Thời gian đọc: 21 phút

Švejk là ai
Hašek và Kafka, hay là thế giới lố bịch

1. Kafka và Hašek

Kafka và Hašek ra đời cùng năm trong cùng một thành phố, sống gần trọn đời tại Praha, cùng viết những tác phẩm nổi tiếng thế giới của mình vào khoảng chiến tranh thế giới lần thứ nhất và qua đời chỉ cách nhau một năm vào đầu những năm 1920. Tất nhiên, đó là phát hiện bề ngoài ngẫu nhiên mà tự nó vẫn chưa nói được gì nhiều về mối quan hệ giữa Hašek và Kafka.

Nhưng ta có thể lật lại vấn đề. Môi trường nào đã sinh ra Hašek và Kafka, hai hiện tượng khác nhau đến vậy? Praha của Kafka như thế nào và Praha của Hašek thì thế nào? Cả hai đều làm vẻ vang thành phố nơi họ sinh ra. Sáng tác của họ đều gắn liền với Praha và trong sáng tác của mỗi người Praha được hiển hiện theo một cách rất riêng. Từ trại giam Hradčany, Švejk tiếp tục “cuộc hành trình trong tháp tùng danh dự của hai người lính mang súng cắm lưỡi lê”, dọc phố Neruda tới Malá Strana và qua cầu Charles tới Karlín. Đó là một nhóm ba người thú vị – hai vệ binh áp giải một tội phạm đi giữa họ. Từ hướng ngược lại, qua cầu Charles cho tới đồi Strahov, một nhóm ba người khác cũng đi. Đây là nhóm ba trong Vụ án của Kafka, hai tay lính dẫn một “tội phạm”, nhân viên ngân hàng Josef K., đi tới mỏ đá Strahov, để rồi một trong hai tên này “thọc dao vào tim anh”. Cả hai nhóm ba người đều đi qua những địa điểm như nhau, nhưng việc họ đụng nhau là bất khả. Švejk được ra tù – theo như thường lệ – vào buổi sáng sớm, anh và hai kẻ dẫn đường thực hiện hành trình trên trước buổi trưa; trong khi Josef K. được hai người đàn ông đội mũ chóp cao đưa đi vào buổi tối, “dưới ánh trăng.”

Nhưng hãy đặt giả thiết hai nhóm này gặp nhau. Họ đi qua nhau mà không để ý, bởi vì Josef K. đang bận nghiên cứu nét mặt và hành vi những người dẫn đường bí ẩn của mình, còn Švejk mải đắm chìm trong cuộc nói chuyện với hai người vệ binh. Nhưng có thể là khi gặp nhau hai bộ ba này nhìn nhau. Vậy thì đây là cái nhìn mà không nhận ra. Con người ta vẫn hay nhìn nhau mà không nhận ra ai là ai. Vậy họ là ai?

Với Josef K., bộ ba của Hašek quá hài hước và chỉ hài hước mà thôi, không có ý nghĩa nào sâu sắc hơn theo kiểu bất ngờ mở ra một thế giới lố bịch (grotesque); và tương tự như vậy với Josef Švejk, bộ ba của Kafka dường như là một tiết lộ hài hước, nơi mà số phận thật, bi thảm đến lố bịch của Josef K. bị che khuất. Cả hai đều chỉ nhìn thấy bề ngoài của nhau, nên họ đều thờ ơ với nhau.
Đây có thể là cuộc gặp đầu tiên giữa Hašek và Kafka, một việc chỉ tác động vào lớp bề mặt. Tuy nhiên, từ các tác giả, chúng ta có thể tiến tới lớp thứ hai, tới tác phẩm. Liệu có thể so sánh hoặc đặt tác phẩm của Hašek với tác phẩm của Kafka vào mối liên quan với nhau được không? Ngay từ cái nhìn đầu tiên, một liên quan như vậy dường như không tồn tại, vì Kafka được đọc để được diễn giải, trong khi Hašek được đọc để được chọc cười. Có hàng chục và hàng trăm cách giải thích về Kafka, và tác phẩm của ông được hiểu và chấp nhận là có vấn đề và gây ra nhiều vấn đề, bí ẩn, khó hiểu và được mã hóa, có lẽ chỉ tiếp cập được bằng cách giải mã, tức là diễn giải. Trong tác phẩm của Hašek, mọi thứ dường như rõ ràng và ai cũng đều hiểu cả; tác phẩm của ông đương nhiên là minh bạch, gây cười và không có gì hơn. Nhưng sự đương nhiên và tính minh bạch này chẳng phải chỉ là vẻ bề ngoài hay sao, và theo nghĩa ấy như vậy là lừa dối và đánh lạc hướng?

Các nhà diễn giải phương Tây sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để giải thích tác phẩm của Kafka, từ phân tâm học, phân tích cấu trúc, nghiên cứu xã hội học và nhân chủng học, tìm tòi các yếu tố thần học, tôn giáo và triết học đến khảo cứu mối liên hệ của nó với thế giới tư tưởng của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Kierkegaard, Dostoyevsky, tức là ít nhiều tận dụng toàn bộ các khả năng diễn giải. Trái lại, với Hašek, dường như chúng ta chỉ có một chìa khóa toàn năng duy nhất mở ra tác phẩm của ông, và đó là “nguyên tắc về tính nhân dân” nổi tiếng.

Nhưng “nguyên tắc về tính nhân dân” không mở ra các tác phẩm của Hašek, mà đúng hơn khép lại khả năng tiếp cận nó, bởi vì nó hoàn toàn không cho chúng ta cơ hội để hiểu vấn đề của tác phẩm.

Ý nghĩa tác phẩm của Hašek là gì? Cuốn Vận mệnh người lính tốt Švejk có thực sự thiếu cấu trúc đồng nhất và cốt truyện bị phân mảnh? Ý nghĩa của những giai thoại trong đó là gì? Trong tác phẩm của Hašek, liệu có tìm thấy được các vấn đề về thời gian, tính hài, tính bi, và tính lố bịch?
Và Švejk là ai?

2.  Švejk không phải là ai

Švejk là người hầu của tuyên uý Katz và sau đó là của trung uý Lukaš. Ông chủ ra lệnh và người hầu thi hành. Ông chủ có ý định và người hầu thực hiện ý định ấy. Nhưng khi mệnh lệnh quá chung chung và chỉ có được hình hài cụ thể khi được thực thi, thì nó cũng có thể quay sang chống lại ông chủ; trong khi thi hành một nhiệm vụ có rất nhiều tình huống không đoán trước được nảy sinh đến nỗi ông chủ không còn nhận ra được ý tưởng của mình trong quá trình người hầu hiện thực hoá nó. Người hầu chỉ là một công cụ của ý định thuộc về ông chủ, nhưng do hành động, anh ta tạo ra một tình huống đảo ngược ý định ban đầu ấy. Ông chủ cần người hầu và không thể làm gì được nếu không có người hầu. Ông chủ không thể ăn uống được nếu không có đóng góp của người hầu. Ông chủ không thể giải trí được, nếu không có sự giúp đỡ của người hầu. Ông chủ không thể giải quyết được những vấn đề thuộc về tình cảm của mình mà không có can thiệp của người hầu. Ông chủ bắt người hầu chú ý đến mình, để anh ta hiểu rõ chủ; biết được điểm mạnh, điểm yếu của chủ. Ông chủ chỉ cần có chức bậc và quyền lực, nhưng người hầu cần phải sáng tạo và dám nghĩ dám làm. Ai trong mối quan hệ phụ thuộc này mới thực sự là ông chủ, và ai mới là người hầu? Ai áp đặt ý chí lên ai, và ai mới là người chủ động?

Trong một sự phân công lao động nhất định, người hầu có thể chỉ có đúng một vai trò: anh ta mua vui cho ông chủ. Như vậy anh ta trở thành người hầu đặc biệt – anh hề cung đình. Anh ta không phải lao động chân tay; thay vào đó, anh ta làm việc bằng đầu, như một trí thức. Một anh hề có được độc lập không? Có vẻ như vậy. Anh ta nói với người cầm quyền bằng giọng vô lễ, và thậm chí trong cung đình anh ta có một đặc ân, ấy là được “nói lên sự thật.” Anh hề bình luận những chuyện xảy ra quanh mình và mang cái vui nhộn đến cung đình. Nhưng bởi là người làm công cho cung đình, anh ta phải chơi theo luật của cung đình: trò hỗn xược của anh ta chỉ được là sự vô lễ của một anh hề, và sự thật của anh ta chỉ là sự thật của một anh hề. Anh ta chỉ có thể đóng vai của mình, chừng nào được mọi người tiếp nhận và công nhận anh ta là anh hề. Nếu đi quá những giới hạn được cho phép hoặc được công nhận và được dung thứ, anh ta không còn được coi trọng, hay là anh ta bắt đầu tự coi trọng mình; hoặc anh ta trở nên nhàm chán và vô dụng, hoặc lộ ra là kẻ gây rối hỗn xược, đạo đức giả và trái ý chủ. “Rất nhiều vua chúa,” như Erasmus ở Rotterdam nhận xét, “không thể ăn sáng mà thiếu anh hề và thích các anh hề hơn là các triết gia, những người tự tin vào sự uyên bác của mình và thường xúc phạm cái tai nhạy cảm của chúa thượng bằng sự thật ghê tai.”

Švejk là một người hầu, nhưng không phải là một anh hề. Đôi khi anh ta hành động như một kẻ điên dở, nhưng người điên chỉ trở thành anh hề khi anh ta đem cái điên ấy lên phục vụ vua chúa. Khi Švejk nói điều hỗn xược và sự thật điên khùng, anh ta không hành động như một người hầu, và người đối diện anh ta không phải là ông chủ, mà là người có chức vụ. Thiếu uý Dub, một quan chức, không hiểu được lời nói đùa và không biết cười; tham vọng lớn nhất của hắn ta là làm Švejk phải khóc. Một quan chức đi lại trong một bầu không gian thiêng liêng, bất khả xâm phạm, được bảo vệ nghiêm cẩn. Hắn ta hết sức nghi ngờ tiếng cười. Bất cứ ai cười, là cười hắn. Hắn dễ bị đụng chạm và dễ cáu. Hắn muốn giám sát mọi thứ và mọi thứ phải nằm dưới sự kiểm soát của mình. Hắn cho phép mọi người được cười cái gì và có thể được nhìn cái gì.

“Ở đây có chuyện gì thế?” Cái giọng nghiêm khắc của Thiếu uý Dub cất lên, đồng thời anh ta đứng ngay trước mặt Švejk.
“Xin báo cáo thiếu úy,” Švejk nói thay mọi người, “rằng chúng tôi đang ngó ạ.”
“Thế các người đang ngó cái gì?” Thiếu úy Dub quát lên.
“Báo cáo thiếu úy, chúng tôi đang ngó xuống dưới mương ạ.”
“Ai đã cho phép các người làm việc ấy?”

Švejk không phục vụ tay quan chức này. Quan hệ của anh với thiếu uý Dub không dựa trên sự phụ thuộc cá nhân trực tiếp, mà do luật định về cấp bậc phức tạp. Švejk được tách khỏi Thiếu uý Dub nhờ cái phức tạp của việc phục tùng trong quân đội, điều đó đã ngăn cản hắn đối xử với Švejk như với người hầu.

Švejk và tay quan chức là hai thế giới khác biệt, căm ghét nhau. Švejk khiêu khích hắn chỉ bằng sự tồn tại và hiện diện thể xác của mình, bởi anh không nhìn vào chỗ anh phải nhìn, bởi anh không đứng nơi anh phải đứng, bởi anh không nói điều anh phải nói. Švejk không tham gia vào trò chơi, không muốn thăng chức và lập nghiệp, và vì thế anh không tuân theo luật chơi. Bởi vì không ở trong trò chơi, nên anh phá rối trò chơi mà chính anh không biết: anh thành kẻ nguy hiểm và đáng ngờ trái ý muốn bản thân.

Švejk đang ở trong mối quan hệ như thế nào với đối thủ của mình, và ai mới là đối tác thực sự của anh? Phải chăng là người hầu trong mối quan hệ với chủ, anh hề với người cai trị, hay là kẻ điên với tên quan chức kia? Hay anh là Sancho Panza đời mới, tức là một người hầu vô chủ?

3. Thế giới lố bịch

Trong trại giam toà án sư đoàn, Švejk kể cho các bạn tù:
… anh đừng thất vọng, vì như ông Janeček người Digan ở Plzeň đã nói, tình hình có thể trở nên tốt hơn. Ông ấy nói thế năm 1879, khi bị kết án treo cổ vì tội đã giết hai người. Và quả là ông ấy đoán đúng, đến phút cuối cùng trước khi thi hành án, người ta dẫn ông ấy đi khỏi pháp trường, người ta không thể xử tử ông ấy bởi vì ngày hôm ấy trùng vào ngày sinh của Hoàng đế. Thành ra mãi ngày hôm sau, qua sinh nhật của Hoàng đế, người ta mới treo cổ ông ấy. Đó là một người nhiều may mắn, bởi vì đến ngày thứ ba thì ông ấy được đặc xá và sẽ được xét xử lại, lý do là tất cả mọi bằng chứng đều chỉ ra rằng việc ấy do một ông Janeček khác đã làm. Thế là để phục hồi danh dự cho ông ấy, người ta đào ông ấy lên, chuyển từ nghĩa trang chôn phạm nhân sang nghĩa trang công giáo của Plzeň, nhưng rồi người ta lại phát hiện ra rằng ông ấy là người theo đạo Tin lành, thế là họ chuyển ông ấy sang nghĩa trang của người theo đạo Tin lành, rồi sau đó…

Đoạn văn này, không ngẫu nhiên cũng không phải là duy nhất, khơi ra trong lòng người đọc cảm xúc lẫn lộn: nó gây cười, nhưng đồng thời cũng làm ớn lạnh. Nó hài hước, nhưng cũng làm xấu hổ. Nó khơi lên những cảm giác con người ta muốn tránh né, những cảm giác mà người ta không muốn ý thức về nó, những cảm giác người ta không muốn gán cho một tầm quan trọng nào, hoặc coi thường như là chuyện hãn hữu và vô ý. Người đọc muốn được giải trí, và không để mình bị phiền nhiễu với những thứ ngông cuồng hay vô ý trong chuyện kể của tác giả. Trong câu chuyện nhỏ này, cái gây cảm giác ớn lạnh và xa lạ không phải là bản thân cái chết hay bản thân vụ hành quyết, mà là sự vô nghĩa của cái chết và cái phi lý của vụ hành quyết. Điều con người muốn chạy khỏi, điều họ tránh né, điều họ muốn rũ bỏ khỏi mình, không phải là nỗi buồn, hay cái chết, hay những việc cuối cùng trong đời, mà là sự phi lý. Ta không thể định hướng mình trong sự phi lý; ta mất sự tự tin; ta không thể biện minh cho chính mình. Câu chuyện được kể ấy đồng thời còn tác động một cách khác nữa, và ngược lại – Nó khơi gợi tiếng cười và niềm vui, và thậm chí cảm xúc lố bịch, vui vẻ, hài hước, là cảm xúc trước tiên. Một người mỉm cười và cười phá lên, và đột nhiên, đột nhiên anh ta không thấy buồn cười nữa; cái cười cứng lại thành một cái nhăn mặt và anh ta thấy nó không đúng đắn. Anh ta cười nhưng đột nhiên nhận ra ở đây chẳng có gì đáng cười cả.

Điều có vẻ buồn cười và gây buồn cười đột nhiên lộ diện – trong khoảnh khắc giao thời là sự đột ngột – trong một ánh sáng khác, và anh ta cảm thấy giật mình vì tiếng cười của chính mình. Tiếng cười của anh ta làm anh ta xấu hổ. Anh ta quay vào bên trong mình, tự thu mình lại, không theo dõi những gì ở xung quanh và trước mặt mình nữa, mà nhìn vào chính mình: Anh ta đã làm điều gì sai nhỉ? Anh ta đã làm gì không đúng đắn? Anh ta cười một chuyện buồn cười. Nhưng đột nhiên cái cười ấy dường như không đúng đắn, và tiếng cười đột nhiên dần tan. Tuyệt vọng và khó chịu do hành xử của chính mình, anh ta tìm tội lỗi nơi mình, chứ không phải ở đối tượng trước tiên đã khơi gợi tiếng cười trong anh ta và sau đó biến nó thành cái ớn lạnh. Việc phân tích cảm giác chủ quan này đưa ta lại gần bản chất sự việc: hiện tượng này bản thân nó hoạt động như một quả bom hẹn giờ. Hiện tượng trước hết khẳng định mình và khẳng định con người trong nó (người xem, người đọc, hoặc người nghe), bỗng đột ngột đảo ngược và trở thành phản đề của chính nó: tiếng cười mất đi và biến thành cái ớn lạnh và nỗi kinh sợ. Con người quay lưng khỏi đối tượng và trở về với chính mình; Sao mình có thể cười một điều gì không buồn cười mà thực ra rất kỳ quặc, lạ lùng và thậm chí còn đáng sợ?

Liệu nỗi kinh sợ và ớn lạnh này, sự lạ lùng và bất thường này có trong tác phẩm của Hašek không? Và nó được chứa như thế nào trong đó? Như một phần và một ngoại lệ, như một ngoại truyện, hay có gì đó liên quan tới cấu trúc tác phẩm? Cho đến nay, Švejk của Hašek được đọc (và thảo luận) theo một cách diễn giải nhất định. Mọi người đón nhận Švejk sau Thế chiến I, vào những năm hai mươi và ba mươi, như một tiếng cười vượt lên trải nghiệm kinh sợ thuộc về quá khứ bất khả vãn hồi, và bởi vậy nó được coi như hài hước hơn là lố bịch, châm biếm hơn là bi kịch, lý tưởng hoá hơn là bi kịch hoá. Josef Lada đã vẽ minh hoạ tương xứng cuốn sách của Hašek và tranh của ông vẽ Švejk vì vậy cũng hài hước châm biếm (và thi vị). Tuy nhiên Hašek có thể được và đã từng được đọc theo một cách khác, được minh chứng qua các bức vẽ của George Grosz: chúng cũng thiên về một mặt như những bức minh hoạ của Lada và nhấn mạnh chính xác những khía cạnh của tác phẩm mà nhà hoạ sĩ minh hoạ người Séc Lada không nhìn thấy: khiếp sợ, kinh dị, lố bịch và nhăn nhó.

Dưới ảnh hưởng của sự diễn giải được “lý tưởng hoá”, một số đoạn quan trọng trong Švejk đã bị lãng quên: một trong những chương buồn cười nhất trong cuốn sách, mô tả một bài thuyết pháp của cha tuyên uý nát rượu Katz trong nhà nguyện của nhà tù, bắt đầu với mô tả hoạt động thực hành trong nhà tù: “Nếu mà đứa nào chống lại thì chúng tao sẽ lôi cổ vào phòng biệt giam, bẻ hết xương sườn rồi để nó nằm đấy cho đến rũ xương. Chúng tao có quyền làm như thế!” Trong một câu nói khác không khí của cái thời ấy hiện lên: “Một nhóm lính mang súng gắn lưỡi lê dẫn một người bị còng tay, sau anh ta là cái xe chở quan tài.” Con người bị còng đi bộ vì anh ta là tội đồ. Một đồ vật, cái quan tài, đại diện cho sự uy nghiêm của cơ chế quyền lực, thì đi theo người tù trên một cái xe.

Như vậy nghĩa là phải chăng tác phẩm của Hašek được xen cài bằng hài hước đen, nỗi sợ hãi được sắp đặt cạnh tiếng cười, rằng chuyện cười xen kẽ với nỗi buồn? Tính phi lý hiện diện như nỗi kinh sợ và ác mộng, hài kịch và hài hước. Nỗi kinh sợ không được đặt bên cạnh tiếng cười; mà hẳn là chúng đều đến từ cùng một nguồn: từ thế giới của lố bịch.

Trong tác phẩm của Hašek, thế giới lố bịch được trình hiện trong những phản ứng nhờ đó người ta khử đi nỗi sợ, chống cự cái chết, trốn thoát sự buồn chán và chống chọi cái phi lý;

  • trong ma thuật của ngôn từ (những câu chửi thề, những từ tục tĩu, những chuyện cười, những lời cầu nguyện) [ngôn từ có ma thuật, và một từ mạnh có thể lấn át sự yếu đuối hay suy tàn của tâm hồn; câu nói đùa thường giải trừ nỗi sợ];
  • trong ma thuật của thái độ [mỗi thái độ là một mặt nạ hay một sự vờ vĩnh; người ta chọn thái độ của một kẻ hoài nghi bởi nếu thiếu đi sự hoài nghi – thiếu đi cái mặt nạ bảo vệ – anh ta sẽ bị thực tế nghiền nát];
  • trong ma thuật của diễn trò [trò diễn giết thời gian và tạo ra cho con người một thế giới mới và thú vị (“có một vẻ thoả mãn trên mặt mỗi người, như thể chẳng có một cuộc chiến tranh nào và chẳng phải là họ đang trên đoàn tàu đưa họ tới vị trí trên mặt trận và những cuộc thảm sát đẫm máu, mà đang ngồi sau một bàn trò chơi trong một quán cà phê nào đó ở Praha vậy”];
  • trong ma thuật của hành động [tuyệt vọng, vô nghĩa, hành động bột phát, những thứ bảo vệ chống lại nỗi sợ hoặc cái chết (“một tay lính tóm lấy cái cửa chuồng lợn để làm lá chắn chống lựu đạn”)]

Vậy thì thực ra, ai mới là đối thủ của Švejk? Mà chỉ có một, hay là nhiều? Câu hỏi này líu tới gắn liền với một câu hỏi khác: Cấu trúc tác phẩm của Hašek như thế nào? Chỉ khi cấu trúc này được sáng tỏ, Švejk sẽ được tiết lộ anh là ai.

Câu mở đầu tác phẩm của Hašek, “thế là họ giết mất Ferdinand của chúng ta rồi,” không chỉ khởi đầu chuyện kể mà đồng thời còn thông báo một sự kiện bắt đầu một chuyển động cụ thể. “Điều gì đó” đã bắt đầu chuyển động. Cái “điều gì đó” này trước tiên mang tên Đại Công Tước Ferdinand, tiếp theo nó vào vai tay mật thám Brettschneider, sau đó là vị thẩm phán điều tra, sau nữa là cha tuyên uý Katz và Thiếu uý Dub. Cái “điều gì đó” này hiện diện như nhà tù và các đơn vị quân đội, như “một nhóm lính mang súng gắn lưỡi lê dẫn một người bị còng tay, sau anh ta là cái xe chở quan tài”, như vị tướng-khốn khổ và vị tướng thẩm tra nhà xí, như chuyển động chậm rãi của đoàn tàu ra mặt trận, kết thúc bằng “một cái mũ lưỡi trai Áo dính bùn đất phất phơ trên cây thập tự trắng”. Cái “điều gì đó” này tác động lên con người, con người thực hiện mệnh lệnh của nó và tự mình để nó dẫn dắt – vào chỗ chết. Cái “điều gì đó” này ẩn mình, ẩn danh, bất khả tiếp cận, và đôi khi xuất hiện dưới hình thức những vị tướng thẩm tra, những kẻ diễn giải cho những người sẽ chết điều thông thái sâu xa của Cơ chế vĩ đại: “Kỷ luật sắt … Tổ chức … Schwarmweise unter Kommando … Latrinenscheissen, dann partienweise … schlafen gehen.”

Švejk không có cơ chế sẽ không còn là Švejk, mà chỉ còn là một bạn đồng hành vui vẻ, một anh hề, một kẻ hay đùa. Anh ta trở thành Švejk ngay khi đối thủ thực sự của anh ta xuất hiện: Cơ chế Vĩ đại. Bất cứ khi nào cơ chế này chuyển động (như được thông báo trong câu mở đầu, “thế là họ giết Ferdinand của chúng ta rồi,”) Hašek xuất hiện trên sân khấu. Trò chơi bắt đầu giữa con người và cơ chế, giữa cơ chế và con người. Cơ chế điều chỉnh con người cho nhu cầu của nó, buộc anh ta theo logic riêng của nó, và áp đặt lên anh ta cách cư xử nhất định. Cơ chế này hoạt động như một thế lực ẩn danh, tổ chức con người theo các trung đoàn, tiểu đoàn, quân đội và đưa họ ra mặt trận. Kỷ luật sắt, tổ chức và trật tự là những đặc trưng quan trọng của cơ chế, giống như sự hỗn loạn và vô nghĩa vậy.

Tính lố bịch biểu hiện như một bộ máy khổng lồ và một lũ người ngợm để mua vui; hoặc, nói đúng hơn, tấn bi hài kịch của hiện thực, nỗi khiếp sợ và sự lố lăng, kinh dị và tính hài, liên tục lộ ra nhờ những cá nhân đại diện cho cơ chế, thứ sống gần hoặc trong mặt nạ của thế giới loài thú: tay cảnh sát mật thám Brettschneider bị chính chó của hắn ăn thịt, bác sỹ trưởng coi tất cả bệnh nhân trong viện quân y như “phân và đồ súc vật và… tất cả sẽ không tránh khỏi dây thòng lọng;” những nghi can chịu sự điều tra của “một quý ông mang gương mặt quan chức lạnh tanh có dấu hiệu ác như thú”.

Bên cạnh chuyển động của cơ chế, của cái phi lý và vô nghĩa, còn có một chuyển động khác, của số phận con người và những cuộc gặp gỡ con người, những câu chuyện và những cuộc phiêu lưu của con người, mỗi thứ lại có ý nghĩa và mục đích riêng, bởi chúng làm nên nội dung cuộc sống của con người. Con người vận động trong Cơ chế vĩ đại: sự vận động cơ học dẫn con người tới chỗ diệt vong thậm chí còn được kích hoạt và vận hành nhờ vận động cơ học hoá của chính những con người này. Nhưng người ta vẫn không ngừng thoát ra ngoài cỗ máy ấy; họ thoát ra ngoài tầm với của nó, họ bỏ trốn, và họ thậm chí cũng tồn tại độc lập với cơ chế. Trong bộ bánh răng phức tạp khít nhau và đẩy nhau chuyển động này, chỉ có những vận động đơn lẻ, cá nhân (những số phận, những cuộc gặp gỡ, những câu chuyện) là có nghĩa, trong khi vận động của bộ máy như một tổng thể là vô nghĩa; vận động của cỗ máy là vận động của tính phi lý. Sự bất tương đồng giữa giá trị của số phận con người bên trong và bên ngoài cỗ máy ấy, và tính vô nghĩa trong sự vận động của Cơ chế vĩ đại thật vô cùng lớn và bùng nổ đến mức nhãn quan về thế giới này không đòi hỏi nhân vật trung tâm (Švejk) phải phát triển theo công thức của giới phê bình và kiểu diễn giải lý tưởng hoá: “tính tích cực” sẽ là cái chết của Švejk. Hai chuyển động thực tế này, bị một “yếu tố chậm phát triển” can thiệp, bằng một cách nhất định, lời kể của Švejk luôn nhận xét về cả hai chuyển động, tiết lộ sự liên quan giữa chúng hoặc đưa chúng vào các mối liên quan. Sự lố bịch có thể xuất hiện nhiều nơi trong sách của Hašek như một thành phần hữu cơ, bởi vì nó có mặt trong chính cấu trúc của tác phẩm.

4. Švejk là ai?

Nhân vật Švejk phải được xem xét trong bối cảnh thế giới, chứ không chỉ được giải thích bằng những chỉ dẫn đơn thuần qua các nhân vật chính của Diderot, Cervantes, Rabelais hoặc Coster.

Švejk tỏ ra là một anh tốt bụng và thông minh, dở hơi và ngố, một kẻ ngốc nghếch được nhà nước công nhận, một kẻ phản kháng bị nhà nước nghi ngờ, một tay vờ vịt và tính toán, một tên gián điệp và một đối tượng trung thành. Nếu Švejk lúc này có vẻ là một thằng ngốc và lúc khác lại thông minh, nếu anh ta khi thì đóng vai người hầu, khi lại là kẻ phản kháng (mà vẫn giữ nguyên bản chất mình là ai), sự biến hoá, khó nắm bắt, “bí ẩn” của anh ta là kết quả của một hệ thống, một hệ thống lộn tùng phèo và trở mặt, dựa trên một giả định chung rằng mọi người luôn vờ vịt là một cái gì đó không phải chính họ, và do đó nhân vật trung tâm phải là kẻ gian lận và là người kiểm soát (giám sát viên) của hệ thống ấy. Thần bí hoá một cách có tổ chức và hai chiều là một trong những tính chất của hệ thống này. Švejk di chuyển trong một cơ chế mà “động lực” của nó là sự nửa vời và cẩu thả: anh ta coi mọi thứ là nghiêm túc và theo nghĩa đen, bộc lộ tính phi lý của hệ thống và bản thân anh ta cũng vô lý hoặc kỳ quặc trong những hành động của mình. Trong hệ thống này, giới cầm quyền bị thuyết phục rằng cấp dưới của họ là những kẻ mạo danh, vờ vịt, gây rối và phản bội, trong khi người ta nhận ra đằng sau những chiếc mặt nạ hành chính nghiêm túc của cấp trên là những nhân vật đáng xấu hổ và những thằng ngốc. Đó là một hệ thống nơi những chiếc mặt nạ và việc đeo hay lột mặt nạ hoạt động như những mối quan hệ cơ bản giữa người với người.

Švejk là ai? Các tình huống của Hašek chỉ ra rằng con người luôn bị hạ thấp thành một thứ gì đó. Nhưng Švejk không thể bị hạ thấp. Điểm quan trọng là cảnh nổi tiếng trong nhà thương điên, nơi bác sĩ quay sang Švejk, “Anh hãy bước về phía trước năm bước rồi lùi lại năm bước.” Švejk làm mười bước. “Tôi đã bảo anh,” bác sĩ nói, “bước năm bước cơ mà.” “Vài bước đi đối với tôi chả quan trọng gì,” Švejk nói.

Đây là chìa khoá để hiểu Švejk: một con người luôn bị đặt vào một hệ thống được hợp lý hoá và được tính toán, nơi anh ta bị xem xét, xử lý, lôi đi và vận chuyển, nơi anh ta bị hạ thấp thành cái gì đó không phải là con người và phi nhân tính, nghĩa là một đồ vật có sẵn hay một đại lượng nào đó có thể tính toán được và dễ dàng vứt bỏ. Nhưng vài bước với Švejk không hề gì, không tính toán được với Švejk bởi vì không thể lường được anh ta. Một người không thể hạ thấp được thành một vật và luôn luôn lớn hơn một hệ thống của những mối quan hệ thực tế, trong đó anh ta di chuyển và bị nó di chuyển.

Liệu Švejk có đeo chiếc mặt nạ của một thằng ngốc, dưới đó che dấu bộ mặt mang bản chất tự nhiên và sự cao thượng của con người lý tưởng, liệu anh ta có đeo chiếc mặt nạ của một anh lính trung thành, để che giấu bộ mặt thật của một nhà cách mạng? Tôi thấy thiên tài của Hašek trong việc thể hiện con người và cá tính của anh ta như một chiều không gian rộng lớn, như một khoảng cách giữa các thái cực, giữa một kẻ ngốc và một người thông minh, một kẻ hoài nghi và một người cao thượng, nhạy cảm, giữa một công dân trung thành với một kẻ phản kháng.

Trong tác phẩm của Hašek, người ta gặp gỡ nhau ở nhà ga, nhà thổ, quán rượu, bệnh viện, và cả nhà thương điên. Và đối với Švejk, nhà thương điên thậm chí còn là nơi duy nhất trên thế giới con người ta được tự do. Câu hỏi đặt ra là, người ta được tự do theo nghĩa nào. Điều này có nghĩa là: để được tự do, tôi phải trở thành người điên, hay vì tôi là người điên nên tôi tự do? Nhà thương điên là nơi ẩn náu của tự do, hay tự do phải bị nhốt trong nhà thương điên để nó không hại người và người ta không hại nó?

Sự phức tạp, khó hiểu và bí ẩn trong tác phẩm của Kafka không bị tính đơn giản và dễ hiểu vẻ tầm thường trong tác phẩm của Hašek chống lại. Tác phẩm của Hašek theo một nghĩa nào đó cũng bí ẩn và thách thức, và cũng cần được diễn giải bằng các phương thức khoa học hiện đại. “Nguyên tắc về tính nhân dân” kiểu bảo thủ đã hoàn toàn thất bại ở đây.

 

5. Hašek và Kafka

Không thể đồng nhất Švejk với Švejkism, cũng như không thể đồng nhất Kafka với Kafkaesque. Thế giới kiểu Kafka (Kafkaesque) là cái gì? Đó là thế giới phi lý trong suy nghĩ và hành động của con người và những giấc mơ của con người, một thế giới như một mê cung ghê rợn và vô nghĩa, một thế giới bất lực của con người trong mạng lưới máy móc, thiết bị quan liêu và những sáng tạo đồ vật hóa: thế giới bất lực của con người trong một thực tại bị đồ vật hoá và tách biệt. Cái gọi là Švejkism là cách phản ứng nhất định của con người trong thế giới của bộ máy toàn năng phi lý và của các mối quan hệ bị đồ vật hóa. Kafkaesque và Švejkism là hiện tượng thế giới, tồn tại độc lập với các tác phẩm của Jaroslav Hašek và Franz Kafka; Hai nhà văn của Praha đã đặt tên cho hiện tượng này, và bằng các tác phẩm của mình, họ đã cho nó một hình thức nhất định. Nhưng điều đó không có nghĩa là tác phẩm của Hašek có thể bị hạ thấp thành Švejkism, hay tác phẩm của Kafka có thế bị hạ thấp thành Kafkaesque. Švejk không phải là ngôn ngữ Švejk, cũng như tác phẩm của Kafka không phải là ngôn ngữ Kafka. Švejk của Hašek đồng thời và được ngầm hiểu là sự phê phán Švejkism, cũng như tác phẩm của Kafka là sự phê phán Kafkaesque. Hašek và Kafka mô tả và phơi bày thế giới kiểu Švejkism và Kafkaesque như hiện tượng thế giới, nhưng đồng thời cũng phê phán nó. Con người trong tác phẩm của Kafka bị nhốt trong mê cung của những khả năng bị ràng buộc, của những mối quan hệ tách biệt và cuộc sống thường nhật bị đồ vật hoá. Đối với anh ta, cuộc sống ấy dần biến hình thành sức mạnh siêu nhiên đầy ảo ảnh, nơi anh ta không ngừng đi tìm sự thật với niềm đam mê không gì lay chuyển. Con người trong tác phẩm Kafka buộc phải sống trong một thế giới, nơi phẩm giá con người duy nhất là sự diễn giải thế giới, vì bước đi và đổi thay của thế giới được quyết định bởi những thế lực khác, không phụ thuộc vào cá nhân nào. Bằng tác phẩm của mình, Hašek đã chứng minh rằng con người ngay cả trong hình thức đồ vật hóa thì vẫn là con người, rằng con người vừa là sản phẩm vừa là người làm đồ vật hóa. Con người vượt lên trên đồ vật hóa của chính mình. Con người không thể bị hạ thấp thành đồ vật, mà còn lớn hơn cả một hệ thống. Chúng ta vẫn chưa có một cách gọi phù hợp cho sự thật kỳ diệu rằng con người chứa đựng sức mạnh khủng khiếp và bất khả huỷ diệt của nhân loại.

Trong nửa đầu thế kỷ hai mươi hai nhà văn Praha này cho ta hai viễn cảnh về thế giới hiện đại. Họ mô tả hai loại người mà thoạt nhìn tưởng như xa cách và trái ngược nhau, nhưng trong thực tế lại bổ sung cho nhau. Trong khi Kafka miêu tả sự đồ vật hóa trong cuộc sống hằng ngày của thế giới loài người và chỉ ra rằng con người hiện đại phải trải nghiệm và biết đến những hình thức cơ bản của sự tách biệt để có thể làm người, thì Hašek đã chứng minh rằng con người hơn cả sự đồ vật hóa, bởi anh ta không thể bị hạ thấp thành đồ vật, thành sản phẩm và các mối quan hệ đồ vật hóa.

Nghiêm Quỳnh Trang dịch từ nguyên bản tiếng Séc, đối chiếu với bản dịch tiếng Anh
Bình Slavická hiệu đính

 

(Tranh minh họa của George Grosz có thể xem ở đây)

 

Chấm sao chút:

Đã có 4 người chấm, trung bình 4.8 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3