Thời gian đọc: 30 phút

Margaret Atwood là một trong những tác giả được các nhà cái đặt cược cao là người sẽ được trao giải Nobel Văn chương năm 2020. Quan tâm tới những chủ đề liên quan tới đời sống nội tâm nhiều day dứt của những nhân vật nữ ở những hoàn cảnh có xảy ra những sự vượt rào về mặt đạo đức, Atwood triển khai một loạt nữ nhân vật chính theo mẫu hình đó, có thể kể ra như nữ chính trong hai tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là Chuyện người tùy nữTay sát thủ mù. Mối quan hệ tình yêu tay ba này cũng là một chủ đề chính trong tập truyện ngắn gồm các câu chuyện có liên quan đến nhau mà Zzz Blog xin trích dịch một trong số đó có tên cùng với tên tập truyện: “Hội chứng rối loạn đạo đức”.

Chưa có xuân nào đẹp như năm nay, Nell nghĩ. Ếch – hay là cóc nhỉ? – ồm ộp kêu trong hồ, và liễu đuôi sóc với liễu đuôi mèo – không hiểu chúng khác gì nhau? – đều hé nụ, rồi cả bụi sơn trà và đào dại và mấy cây táo không ai ngó tới cùng bừng nở hoa, và một dãy thủy tiên xộc xệch do bàn tay một bà nông dân đã khuất từ đời nào cắm xuống nhú lên qua đám cỏ dại, cỏ khô bên lối xe đi. Chim hót vang. Bùn rắn lại.

Khi chiều đến, Nell và Tig ngồi ngoài sân nông trại đi thuê trong hai cái ghế dựa khung nhôm tìm thấy trong kho sau nhà, tay trong tay, phẩy tay đập khi có con muỗi tình cờ bay qua, và ngắm một con cú vằn dạy đôi cú con săn mồi. Mẹ con nhà cú luyện tập bằng một tá vịt con Tig mua thả vào hồ từ trước. Anh đã làm cho lũ vịt một thứ chuồng – giống như cái nhà con thiếu tường, đặt trên bè nổi trên mặt nước. Chỉ cần chui dưới mái là sẽ an toàn, nhưng hình như chúng chưa đủ khôn đến mức đó.

Con cú bổ xuống không một tiếng động qua mặt hồ nơi bầy vịt đang ngây ngô quạt nước, cuỗm đi mỗi đêm một con, mang từng con lên hốc cây khô chỗ cái tổ của nó, rồi xé xác con vịt chia cho hai cú con nhồm nhoàm nuốt, tới khi mười hai con không còn con nào.

“Nhìn xem,” Tig nói. “Uyển chuyển ra phết.”

 *

Tới đầu tháng Năm anh chàng thương gia chủ nhà nói đang định bán cái trại. Anh ta hạn trong một tháng phải rời đi. Vì không có giấy tờ thỏa thuận, họ buộc phải đi. Nhưng về thành phố thì không – điều này cả hai nhất trí. Ở trên này đẹp quá đi.

Họ lái xe thêm nửa giờ đồng hồ về phía Bắc, ở đó bớt đắt đỏ hơn, và lùng sục khắp các đường hẻm, săn tìm biển Bán nhà. Tới gần Garrett họ cũng tìm được một món vừa túi tiền: một căn nhà, với kho thóc, với một trăm mẫu đất. Nó đã chào bán hơn năm nay rồi. Nhà bỏ không, người chủ bảo, trong lúc đích thân dẫn họ tham quan. Ông ta thì sống ở trại khác, kho bên này vẫn dùng trữ cỏ khô. Nhưng giờ thì ông đem bán cả hai cơ ngơi, đổi lấy tiền mặt. “Tôi muốn đi cho biết đó biết đây trước khi đến lượt mặc áo sáu tấm,” ông nói.

Ở trại này cũng có hồ, vài cây táo vặn vẹo lác rác quanh nhà, và một nhà để xe chứa một máy kéo đã cũ. Hàng tặng kèm, ông chủ nói. Nhà bằng ván ghép sơn trắng, cất hồi giữa thập kỷ 1830, một phần nới thêm lát sàn xi măng ở đằng sau làm bếp ăn mùa hè. Tầng hầm vẫn dở dang; xà chống là thân cây vẫn còn dính lại vỏ. Bậc cấp xuống hầm dốc đến đáng sợ. Sàn hầm bằng đất ẩm ướt, có một thứ mùi khó gọi tên. Không phải nấm mốc, hay chuột chết, hay ống xả rò rỉ, chẳng phải thứ gì.

“Sẽ phải sửa sang nhiều đấy,” Nell nói. Ông chủ trại xởi lởi thừa nhận, và cắt giá rao bớt năm ngàn đô. Vẫn còn phải lo món thế chấp nữa, Tig nói: cả hai người đều không đủ đảm bảo theo điều kiện của ngân hàng, bởi cả hai đều không có công ăn việc làm cố định. Nhưng ông chủ nói tự mình sẽ đứng ra bảo lãnh cho.

“Ông ta chỉ mong chóng thoát khỏi chỗ này,” Nell bảo. Họ đang đứng giữa sàn bếp, chỗ này dốc thẳng xuống bức tường ở giữa: sớm muộn rồi sẽ phải chống cái sàn lên và đặt một thanh xà chính mới. Giấy dán tường – đè lên nhiều lớp khác, có thể thấy những mảng bị rách – màu xanh đã bạc, in những bông hoa bum búp hồng hồng nâu nâu. Sàn lát bằng lino, hình như Atwood chỉ biết lát sàn bằng lino, hình quả trám màu cam và hạt dẻ mà Nell để ý lấy mẫu từ thập kỷ năm mươi.

“Một trăm mẫu đấy,” Tig nói.

“Nhà có vẻ tối,” Nell nói. “Không khí hơi thiếu sức sống.”

“Chúng mình sẽ lau cửa sổ,” Tig nói. Không ai sống ở đây nhiều năm rồi. Bụi bặm, xác ruồi phủ đầy các bệ cửa. “Rồi sẽ sơn tường màu trắng.” Anh đã kịp theo ông chủ trại ra ngoài đi một vòng. Anh đã thấy một con diều hen ở cánh đồng sau nhà, và coi đó như một điềm báo.

Nell không bảo không phải tại cửa sổ, không phải tại giấy tường. Nhưng sơn cũng tốt.

 *

Hai người gom chung khoản trả ban đầu, tiền dành dụm của Nell và nhuận bút bộ phim tài liệu Tig vừa hoàn thành gần đây. Thứ Bảy kế tiếp sau khi ký giấy, hai người chuyển giường tới. Rồi cả hai ngồi trên sàn nhà, ăn cá hồi muối trong hộp, bánh mì đen với pho mát viên, và uống rượu vang đỏ. Chỉ có một bóng đèn duy nhất chói lóa, treo lủng lẳng trên dây điện, thế là họ tắt đi và thắp nến. Cứ như đi cắm trại trong nhà.

“Thế là của ta trọn vẹn,” Tig nói.

“Em chưa bao giờ sở hữu một ngôi nhà,” Nell nói.

“Anh cũng thế,” Tig nói.

“Hơi rờn rợn,” Nell nói.

“Mai mình sẽ ra ngoài xem con chim.”

Nell hôn Tig. Không phải việc nên làm sau khi ăn cá muối, nhưng cả hai cũng đã ăn với nhau.

“Đi ngủ thôi,” Tig bảo.

“Em phải đánh răng đã,” Nell nói.

 *

Họ nằm trên tấm nệm của Tig – của hai người – vòng tay ôm nhau. Họ đã mang theo cả cây nến; nó chập chờn vì luồng gió ấm khẽ thổi vào qua cửa sổ để ngỏ. Nell nghĩ tới những tấm rèm trắng mịn như sương – chị vẫn thường mong có chúng, hồi còn trẻ – và tưởng tượng rèm ấy sẽ sóng sánh thế nào trong làn gió này, khi nào họ mua.

“Anh không nên bảo em là vợ anh,” lát sau Nell nói. “Ở chỗ luật sư ấy.”

“Bây giờ rất nhiều người vẫn giữ nguyên họ khi lấy chồng,” Tig nói.

“Nhưng mà như thế không đúng. Oona mới là vợ anh. Anh vẫn còn là chồng cô ấy.”

“Không hẳn,” Tig nói.

“Còn thế nào, anh viết là ‘bạn đời’ chứ không viết ‘vợ’. Lộ mười mươi còn gì. Anh không thấy nó nhìn em thế nào à? Thằng luật sư ấy?”

“Nhìn thế nào?”

“Nhìn như thế.”

“Thế em muốn anh phải gọi thế nào?” Tig nói. Giờ giọng anh có vẻ hờn dỗi.

Nell không nói gì. Chị đang làm hỏng không khí; chị không định thế. Chị đã bị đặt vào địa vị không phải của mình; điều đó làm chị khó chịu. Nhưng chị không nghĩ ra từ nào khác – một từ để định vị mình, một từ vừa chính xác vừa dễ chịu.

 *

Suốt mấy ngày tiếp theo, họ chuyển nốt phần tài sản còn lại về – giường tầng cho hai con Tig, chúng sẽ ngủ đó khi nào đến chơi; cái giường đơn xếp phòng cho khách; bàn của Nell; mấy cái ghế; vài tủ sách và sách trong tủ. Cái bàn màu cam của Nell. Còn gì nữa chị đã bỏ lại thành phố hết. Sau này họ cũng sẽ phải mua thêm đồ thôi – nhà trông khá trống trải – nhưng hiện giờ thì chưa có tiền.

Hai đứa con trai Tig đến vào thứ Bảy sau và ngủ trên giường tầng trong phòng mới và đi chơi cả ngày với Tig, khắp cả cơ đồ. Chúng đã thấy con diều – hai con. Chắc là một cặp, Tig nói; chúng đi săn chuột. Hai đứa rất khoái cái máy kéo trong nhà để xe. Không cần có bằng mới lái được máy kéo, chỉ cần không đi ra đường. Tig bảo khi nào anh bắt cái máy chạy được – hoặc ai đó bắt – hai đứa có thể lái vòng quanh đồng chơi.

Nell không tham gia cuộc dạo chơi. Chị ở nhà làm bánh bích quy. Có một cái bếp điện cũ chạy tốt như mới, chỉ hỏng có một vòng bếp. Họ sẽ mua cả lò sưởi đun củi nữa. Đấy là dự định.

Khi Tig và hai con về, mọi người ăn bánh quy, nhúng mật ong, và uống trà pha sữa nóng. Tất cả ngồi thoải mái quanh bàn màu da cam của Nell, cùi chỏ đặt trên bàn, cứ như một gia đình.

Ở đây mỗi mình chẳng là họ hàng với ai, Nell nghĩ. Chị đang cảm thấy bị ra rìa. Chị không còn thường xuyên vào thành phố nữa, và mỗi lần chỉ là chuyện công việc – gặp gỡ các nhà xuất bản, các nhà văn có sách trong tay chị biên tập – thế nên không còn gặp bạn bè mấy. Chưa kể cha mẹ không còn nói chuyện với chị nữa, nói chung, dù cũng không phải họ không nói chuyện gì với chị. Về mặt trò chuyện, chị đã bị xếp vào vùng xám, như kiểu phòng đợi ở bến xe buýt: lạnh lùng, im lặng, đề tài gói gọn trong sức khỏe và thời tiết. Cha mẹ vẫn chưa quen nổi sự việc rằng là Nell thực tình đã tới sống với một người vẫn còn là chồng của một người khác. Chị chưa bao giờ xử sự trắng trợn đến thế, trong cuộc đời trước. Chị vẫn còn nghĩ đến bề ngoài. Chị vẫn còn giấu giếm. Nhưng bây giờ những tấm thiếp báo chuyển nhà trơ trẽn đã gửi đi, và không thể yên tâm sống trong giấu giếm nữa.

 *

Nell trút mọi sức lực thừa vào một cái vườn nhỏ. Trong đồng có chuột chũi, vì vậy trước hết chị bắt tay vào xây hàng rào; Tig giúp một tay. Họ cắm lưới mắt cáo sâu đến một bộ để chuột chũi không thể đào hang bên dưới. Rồi Nell vùi xuống thật nhiều phân bò đã ủ kỹ mà chị phát hiện được trong kho. Có kha khá đủ cho vài năm tới. Bên cửa chính có một cây hồng trổ nhánh lung tung; chị xén lại cho gọn. Chị cũng xén luôn mấy cây táo. Chị khám phá ra mình ưa thích những dụng cụ sắc nhọn – dao kéo làm vườn, cuốc thuổng xẻng, cưa và chĩa ba. Chỉ trừ rìu; chị không nghĩ mình sử nổi cây rìu.

Cho tới lúc này chị đã đọc nhiều về những nhà tiên phong địa phương – những người đã tới đây hồi đầu thế kỷ mười chín và vỡ đất, đốn cây, đốt hết cành lá, xếp những bộ rễ khổng lồ thành các hàng rào gốc cây đây đó vẫn còn thấy, đang chầm chậm mục. Phần lớn trong số họ lần đầu tiên cầm đến cây rìu. Một số đã chặt gãy chân mình; số khác vừa vung rìu vừa đứng trong xô để tránh giống như họ.

Đất trong vườn khá tốt, dù lẫn nhiều sỏi. Lại còn mảnh bát đĩa vỡ, những lọ thuốc thủy tinh ép trắng, xanh, nâu. Một cánh tay búp bê. Một thìa bạc đã xỉn. Xương thú. Hòn bi. Lớp lớp cuộc sống đã sống tận. Ai đó, một thời, đã từng tới đây như một trang trại mới. Đã trải qua đấu tranh, ngờ vực, thất bại, tuyệt vọng. Và cái chết, tất nhiên. Nhiều cách chết.

 *

Trong lúc Nell làm vườn, Tig ra ngoài đi khắp nơi. Anh lái xe ngang dọc các đường nhánh, khám phá cả vùng. Anh đi tới Garrett thăm thú cửa hàng đồ sắt, và lập một tài khoản ngân hàng. Cửa hàng tạp hóa của thị trấn – không phải cái siêu thị vuông thành sắc cạnh vừa dựng ở ngoại ô đâu – đặt tấm biển báo có trứng bên cửa: Trái gà không xương. Mỗi lần đi thám hiểm về, anh lại kể cho Nell nghe những khám phá kiểu đó, cùng những món quà: một cái bay, một cuộn dây, một cuộn màng phủ mặt đất.

Có một trạm xăng tổng hợp và cửa hàng bách hóa ở ngã tư gần nhà; Tig bắt đầu tới đó uống cà phê với các chủ trại quanh vùng, những ma cũ. Họ coi anh là một gã dở người, anh kể. Anh vẫn chưa bị họ khinh miệt ném vào sọt rác cùng hầu hết những tay thành thị khác. Xe anh lái rỉ sét và anh không đeo cà vạt mà lại biết bộ cờ lê trông thế nào: tốt quá. Nhưng anh cũng chẳng phải nhà nông. Thế nhưng họ vẫn cho phép anh ngồi cùng những cuộc cà phê, nghe lỏm những mánh mẹo và chuyện vãn của giới chủ trại. Thậm chí họ còn bắt đầu chọc ghẹo anh, một bước tiến mà anh thuật lại cho Nell ít nhiều hí hửng.

Nell không theo đến những cuộc thù tạc đó; chị không được mời. Luật của nhóm cà phê chủ trại là chỉ dành cho đàn ông. Đây không phải phát ngôn thành văn, đó là tiền đề có sẵn.

“Anh hỏi họ chúng mình nên nuôi con gì,” một hôm Tig nói khi từ cửa hàng ngã tư về.

“Rồi?” Nell hỏi.

“Họ bảo, ‘Không nuôi con gì cả.’”

“Có vẻ là ý hay,” Nell nói.

“Rồi một người bảo: ‘Nếu cậu nuôi con gì, rồi cậu sẽ phải chôn con ấy.’ ”

“Cái đó quá đúng,” Nell nói.

 *

Được vài ngày, Tig bảo nếu định sống lâu dài ở trang trại, họ không được để đất đai phí hoài đi, nói cách khác nghĩa là kiếm vật nuôi. Thêm nữa hai đứa con trai sẽ được khuyến mãi thêm hiểu biết, xem thức ăn thực sự từ đâu tới. Có thể bắt đầu bằng nuôi gà; nuôi gà rất dễ, cánh nông dân bảo vậy.

Tig và hai đứa đóng một chuồng gà hơi méo để ban đêm chúng được an toàn. Họ cũng san một cái sân có rào cho gà chạy trong đó. Tig và Nell và tất cả mọi người ở đây sẽ được ăn trứng, Tig nói; rồi có thể ăn thịt gà nữa, chừng nào gà già quá không còn đẻ được.

Nell nghĩ xem ai sẽ hạ đám gà già khi ấy. Chị nghĩ không phải là mình.

Gà được mang đến trong bao bì vải gai. Chúng tức khắc quen với môi trường mới, hoặc ít ra là có vẻ thế: nét mặt gà nói chung không thay đổi nhiều lắm. Người chủ trại bán gà đã nhét thêm một con trống. “Ông ta bảo như thế lũ gà mái sẽ hài lòng hơn,” Tig nói.

Con gà trống sáng nào cũng gáy – một âm thanh nguyên thủy, một âm thanh tiền sử. Thời gian còn lại trong ngày nó dành để truy đuổi lũ gà mái trong lúc lũ kia đang bươi đất, và chồm lên chúng từ phía sau mà nhảy đạp phành phạch. Nếu Nell hay hai đứa con đến quá gần lũ gà mái khi vào sân nhặt trứng, con trống sẽ xông vào đôi cẳng chân trần mà giơ cựa cào. Cuối cùng mọi người đã có thói quen mang gậy, để đập con gà.

Nell biến trứng gà thành bánh ngọt, và để đông trong tủ lạnh mà họ không ngờ mình lại mua, bởi nếu không thì để đâu tất cả những thứ lấy từ vườn rau một khi nó đi vào sản xuất?

Rồi Tig kiếm về một bầy vịt, lần này không phải vịt con, được phép tự quản lấy trong hồ, rồi hai con ngỗng, nhiệm vụ là đẻ trứng và cho ra một đàn ngỗng con, nhưng một con bị gãy chân và phải mang lên đầu đường cho bà Roblin.

Tig với hai đứa nhỏ và nhà Roblin giờ đã thân thiện, dù Nell ngờ rằng cả nhà Roblin – Roblin cha và Roblin mẹ, cai quản một xưởng làm bơ, và Roblin con, một nắm – vẫn cười nhạo sau lưng mình. Nhà Roblin đã sống với trang trại từ lâu lắm rồi, và biết cách xử lý mọi trường hợp nguy ngập ở trại. Nghĩa địa gần đây Roblin nằm khá đông.

Bà Roblin là một người đàn bà mình vuông, mặt tròn, tuổi già – Nell đoán thế – với đôi cánh tay ngắn nhưng khỏe đến lạ lùng và những ngón tay đỏ, chuối mắn, lanh lẹ mà (Nell rất ngờ) chưa bao giờ sờ đến găng tay cao su. Hai đứa con nói bà ta nhập cuộc bất cứ lúc nào cần, và Nell hiểu cái đó không dính gì đến thể thao mà lại dính rất nhiều với phân gia súc. Bà Roblin rõ ràng là sành sỏi mọi công chuyện liên quan đến ruột rà mình mẩy: hai đứa đã chứng kiến bà thọc tay vào trong mình con bò để lôi con bê ra, chân ra trước, một cảnh khiến cả hai không ngớt trầm trồ. Trong lúc kể, hai đứa nhìn sang Nell, không phải chê trách, mà là khinh thường: không đời nào có chuyện Nell thò tay ngập cả khuỷu vào đít con bò, ánh mắt ấy kết luận.

Nell đã hy vọng bà Roblin sẽ nắn lại chân con ngỗng và bó nẹp cho nó, nhưng không phải thế. Con ngỗng trở về chỉ còn đợi vào lò quay, theo Tig nói, đấy là cách thông thường ở vùng quê. Con ngỗng còn lại, trống hay mái không biết, đi loanh quanh hồi lâu, mặt buồn thiu, Nell nghĩ thế, rồi bay mất.

Đến lúc này đã có thêm hai con công, một đôi Tig tìm được ở một trại nuôi công giữa các đường hẻm và đem về làm quà tặng Nell.

“Công hả!” Nell nói. Tig cứ nghĩ sẽ làm chị vui lòng. Anh luôn nghĩ sẽ làm chị vui lòng. Làm sao chị lại không khen ngợi sự háo hức của anh, sự bồng bột của anh? “Đến mùa đông thì sao?” chị nói. “Chúng sẽ chết mất!”

“Công là một giống gà lôi Bắc Himalaya,” Tig nói. “Chúng biết tự chăm sóc mình. Chúng sẽ chịu được lạnh.”

Đôi công lúc nào cũng ở bên nhau. Con trống thì khoe dáng, xòe cái đuôi khổng lồ mà vẫy vẫy, còn con mái thì nhìn nó khâm phục. Chúng bay loanh quanh một cách thoải mái, và đậu trên cành cây, và mổ vào mọi ngóc ngách. Thỉnh thoảng chúng bay vào sân gà. Con gà trống đủ khôn không so cựa với gã công, nhìn cũng thấy to hơn hẳn nó. Đêm tới, vợ chồng công đứng gáy trên xà chính nhà kho, nơi chắc chúng nghĩ không nguy hiểm nào tới được. Chúng gào cứ như trẻ sơ sinh bị chọc tiết, thường ngay trước lúc bình minh. Nell nghĩ không biết chúng định làm tổ ở đâu. Rồi sẽ đẻ ra bao nhiêu công con nữa?

Trong vườn, Nell trồng bất cứ thứ gì chị biết tên. Cà chua, đỗ tương, rau spinach, cà rốt, củ cải, cải đường, các loại bí mùa hè và đông, dưa chuột, bí ngồi, hành tây, khoai tây. Chị muốn thấy sự trù phú, thừa mứa, sinh sôi nảy nở tràn trề, như trong những tranh Phục hưng về các nữ thần sung túc – Demeter, Pomona – váy cuộn quanh chân, một bên ngực để trần và cái giỏ trong tay đổ tràn ra những thức ngon lành. Chị trồng cả một vườn gia vị với hành lá và hương thảo, rau mùi, bạc hà, xạ hương, và ba cây đại hoàng, và vài bụi lý chua, một đỏ và một trắng, và vài bụi cơm cháy để lấy hoa làm rượu khi nào xuân về, và một luống dâu đỏ. Chị trồng cả đậu son rồi sẽ leo lên những cọc xếp thành giá ba chân.

Các chủ trại trong vùng chưa từng biết lối gieo đậu này. Trong những cuộc xâm lăng-tham quan đều đặn vào mảnh sân – lúc nào cũng có cớ hay, chó chạy rông, mượn cờ lê hay búa, nhưng thực ra họ chỉ muốn xem Tig và Nell đang làm trò trống gì – ai cũng nhìn thật kỹ cái giàn cọc trần trụi. Họ không mở miệng hỏi. Khi dây đậu bắt đầu nhú ra quấn, họ liền thôi nhìn.

“Nghe bảo bò nhà chị lại chạy đi tìm thú vui nữa rồi,” họ thường nói. Họ có thói quen liếc xéo Nell: họ không đoán nổi chị là cái gì. Chị với Tig đã kết hôn, hay là chưa? Cái lối cười nửa chừng với chị cho biết họ nghĩ là chưa. Có thể chị cổ động luyến ái tự do, một thứ hippie. Thì như thế chị mới lê mông cả ngày trong vườn. Phụ nữ nông thôn đích thực không trồng vườn. Mỗi tuần một lần họ đánh về một xe tải đầy thực phẩm từ siêu thị Garrett, về phía Đông hai mươi dặm.

“Nghe bảo mất ba ngày mới bắt lại chúng nó về chuồng. Có khi nhà chị nên đưa chúng đến chỗ Anderson.”

Nell biết Anderson là ai. Đấy là ông đồ tể: Anderson, Lò mổ theo đặt hàng. “Ờ, tôi chưa định thế,” Nell nói. “Để từ từ đã.”

Họ nuôi bò vì Tig đã quyết định họ sẽ tự nuôi lấy thịt bíp tết: mọi chủ trại ở quán cà phê đều làm thế. “Nuôi bốn, bán ba, một để đông, khỏi ra đồng,” đấy là châm ngôn của họ. Thế là Tig tậu bốn con Charolais lai Hereford, mua chịu, từ một trong những người bạn sốt sắng kia; ông ta thực ra không nói điêu câu nào cả, nhưng Nell và Tig sẽ may mắn hơn nếu biết hỏi trước vài câu khôn ngoan. Họ không biết lũ bò lại biết nhảy, mà nhảy rất cao.

Hàng rào phải nâng lên và củng cố thêm, nhưng đôi lúc lũ bò vẫn thoát ra được và chạy tới nhập vào một đàn đông hơn gần đó. Tig phải phái hai đứa con đi lôi về: quăng một sợi thòng lọng, vật lộn nhét chúng vào xe tải thuê riêng cho vụ này. Đấy là việc rất nguy hiểm, bởi lũ bò rất kích động và chẳng bao giờ muốn về nhà.

“Chắc chúng nó biết mình định ăn thịt nó,” Nell bảo.

“Bò thích bầy đàn thôi,” Tig nói. “Cũng như các bà đi chợ ấy mà.”

Tên của lũ bò là Susan, Velma, Megan và Ruby. Đấy là hai đứa con trai đặt. Chúng đã được cảnh cáo – về chuyện coi lũ bò như người – nhưng cũng chẳng cản được.

Oona cuối tuần nào cũng gọi điện. Đầu tiên cô ta cũng muốn nói chuyện cả với Nell, sau Tig và hai đứa con – cô muốn triệu Nell tới giúp đỡ, và ban mệnh lệnh – nhưng sau ít lâu thì dừng. Chỉ thi thoảng mấy mẩu tin cộc lốc của Oona tới tay Nell, trong những mẩu giấy gập và dán cẩn thận do hai đứa con trao lại. Thường là về tất lẻ chiếc.

 *

Một con gà mái trốn được khỏi sân và được tìm thấy giữa mấy cây đại hoàng, cổ bị cắt. “Có chồn,” bà Roblin nói, sau khi xem xét vết thương. “Chúng thích uống máu.” Bà hỏi Nell có muốn mang nó về hầm không, bởi nó vẫn tươi và máu đã chảy hết. Nell từ chối – nạn nhân của một vụ án mạng chồn là thứ ô uế – nên bà Roblin mang gà về, bảo sẽ nghĩ ra cách xử lý.

Một con gà khác lập thành trì sau một đống bộ phận máy móc trong kho để xe, nơi nó tàng trữ trứng – của nó và của những con gà mái trốn tránh nghĩa vụ khác nữa. Tới khi Nell tìm ra nó, nó đang ngồi ấp hai mươi lăm quả. Biết làm gì đây? Trứng đã lớn quá rồi – đã phát triển, đã chật những bào thai.

 *

Lũ trẻ sẽ ở lại trang trại hết mùa hè, Tig nói – quyết định vào giờ chót chét, bởi Oona sắp đi nghỉ hè. Cô ta đã chọn một nhà nghỉ bên bờ biển Caribbe, và không đi một mình.

“Có sao không?” Tig hỏi, và Nell bảo không tất nhiên, dù nếu biết trước thì cũng hay. Tig bảo chưa hề có cái gì trước cả.

Nell lấy nam châm đính một tờ giấy vào tủ lạnh. Bản danh mục toàn những nhiệm vụ lau dọn: quét nhà, dọn bàn, rửa bát. Ba người sẽ thay nhau. Chị thì sẽ tiếp tục giặt toàn bộ quần áo, trong cái máy vắt mua lại tính khí đỏng đảnh họ đã kiếm được; chị sẽ tiện thể đem phơi luôn. Chị đã nướng xong bánh mì, và bánh tac, và đánh xong kem, nhờ ít trứng thừa và vani lấy từ nhà Roblin. Lại còn quả lý chua phải tính đến nữa – chị không thể biến tất cả chỗ quả ấy thành thạch được. Chị đã thử phơi một ít ngoài nắng, nhưng rồi quên khuấy mất và trời thì mưa. Dù đã vạch ra đủ loại danh mục, chị vẫn không theo dõi được mọi thứ.

Mùa ấy có vô khối cuộc bán đấu giá – các nông dân chết hay thanh lý đồ đạc, và toàn bộ căn nhà và kho chứa sẽ dốc ra sân. Nell cảm giác như một con kền kền cơ hội, nhưng chị vẫn đi. Chị kiếm được vài tấm chăn ở đó – chỉ cần vá lại chút ít – và một cái rương gỗ, khóa đã mất, nhưng khi nào chị có thời gian đụng đến sẽ xong chóng thôi. Chị muốn những thứ sẽ tạo ra không khí – không khí nông thôn. Thời xa xưa, được đâu hay đó.

Tig mua một cái máy đóng cỏ, rẻ bèo vì đã lỗi mốt. Nó đẻ ra những đụn nhỏ thuôn dài, không phải những bánh cỏ khô xoắn ốc to bự đang thịnh hành. Anh và các con sẽ đi gặt cỏ khô, anh nói. Có thể dùng cho bò ăn khi đông tới và bán chỗ thừa mỗi đụn một đô. Anh sẽ trả công lũ trẻ dĩ nhiên – ngang với những người làm công chân tay. Tig và Nell sẽ mất tiền vì cử chỉ này, hoặc may lắm thì hòa vốn, Tig bảo, nhưng lũ trẻ sẽ khoái chí cực kỳ, chúng sẽ được làm việc thực sự và cảm thấy có ích. Nell nghĩ sao?

“Em nghĩ là hay,” Nell nói. Đó bây giờ là câu trả lời mặc định của chị khi đụng đến sự hào hứng của Tig.

 *

Trong lúc Nell và Tig tới thăm các cuộc bán hàng, lũ trẻ giải trí trong nhà kho. Chúng bày ra vô khối trò. Rượu đem ra uống, chất tạo ảo giác đem ra thử, thuốc lá và cần sa hút thường xuyên. Cần sa mua ở những đồng khuất nẻo trong vùng, từ một số nông dân trẻ đang lén lút trồng hàng mẫu thứ cây lắm lãi tuy bất hợp pháp mà họ gọi là “thuốc lá điên”. Bên trong nhà kho, các âm mưu được hình thành. Nào là đánh cắp xe chuồn đi, chạy trốn đến Montreal, hay ít nhất cũng đến Garrett, để xem phim kinh dị. Những âm mưu ấy cuối cùng chỉ là lý thuyết, và hai đứa không gào thét cũng không đập phá, không giống nhiều đứa Nell đã nghe kể, vì thế Tig và Nell không biết gì. Họ biết về những chuyện đó mãi sau này, khi lũ trẻ đã lớn, đã qua tuổi hai mươi và qua nỗi tức giận vì Tig bỏ nhà đi, và bắt đầu chia sẻ những hồi ức.

Hai đứa học hành không được tấn tới lắm – Oona đã gửi kèm bảng điểm ở trường, ám chỉ lỗi này là của Tig. Nhưng Tig – nay đã sửa được máy kéo, đã cho lũ trẻ lái nó vòng vòng quanh sân và ra cả đồng – bảo rằng giờ chúng đang học được bao nhiêu thứ khác, những thứ rồi sẽ có ích cho chúng về sau này.

Lũ trẻ giờ đã cao hơn – cao hơn Nell. Một đứa đã gần bằng Tig. Da chúng rám nắng, bắp tay to; chúng ăn rất khỏe, và khi không bị Tig sai bảo gì thì chúi đầu dưới máy kéo, vặn ra rồi lại lắp vào. Chúng lấm đầy dầu mỡ đất cát và đôi khi cả máu từ những vết thương do dụng cụ, một chuyện mà chúng hình như thích thú. Nell giặt không biết bao nhiêu khăn.

Khi trời đẹp – nghĩa là nắng nực – và cỏ khô đã cắt đánh thành đống, Tig và lũ trẻ cặm cụi bên máy đóng cỏ, tay đi găng dày, trán quấn băng đô để mồ hôi không chảy vào mắt. Máy đóng cỏ nối vào máy kéo lê đi khắp đồng, nhả ra từng đụn cỏ và từng cục bùn khô và những đoạn dây. Đó là một công cuộc nóng nực và bụi bặm, và hết sức ồn ào. Rơm rơi lẫn vào quần áo, nhiều mẩu chui cả vào mũi. Mang được đụn cỏ vào kho mới là khổ nhất. Đôi lúc Nell cũng hỗ trợ, với băng đô và một cái mũ rộng vành. Khi chiều đến họ mệt đến nỗi không ăn được; họ lăn ra ngủ khi mặt trời chưa kịp lặn.

Hết tháng Tám, Tig nhận được một lá thư từ Oona, đánh máy, buộc tội anh và Nell đã bóc lột hai đứa con làm lao động trẻ em để kiếm lời từ chúng.

***

Tig và Oona lẽ ra đang trong quá trình thỏa thuận điều khoản để ly hôn, nhưng Oona cứ đổi luật sư xoành xoạch. Cô ta nghĩ giờ Tig và Nell đã có một trang trại, hẳn Tig đang nói dối về khoản thu nhập. Cô ta muốn thêm tiền. Nhưng Tig không còn tiền.

Nell cảm thấy mình đang mọc một lớp vỏ cứng, bao lấy mình. Nó khiến chị không còn thương xót Tig như lẽ ra phải thế. Quan điểm của Tig là không thể rơi vào thế đương đầu trực diện với Oona. Anh không thể, ví dụ như, đâm đơn ly dị. Cần để Oona tin rằng cô ta đang chủ động tình hình. Nếu Tig làm gì đột ngột – nếu anh đi bước trước – Oona sẽ nắm lấy cớ đó chống lại anh về chuyện các con. Suy cho cùng, chúng sống với cô ta, về lý thuyết; không phải với anh.

“Chúng ở với mình nhiều hơn,” Nell nói. “Nếu không tính những giờ đi ngủ. Mà đằng nào cô ấy cũng sẽ dùng cớ đó chống lại anh. Cô ấy đã bắt đầu còn gì.”

“Cô ấy không khỏe,” Tig nói. “Sức khỏe cô ấy có vấn đề.” Anh bảo không được làm gì kích động Oona quá mức.

Riêng mình cũng đã kích động cô ấy quá mức rồi, Nell nghĩ. Mình đâu làm khác được.

Đằng sau câu chuyện này còn nhiều điều khác, nhưng không ai nói ra.

Mình sắp ba mươi tư rồi, Nell nghĩ. Bao giờ thì mới gỡ xong đây?

Nhưng Tig chẳng có gì phải vội.

 *

Mận dại trong hàng giậu chín dần rồi rụng. Những quả màu xanh, tròn xoe, thơm thơm. Nell nhặt đầy từng giỏ và mang về nhà giữa một luồng xoáy ruồi giấm tí xíu, rồi biến chúng thành quả dầm và mứt màu tím ngọt lịm. Tig liếm những ngón tay màu tím của chị, hôn đôi môi tím; họ làm tình chầm chậm trong buổi chiều ấm mờ sương. No nê, Nell nghĩ. Đúng là từ ấy. Sao mình còn muốn có gì thay đổi?

Tháng Chín, Nell hái những quả táo ít sâu và nấm nhất từ mấy cây táo và làm thạch táo. Đất dưới gốc cây rải đầy táo rụng lên men: bướm đậu lên đó hút, rồi bay loạng choạng xung quanh; ong cũng vậy. Một sáng Tig và Nell tỉnh dậy thấy một bầy lợn say nằm dưới gốc cây, phì phò khụt khịt hết sức thỏa mãn. Chẳng phải nói chúng vừa qua một cuộc nhậu nhẹt.

Tig xua chúng đi, rồi chạy theo xem chúng từ đâu đến. Chúng là của trại lợn trên đồi, tít xa: năm nào chúng cũng làm thế, người chủ trại bảo. Chúng phá chuồng chạy đi, cứ như đã chuẩn bị hàng tháng, và đào dưới hàng rào mà vào. Lúc nào chúng cũng đi đúng lúc. Chúng sung sướng vì còn có cuộc truy hoan hằng năm này mà ngóng đợi, đấy là ý ông ta. Cần gì biết táo không phải cây nhà mình.

Nell biết họ chẳng thể nói lại gì. Khóa chỉ là khóa với người ngay. Nhà cửa quanh đây vẫn bị bẻ khóa vào. Ăn cắp, phá hoại. Chị không bình tâm được mỗi lần Tig vắng nhà.

Bò Susan một hôm lên xe tải và trở về trong tình trạng đã làm đông và mổ phanh. Cứ như một màn ảo thuật – chị gái bị cưa làm đôi trên sân khấu trước mắt mọi người, lại tái xuất hoàn toàn lành lặn, bước xuống giữa hai hàng ghế; chỉ có điều việc biến hình của Susan lại diễn ra ngược lại. Nell không muốn nghĩ xem điều gì đã xảy ra với Susan trong khoảng thời gian vô hình.

“Chúng ta đang ăn Susan đấy à?” lũ trẻ hỏi, khi chọc thìa vào món thịt rán.

“Đã bảo từ đầu đừng đặt tên lũ bò,” Nell nói. Lũ trẻ nhăn răng cười. Chúng đã phát hiện ra giá trị của choáng váng và kinh hãi, ít nhất bên bàn ăn.

 *

Nell ngập lụt rau là rau. Chị không biết làm gì với chúng. Một số có thể đóng hộp, một số đem phơi hoặc làm đông, nhưng chỗ còn lại – như là núi bí ngồi khổng lồ – chỉ đem cho gà ăn. Nell chất một tá lọ dưa chuột muối, một tá củ cải đường muối. Chị cất khoai tây cà rốt và hành trong hầm rau, gia nhập đội ngũ chai bia nhà làm của Tig và hũ dưa ngâm đang lên men làm từ bắp cải thừa của Nell. Để dưa trong hầm là một sai lầm – làm cho cả nhà ngập trong một mùi chân bẩn chưa rửa khá nặng – nhưng Nell tự an ủi mình rằng nó giàu vitamin C và sẽ có ích nếu tuyết rơi suốt mùa đông và nhà bắt đầu mắc scorbut.

Tuần thứ hai của tháng Mười, Tig và Nell xử trảm con gà đầu tiên. Tig dùng rìu bổ, trông có hơi nhợt nhạt. Con gà chạy khắp sân, máu phụt ra từ cổ như vòi nước. Lũ bò trở nên nhột nhạt, rống lên. Lũ gà còn lại kêu cục cục. Đôi công gào ầm ĩ.

Nell phải thỉnh vấn bà Roblin xem nên làm gì tiếp. Chị dội nước sôi và vặt lông con gà, theo các bước chỉ dẫn. Rồi chị lôi bộ lòng ra. Chị chưa bao giờ ngửi thấy mùi gì tanh đến lộn mửa như thế. Có một chùm trứng, to nhỏ đủ cỡ, đủ độ phát triển khác nhau.

Thế đấy, chị nghĩ. Mình sẽ không bao giờ làm việc này nữa. Lũ gà kia cứ việc.

Tig bỏ con gà vào nồi hầm, với cà rốt và hành lấy từ vườn. Lũ trẻ ăn ngấu ăn nghiến. Chúng ước đã có mặt để xem con gà không đầu chạy quanh sân. Tig đã qua khỏi phút nhợt nhạt và đang hùa cùng niềm vui được miêu tả lại.

 *

Vào cuối tháng Mười, thêm ba con cừu cái đến ở với lũ bò trong sân. Quan điểm của Tig là chúng sẽ đẻ ra cừu con, có thể đem bán hoặc giết thịt. Mấy con cừu dò dẫm vào hồ nước vì lý do bí ẩn nào đó và mắc chân vào một cuộn dây thép gai náu dưới mặt nước, và Tig phải lấy kìm cắt sắt cắt ra và bế từng đứa ra ngoài. Lông chúng ướt sũng sĩnh nên rất nặng. Chân chúng đá giãy giụa, và Tig trượt chân ngã nghiêng vào hồ, rồi sau đó mắc cảm. Nell xoa dầu VapoRub cho anh, và pha cho anh chanh nóng với whisky.

Tháng Mười một, mấy chai bia nhà làm của Tig thi nhau phát nổ, dưới tầng hầm. Đoành một cái, rồi bia và chai vỡ đã đầy trên sàn, cứ như một vụ tông xe đêm thứ Bảy. Nell không bao giờ đoán được khi nào thì có chai sắp nổ tung: dấn thân vào hầm lấy cà rốt hoặc khoai cũng y như đi vào bãi mìn. Nhưng bia trong những chai còn nguyên thì tuyệt diệu, Tig nói, dù mức sủi bọt rất cao. Anh phải uống mấy chai đó thật nhanh không thì phí.

 *

Mùa đông. Đường xe đi ngập đầy tuyết; xe phải bỏ lại dưới chân đồi, và xe dọn tuyết thỉnh thoảng qua vùi nó đi mất. Rồi có bão tuyết, và đường dây điện thoại dừng hoạt động, và điện mất. May đến lúc này đã có lò sưởi củi. Nell và Tig cuộn tròn bên lò, quấn kín trong chăn, đốt cả lô nến một lúc để đẩy lùi bóng tối.

Vào những ngày khác – những ngày không bão, không cuồng phong, không mưa buốt xương – đồng ruộng trắng tinh đến lóa mắt, không khí trong veo. Tig thích cho gia súc ăn trong những ngày đó, thấy thật là yên bình. Chúng quây lại quanh anh vào buổi sáng trong khi anh mở một đụn cỏ mới, hơi thở chúng thơm mùi cỏ phả hơi nước vào anh, chúng xô đẩy nhau khe khẽ, giữa cảnh mùa đông nhìn như một góc hoạt cảnh Giáng sinh. Nell nhìn qua cửa sổ ngắm bầy đoàn thanh tĩnh, cảm thấy mình lạc vào thời ngây thơ. Nhưng rồi điện thoại reo. Chị sẽ ngưng lại một giây trước khi nhấc máy: biết đâu là Oona.

Tháng Hai, khi tuyết vun vút bay qua những đồng băng giá, lũ cừu đẻ con. Một con sinh ba, và xua đuổi con cừu bé nhất: Tig tìm thấy nó đứng run rẩy trong góc chuồng. Tig và Nell mang con cừu bị ruồng bỏ vào nhà quấn trong khăn và đặt vào giỏ liễu đựng quần áo bẩn, rồi nghĩ xem nên làm gì. Không may, một trong hai con còn lại bị kẹt đầu giữa hai tấm ván vách chuồng và chết cóng, vì thế theo lý thuyết con thứ ba thiếu cân có thể được trả về thay; nhưng con mẹ nhất định không chịu nhận con vật bé nhỏ bơ vơ ấy.

“Chắc nó có mùi lạ,” Nell nói. “Nó đã ở trong nhà mình.”

Bà Roblin bảo họ quấn chăn rồi đặt nó trong lò, đừng đóng cửa và vặn lò ở mức thấp nhất, rồi cho nó uống rượu brandy bằng bình nhỏ mắt, và họ làm theo. Bà đích thân qua để đảm bảo họ làm đúng. Bà đối xử với Nell và Tig như thể hai người là những đứa trẻ hơi đần – một cái xẻng không được bén, như nông dân ở đây hay nói. Con cừu be be yếu ớt và hơi vung vẩy chân; bà Roblin nhìn mắt rồi nhìn miệng và bảo nói chung nó có khả năng sống sót. Nell muốn biết làm thế nào bà biết được, nhưng thấy mở miệng ra hỏi sẽ khá ngu.

Mỗi ngày con cừu một khá hơn. Nell bế nó trong tay trong lúc cho ăn; chị ngượng khi thấy mình còn đang đung đưa và hát ru nó.

“Nó tên là gì?” lũ trẻ hỏi.

“Nó không có tên,” Nell nói. Chị sẽ không rơi vào bẫy lần này.

Ít lâu con cừu đã đứng được lên, uống sữa từ bình bú. Tig làm cho nó chuồng riêng trong bếp mùa hè, mỗi ngày lại lấy rơm mới lót ổ, nhưng khi nó đã hoạt bát hơn và muốn chạy nhảy, họ thống nhất rằng trói buộc nó là một việc đáng xấu hổ, thế nên nó được vào nhà. Trên sàn nhà lino trơn trượt – sàn nhà lino mới trơn trượt vừa lót lại, hình gạch vuông, bốn chân nó xoạc ra và khó giữ thăng bằng. Nhưng nó đã nhanh chóng nắm được bí quyết, và nhảy tưng tưng khắp nơi, cái đuôi dài bông tơ vung vẩy.

Có điều không thể dạy nó đi vệ sinh. Nó cứ tè khi nào thích, và bỏ lại hàng viên màu nâu lấp lánh cỡ viên sỏi trên nền nhà. Nell làm cho nó một cái tã từ túi rác nylon màu xanh, cắt lỗ xỏ chân sau và đuôi, nhưng chỉ hoàn toàn vô dụng.

 *

Cuối tháng Ba, con công cái nằm chết trên sàn nhà kho, dưới thanh xà thường đậu. Chắc có con chồn đã leo lên đó trong đêm, bà Roblin nói: lũ chồn thường làm thế. Con công trống đi vòng quanh cái xác cứng đờ, mặt hoang mang. Giờ thì nó sẽ ra sao? Nell nghĩ. Nó chỉ còn lại một mình.

 ***

Tới tháng Tư, con cừu đã lớn quá không thể để trong nhà được nữa. Nó rất mạnh và rất ồn ào. Họ cho nó vào sân kho với lũ bò và cừu, nhưng nó không chơi được với mấy con cừu khác. Nó chỉ tha thẩn một mình, trừ khi Tig vào sân cho gia súc ăn. Rồi, nếu Tig quay lưng lại, con cừu sẽ chạy bổ tới rồi đâm sầm vào lưng anh.

Với Nell thì lại khác. Khi chị đến, con cừu sẽ đi tới ủi mình vào chị; rồi nó sẽ đứng chắn giữa chị và Tig.

Tig phải mang một thanh gỗ dài vào sân để tự vệ. Khi con cừu lao đến anh đập vào trán nó. Con cừu lắc lắc đầu lùi ra, nhưng chỉ chốc sau sẽ làm lại từ đầu.

“Nó nghĩ đây là cuộc tỉ thí,” Nell nói.

“Nó yêu em đấy,” Tig nói.

“May mà còn có nó,” Nell nói.

“Em nói thế là sao?” Tig hỏi, buồn rầu.

Nell không biết chị nói thế là sao. Chị không cố tình nói thế. Lời cứ tự buột khỏi miệng. Chị thấy môi mình run run. Quá là nực cười, chị nghĩ.

 *

Sau khi vợ nó bị hạ sát, con công trống bắt đầu cư xử kỳ cục. Nó làm dáng trước lũ gà trong sân, vẫy vẫy cái đuôi, phe phẩy như quạt. Khi lũ gà tỏ ra thờ ơ, nó nhảy lên người chúng mà mổ. Cổ nó rất khỏe, mỏ nó rất đau. Nó đã làm chết vài con gà.

Tig nhốt lũ gà vào chuồng và cố tóm con công, nhưng nó đã bay vọt lên và kêu rú. Rồi nó săn đuổi lũ vịt, nhưng chúng đã khôn lanh tuồn xuống hồ nơi nó không đến được. Rồi nó bắt gặp ảnh mình trong tấm kính cửa – một cửa sổ gần đó có mỏm đất, nó có thể đứng lên. Nó biểu diễn cho mình xem, xòe quạt và vẫy đuôi và thét lên đe dọa, rồi tấn công cái cửa.

“Nó phát rồ rồi,” Tig nói.

“Nó đang đau khổ,” Nell nói.

“Chắc là mùa kết đôi,” Tig nói.

Con công bắt đầu ẩn nấp quanh nhà, ngó vào từng cửa sổ tầng một như một gã điên chuyên nhìn lén. Nó biết kẻ thù của nó ở bên trong. Hận thù đã chiếm chỗ tình yêu trong cái đầu tí xíu rồ dại kia. Nó đã hạ quyết tâm ám sát.

“Chúng ta phải tìm cho nó một con mái khác,” Nell nói. Nhưng họ chẳng bao giờ bắt tay vào làm, và một ngày nó biến mất.

 *

Con cừu ngày càng lớn hơn và ngày càng không biết sợ. Nó không còn đợi đến lúc Tig quay lưng lại, giờ nó tấn công anh từ mọi góc độ. Sọ nó hình như làm bằng xi măng; lấy thanh gỗ giáng nó chỉ tổ khuyến khích thêm.

“Chúng ta không thể để thế này mãi được,” Tig nói. “Nó sẽ làm người ta bị thương mất.”

“Nó nghĩ nó là người,” Nell nói. “Nó nghĩ nó là một người đàn ông. Nó chỉ đang bảo vệ lãnh thổ.”

“Càng thêm lý do,” Tig nói. Có một chủ trại gần đó – mấy người ở quán cà phê kể – một đêm uống say định đi tắt qua đồng có thả một con dê đực. Con dê đuổi theo húc ngã anh ta. Mỗi lần anh chàng khốn nạn định đứng lên, anh ta lại bị húc ngã nhào. Tới sáng thì hắn đã gần tắc tử. Con cừu chẳng mấy chốc sẽ thành cừu đực trưởng thành, nó có thể lặp lại chuyện đó.

“Thế thì chúng ta phải làm gì?” Nell nói. Cả hai đều biết là gì. Nhưng Tig không đủ sức cắt tiết con cừu, rồi phanh thây nó, hoặc bất kỳ điều gì cần làm; anh không đủ sức làm đồ tể. Gà đã là hết cỡ rồi.

“Chúng ta phải mang đến Anderson,” anh nói.

Họ xoay xở bắt được con cừu. Nell phải dụ nó đến gần chỗ Tig đang chờ, đứng như phỗng với một cuộn dây, bởi con cừu tin chị và không coi chị là địch thủ. Khi đã vật được nó ngã xuống đất, họ trói bốn vó nó lại và khênh ra khỏi sân. Lũ cừu và bò còn lại nhìn qua rào, kêu bò kêu be nhặng xị. Chúng đều biết có chuyện gì ở đây.

Tig và Nell nhấc con cừu vào thùng xe Chevy. Nó hết đá lại giãy, kêu be be thảm thương. Rồi họ cũng vào xe lái đi. Nell cảm thấy họ vừa bắt cóc con cừu – bứt nó khỏi gia đình và tổ ấm, giữ nó đòi tiền chuộc, chỉ trừ ở đây sẽ không có tí tiền chuộc nào. Mệnh nó thế là xong, chẳng vì tội gì ngoài cái tội nó là nó. Những tiếng be be bị bít kín vẫn không dứt, suốt đường tới Lò mổ theo đặt hàng của Anderson.

“Giờ sao?” Nell hỏi. Chị thấy kiệt sức. Phản bội là một việc rất tốn sức, chị nghĩ.

“Chúng ta vác nó xuống xe,” Tig nói. “Chúng ta mang nó vào trong.”

“Chúng ta có phải đợi không?” Nell nói. Trong lúc chuyện đó xảy ra, ý chị là thế. Trong lúc đang làm chuyện đó. Cũng như đợi một đứa trẻ lần đầu đi khám răng.

Đợi ở đâu? Chẳng có chỗ nào mà đợi.

Nhà Anderson là một ngôi nhà thấp, dài, ngày xưa từng màu trắng. Cánh cửa đôi để mở, từ trong vọng ra một ánh sáng mờ. Những chồng thùng đặt xung quanh ngoài sân, những thùng mắt thưa, một cái xe đóng kín – xe ngựa – và vài chi tiết máy móc sét rỉ. Ròng rọc thì phải. Thùng trông cũng như rỉ, nhưng không thể được vì chúng bằng gỗ.

Không thấy bóng ai. Có lẽ họ nên rú còi báo hiệu, Nell nghĩ. Như thế sẽ không phải vào nhà.

Tig đã ở đằng đuôi, cố mở thùng xe.

“Nó bị kẹt hay làm sao ấy,” anh nói. “Hay là bị khóa rồi cũng nên.” Bên trong thùng xe con cừu cất tiếng be.

“Em sẽ vào nhà,” Nell nói. “Chắc phải có người. Cửa đều mở mà. Chắc họ phải có xà beng.” Hoặc một thứ khác, chị nghĩ. Họ sẽ có đủ thứ đồ bà rằn. Dùi cui. Mũi nhọn. Dao để cắt cổ.

Chị đi vào trong. Một dãy bóng đèn điện treo trên trần. Bên cửa có thêm hai thùng nữa, mở nắp. Chị ngó vào trong: toàn đầu bò đã lột da, ngâm nước muối. Chị đoán là nước muối. Có một thứ mùi ngòn ngọt, nằng nặng, vón cục, một mùi máu tháng. Sàn xi măng rắc mạt cưa. Ít ra trời cũng lạnh, chị nghĩ. Ít ra cũng không đầy ruồi bay.

Đi tiếp có một cái kiểu như rào quây, và vài chuồng lợn hay bò gì đó vách ngăn rất cao.

“Xin chào?” chị gọi. “Có ai ở nhà không?” Cứ như đi sang xin thìa đường.

Đằng sau góc một cái chuồng có một người cao và nặng đi ra. Nửa trên người ông ta chỉ mặc tấm may ô, đôi tay bự để trần. Cũng như trong một cuốn sách tranh cũ về những tay tra tấn thời trung cổ, ông ta hói. Ông ta mặc tạp dề, hay chỉ đơn giản là miếng vải bạt xám buộc quanh bụng. Trên đó có những vệt nâu chắc là máu khô. Một tay ông ta cầm một thứ dụng cụ gì đó. Nell không nhìn kỹ.

“Chị cần gì?” ông ta hỏi.

“Con cừu nhà tôi bị kẹt trong thùng,” chị nói. “Đằng sau xe. Nó bị mắc kẹt ở trong. Chúng tôi nghĩ ông có thể có xà beng hay gì đó.” Giọng chị cao vút, nghe như cợt nhả.

“Dễ thôi,” người kia nói. Ông ta sải bước ra.

 *

Trên đường về trang trại, Nell bật khóc. Chị không nín được. Chị khóc mãi khóc mãi, không kiềm chế, hết sịt mũi lại nấc lên.

Tig đánh xe vào vệ đường cho dừng, rồi đưa tay ôm chị. “Anh cũng buồn lắm,” anh nói. “Chú nhỏ đáng thương. Nhưng chúng mình còn làm gì được?”

“Không phải chỉ mỗi con cừu,” Nell nói, vừa nói vừa nấc cụt, đưa tay quệt mũi.

“Thế là gì? Là gì?”

“Tất cả mọi thứ,” Nell nói. “Anh không nhìn thấy có chuyện gì hết. Mọi thứ đều hỏng cả!”

“Không phải,” Tig nói, ôm chặt lấy chị. “Tất cả vẫn ổn mà. Anh yêu em. Rồi sẽ tốt đẹp cả thôi.”

“Không đâu, không đâu,” Nell nói. Chị lại bật khóc.

“Nói cho anh biết chuyện gì đi.”

“Em không nói được!”

“Nói đi.”

“Anh không muốn em có đứa con nào hết,” Nell nói.

 ***

Con cừu về trong một cái hộp các tông trắng dài dài, như một hộp áo. Trong giấy sáp xếp gọn gàng những khúc thịt sườn hồng mềm, hai cẳng chân, các miếng đùi và cổ để hầm. Có hai trái bầu dục nhỏ, và một trái tim thanh tú.

Tig nấu sườn với hương thảo khô lấy từ vườn của Nell. Bất chấp có buồn – vì chị vẫn còn buồn – Nell cũng phải thừa nhận là ăn ngon tuyệt.

Mình là một con sói, chị nghĩ, dửng dưng một cách lạ lùng.

Có thể chị sẽ trở thành ranh ma, khi sống ở trại này. Có thể chị sẽ hấp thu được một phần tăm tối, và biết đâu không phải là tăm tối mà chỉ là hiểu biết. Chị sẽ trở thành một người mà các đàn bà khác phải tìm tới xin lời khuyên. Chị sẽ được vời đến trong tình trạng khẩn cấp. Chị sẽ xắn tay áo mà thanh toán tính ủy mị, và thực hiện bất kỳ công việc tanh hôi máu me nào cần làm. Chị sẽ dùng rìu thành thạo.

Nguyễn An Lý dịch (2009)

Nguồn: Margaret Atwood, Moral Disorder and other stories, Emblem, 2009.

Ảnh: Margaret Atwood (Ron Bull/Toronto Star/Getty Images)

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 4.7 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

không biết viết ngắn