Thời gian đọc: 27 phút

Thành công thương mại của tiểu thuyết thứ hai, Họa sĩ nơi phù thế (1986), đem lại cho Ishiguro tăm tiếng lớn ở xứ sở của ông – nước Anh – với tư cách là một “nhà văn Nhật”, một cái nhãn dán mà đến bây giờ ông vẫn chưa hoàn toàn rũ được, sau tám cuốn tiểu thuyết, một Booker, một Nobel và một tước hiệu Hiệp sĩ về văn học nghệ thuật của Hoàng gia Anh. Sốt ruột vì luôn bị đối xử như phát ngôn viên của nước Nhật, một nước Nhật ông không còn nhớ, một nước Nhật như một hư cấu dựng nên từ những mảnh ký ức chập chờn và sách vở cóp nhặt, ông chuyển qua lấy bối cảnh nước Anh cho cuốn sách tiếp theo của mình, Tàn ngày để lại (1989). Cuốn sách đã đạt giải Booker và cho đến nay vẫn được ca tụng là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông này đem lại hiệu quả ngược lại: người ta cho Ishiguro đã đem lại một mô tả trọn vẹn về tâm hồn Anh. “Không phải một nhà văn Anh thì không thể viết được cuốn sách này” là tình cảm thường đọc thấy trong nhiều bài điểm sách.

Đối với Ishiguro, một người có thể nói như Alexandre Dumas rằng lịch sử chỉ là cái đinh để ông treo bức tranh của mình về một điểm nào đó trong tâm hồn con người, làm nên tên tuổi với tư cách một tác giả “lịch sử” “hiện thực chủ nghĩa” khiến ông có chút phiền lòng. Vậy là từ cuốn sách tiếp theo, The Unconsoled (tạm dịch Khôn nguôi) (1995), ông quyết định đẩy hẳn nhân vật và thế giới khỏi thế giới hiện thực để không ai còn nghi ngờ gì nữa. Thời chúng ta mồ côi (2000) là một cuốn trinh thám pha chút phi lý diễn ra ở Thượng Hải, Mãi đừng xa tôi (2005) và Klara và mặt trời (2021) mang màu sắc khoa học giả tưởng nhưng trong một dòng thời gian thay thế, còn Người khổng lồ ngủ quên (2015) có dáng dấp fantasy nhưng thật ra không ai biết phải gọi nó là cái gì.

Khôn nguôi bắt đầu bằng một khung cảnh tương đối bình thường và lại hao hao một cuốn sách mỏng của Milan Kundera: một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới đến thăm và biểu diễn tại một thành phố nhỏ không tên ở châu Âu, nhưng thế giới hiện thực dần dần tan đi để cho “một phẩm tính thuộc về giấc mơ chiếm ưu thế” (Joseph Campbell). Cuốn sách 500 trang này, dày nhất trong sự nghiệp của Ishiguro tính đến nay, là một quả bom tấn gây chia rẽ những độc giả đang hâm mộ ông sau Tàn ngày để lại. Goodreads cho 3.56 sao. James Wood nói cuốn sách “đã đẻ ra một thể loại sách dở mà nó một mình một chiếu”. Nhưng một số người (trong đó có tôi) lại nghĩ đây là cuốn sách hay nhất của ông. Ít ra, nó cũng dễ đọc hơn Người khổng lồ.

Dưới đây là chương 1 cuốn sách.

– An Lý

 

Anh taxi có vẻ ngượng khi thấy chẳng có ai chờ đón tôi, không cả một người trực sau quầy lễ tân. Anh đi quanh sảnh khách sạn vắng hiu hắt, như thể mong lôi ra được một người nhân viên nấp sau cây cảnh ghế bành gì đấy. Cuối cùng, anh đặt hành lý của tôi xuống bên cửa thang máy, lẩm bẩm mấy lời tạ sự rồi cáo từ.

Sảnh cũng khá rộng rãi, đủ kê vài bàn cà phê xung quanh mà không có cảm giác chật chội. Nhưng trần nhà thì thấp, nhìn võng thấy rõ, cho một ấn tượng bức bí, và ngoài cửa nắng chói mà trong này vẫn ảm đạm. Chỉ ở gần quầy lễ tân mới có một vệt nắng tươi màu hắt trên tường, soi sáng một mảng ốp tường bằng gỗ tối màu cùng một kệ để tạp chí cả tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp. Tôi cũng nhìn ra chiếc chuông con màu bạc trên quầy, đang toan đi tới lắc chuông thì đâu đó sau lưng cửa mở, một người trẻ tuổi mặc đồng phục đi ra.

“Hân hạnh chào đón quý khách,” cậu ta uể oải nói, rồi đi ra sau quầy làm các thủ tục. Cậu ta có lầm bầm xin lỗi đã vắng mặt, nhưng một hồi lâu thái độ vẫn cẩu thả thấy rõ. Nhưng vừa khi tôi đọc tên, cậu ta giật nảy mình rồi thẳng người lên.

“Thưa ông Ryder, xin thứ lỗi cho tôi đã không nhận ra ông. Ông quản lý Hoffman hết lòng mong muốn được đích thân đón tiếp ông, nhưng không may là ông vừa mới phải đến một cuộc họp hết sức quan trọng.”

“Không vấn đề gì hết cả đâu. Tôi rất vui lòng chờ được gặp ông ấy sau.”

Cậu lễ tân hối hả điền các loại giấy tờ, vừa làm vừa lẩm bẩm rằng ông quản lý sẽ rất bực mình đã không có mặt lúc tôi đến. Hai lần liền, cậu ta nhắc lại rằng việc chuẩn bị cho “tối thứ Năm tới” đã khiến ông ta vất vả hơn mọi bận, khiến ông ta phải vắng mặt khỏi khách sạn nhiều hơn hẳn thông thường. Tôi chỉ gật đầu hòa theo, không lấy sức đâu ra hỏi han cho rõ chính xác thì có gì sắp xảy ra “tối thứ Năm tới”.

“À, mà ông Brodsky hôm nay tuyệt vời luôn,” cậu lễ tân nói, mặt sáng ngời. “Tuyệt vời thực sự. Sáng nay ông cho dàn nhạc diễn tập bốn giờ liền không nghỉ. Mà nghe ông ấy xem! Vẫn đang cần mẫn, một mình cố tìm ra cách đúng.”

Cậu ta chỉ về cuối sảnh. Mãi đến lúc đó tôi mới nhận ra có tiếng dương cầm đang chơi đâu đây trong tòa nhà, chỉ văng vẳng nghe qua tiếng xe cộ lâm râm ngoài kia. Tôi ngẩng đầu, chú ý nghe hơn. Người nào đó đang chơi đúng một đoạn nhạc ngắn – trích từ chương hai Thẳng đứng của Mullery – chơi đi chơi lại, chậm rãi và mê mải.

“Tất nhiên là nếu ông quản lý có ở đây,” cậu lễ tân vẫn nói, “hẳn ông đã mời ông Brodsky ra đây gặp ông. Nhưng tôi thì không biết nữa…” Cậu ta cười khẽ. “Tôi không biết có nên quấy quả ông ấy không. Ông biết đấy, nhỡ ông ấy đang tập trung như vậy…”

“Tất nhiên rồi, không sao đâu. Hãy để lúc khác.”

“Nếu ông quản lý có ở đây…” Cậu ta bỏ lửng rồi lại bật cười. Rồi, cúi người về phía tôi, cậu ta thì thầm: “Thưa ông, ông có tưởng tượng có những khách còn dám than phiền nữa? Vì chúng tôi đóng cửa phòng khách mỗi lần ông Brodsky cần đàn như thế này? Thật lạ lùng, có những người tư duy như vậy chứ! Hôm qua còn có cả hai người khách khiếu nại với ông Hoffman cơ đấy. Tất nhiên, mấy người đó lập tức bị chỉnh ngay thôi.”

“Hẳn là thế rồi. Anh nói là Brodsky nhỉ.” Tôi ngẫm nghĩ, nhưng cái tên chẳng nói lên gì với tôi cả. Rồi tôi nhận thấy cậu ta đang bối rối nhìn mình, bèn đáp vội: “Vâng, vâng. Tôi rất vui lòng sẽ được gặp ông Brodsky lúc nào đó.”

“Thưa ông, giá mà ông quản lý có ở đây…”

“Xin anh đừng lo ngại gì. Vậy thì nếu đã xong rồi, tôi rất mong được…”

“Vâng thưa ông. Hẳn là chuyến đi dài đã làm ông mệt lắm. Chìa khóa của ông đây ạ. Gustav ở đằng kia sẽ đưa ông lên phòng.”

Tôi quay lại nhìn, thấy một ông khuân vác già đang đợi ở đầu kia sảnh. Ông đứng sẵn trước cửa thang máy đã mở và nhìn vào trong thang vẻ ưu tư. Khi tôi đi lại gần, ông giật nảy mình. Rồi ông nhấc va li của tôi lên, hối hả theo tôi vào thang.

 

Trên đường thang máy đi lên, ông khuân vác già vẫn nắm chắc lấy cả hai cái va li, tôi nhìn rõ ông đỏ cả mặt vì ráng sức. Cả hai va li đều rất nặng, và tôi thực lòng lo sợ rằng ông sắp ngất xỉu ngay trước mặt; tôi nói:

“Bác thật tình nên đặt xuống thì hơn.”

“Thưa ông, tôi rất mừng vì ông đã nhắc đến chuyện này,” ông nói, và thật ngạc nhiên, giọng ông chẳng hề cho thấy cái nỗ lực đang đè lên ông. “Khi tôi mới vào nghề đã rất nhiều năm trước, tôi thường đặt hành lý của khách xuống sàn. Chỉ nhấc lên khi không thể làm khác. Khi đang di chuyển, đại khái vậy. Thực tế là, tôi phải nói, tôi đã dùng phương pháp đó trong mười lăm năm đầu làm việc ở đây. Và rất nhiều người khuân vác trẻ hơn trong thành phố vẫn còn dùng phương pháp này. Nhưng giờ đây sẽ không ai bắt được tôi đang làm vậy nữa đâu. Hơn nữa, chúng ta cũng không đi lên xa lắm, thưa ông.”

Chúng tôi tiếp tục đi lên trong im lặng. Rồi tôi nói:

“Vậy bác làm ở đây cũng lâu rồi nhỉ.”

“Đến giờ là hăm bảy năm rồi, thưa ông. Tôi đã có dịp chứng kiến nhiều điều. Nhưng tất nhiên, khách sạn này đã ở đây từ rất lâu trước khi tôi đến. Người ta bảo rằng Friedrich Đại đế đã từng trọ lại đây một đêm hồi thế kỷ mười tám, mà mọi nguồn đều khẳng định rằng khi đó đây đã là một quán trọ lâu đời. Vâng, đúng thế, nơi đây đã từng chứng kiến nhiều sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn qua các năm. Nếu có lúc nào ông không quá mệt, tôi sẽ rất mừng được kể một vài sự tích hầu ông.”

“Nhưng bác đang kể,” tôi nói, “vì sao bác lại nghĩ không nên đặt hành lý lên sàn.”

“À vâng,” ông khuân vác nói. “Đấy là một vấn đề thú vị. Thưa ông, như ông biết đấy, một thành phố như thành phố này có rất nhiều khách sạn. Có nghĩa là rất nhiều người trong thành phố này đã từng một lần trong đời thử qua nghề khuân vác. Rất nhiều người ở đây cứ tưởng rằng mặc đồng phục vào người là họ sẽ làm được việc. Một ảo tưởng đặc biệt sinh sôi trong thành phố này. Ông có thể gọi là một huyền thoại địa phương cũng được. Và tôi phải thú nhận rằng có hồi tôi cũng đã tin điều đó một cách không suy nghĩ. Rồi một lần – a, đã quá nhiều năm trôi qua rồi – vợ chồng tôi đi nghỉ một chuyến ngắn. Đi Thụy Sĩ, đến Lucerne. Giờ thì bà nó nhà tôi đã qua đời rồi, thưa ông, nhưng mỗi khi nghĩ đến bà ấy, tôi lại nhớ đến kỳ nghỉ ấy. Bên hồ ấy cảnh đẹp lắm. Hẳn là ông đã biết rồi. Sau bữa sáng chúng tôi lên thuyền dạo chơi quanh hồ rất vui thích. À, trở lại vấn đề tôi đang nói, trong kỳ nghỉ ấy tôi đã nhận thấy người ở thị trấn ấy không có những định kiến về người khuân vác như dân ở đây. Thưa ông, biết nói thế nào nhỉ? Ở đó người ta kính trọng người khuân vác hơn rất nhiều. Những người giỏi nhất, họ là những nhân vật có tiếng, các khách sạn hàng đầu tranh nhau mời họ về làm. Phải nói rằng tôi đã được mở mắt. Nhưng ở thành phố này thì, cái ý nghĩ ấy đã ăn sâu quá nhiều năm rồi. Thực sự có những lúc tôi băn khoăn liệu có bao giờ diệt trừ được nó. Mà, tôi không có ý nói rằng ở đây người ta có chút nào vô lễ với chúng tôi đâu. Không hề, tôi luôn được đối xử rất lịch sự và tôn trọng. Nhưng thưa ông, ông hiểu đấy, vẫn có cái ý tưởng rằng ai cũng có thể làm được công việc này nếu họ bỗng dưng muốn thế, nếu cái ý đó chợt nảy ra với họ. Tôi nghĩ chắc là vì trong thành phố này ai cũng đã từng trải qua kinh nghiệm mang hành lý từ nơi này sang nơi nọ. Và bởi vì họ từng làm thế, nên họ nghĩ làm khuân vác ở khách sạn chẳng qua chỉ là từ đó phát triển thêm. Thưa ông, qua nhiều năm tôi đã từng gặp nhiều người trong chính thang máy này nói với tôi: ‘Có khi đến một ngày tôi sẽ bỏ việc rồi đi khuân vác xem.’ Vâng, thế đấy. Thưa ông, đến một hôm – ngay ít lâu sau khi chúng tôi đi nghỉ ở Lucerne về – tôi đã gặp một trong những vị cố vấn thành phố hàng đầu nói gần như nguyên văn thế này với tôi: ‘Tôi cũng muốn làm việc này một ngày nào đó,’ ông ta chỉ mấy cái túi và nói với tôi. ‘Sống thế mới là sống chứ. Vô lo vô nghĩ.’ Tôi đoán là ông ấy đang muốn nói tốt với tôi, thưa ông. Ám chỉ rằng tôi sống một cuộc đời đáng ghen tỵ. Đấy là hồi tôi còn trẻ, thưa ông, hồi đó tôi không xách túi, tôi đặt trên sàn, trên chính sàn thang máy này đây, và chắc là hồi đó trông tôi cũng hơi hơi kiểu như vậy. Tức là thảnh thơi vô tư lự, như ông ấy nói đấy, thưa ông. À, thưa ông, tôi dám nói đấy là giọt nước cuối cùng. Tôi không muốn nói rằng những lời ấy, tự thân chúng làm cho tôi bực tức. Nhưng khi ông ấy nói vậy với tôi thì, kiểu như tất cả mọi thứ sáng bừng lên. Mọi thứ tôi đã suy nghĩ hồi lâu. Và như tôi vừa kể đấy, thưa ông, tôi vừa trở về từ kỳ nghỉ ngắn ở Lucerne và đã có nhìn nhận mới. Và tôi tự bảo với mình, chà, đã đến lúc giới khuân vác trong thành phố bắt tay vào thay đổi cái tư tưởng thịnh hành ở đây rồi. Thưa ông, chắc ông hiểu, tôi đã được chứng kiến điều mới lạ ở Lucerne, và tôi cảm thấy rằng, như vậy thì thật sự không đủ, cái lối ở đây ấy. Vậy nên tôi nghĩ kỹ và vạch ra một số biện pháp mà đích thân tôi sẽ thực hiện. Tất nhiên, hẳn là từ lúc đó tôi đã biết nó sẽ khó khăn đến thế nào. Tôi nghĩ chừng ấy năm về trước có lẽ tôi đã nhận ra có thể với thế hệ mình thì đã muộn rồi. Thì mọi sự đã đi quá xa rồi. Nhưng tôi đã nghĩ, dù cho tôi làm phần mình, có thể thay đổi mọi việc chỉ một chút thôi, thì ít nhất cũng sẽ dễ dàng hơn cho những kẻ sau tôi. Vậy là tôi thi hành các biện pháp ấy, thưa ông, và tôi đã quyết lòng duy trì, kể từ cái ngày ông cố vấn hội đồng thành phố nói vậy với tôi. Và tôi hãnh diện mà nói rằng một số người khuân vác khác trong thành phố cũng đã noi theo gương tôi. Không phải là họ thực hiện chính xác những điều mà tôi lựa chọn đâu. Nhưng có thể nói rằng họ cũng có những biện pháp tương đương như vậy.”

“Tôi hiểu rồi. Và một trong những biện pháp mà bác thực hiện là không đặt va li xuống mà vẫn cầm trên tay.”

“Chính xác là như vậy, thưa ông, ông đã hiểu ý tôi rất nhanh. Tất nhiên, phải nói là khi đặt ra những quy tắc ấy cho mình, tôi vẫn còn trẻ, còn khỏe hơn nhiều, và chắc là tôi đã không tính rằng mình sẽ yếu đi khi già đi. Nghe thì tức cười, thưa ông, nhưng chẳng ai nhớ đến điều đó cả. Các người khuân vác khác cũng có những phát biểu tương tự. Dù thế nào, chúng tôi cũng đều cố gắng giữ vững các quyết định trước kia. Từ bấy đến nay chúng tôi đã trở thành một nhóm khá thân thiết với nhau, mười hai người chúng tôi là những gì còn sót lại trong số những người ngày xưa đã muốn thay đổi thế giới. Nếu giờ đây tôi đổi ý về bất cứ vấn đề gì, tôi sẽ cảm thấy mình đang phụ lòng họ, thưa ông. Và nếu trong số họ có ai đổi ý về những quy tắc xưa, tôi cũng sẽ cảm thấy như vậy. Bởi vì, không nghi ngờ gì nữa, trong thành phố này đã có những tiến bộ riêng. Vẫn còn một chặng đường dài phải đi, vâng, nhưng chúng tôi vẫn thường luận bàn với nhau chuyện đó – chúng tôi vẫn gặp nhau mỗi chiều Chủ nhật hằng tuần ở quán Cà phê Hungary trong Phố Cổ, ông nên đến dự với chúng tôi, thưa ông, ông sẽ được nhiệt liệt đón chào – thì, chúng tôi vẫn thường bàn luận mấy việc ấy, và mỗi người trong chúng tôi đều nhất trí, không nghi ngờ gì nữa, đã có những cải thiện đáng kể trong thái độ của mọi người trong cái thành phố này đối với chúng tôi. Đám trẻ vào nghề sau chúng tôi, tất nhiên họ coi chuyện đó là lẽ dĩ nhiên rồi. Nhưng đám chúng tôi ở quán Hungary, chúng tôi biết rằng mình đã tạo ra thay đổi, dù chỉ là thay đổi nhỏ. Ông sẽ được nhiệt liệt đón chào ở chỗ chúng tôi, thưa ông. Tôi sẽ vui mừng được giới thiệu ông cùng với nhóm. Chúng tôi không còn mô phạm như ngày trước, và một thời gian gần đây chúng tôi đã hiểu với nhau rằng trong những trường hợp đặc biệt, bàn chúng tôi sẽ chấp nhận những người khách từ bên ngoài. Và vào thời điểm này trong năm chiều chiều có nắng êm dịu rất dễ chịu. Bàn chúng tôi đặt dưới bóng râm chỗ mái chìa, nhìn ra Quảng Trường Cổ. Dễ chịu lắm, thưa ông, tôi tin chắc là ông sẽ thích. Nhưng quay lại chỗ tôi đang nói dở, chúng tôi đã bàn luận đề tài này rất nhiều ở quán Cà phê Hungary. Ý tôi là bàn luận về những quy tắc mỗi người trong chúng tôi đã đặt ra chừng ấy năm trước. Ông hiểu không, chưa ai trong chúng tôi từng nghĩ điều gì sẽ xảy ra khi mình già đi. Chắc là chúng tôi đã quá mê mải với công việc của mình, nên chỉ suy nghĩ việc từng ngày một. Hoặc là chúng tôi đã đánh giá thấp thời gian cần để thay đổi những thái độ đã thâm căn cố đế kia. Nhưng thưa ông, cuối cùng là vậy. Giờ thì tôi đã đến tuổi này, và mỗi ngày lại một khó hơn.”

Ông khuân vác già ngưng một lát, và bất chấp nỗ lực đang khiến ông phải gồng lên, dường như vẫn đắm chìm trong suy nghĩ. Rồi ông nói: “Thưa ông, tôi phải thành thực với ông. Như thế cũng phải thôi. Ngày còn trẻ, khi tôi tự đặt ra những quy tắc ấy cho mình, tôi luôn luôn mang nhiều nhất ba cái va li dù có to nặng đến đâu. Nếu khách có bốn cái, thì cái thứ tư tôi sẽ đặt xuống đất. Nhưng ba cái thì tôi luôn lo được. Chà, thưa ông, sự thực là bốn năm trước tôi có bị ươn người một thời gian, làm thế trở nên khó khăn, nên chúng tôi có bàn luận ở quán Cà phê Hungary. Chà, rốt cuộc thì, tất cả đồng sự của tôi đều nhất trí rằng tôi không cần phải nghiêm khắc với mình như thế. Suy cho cùng, họ nói, vấn đề chỉ là làm sao khiến cho khách có được ấn tượng nào đó về bản chất thực của việc chúng tôi làm. Hai hay ba chiếc va li thì hiệu ứng cũng tương tự nhau. Tôi cần giảm bớt mức trần của tôi xuống hai chiếc, như vậy là sẽ ổn cả. Tôi chấp nhận nhận xét của họ, thưa ông, nhưng tôi biết rằng không hẳn là như vậy. Tự tôi cũng thấy được hiệu ứng không hề giống nhau chút nào khi người ta nhìn thấy tôi. Sự khác nhau khi nhìn thấy một người khuân vác mang hai cái túi và người khuân vác mang ba cái túi, thưa ông, ông phải thừa nhận rằng cả với những kẻ quan sát thiếu kinh nghiệm nhất, thì hiệu ứng cũng khác nhau rõ rệt. Tôi biết vậy, thưa ông, và tôi không ngại tỏ với ông rằng tôi chấp nhận điều đó rất đau đớn. Nhưng quay lại vấn đề tôi đang nói. Tôi hy vọng giờ ông đã hiểu vì sao tôi không muốn đặt túi của ông xuống sàn. Ông chỉ có hai túi. Ít nhất trong vài năm nữa thì hai túi vẫn còn nằm trong sức của tôi.”

“À, thật là đáng khen,” tôi nói. “Hẳn nhiên là bác đã tạo ấn tượng cần thiết cho tôi rồi.”

“Tôi cần nói với ông rằng, thưa ông, tôi không phải là người duy nhất cần phải có điều chỉnh. Chúng tôi có bàn bạc điều này nhiều ở quán Hungary và sự thực là tất cả mọi người trong đám chúng tôi đều đã phải điều chỉnh gì đó. Nhưng tôi không muốn ông nghĩ rằng chúng tôi cho phép nhau bỏ bê các tiêu chuẩn đâu. Nếu chúng tôi làm thế, mọi công sức bấy nhiêu năm sẽ đổ sông bể hết. Chúng tôi sẽ nhanh chóng thành trò cười của mọi người. Người qua kẻ lại sẽ cười nhạo khi thấy chúng tôi tập trung quanh bàn các chiều Chủ nhật. Không hề, thưa ông, chúng tôi vẫn rất nghiêm khắc với nhau, và như tôi đoan chắc cô Hilde sẽ xác nhận cho tôi, dân ở đây đã trở nên kính trọng những buổi họp ngày Chủ nhật của chúng tôi. Như tôi nói đấy, thưa ông, ông sẽ được nhiệt liệt đón chào ở chỗ chúng tôi. Cả quán cà phê lẫn quảng trường đều dễ chịu không tả xiết vào những buổi chiều có nắng như thế này. Và đôi khi ông chủ quán còn mời các tay vĩ cầm digan chơi trên quảng trường nữa. Chính ông chủ quán ấy, thưa ông, cũng vô cùng kính trọng chúng tôi. Quán cà phê không lớn, nhưng lúc nào ông ấy cũng lo sao cho chúng tôi được ngồi ở bàn mình rộng rãi thoải mái. Dù cho cả quán có bận tíu tít đi chăng nữa, ông cũng không để cho chúng tôi chật chội hay bị quấy quả. Cả vào những buổi chiều bận rộn nhất, nếu tất cả đám chúng tôi ngồi quanh bàn cùng một lúc duỗi dài hai tay quơ xung quanh, cũng sẽ không có ai động vào ai. Ông chủ quán kính trọng chúng tôi đến như thế đấy, thưa ông. Tôi đoan chắc cô Hilde sẽ xác nhận lời tôi nói.”

“Xin thứ lỗi,” tôi nói, “nhưng cô Hilde mà bác cứ nhắc đến này là ai thế?”

Vừa nói đến đó, tôi chợt nhận ra ông khuân vác đang nhìn ra đâu đó đằng sau tôi. Tôi quay lại và giật mình nhận thấy trong thang máy không chỉ có hai chúng tôi. Một người phụ nữ trẻ, nhỏ nhắn, mặc bộ vét gọn gàng đang đứng ép người vào góc buồng thang đằng sau tôi. Thấy rằng rốt cuộc tôi cũng nhận thấy mình, cô cười và bước lên một bước.

“Tôi xin lỗi,” cô nói với tôi, “hy vọng ông không nghĩ tôi nghe lỏm, nhưng tôi không khỏi để lọt câu chuyện vào tai. Tôi có nghe thấy Gustav kể gì với ông, và phải nói rằng ông ấy khá bất công với mọi người ở thành phố này. Ý tôi là, khi ông nói chúng tôi không biết quý trọng các phu khuân vác khách sạn của mình. Tất nhiên là có chứ, và chúng tôi quý trọng nhất chính là ông Gustav đây. Tất cả mọi người đều yêu mến ông. Ông thấy đó, ngay cả lời ông ấy vừa kể với ông đã mâu thuẫn rồi. Nếu chúng tôi không biết quý trọng thì ông giải thích làm sao mà quán Hungary lại kính trọng các ông như vậy? Thật tình, Gustav ạ, ông vẽ ra bức tranh như vậy về tất cả chúng tôi với ông Ryder thật là không phải lắm.”

Lời cô nói ra bằng một giọng hiển nhiên là trìu mến, nhưng ông khuân vác có vẻ hổ thẹn thực sự. Ông cựa mình để né ra xa chúng tôi, khiến hai cái va li nặng va vào cạnh chân, và thèn thẹn nhìn đi chỗ khác.

“Đấy, phải thế ông mới biết,” người phụ nữ trẻ mỉm cười nói. “Nhưng ông là một trong những người tốt nhất ở đây. Chúng tôi ai cũng quý mến ông. Ông ấy khiêm tốn lắm, nên chẳng đời nào nói với ông đâu, nhưng mọi người khuân vác tại các khách sạn khác trong thành phố này ai cũng ngưỡng mộ ông ấy. Thực tế là nói họ kính sợ ông cũng không sai nữa kìa. Đôi lúc ta thấy họ đang ngồi quanh bàn chiều Chủ nhật, và nếu Gustav chưa đến thì họ còn không nói chuyện. Ông hiểu không, họ cảm thấy nếu bắt đầu họp khi chưa có ông ấy sẽ là bất kính. Rất thường thấy họ ngồi đó, mười hay mười một người, lặng lẽ chờ đợi bên cốc cà phê. Nhiều lắm thì họ chỉ thỉnh thoảng thì thào với nhau, như là trong nhà thờ ấy. Nhưng phải đợi đến khi Gustav tới thì họ mới giãn ra và bắt đầu nói chuyện. Rất đáng đi tới quán Hungary chỉ để thấy cảnh Gustav bước vào. Trước và sau đó có sự đổi khác rõ rệt, tôi cam đoan với ông như vậy. Một phút trước, một dãy ông già ngồi buồn hiu lặng lẽ bên bàn. Rồi Gustav hiện ra, thế là tất cả bắt đầu huyên náo cười đùa. Họ thụi đùa nhau, họ vỗ lưng nhau. Có khi họ còn nhảy múa nữa, vâng, nhảy trên mặt bàn ấy! Họ còn có một ‘điệu nhảy phu khuân vác’ hẳn hoi, phải không Gustav? Vâng, họ vui vẻ hoạt náo lắm. Nhưng trước khi Gustav hiện ra thì không hề. Tất nhiên ông ấy không kể với ông mấy chuyện đó đâu, ông ấy khiêm tốn quá mà. Ở thành phố này chúng tôi ai cũng quý mến ông cả.”

Trong lúc người phụ nữ trẻ đang nói, chắc Gustav đã dần dần quay đi xa hơn, vì tới khi tôi lại nhìn thì ông đã quay mặt vào góc buồng thang đối diện, quay lưng về phía chúng tôi. Sức nặng của hai cái va li khiến đầu gối ông sụm xuống còn vai thì rung rung. Đầu ông gục hẳn xuống đến nỗi gần như biến khỏi mắt chúng tôi bên kia lưng, nhưng đấy là vì ngượng ngùng hay vì gắng sức thì tôi chịu.

“Xin lỗi ông, ông Ryder,” người phụ nữ trẻ nói. “Tôi còn chưa tự giới thiệu. Tôi là Hilde Stratmann. Tôi đã được giao nhiệm vụ lo sao cho mọi việc đều ổn thỏa trong thời gian ông nghỉ lại đây với chúng tôi. Tôi rất mừng là cuối cùng ông cũng đã đến nơi. Tất cả chúng tôi đều đã bắt đầu hơi lo lắng. Sáng nay ai cũng đợi lâu hết mức có thể, nhưng nhiều người có những cuộc hẹn quan trọng và phải lần lượt đi. Vậy là cuối cùng đến lượt tôi, chỉ là một nhân viên quèn của Viện nghệ thuật thành phố, có trách nhiệm bày tỏ với ông rằng tất cả chúng tôi đều thật vinh hạnh được ông đến thăm viếng.”

“Tôi rất vui được tới đây. Nhưng còn chuyện sáng nay. Có phải cô vừa nói…”

“Ôi, xin ông đừng lo lắng gì về sáng nay hết, ông Ryder. Không ai bực dọc chút nào đâu. Quan trọng là ông đã ở đây rồi. Ông Ryder, ông biết không, riêng có một việc tôi có thể tuyệt đối đồng ý với Gustav, đấy là khu Phố Cổ. Khu phố đúng là xinh xẻo hết mức và tôi luôn khuyên khách nghỉ ở đây tới đó chơi. Không khí ở đó tuyệt lắm, đầy những quán cà phê ngoài trời, rồi cửa hàng đồ thủ công và nhà hàng các thứ. Từ đây đi bộ một lúc là tới, nên nếu lịch trình hở ra chỗ nào ông nên đi ngay được là tốt nhất.”

“Chắc chắn là tôi sẽ cố đi rồi. Tiện đây, cô Stratmann ạ, cái lịch trình ấy mà…” Tôi cố ý ngưng lại thấy rõ, và nghĩ cô gái sẽ thốt lên rằng mình quên, có thể còn mở cặp táp rút ra một tờ giấy hay cặp tài liệu nữa. Nhưng dù cô quả có nhanh chóng chen ngang, cô lại nói thế này:

“Lịch của ông dày đặc thật, quả có thế. Nhưng tôi hy vọng cũng không đến nỗi quá quắt lắm. Chúng tôi vẫn cố chỉ giữ những mục tuyệt đối cần thiết thôi. Chúng tôi bị lụt luôn, cố nhiên, bao nhiêu là hiệp hội, tòa báo địa phương, ai cũng muốn chen vào. Ở thành phố này mọi người mê ông lắm, ông Ryder ạ. Rất nhiều người tin rằng ông không chỉ là nghệ sĩ dương cầm hàng đầu thế giới trong những người còn sống, mà thậm chí có thể là bậc đại tài của thế kỷ. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng cuối cùng thì cũng đã gọt được chỉ còn những mục cần thiết nhất. Tôi đảm bảo rằng sẽ không có gì khiến ông không vui quá đâu.”

Đúng vào lúc này, cửa thang máy mở và ông khuân vác già bước ra đi theo hành lang. Hai chiếc va li khiến ông phải lê chân trên sàn, và cô Stratmann cùng tôi đi phía sau phải ghìm bước khỏi vượt qua ông.

“Tôi thật sự hy vọng rằng không ai bị phật lòng,” tôi vừa đi bên cô vừa nói, “ý tôi là về chuyện tôi không để dành lịch cho họ được.”

“Ồ không, xin ông đừng lo. Chúng tôi đều biết ông đến đây làm gì và không ai muốn mang lấy tiếng chính mình đã chiếm dụng thời gian của ông đâu. Thực ra là, ông Ryder ạ, ngoài hai cuộc gặp xã giao tương đối quan trọng ra thì mọi mục khác trong lịch trình đều liên quan không nhiều thì ít tới tối thứ Năm tới. Tất nhiên, đến giờ chắc là ông đã kịp xem qua chương trình của ông rồi.”

GIọng cô khi thốt ra câu cuối cùng kia có một vẻ gì đó khiến tôi khó mà đáp lại hoàn toàn chân thành được. Vậy nên tôi chỉ lầm bầm, “Vâng, tất nhiên.”

“Lịch trình quả có nặng thật. Nhưng chúng tôi đã hết sức làm theo yêu cầu của ông, giúp cho ông được tận mắt chứng kiến càng nhiều càng tốt. Tôi xin nói rằng đấy là một lối tiếp cận rất đáng tuyên dương.”

Đằng trước chúng tôi, ông khuân vác già đứng lại trước một cánh cửa. Cuối cùng ông cũng hạ va li của tôi xuống, đang hí hoáy ổ khóa. Khi chúng tôi lại gần, Gustav lại nhấc va li lên rồi loạng choạng xách vào phòng, vừa đi vừa nói: “Xin ông đi theo tôi, thưa ông.” Tôi đang định đi theo thì cô Stratmann đặt tay lên tay tôi.

“Tôi không giữ ông lâu đâu,” cô nói. “Nhưng tôi chỉ muốn xác nhận lại ngay từ bây giờ nếu trong lịch trình có bất kỳ mục nào làm ông không hài lòng.”

Cửa đóng lại, chúng tôi đứng trơ ngoài hành lang.

“À, cô Stratmann ạ,” tôi đáp, “về tổng thể thì tôi thấy… thấy chương trình hết sức cân đối.”

“Chính là vì nghĩ đến yêu cầu của ông mà chúng tôi đã xếp lịch gặp gỡ Nhóm Hữu Ái Công Dân. Nhóm Hữu Ái gồm toàn những người bình thường thuộc mọi cảnh sống khác nhau, có điểm chung là cảm giác mình đang chịu khổ từ cuộc khủng hoảng hiện tại. Ông sẽ được nghe tận tai những gì một vài người đã phải trải qua.”

“À vâng. Như thế hẳn là rất hữu ích rồi.”

“Và như ông chắc đã nhận thấy, chúng tôi cũng đã đáp ứng yêu cầu của ông được gặp chính ông Christoff. Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi hết sức thông cảm với những lý do khiến ông yêu cầu cuộc gặp đó. Về phần mình, ông Christoff cũng rất vui mừng, chắc ông cũng hiểu. Dĩ nhiên ông ấy cũng có những lý do riêng mong được gặp ông. Tất nhiên ý tôi muốn nói rằng ông Christoff và bạn hữu sẽ làm hết sức mình mong thuyết phục ông nhìn nhận sự việc theo ý họ. Dĩ nhiên họ sẽ toàn nói hươu vượn, nhưng tôi tin rằng ông sẽ thấy hữu ích, giúp ông hình dung tổng thể tình hình lâu nay ở đây. Ông Ryder ạ, trông ông mệt mỏi quá rồi. Tôi không giữ ông thêm nữa đâu. Danh thiếp của tôi đây. Nếu ông có bất kỳ câu hỏi hay vấn đề gì, xin đừng ngại ngần mà gọi tôi ngay lập tức.”

Tôi cảm ơn cô và nhìn cô đi xa dần trên hành lang. Khi vào phòng, tôi vẫn còn đang ngẫm ngợi các hàm ý từ đoạn hội thoại này, và mất một phút mới nhận ra Gustav đang đứng cạnh giường.

“A, thưa ông, ông đã vào.”

Sau khi đi qua tòa nhà mà nội thất áp đảo là gỗ ốp tối màu, tôi sửng sốt khi thấy căn phòng có vẻ rất sáng sủa hiện đại. Bức tường trước mặt tôi gần như lắp kính toàn bộ, ánh nắng hiền hòa chiếu vào giữa các khe rèm lá dọc treo trên tường. Va li của tôi đã nằm bên nhau cạnh tủ áo.

“Thưa ông, nếu ông dành ra một khắc,” Gustav nói, “tôi xin phép được giới thiệu cho ông bài trí căn phòng. Như thế ông sẽ nghỉ lại ở đây được thoải mái hết sức có thể.”

Tôi theo Gustav đi quanh phòng, nghe ông hướng dẫn vị trí công tắc đèn và các vật dụng khác. Có một lúc ông còn dẫn tôi vào phòng tắm và tiếp tục hướng dẫn. Tôi đã định ngắt lời ông như vẫn làm mỗi lần được người khuân vác ở khách sạn nào giới thiệu phòng, nhưng cách ông thực hiện nhiệm vụ của mình có cái vẻ chuyên cần, cố gắng của ông nhằm biến việc mỗi ngày ông làm cả mấy lần này thành một trải nghiệm cá nhân dành cho tôi có cái vẻ nỗ lực tới mức tôi có thấy cảm động và không thể ngưng ông lại được. Và rồi, trong lúc ông vẫn tiếp tục hướng dẫn, huơ tay về phía góc phòng này hay bức tường kia, tôi chợt nhận ra rằng đằng sau tất cả cái vẻ chuyên nghiệp kia, đằng sau mong muốn thực lòng của ông là thấy tôi được thoải mái kia, vẫn có một vấn đề đã khiến ông day dứt cả ngày nay giờ đã lại nổi lên choán hết ưu tiên trong suy nghĩ ông. Nói cách khác, ông lại bắt đầu lo âu về cô con gái cùng cậu bé con cô.

Mấy tháng trước, khi cô đề xuất ra chương trình đó, Gustav chẳng thể ngờ điều đó sẽ không chỉ đem lại cho ông nỗi vui sướng không gì pha trộn. Mỗi tuần một lần vào buổi chiều, ông sẽ dành vài giờ đi dạo quanh Phố Cổ với cậu cháu ngoại, để cho Sophie có chút thời gian được ở yên thoải mái một mình. Thêm nữa, kế hoạch đó đã ngay lập tức thành công rực rỡ, và chỉ sau mấy tuần hai ông cháu đã hình thành một thói quen khiến cả hai đều rất vui thích. Chiều nào không mưa thì họ bắt đầu ở công viên có xích đu, Boris sẽ biểu diễn cho ông những màn mạo hiểm mới nhất của mình. Nếu trời ẩm ướt thì sẽ đến bảo tàng tàu thuyền. Sau đó hai người đi dạo quanh những đường phố nhỏ trong Phố Cổ, ngắm nghía các cửa hàng lưu niệm, có thể còn dừng chân ở Quảng Trường Cũ xem một người diễn kịch câm hay nhào lộn. Bởi ông khuân vác già được quen mặt biết tên khắp cả khu này nên cứ đi vài bước lại có người chào họ, và Gustav được nghe bao nhiêu lời khen cậu cháu cưng. Tiếp đó hai người đi ra cầu cổ xem thuyền bè trôi bên dưới. Kết thúc cuộc du hành là quán cà phê yêu thích của hai người, hai ông cháu sẽ gọi bánh hay kem ngồi đợi Sophie về.

Ban đầu, những cuộc dạo chơi nho nhỏ đó khiến Gustav vui lòng không sao tả xiết. Nhưng càng gặp gỡ nhiều cô con gái và cậu cháu trai, ông càng buộc phải nhận thấy những điều mà xưa kia có thể ông đã gạt đi, cho tới khi không còn có thể vờ như tất cả đều êm đẹp nữa. Chẳng hạn là vấn đề tâm trạng chung của Sophie. Mấy tuần đầu tiên, cô đã rất vui vẻ từ giã cha và con trai, hối hả chạy đi về phía trung tâm thành phố để mua sắm hay hẹn hò bạn bè nào đó. Nhưng gần đây cô lại thường ủ rũ bỏ đi, như thể không biết làm gì một mình. Thêm nữa, còn có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy rắc rối của cô, dù có là gì, đã bắt đầu ảnh hưởng đến Boris. Phải, đúng là nói chung cậu cháu nội vẫn phấn chấn vui tươi như trước. Nhưng ông khuân vác già đã nhận ra thi thoảng, nhất là khi nhắc đến chuyện hai mẹ con sống thế nào, gương mặt bé bỏng kia sẽ thoáng bóng mây. Rồi hai tuần trước đã xảy ra một việc mà từ đó đến nay ông khuân vác già vẫn chưa thể gạt khỏi đầu mình được.

Ông đang đi bên Boris qua một trong vô số quán cà phê khu Phố Cổ thì thình lình nhận ra con gái mình ở trong quán. Mái hiên che bóng cửa kính nên có thể nhìn sâu vào bên trong, và có thể thấy rõ Sophie ngồi một mình, trước mặt là cốc cà phê, gương mặt lộ vẻ buồn nản cùng cực. Nhận ra rằng cô còn không có sức lực để đi xa khỏi khu Phố Cổ – đấy là chưa nói đến vẻ mặt cô – khiến ông già khá choáng váng, choáng váng đến mức phải một lúc sau ông mới nghĩ ra cần đánh lạc hướng cậu bé con. Quá muộn rồi: Boris nhìn theo ánh mắt ông ngoại, đã nhìn thấy rành rành mẹ mình trong kia. Thằng bé đã lập tức ngoảnh đi và hai ông cháu tiếp tục đi dạo mà không hề nhắc đến chuyện vừa qua. Boris chỉ mấy phút sau đã lấy lại vẻ phấn khích, nhưng sự việc đó vẫn cứ làm ông bận lòng ghê gớm, và từ đó đến nay ông đã suy đi nghĩ lại nhiều lần. Thực tế là chính vì nhớ lại việc này mà ông đã mang vẻ ưu tư như vậy khi ở tiền sảnh, và giờ lại phiền muộn lại khi giới thiệu căn phòng cho tôi.

Tôi đã trở nên mến ông già và cảm thấy thương cảm ông hết mực. Hiển nhiên ông đã âu sầu mấy chuyện này đã lâu rồi, và giờ có nguy cơ những lo lắng ấy sẽ thổi phồng lên không cần thiết. Tôi đã nghĩ hay là chủ động nhắc đến đề tài ấy với ông, nhưng rồi khi Gustav kết thúc bài giới thiệu, cảm giác mệt mỏi vẫn thoáng chốc trỗi lên từ khi tôi xuống máy bay lại đổ ập về. Quyết định sẽ đề cập chuyện này với ông một lúc khác, tôi từ biệt ông với một món thưởng thật hậu.

 

Sau khi cánh cửa đóng lại sau lưng ông, tôi để nguyên quần áo đổ sầm lên giường và một lúc lâu chỉ đờ đẫn ngó trần nhà. Thoạt tiên trong đầu tôi vẫn ngập đầy những ý nghĩ về Gustav cùng những lo âu đủ kiểu của ông. Nhưng rồi càng nằm, tôi càng bắt đầu lật lại cuộc nói chuyện vừa rồi với cô Stratmann. Hiển nhiên, thành phố này trông đợi ở tôi nhiều điều chứ không chỉ là một buổi trình tấu đơn giản. Nhưng khi cố nhớ lại vài chi tiết cơ bản về chuyến đi này, tôi chẳng mấy thành công. Tôi nhận ra mình không thẳng thắn hơn với cô Stratmann thật là dại. Nếu tôi vẫn chưa nhận được lịch trình thì lỗi ở cô chứ đâu ở tôi, tôi chống chế như vậy thật là vô lý.

Tôi lại nghĩ về cái tên Brodsky, lần này thì có cảm giác rất rõ là đã từng nghe thấy hoặc đọc thấy về ông ta cách đây chưa lâu lắm. Và rồi đột nhiên trở lại trong tôi một thời khắc về chuyến bay dài vừa đưa tôi tới đây. Lúc đó tôi ngồi trong khoang máy bay đã tối đèn, xung quanh các hành khách đã ngủ cả, tôi đang nghiên cứu lịch trình chuyến đi này dưới ánh sáng ngọn đèn đọc sách lờ mờ. Có một lúc người ngồi ghế bên tỉnh dậy, và mấy phút sau thì buông một câu nhận xét vui vui. Thực tế là như tôi nhớ, ông ta đã nhoài sang tôi đặt một câu đố vớ vẩn gì đấy, về mấy anh cầu thủ dự World Cup thì phải. Không muốn bị sao nhãng khỏi bản lịch trình mà tôi đang nghiên cứu rất kỹ lưỡng, tôi đã gạt ông ta đi có phần lạnh lùng. Giờ thì chuyện này trở lại rõ rành với tôi. Thật sự là tôi còn nhớ được cả bề mặt tờ giấy dày xám mà người ta gõ bản lịch trình trên đó, cùng mảng vàng sáng nhờ nhờ dưới ngọn đèn, cùng tiếng u u của động cơ máy bay – nhưng nghĩ thế nào thì tôi cũng không nhớ nổi có gì viết trên tờ giấy.

Rồi mấy phút sau sự mệt mỏi trùm lên tôi, và tôi kết luận có lo âu thêm cũng không được gì, tốt hơn hãy ngủ một chút. Thực tế là qua kinh nghiệm tôi biết rõ nghỉ ngơi một chút mọi việc thường sẽ sáng tỏ hơn nhiều. Tới lúc đó tôi có thể đi tìm cô Stratmann, giải thích vụ hiểu lầm cho cô, lấy một tờ lịch trình và cho cô làm rõ bất cứ điểm gì cần làm rõ.

Tôi vừa gà gật thì bỗng có gì khiến tôi thình lình lại mở choàng mắt, nhìn trân lên trần nhà. Tôi cứ săm soi trần nhà một lúc lâu, rồi ngồi dậy trên giường nhìn quanh, và cứ mỗi giây lại rõ hơn cảm giác chốn này rất quen thuộc. Giờ tôi đã nhận ra căn phòng tôi đang ở đây chính là căn phòng mà tôi dùng làm phòng ngủ trong vòng hai năm tôi cùng cha mẹ sống ở nhà dì nơi biên giới giữa Anh và xứ Wales. Tôi lại nhìn một vòng quanh phòng, rồi ngả mình nằm xuống, trở lại nhìn trần nhà. Trần nhà mới trát và sơn lại gần đây, các cạnh đã mở rộng hơn, phào trần đã bị gỡ đi, phần đắp trang trí quanh đèn trần đã hoàn toàn đổi khác. Nhưng đây không nghi ngờ gì nữa chính là cái trần nhà tôi đã bao ngày nhìn lên từ cái giường hẹp kêu kẽo kẹt thuở nào.

Tôi trở mình nằm nghiêng, nhìn xuống mặt sàn bên giường. Khách sạn đã chu đáo để tấm thảm dày màu tối ngay đúng chỗ tôi sẽ đặt chân xuống khi dậy. Tôi vẫn nhớ chính chỗ sàn này khi xưa rải miếng thảm xanh đã cũ mòn, là nơi tuần mấy lần tôi sẽ cho đám lính nhựa của mình xếp hàng tăm tắp – có đến hơn một trăm chú – mà khi thường tôi vẫn cất trong hai hộp bánh bích quy. Tôi thò một tay xuống, quệt qua mặt thảm khách sạn, và khi làm thế tôi nhớ lại một buổi chiều khi mình chìm đắm trong thế giới những chú lính nhựa còn một trận cuồng phong đang nổ ra dưới nhà. Những giọng nói quát tháo nhau dữ tợn đến mức dù mới sáu hay bảy tuổi, tôi cũng nhận ra đây không phải một cuộc cãi cọ bình thường. Nhưng lúc ấy tôi nhủ với mình rằng chẳng có gì đâu, và tì má xuống lại mặt thảm xanh, tôi tiếp tục cho hai bên giáp chiến. Gần chính giữa miếng thảm xanh ấy có một chỗ mòn vẹt, bình thường vẫn khiến tôi rất bực mình. Nhưng chiều hôm đó, khi các giọng nói tiếp tục quất vào nhau dưới nhà, tôi lần đầu nảy ra ý nghĩ có thể dùng chỗ xơ xác này làm một mảng đồng cây bụi cho lính lác tìm cách vượt qua. Phát kiến ấy – rằng vết hỏng vẫn luôn đe dọa đập tan thế giới tưởng tượng của tôi lại có thể được gom vào làm một phần của thế giới đó – đã khiến tôi khá phấn khích, và vùng “đồng bụi” ấy rồi sẽ trở thành một điểm quan trọng trong rất nhiều trận chiến mà tôi đạo diễn về sau.

Tất cả những chuyện này trở về với tôi trong khi vẫn đang nhìn dán lên trần. Tất nhiên, tôi vẫn ý thức rất rõ rằng mọi chi tiết trong căn phòng quanh tôi đã bị thay đổi hoặc gỡ bỏ. Tuy vậy, khi nhận ra rằng sau chừng ấy năm tôi lại được trở về chốn trú ẩn cũ của tuổi thơ, tôi vẫn thấy một cảm giác bình yên dào dạt phủ lấy mình. Tôi nhắm mắt, và trong một khắc dường như tôi lại đang ở giữa những món đồ đạc cũ. Ở góc đằng xa về bên phải, cái tủ áo cao màu trắng bị hỏng nắm đấm. Tranh dì tôi vẽ đại giáo đường Salisbury treo trên tường trên đầu tôi. Tủ kéo đầu giường, có hai ngăn kéo nhỏ bỏ đầy những món báu vật và bí mật nho nhỏ của tôi. Từng ấy căng thẳng trong ngày – chuyến bay dài, vụ lẫn lộn về lịch trình, những rắc rối của Gustav – như đều phai đi, tôi trượt vào một giấc ngủ say và mệt lả.

 

(Đọc thêm Chương 7 về những rắc rối của Gustav và Sophie.)

Chấm sao chút:

Đã có 5 người chấm, trung bình 4 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

không biết viết ngắn