Thời gian đọc: 7 phút

Tôi không định đọc “Bồ đoàn đỏ” của An Thư khi tác phẩm bị dính nghi vấn đạo văn. Chuyện làng văn (vốn dĩ đìu hiu) nhưng cũng từng đôi dịp được xôn xao như vậy. Nhưng tôi bỗng thắc mắc, “bồ đoàn” nghĩa là gì nhỉ? Tìm hiểu trên mạng thì: “Bồ đoàn là một loại tọa cụ dùng loại cỏ bồ để bện thành. Thiền Lâm Tượng Khí Tiên chép: “Vật để lót ngồi, dùng cỏ bồ tạo thành, nó hình tròn nên gọi Bồ đoàn.” Bồ là một loại cỏ sống ở dưới nước, mềm và ấm, thích hợp dùng để làm đồ trải ngồi.”[1]

Thú vị vì khám phá ra một từ mới, tôi tò mò tìm đọc “Bồ đoàn đỏ” trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đọc xong truyện, chi tiết cái bồ đoàn đỏ; hình ảnh người mẹ chồng mải miết sao thảo mộc lồng vào bồ đoàn cho con dâu ngồi; câu chuyện về những bà tổ đã bị rạch bụng, bị rạch cửa mình khi sinh con, bị đánh đến tàn tật gây ấn tượng cho tôi. Khi soi chiếu lại tác phẩm “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu, tôi thấy hai truyện này có không khí, tư tưởng và tính cách nhân vật hoàn toàn khác nhau.

Truyện ngắn “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu có độ dầy về mặt ngôn ngữ hơn so với “Bồ đoàn đỏ” của An Thư. Đặt cạnh nhau, “Bóng đè” có sức nặng hơn “Bồ đoàn đỏ” về cách mô tả nội tâm phức tạp của nhân vật, về không khí liêu trai và tư tưởng chống Tầu ngầm ẩn. Nhưng không thể phủ nhận sự sáng tạo riêng và sự phản kháng riêng của nhân vật trong truyện ngắn của An Thư. Thông điệp giải thoát mình khỏi những hủ tục phong kiến mà tác giả muốn truyền tải cũng đạt đến những hiệu quả nhất định.

Những chi tiết tương đồng mọi người dễ dàng có thể nhận thấy như: hai vợ chồng về quê, ban thờ, những ngôi mộ, nguồn gốc Trung Hoa của gia đình chồng, mẹ chồng, mong có cháu đích tôn, giấc ngủ và mơ. Những chi tiết tương đồng này là điều tôi băn khoăn nhất để khẳng định An Thư có đạo lại ý tưởng của Đỗ Hoàng Diệu hay không. Ở Việt Nam, gia đình chồng ám ảnh mọi nàng dâu về những đám giỗ, gia phả, dòng họ, nhất là nỗi ám ảnh mang tên mẹ chồng và sứ mệnh phải có cháu đích tôn. Chi tiết nguồn gốc gia đình Trung Hoa cũng có thể là một ám chỉ về những ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến. Tôi cho rằng đây là bối cảnh, chi tiết, không gian quen thuộc trong văn chương và điện ảnh Việt Nam mỗi khi nhắc đến đề tài phong kiến hay thân phận phụ nữ. Dường như không ít thì nhiều câu chuyện về những làng quê luôn xoay quanh những đám giỗ, chuyện thờ cúng, mẹ chồng nàng dâu, nối dõi tông đường. Trước khi đi sâu vào không khí và tư tưởng khác nhau hoàn toàn, tôi muốn phân tích sự khác biệt ngay trong những điểm tương đồng của hai truyện.

Quê có, mộ có, ban thờ có, mẹ chồng có, nơi ngủ của hai vợ chồng có.

Không gian ngôi nhà ở quê trong hai tác phẩm được dựng lên hoàn toàn khác nhau. Nhà Thành (trong “Bồ đoàn đỏ”) khang trang bề thế hơn nhiều, có nhiều phòng nối tiếp nhau, trong đó phòng cuối cùng là để ban thờ, gia phả 7 đời của dòng họ được khóa kín, không ai được phép vào. Truyện được mở đầu bằng cảnh hai người yêu nhau về ra mắt. Lúc đó chưa cưới nên Lam (nhân vật nàng dâu trong “Bồ đoàn đỏ”) phải ngủ một mình trong một căn phòng có một cái sập và cái bồ đoàn đỏ. Mẹ chồng tương lai hài lòng khi Lam ngồi vừa vặn trên bồ đoàn. Khi cưới, đêm tân hôn hai vợ chồng cũng được xếp vào ngủ căn phòng đó, chưa được vào phòng chính có chăn ấm nệm êm. Sau hai vợ chồng về thành phố ở, thường về quê theo những kỳ lễ và bị mẹ chồng luôn bắt ngủ trong căn phòng đó.

Vào không gian truyện của “Bóng đè” có thể hình dung ra ngôi nhà ba gian có tường vây quanh. Bước qua cửa sẽ thấy một ban thờ ở giữa với nhiều tấm bình phong, bát hương và cái phản mà hai vợ chồng Thụ ngủ nằm ngay dưới ban thờ đó, chính diện cửa ra vào. Kế bên là buồng của Thắm em gái Thụ. Vợ chồng Thụ thường về quê hằng năm theo các đám giỗ, nhà Thụ có 16 đám giỗ mỗi năm. Buổi tối mẹ chồng bảo hai vợ chồng ngủ trong buồng nhưng cô vợ Thụ không thích, nháy chồng nói với mẹ muốn nằm ở phản ngay cạnh ban thờ ở giữa nhà cho mát.

Nhân vật nữ và những giấc ngủ mộng mị đầy hoan lạc trong “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu làm nên linh hồn và không khí liêu trai của truyện. Nhân vật nữ rất dữ dội trong cả suy nghĩ nội tâm lẫn những biểu hiện bên ngoài. Truyện còn miêu tả những thay đổi nội tâm của hai vợ chồng sau những chuyến về quê, có nhiều đoạn tả hai vợ chồng lúc ở thành phố. Những giấc ngủ trong cơn bóng đè hé lộ những ẩn ức, những khao khát, những phức tạp về đời sống nội tâm của nhân vật. Giấc ngủ của nhân vật nữ thường có những bóng ma nam trong đại gia đình dòng dõi Trung Hoa của Thụ cưỡng hiếp. Truyện ngắn “Bóng đè” không đi sâu kể về nguồn gốc cụ thể về gia tộc này.

Nhân vật nữ trong truyện “Bồ đoàn đỏ” của An Thư chỉ đơn thuần nằm mơ thấy một người bà cố và giấc mơ hé lộ ẩn ức và câu chuyện về dòng họ 7 đời nhà Thành. Nguồn gốc từ đâu, vì sao từ phía Bắc chạy xuống phía Nam, vì sao dính phải lời nguyền chỉ có con độc đinh vào mỗi đời, vì sao tất cả các bà cố từ đời bà cố thứ 7 khi về nhà chồng phải ngồi trên chiếc bồ đoàn đỏ trước khi động phòng. Như trên tôi có nhắc đến hình ảnh những bà cố bị rạch bụng, bị rạch cửa mình khi sinh. Vì gia tộc chỉ cần cứu lấy những đứa cháu đích tôn, nên khi sinh nở, cơ thể và sự sống của những bà cố đời trước đều bị phá hủy, đều không được coi trọng. Chính mẹ chồng Lam cũng là nạn nhân của lời nguyền, của hủ tục này.

Nhân vật mẹ chồng trong “Bồ đoàn đỏ” dù vai ác nhưng cũng ít nhiều gây được cảm tình bởi An Thư dụng công miêu tả hình ảnh bà cặm cặm cụi sao thảo mộc chuẩn bị những chiếc bồ đoàn, với ánh mắt trũng sâu khi con dâu mãi không mang thai, với những lời giải thích rất dài cho con dâu về bí mật của dòng họ. Bà ít nói, không dữ nhưng không dịu dàng, đôi mắt đen thăm thẳm. Kiểu như một người mang trong lòng rất nhiều tâm sự, vừa đáng giận vừa đáng thương. “Bồ đoàn đỏ” có thêm nhân vật phụ người bố chồng được mô tả thoáng qua trong ánh mắt thất vọng chờ đợi cháu đích tôn. Đỗ Hoàng Diệu có miêu tả nhân vật mẹ với khuôn mặt tôi tối, mắt nhìn đâu đâu, những cái liếc xéo lởm chởm, ngồi nhỏ thó như một đứa trẻ. Đặc biệt trong cơn bóng đè người con dâu còn nghe thấy “những tiếng ho đứt rời, cằn cộc, tiếp tục cay thét làm như mẹ chồng tôi muốn biểu lộ ganh ghét với chỗ tôi đang nằm.”[2]

Qua phân tích trên có thể thấy cũng là chuyện mẹ chồng nàng dâu tính cách và cư xử với con dâu của hai mẹ chồng trong hai câu chuyện khác nhau dù có chung một niềm mong ước có lẽ là mong ước của mọi bà mẹ chồng trên đất nước Việt Nam: con dâu sinh cháu đích tôn. Và hai mẹ chồng có hai nỗi niềm sâu kín hai tâm tư khác biệt. Mẹ Thành trong “Bồ đoàn đỏ” cuối cùng cũng thốt lên với con dâu rằng chính mẹ cũng phải chịu đựng như thế như thế, cũng là hiện thân có thật nối tiếp câu chuyện về các đời bà cố mà đang kể cho con dâu nghe. Còn mẹ Thụ trong “Bóng đè” được con dâu mường tượng rằng chính bà đang ghen ghét với chỗ cô nằm.

Hai người chồng trong hai câu chuyện có điểm tương đồng là sự cam chịu trước những sức ép của hủ tục phong kiến và sức ép của mẹ. Nhưng Thụ trong “Bóng đè” được miêu tả có cái gì đó buông xuôi bất lực hơn vì câu chuyện của hai người vợ cũng khác, vì câu chuyện của vợ Thụ có nhiều dữ dội, cao trao và phức tạp hơn. Mẹ chồng Thụ, Thụ, em gái Thụ, gia đình Thụ biết nhưng âm thầm chấp nhận hình ảnh những bóng ma cưỡng hiếp con dâu.

Kết truyện “Bóng đè,” vợ Thụ mang thai và cô không rõ đứa con là của người chồng hay của những bóng ma trong gia tộc dòng dõi Trung Hoa. “Bàn tay ký giấy ly hôn nhưng thân thể ngồi yên vít vào mặt phản”…”Cơ thể thỏa mãn trong im lặng”…”Chúng tôi không biết chọn lựa vì cơ thể chúng tôi đòi hỏi những nhục cảm mà bóng tối ban phát.”[3] Truyện mở đầu bằng một đoạn văn miêu tả bàn tay và kết truyện cũng miêu tả lại bàn tay ấy. Đây là những hình ảnh ẩn dụ nên từ kết này mỗi người sẽ có những cách hiểu riêng. “Bóng đè” là một truyện ngắn nổi tiếng của Đỗ Hoàng Diệu, văn đàn cũng đã bàn hết về nội dung, tư tưởng và các thủ pháp nghệ thuật của truyện ngắn này rồi nên tôi không đi sâu vào trong bài viết này. Nhưng không gian, câu chuyện và tư tưởng của “Bóng đè” hoàn toàn khác với “Bồ đoàn đỏ” và cái kết tất nhiên cũng vậy.

Trong những gia đình mang nặng tư tưởng phong kiến Việt Nam, việc không có con xưa nay luôn là lỗi của những nàng dâu, nên ở truyện ngắn “Bồ đoàn đỏ”, cái kết về một kết quả xét nghiệm mang tính khoa học Thành bị vô sinh như cái tát vào niềm tin 7 đời dòng họ rằng những nàng dâu ngồi lên bồ đoàn đỏ có thể sinh được cháu đích tôn. Trong một không khí truyện mang nặng âm khí, những hủ tục phong kiến, những đức tin không có cơ sở, chi tiết xét nghiệm vô sinh kéo câu chuyện về không gian thực tế hơn, mang cho câu chuyện một luồng gió mới ở cuối truyện. Đó cũng là sự giải thoát tự do cho Lam khỏi mang tội không biết sinh con, khỏi những áp đặt của gia đình chồng, để tìm đến cho mình những chân trời mới. Cô lên tầu ngược về thành phố. Cô thôi khóc và hy vọng “tiếng gió nào đang gọi tên cô…”.

Bồ đoàn là vật để người ta ngồi lên đó thiền, tĩnh tâm. Nhưng những nàng dâu trong “Bồ đoàn đỏ” sau khi ngồi lên đó là mang trong lòng một gánh nặng, một lời nguyền, và có thể là cả một kiếp làm dâu không thể có được sự bình an. Cá nhân tôi cho rằng, “Bồ đoàn đỏ” của An Thư có câu chuyện riêng, có sáng tạo riêng, có hơi thở riêng, có tư tưởng riêng. Không thể nói rằng đây là một tác phẩm đạo văn.

Sơn Ca

[1] http://chuahoiphuoc.net/nguon-goc-bo-doan-trong-pha%CC%A3t-giao/

[2] Trang 31 tập truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005.

[3] Trang 36, 37, 38 tập truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, nhà xuất bản Đà Nẵng 2005.

Chấm sao chút:

Đã có 10 người chấm, trung bình 2.8 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3