Thời gian đọc: 7 phút

So với các cuộc tranh tài văn học, Paris có công việc nhẹ nhàng và dễ dàng hơn hẳn. Dưới sự chỉ đạo của Zeus, chàng chỉ việc chấm xem ai là người đẹp nhất giữa bà Hera giàu có, Athena thông minh và Aphrodite xinh đẹp, và đã trao giải cho Aphrodite nhờ tố chất mà cả các vị nữ thần kia cũng phải tâm phục khẩu phục. Không có tiêu chí nào rõ ràng và hiển nhiên như thế đối với những quyển sách xếp hàng chờ đánh giá, mặc cho những tiêu chí và hạn chế được quy định bởi mỗi giải thưởng văn học bất kỳ. Thật ra thì, những tiêu chí này chẳng mang lại được tác dụng gì. Dù đó là chọn “tác phẩm Anh ngữ hay nhất từ mọi thể loại” (Giải Whitbread), tiểu thuyết đầu tay của tác giả trên 40 tuổi hay nhất (Giải McKitterick), tác phẩm hay nhất của tác giả nữ viết bằng tiếng Anh (giải Orange), giải sách hay nhất do các thủ thư toàn cầu lựa chọn (Giải IMPAC) hay, theo lời Giải Man Booker Quốc tế là “thành tựu trong văn học” của tác giả còn sống và có bản tiếng Anh, công việc này lúc hay nhất thì tuỳ hỷ mà lúc dở nhất thì bất khả thi. Không có độc giả nào, dù kinh nghiệm đầy mình đến mấy, có thể tự tin trao vương miện cho chỉ một nữ hoàng văn chương tuyệt đối.

Sự thật là mỗi cuộc tranh tài văn học đều mang ít nhiều dáng dấp của những câu hỏi phỏng vấn đã cũ, dễ khiến ban giám khảo ngọ nguậy. “Nếu chỉ được chọn một quyển sách để mang lên hoang đảo, anh sẽ chọn quyển gì?” Câu trả lời có từ đĩnh đạc trịnh trọng (“Kinh Thánh”, Ian Paisley cho hay) đến lồng lộn (“cẩm nang đóng thuyền”, theo lời G. K. Chesterton), và cuối cùng mỗi lựa chọn này lại khiến ta rõ thêm cá tính của mỗi người chọn hơn là chất lượng của quyển sách được chọn. Tự nhủ lời khuyến cáo này trong đầu, tôi đồng ý trở thành một trong ba vị giám khảo Giải Man Booker Quốc tế lần đầu tiên, cùng với John Carey, nguyên-Giáo sư Merton chuyên ngành Văn học Anh tại Đại học Oxford và tác giả nhiều đầu sách mang tính cách mạng về phê bình văn học, và Azar Nafisi tác giả quyển Đọc Lolita ở Tehran đã trở thành bom tấn xuất bản quốc tế.

Buổi họp mặt đầu tiên của chúng tôi rất chi sơ bộ theo mọi nghĩa. Thay vì cố gắng định nghĩa xem “thành tựu trong văn học” mà Uỷ Ban Booker đặt ra (những từ vựng chuyên ngành phê bình và những lý thuyết về thẩm mỹ học chán ngán kéo mây mù giăng lối), chúng tôi thử lập ra một dạng catalogue những quyển mình yêu thích. Mỗi người đưa ra tầm 20 đến 30 cái tên mà mình tin là đỉnh cao, và tò mò thay có những cái tên không hẹn mà cùng được nhắc đến. Ta nhanh chóng nhận ra Joyce của độc giả này là Grisham của độc giả kia (và ngược lại) và rằng nếu ở ngay giai đoạn chớm nở này đã cần có sự so sánh, thì chẳng sớm thì muộn chúng tôi sẽ cãi nhau như Nữ Hoàng Đỏ của Alice: “Núi với đồi à, bà đây sẽ cho ngươi biết núi với đồi là gì so với thứ thung lũng kia.” Không thung lũng nào đã bị xóa sổ khỏi bản đồ của chúng tôi, mà thay vào đó được liệt vào một “danh sách lưu trữ” nhằm phục vụ mục đích soi sáng và hỗ trợ cho các vị giám khảo tương lai.

Những quyển yêu-thích duy nhất bị loại (vì những lí do ngoài phạm vi văn chương) đến từ các vị tác giả mà chúng tôi tin rằng là nhóm quan trọng hàng đầu nhưng không thể tìm được bản dịch tiếng Anh. Ngày nay, nếu biết Tây Ban Nha, Pháp, Ý hay Đức hay bất kì ngoại ngữ nào và bước vào hiệu sách ở địa phương, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy một loạt mẫu thử những quyển sách quan trọng được viết ở bất kì nơi đâu trên thế giới. Bạn sẽ thấy ở Trung Quốc người ta đang tưởng tượng ra điều gì, ở Hàn Quốc người ta đang kể chuyện gì, ở Tây Ban Nhà và các nước trên bán đảo Scandinavia người ta đang tái sáng tạo tiểu thuyết gì, và thể loại văn học gì đang được sáng tác trên bán đảo Balkan. Nếu bạn không biết gì ngoài tiếng Anh, lựa chọn của bạn sẽ bị hạn chế trong một nhóm các nhà xuất bản hiếm hoi còn lại vẫn đang cố gắng tìm tòi vượt biên giới ngôn ngữ của mình, một giống loài đã suy thoái từ thuở hạ bệ Christopher Maclehose và triệt sản nhà xuất bản Harvill. Nhờ áp dụng quy luật siêu thị vào ngành công nghiệp xuất bản, độc giả tiếng Anh thành ra thiếu thốn đại đa số những quyển sách hay không viết bằng tiếng Anh. Quyết định này 50 hay 60 năm trước sẽ có nghĩa là, đối với người đọc tiếng Anh, không Kafka, không Camus, không Calvino, không Borges. Ngày nay nó có nghĩa là trong danh sách đề cử các tác giả hàng-đầu chúng tôi phải xoá tên những Peter Handke, Antonio Lobo Antunes, Michel Tournier, Rachid Boudjedra, Mohamed Choukri, Christoph Ransmayr, Fernando Vallejo, Nguyễn Huy Thiệp, Pascal Quignard và Christa Wolf — tất cả những cái tên này đều chưa được dịch sang tiếng Anh hoặc đã được dịch nhưng bị đẩy vào đường cùng tuyệt bản. Trong những hoàn cảnh như thế, lựa chọn của chúng tôi chỉ sót lại những tác giả may mắn thay còn có mặt trên thị trường.

Dẫu vậy, chúng tôi đồng lòng bước tiếp. Đôi khi một tác giả được đề cử còn quá mới lạ, và thế là chúng tôi mất mấy tháng thú vị để khám phá vùng đất mới. Đôi khi có người trong nhóm nhắc đến một cái tên mà hai người còn lại đơn giản đã quên mất, và chúng tôi lại thả mình trong niềm hân hoan đọc lại những người quen cũ. Cuối cùng chúng tôi cũng lập ra được một danh sách gồm 60 cái tên mà – chủ yếu vì vấn đề thời gian và thiếu nghị lực – đã giảm xuống còn 30. Trong mỗi cuộc họp chúng tôi cứ bàn đi xét lại và cuối cùng dừng lại ở con số 18. Rồi công việc chính thức bắt đầu.

Margaret Atwood, Saul Bellow, Gabriel García Márquez, Günter Grass, Ismail Kadaré, Milan Kundera, Stanislaw Lem, Doris Lessing, Ian McEwan, Naguib Mafouz, Tomas Eloy Martinez, Kenzaburo Oe, Cynthia Ozick, Philip Roth, Muriel Spark, Antonio Tabucchi, John Updike và A. B. Yehoshua: làm sao để quyết định xem ai, giữa những nhà tiên phong soi đường dẫn lối này, là người đã cống hiến nhiều nhất cho nghệ thuật văn chương? Trong lúc bàn cãi, chúng tôi nghe tin cụ Bellow đã mất.” Sống đủ lâu và anh sẽ nhận được hết giải thưởng,” Mavis Gallant từng nói. Chúng tôi không muốn tham gia vào cuộc tranh đua đậm tính Darwin như vậy.

Trong hoàn cảnh bình thường, người đọc đâu biết họ may mắn cỡ nào khi được đọc sách mà không bị kìm kẹp trong những giới hạn so sánh, có thể yêu thích quyển này hôm nay và quyển kia hôm sau mà không bị buộc phải so đo Mr Pickwick với Mr Micawber, hay Emma Bovary với Anna Karenina. Không độc giả tinh thần tỉnh táo nào sẽ phiền tới chuyện phải phân biệt “thành tựu trong văn học” giữa hai quyển sách bất kì nào mình thích, ví dụ bằng một quyển sách bé nhỏ như Tristam Shandy, hay bằng bảy tập Đi tìm thời gian đã mất đồ sộ. Không độc giả nào khi mang sách lên giường ngủ phải nghĩ ngợi xem Chú lính thiếc có đáng nhớ hơn Cái trống thiếc không, hay liệu rằng The Hound of the Baskervilles có bằng Tess of the D’Urbevilles. Sung sướng biết bao nhiêu, độc giả không phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ ai và có thể nói đơn thuần rằng “Tôi thích quyển này” và “Tôi không thích quyển kia”, và thế thôi.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn còn ngồi trên ghế nóng và vì thế buộc phải giải thích những sự thiên vị này. Và tò mò thay, thay vì chế ra những tranh luận khả thi, một số suy xét có ích bắt đầu hiện hình và biến dạng thành những lý do sáng rõ. Đâu là tầm quan trọng của một quyển sách chúng tôi yêu mến, đâu là cảm xúc tò mò về sức phóng đại tưởng tượng mà những trang sách đem lại, cứ như thể những bức tường trong tâm tưởng được kéo dãn và sắp xếp lại, và những ô cửa sổ mở ra những tầm nhìn không ngờ đến? Tại sao một số quyển sách đưa chúng tôi về với những nơi chốn thân mật, khăng khít mà mình hiểu rõ, trong khi một số quyển lại đẩy chúng tôi ra những nơi rộng lớn hơn, khiến chúng tôi suy tư về hàng thế kỷ và bao nhiêu thế giới thay vì những tức khắc hiện tại và những căn phòng riêng? Làm sao mà một số quyển sách kết nối cuộc đời ta với những sự kiện không tuổi, tới ký ức về những câu chuyện cổ xưa; trong khi những quyển khác, khiêm tốn hơn, tức tốc hơn, lại khám phá thứ ta cho là điều kiện hiện tại của mình? “Hỏi thế gian thứ cảm xúc này là gì?” Rebecca West thốt lên sau khi đọc Vua Lear. May mắn thay, những cuộc trò chuyện của chúng tôi đã không kết thúc bằng những quyết định cuồng phong sấm chớp, mà chỉ là cảm giác – một cảm giác tốt hơn – về thứ mà ta đang đi tìm kiếm, thứ “thành tựu trong văn học” đó, thứ mà với chúng tôi bắt đầu mang nghĩa một kim chỉ nam giúp ta hiểu rõ hơn về thế giới.

Buộc phải tìm ra một lựa chọn duy nhất, mỗi vị giám khảo (có lẽ kể cả Paris) chắc hẳn cảm thấy ít nhiều bất công bởi lẽ thay vì một cái tên tuyệt đối, chúng tôi luôn ưu tiên sự đa dạng, ưu tiên một chuỗi những khả năng, khả thể dành cho những thay đổi trong tâm trạng, những gu thưởng thức, những niềm yêu mến khác nhau. Không người đọc nào tự cho mình một đời chung thuỷ với một quyển sách. Danh sách rút gọn gồm 18 tên đó, chúng tôi thấy, mới chính là quyết định chân chính.

Cuối cùng, chúng tôi chọn nhà văn người Albania Ismail Kadaré. Mặc dù toàn bộ tác phẩm của ông chưa được dịch hết sang tiếng Anh (và nếu có thì cũng còn lại rất ít trên thị trường), lượng tác phẩm vẫn đủ cho thấy tài năng xuất chúng của ông trên cương vị một nhà văn sử thi mà những câu chuyện quá khứ vẫn không ngừng phản chiếu hiện thực khát máu của chúng ta như soi qua một tấm gương mờ. Kadaré là nhà thám hiểm những địa hình nỗi khổ nhân loại khác nhau, là một nhà văn nhận ra, trong hằng hà sa số những mâu thuẫn con người ta, những câu chuyện hài hước và khổ đau, hạnh phúc và phản bội, độc ác và vĩ đại, những câu chuyện chẳng thay đổi mấy từ thời Homer. Chúng tôi kết thúc hành trình đọc Kadaré và thấy bản thân thay đổi bởi những điều mình đã chứng kiến, với một cách nhìn và hiểu biết khác đi về thời gian và không gian. Như thế chắc là đủ.

Alberto Manguel

Ali Le dịch

Dịch từ bài: “Judging the Man Booker International Prize”

 

Chấm sao chút:

Đã có 5 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Ally Le
Website | Các bài viết khác

Cô gái bàn bên