Thời gian đọc: 25 phút

Chục năm nay mùa Nobel nào các nhà cái cũng réo gọi tên Ngũgĩ wa Thiong’o, Times Literary Supplement còn táo bạo đến mức nói rằng “Wa Thiong’o đáng lẽ phải là người được giải vào năm 2016” (xin lỗi, Bob!). Nhưng Ngũgĩ viết gì thì chắc hầu hết độc giả Việt Nam đều chưa đọc (cũng như phần lớn các ứng viên Nobel khác, chắc vậy), thậm chí nếu tôi dám liều đoán, hẳn từ lâu ở phương Tây người ta cũng không đọc ông nữa, ngoại trừ đám điểm sách, phê bình và nghiên cứu vốn không có việc gì khác để làm. Vậy nhân danh chuyên gia thường trực về Ngũgĩ ở Zzz Review, sau đây là một vài lời giới thiệu và một đoạn trích dịch ngắn tiểu thuyết của ông (mà tôi thích nhất, không cam đoan là xuất sắc nhất hay thành tựu nhất).

Ngũgĩ wa Thiong’o (1938) tên khai sinh là James Ngũgĩ, thuộc dân tộc Kikuyu (thường viết trong sách của ông là Gikuyu) giống như tổng thống đầu tiên của Kenya là Kenyatta, người thường trở lại trong tiểu thuyết của ông dưới nhiều lốt nhân vật khác nhau. Con của một gia đình nông dân nghèo, em của một tên thảo khấu Mau Mau/chiến sĩ đấu tranh vì độc lập khỏi ách thực dân Anh, Ngũgĩ là một tấm gương học sinh nghèo vượt khó khi là cậu bé duy nhất của làng được học bổng đi học tiếp cấp 2, rồi cấp 3 ở trường truyền giáo gần thủ đô Nairobi, rồi đại học ở Uganda, và tiếp tục học thạc sĩ ở Leeds (Anh quốc). Năm 1964, tốt nghiệp một năm đang chờ đi Leeds, ông cho ra đời cuốn sách đầu tay Con ơi, đừng khóc, cuốn sách đầu tiên của một nhà văn Đông Phi bằng tiếng Anh đến với một công chúng khi ấy mới chỉ biết đến Achebe và Quê hương tan rã như là đại diện duy nhất của văn học châu Phi. Năm sau đó ông tiếp tục in Dòng sông ngăn giữa (cuốn sách thứ hai nhưng được viết trước), gây xôn xao vì bức tranh về tập tục cắt xẻo âm vật của người Kikuyu. Hai cuốn sách đều nhanh chóng đứng vào hàng bán chạy, với các nhân vật chính dựa trên cuộc đời thực của tác giả, cậu bé ngây thơ ham học hỏi trên nền chiến tranh, giữa văn hóa cổ truyền, thần thoại và đất đai Kikuyu và sứ mệnh giáo dục cùng thế giới quan Thiên Chúa giáo, James Ngũgĩ đã trở thành poster boy của công cuộc sáng hóa Cơ đốc tại một mảnh đất mà mới đây vẫn còn tin phù thủy, xỏ mũi và cởi trần chạy theo thú săn.

… thì, boom! Năm 1967 Một hạt lúa mì ra đời, đầy tinh thần người học trò đích thực của Marx, hay đúng hơn là của Frantz Fanon mà ông đã đọc ở Leeds. Đại học Leeds đã thay đổi đời ông, Ngũgĩ tâm sự, không chỉ vì những sách vở và bạn bè gặp được mà còn vì chứng kiến cảnh sống thợ thuyền ở thành phố đã méo mó vì công nghiệp – “giả sử tôi đến học ở những thành phố xinh đẹp hơn, điền viên hơn ở nước Anh thì hẳn tôi đã khác rất nhiều”, Ngũgĩ nói. Ông bỏ dở luận văn ở Leeds, trở về dạy ở Đại học Nairobi, và hiện trạng đất nước sau Uhuru (độc lập) cùng những giấc mơ tan vỡ đã làm nên nội dung chủ yếu trong Một hạt lúa mì Những cánh hoa màu máu (1977), có thể nói là đỉnh cao về nghệ thuật tiểu thuyết theo-lối-phương-Tây của ông.

“Bàn về việc bãi bỏ khoa Anh văn”, một văn bản gửi lên chính trường Đại học Nairobi năm 1968, do James Ngũgĩ và hai đồng nghiệp đứng tên, là một cái mốc quan trọng trong tự nhận thức của văn học châu Phi cũng như của phong trào hậu thuộc địa từ đó trở về sau. Trong yêu cầu phế bỏ khoa Anh văn và dựng lên thay thế một Khoa văn học và ngôn ngữ châu Phi này, điều cần lưu ý là phạm vi của “văn học châu Phi” mà họ vạch ra: “văn học truyền miệng; văn học Swahili cổ đại, với một bộ phận hiện đại đang dần lớn lên; một phần nhỏ văn học châu Âu như là một trong các cội rễ của chúng ta; tiểu thuyết châu Phi bằng tiếng Anh và tiếng Pháp; thơ ca châu Phi bằng tiếng Anh, Pháp, bản dịch các tác phẩm của người châu Phi viết bằng tiếng Tây, Bồ; tiểu thuyết và thơ ca [của người da đen ở] Carribe; văn chương của người Mỹ gốc Phi; và kịch”. Điều đáng chú ý là ở thời điểm ấy, hầu hết các ngôn ngữ của các bộ tộc châu Phi đều chưa đủ mạnh để hình thành một ngôn ngữ văn chương theo tiêu chuẩn (châu Âu) hiện đại; hơn nữa, giống như Ấn Độ, châu Phi có rất nhiều mảnh ghép các bộ tộc khác nhau nói các ngôn ngữ khác nhau, và khác với Ấn Độ, châu Phi bị chia thành các quốc gia (theo nghĩa hiện đại) theo quyết định của các cường quốc lớn; tất cả đưa lại một sự tương tác phức tạp giữa ngôn ngữ, văn hóa bản địa, căn tính dân tộc, và căn tính quốc gia, trên nền kinh tế và chính trị suốt một thời gian dài vẫn bất ổn, cản trở sự phát triển thật sự phồn thịnh của từng nền văn học dựa trên từng ngôn ngữ dân tộc.

Ngũgĩ – mà từ Những cánh hoa màu máu đã là Ngũgĩ wa Thiong’o (con ông Thiong’o, theo cách đặt tên của người Gikuyu – cho nên ai muốn gọi ông theo “họ” là wa Thiong’o là sai bét, xin lỗi TLS!) – không chỉ nói mà làm: ông bắt tay vào viết vở kịch bằng tiếng Kikuyu “Tôi sẽ kết hôn khi nào tôi muốn”, đem diễn giữa quần chúng, chỉ trích xã hội Kenya hậu giải phóng. Vở kịch mang lại cho ông sáu tuần hâm mộ nhiệt liệt từ phía quần chúng và hơn một năm nằm tù từ phía nhà cầm quyền. Trong tù, như mọi nhà bất đồng chân chính, ông viết nhật ký nằm tù và hẳn một cuốn tiểu thuyết trên giấy vệ sinh, Ác quỷ trên thập giá, cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên bằng tiếng Kikuyu. Đây cũng là thời gian ông quyết định chuyển hẳn sang sáng tác bằng tiếng Kikuyu: Ác quỷ trên thập giá (1980), Matigari ma Njiruungi (1986) và Phù thủy quạ (2004) đều được viết và xuất bản bằng tiếng Kikuyu trước khi dịch sang tiếng Anh, tất cả đều trong thời gian ông đã lưu vong sang Mỹ. Ác quỷ Matigari tiếp nối chủ đề chỉ trích chế độ thực dân mới ở Kenya, than tiếc cho giấc mơ độc lập, với ngôn ngữ là sự hòa trộn giữa các khẩu hiệu và motif Marxist với thơ ca và truyện dân gian Kikuyu, và một thứ văn không thể chán hơn khi dịch ngược lại sang tiếng Anh. Phù thủy quạ, một cuốn hiện thực huyền ảo lai với dystopia 800 trang mà không ai dám dịch sang tiếng Anh trừ chính tác giả và không ai dám đọc ngoài các fan cứng cùng đám điểm sách tội nghiệp, ra đời cách cuốn trước 20 năm, xem ra đã chỉ còn là một dự án riêng tư của tác giả về một thời quá vãng.

Từ năm 2010 trở lại đây, Ngũgĩ wa Thiong’o trở lại với văn đàn qua những tập hồi ức đồ sộ, viết bằng tiếng Anh và được ca ngợi bởi thứ văn đẹp cùng những mô tả sinh động về văn hóa cổ truyền Kikuyu – rất thích hợp với các fan cứng, hoặc những người đọc ông lần đầu tiên để được gặp tác giả khi đã chín muồi mà lại ít phải nghe những câu chuyện gió tanh mưa máu (j/k, cuốn nào cũng gió tanh mưa máu). Cuốn sách gần nhất của ông là một bản kể lại thần thoại khởi nguyên của người Kikuyu, vừa phát hành hôm qua cho kịp cuộc đua Nobel (chăng?).

*

Trên đây là một tóm lược ngắn những tiểu thuyết của ông, bỏ ra ngoài kịch, thơ cùng một tá tập tiểu luận mà nội dung không ngoài “nay ở trong thơ nên có thép” và “nhà thơ cũng phải biết viết bằng tiếng địa phương” (thật tình, một mình Ngũgĩ có thể bằng nguyên một bộ tuyên truyền phổ biến tiếng dân tộc). Dưới đây là trích đoạn rất ngắn nhưng chắc cũng đủ để thấy phong cách và không khí của cuốn tiểu thuyết cuối cùng ông trực tiếp viết bằng tiếng Anh, được kết thúc ở Yalta nơi ông tới nghỉ theo lời mời của Hội nhà văn Liên Xô. Đọc xong, chắc tất cả cũng yên tâm rằng trong không khí chính trị bây giờ, Nobel chẳng về tay ông đâu.

– Nguyễn An Lý

Chương 1

1

Chúng tới tìm anh ta Chủ nhật ấy. Anh ta vừa trải qua một đêm thức canh trên núi. Anh ta đang nằm trên giường, Kinh thánh mở đến trang Khải huyền, thì hai viên cảnh sát một thấp một cao gõ cửa.

“Ông Munira?” tên thấp hỏi. Bên trên lông mày trái có vết sẹo hình ngôi sao.

“Vâng.”

“Ông dạy trường tiểu học Ilmorog Mới?”

“Thế anh nghĩ anh đang ở đâu?”

“À phải. Chúng tôi phải hỏi cho chắc. Suy cho cùng, giết người chứ có phải là irio hay ugali đâu.”

“Anh nói cái gì đấy?”

“Phòng cảnh sát Ilmorog Mới triệu tập ông.”

“Vì cớ gì?”

“Giết người, cố nhiên rồi – giết người ở Ilmorog.”

Lúc này tên cao mà nãy giờ chưa nói gì vội vàng bổ sung: “Không có gì nghiêm trọng đâu, ông Munira, chỉ là hỏi han bình thường thôi.”

“Không phải giải thích. Các anh chỉ đang thi hành bổn phận trong đời thôi. Nhưng để tôi lấy áo khoác đã.”

Hai tên nhìn nhau, bất ngờ khi thấy anh ta tiếp nhận cái tin ấy lạnh nhạt như vậy. Anh ta quay lại, cầm cuốn thánh kinh trong tay.

“Ông Munira ạ, ông chẳng bao giờ bỏ quên cuốn kinh,” tên thấp nói, ngưỡng mộ và có đôi chút sợ sệt trước quyền lực của cuốn sách.”

“Trong những ngày cuối cùng trước khi Đức Christ tái lâm, chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng gieo hạt. Mọi dấu hiệu đều được tiên báo trong này – xung đột, giết chóc, chiến tranh, đổ máu.”

“Ông ở Ilmorog được bao lâu rồi?” tên cao hỏi, đổi hướng câu chuyện khỏi ngày tận thế và sự giáng lâm lần hai của Chúa Christ. Tên này thường xuyên đi lễ và không muốn bị dính dớ tới phe xấu.

“Các anh đã bắt đầu hỏi cung đấy hả?”

“Không, không, ông Munira, không có cung kiếc gì cả. Chúng tôi hỏi chuyện ông thôi. Chúng tôi không hiềm thù gì với ông cả.”

“Mười hai năm rồi!” anh ta cho biết.

“Mười hai năm rồi!” cả hai hùa theo.

“Phải, mười hai năm ở cái vùng đất hoang này.”

“Chà, như thế thì… ông đã đến đây từ trước cả khi có Ilmorog Mới…”

2

Abdulla ngồi trên ghế trước cái nhà bé tí như lỗ mũi của gã, ở một góc Ilmorog Mới mang tên Jerusalem mới. Gã nhìn bàn tay trái quấn băng. Bệnh viện không bắt gã ở lâu. Gã bình tĩnh lạ thường sau cái đêm lắm thử thách kia. Nhưng gã vẫn không hiểu được chuyện đã xảy ra rốt cuộc là gì. Có thể dần dà sẽ hiểu – nhưng liệu có bao giờ gã lý giải được làm sao cái điều ấy chỉ là mong ước, là dự định, bỗng lại thành sự thật? Gã đã mong khẩn thiết đến mức nào? Gã ngẩng đầu, nhận ra một viên cảnh sát đang nhìn mình.

“Abdulla?”

“Vâng.”

“Tôi là một cảnh sát đang thi hành phận sự. Phòng cảnh sát cho triệu anh.”

“Bây giờ à?”

“Phải.”

“Có lâu không?”

“Tôi không biết. Họ muốn lấy lời khai của anh và ghi lại vài câu hỏi.”

“Được thôi. Để tôi cất ghế vào nhà đã.”

Nhưng tới đồn chúng nhốt luôn gã vào xà lim. Abdulla la lối kêu rằng chúng nói dối. Một viên cảnh sát vả cho gã một cái. Rồi sẽ có ngày…, gã lẩm bẩm, lòng chợt trào lên cơn giận cũ và nỗi căm tức mới trước sự khiêu khích mới nhất này.

3

Một viên cảnh sát tới nhà thương mà Wanja đang nằm.

“Tôi e rằng không thể cho ông vào gặp bà ấy được,” bác sĩ nói. “Tình trạng hiện giờ của bà ấy không cho phép tra hỏi. Bà ấy vẫn còn mê sảng, bà ấy cứ hét hoài: ‘Cháy… Cháy… Em của mẹ tôi… dì của tôi… dập lửa, dập lửa ngay!’ hay đại loại thế.”

“Bà ấy nói gì hãy ghi lại. Ta còn có manh mối, nhỡ đâu…”

“Không, bà ấy chưa đến mức thập tử nhất sinh đâu… chỉ bị sốc và ảo giác thôi. Thêm mười ngày nữa…”

4

Karega ngủ lì. Đêm qua anh về muộn, sau cuộc họp với các lãnh đạo Công đoàn công ty Nước giải khát Theng’eta Ilmorog. Anh nghe tiếng gõ cửa. Mặc nguyên đồ ngủ, anh lao khỏi giường. Ngoài cửa là một đội cảnh sát vũ trang tận răng. Một viên sĩ quan mặc đồ ka ki bước lên.

“Có chuyện gì thế?”

“Đồn cảnh sát triệu tập ông.”

“Làm gì?”

“Lấy lời khai thông thường.”

“Để mai không được à?”

“Tiếc là không.”

“Để tôi thay đồ đã…”

Anh quay vào thay quần áo. Anh nghĩ làm cách nào báo được cho mấy người kia. Anh đã nghe bản tin sáu giờ, biết rằng đình công đã bị bãi bỏ. Nhưng anh hy vọng dù mình bị bắt, cuộc đình công vẫn sẽ diễn ra.

Anh bị đẩy vào chiếc Land Rover đang chờ, xe phóng đi.

Akinyi chuẩn bị đi lễ sáng ở nhà thờ Ilmorog đưa mắt nhìn về phía nhà hắn. Cô vẫn luôn làm thế, không tự giác, và đã tự nhủ mình cần phải chấm dứt thói quen đó. Cô thấy chiếc Land Rover phóng đi. Cô vội vã chạy tới nhà anh – lần đầu tiên cô đến đó – thấy ổ khóa ở cửa.

Mấy tiếng sau tin tức đã truyền đi. Đám công nhân, tâm trạng thù nghịch, kéo đến đồn cảnh sát hô hào đòi thả người. Một viên sĩ quan đi ra, nói với họ bằng giọng hòa hoãn đáng ngạc nhiên.

“Xin bà con hãy yên ổn ra về. Karega chỉ được đưa đến lấy lời khai bình thường thôi. Việc này không liên quan gì đến quyết định đình công đêm qua của bà con cả. Mà vì có giết người – giết người ở Ilmorog.”

“Các người giết công nhân thì có!” một người quặc lại.

“Giết chết phong trào công nhân!”

“Phong trào công nhân muôn năm!”

“Xin hãy ra về…” viên sĩ quan khẩn khoản đề nghị.

“Các người ra về thì có!… Đám công ty ngoại bang độc tài, đám sứ giả địa phương của chúng mày, cút về hết đi!”

“Chấm dứt ngay chế độ cai trị của người ngoài do dân da đen thuộc địa làm tay sai! Chấm dứt ngay bóc lột mồ hôi máu mủ của bọn tao!”

Đám đông đã bắt đầu hăng lên, tức giận và đe dọa. Hắn làm hiệu cho đám cấp dưới. Chúng gọi thêm cảnh sát trong đồn vác súng ra, đuổi chạy đám thợ thuyền về tận trung tâm. Một hai người trong số đó bị thương tích nghiêm trọng phải đưa đi viện.

Công nhân đang tỉnh giấc, nhận ra sức mạnh của mình. Một cuộc đối đầu với chính quyền mạnh bạo đến như vậy chưa hề có ở Ilmorog.

5

Một tờ báo – tờ Loa hằng ngày – ra số đặc biệt có dòng tít lớn chạy ngang trang đầu: MZIGO, CHUI, KIMERIA BỊ GIẾT.

Một người nọ, thông tin cho biết là một tên khiêu khích thuộc giới công đoàn, đã bị bắt giữ sau khi một nhà công nghiệp tiếng tăm cùng hai nhà giáo dục, ba vị giám đốc người Phi của công ty TNHH Nước giải khát và Công nghiệp Theng’eta nổi tiếng thế giới, đêm qua đã bị thiêu chết ở Ilmorog, chỉ vài giờ sau khi ra quyết định cứng rắn không đồng ý tăng lương cho công nhân.

Thông tin ban đầu cho thấy họ bị nhử vào một ngôi nhà rồi bị côn đồ đánh thuê tấn công.

Sự qua đời của ba người là một tổn thất không gì bù đắp được cho Ilmorog. Ba vị đã xây dựng Ilmorog từ một thôn làng nhỏ bé thế kỷ mười chín giống như thời Krapf và Rebman truyền giáo thành một thị trấn công nghiệp hiện đại mà ngay cả những thế hệ sinh sau Gagarin và Amstrong cũng sẽ tự hào được tới thăm… vân vân và vân vân… Kimeria và Chui là những nhà sáng lập danh giá của KCO… vân vân và vân vân…

Chương 2

Nhưng đấy đã là mười hai năm sau lần đầu tiên Godfrey Munira, kéo theo đám mây bụi mỏng sau lưng, phi con ngựa sắt lao qua Ilmorog tới cửa một ngôi nhà hai phòng xanh rêu nằm giữa nơi một thời từng là sân trường. Gã xuống xe, đứng phắc, tay phải chống nạnh, tay trái giữ ngựa, cặp mắt vằn đỏ quan sát đám địa y khô xám ngắt trên bức tường một thời quét vôi trắng. Rồi thong thả, gã dựa con ngựa sắt vào tường, và cúi xuống, gỡ cặp ống quần, đập đập ống quần một chút – cử chỉ chỉ mang tính tượng trưng, vì bụi bám lấy ống quần và đôi giày với một ý chí dai dẳng – trước khi bước lùi vài bước lại ngắm nghía cánh cửa, những bức tường đang rã ra, cùng mái tôn bị nắng xói thủng nhiều chỗ. Bất thần, vẻ cương quyết, gã sải dài tới cửa rồi vừa bẻ tay nắm vừa thúc mạnh vai vào cửa. Cửa mở toang cho gã lao vào một căn phòng đầy nhện chết, đầy cánh ruồi trên mạng nhện khắp các tường, lên tới tận mái chìa.

Lại có người mới đến làng, tin bay đi khắp Ilmorog. Trẻ nhỏ thập thò rình gã, rình những nỗ lực cuống quýt sửa sang, nhổ cỏ căn nhà, rồi báo cáo lại tường tận cho các ông bà già. Gió thổi tới là cuốn gã bay đi thôi, các cụ già bảo: chẳng phải đã có quá nhiều người như vậy rồi sao? Ai mà muốn đậu lại vùng đất hoang này, trừ những kẻ không chân không tay – cầu quỷ bắt thằng Abdulla ấy đi – cùng những người đã héo hắt cả hạ bộ – cầu trời phù hộ cho bà già, Nyakinyua ấy.

Bản thân ngôi trường thì là một thứ doanh trại bốn phòng, tường đắp bùn lở loét, mái tôn hổng những lỗ to tướng, và lại mạng nhện, cánh ruồi, đầu ruồi. Thầy bà bỏ chạy thì có gì là lạ? Học trò là đám trẻ chăn, thường không học hết nổi một học kỳ trước khi theo cha đi tìm những đồng cỏ mới, nguồn nước mới cho trâu bò.

Nhưng Munira ở lại, và sau một tháng chúng tôi đều đã thì thào với nhau – anh ta có phải hơi điên – mà anh ta đã lấy gì làm già lắm? Anh ta có phải sứ giả điềm xấu hay không? – nhất là khi thấy anh ta bắt đầu mở lớp dưới bụi keo gần nơi tương truyền là nấm mộ của Ndemi huyền thoại, Ndemi mà xưa thần khí từng trông nom khắp xứ Ilmorog trước khi chủ nghĩa đế quốc tới đảo lộn tất cả. Hắn đang nhạo Ndemi đấy, Mwathi wa Mugo nói, ông là pháp sư đoán điềm cho cả sống núi và bình nguyên, và vạch ra một phép giải trừ. Đêm đến, dưới màn đen bao phủ, bà già đi ỉa một quả đồi tướng ở đoạn giữa nhà trường và bụi keo. Sáng ra, đám trẻ tìm thấy một đống cứt vẫn còn tươi rói. Lũ trẻ chạy về nhà, mách bố mẹ về hành vi thú vị của ông thầy mới về. Suốt khoảng một tuần sau đó Munira phi ngựa khắp bình nguyên đồi núi truy tìm đám học sinh ngày một thưa dần. Anh ta đuổi kịp một đứa. Anh ta xuống ngựa, mặc cho nó đổ xuống đất, chạy theo thằng nhóc.

“Tên mày là gì?” anh ta túm lấy vai nó hỏi.

“Muriuki.”

“Con nhà ai?”

“Wambui.”

“Là mẹ mày hả?”

“Dà.”

“Bố mày đâu?”

“Làm ở xa lắm.”

“Nói xem sao mày không muốn đến trường?”

Thằng bé đưa ngón chân phải di di trên mặt đất, đầu ngoẹo một bên, khó lắm mới không phá lên cười.

“Tôi không biết, tôi không biết,” nó nói và làm bộ như muốn khóc. Munira thả nó ra, sau khi bắt nó hứa rằng sẽ quay lại và mang cả bọn khác đến theo. Thế là chúng trở lại, dè dặt: chúng vẫn thấy ông thầy này quái quái, và lần này không chịu đi ra ngoài mấy bức tường quây kín.

Bà đợi Munira ngoài hàng táo kei bao quanh tường. Anh ta xuống khỏi con ngựa sắt. Đứng tránh một bên đường, nghĩ bà già muốn đi qua. Nhưng bà già vẫn đứng giữa con đường mòn hẹp, tựa vào cành cây bẻ làm gậy.

“Cái nơi cậu từ đó đến đây ấy: nơi đó có đường nhựa không?”

“Có.”

“Có cả ánh sáng trên dây nhựa bắc qua cây khô để biến đêm thành ngày?”

“Có.”

“Đàn bà đi dép gót cao?”

“Có.”

“Tóc bôi dầu, mùi da dê cháy?”

“Có.”

Anh ta nhìn bộ mặt hằn rãnh của bà, nhìn ánh sáng trong mắt bà. Ánh mắt anh vượt qua bà, nhìn ra ngôi trường vắng lặng, bởi lúc này đã hơn bốn giờ, và anh ta nghĩ: bà này muốn gì?

“Họ rất đẹp và rất am hiểu cách làm của người da trắng: không phải vậy sao?”

“Đúng là như vậy: đôi khi quá am hiểu là đằng khác.”

“Đàn ông đàn bà trẻ ở đây đã rời bỏ chúng tôi hết rồi. Thứ kim loại lấp lánh vẫy gọi họ. Họ đi hết, chỉ có đám đàn bà trẻ là thỉnh thoảng quay về bỏ lại trẻ sơ sinh với mấy bà già, già gập cả vì phải cào bới mặt đất lấy một miếng để sống. Chúng nó bảo: ở thành phố chỉ đủ chỗ cho một người thôi… ông chủ của chúng tôi, họ không muốn có trẻ con quanh mấy phòng tí tẹo ở mấy nhà tí tẹo. Cậu đã nghe thấy chuyện đó bao giờ chưa? Trẻ con vô thừa nhận ấy? Đám trai trẻ cũng thế. Vài đứa đi không bao giờ trở về. Những đứa khác thỉnh thoảng về gặp con vợ chúng nó bỏ lại nhà, làm bụng chúng nó căng tướng lên, rồi lại vội vã đi như bị Uhere hay Mutung’u đuổi chạy khỏi Ilmorog. Chúng tôi nên gọi chúng là cái gì bây giờ? Thế hệ Uhere và Mutung’u mới: bởi chẳng phải chính mấy bệnh dịch và viêm da đó ngày xửa ngày xưa đã khiến giống nòi ta bạc nhược đi trước khi người Mzungu xâm lược đó sao? Này cậu nói xem: vậy thì cái gì đưa cậu đến mái nhà bỏ hoang này? Cậu nhìn Abdulla xem. Cậu ta cũng ở đằng đấy đến, rồi thì cậu ta mang cho chúng tôi cái gì? Một con lừa. Một con lừa, thế cơ chứ! Cậu đến làng này để lấy đi cái gì hả? Đám trẻ con còn lại phải không?”

Anh ta suy nghĩ vài giây. Anh bứt một quả táo chín vàng rồi bóp nát bằng ngón tay: chẳng lẽ không có lấy một góc an toàn, có thể ẩn náu và làm ít việc, gieo hạt giống để rồi sau này được nhìn thấy quả hay sao? Mùi quả ủng lên men xộc vào mũi. Anh ta chợt thấy nôn nao, lạy Chúa cứu vớt chúng con khỏi quá khứ của chúng con, và rối rít lục túi tìm khăn ngăn cú hắt hơi. Quá muộn. Một mẩu đờm bắn vào khuôn mặt hằn rãnh cày. Bà già rú lên, auuu-u, Nduri ici mutiuke muone, rồi kinh hoảng chạy trốn. Anh ta ngoảnh đi, gắng kìm cú nhảy mũi tiếp theo. Một giây sau anh ta ngoảnh lại đã không thấy bóng dáng bà già sau bụi táo kei hay ở đâu nữa. Bà già đã biến mất.

Lạ lùng thay, bí hiểm thay, anh ta lầm bầm. Anh ta lên con ngựa sắt, chầm chậm đạp đến cửa hàng của Abdulla.

Abdulla cũng là người mới ở Ilmorog. Gã cùng nhóc Joseph ốm nhom đã tới với chúng tôi trên chiếc xe lừa kéo chất đầy đủ loại thau sufuria, chén đĩa, chăn rẻ tiền, nhồi chặt vào các bao tải thùa đã rách và vải bẩn thắt nút thành thứ túi nửa vời. Năm nay chắc sẽ sôi động lắm đây, Njogu đã mỉa mai thốt lên khi thấy bộ ba kỳ cục tiến vào, rồi nghe yêu cầu còn kỳ cục hơn nữa của họ: ở chốn sa mạc hoang vu này, ai lại có thể nghĩ tới chuyện phục sinh cửa hàng vách đắp bùn đổ nát mà ngày xưa thuộc về Dharamashah nức tiếng Ilmorog cơ chứ? Thì anh đi mà lấy cả hồn ma… cả ký ức, lời nguyền và tất cả… ông cụ Njogu đã nói và chỉ vào căn nhà, tường mái xô lệch hẳn một bên, nhìn như hòa lẫn vào cỏ khô và đất đỏ. Chúng tôi thường tràn vào cửa hàng nhỏ xíu ấy, tò mò nhìn khúc chân cụt cùng bộ mặt sầu thảm của gã và lắng nghe gã tuôn một tràng chửi bới nhằm vào Joseph. Chẳng mấy sau chúng tôi đã mừng vì cuối cùng cũng có một nơi để mua muối và tiêu. Nhưng con lừa của gã làm chúng tôi có phần hoảng hốt, vì nó ăn quá nhiều cỏ, uống quá nhiều nước. Chưa đầy một tháng, bổ sung thêm vào tiêu muối và bột Jogoo Unga, Abdulla đã mở một quán nước. Ngày thứ Sáu hay thứ Bảy, dân chăn trở về từ bình nguyên Ilmorog sẽ xuống uống ở quán, nói chuyện và hát hỏng về bò hay dê. Họ có nhiều tiền nhờ bán dê ở các phiên chợ Ruwa-ini, nhiều tiền mà chẳng biết làm gì, chỉ nhét trong hộp thiếc nhỏ treo vào dây đeo cổ giấu bên trong lớp vải đỏ. Sau đó họ sẽ biến mất hàng ngày, hay hàng tuần nữa, trước khi lại xuống quán Abdulla.

Munira vào quán qua cửa sau, ngồi ghé trên mép ghế dài kêu cọt kẹt. Lạ lùng thay, anh ta lại lẩm bẩm, nhớ lại cuộc đụng độ với bà già khi chờ Joseph mang bia Tusker ra cho mình. Anh ta vừa uống thì ba ông già vâm váp đến ngồi cùng bàn. Muturi, Njuguna và Ruoro là những nông dân khấm khá, và vì thế là athamaki, là hội đồng trưởng lão của cộng đồng làm ruộng. Họ không chỉ phân xử giữa các gia đình làm ruộng với nhau, mà cả giữa cộng đồng với đám chăn nuôi trên bình nguyên. Còn nếu tranh chấp hoặc rắc rối nghiêm trọng, họ sẽ tìm đến Mwathi wa Mugo, ông pháp sư. Cả ba chào Munira, nói chuyện thời tiết.

“Cái nơi cậu từ đó đến đây ấy: nơi đó có khô như ở đây không?”

“Ở đó… ờ… lúc nào cũng nóng vào tháng Một.”

“Tất nhiên vẫn là mùa ấy – mùa githemithu.”

“Nó gọi là thế à?”

“Đám nhóc này… Các cậu nhồi ứ vào đầu maneno maneno của bọn ngoại quốc rồi. Ở chỗ các cậu có thu hoạch được nhiều gathano không hả? Ở đây hẻo lắm, chúng tôi không biết hạt ngô và đậu có đủ sống đến khi hết mưa njahi không nữa. Đấy là nếu mà có mưa…”

“Tôi không hẳn biết làm nông đâu,” Munira vội giải thích, những từ ngữ njahi, themithu, gathano, mwere nhảy loạn lên trong đầu anh ta.

“Chúng tôi biết rồi, biết rồi… bàn tay của Msomi cũng là một cuốn sách. Tôi đã chẳng thấy đám người thị trấn đến đây thăm viếng rồi ư? Tay không hề bị đất ăn, cứ như mang ngome vậy.”

Ao ước của Njuguna vẫn luôn là ngày nào đó được mang ngome trên khớp đốt ngón tay, cho thấy ông ta đã nói lời kwaheri với thọc tay vào đất. Tới lúc đó ông sẽ giống như mấy vị chúa đất mbari thời ông còn trẻ. Một số gia tộc nổi tiếng có tài sản tính bằng bò và dê không đếm xuể, đến nỗi phải tìm ahoi và đám du đãng làm việc cho mình. Đám ahoi và ndungata tất nhiên mong sẽ được trả công một con dê, như thế có thể lập đàn riêng trong phần đất chung chưa động đến hoặc những đồng cỏ xa chưa ai giành lấy. Còn những vị trưởng thượng trong các gia tộc, bộ tộc và mbari lớn khác thì có đông vợ con đủ để làm hết phần việc, hoặc lắm con gái để mang thêm của cải về nhà. Nhưng sự giàu có tới mức ấy Njuguna mãi vẫn không vươn tới. Đất đai không cho nhiều mấy, và giờ cũng không còn đất hoang mà vỡ như thời trước khi có thực dân. Con trai của ông ta đã đi sang làm nông ở châu Âu hoặc tới các thị trấn lớn hết cả rồi. Con gái thì ông ta không có: mà thời này có cũng để làm gì? Suy cho cùng ông Njogu có đến vài đứa, mà dê chẳng thấy đâu, chỉ thấy chúng mang buồn khổ về nhà. Vậy là Njuguna, giống như các nông dân khác trong mọi túp lều rải khắp xứ Ilmorog, đành phải bằng lòng với mảnh ruộng bé xíu, dụng cụ nghèo nàn và lực lượng lao động mỏng quẹt trong nhà. Nhưng ông ta vẫn hy vọng.

“Mùa mwere năm ngoái không đủ mưa,” giờ thì đến Muturi giải thích. “Giờ chúng tôi nhìn lên mặt trời, gió, chim thungururi trên trời và chúng tôi sợ rằng sẽ không mưa. Tất nhiên mưa njahi thì phải hai con trăng nữa mới đến… nhưng đám chim này, sợ lắm.”

Munira chẳng quan tâm mấy đến đồng ruộng. Còn mấy chuyện mưa hay hạn này anh ta đã nghe từ thuở bé. Nông dân lúc nào cũng rên rỉ sợ khô hạn, cứ như nói lớn nỗi sợ lên thì tai họa sẽ không đến vậy.

“Tôi tin là sẽ mưa thôi,” anh ta nói, cốt để họ thấy là anh vẫn nghe. Anh ta cố lái câu chuyện theo chiều hướng khác, thế rồi Abdulla đến giải cứu anh.

“Anh nghĩ mình anh có lo nổi cái trường không?” Abdulla hỏi.

“Tôi hy vọng một khi các lớp cơ sở I và II bắt đầu thì có thể kiếm thêm giáo viên.”

“Cơ sở I và II, làm thế nào được?”

“À, thì cơ sở II chỉ học buổi sáng thôi, cơ sở I thì buổi chiều,” anh ta nói.

“Anh thật là hết lòng vì công việc,” Abdulla nói, và Munira không biết đó là lời khen hay mỉa mai. Nhưng anh ta cố trả lời thành thực.

“Vài người trong chúng tôi, số được học hành… chúng tôi thường bỏ lại việc đấu tranh giành Uhuru cho những người bình thường. Chúng tôi đã đứng ngoài… bài ca, có lẽ nên nói vậy. Nhưng giờ có độc lập rồi, chúng tôi có cơ hội để đền bù lại… để chứng tỏ chúng tôi kh… không phải lúc nào cũng chọn đứng ngoài… Vì thế mà… ờ… tôi đã quyết định chuyển đến đây… đến Ilmorog.”

“Tôi không dám tin rằng không phải có vài người đã bắt đầu chỉ lo cho cái bụng mình mà thôi,” Abdulla nói, và lần nữa, giọng điệu gã lại làm Munira hơi khó ở. Cứ như chưa chi Abdulla đã nghi kỵ, hay là phản đối cái… ờ… cái tư thế và nhiệt huyết giống như truyền đạo ở anh ta.

“Tôi không thể nói thay tất cả mọi người – nhưng có vẻ vẫn còn lòng nhiệt tình và niềm tin rằng tất cả chúng ta có thể làm gì đó để nền độc lập trở nên thật hơn…” anh ta nói.

“Nói thế mới là nói chứ,” Muturi tán thưởng. “Nói hay lắm.”

Munira bèn chộp lấy cơ hội này để vẽ thêm về tương lai của ngôi trường và cầu xin họ hãy hợp tác. Kamuingi koyaga ndiri, anh ta nói, không tin vào điều đó nhưng nhận thấy nó tạo ấn tượng cho mấy người kia. Sau đó, khi trời tối, ba người nông dân ngật ngưỡng trở về nhà, nhưng không quên báo cáo với Nyakinyua trước. Họ tì vào gậy chống hơi mạnh quá, mắt hơi đỏ quá, giọng hơi nhựa quá: người này được, họ nói với những người còn lại đã tụ tập trong lều Nyakinyua: người này được, họ nói, và nhìn nhau bằng cặp mắt thông hiểu.

Anh ta trở thành một người của chúng tôi. Lũ trẻ hát a e i o u ĭ ŭ thật lớn. Chúng còn hát, Kamau wa Njoroge ena ndutu kuguru, rồi nghĩ đến đám rệp đang gặm ngón chân chính mình và gại sồn sột xuống sàn. Có vài đứa trốn khỏi trường để đi huýt sáo điệu chăn bò sau đám gia súc, hoặc đơn giản để trèo lên trèo xuống những cây miariki trên đồng trống. Những đứa khác gắng gượng được thêm chừng một tuần rồi cũng quay về với đường lùa bò. Nhưng đây là thập kỷ 1960, chứ không phải 1980, Munira nghĩ với chút thất vọng.

Một lần nữa anh ta chạy đôn đáo khắp sống núi, chộp được vài đứa, bảo chúng báo với những đứa khác rằng thầy giáo đã triệu tập Họp Toàn Trường. Chỉ có năm đứa học trò đến dự. Đứng từ trên bục đắp bùn, anh ta bảo chúng: “Các con, khi tham dự buổi họp này, các con đã tỏ rõ sự chuyên cần và cả trí thông minh hơn mức thông thường. Từ hôm nay các con được lên lớp sơ cấp Anh ngữ. Nhưng các con cần một người giáo viên có đủ sức và sẽ gánh chịu được tất cả những thù địch và bàng quan của một giống người đối đầu với ánh sáng và tiến bộ.” Kết thúc buổi Họp Toàn Trường đầu tiên, anh ta thề độc trong lòng không bao giờ quay lại cái xứ bị Chúa bỏ rơi này nữa. Cố gắng có chủ ý đầu tiên nhịp bước theo bài ca của anh ta có vẻ đã chỉ đưa đến thêm một lần thất bại và bỏ cuộc.

Đinh thúc ngựa, bàn đạp, lưng ngựa sắt, người kỵ mã trong đám mây bụi. Munira biết hết những con mắt cười cợt thất bại của anh ta sau hàng cây. Bà già Nyakinyua bước ra giữa con đường mù bụi, hét với theo cái lưng đang rút lui. Trên những cánh đồng đằng xa đám đàn bà nhạo báng hát một bài theo điệu gitiro, về một kỵ sĩ từ xưa lắm, hồi Ilmorog hãy còn đúng là Ilmorog, và đồng thanh: Con trai Munoru chúng ta đã thấy, còn hậu duệ Ndemi nay ở đâu?

Anh ta cóc quan tâm. Suốt một tháng họ đã nhạo báng anh ta. Kể cả Abdulla, với cái cửa hàng quán nước đã thành nơi ẩn náu hàng ngày cho anh ta, cũng không giúp gì hơn. “Ở đây người ta khá ngờ vực người lạ và vật lạ. Ban đầu họ không ưa con lừa của tôi. Giờ vẫn không ưa. Biết tại sao không? Tại nó ăn lắm cỏ. Nghĩ thử xem.” Gã sẽ quay sang trút một tràng chửi rủa lên đầu Joseph rồi quay lại, ghé sát Munira và thì thầm giọng đồng lõa: “Mwalimu, có đúng là bà già đã ỉa một đống tướng trong trường anh không? Một hành động không mang tên. Ha! Ha! Joseph, Gatutu Gaka, mày mang thêm bia cho Mwalimu đi chứ. Nhưng có đúng là thế không?” Và người hàng xóm thọt cười ha hả trong lúc Munira vặn vẹo lúng túng.

Tiếng cười đó, những ký ức khác, cùng bây giờ là con đường tới Ruwa-ini thủ phủ quận Chiri, không làm Munira tươi tỉnh hơn. Con đường này cũng phản trắc như đám già thọt khốn khiếp và nhãi con bố láo đó, anh ta nghĩ khi lao qua những ổ gà hố voi.

Đây đã từng là tuyến đường sắt dẫn từ Ilmorog tới Ruwa-ini. Tuyến đường ấy đã mang gỗ, than và vỏ cây keo từ rừng Ilmorog tới nuôi những máy móc và con người ở Ruwa-ini. Nó đã ăn hết rừng, và sau khi xong việc, đường ray đã bị gỡ đi, chỉ còn lại mặt đất trở thành một con đường – gần như một con đường – mà giờ đây không thấy chút bóng dáng của vinh quang bóc lột xưa cũ.

Anh ta có mỉm cười một lần khi đi đến đoạn đường cuối trải nhựa, ngoằn ngoèo chạy qua những trang trại cà phê của chủ da trắng ngày xưa. Cả đến đây cũng chưa được nghỉ ngơi. Anh ta cứ phải nhào vào bụi rậm để tránh đường xe tải chạy ngược chiều, đám lái xe toàn cười và làm những điệu bộ tục tĩu: xe đạp cứ việc đi mút vú xe tải.

Nhà cửa Ruwa-ini hiện ra trước mắt, anh ta sực nhớ ra rằng mình chưa nghĩ ra phương án khác là gì. Anh ta nhớ lại vì sao ban đầu đã nhanh nhẹn chọn Ilmorog đến thế, và cơn giận đang gào thét trong lòng chợt nhường chỗ cho nỗi sợ phải đến làm việc ở Limuru, trước cái bóng của thành công của ông bố so với thất bại của chính mình, và thế cũng có nghĩa là thừa nhận thất bại.

Ý nghĩ ấy làm anh ta dừng khựng. Anh xuống xe đạp. Tựa vào xe, anh nhìn cảnh ở bên kia hàng cây. Trải ra chừng một dặm bên ngoài Ruwa-ini là một sân gôn có thảm cỏ xanh cắt tỉa gọn gàng. Ba người châu Phi đang cười cợt người thứ tư bụng phệ, vung gậy mãi mà không trúng bóng. Đám trẻ nhặt bóng áo quần rách rưới kính nể đứng cách một quãng xa, oằn người vì những túi gậy gôn và bóng trắng. A, thế giới đây rồi, Munira thẳng người rồi lao xe thật nhanh vào Ruwa-ini.

Văn phòng của Mzigo sạch bong không một vết bẩn, có một khay thư đi, một khay thư đến, một khay đựng đủ loại thư cùng vô số bút và bút chì bên cạnh ba lọ mực khổng lồ. Trên tường có bản đồ quận Chiri, cắm ghim đánh dấu vị trí các trường học.

“Trường của anh thế nào rồi?” Mzigo hỏi, và đu đưa rất khẽ trong cái ghế xoay để nhìn lên bản đồ cắm ghim.

“Ông cho tôi đến một cái trường không. Không có giáo viên.”

“Tưởng anh muốn một nơi yên bình? Một nơi nhiều thử thách?”

“Đến học sinh còn không có.”

“Tôi thực tình không hiểu trường đó có vấn đề gì. Giáo viên không ai muốn ở lại đó. Một năm, hai năm, họ đều đi hết. Nếu anh tìm được một giáo viên, không chuyên cũng được, thì chắc chắn chúng ta sẽ thuê ngay.”

“Nhưng mà…”

“Tôi sắp xuống đó đến nơi rồi, tôi sẽ xuống sớm thôi. Ở đó đường sá có tốt không? Anh biết đấy, mấy cái xe chết tiệt này – thật sự là phiền toái, gánh nặng của người da đen thực sự – cứ tin lời tôi, anh – à, ờ – Munira ạ – xe đạp đỡ phiền hơn nhiều.”

Giờ thì ông ta liếc nhìn Munira, hai môi tõe ra thành nụ cười mỉa mai như muốn nói: Đáng ra anh phải biết chứ – anh muốn trốn thoát mà… thế nhưng, Munira nghĩ, làm sao Mzigo biết được? Và thình lình nhớ lại những xe tải và tài xế matatu đã khiến anh ta phải nhào vào bụi cây trên đường tới đây, anh chợt nhận ra sự thông thái trong lời khen trịch thượng của Mzigo về phần xe đạp. Cơn điên giận trong lòng nhường chỗ cho tiếng cười. Anh ta cười đến đau cả bụng, và giờ trong lòng anh ta cảm thấy vui hơn, nhẹ nhõm hơn. “Anh không tin tôi, hả?” Mzigo hỏi. Munira thì đang nghĩ đến anh thọt Abdulla, bà già Nyakinyua, đám trẻ thích trèo cây miariki và chăn bò dê hơn là đi học. Anh ta so sánh lối trực diện của họ với cảnh làm bộ làm tịch ở đây, thái độ tò mò của họ với nỗi sợ ẩn sau những bộ mặt ngồi trong góc tối ghế sau những chiếc Mercedes Benz óng nuột, sau những bức tường dinh thự và câu lạc bộ tư xưa kia chỉ mở cửa cho người châu Âu, sự thành thật của họ với những cái bụng bia chứa đầy ác tâm và xảo trá đi hết sân gôn để kỳ kèo những hợp đồng làm ăn, và khi nhớ lại lời Abdulla, anh ta lại thấy mến Ilmorog.

Có thể anh ta chưa hiểu được Nyakinyua, Abdulla, Njogu, Njuguna, Ruoro và những người kia, giờ anh ta nghĩ vậy. Anh ta không nói một câu về chuyện xin nghỉ việc hay chuyển trường nữa. Anh ta nhặt lấy phấn, vở và ít giấy viết trên bàn.

“Ông Mzigo, ông nói thật không… có đúng là ông nói tôi có thể thuê giáo viên không chuyên được?”

“Phải, ông Munira ạ, miễn là ông đưa đến đây để tôi bổ nhiệm chính thức. Tôi muốn thấy cái trường ấy lớn mạnh. Tôi muốn thấy hết mọi lớp học đều hoạt động.”

Kamuingi koyaga ndiri: một thành ngữ tiếng Kikyuu nghĩa là “đám đông có thể nhấc được đá”, hay “đoàn kết là sức mạnh”.

Trong cuốn sách này, Ngũgĩ chủ trương không in nghiêng hay chú giải các từ Kikuyu đưa vào, nên chúng tôi cũng để nguyên hầu hết các từ để tạo cảm giác ngơ ngác thích hợp cho người đọc.

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 4.7 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

không biết viết ngắn