích đọc tiểu thuyết thì cũng gần như thú nhận rằng mình tự dưng thèm kem dừa hay khoái Rupert Brooke hơn Gerard Manley Hopkins [kiểu như khoái Tố Hữu hơn Trần Dần – nd].

Tất cả những điều này đã sờ sờ. Ít sờ sờ hơn, như tôi nghĩ, là quá trình từ đâu mà dẫn đến tình huống thế này. Trên bề mặt, cái trò thổi giá sách này chỉ là một màn lừa đảo, đơn giản và ác ôn: X viết điểm sách cho cuốn của Y in ở nhà xuất bản W rồi đăng trên tạp chí Z. Nếu bài viết dở, Y sẽ rút quảng cáo ở Z, vậy nên X buộc phải ca bài ca “tuyệt tác bất hủ” nếu không muốn bị đá đít khỏi báo. Về cơ bản tình thế đúng là vậy, và việc điểm tiểu thuyết đã xuống đến đáy như hiện nay là vì mỗi nhà điểm sách đều có một hai ông xuất bản giật dây gián tiếp đằng sau. Nhưng chuyện không đơn thuần thô thiển như bề mặt. Các bên khác nhau dự vào trò lừa này không hợp tác một cách cố tình, mà bị đẩy vào tình thế này phần nào trái với ý họ.

Trước hết, ta không nên giả định – một giả định quá thường thấy (chẳng hạn xem mục báo của Beachcomber nói chung) – rằng nhà tiểu thuyết thích thú hoặc thậm chí còn cách nào đó chịu trách nhiệm cho những bài điểm sách của anh ta. Không ai thích nghe bảo rằng mình đã viết một câu chuyện thổn thức đam mê sẽ trường tồn cho đến chừng nào ngôn ngữ Anh còn tồn tại; mặc dù tất nhiên không được nghe thế thì lại thất vọng, vì tiểu thuyết gia nào cũng đang nghe câu ấy, vậy nên nếu ta bị loại ra ngoài thì hẳn sách của ta sẽ không bán được. Bài điểm sách theo kiểu bồi bút thực chất là một thứ nhu cầu thương mại, giống như những lời khen trên bìa áo; mà thực chất nó cũng chỉ là bản mở rộng của những lời khen này. Nhưng ngay cả đám điểm sách bồi bút tội nghiệp cũng không phải đáng trách về những thứ nhảm nhí họ viết ra. Trong hoàn cảnh đặc thù của mình, họ không thể viết khác đi được. Vì kể cả nếu không đặt ra vấn đề mua chuộc, dù trực tiếp hay gián tiếp, thì cũng không thể có phê bình hay về tiểu thuyết nếu còn có giả định rằng mọi tiểu thuyết đều đáng được điểm.

Tờ tạp chí nào đó mỗi tuần nhận được một núi sách, trích ra một tá gửi đi cho X, tay bồi bút, anh này có vợ con phải nuôi và cần phải kiếm bằng được đồng ghi-nê lẻ này, đấy là chưa kể số tiền mấy xu một quyển nếu đem bán mấy cuốn sách gửi cho mình điểm. X hoàn toàn không có khả năng nói thực về những quyển sách rơi vào tay mình vì hai lý do. Thứ nhất, xác suất rất cao là hết mười một trên mười hai cuốn sẽ chẳng làm anh ta mảy may hứng thú chút nào. Sách ấy cũng chẳng dở hơn bình thường, mà chỉ vô thưởng vô phạt, vô hồn, vô mục đích. Nếu không phải vì được trả tiền anh ta sẽ chẳng thèm đọc lấy một dòng trong đống sách đó, và với hầu như cuốn nào cũng vậy, bài điểm sách chân thực duy nhất anh ta có thể viết được là “cuốn sách này chả gợi cho tôi tí ti ý nghĩ gì”. Nhưng có ai trả tiền cho anh viết như vậy không? Rõ ràng là không. Vậy là ngay từ đầu, X đã ở vào tình thế gian dối là phải đẻ ra chừng ba trăm chữ về một cuốn sách chẳng có tí ý nghĩa nào với anh ta. Thường anh ta giải quyết vấn đề này bằng cách tóm tắt lại tí chút cốt truyện (và tình cờ hở ra cho tác giả thấy rằng anh ta hoàn toàn chưa đọc sách) kèm theo dăm ba lời khen, mặc dù rất hồ hởi, nhưng cũng có giá ngang với nụ cười của gái bán hoa.

Nhưng còn có một điều đáng sợ hơn nhiều. Người ta trông đợi X không chỉ phán cho họ biết cuốn này nói về điều gì mà còn cuốn này hay hay dở. X biết cầm bút, nên nhiều khả năng anh ta không ngốc, ít ra cũng không ngốc đến mức tin rằng Nàng tiên nữ không biết mệt là bi kịch tuyệt diệu nhất từ thuở con người biết viết. Khả năng cao là tiểu thuyết gia mà cá nhân anh ta mê nhất, nếu anh ta còn có mê tiểu thuyết chút nào, là hoặc Stendhal hoặc Dickens hoặc Jane Austen. Hoặc D. H. Lawrence, hoặc Dostoyevsky – dù sao thì cũng là ai đó một trời một vực so với đám tiểu thuyết đương đại cá mè một lứa. Thế là anh ta phải bắt đầu bằng việc dìm thật thấp tiêu chuẩn của mình. Như tôi đã nói ở đâu đó, đem thước đo đàng hoàng ra đo đám tiểu thuyết cá mè một lứa thì cũng không khác nào bỏ con rận lên bàn cân vốn để cân voi. Bàn cân ấy đơn giản là sẽ không đo ra con rận; ta phải bắt đầu bằng việc làm ra một bàn cân khác sẽ cho ta biết đâu là rận to đâu là rận nhỏ. Và đây đại khái là công việc của X. Sẽ không ăn thua nếu cuốn nào cũng chỉ ca một bài “sách này sách rác”, bởi vì tôi nhắc lại, sẽ chẳng ai trả tiền cho anh viết như vậy. X buộc phải tìm ra cái gì đó không phải rác, và tìm ra khá thường xuyên, nếu không sẽ bị đá đít. Thế có nghĩa là dìm tiêu chuẩn của mình xuống tới cái đáy mà ở đó Chàng đại bàng của Ethel M. Dell chẳng hạn, là một cuốn sách cũng hay. Nhưng trên thang giá trị có Chàng đại bàng được gọi là hay, thì Nàng tiên nữ không biết mệt sẽ là quá đỉnh, còn Một người nhiều tài sản là – là gì đây? Một câu chuyện thổn thức đam mê, một tuyệt tác khiến tâm hồn kinh diễm, một thiên sử thi bất hủ sẽ trường tồn chừng nào tiếng Anh còn tồn tại vân vân. (Còn nếu đặt cuốn sách nào hay thật vào đây thì sẽ sập luôn bàn cân mất.) Khi đã bắt đầu với giả định rằng phàm là tiểu thuyết thì đều hay cả, người điểm sách sẽ ngày càng leo cao trên một chiếc thang tính từ không có điểm dừng. Và cứ thế ta bay lên đến tận tầng Gould. Hết người điểm sách này đến người điểm sách khác đã đi theo đường đó. Chỉ hai năm sau khi khởi nghiệp với những tâm nguyện dù gì thì cũng tương đối chân thành, người điểm sách sẽ rú gào điên loạn rằng Đêm đỏ của Miss Barbara Bedworthy là tuyệt tác siêu việt, chói ngời, đốn tim, bất hủ, toàn cầu toàn cõi từ thượng cổ tới giờ vân vân và vi vi. Một khi anh đã rơi vào bể chàm mà giả vờ rằng sách dở là hay thì anh sẽ không bao giờ thoát ra khỏi đó. Nhưng không nhúng chàm thì không cách nào nuôi thân bằng điểm sách được. Trong lúc đó thì mọi độc giả thông minh sẽ kinh tởm quay đi, và khinh miệt tiểu thuyết trở thành một thứ bổn phận thượng lưu. Từ đó dẫn đến hiện tượng kỳ quái là, một cuốn tiểu thuyết thực sự giá trị vẫn có thể lọt ra ngoài tầm ngắm chỉ vì nó đã bị khen y như rác vẫn được khen.

Rất nhiều người đã khuyên rằng tốt nhất là không có điểm tiểu thuyết gì hết cả. Đúng là như thế, nhưng lời khuyên ấy cũng vô dụng, vì sẽ không đời nào có chuyện như vậy. Không có tờ báo nào sống nhờ vào quảng cáo của xuất bản mà lại đủ sức vứt hết điểm sách đi, và cho dù giới xuất bản thuộc loại thông minh hơn thì hẳn cũng nhận ra rằng trừ tiệt cái giống điểm sách lên bìa cũng không hại gì cho họ, thì họ cũng không thể đoạn tuyệt hẳn với nó, vì cùng lý do như các quốc gia không thể giải trừ vũ trang: vì không ai muốn làm người đi bước trước. Điểm sách lên bìa sẽ còn sống dài dài nữa, và sẽ chỉ càng đi từ tệ đến tệ hơn; phương thuốc duy nhất là xoay ra cách nào đó để chúng không còn được coi trọng. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu ở đâu đó người ta điểm tiểu thuyết một cách đàng hoàng để có đối trọng so sánh. Nghĩa là cần có chỉ một tờ tạp chí (bắt đầu thì một là đủ rồi) chuyên về điểm tiểu thuyết nhưng nhất định không thèm để mắt tới các loại rác, đăng những bài điểm sách của người thực sự điểm sách chứ không phải của những con rối nói tiếng bụng chỉ biết cạp cạp khi nhà xuất bản giật dây.

Có thể có người sẽ đáp rằng tạp chí như vậy đã có rồi. Chẳng hạn có kha khá những tạp chí cao cấp với những bài điểm tiểu thuyết, dù không nhiều, thật sự thông minh chứ không phải mua chỗ. Có, nhưng vấn đề chính ở chỗ là những tạp chí kiểu ấy lại không chuyên về điểm tiểu thuyết, và hẳn nhiên không cố gắng bắt kịp thời sự xuất bản. Những tạp chí ấy thuộc về thế giới văn chương cao cấp, là thế giới đã sẵn định kiến rằng tiểu thuyết như một thể loại là thứ đáng khinh. Nhưng tiểu thuyết là một hình thức nghệ thuật đại chúng, và sẽ không ích gì nếu tiếp cận nó với tâm thế của Criterion-Scrutiny rằng văn học là một trò chơi gãi lưng nhau (thu móng hay xòe vuốt thì còn tùy hoàn cảnh) giữa những nhóm văn chương cao cấp bé bằng lỗ mũi. Nhà tiểu thuyết chủ yếu là một người kể chuyện, và có thể có những người kể chuyện rất hay (chẳng hạn hãy xem Trollope, Charles Reade, hay ông Somerset Maugham) mà không nhất thiết là một “nhà trí thức” theo nghĩa hẹp của từ này. Mỗi năm có năm ngàn tiểu thuyết ra đời, và Ralph Strauss nài nỉ độc giả hãy đọc hết năm ngàn cuốn đó, hoặc sẽ như thế nếu ông ta đủ giấy để điểm hết năm ngàn cuốn đó. Tờ Criterion hẳn chỉ để mắt tới một tá. Nhưng giữa một tá và năm ngàn có thể có một hai trăm, thậm chí năm trăm, có giá trị thực sự ở các cấp độ khác nhau, và chính mấy trăm cuốn này là thứ mà những nhà phê bình thực sự yêu thích tiểu thuyết cần chú trọng vào.

Nhưng đòi hỏi trước tiên là một phương pháp xếp hạng nào đó. Một lượng lớn tiểu thuyết cần phải đừng bao giờ nhắc đến (tưởng tượng xem nếu mỗi tiểu thuyết dài kỳ đăng trên Peg’s Paper đều phải đem ra long trọng điểm thì sẽ là cái họa dường nào cho phê bình), nhưng ngay cả những cuốn đáng nhắc tên cũng thuộc vào những nhóm khá khác nhau. Raffles là một cuốn sách hay, Hòn đảo của bác sĩ Moreau cũng vậy, và Tu viện thành Parme cũng thế, và Macbeth cũng không sai, nhưng mỗi cái lại “hay” ở những cấp độ rất khác nhau. Tương tự, Nếu mùa đông đếnVô cùng yêu dấuMột tay xã hội ghét xã hộiSir Launcelot Greaves đều là sách dở, nhưng ở các cấp độ “dở” khác nhau. Đây là thực tế mà tay bồi bút điểm sách đã làm hết sức mình để che lấp. Đáng ra cần có thể dựng nên một hệ thống, có thể khá nghiêm khắc là khác, để xếp hạng tiểu thuyết vào các hạng A, B, C vân vân, thế nên mỗi khi người điểm sách ca tụng hay chà đạp một cuốn sách thì ít ra ta cũng biết anh ta coi cuốn này cần được nhìn nhận nghiêm túc tới cỡ nào. Còn với người điểm sách, đó sẽ phải là những người thực sự quan tâm tới nghệ thuật tiểu thuyết (có nghĩa là, hẳn vậy, không cao cấp cũng không thấp cấp cũng không giữa cấp, mà là cao su cấp), những người thích thú với kỹ thuật viết và còn thích thú hơn với việc khám phá ra một cuốn sách có ý nghĩa gì. Có vô khối những người như vậy đang tồn tại; một số những điểm sách bồi bút thuộc hàng tệ mạt nhất, dù giờ đã hết thuốc chữa, đã như vậy khi bước vào nghề, chỉ cần nhìn qua những sản phẩm ban đầu của họ là thấy. Nói thêm, sẽ tốt hơn nếu có nhiều người nghiệp dư tham gia điểm tiểu thuyết hơn. Ai đó không phải một người quen viết lách nhưng vừa đọc được một cuốn sách thực sự ấn tượng với mình thì sẽ dễ cho ta biết ý nghĩa của nó hơn là một người chuyên nghiệp, có nghề nhưng chán đọc. Vì thế, những bài điểm sách Mỹ, mặc dù rất ngu ngốc, lại vẫn còn hơn ở Anh; điểm sách bên đó nghiệp dư hơn, nói cách khác là nghiêm túc hơn.

Tôi nghĩ rằng bằng một cách nào đó như tôi đã nêu ra, danh giá của tiểu thuyết có thể được trả lại. Yêu cầu cần thiết nhất là một tờ báo sẽ bắt kịp thời sự sách ra nhưng vẫn không chịu đem dìm tiêu chuẩn của mình. Đấy phải là một tờ báo chẳng mấy ai đọc, bởi đám nhà xuất bản sẽ không chịu đăng quảng cáo trên đó; mặt khác khi nào mấy nhà xuất bản ấy biết được rằng ở đây có lời khen và là lời khen thực sự, họ sẽ xắm nắm muốn trích lại trên bìa sách của mình. Ngay cả dù cho tờ báo ấy chẳng mấy ai đọc, thì hẳn nó cũng sẽ khiến trình độ điểm tiểu thuyết nói chung được nâng cao, bởi những bài nhảm nhí trên các tờ báo ngày Chủ nhật chỉ sống được vì không có gì đối lập với chúng. Nhưng ngay cả dù đám bồi bút điểm sách vẫn tiếp tục viết y như trước, thì cũng chẳng sao, miễn là vẫn còn tồn tại loại điểm sách đàng hoàng để nhắc nhở một vài người rằng những bộ não nghiêm túc vẫn có thể dành đất cho tiểu thuyết. Bởi, giống như Đức Chúa đã hứa rằng ngài sẽ không tiêu diệt thành Sodom nếu chỉ cần kiếm ra ở đó mười người đức hạnh, tiểu thuyết sẽ không bị hoàn toàn khinh miệt khi người ta biết rằng ở đâu đó chỉ cần có một chục người điểm tiểu thuyết không bị ấm đầu.

Hiện giờ, nếu anh vẫn yêu mến tiểu thuyết, và tệ hơn nữa nếu anh lại đi viết tiểu thuyết, viễn cảnh tương lai có vẻ u ám tới mức cực điểm. Chữ “tiểu thuyết” đi với “lời khen”, “thiên tài” và “Ralph Straus” cũng đương nhiên như “gà” đi với “sốt vụn bánh mì”. Những người thông minh thì tránh xa tiểu thuyết gần như theo bản năng; vì thế những nhà tiểu thuyết thành danh thì rối ruột còn những kẻ mới vào nghề “có điều gì đáng nói” thì ưa chuyển qua gần như bất kỳ thể loại gì ngoài nó. Tình trạng này dẫn tới suy thoái là điều đương nhiên. Chẳng hạn hãy xem những cuốn truyện bốn xu chồng đống trên quầy bất kỳ hiệu văn phòng phẩm rẻ tiền nào. Đấy là thứ con cháu suy đồi của tiểu thuyết, chúng gần gũi với Manon LescautDavid Copperfield cũng chẳng khác gì thứ chó cảnh mini gần gũi với con sói trong rừng. Rất có thể rằng chẳng mấy chốc nữa, mặt bằng của tiểu thuyết cũng sẽ gần ngang như thứ truyện bốn xu kia, tuy rằng hiển nhiên vẫn bọc bìa da bảy shilling sáu xu và ra mắt giữa dàn kèn đồng của giới xuất bản. Rất nhiều người đã tiên tri rằng tiểu thuyết sẽ tận số trong tương lai gần. Tôi không tin rằng tiểu thuyết sẽ biến mất, vì những lý do mà nói ra thì quá dài nhưng khá hiển nhiên. Điều có khả năng hơn là, nếu những bộ óc tài giỏi nhất trong giới văn chương không thể được dụ trở về với nó, thì nó sẽ sống sót trong một dạng vật vờ, bị khinh miệt, và suy sụp không đường cứu vãn, giống như những tấm bia mộ thời hiện đại, hay là tuồng Punch và Judy.

 

1936

Nguyễn An Lý dịch

(Bản gốc: “In Defence of the Novel“)

Chấm sao chút:

Đã có 4 người chấm, trung bình 4.8 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

không biết viết ngắn