Thời gian đọc: 6 phút

Nhân dịp cuốn Truyện cổ tích của anh em Grimm do Đinh Tị phát hành mới ra mắt, dịch giả Nhật Vương có gửi cho nhà Z bài viết này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc. – Zzz

1

Từ mười lăm năm qua, bộ sưu tập truyện cổ tích của Anh em Grimm đã được công nhận là “Di sản Tư liệu Thế giới” (Memory of the World · Mémoire Documentaire du Monde) tại Hội nghị Thế giới của UNESCO tổ chức vào ngày 17 tháng 06 năm 2005. Cùng với Kinh thánh Luther, truyện cổ tích của Anh em Grimm là những cuốn sách nổi tiếng nhất và được biết đến rộng rãi nhất về lịch sử, văn hóa Đức trên toàn thế giới. Bộ truyện cổ tích quan trọng bởi nó là tài liệu khoa học và tóm tắt có hệ thống đầu tiên về toàn bộ truyền thống truyện cổ tích châu Âu và phương Đông. Việc được chuyển ngữ sang hơn 160 ngôn ngữ và phương ngữ văn hóa từ mọi nơi trên thế giới là một minh chứng cho điều này. Thêm vào đó, nhiều truyện cổ tích được đưa vào chương trình giảng dạy tại trường tiểu học như một bài học Giáo dục công dân nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Trong hồ sơ đệ trình lên ủy ban xét duyệt UNESCO, tiến sĩ Bernhard Lauer đã nhấn mạnh: “Việc phổ biến quốc tế các câu chuyện cổ tích của Grimm là bằng chứng về tính cách mẫu mực của nó, vốn bắt nguồn từ Chủ nghĩa lãng mạn Đức – đã nắm bắt và tạo dựng nên chất thơ trong trí tưởng tượng của con người dưới hình thức có giá trị toàn cầu. Tính độc đáo và hiệu ứng toàn cầu của bộ sưu tập này bắt nguồn từ việc Anh em nhà Grimm đã vượt qua thế giới tham chiếu của Đức và Châu Âu trong mã hóa văn học của truyền thống tiền văn học và tạo ra một khuôn mẫu phổ quát về truyền thống truyện cổ tích xuyên quốc gia.”

Rõ ràng, so với những bộ sưu tập truyện cổ tích cùng thời của Ludwig Bechstein hay Wilhelm Hauff, bộ sưu tập truyện cổ tích Grimm ngày càng chứng tỏ giá trị văn hóa, văn học, nhân sinh cho tới tận ngày nay.

2

Lần đầu lên kế hoạch cho một chuyến du hành sách (book tour), tôi rất hồi hộp. Địa điểm đến thăm đầu tiên sẽ là Hội chợ đóng sách Nghệ thuật, tiếp đó là Hội chợ sách Frankfurt – Hội chợ sách lớn nhất thế giới và cuối cùng là thăm nơi sinh và bảo tàng của anh em Grimm.

Hội chợ đóng sách tại Đức là một phiên bản nhỏ gọn hơn so với hội chợ tại Bỉ. Điều đặc biệt của những hội chợ này là thường diễn ra ở những địa điểm xa thành phố lớn, yên tĩnh. Trên đường đến nơi tôi phải đi qua nhiều khu phố và vườn cây um tùm. Hơi ngỡ ngàng khi đó là một tòa nhà cũ, một nửa dùng làm nhà trẻ, một nửa có vẻ như để cho thuê làm địa điểm hội họp. Hội chợ diễn ra ở sân sau, nếu không có tấm biển nhỏ chỉ dẫn lối đi, có lẽ không ai biết sau cánh cửa kia là những dụng cụ đóng sách tồn tại cả trăm năm. Khách tham dự đều giữ trật tự và lịch sự hết mức, khiến khán phòng đông nhưng không ồn ào. Đôi lúc những vị khách và chủ tiệm đứng thì thầm to nhỏ về các món đồ. Ấn tượng hơn cả có lẽ là bác nghệ nhân người Nhật, sống tại Hà Lan, đi ôtô chở thúng mủng tùng xèng những món đồ nho nhỏ từ giấy tái chế và dạy người ta làm giấy từ hộp sữa bỏ đi. Khách đứng xem rất thích thú thử nghiệm và còn được tặng quà miễn phí nên ai cũng vui vẻ mua thêm đồ làm kỉ niệm.

Tạm biệt hội chợ nhỏ, tôi thẳng tiến đến Frankfurt, thành phố mà tôi gọi vui là Kẻ Chợ của Châu Âu. May mắn khách sạn chỉ cách khu phức hợp hội chợ có 2 bến tàu nên sáng ra có thể ngủ nướng một chút trước khi lê la cả ngày. Hội chợ sách chia làm nhiều khu, mỗi khu lại có nhiều tầng, như một mê hồn trận mà nếu không có bản đồ trong tay thì tìm đường khá mệt. Trong chương trình kéo dài 1 tuần thì chỉ 2 ngày cuối tuần là mở cửa cho toàn dân vào xem, còn trước đó chỉ có các doanh nghiệp, báo chí và người sưu tập đến tham quan. Tôi cắn răng mua tấm vé bao trọn cả tuần, ra vào thoải mái. Đích đến trong ngày đầu là khu vực sách cổ, nơi những tay buôn có tiếng trưng bày những món hàng giá trị. Riêng khu này trước khi vào hay ra sẽ bị kiểm tra túi xách, bên trong toàn sách cổ mà lị. Những khu sách khác tôi cứ nhẩn nha đi hết hàng ngày, từ thứ 2 đến thứ 6 là hòm hòm.

Chuyến đi chốt hạ mang tên anh em Grimm. Nằm không xa thành phố Frankfurt là thị trấn Hanau nhỏ nhắn, nơi sinh thành của anh em Grimm và cách đó 20 phút là Ngôi nhà bảo tàng Grimm, một ngôi làng yên bình. Tôi quyết định đi thăm bảo tàng trước rồi sẽ thăm Hanau trên đường quay về. Từ nhà ga phải gọi taxi vì chờ xe bus thì hơi lâu, ông tài xế vui vẻ khi nghe tôi nói điểm đến là bảo tàng Grimm, ông bảo mùa này vắng lắm, cậu đến xem là chuẩn. Đứng trước cổng nhà mà tôi hồi hộp lắm, vì đã thấy thấp thoáng trong sân là Nàng công chúa và Vua ếch trên thảm cỏ xanh mượt rồi. Ngôi nhà cổ nơi lưu giữ những hiện vật của anh em Grimm lúc sinh thời đã được tân trang nhưng không làm mất đi vẻ huyền bí. Tôi bước vào tầng 1, nơi xưa kia là nhà bếp với bếp lò, xoong nồi và những bộ bát đĩa, ấm chén được bày gọn gàng trong tủ gỗ. Tôi đặc biệt chú ý đến bếp lò, một hình ảnh quen thuộc trong các câu chuyện cổ tích, khi lũ trẻ ngồi quây quần bên ngọn lửa tí tách nghe các bà các mẹ rủ rỉ kể chuyện. Chiếc bếp lò này hẳn không ngoại lệ.

Toàn bộ những cuốn truyện cổ tích xa xưa, những tranh minh họa, vật dụng có mô-típ truyện cổ Grimm đều được trưng bày trên tầng 2. Đây đúng là điều mà tôi mong đợi. Từ những bản in sớm nhất cho đến những bản dịch đầu tiên ra tiếng Anh, tiếng Pháp, rồi đến nét vẽ của “cậu em họa sĩ” Emil Grimm. Tôi mang theo 1 cuốn sách nhỏ, bản in năm 1857 là lần cuối cùng hai anh em Grimm cùng nhau chỉnh sửa. Quả đúng như kì vọng, trong tủ kính là bản in tương tự nhưng là lần tái bản sau đó, năm 1864. Trong lòng có chút tự hào, tôi cẩn thận lấy cuốn sách ra và mở đúng trang lót có ghi số năm, so sánh, ngắm nghía, ừ có chút sướng âm ỉ, vì mình đang cầm bản in còn cổ hơn cả bảo tàng.

   

Các gian phòng bên cạnh thông nhau và được chia thành các chủ đề như các thời kì, phong cách minh họa, những họa sĩ nổi tiếng đã minh họa truyện cổ Grimm và những ấn phẩm tạp chí, những cuốn sách tranh độc đáo với những hức tranh phong cách “kính vạn hoa”, tất thảy những gì tinh túy nhất về lĩnh vực minh họa truyện cổ tích Grimm đều được trưng ra. Tôi như chìm đắm trong thế giới cổ tích, khoảng cách giữa cánh cửa bảo tàng với thế giới bên ngoài được đo bằng những thước phim sinh động về lịch sử những minh họa kinh điển của truyện cổ Grimm.

Khi ra về, như thường lệ, bảo tàng có quầy bán đồ lưu niệm. Tôi chọn mấy tấm bưu thiếp in hình vẽ chân dung anh em Grimm của “cậu em họa sĩ” –  Ludwig Emil Grimm. Chừng đó là đủ. Ra về nhìn lại căn nhà tưởng như nhỏ bé này lại chứa đựng cả một kho tàng tranh minh họa, tôi thầm khâm phục những đóng góp của anh em nhà Grimm cho nền văn học Đức. Ngôi làng yên tĩnh khiến tôi muốn dạo quanh một vòng, bụng đói, đây, có ngay một tiệm ăn nho nhỏ. Nhìn lên bảng thực đơn, tôi thoáng nở nụ cười: Bánh mì kẹp lợn tẩm bột rán tên Hansel, kẹp thịt gà tây rán tên Gretel và kẹp thịt viên tên Bà chúa Tuyết. Một thực đơn rất Grimm và cũng trên con phố mang tên hai anh em Grimm luôn.

Chuyến đi đến Hanau, nơi sinh thành anh em Grimm chóng vánh hơn, do chỉ có một bức tượng bằng đồng ở giữa quảng trường. Trời chiều lòng người, nắng nhẹ và gió hiu hiu. Tôi tự thưởng cho mình một chiếc móc khóa làm kỉ niệm và một que kem.

Một chuyến đi không bao giờ quên, và từ đó tôi luôn luôn đi du lịch với ít nhất một cuốn sách trong ba lô.

Nhật Vương

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3