Thời gian đọc: 14 phút

Phỏng vấn nhà phê bình văn học Adam Kirsch

 

Đây là bài đầu tiên trong chuỗi bài phỏng vấn về nghệ thuật phê bình. Các bài khác sẽ sớm được giới thiệu.

 

Adam Kirsch là một trong những nhà phê bình văn học Mỹ xuất sắc nhất. Chỉ mới 37 tuổi, trong một thập kỷ qua anh đã viết cho các tờ New Republic, New Yorker và cả New York Review of Books. Anh là tác giả của hai tập thơ, một cuốn tiểu sử Benjamin Disraeli, và, gần đây nhất, Why Trilling Matters (Yale University Press).

 

Còn với Prospect anh đã viết về một loạt các chủ đề rất đa dạng, bao gồm sự kiện ngày 9/11, truyện cổ tích, ảnh hưởng của Nietzsche tới tư tưởng người Mỹ và, trong số gần đây nhất, về thế hệ mới các nhà văn Châu Phi đang góp phần sáng tạo lại dòng tiểu thuyết nhập cư hiện đại. Tôi đã ngồi lại với Kirsch vào hồi đầu tháng để bàn về các tác phẩm của anh, cũng như ảnh hưởng và tương lai của phê bình văn học.

 

Khi lớn lên anh có đọc nhiều phê bình không?

Đó chắc chắn không phải điều gì hiếm lạ trong gia đình tôi vì bố tôi giờ đang, và ông tôi đã từng, là nhà phê bình sách cho tờ Los Angeles Times. Tôi nghĩ rằng ham muốn tiếp bước của mình bắt đầu khi tôi đọc những tiểu luận của TS Eliot lúc đang theo học chuyên ngành Văn chương Anh ở Harvard vào giữa những năm 90. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp cận phê bình như một loại văn chương. Từ đó tôi được dẫn dắt tới Matthew Arnold và Samuel Johnson và truyền thống phê bình.

 

Điều gì đã khiến anh chú ý khi đọc tiểu luận của Eliot lần đầu tiên?

Tôi cho rằng đó là quan điểm về phê bình – tấn kịch của trí thức, cái quan điểm rằng anh đáp lại văn bản không chỉ với gu của chính mình mà còn bằng những gì người ta nói về lịch sử tư tưởng, về xã hội, về việc làm thế nào những quan điểm văn chương kết nối với quan điểm chính trị và đạo đức. Những điều đó làm cho tiểu luận của Eliot lý thú với tôi, mặc dù gu thẩm mỹ cá nhân và chính trị của tôi khác với của ông ấy.

 

 

Sau khi tốt nghiệp anh đã bắt đầu làm việc cho tờ New Republic. Cơ duyên nào đã đưa anh đến với công việc đó?
Tôi bắt đầu với vị trí thực tập viên mùa hè và người lúc ấy đang làm trợ lý biên tập văn học chuẩn bị nghỉ việc vào cuối hè. Tôi được hỏi có muốn ở lại không. Vào thời điểm đó tôi nhận được một học bổng ở Cambridge nhưng tôi quyết định rằng sau khi hoàn thành bằng thạc sỹ, đây là loại công việc tôi muốn làm. Vì vậy tôi nghĩ rằng mình sẽ ở lại và nhận công việc này. Kết quả là tôi chưa bao giờ học cao học hay làm bất kể nghiên cứu cao học nào.

Tôi đã luôn nghĩ rằng loại văn mình muốn viết thiên về báo chí hơn là học thuật. Tôi đã muốn viết cho độc giả đại chúng và tôi luôn thấy dị ứng theo bản năng với các loại phê bình thiên về lý thuyết. Lúc ấy tôi chưa từng đọc Derrida trong khi rất nhiều người ở khoa Văn chương Anh đang đọc Derrida.

 

Anh giải thích thế nào về việc dị ứng đối với lối viết nặng lý thuyết về văn chương? Anh có cảm thấy giống vậy đối với tất cả những nhà văn ít nhiều gắn với lý thuyết văn chương không?

Khi trưởng thành hơn, tôi dành nhiều thời gian hơn để đọc lý thuyết, nhưng kể cả bây giờ nó vẫn không có vẻ là một cách thú vị để tiếp cận văn chương đối với tôi. Lý thuyết đôi khi với tôi là một cách để trả thù văn chương – những nhà phê bình khống chế văn bản và viết lại nó dưới góc nhìn của riêng họ, thay vì quy phục và lắng nghe những điều nó nói. Việc đã lóng ngóng mà lại còn hùng hổ của quá nhiều kiểu viết học thuật về văn chương là dấu hiệu cho thấy điều này – viết thế về văn chương là phi văn chương, một sự mâu thuẫn về thuật ngữ.

 

Điều đầu tiên gây ấn tượng với anh khi anh làm việc ở tờ New Republic là gì?

Đó là một nơi làm việc tuyệt vời, và tôi muốn học hỏi từ [biên tập văn học] Leon Wieseltier, và cả James Wood, người cũng làm việc ở tòa soạn thời gian đó. Giữa hai người họ tôi có thể thấy được cuộc sống thật của dân trí thức và nhà phê bình. Tôi tiếp xúc với nhiều thứ mà mình chưa biết – triết học, lịch sử, chính trị, tất cả các lĩnh vực mà tạp chí phụ trách. Học hỏi những lĩnh vực này thông qua những chuyên gia mà chúng tôi mời viết bài cho tạp chí làm chúng trở nên dễ tiếp cận hơn với tôi, chúng có vẻ là những thứ tôi có thể viết về và cống hiến.

 

Lúc đó anh có viết/sáng tác không?
Tôi có. Vài năm đầu tiên không ít thì nhiều tôi chỉ viết về thơ. Trong thời gian đó tôi viết tập thơ đầu tay và trở thành nhà thơ là điều tôi muốn trước nhất và hơn cả. Có lẽ nhờ những người như Eliot hay Arnold mà ý tưởng trở thành một nhà phê bình thơ rất tự nhiên với tôi.

 

Giờ nhìn lại anh nhận xét như thế nào về những tiểu luận và điểm sách hồi trước anh viết?
Tôi nghĩ rằng khi là người viết thì ta sẽ trải qua các giai đoạn. Những nhà phê bình trẻ thường có xu hướng phản đối nhiều hơn, đối đầu nhiều hơn. Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn đúng với mình. Ta nghĩ rằng có một loại mục nát nào đó trên thế giới và ta phải xóa bỏ nó, tấn công nó. Khi trưởng thành hơn ta nhận ra rằng phê bình không thật sự thay đổi sự vật, thời gian mới là cái thay đổi sự vật; thời gian lọc ra cái tốt từ cái xấu.

 

Hiện tại anh không thường viết những bài phê bình chê bai nặng nề nhưng dường như với tôi những bài phê bình mà anh đã viết  – ví dụ như bài về tác phẩm House of Exile của Evelyn Juers hay bài về The House of Wittgenstein của Alexander Waugh – có cùng một chủ đề. Trong số trường hợp kể trên anh có vẻ nản chí khi tác giả tỏ vẻ hạ cố với lịch sử hay khi tác giả phán xét nhân vật trong quá khứ không đúng với niên đại của họ. Anh có thấy nhận xét này công bằng không?

Tôi hiểu những gì anh muốn nói về những bài phê bình đó. Tôi nghĩ một điều văn chương có thể làm là khiến ta nhận ra quá khứ cũng thật như hiện tại đối với những người đang sống trong nó. Ta phải cố gắng hiểu nó, hơn là chỉ dùng nó phục vụ cho hiện tại. Với quá khứ thì ta phải có một sự khiêm cung nhất định. Tôi đăc biệt nhớ trong tác phẩm House of Exile, rành rành là cuốn tiểu sử của Heinrich anh trai của Thomas Mann, tác giả đã đơn thuần mắng mỏ Thomas Mann –  quả quyết rằng ông kém tắm, rằng ông không đủ tốt. Tôi nghĩ rằng với một tác giả như vậy – và Mann là người tôi đặc biệt yêu thích – ta phải tiếp cận với sự khiêm cung và tự nguyện để được chỉ dẫn hơn là chỉ đưa ra sự phán xét.

 

Năm ngoái đã có khá nhiều tranh cãi giữa những nhà phê bình như Laura Miller và Daniel Mendelsohn về việc liệu nhà phê bình văn học có nên kiềm chế viết những bài phê bình chê bai, đặc biệt khi khái niệm văn hóa văn chương đang “bị đe dọa”. Đó là, cái quan niệm rằng thế kỷ 21 chúng ta đáng lẽ nên liên kết lại để bảo vệ văn chương bằng cách hướng sự chú ý của công chúng tới những quyển sách hay, hơn là chê bai những quyển sách dở. Anh đứng ở đâu trong cuộc tranh cãi này?

Tôi nghĩ rằng có vấn đề nếu ta chọn một quyển sách không đặc biệt hay từ 90% các quyển sách không đặc biệt hay rồi sau đó dành cả bài phê bình chỉ để nói nó không hay. Bài có thể đúng nhưng nó quả thật có vẻ không công bằng với người mà ta đang phê bình, khi mà có thể nói rằng hầu hết sách vở đều không hay lắm hoặc không đáng nhớ. Tôi nghĩ rằng những quyển sách xứng đáng bị tấn công là những quyển có sức ảnh hưởng lớn và được đánh giá cao. Nên nếu anh biết một nhà văn nào đó mà anh cảm thấy đang gây ra ảnh hưởng xấu tới thế giới bởi vì quá nhiều người ngưỡng mộ họ thì tôi nghĩ rằng cần phải nói điều đó không tốt, mọi người không nên ngưỡng mộ điều này.

Tôi nghĩ như vậy về Slavoj Zizek, đó là một người mà tôi đã viết với chủ ý tấn công vì tôi cảm thấy sự sùng bái Zizek rất nguy hiểm về mặt trí tuệ. Trong những trường hợp như thế, tôi nghĩ rằng việc chê bai lại khá hữu ích. Chúng ta cần nhiều những người sẵn sàng khiêu chiến về những vấn đề quan trọng.

 

Anh đã được đền đáp xứng đáng khi được trích dẫn trên bìa sách của ông ấy ở Anh!
Vâng, điều hài hước là tôi đã nói trong bài của mình rằng ông ấy “đáng khinh” nhưng người viết tiêu đề chính ở bìa tạp chí số đó lại nói [ông ấy là] “triết gia nguy hiểm nhất”. Đó là dòng họ trích dẫn. Nó cho ông ấy sức quyến rũ nhất định.

 

Anh viết về nhiều chủ đề đa dạng, nhưng chủ đề anh quay lại thường xuyên là Do Thái giáo. Đó có phải là thứ bắt nguồn từ tuổi thơ của anh hay đó là thứ anh khám phá ra sau này?
Gia đình tôi vốn không sùng đạo lắm nhưng tôi từng được hưởng chút ít giáo dục Do Thái nên tôi cảm thấy khá quen thuộc với nó. Tôi nghĩ rằng nhiều nhà văn Do Thái không thích bị gọi là nhà văn Do Thái bởi họ không muốn bị giới hạn về độc giả hay về những chủ đề họ có thể viết. Với tôi, càng trưởng thành tôi càng cảm thấy nó giống như một cửa sổ nhìn ra những thứ rộng lớn hơn, rằng có rất nhiều điều về tính hiện đại và chính trị và văn chương mà ta có thể tiếp cận từ cách nhìn của một người Do Thái bằng cách nhìn nhận thông qua những trải nghiệm Do Thái.

Tôi nghĩ bước ngoặt lớn của mình là đọc nhiều Walter Benjamin và nhận ra rằng đây là một nhà phê bình văn học trí thức thế tục, người vận dụng rất sâu sắc những tư tưởng và chủ đề Do Thái và ta có thể giải thích quan điểm về thế giới của ông bằng việc chính ông là một người Đức gốc Do Thái ở một thời điểm và địa điểm nhất định. Có thể tồn tại một sự tiếp diễn trong kinh nghiệm của người Do Thái hiện đại mà kết nối những nhà văn Do Thái ở Mỹ và Đức, bằng tiếng Yiddish. Tất cả những người này đều phản ứng từ cao điểm riêng nơi cá nhân mình đứng quan sát về cùng một câu chuyện chung diễn ra, đó là câu chuyện về sự giải phóng và đồng hóa của người Do Thái.

 

Có tồn tại một chủ đề hay một thái độ chung trong tác phẩm của họ để nhận biết họ thuộc về truyền thống này không?

Tôi nghĩ rằng nó có nhiều hình thái khác nhau ở các thời gian và địa điểm khác nhau. Nhưng có thể mối liên hệ ở đây là người Do Thái đang tiếp tục định vị chỗ đứng của họ trong những nền văn hóa phi Do Thái, kể cả ở hiện tại. Điều đó giúp ta nhìn được cả trong và ngoài. Vì thế đọc TS Eliot như một người Do Thái chính là chấp nhận cả những điều không dễ chịu mà ông ấy nghĩ về người Do Thái, không chỉ cá nhân ông ấy, mà tất cả diễn ngôn truyền thống ông ấy vận dụng. Ta phải vượt qua được cách mình yêu và ngưỡng mộ nhà văn này và đồng thời nhận ra ông ấy muốn giữ ta ngoài thế giới của ông ấy. Tôi nghĩ ta gặp vấn đề đó ở nhiều trạng thái khác nhau, không phải lúc nào cũng rành rành, khi đọc nhiều văn chương phương Tây.

 

Một chủ đề khác trong các tác phẩm của anh là hứng thú của anh về lịch sử trí thức…

Tôi luôn bị hấp dẫn bởi lịch sử tư tưởng. Tôi đã học được nhiều về nó từ Lionel Trilling. Trilling hay viết về văn chương như một tấn kịch của các tư tưởng, đặc biệt trong Authenticity and Sincerity, cuốn sách có tác động lớn đến tôi khi tôi đọc nó lần đầu.

 

Anh có nghĩ phê bình ngày nay đôi khi chú trọng tới hình thức hơn là tới những tưởng đằng sau từng câu văn?
Tôi hiểu ý anh. Tôi nghĩ anh có thể nói rằng Trilling không làm tốt những gì Wood làm – Trilling hiếm khi nói được gì một cách cụ thể về cách một văn bản hoạt động. Ông ấy không giỏi việc cho thấy sự xuất sắc cụ thể về mặt thẩm mỹ của văn bản. Ông ấy quan tâm hơn vào điều văn bản tiết lộ về một não trạng hay về thời điểm văn bản được sáng tác. Vì vậy có lẽ tồn tại những thái cực khác nhau và những nhà phê bình khác nhau thiên về mỗi thái cực. Cả hai đều cần thiết.

Tôi nghĩ có một lý do tại sao có sự thiếu hụt trong phê bình theo hình mẫu của Trilling vì văn hóa của chúng ta hiện giờ ít tính chính trị hơn trước kia. Nếu anh quan sát Trilling và xuất thân của ông ấy, tất cả những trí thức New York hồi giữa thế kỷ 20 đã lớn lên trong truyền thống Mác. Họ tiếp tục tự định nghĩa bản thân liên quan tới chủ nghĩa Mác kể cả khi họ đã rời xa nó. Có nghĩa là họ đã tiếp cận văn chương với góc độ chính trị từ đầu. Giờ người ta không có xu hướng nghĩ một cách chính trị về văn chương. Một phần bởi vì có một sự mất tự tin phổ biến rằng văn chương chẳng có gì để nói về tình hình xã hội – một phần bởi vì không có nhiều người đọc nó. Nó chỉ được coi như đam mê cá nhân hoặc thú vui hơn là một con đường để hiểu một thế giới rộng lớn hơn.

 

Liệu anh có tự nhận mình tiếp cận văn bản từ một góc độ chính trị?

Tôi không đặc biệt soi xét những thứ mình viết dưới cái nhìn chính trị – nhưng tôi thường có một thước đo xã hội và lịch sử và đạo đức trong đầu, điều mà ta có thể nhận thấy rõ hơn ở một vài nhà văn so với những người khác. Ví dụ, tôi viết về cuốn sách của Frank Kermode về EM Forster cho tờ The New Republic. Kermode nghĩ về Forster dưới góc nhìn giai cấp và không thích cách ông này chiếu cố Leonard Bast, ví dụ thế. Điều này giúp tôi nghĩ về Forster như một người theo chủ nghĩa tự do, về kiểu chủ nghĩa tự do riêng biệt của Forster và vì sao ông ấy lại là kiểu người theo chủ nghĩa tự do như thế. Tôi quan tâm đến Forster như thế đấy, hơn là những chi tiết về cách một tiểu thuyết cụ thể hoạt động.

 

Làm thế nào anh có thể viết được một bài phê bình dài như bài về Forster?

Thông thường tôi cố đọc nhiều tư liệu sơ cấp nhất có thể. Tôi thường không đọc những nhà phê bình khác hay những nguồn tư liệu thứ cấp, một phần vì nó sẽ trở thành một quy trình bất tận và một phần vì tôi muốn giữ nguyên phản ứng của mình và không muốn bị rập khuôn vào ngôn từ của những cuộc tranh luận phê bình đã có sẵn nếu không cần thiết.

 

Anh từng làm việc với những biên tập viên huyền thoại như Leon Wieseltier và Robert Silvers ở tờ New York Review. Họ có ảnh hưởng như thế nào đối với anh khi anh viết điểm sách? Họ có từng hướng anh theo một con đường mà anh sẽ không chọn cho mình?
Các biên tập viên có hai vai trò chính, đặc biệt là khi họ trở nên “huyền thoại” như hai cái tên anh nhắc tới. Đầu tiên, tất nhiên, thật ra là định hình bài điểm sách – gợi ý những hướng để phát triển, những cách để thúc đẩy luận điểm. Thứ hai, thậm chí có lẽ quan trọng hơn, là bằng cách cụ thể hóa một ấn phẩm và những giá trị của nó: Wieseltier và Silvers đại diện cho một số cách tư duy cụ thể về tư tưởng, chính trị, và mối liên hệ giữa hai thứ đó, và họ làm các nhà văn muốn đạt tới những chuẩn mực và truyền thống đó. Một biên tập viên vĩ đại là, ngoài những thứ khác nữa, một nguồn cảm hứng vĩ đại.

 

Anh đã viết những cuốn sách mỏng như Why Trilling Matters và cuốn về Disraeli. Anh có nuôi dưỡng mong muốn viết những bộ sách lớn theo kiểu Mimesis không?

Tôi không. Tôi nghĩ điều mình làm giỏi nhất là hồi đáp lại văn bản. Tôi cũng nghĩ rằng mình có xu hướng làm việc tốt nhất trong định dạng ngắn. Tôi không nghĩ mình có bất kỳ phát ngôn lý thuyết lớn nào để thông báo. Tôi thích những ý tưởng của mình được xuất hiện dưới dạng đáp lại một thứ gì khác chứ không thích đưa nó ra như một luận đề.

Nếu anh có thể tặng ba cuốn sách cho một người hứng thú với việc viết phê bình, đó sẽ là những cuốn nào?

Nếu chúng ta đang nói về phê bình văn học, chắc chắn là những tiểu luận của Eliot, có thể cuốn The Sacred Wood hoặc Selected Prose mà Kermode đã biên tập. Có lẽ là tác phẩm nào đó của Trilling, có thể là The Liberal Imagination, một ví dụ tuyệt vời về việc nghĩ về văn chương dưới cái nhìn chính trị và ngược lại. Một cuốn sách khác mà tôi luôn yêu thích là cuốn Letters on Literature and Politics của Edmund Wilson vì nó cho ta một ý thức sống động về cái nghề nhà báo văn học, cả về mặt nghề nghiệp lẫn mặt trí tuệ. Anh sẽ thấy ông ấy biên tập nhiều ấn phẩm khác nhau, anh sẽ thấy ông ấy góp ý và thỏa thuận với những biên tập viên khác; cuốn sách cho anh một bức tranh lãng mạn về cuộc sống văn chương.

 

Ngày nay anh háo hức được gặp những nhà phê bình nào nhất?

Chắc chắn là James Wood. Daniel Mendelsohn cũng là một tác giả tôi đọc nhiều. Ruth Franklin, một người nữa liên quan tới tờ The New Republic, là một người tôi ngưỡng mộ và luôn đọc. Cynthia Ozick là người theo trường phái Trilling trong nhiều khía cạnh, phải nói là một cách có chủ ý, và bà ấy đã viết khá nhiều tiểu luận tuyệt vời.

 

Ở đầu cuốn Why Trilling Matters, anh đã nói về tiểu luận năm 2007 của Cynthia Ozick về phê bình. Luận điểm của bà ấy về cơ bản là để có nền văn hóa văn chương tử tế và tiểu thuyết hay chúng ta cần những nhà phê bình giỏi. Anh có đồng ý với ý kiến này không?
Tôi nghĩ phê bình là một phần quan trọng của văn hóa văn chương. Tôi không nhất thiết đồng ý với bà ấy về việc phê bình ngày xưa từng lành mạnh hơn bây giờ. Tôi nghĩ một phần đó có thể là ảo tưởng của việc nhìn lại “thời vàng son” và nghĩ rằng mọi việc từng tốt đẹp hơn. Hiện nay có rất nhiều nơi tuyệt vời để đọc phê bình, tất cả những ấn phẩm mà anh có thể nghĩ tới đều có những bài phê bình dài nghiêm túc. Và rồi có rất nhiều ấn phẩm trực tuyến, nơi những cây viết trẻ đang bập bõm vào nghề phê bình và học cách viết.

Tôi không nghĩ ta có thể nói rằng có một sự thiếu hụt về sáng tác. Có thể có sự thiếu hụt lòng tự tin về tầm quan trọng của văn chương nói chung, nó ảnh hưởng cả cách người ta viết văn lẫn viết phê bình. Nhưng lại phải nói đây là hiện tượng hậu những năm 1960 ăn sâu bén rễ mà tôi nghĩ chẳng có gì thay đổi được.

 

Vậy nhà phê bình làm gì trong tình huống đó?

Tôi nghĩ ta viết như thể văn chương quan trọng, bởi vì nó quan trọng với những ai mà đối với họ nó quan trọng. Một câu trả lời vòng vo nhưng một điều tôi cố gắng nói trong cuốn về Trilling là các nhà văn không nên nhiễm phức cảm tự ti với nền văn hóa lớn hơn – ti vi, phương tiện truyền thông đại chúng. Nếu nhìn bằng những góc độ đó, văn chương là một nghề nghiệp nhỏ. Nó chắc chắn là một trường hợp thiểu số và không thể gây ảnh hưởng như ngày xưa được nữa. Điều đó không có nghĩa là nó không có sự quan trọng của riêng mình. Nó xứng đáng mọi sự chú ý và công sức một người có thể bỏ ra, nó sẽ được đền đáp, tuy rằng có thể không phải ảnh hưởng trực tiếp như Ozick đang nói tới.

 

Anh nghĩ việc trở thành nhà phê bình chuyên nghiệp trong mười năm tới có khả thi không?
Một câu hỏi hay. Tôi không biết. Cơ hội để thực hiện và được trả công để làm điều đó đang bị thu hẹp. Mặt khác, cơ hội để thực hiện và không được trả công có lẽ đang nhiều hơn. Chúng ta sẽ thấy nhiều phê bình hơn, và có thể sẽ là phê bình hay đấy, nhưng nó sẽ được thực hiện khi đang làm ngành khác như trong lĩnh vực học thuật; đó dường như là cách mọi người kiếm sống. Kiếm sống bằng nghề báo dưới đủ mọi loại hình khó hơn rất nhiều so với hồi tôi bắt đầu 15 năm trước. Tôi không biết liệu có giải pháp nào cho vấn đề này không. Có vẻ như mọi loại hình làm báo đều đang khó khăn xoay xở.

 

Trong tương lai, tôi băn khoăn không biết liệu có lĩnh vực tri thức mới nào mà anh muốn khám phá.

Một thứ mà tôi đang khám phá hiện nay là văn học Do Thái truyền thống. Tôi đang viết một chuyên mục cho Tablet nói về những điều tôi tìm thấy trong Talmud khi đọc nó mỗi tuần. Tôi đang làm một dự án sách về việc đọc những văn bản khác nhau từ đời xưa cho tới thế kỷ 20 – áp dụng Kinh Thánh, Josephus, Maimonides, như cửa sổ soi chiếu vào lịch sử Do Thái. Đó là một lĩnh vực hiện nay tôi mong muốn học hỏi nhiều hơn và đi sâu hơn.

 

David Wolf  thực hiện

Blue Phạm dịch

(Dịch từ bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Prospect, ngày 22 tháng 5 năm 2013)

 

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3