Elizabeth Hardwick, Sự suy thoái của điểm sách
Hãy nghĩ đến những nhà xuất bản theo đuổi tiểu thuyết khiêu dâm thuần túy để làm ăn mà, ta chắc chắn, sẽ từ chối xuất bản Lolita vì không phải đúng kiểu sex họ cần.

Hãy nghĩ đến những nhà xuất bản theo đuổi tiểu thuyết khiêu dâm thuần túy để làm ăn mà, ta chắc chắn, sẽ từ chối xuất bản Lolita vì không phải đúng kiểu sex họ cần.
Đạo diễn nổi tiếng Martin Scorsese (cùng David Tedeschi) năm 2014 cho ra mắt một bộ phim tài liệu có tên The New York Review of Books, The 50 Year Argument, bao quát 50 hoạt động của một tạp chí bán nguyệt san được coi là “tạp chí văn chương-tri thức hàng đầu trong Anh ngữ”. Được thành lập năm 1963, và trong suốt ngần ấy năm kể từ lúc thành lập cho tới nay, “từ Mary McCarthy và Edmund Wilson tới Gore Vidal và Joan Didion, The New York Review of Books liên tục thuê những đầu óc sôi nổi bậc nhất nước Mỹ để suy tư, viết về, và tranh luận những cuốn sách và những vấn đề mà nó đưa ra.” Trong bộ phim có một đoạn Robert Silvers, biên tập viên của tạp chí từ năm 1963-2017, đọc từ bài báo kinh điển về điểm sách của Elizabeth Hardwick, mà theo ông, những lời đầy tâm huyết của bà là một nguồn cảm hứng lớn lao để tờ tạp chí này được thành lập.
Bài luận “Sự suy thoái của điểm sách” dưới đây được đăng lần đầu trên tạp chí Harper vào năm 1959, nằm trong điển phạm của những bài phê bình viết về phê bình. Thường xuyên được trích dẫn đi trích dẫn lại, nó trở thành nguồn cảm hứng cho không biết bao nhiêu bài phê bình của các thế hệ sau, mà bài viết xuất sắc “Like đi hay là chết” là một ví dụ.
Elizabeth Hardwick, bằng giọng văn hài hước và chua cay, chỉ trích sự xuất hiện hàng loạt những bài phê bình nhạt như nước ốc trên hàng loạt các tạp chí lớn, mà những tai hại chúng đem lại là khôn lường. Có lẽ, những lời này của bà, sẽ còn được đọc trong một thời gian rất lâu nữa: “Một quyển sách sinh ra rơi thẳng vào trong vũng lầy những lời đường mật; thứ phê bình phản đối như nước muối cô đặc giờ đây chỉ còn là ký ức. Ai cũng có công “đáp ứng một nhu cầu” và được “cảm ơn” vì đã làm gì đó và được tha thứ cho “những lỗi nhỏ nhặt trong một tác phẩm xuất sắc trên tổng thể.””
Zzz Review
Elizabeth Hardwick, Sự suy thoái của điểm sách
Chuyện kể rằng Keats đã bỏ mạng dưới tay một bài chê sách dở, rằng trong đau khổ và tuyệt vọng ông quẫn trí và bỏ cuộc trong trận chiến với căn bệnh lao phổi. Những bằng chứng sau này cho thấy trước những bài điểm sách gây hấn Keats có thái độ nam tính bình tĩnh hơn ta được học ở trường, thế nhưng hình ảnh tài năng trẻ hiếm có khó tìm bị dập tắt bởi những nhà phê bình nanh nọc hiểm ác vẫn ngự trị trong tâm trí số đông.
Nhà phê bình và điểm sách vẫn bị coi là những kẻ chua chát nguy hiểm, những con quỷ sớm nắng chiều mưa, cay nghiệt với giới trẻ và mù quáng trước các tác phẩm mới, chỉ chăm chăm dẫn người đọc phổ thông xa lánh khỏi những điều tươi mới và hệ trọng vì thói ghen ăn tức ở, cổ lỗ sĩ không phải lối, và vân vân. Cụ Keats tội nghiệp còn sống giờ này chắc vẫn sẽ chịu một cái chết văn chương, nhưng không phải vì bị người ta công kích; mà thay vào đó ông cụ sẽ chết vì sặc nghẹn thứ Emerson gọi là “một đống nhượng bộ sến sẩm.” Ở nước Mỹ ngày nay, tình cảnh lãng quên, thất bại trong văn chương, không tên tuổi chả ai biết đến, bỏ bê — tất cả những khoảnh khắc vĩ đại của bi kịch và hiểu lầm của nghệ sĩ — vẫn xảy ra, nhưng những điều kiện tự nhiên dẫn đến chuyện đó lại đang trong một trạng thái ngụy trang thật tò mò khó hiểu, một dạng vàng thau lẫn lộn. Một thiên tài đúng là có khi chết đi cũng chẳng ai đọc, nhưng sẽ hiếm khi chết đi mà không ai khen. Những đề xuất sách đọc ngọt ngào nhạt nhẽo mọc lên như nấm; một sự dàn xếp chung chung, có phần ngớ ngẩn, lên ngôi. Một quyển sách sinh ra rơi thẳng vào trong vũng lầy những lời đường mật; thứ phê bình phản đối như nước muối cô đặc giờ đây chỉ còn là ký ức. Ai cũng có công “đáp ứng một nhu cầu” và được “cảm ơn” vì đã làm gì đó và được tha thứ cho “những lỗi nhỏ nhặt trong một tác phẩm xuất sắc trên tổng thể.” Cụm từ “Một nghệ sĩ trưởng thành toàn diện” xuất hiện không biết bao nhiêu lần hằng tuần và hằng ngày; rất nhiều người trong số đó là sứ giả đem đến “những thông điệp mà Thế giới Tự Do lờ đi thì chết.”
Tình cảnh của điểm sách phổ thông đã trở nên quá rã rời, ảnh hưởng của những đánh giá thân thiện của nó làm suy yếu công chúng đến nỗi những nhà xuất bản láu cá của Lolita phải tìm cách tăng doanh số bằng cách dẫn lời những bài chê bên cạnh những lời tán dương bình thường lặp đi lặp lại. (Orville Prescott: “Không cần tranh cãi rằng Lolita quả là tin tức trong giới sách. Không may thay đây lại là tin dữ.” Và Gilbert Highet: “Tôi rất lấy làm tiếc rằng Lolita được xuất bản. Tôi xin chia buồn rằng nó đã được viết ra.”)
Lỗi không chỉ nằm ở thói thấy gì khen đó — bản thân nó cũng là một vấn đề đặc biệt — đã khiến những người soi xét kỹ văn đàn cảm thấy bực mình hay khó hiểu, mà còn nằm ở sự chây ì của chuyên mục điểm sách ngày Chủ nhật của các tờ The New York Times và Herald Tribune. Giá trị và tầm quan trọng của từng quyển sách bị tung hô quá lố, ăn theo tâm trạng thời đại của nước Mỹ bây giờ, nhưng các mục điểm sách trong vai trò thực thể văn hoá thì, như một ổ thất nghiệp, đang ở trong một trạng thái suy nhược tai hại nếu xét theo tính linh hoạt và độ quan tâm. Ta đã tưởng rằng nó không thể xuống dốc, bởi đây luôn là những tờ báo khiêm tốn và khá truyền thống. Ấy thế mà vẫn còn chỗ để suy thoái và những tờ báo này đã kịp chớp lấy thời cơ. Một buổi sáng Chủ nhật với những bài điểm sách thường là một trải nghiệm ảm đạm. Tốt nhất ta hãy chuẩn bị sẵn tâm lý bao dung mất tập trung khi cầm tờ báo lên, mà cụ tỉ là tờ The Herald Tribune Book Review. Ấn phẩm này không chỉ xoàng xĩnh; nó còn yếu kém một cách kỳ lạ và khó hiểu trong từng số báo không mấy sáng sủa ra từng tuần.
Đối với giới xuất bản, với người đọc và người viết, tình trạng lờ đờ của The New York Times Book Review còn có ảnh hưởng to lớn hơn cả. Ta hãy nhớ đến các thầy cô giáo bộ môn ngữ văn Anh ở trường trung học, các thủ thư và người bán sách tận tuỵ, những người ngoại ô giàu lòng tin tưởng, những chàng trai cô gái thanh niên ở tỉnh lẻ, tất cả những người tin vào sự đánh giá của tờ Times và những người cần nó dẫn đường chỉ lối. Hệ quả tồi tệ nhất của sự suy thoái này chính là việc điểm sách trở thành một thế lực can ngăn ẩn nấp, nhẹ nhàng, nhạt nhẽo, hết sức tôn kính phủ định bất kỳ hứng thú hay quan tâm đối với sách vở hay các vấn đề văn chương nói chung. Những lời khen nông cạn và tranh cãi mờ nhạt, phong cách tối giản và bài báo nhỏ nhẹ nhàng, sự thiếu vắng tính tương tác, đam mê, cá tính, đặc trưng — cuối cùng là, sự thiếu vắng của giọng văn chương — đã biến The New York Times thành một tạp chí văn học tỉnh lẻ, dài hơn và dày hơn, nhưng rốt cuộc cũng chả khác mấy trang ‘Book Pages’ ở các tạp chí Chủ Nhật ở huyện là bao. (The New Yorker, Harper’s, The Atlantic, các tờ tin tức và quan điểm hằng tuần, các tạp chí văn học đều dành nhiều giấy mực và đầu tư công sức vào mục điểm sách. Những kết quả thường xuyên gượng gạo và thay đổi liên tục không phải không đáng chú ý. Tuy nhiên, các tạp chí này thường dùng bài điểm sách như một cách thu hút sự chú ý của độc giả, và ta không thể hiểu rõ sự thất vọng trong cái cách các ấn phẩm này đối xử với sách nếu không phân tích kỹ từng tạp chí một.)
“MỤC ĐIỂM TIN” CHẾT NGƯỜI
Ta có thể nhăn mặt mà quyết định rằng căn bệnh của những ấn phẩm phê bình phổ thông — tờ Times và Tribute và Saturday Review — không phải lúc nào cũng đổ lỗi được cho thương mại. Một quan điểm từng hết sức đơn giản và trấn an được nhiều người chính là niềm tin rằng áp lực đến từ phía xuất bản và thương mại sách là nguyên nhân của những lời khen ưu ái dành cho những quyển tiểu thuyết rác rưởi, những quyển sách “tư duy” tầm phào, và vân vân. Các nhà xuất bản thì cần những lời hay ý đẹp để đem trưng bày sản phẩm của mình, như cái cách người ta cần xếp giấy vụn màu xanh lá lót dưới trứng trong giỏ quà Lễ Phục Sinh. Không ai cho rằng áp lực này đơn giản và trực tiếp; ta tưởng tượng rằng nó hẳn phải tế nhị, thực tiễn, căn bản, hay có nghĩa là, liên quan đến sự thật rằng các trang quảng cáo mà các nhà xuất bản đặt mua góp vào kinh phí hoạt động mục điểm sách. Lẽ dĩ nhiên, cách giải thích này luôn được đón nhận một cách quá sức cường điệu.
Sự thật, ta có thể tưởng tượng ra, chính là các nhà xuất bản — khi thấy các sản phẩm tốt nhất và dở nhất của mình bị/được đón nhất với một sự bình thản như nhau — chắc hẳn phải nhận thức được rằng drama trong giới sách vở đang bị giết dần giết mòn chậm rãi không đớn đau. Tất cả mọi thứ đều giống nhau, dù cho đó là một tác phẩm bài bản về lịch sử của một học giả trọng vọng, một tổ hợp những lời vô vị từ Lầu Năm Góc, một tuyển tập thơ, một tác phẩm chứa những tư tưởng cực đoan, một tác phẩm chứa những tư tưởng bảo thủ. Thực hành ‘đưa tin’ đơn thuần dường như đã thắng thế trong trận chiến quan điểm; “tính dễ đọc”, một từ nho nhỏ ấm áp, đã thế chỗ cho yêu cầu cổ điển là một văn phong hay ho, rõ ràng, một thứ hoàn toàn khác. Mọi sự khác biệt về độ xuất sắc, về lập trường, về hình thức đều bị thái độ chấp nhận lơ mơ làm lu mờ hết thảy. Sự lu mờ này đã xoá bỏ đi cái hay và cái dở, cái truyền thống và cái kỳ lạ, và vì thế cuối cùng thì người viết cũng như người bình hoá ra chẳng có lập trường gì cả. Nhà phê bình ban ơn cho cả người giàu lẫn kẻ nghèo; một tác phẩm được kỳ vọng bán chạy, mà các nhà xuất bản đã dồn của ăn của để vào, được tán dương chỉ nhiều hơn tí chút so với tác phẩm mà các nhà xuất chẳng mong sẽ hoà vốn. Cách này có thể đem lại một sự ngất ngây bình đẳng có thể có lợi cho một quyển sách nhẹ nhàng nhưng sẽ không bao giờ đáp ứng được nhu cầu của một quyển sách nghiêm túc. Khi một quyển sách bị phê phán, lời phê phán ấy cũng chỉ như một mũi kim chích nhẹ giữa những lời khen trị liệu. “—— thỉnh thoảng chảnh có chủ ý,” theo lời một bài điểm sách. “Nhưng nó chứa đủ sự thông minh dí dỏm và phong cách nổi tiếng của —— để khiến nền xuất bản Hoa Kỳ nở mày nở mặt…”
Các biên tập viên của các ấn phẩm phê bình cũng có vẻ không còn tập trung vào văn học nữa. Sách thì cứ chất dồn chất đống, quyển sách ném ra bài điểm sách lại tới. Rất nhiều những bộ não ưu tú đã đề tên mình lên những bài viết ngắn dài đủ cả trên Times, Tribune, và Saturday Review. Những sản phẩm của các cây bút khá hơn thường có xu hướng kém hơn những bài viết tốt nhất của họ. Mở mắt thấy đợi mình là quá nhiều ngày Chủ nhật ảm đạm, họ chấp nhận nhiệm vụ của mình trên tinh thần hợp tác và đem đến một bài “đọc được”, dĩ nhiên không có gì nhiều nhặn cả. (Bà Alice James viết trong nhật ký của mình rằng anh trai bà, ông Henry, được mời viết cho báo đại chúng và người ta đảm bảo ông thích làm gì cũng được “miễn là không có gì văn chương trong đó.”)
Việc giữ lại một số nhà phê bình bất bình nhai lại không thôi cũng đủ để phản bác niềm tin về việc thương mại hoá trắng trợn các ấn phẩm phê bình. Một biên tập viên với tư tưởng làm ăn, một tổ chức “đang phát triển” — như hay thấy trên báo — sẽ rà soát kĩ những lời phản đối, nếu có, và làm sao để khiến những bộ óc lóng ngóng này về hưu luôn. Ví dụ, còn gì mệt mỏi hơn là J. Donald Adams tấn công Lionel Trilling tội nghiệp chỉ vì cố gắng tỏ vẻ quan tâm đến Robert Frost? Có lẽ chỉ lại một bài tấn công khác nhắm đến Adams mà thôi — người mà, như áp lực thương mại, không phải vấn đề đáng lo thật sự của tờ Times. Adams chỉ như những tượng đài công cộng mà một người lạ hay ai đấy đi lâu trở về mới để ý đến. Thứ thật sự khiến ta nhăn nhó với tờ Times và Tribune chính là chất lượng biên tập.
Gần đây một tờ tạp chí nhỏ mang tên The Fifties đăng tải một bài phỏng vấn chủ biên The New York Times Book Review, ông Francis Brown. Ông Brown xuất hiện trong cuộc trao đổi này với tư cách một người có nhiều kinh nghiệm biên tập nói chung và rất ít “khiếu” đối với công việc mình đảm nhiệm, đó là biên tập ấn phẩm Book Review hằng tuần vô cùng quyền lực. Ông, đáng buồn thay, trong bài phỏng vấn không hề cho thấy một sự quan tâm sôi nổi hay một tị tinh tế nào đối với những vấn đề văn chương, thế giới của sách vở và người viết — những điều cần thiết tối thiểu ở vị trí của ông. Cách tiếp cận của ông rất khiêm tốn, ngây thơ, và chán nản đến lạ kỳ. Ở đại học, ông kể trong bài phỏng vấn, ông học chuyên ngành lịch sử và sau đó trở thành chủ biên tờ Current History. Sau đó ông đến làm việc cho tờ Time, nơi mà ông “không có gì liên quan đến sách cả,” và cuối cùng được chọn để “thử sức với mục Book Review.” Người phỏng vấn, ám chỉ đến một số thiếu sót của Book Review, hỏi rằng liệu có phải tờ báo trông cậy quá ít vào ý kiến chuyên gia, quá nhiều vào thông lệ đưa sách cho một nhà phê bình đã viết sách về chủ đề tương tự, hay về cùng một đất nước hay giai đoạn lịch sử đó. Ông Brown cho rằng “một lĩnh vực là một lĩnh vực.” Khi được hỏi so sánh giữa Times Book Review của chúng ta và The Times Literary Supplement ở London, ông Brown cho ý kiến rằng, “Họ có đối tượng đọc giả hẹp còn độc giả của ta thì rộng hơn. Tôi nghĩ về mặt văn chương thì đây là tờ báo làm ăn tệ hại nhất trong số các ấn phẩm có tiếng tăm.”
Đây là một ý kiến gây sửng sốt cho bất cứ ai có theo dõi những bài điểm sách trên tờ Times của London và những ấn phẩm phê bình khác ở Anh Quốc, ví như tờ Times Chủ nhật và tờ The Observer. Những tờ báo này liên tục đặt ra những tiêu chuẩn vốn cao hơn rất nhiều tiêu chuẩn ở Mỹ khiến việc so sánh chi tiết gần như bất khả. Ta không nói đơn thuần đến những gì có trong một bài phê bình sách riêng lẻ; nó thuộc về những vấn đề sâu xa hơn ở giọng điệu, độ nghiêm túc, sự độc lập trong tư duy và khí chất. Richard Blackmur trong một bài viết gần đây kể về một cuộc trò chuyện với biên tập viên tờ The Times Literary Supplement: vấn đề với các nhà phê bình sách Hoa Kỳ chính là sự thiếu vắng một định hướng biên tập mạnh mẽ và độc lập và bày tỏ rằng sẽ có rất ít nhà xuất bản rút quảng cáo chỉ vì không còn những bài điểm sách nhạt như nước ốc mà hiện nay người ta vẫn đang sản ra. Một đoạn miêu tả về The Times Literary Supplement, tờ báo của London, do Dwight Macdonald viết cho thấy ấn phẩm của Anh Quốc “dường như được biên tập và đọc bởi những người biết mình là ai và quan tâm đến điều gì. Đại đa phần những người Anh khác không cùng chia sẻ với họ sự quan tâm đến tiến trình phát triển của văn xuôi Anh ngữ, danh mục sách của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Byelorussia [Belarus ngày nay], cách André Gide đối xử với vợ, mối liên hệ chính xác giữa dân ca (folksong) với bình ca (plainsong), “vết loang lớn” trong một lá thư của Dr Johnson gây bao khó khăn cho các nhà biên tập… những điều này dường như không khiến họ bận lòng chút nào cả.”
PHÊ BÌNH LÀ SÁNG TÁC
Quan điểm đúng bất di bất dịch không phải là điều kiện duy nhất để phán xét năng lực của một nhà phê bình, mặc dù một “gu” dễ lầm đường lạc lối chỉ dành riêng cho những bộ não ưu tú nhất! Trong mọi trường hợp, mọi chuyện đều dựa trên ai đúng và ai sai. Việc truyền tải niềm vui và tầm quan trọng của sách vở, của tư tưởng, của một nền văn hoá, là thứ tối thiểu người ta có thể mong chờ từ một ấn phẩm có nhiệm vụ phê bình các tác phẩm cũ và mới. Bắt đầu từ đây, hứng thú của người phê bình nói riêng chi phối tất cả mọi thứ. Phê bình sách chính là một dạng sáng tác. Ví dụ, không ai cầm tờ Times Chủ Nhật lên để xem Ông Smith nghĩ gì về quyển Bác sĩ Zhivago. (Rất có thể đó là Bà Smith trên Herald Tribune.) Như ta thường nói, bạn được gì khi bạn biết được ông Smith nghĩ gì về Bác sĩ Zhivago? Đúng là có quan trọng chuyện một bộ não khác thường, có khả năng trình bày những tư tưởng mới theo một cách sống động độc nhất vô nhị và thú vị, nghĩ gì về sách. Nếu chỉ cần thông tin đơn thuần, một danh sách mở rộng của các nhà xuất bản cũng được việc chẳng kém gì những bài điểm sách ra mắt hằng tuần.
Trong một nghiên cứu về phê bình sách thực hiện ở Đại Học Wayne, ta thấy người bạn cũ trung thành “phê bình tích cực” đời đời bất diệt của mình vẫn tràn trề sinh lực như ta đã học cách kỳ vọng. Năm mươi mốt phần trăm những phê bình tóm tắt trong Book Review Digest năm 1956 mang tính tích cực. Một con số còn vui hơn đó là 44.8 phần trăm là ỡm ờ! Riêng ý nghĩa của từ “phê bình” không cũng đủ khiến ta hướng đến việc tạo ra một ý kiến nhất định và vì thế sự do dự của những nhà phê bình ỡm ờ vô thưởng vô phạt là một điều gây bối rối quá mức. Các phê bình tiêu cực chỉ chiếm 4.7 phần trăm.
MỘT NGÀY CHỦ NHẬT
Một ngày Chủ nhật cách đây vài tháng trên tờ The Herald Tribune. Sau đây là những đoạn trích ra từ năm bài điểm các tiểu thuyết đương thời, những bài điểm sách đáng buồn thay lại gợi nhớ đến chủ đề của tuổi “teen”.
(1) “Giá trị thật sự của quyển tiểu thuyết nằm ở sự nhận thức về tính nết, về cá tính thực chất, và sức ảnh hưởng tinh tế của thời gian.”
(2) “Thảng hoặc ta nhận thấy đôi chỗ trong câu chuyện có vẻ được dàn xếp trước, nhưng đây chỉ là ấn tượng ban đầu, bởi đầu tiên và trước nhất là cách tái tạo một bầu không khí mạnh mẽ đủ để sai khiến cả một định mệnh.”
(3) “Cô —— viết rất hay, kể câu chuyện với một sự chân thật và sống động giúp nâng tầm sự kỳ lạ của chủ đề trung tâm. Với những độc giả yêu mến một nét rùng rợn, đây là một khám phá hấp dẫn của trí tưởng tượng.”
(4) “Tuy thế, ——, là một quyển sách thú vị và khiến ta cảm động nhanh chóng; phức tạp hơn đa số quyển sách cùng thể loại, và đổ bóng tinh tế lên các nhân vật. Đây là một trải nghiệm đọc hay ho.”
(5) “Quyển sách cũng, trong khuôn khổ mà —— tự tạo ra cho mình, là một câu chuyện ấm áp và thú vị kéo dài liên tục kể về điều mà có thể xảy ra đối với một nhóm người bình thường trong một tình huống hiểm nguy, một tình huống mà, vô tình thay, ít nhất giống những gì Nevil Shute tiên liệu trong ‘On the Beach.’ ”
(“Tình huống mà Nevil Shute tiên liệu trong ‘On the Beach’ ” — câu này đảm bảo sẽ khiến nhiều độc giả phải ngừng lại, nhắc nhở ta rằng có đủ cách nêu ví dụ theo kiểu “tham khảo tối nghĩa.”)
Về tờ Saturday Review, ta cảm nhận được rằng nó ngày càng bất mãn với chính công việc của mình. Nó thay đổi tâm tính như một nàng diễn viên đợi mãi vai diễn để một bước lên ngôi sao. “Of Literature (Về Văn chương)” đã bị gạch khỏi cái tên tạp chí, một sự cắt xén những nội dung lặt vặt mà tờ báo bào chữa hợp lý. Công cuộc tìm kiếm những ý tưởng đặc biệt cũng năng động không kém gì những tờ báo quốc gia khác là bao; các biên tập viên cũng điên cuồng chạy đua với thời đại. Trước doanh thu ngày càng tăng cao của máy quay đĩa, các nội dung về âm nhạc đã chiếm một chỗ ngày càng lớn trên tờ tạp chí này. Du lịch, với tất cả mọi hình thức của nó, cũng trở nên quan trọng không kém — sách du lịch, lời khuyên du lịch, hướng dẫn tham dự bao nhiêu sự kiện mà Cue có thể thu xếp được. Nhưng như vậy cũng còn chưa đủ. Có những số chuyên đề Xe Đua và SR (Saturday Review) Vào Bếp. Các nhân viên ở đây còn nghĩ ra những ý tưởng lăng xê phi thường, như trường hợp Giải thưởng Quảng cáo Thường niên của tờ Sunday Review. Những dòng trích ra từ bài báo về chủ đề này như sau:
“Vì Saturday Review luôn không ngừng quan tâm đến những mẫu hình truyền thông ở Hoa Kỳ, ấn phẩm đã quan sát với sự chăm chú đậm sâu sự phát triển cấp tiến của quảng cáo như một hình thức truyền ý tưởng, một kĩ thuật còn tinh vi hơn cả truyền tin tức.”
Bìa báo có thể “trưng” một bức ảnh chụp Joanne Woodward và gần đây là một số báo gồm những ý tưởng Max Eastman viết về Hemingway và trang bìa là Hemingway, chứ không phải Eastman, mặc áo len cổ lọ, cùng ánh nhìn xa xăm trong một “bức ảnh chụp chân dung.” Những bài điểm sách, dài ngắn đủ cả, trên Saturday Review cũng không hay hơn kém hơn những bài xuất hiện trên tờ Times; chúng đặc trưng bởi một sự thiếu hụt những cố gắng “quá cố”. Chúng rõ ràng cũng nghĩ đến một nhóm độc giả — một nhóm độc giả mà, người ta tin rằng, chỉ có thể chấp nhận đến đó là nhiều nhất.
NGUYỆN VỌNG CỦA BIÊN TẬP VIÊN
Báo chí văn chương đạt được đến, trong trường hợp của nhiều cây bút giỏi, cái tầm giàu sức sống và hệ trọng và khoái cảm khiến những lí do lí trấu như khoảnh khắc thoáng qua, áp lực thời gian, hay nhu cầu của độc giả đại chúng đều trở thành không thể chấp nhận được, như cách các biên tập viên thường muốn ta chấp nhận. Orville Prescott của tờ Times hằng ngày — liệu ông có mang tội cẩu thả vì áp lực thời gian? Liệu cái mà nhà phê bình này trông mong có phải chỉ đơn giản là có thêm thời gian để viết, một tháng hơn là vài ngày không? Thời gian không nghi ngờ gì sẽ giúp Orville Prescott sản xuất ra một bài điểm sách dài hơn, nhưng nói thời gian sẽ tạo ra một nguồn cảm hứng bất biến thì cần phải suy nghĩ lại. Richard Rovere gần đây cho ý kiến rằng ông cảm thấy, trong thời điểm hiện tại, vô cùng kinh ngạc và mến mộ khi đọc một số bài báo bình thường mà Edmund Wilson viết từ năm 1924 cho tạp chí Vanity Fair hay The New Republic. Những tiểu luận dài hơn mà Wilson viết những năm gần đây về những chủ đề ông quan tâm đến là những tác phẩm văn chương ta ít có thể mường tượng nổi là xuất hiện một cách đều đặn hay thậm chí là hiếm hoi trên Times, Tribune, hay Saturday Review. Dẫu sao, ta có thể tưởng tượng rằng những bài điểm sách thời kỳ đầu của ông có khả năng cao lại là những gì biên tập viên nghĩ trong đầu. Không gì quan trọng hơn thứ biên tập viên muốn nếu ước mơ thành hiện thực. Những nguyện vọng biên tập thường trở thành hiện thực một phần nào đó. Liệu biên tập tờ Times Book Review có thật sự khao khát một cây viết tài năng siêu phàm như V. S. Pritchett, người mà có thể viết những bài ngắn đăng hằng tuần trên tờ The New Statesman hết tuần này đến tuần khác với sự xuất sắc làm ai cũng sửng sốt? Pritchett viết về “Huyền thoại James Dean” hay Ring Lardner cũng hay như khi viết về tiểu thuyết Nga. Đây có phải điều mà các tạp chí của ta hy vọng đạt được, hay liệu họ muốn một bài viết nho nhỏ của, giả dụ, cô Elizabeth Janeway về chủ đề “Caught Between Books” (“Kẹt Giữa Sách”)? Bộ não biên tập của tờ Times lại có màn rất đặc trưng là thường xuyên giao cho Pritchett viết một lá thư đơn giản nhẹ nhàng, những thứ không mấy giá trị báo chí, mà không hề tận dụng tài năng độc nhất vô nhị của ông trong chuyên môn điểm sách.
Rốt cuộc thì danh tiếng là thứ bán được sách và những bài điểm sách, kể cả khi tốt nhất, cũng chỉ là ngón chân cái của người khổng lồ. Đối với những người có sách bán chạy hiện nay như Frances Parkinson Keyes và Frank Yerby người đọc cũng chẳng đòi một bài điểm sách hay trước khi dành cho họ sự đồng tình và mở hầu bao mua sách hơn một bậc cha mẹ cần được cho phép thơm đứa con mới sinh ở chốn đông người. Nghề xuất bản và bán sách hết sức phức tạp. Hãy nghĩ đến những nhà xuất bản theo đuổi tiểu thuyết khiêu dâm thuần túy để làm ăn mà, ta chắc chắn, sẽ từ chối xuất bản Lolita vì không phải đúng kiểu sex họ cần. Khi sự thành công thương mại của một quyển sách đã thành sự thật nhãn tiền, thật dễ bôi ra một cái cớ thuyết phục giải thích cho sự nhiệt tình của công chúng. Nhưng, trước khi sự thật này diễn ra, cái giới này vẫn hết sức thần bí, may rủi bấp bênh, và không tài nào lường trước được.
Ví dụ, người ta đã ước tính được những bài điểm sách trên tạp chí Time có lượng độc giả lớn nhất, khoảng gần năm triệu lượt đọc mỗi tuần, và cũng có ý kiến đề xuất rằng nhiều nhà xuất bản cảm thấy bằng cách này hay cách khác những bài điểm sách trên tờ Time không hề ảnh hưởng đến doanh thu! Trước bí ẩn này, một số nhà xuất bản đã kết luận rằng người đọc tờ Time, sau khi biết được quan điểm của tờ Time về một quyển sách, bèn cảm thấy rằng bằng một cách nào đó mình cũng đã đọc quyển sách này rồi, hay nếu không phải đã đọc rồi, thì cũng đã tham gia vào, đã trải nghiệm nó như một “sự thật của thời đại chúng ta.” Họ không còn cảm thấy cần phải mua sách cũng như chẳng cần phải đi đến Washington để tận mắt xem công trình mới nhất của Chính quyền Đảng Cộng hòa.
Trong một thế giới như giới sách vở nơi mà mọi thứ đều góc cạnh và không thể kiểm soát nổi, hồ như không hề có một nhu cầu thực thụ đối với những bàn tay đang tranh nhau ra sức nhào nặn nó thành cục bơ nhỏ béo bở mỗi tuần. Những nhà phê bình thích nghi tốt, những bình luận viên trung dung, điềm tĩnh có thể sống sót một cách dễ hiểu trên những tờ báo địa phương. Nhưng đối với các ấn phẩm ở các đô thị lớn, văn bất thường, văn khó khăn, văn dài dòng, văn không khoan nhượng, và trên tất cả, văn thú vị, nên hy vọng tìm được độc giả của mình.
1959
Aimei Lee dịch
(Tranh: Book transforming itself into a nude woman của Salvador Dalí)
Chấm sao chút:
Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3
Cô gái bàn bên