Thời gian đọc: 32 phút

Lời giới thiệu

Earnest Hemingway, sau khi nhận giải thưởng Nobel văn chương, đã phát biểu và được tờ New York Times đăng tải ngày mùng 7 tháng Mười một năm 1954  thế này: “Hôm nay tôi sẽ hạnh phúc hơn nếu giải thưởng này được trao cho nữ văn sĩ tài năng Isak Dinesen.” Vậy Isak Dinesen, người từng hai lần, vào các năm 1954 rồi 1957, được đề cử giải Nobel là ai?

Bà tên thật là Karen Blixen, sinh tại Đan Mạch ngày 17 tháng Tư năm 1885 trong một gia đình có bên ngoại là thương nhân còn bên nội thuộc dòng dõi quý tộc địa chủ. Cha của bà là một nhà văn, nhà chính trị, cũng từng là quân nhân, đã tự tử lúc bà lên chín. Bắt đầu sáng tác thơ, kịch, truyện ngắn từ rất sớm nên tới 1903, bắt chấp gia đình phản đối, Karen Blixen đăng ký theo học chuyên ngành Nghệ thuật tại Học viện Hoàng Gia Copenhagen. Thời trẻ, bà từng đi du lịch nhiều nơi: Anh, Pháp, Ý và có một số truyện ngắn được in.

Năm 1912 tháng Chạp bà đính hôn cùng người anh họ kém một tuổi là Nam tước Bror Blixen-Finecke để rồi năm 1913 theo chồng tới Kenya và hai người làm đám cưới vào tháng Giêng năm 1914 tại Mombasa.

Tới đây ta cũng cần điểm sơ qua bối cảnh châu Phi thời đó. Sau gần cả thế kỷ XIX với nhiều cuộc xung đột tranh giành lãnh thổ, tới năm 1900 thực dân Anh đã khống chế được phần lớn Đông Phi và cho xây đường sắt hòng khai phá vùng đất màu mỡ này. Dân bản xứ mất đất và bị dồn vào các vùng chật hẹp gọi là khu bảo tồn, nơi đất đai cằn cỗi và điều kiện sống eo hẹp làm dân số họ tụt giảm nhanh chóng từ bốn triệu xuống chỉ còn hai triệu rưỡi. Chính sách lưu dân của chế độ thực dân cũng ra đời thời điểm này. Hòng khai thác Đông Phi hiệu quả, chính phủ Anh cho tuyển mộ nhiều dân ngụ cư từ châu Âu qua làm ăn và vợ chồng Karen Blixen nằm trong số này. Khi ấy gia tộc bà đã cung cấp tài chính mua một đồn điền rộng sáu ngàn mẫu Anh gần Nairobi để hai vợ chồng đại diện đứng tên quản lí và kinh doanh.

Qua tới châu Phi chẳng được bao lâu, năm 1915 bà phát hiện chồng phản bội mình dan díu với nhiều phụ nữ. Đồng thời bà cũng phát hiện mình bị chồng lây cho bệnh giang mai. Sau này Karen Blixen đề cập tới sự thể lúc ấy như sau: “Có hai điều bạn có thể làm trong tình huống ấy: Bắn chết người đàn ông đó hoặc chấp nhận nó.”

Mọi nỗ lực hàn gắn tình vợ chồng đều bất thành, cuối cùng cặp đôi li thân vào năm 1921 sau khi Karen Blixen phát hiện chồng tiếp tục ngoại tình và vay nợ chồng chất. Dạo ấy trong một lá thư gửi người em trai bà đã viết: “Em đừng nghĩ chị đang chua xót… Chị tin là nếu mình có thể trụ vững ở đây và đạt thành công trong phận sự đã nhận lãnh thì cuối cùng chị sẽ tìm lại được sức mạnh và bắt chấp mọi sự thể, cuộc đời chị sẽ vẻ vang, giàu có và hạnh phúc.”

Chính thức li dị chồng năm 1925, Karen Blixen tiếp tục bám trụ tại Châu Phi, trải vô vàn khó khăn, các trận hạn hán, dịch bệnh, cho tới thời kì Đại Khủng Hoảng (1929-1939) lúc đồn điền bị phá sản và người tình, một tay súng săn bắn chuyên nghiệp đồng thời là chủ đồn điền người Anh tên Denys Finch-Hatton gặp tử nạn, bà mới trở về Đan mạch sống cùng mẹ vào năm 1931. 

Năm 1934 Karen Blixen cho in tập Bảy câu chuyện Gô tích (Seven Gothic Tales), tập truyện ngắn bà mà đã bắt tay vào sáng tác từ tám năm trước đó, bằng tiếng Anh. Tác giả phát biểu về nó thế này: “Mới gần đây tôi đã gặp thực tại trong một bóng dáng xấu xí khiến tôi không còn muốn lại phải tiếp xúc với nó nữa. Trong con người tôi đâu đó ẩn giấu một nỗi sợ tối tăm và tôi phải lánh trốn vào trí tưởng tượng giống như một đứa trẻ buồn khổ trốn vào cuốn sách cổ tích của mình.” Tập truyện đã được đón nhận rộng rãi, nhất là tại Mỹ.

Năm 1937 thì tác phẩm Châu Phi nghìn trùng, với cấu trúc khiến người đọc liên tưởng tới một bi kịch cổ điển năm hồi, ra đời. Sách được tác giả viết bằng tiếng Anh trong sáu tháng của năm 1935, tại một khách sạn ở Skagen – điểm cực bắc Đan Mạch; bà bảo sống cùng mẹ không thể tập trung sáng tác được.

Tại sao chỉ đến khi ấy bà mới bắt tay vào viết lại cuộc đời ở châu Phi của mình? Theo các nhà nghiên cứu dường như ấy là bởi Karen Blixen vẫn còn giữ mối liên kết đầy cảm xúc với tư liệu châu Phi và cần thêm thời gian để có khoảng lùi và chọn đúng giọng điệu cho sách. Năm 1933 khi được hỏi hà cớ gì chẳng thấy viết về châu Phi, bà đã trả lời: “Nếu có khi nào tôi viết về châu Phi, sẽ không tránh khỏi việc cuốn sách chứa đựng vô vàn chua chát và oán thán cách người Anh xử sự với xứ sở và con người nơi đó, cũng như cách họ mặc sức triển khai nền văn minh cơ khí và vụ lợi của chúng ta tại đấy. Trên bất kỳ phương diện nào, cuốn sách sẽ chẳng phải tài liệu tuyên truyền chính trị mà là tiếng nức nở lòng tôi, với đầy các chua chát trước chế độ nông nô cũng nhiều như của nhà văn Turgheniev trong Bút ký người đi săn”. Quả thế thật, sau hai năm kể từ câu trả lời nói trên Karen Blixen đã tìm được giọng văn mỉa mai xa xôi và để người đọc tự đưa ra nhận xét về con người và sự kiện ở châu Phi mà bà mô tả. Lựa chọn đúng đắn này đã khiến sách được đón nhận rộng rãi. Một trong những nguyên nhân cuốn sách được nồng nhiệt đón nhận còn là bởi nó như một ẩn dụ của thời đại lúc ấy với các mô tả cuộc vật lộn của một cá nhân cùng số phận giữa chiến tranh và hạn hán, nền kinh tế biến động, nỗi đau mất mát người thân và sự sụp đổ một cuộc sống lí tưởng.

Ở ngay trang đầu tác giả nhắc lại phương châm sống của giới quý tộc Ba Tư thời xưa nhưng có lẽ cũng là của chính Karen Blixen: Hãy cưỡi ngựa, bắn cung, nói sự thật. Điều này có thể được hiểu nôm na như là: Hãy dấn thân, hãy trải nghiệm, hãy mô tả. Tác giả đã muốn nhấn mạnh bà dùng những chuẩn mực trên khi kể chuyện. Sống ở Châu Phi cần biết cưỡi ngựa, bắn (súng hay cung), còn kể sự thật là để độc giả tin mình. Người đọc hoàn toàn có thể nhận ra đề từ này là một tổng kết về chính phần đời mười bảy năm ở châu Phi của tác giả.

Cuốn sách này ra đời khi bố mẹ tôi còn rất nhỏ. Sinh năm 1885, bản thân tác giả phỏng chừng cũng thuộc hàng các cụ của tôi. Những bản dịch ở một số ngôn ngữ khác nhau mà tôi đối chiếu trong quá trình làm việc đa phần cũng đều có tuổi đời lớn hơn cả tôi. Nói vậy để thấy bạn đọc Việt thiệt thòi quá, chậm chân quá với Châu Phi nghìn trùng. Suốt cả gần thế kỷ, nói đến văn học Đan mạch chúng ta dường như chỉ biết tới Hans Christian Andersen và mãi gần đây mới được đọc Søren Kierkegaard. Thông qua Châu Phi nghìn trùng, tôi mong muốn mang đến cho bạn đọc Việt một viên ngọc sáng nữa của văn chương Đan Mạch và đó chính là động lực lớn giúp tôi hoàn thành dịch phẩm này.

Chương 1. Đồn điền dưới chân rặng Ngong

Tôi có một đồn điền tại châu Phi, dưới chân rặng Ngong[1]. Miền cao nguyên này, cách một trăm dặm về hướng bắc, có đường Xích Đạo chạy qua, và đồn điền nằm trên mực nước biển hơn sáu ngàn bộ[2]. Ban ngày bạn thấy như đang ở trên cao, giữa không trung, gần phía mặt trời, còn sáng sớm hay buổi tối khí trời lại trong trẻo và dễ chịu, ban đêm thì lạnh.

Vị trí địa lý và độ cao nơi đây đã phối tạo nên thứ khung cảnh có một không hai chốn trần gian. Đất đai không chỗ nào màu mỡ, cây cối chẳng đâu sum suê, chốn đây là châu Phi chưng cất qua suốt sáu ngàn bộ, tựa như phần cốt tủy cô đặc của một khối lục địa vậy. Cảnh sắc nhuộm màu khô cháy, giống của gốm. Cây cối có tán lá thưa mỏng, cấu trúc khác ở châu Âu; không có tán dạng nón hay tròn mà vươn ngang ra nhiều lớp, và điều này ngoài việc khiến mấy cây cao đơn độc nom như biểu tượng của chiến thắng hay có khí thế hào hùng hoặc lãng mạn tựa một đoàn thuyền nhiều cột buồm mà mọi cánh buồm đều cuộn cả lên, còn đem lại cho bìa rừng chốn đây một diện mạo lạ thường với hết thảy cây lá đều nhẹ rung. Trên mặt cỏ bình nguyên bát ngát, lác đác vài cây gai già trơ trụi, cong queo, còn cỏ thì thơm nồng như cỏ xạ hương hay dâu thơm; có những nơi mùi hương gắt đến nhức mũi. Tất cả các loài hoa bạn bắt gặp trên bình nguyên, hay hoa của những loại dây leo trong rừng tự nhiên, đều nhỏ xíu như hoa ở các vùng đồi thoải,–chỉ ở giai đoạn bước vào mùa mưa dầm, trên bình nguyên chợt vươn lên hằng hà sa số bông loa kèn to, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Tầm nhìn tại xứ này thoáng rộng ngút tầm mắt. Nơi đây, hết thảy những gì đập vào mắt bạn đều toát lên cái vĩ đại, sự tự do, cùng vẻ quý phái chẳng đâu bì.

Phong vị chủ đạo của miền này, và của cuộc sống bạn chốn đây, là khí trời. Nhìn lại đoạn thời gian trú tạm trên cao nguyên châu Phi, lòng bạn thảng thốt bởi xúc cảm được sống giữa không trung. Chất chứa cái hùng vĩ, cái không trọng lượng của những đụn mây chất ngất liên tục biến đổi và trôi dạt, bầu trời tuy hiếm khi có màu khác lơ hay tím nhạt song lại mang một sinh lực xanh để tô lên non cao rừng cả gần đó thứ màu xanh tươi tắn, thăm thẳm. Ban trưa, không khí tựa một sinh thể, ngùn ngụt như ngọn lửa; nó lóng lánh, cuồn cuộn và lấp lóa giống dòng nước, nó phản chiếu, nhân đôi vạn vật và tạo ra các ảo tượng phi thường. Trên đây, giữa không trung, bạn hô hấp rất dễ dàng, hít vào người lòng tự tin trước cuộc sống cùng tâm trạng nhẹ nhõm. Nơi vùng cao này, buổi sáng bạn thức giấc và tự nhủ: Ta đang được sống ở đúng chốn phải sống.

Trải dài theo hướng Bắc-Nam, rặng Ngong đội chiếc vương miện bốn đỉnh cao sang nom như bốn con sóng bất động, có màu xanh thẫm hơn, in trên nền trời. Nó vươn cao tám ngàn bộ trên mực nước biển, và cao hơn vùng phụ cận mạn Đông hai ngàn bộ; nhưng về phía Tây, mức chênh còn nhiều hơn thế, sườn cũng dốc hơn,–thế núi như lao thẳng đứng xuống thung lũng Great Rift.

Gió xứ cao nguyên này luôn thổi theo hướng Bắc-Đông Bắc. Dưới mạn duyên hải châu Phi hay Ả rập, người ta gọi nó là Gió Mùa hay Gió Đông, con ngựa kéo ưa thích của quốc vương Salomon. Lên tới đây, ta cảm giác ngọn gió ấy chỉ như sức cản không khí, khi Trái Đất lao đi trong không gian. Gió thổi thẳng vào rặng Ngong, và triền núi là vị trí lý tưởng cho một chiếc tàu lượn cất cánh và được các luồng gió đưa lên tới đỉnh. Mây, đồng hành với gió, va vào sườn núi và bám lơ lửng tại đó, hoặc bị mắc lại ở đỉnh núi rồi tan thành mưa. Song nếu dong theo những lối cao hơn và tránh thoát được rặng đá ngầm kia, mây sẽ tan biến về hướng Tây, bên trên sa mạc bỏng cháy của thung lũng Great Rift. Đã bao phen tôi rời nhà theo bước những đám rước kỳ vĩ nọ, và kinh ngạc thấy những hình khối giăng giăng ngạo nghễ ấy, ngay khi vượt qua rặng núi, liền hút bóng giữa trời biếc.

Nhìn từ đồn điền, rặng núi thay hình đổi dạng nhiều lần trong ngày, đôi khi ta thấy nó gần gặn, thời điểm khác lại vời vợi xa. Vào chiều muộn, khi trời trở tối, thoạt nhìn bạn như thấy có một đường viền mảnh, màu bạc, vẽ bao lấy bóng núi đen trên nền trời; và rồi, khi màn đêm buông, bốn đỉnh như bằng phẳng và mềm mại hơn, tựa như rặng sơn mạch tự giãn mình và trải rộng ra.

Từ trên rặng Ngong bạn có một tầm nhìn vô song: phương Nam là các bình nguyên mênh mông, xứ sở rộng lớn của hoang thú trải đến tận Kilimanjaro, hướng Đông và Bắc là vùng đất tựa như công viên gồm khu vực chân núi cùng những cánh rừng phía sau, và cả dải đất nhấp nhô của Khu bảo tồn Kikuyu kéo tít tắp tới Mount Kenya[3] cách một trăm dặm,–một bức tranh khảm các ô vuông nhỏ những nương ngô, rừng chuối, đồng cỏ, đó đây bốc lên vài tia khói xanh của xóm nhỏ người bản xứ, một nhúm mô đất chuột chũi đùn lên. Nhưng tụt sâu theo hướng Tây là quang cảnh khô cằn tựa mặt trăng của miền trũng châu Phi. Sa mạc nâu điểm xuyết vài đốm xanh những bụi cây gai, các lòng sông uốn khúc được vẽ bằng những vệt lượn xanh rì; đấy là các vạt rừng cây Mimosa cao lớn, tán rộng, gai như mũi đinh, cũng là nơi loài xương rồng sinh trưởng và chỗ cư ngụ của lũ hươu cao cổ cùng bầy tê giác.

Bản thân vùng núi này, một khi tiến nhập, bạn sẽ thấy vô cùng rộng lớn, đẹp tựa tranh và đầy huyền bí, với hình thế đa dạng từ những thung lũng trải dài, các bụi cây lúp xúp, những triền dốc xanh và các vách đá hiểm trở. Lên cao hơn, dưới một đỉnh núi, thậm chí mọc cả một vạt rừng tre. Trong núi có nhiều suối và giếng nước, nơi tôi từng hạ trại kề bên.

Hồi tôi sống ở đó, trong rặng Ngong có trâu rừng, linh dương và tê giác,–các cụ già bản xứ vẫn nhớ cái thuở chốn đây còn có cả voi,–và tôi luôn thấy lòng trĩu nặng mỗi lúc nghĩ tới việc toàn bộ vùng núi Ngong không được quy hoạch thành Khu bảo tồn động vật hoang dã. Chỉ một bộ phận nhỏ của nó được khoanh thành Vùng bảo tồn hoang thú, ranh giới phân định bằng cột mốc đặt trên đỉnh Nam. Một khi xứ thuộc địa phát triển phồn thịnh, và thủ đô Nairobi trở nên một thành phố lớn, rặng Ngong lẽ ra có thể trở thành một vườn bách thú vô song của nó. Song trong những năm cuối tôi sống trên đất châu Phi, cứ tới Chủ nhật là đám thị dân trẻ Nairobi nhao cả lên núi, bằng xe gắn máy, và xả đạn vào mọi thứ bắt gặp, và tôi tin lũ đại thú[4] sẽ rời khỏi rặng núi, xuyên qua những dải đất sỏi đá mọc đầy bụi gai rậm rạp hòng lánh về phía Nam.

Bạn có thể nhàn tản cất bước ngay trên sống núi hay tại bốn đỉnh; cỏ mọc le te như trong vườn nhà, đây đó những tảng đá xám nhô lên phá vỡ mặt cỏ xanh. Chạy dọc sống núi, lên xuống bám theo nét lượn các đỉnh, tựa một vệt chữ chi mờ mờ, là lối hẹp thú đi. Một sớm, trong dịp hạ trại qua đêm trên núi, tôi leo lên đi dọc theo lối này và bắt gặp dấu chân cùng phân còn mới của một bầy linh dương. Những con thú to lớn hiền lành ấy hẳn đã có mặt trên sống núi buổi bình minh, nối nhau đi thành một hàng dài, và bạn chẳng thể hình dung ra nguyên do nào khác ngoài việc chúng tới chỉ để ngó xuống ngắm miền đất nằm trũng sâu hai bên sườn.

Đồn điền của tôi trồng cà phê. Vùng này hơi quá cao đối với cây cà phê, và chăm cây cho sinh trưởng quả thật vô cùng gian nan; đồn điền chẳng bao giờ giúp chúng tôi trở nên phong lưu cả. Vậy nhưng quản lý đồn điền cà phê lại là một việc đầu tắt mặt tối, không lúc nào ngơi tay và luôn có chuyện phải làm: nói chung bạn thường xuyên không đủ thời gian thực hiện mọi công việc cho đúng tiến độ.

Giữa cái hoang vu, vô phép tắc khắp miền này, một vùng đất được quy hoạch và trồng trọt quy củ nom thật thích mắt. Sau này, khi có dịp bay trên bầu trời châu Phi, và đã quen thuộc hình ảnh đồn điền từ trên không, tôi vẫn tràn trề thán phục mỗi khi ngắm mảnh đồn điền xanh thắm nằm giữa cả miền xám xịt và tôi nhận ra tâm trí con người luôn khao khát các hình thù cân đối biết nhường nào. Cả vùng Nairobi, nhất là ở mạn Bắc, đều có khung cảnh tương tự, và đây là chốn cư ngụ của những con người dốc lòng trăn trở, bàn bạc cho gieo trồng, chăm sóc hay thu hái cà phê, đêm xuống lại chong chong nung nấu các dự định cải tạo xưởng chế biến cà phê của mình.

Trồng cà phê là việc trường kỳ. Bởi chưng mông muội là đặc quyền của những gì non trẻ, trồng cà phê không hoàn toàn như bạn mường tượng, giữa tuổi thanh xuân tràn trề hy vọng, rằng trong cơn mưa như trút, bạn sẽ hào hứng đem từ nhà ươm các cây non mơn mởn đựng trong hộp, và với tất tật nhân công đồn điền đều đã hăng hái có mặt ngoài đồng, rồi chứng kiến chúng được đặt vào những hố đào ngay hàng thẳng lối trên đất ướt, nơi chúng tức thời sinh trưởng thành các cây um tùm tỏa bóng mát dưới vầng mặt trời. Thật ra phải mất bốn tới năm năm đằng đẵng để cây ra trái, và trong suốt thời gian đó bạn sẽ chống trọi trước hạn hán hay dịch bệnh, rồi các giống cỏ dại bản địa táo tợn sẽ mọc tốt um trên đồng–cỏ xuyến chi, với vỏ hạt thuôn dài và xù xì bám lên áo quần và tất của bạn. Một số cây bị trồng sai quy cách, rễ cái quặt lại, sẽ chết đúng lúc bắt đầu trổ bông. Bạn trồng khoảng hơn sáu trăm cây trên mỗi mẫu Anh[5], và tôi sở hữu sáu trăm mẫu cà phê; đàn bò đồn điền kiên nhẫn kéo những đường cày nhiều nghìn dặm từ đầu này tới đầu kia các cánh đồng, giữa những hàng cây, trông chờ các món hoa lợi đang tới.

Cảnh sắc đồn điền cà phê thật tuyệt mỹ vào một số thời điểm. Đầu mùa mưa, khắp đồn điền trổ hoa làm nên một khung cảnh rực rỡ, hao hao một đám mây bằng đá phấn, giữa màn mưa lâm thâm mịt mờ, trên cả vùng rộng sáu trăm mẫu. Cà phê nở hoa thành chùm, mùi thơm hắc, giống hoa mận gai. Hay dịp cả cánh đồng ửng đỏ bởi vô vàn chùm quả chín, đàn bà và đám trẻ nít, họ gọi chúng là Toto, toàn bộ được huy động ra thu hái cùng cánh đàn ông; rồi các đoàn xe bò, bốn hay hai bánh, sẽ chuyển thành quả xuống xưởng chế biến mé bờ sông. Tại đây máy móc của chúng tôi chưa bao giờ gần đạt tới chuẩn mực lẽ ra chúng phải thế, nhưng bởi khu xưởng được tự hoạch định và cất lên nên chúng tôi rất xem trọng nó. Xưởng này từng một lần cháy rụi và phải dựng lại. Cỗ máy sấy đồ sộ quay rầm rầm cái bụng thép chứa đầy cà phê tạo ra thứ âm thanh rào rào như sỏi bị sóng biển dồi cọ vào nhau. Có những bận cà phê khô có thể lấy ra lại rơi vào lúc đã nửa đêm. Thời khắc ấy đẹp tựa tranh, với cơ man đèn bão trong gian xưởng tối đen rộng lớn, tứ bề vương đầy mạng nhện cùng vỏ hạt cà phê, và các khuôn mặt đen nhánh, háo hức, bừng sáng dưới ánh đèn, vây quanh máy sấy; bạn cảm giác cả xưởng máy đang bám trụ giữa đêm tối Phi châu mênh mông, giống một món châu báu lấp lóe sáng trên tai người da đen vậy. Sau đó cà phê được tách vỏ, phân loại và tuyển chọn, bằng tay, rồi đóng vào bao, khâu kín lại bằng cây kim thợ chế yên cương vẫn dùng.

Mọi việc xong xuôi vào rạng sáng, lúc trời còn tối mịt, và tôi nằm vùi trên giường nghe tiếng đoàn xe chở hàng, ngất ngưởng các bao cà phê, mười hai bao một tấn, mỗi chiếc thắng mười sáu bò, rậm rịch khởi hành ngược theo con dốc dài ở xưởng chế biến để tới sân ga xe lửa tại Nairobi, với đủ giọng la lối hòa cùng tiếng bánh lăn lọc cọc, đám dong bò tất tả chạy bên xe. Lòng tôi nhẹ nhõm nghĩ tới chuyện suốt cuộc hành trình đoàn xe sẽ chỉ phải leo độc con dốc đó, bởi đồn điền nằm cao hơn Nairobi cả ngàn bộ. Chiều tối, tôi vẩn vơ ra đón đoàn xe trở về, một chú Toto kiệt sức đi trước nhất, lũ bò mệt lả rũ đầu bước trước các cỗ xe rỗng, đám dong xe rã rượi lê những cây roi vạch xuống lớp bụi đường. Giờ phần chúng tôi đã xong mọi thứ. Mẻ cà phê sắp ra tới biển trong một đến hai ngày tới, và hiện tại chỉ còn có thể nuôi hy vọng sẽ gặp vận may trong các phiên đấu giá lớn tại London.

Tôi có cả thảy sáu ngàn mẫu, do đó ngoài diện tích canh tác cà phê, quỹ đất dôi dư còn rất nhiều. Một phần đồn điền là rừng tự nhiên, ngoài ra có chừng một ngàn mẫu đất của lưu dân mà họ gọi là các shamba. Lưu dân là người bản xứ cùng gia đình sống trên các thửa đất rộng vài mẫu Anh trong đồn điền của người da trắng, và đổi lại hàng năm phải làm việc cho điền chủ một số ngày nhất định. Tôi nghĩ lưu dân của mình nhìn nhận mối quan hệ này dưới một góc độ khác, do chỗ nhiều người từng sinh ra ở đồn điền, cha ông họ cũng vậy, nên họ ắt xem tôi như một thứ lưu dân siêu cấp trên đất đai của họ. Tràn trề sức sống hơn hẳn các phần đất còn lại của đồn điền, mảnh đất của lưu dân còn biến hóa tùy theo mùa vụ. Ngô vượt quá đầu khi bạn bước dọc các lối hẹp trên nền đất rắn đanh giữa đám chiến binh cao vút, xanh rì, sột soạt ấy, rồi chúng được thu hoạch. Đậu chín trên đồng, được phụ nữ thu hoạch đem giã nhỏ, thân cây và vỏ được gom lại đốt, vì vậy khi tới vụ, đó đây khắp đồn điền xuất hiện nhiều cột khói mỏng nhuốm màu xanh lơ. Dân Kikuyu còn trồng khoai lang có lá tựa lá nho và mọc lan trên mặt đất thành một lớp thảm vừa rậm vừa rối cùng lổm ngổm cơ man bí ngô trái lớn, xanh vàng loang lổ đủ kiểu.

Mỗi khi dạo giữa các shamba của người KiKuyu, thứ trước tiên đập vào mắt bạn là phần thân sau của một bà lão bé nhỏ lom khom đào xới mảnh đất của mình, giống hình ảnh một con đà điểu chúi đầu trong cát. Mỗi gia đình người Kikuyu sở hữu vài lều nhỏ hình tròn, mái nón, để ở và làm kho chứa. Khoảng giữa các lều có nền đất rắn như bê tông luôn là địa điểm náo nhiệt: đây là chỗ ngô được xay, dê được vắt sữa, trẻ con cùng gà qué ríu rít chạy nhảy. Có dạo tôi thường đi bắn gà gô ở các ruộng khoai lang quanh nhà lưu dân trong buổi chiều tà xanh ngắt, giữa tiếng bồ câu gù vang trên những ngọn cây cao vút, tán xòe phất phơ trong gió, đứng đây đó,–thứ sót lại của cánh rừng già từng một thời bao phủ cả đồn điền.

Đồn điền tôi có vài ngàn mẫu đồng cỏ. Ở đó cỏ mọc cao, dập dờn đuổi nhau tựa lớp lớp sóng biển mỗi khi gió lớn và là nơi các chú nhóc mục đồng người Kikuyu chăn đàn bò của cha. Mùa lạnh, chúng mang theo những chiếc giỏ đan bằng liễu gai đựng than hồng lấy từ lều nhà, và đôi khi gây ra các vụ cháy lớn làm thiệt hại tới nguồn thức ăn của gia súc đồn điền. Những năm khô hạn, lũ ngựa vằn và linh dương mò tận xuống đồng cỏ của đồn điền.

Nairobi là thành thị của chúng tôi, tọa lạc cách đó mười hai dặm, trên một vùng đất thấp bằng phẳng nằm lọt giữa cả miền núi non. Ở đây có dinh Toàn Quyền và các trụ sở hành chín cai quản cả đất nước.

Chẳng thể có chuyện một thành thị không đóng bất cứ vai trò gì với cuộc sống bạn. Thậm chí bất chấp việc ta có những chuyện tốt đẹp hay xấu xa để nói về nó, chốn phố thị luôn thu hút tâm trí ta bằng một định luật hấp dẫn tâm hồn. Quầng sáng phía trên bầu trời đêm thành phố mà tôi có thể nhìn thấy từ vài vị trí tại đồn điền khiến lòng tôi suy nghĩ vẩn vơ, nhớ về các đô thị lớn châu Âu.

Dạo tôi mới tới châu Phi, ở đây chưa có ô tô, và chúng tôi hoặc cưỡi ngựa hoặc ngồi bên trong cỗ xe đóng ba cặp la chạy xuống Nairobi rồi gửi ngựa hay la ở khu chuồng của công ty Vận Tải Cao Nguyên. Suốt quãng thời gian tôi sống ở xứ này, Nairobi là nơi pha tạp, với lác đác vài căn tòa dinh thự mới tráng lệ bằng đá bên cạnh cả khu cửa hàng, văn phòng hay nhà dân quây tôn múi cũ nát nằm sau các hàng dài bạch đàn trồng dọc những con phố trơ trụi, bụi bặm. Trụ sở Tòa Án Tối cao, Bộ Đảm Trách Các Vấn Đề Dân Bản Xứ, và Cục Thú Y là những ngôi nhà tồi tàn, và tôi rất khâm phục công chức nơi đây, họ, ngay cả trong các nhiệm sở nhỏ hẹp, nóng thiêu đốt và tối như hũ nút ấy, vẫn khả dĩ chu toàn chức phận được giao.

Dẫu có thế Nairobi vẫn là chốn thị thành; tại đây bạn có thể mua sắm, nghe được tin tức, ăn trưa hay tối ở các khách sạn hay khiêu vũ tại Câu lạc bộ. Đây là chốn sôi động, vận động không ngừng nghỉ tựa dòng nước, vẫn tiếp tục lớn lên như những gì non trẻ, mỗi năm mỗi thay da đổi thịt, thậm chí chỉ sau một chuyến đi săn dài ngày. Dinh Toàn Quyền mới, một tòa nhà thâm nghiêm mát rượi có phòng khiêu vũ tráng lệ cùng khu vườn xinh xắn vừa được xây, mấy khách sạn lớn mọc lên, những hội chợ canh nông đầy ấn tượng cùng các triển lãm hoa lộng lẫy được tổ chức, nhóm người được gọi là giới thượng lưu của xứ thuộc địa chúng tôi lâu lâu lại khiến cả thành phố sôi động bằng các màn kịch mêlô tiết tấu nhoáng nhoàng. Nairobi nói với bạn rằng: “Cứ mặc sức tận hưởng ta và thời gian. Tuổi xuân chỉ đến có một lần[6]hãy cũng nhau[7] đạp qua mọi phép tắc và cứ vô độ đi”. Nhìn chung tôi và Nairobi rất hợp, và một bận lúc đang lái xe qua thành phố tôi đã nghĩ: Thế giới của mình chẳng thể thiếu những con phố Nairobi.

So với khu phố người châu Âu, địa bàn cư ngụ của dân bản địa và người nhập cư da màu rộng hơn nhiều.

Thị trấn Swaheli, nằm trên đường tới Câu lạc bộ Muthaiga[8], ở phương diện nào cũng đầy tai tiếng, là một địa phương nhộn nhịp, dơ bẩn, lòe loẹt, và ở bất kỳ giờ khắc nào cũng có một số chuyện gì đó đang xảy ra. Nó được dựng lên chủ yếu từ những thùng đựng parafiin đập dẹp, với đủ mức độ gỉ sét, nhìn tựa đá san hô, một thứ kết cấu hóa thạch mà hồn cốt của văn minh tiến bộ luôn trốn chạy.

Thị trấn Somali còn cách Nairobi xa hơn, tôi nghĩ ngọn nguồn là bởi tập tục người Somali muốn giữ phụ nữ ở chỗ biệt lập. Dạo đó nơi đây có mấy cô nàng Somali cực kỳ thông minh và quyến rũ mà cả trấn đều biết tên, tới sống trong phố chợ[9] Nairobi và đã xỏ mũi sở cảnh sát Nairobi làm họ nhiều phen khốn đốn. Có điều trấn lại vắng bóng những cô gái Somali chân chất, nết na. Phơi mình trước những cơn gió lộng, không một bóng mát và tứ thời bụi mù, thị trấn ắt gợi nhắc người Somali về những miền xa mạc quê hương. Dân châu Âu sống nhiều năm, thậm chí vài thế hệ, tại một địa phương, cũng chẳng thể triệt để dửng dưng, trước ngoại cảnh quanh nhà mình, như các chủng tộc nay đây mai đó. Những ngôi nhà của người Somali nằm lộn xộn, chẳng hề có hàng lối, trên mặt đất trơ trụi, nom như được gắn kết bằng nhúm đinh mười phân hầu đứng vững qua chỉ một tuần. Khi bước vào một căn nhà như thế, bạn sẽ kinh ngạc khám phá ra bên trong sạch sẽ tinh tươm, nức mùi hương trầm Ả rập, có thảm hay các bức trướng lộng lẫy, bày nhiều bình bằng đồng hay bạc, và những cây gươm cán ngà lưỡi bằng thép tốt. Phụ nữ Somali có phong thái trang nghiêm và dịu dàng, mến khách và vui vẻ, giọng cười như tiếng chuông bạc. Thông qua Farah Aden, người đầy tớ Somali gắn bó với tôi suốt quãng thời gian tại châu Phi, tôi cảm thấy thoải mái như ở nhà mỗi lúc ghé thăm ngôi làng Somali, và cũng được tham dự nhiều dịp hội hè của họ. Một đám cưới long trọng của người Somali là buổi lễ hội truyền thống huy hoàng. Buồng cô dâu, là khách quý nên tôi được đưa tới, treo trên tường cũng như giường cưới, có nhiều tấm vải cổ xưa được dệt hay thêu các sắc màu tươi và đằm, còn cô dâu trẻ trung mắt đen láy thân hình ngay đơ, như chiếc gậy chỉ huy của ngài thống chế, dưới nặng trịch các lớp lụa là, đồ trang sức vàng ròng và hổ phách.

Trên khắp cả nước, thương lái hay lái buôn gia súc thường là dân Somali. Để vận chuyển hàng hóa, làng họ có nuôi nhiều giống lừa thân nhỏ, lông xám. Tại đây tôi còn thấy cả lạc đà, thứ sản phẩm ngạo nghễ được sa mạc tôi rèn, có thể đạp qua mọi gian khổ trần gian, giống như cây xương rồng, giống như người Somali.

Dân Somali tự chuốc phiền bởi các hiềm thù sắc tộc tệ hại. Về mặt này, họ cảm nhận và diễn dịch rất khác người. Farah thuộc bộ tộc Habr Yunis bởi thế trên phương diện cá nhân tôi đứng về phe này khi có xung đột. Có đận trong trấn Somali đã nổ ra một trận chiến đích thực giữa hai bộ tộc Dulba Hantis và Habr Chaolo, với tiếng súng trường, các đám cháy, và cả chục hay một tá người thiệt mạng trước khi chính phủ can thiệp. Farah có người bạn trẻ cùng bộ tộc tên Sayid, một thanh niên nhã nhặn từng ghé đồn điền thăm Farah, vậy nên tôi lấy làm buồn khi nghe mấy cậu gia nhân kể rằng trong dịp Sayid tới chơi một gia đình Habr Chaolo, có một người của bộ tộc Dulba Hantis đang trong cơn tức khí đi ngang, bắn bừa hai phát xuyên qua tường khiến anh này gãy chân. Tôi ngỏ ý chia buồn với Farah về vận đen của bạn anh. “–Chuyện gì? Sayid ấy hả?” Farah oán trách kêu lên. “Vậy còn may chán đấy. Hà huống gì nó phải tới uống trà ở nhà một tên Habr Chaolo?”

Người Ấn ở Nairobi chi phối khu vực buôn bán rộng lớn trong phố chợ, còn mấy thương nhân hàng đầu của họ,–Jevanjee, Suleiman Virjee, Allidina Visram,–thì sở hữu các biệt thự nhỏ ở ngay ngoại vi thành phố. Họ thảy đều ưa dựng các cấu trúc bằng đá– cầu thang, lan can, lọ bình, được cắt gọt khá vụng, giống những hình khối con trẻ ghép nên bằng thứ gạch đồ chơi màu hồng, từ loại đá tương đối mềm ở xứ này. Thông minh, từng bôn ba nhiều nơi, và rất bặt thiệp, họ thường tổ chức những buổi tiệc trà trong vườn nhà, có phục vụ bánh pastry Ấn được làm theo kiểu riêng của mấy biệt thự này. Có điều người Ấn ở châu Phi là những thương nhân tham lam vô độ tới nỗi bạn chẳng bao giờ biết mình đang đối diện với một cá nhân hay đầu não một công ty. Từng có dịp tới nhà của Suleiman Virjee, vào ngày nọ khi thấy lá cờ treo ở lưng chừng cây cột trên nóc khu nhà kho đồ sộ của ông, tôi quay qua hỏi Farah: “Suleiman Virjee qua đời rồi sao?” “Dở sống dở chết,” anh đáp. “Họ treo cờ ở lưng chừng cột bởi ông ta đang hấp hối à?” tôi hỏi. “Suleiman đã bỏ mạng, còn Virjee vẫn sống” Farah đáp.

Trước khi tiếp nhận đồn điền, tôi rất ham săn bắn và tham dự nhiều chuyến đi săn dài ngày. Song từ khi chuyển qua việc canh nông, tôi đã đem súng săn cất đi.

Bộ tộc Masai[10], láng giềng sống bên kia sông của đồn điền, là dân du cư chuyên chăn nuôi gia súc. Thỉnh thoảng có người trong tộc này tìm đến nhà tôi than phiền chuyện bị một con sư tử quắp mất bò để nhờ tiêu diệt con thú, và tôi luôn nhận lời nếu có thể. Lâu lâu, vào thứ Bảy, tôi ra thảo nguyên Orungi săn một hai con ngựa vằn làm nguồn thịt cho nhân công đồn điền, với cả bầy trẻ Kikuyu đầy lạc quan rồng rắn theo sau. Tại đồn điền tôi còn bắn gà gô hay gà sao, chúng đều ăn rất ngon. Tuy nhiên trong nhiều năm tôi không hề tham gia các chuyến viễn hành săn bắn bên ngoài.

Dẫu vậy, chốn đồn điền, chúng tôi vẫn luận bàn về các cuộc đi săn từng góp mặt. Những địa điểm đóng trại hằn sâu vào tâm tưởng bạn như thể bạn từng sống cả quãng đời dài tại đó. Bạn sẽ nhớ vệt lượn bánh xe ngựa của mình trên lớp cỏ thảo nguyên, như nhớ đường nét khuôn mặt một người bạn thân.

Trải qua các chuyến viễn hành săn bắn, tôi từng có dịp bắt gặp cả đàn trâu một trăm hai mươi chín con, những sinh vật thép đen sì, đồ sộ, mang cặp sừng khỏe khoắn khuỳnh ngang, bước ra từ màn sương buổi sớm dưới vòm trời màu đồng, trước mắt tôi, như thể không phải đang xuất hiện mà được gửi ra, từng con một, sau khi đã chế tạo xong xuôi. Tôi đã chứng kiến cảnh cả bầy voi đi ngang cánh rừng tự nhiên rậm rạp, nơi mặt trời rắc rải các đốm nắng, mảng nắng qua lớp lớp cây leo chằng chịt, bằng nhịp chân đều đặn chẳng khác nào đang kéo tới một cuộc hẹn ở tận cùng thế giới. Cảnh tượng tựa như, ở tỷ lệ phóng đại nhiều lần, hoa văn mép viền một tấm thảm Ba tư cổ xưa, tuyệt mỹ, được nhuộm các màu xanh, vàng cùng nâu đen. Tôi từng nhiều bận lặng ngắm bước tiến cắt ngang miền đồng thảo của đàn hươu cao cổ, với vẻ yêu kiều rất thực vật và kỳ lạ không gì hòng bắt chước nổi của chúng, dường như đó không phải bầy thú mà là một đám hoa hiếm gặp khổng lồ, lốm đốm, cuống dài, đang thủng thẳng cất bước. Tôi cũng có dịp bám theo hai con tê giác đang giữa chuyến đi dạo buổi sáng, khụt khà khụt khịt trong không khí ban mai lạnh buốt mũi; nom chúng tựa hai khối tảng đá tảng vuông vức đang nô giỡn giữa con thung dài, tận hưởng cuộc sống bên nhau. Tôi từng thấy loài sư tử cao sang dưới ánh trăng tà, trước lúc vầng hồng ló rạng, đang băng ngang qua thảo nguyên màu xám để về nhà từ cuộc giết chóc, vạch một lằn sậm trên mặt cỏ bạc, mặt còn đỏ tới tận tai. Và tôi cũng bắt gặp chú giờ chợp mắt xế trưa, đang nghỉ ngơi thư thái giữa gia đình, tại bãi cỏ non, dưới bóng mát mong manh, tựa-mùa-xuân của cây keo tán rộng nơi khu vườn châu Phi của mình.

Thả hồn vào những điều này là suối nguồn phơi phới cho các thời khắc nhàm chán chốn đồn điền. Và những loài thú lớn vẫn ở ngoài kia, tại vương quốc của riêng chúng; tôi có thể tới ngó thêm bận nữa nếu thích. Sự gần gặn với chúng đem lại cho đồn điền ánh sáng và niềm phấn chấn. Farah,–dẫu theo thời gian đã trở nên chí thú việc đồn điền,–cùng mấy ông già bản xứ chuyên theo phục vụ các chuyến đi săn của tôi, vẫn luôn sống trong hy vọng về các chuyến săn bắn khác.

Giữa hoang dã tôi đã học cách tránh làm ra những cử động đột ngột. Các loài vật bạn đối mặt đều nhút nhát, cảnh giác và có biệt tài lẩn trốn lúc bạn ít ngờ nhất. Chẳng con vật nuôi nào có thể im lìm tuyệt đối giống hoang thú. Con người của văn minh đã đánh mất khả năng giữ cho mình bất động, và phải học điều này từ hoang dã trước khi được nó chấp nhận. Thứ đầu tiên người săn bắn phải học là nghệ thuật di chuyển nhẹ nhàng, tránh giật cục, ở thợ săn đem theo máy ảnh, kỹ năng này càng thiết yếu hơn. Nhất cử nhất động ở người đi săn không được tùy tiện mà phải hòa nhập với gió, màu cũng như mùi và nhịp điệu tổng thể của cảnh vật xung quanh. Đôi khi đấy là một chuyển động lặp đi lặp lại buộc người đi săn cũng phải tuân theo.

Một khi đã nắm được nhịp điệu của châu Phi, bạn sẽ nhận ra nó nằm trong mọi thứ âm điệu nơi đây. Điều học được từ các loài thú ở xứ sở này, cũng bổ ích cho tôi khi giao thiệp với người bản địa.

Yêu phụ nữ và nữ tính là bản tính nam giới, yêu đàn ông và nam tính là bản tính nữ giới, còn mềm lòng trước các đất nước và chủng tộc phương Nam lại là một phẩm tính của dân Bắc Âu. Giống người Norman hẳn cũng đã bị các đất nước xa lạ chinh phục, khởi đầu là Pháp rồi tới Anh. Các quý tộc Anh, nhân vật của tiểu thuyết và lịch sử thế kỷ mười tám, khi mải miết ngao du ở Ý, Hy Lạp hay Tây Ban Nha, dẫu chẳng sở hữu chút xíu chất phương Nam nào trong căn tính, vẫn bị nét mê hoặc của vạn vật hoàn toàn khác biệt với chính họ tại đây cuốn hút và níu giữ. Các họa sĩ, triết gia, thi sĩ người Đức hay bắc Âu thời xưa, ở lần đầu đặt chân tới Florence và Rome, đã khụy xuống ngưỡng mộ miền đất phương Nam.

Ở những con người vốn thiếu phần nhẫn nại ấy xuất hiện nết kiên nhẫn phi logic và nghịch thường trước một xứ sở xa lạ. Tương tự việc người đàn bà hầu như vô phương chọc tức nổi một quý ông đích thực, hay chừng nào còn là tu mi nam tử phái mạnh đâu cách nào quá ư đê mạt, tuyệt tình tuyệt nghĩa trước một phụ nữ, giống dân tóc hung đỏ xốc nổi, nôn nóng phương Bắc đã có sự nhẫn nại vô bờ đối với các đất nước và chủng tộc miền chí tuyến. Chẳng thể chịu đựng cái vô lý nơi bản quán hay từ thân quyến của chính mình, nhưng họ chấp nhận các đợt khô hạn ở cao nguyên châu Phi, các ca cảm nắng, dịch tả trâu bò[11] lây lan trong đàn gia súc, và tình trạng kém cỏi ở những đầy tớ người bản xứ bằng thái độ nhún nhường, nhẫn nhịn. Họ buông bỏ ý niệm về phẩm cách riêng của mỗi cá nhân trong sự lĩnh hội các triển vọng vô hạn nằm ở mối tương tác giữa những con người có thể liên hiệp lại bởi tính phi tương thích giữa họ với nhau. Dân Nam Âu hay những người mang dòng máu pha trộn không có được phẩm chất này; họ chê trách, hoặc khinh miệt nó. Những mẫu đàn ông giàu nam tính chế giễu tình nhân suốt ngày than vắn thở dài của mình, hay kiểu phụ nữ thiên về lý trí không sao nhẫn nại nổi trước bạn trai của mình, cũng khinh miệt Griselda[12] như vậy.

Cá nhân mình, ngay từ vài tuần đầu sống tại Phi châu, tôi đã lập tức đem lòng yêu mến người bản xứ. Đây là loại cảm xúc mãnh liệt chế ngự mọi lứa tuổi và giới tính. Khám phá ra giống loài da đen là sự nới rộng đầy ngoạn mục thế giới của tôi. Người có lòng yêu thương bẩm sinh với loài vật song lớn lên trong môi trường không muông thú, và chỉ sau này mới bắt đầu tiếp xúc chúng; hay người có thiên hướng yêu thương hoa cỏ và cây cối nhưng hai mươi tuổi mới lần đầu được đặt chân vào rừng; hoặc người có khiếu thẩm âm lần đầu được nghe tiếng nhạc lúc đã khôn lớn; các trường hợp đó có lẽ cũng cảm nhận tương tự như tôi. Từ khi tiếp xúc người bản xứ, tôi điều chỉnh nhịp sống bản thân để hòa vào bản hợp tấu của họ.

Cha tôi, một sĩ quan từng phục vụ trong quân đội Đan Mạch và Pháp, dạo còn là một chàng trung úy trẻ đồn trú ở Düppel[13], từng viết thư về nhà thế này: “Trở lại Düppel, con chỉ huy cả một hàng quân dài. Chức phận cực nhọc nhưng cũng tuyệt vời. Tình yêu chiến trận cũng mê đắm giống mọi thứ tình yêu khác, chúng ta yêu người lính hệt như đắm say các nàng thiếu nữ, nghĩa là đến điên dại, và như các cô gái thảy đều rõ, tình yêu này chẳng hề bài xích tình yêu kia,. Song tình yêu phụ nữ mỗi thời điểm chỉ có thể hướng tới một đối tượng, còn với những người lính nó dành cho cả quân đoàn và nếu được thì càng đông càng tốt.” Nhận định này cũng xác đáng cho mối quan hệ giữa tôi và người bản xứ.

Thấu tỏ dân bản địa chẳng hề dễ dàng. Họ thính nhạy và lẩn rất nhanh; nếu bị bạn làm cho sợ hãi, họ sẽ rút vào thế giới riêng, chỉ trong tích tắc, giống các loài thú hoang biến mất ngay trước mắt, như chưa từng hiện diện, bởi một cử động đột ngột ở bạn. Trước khi trở nên thân thiết, bạn gần như chẳng cách nào nhận được một câu trả lời đích xác từ người bản xứ. Trước một câu hỏi thẳng chẳng hạn anh có bao nhiêu con bò, họ đáp lảng tránh,–“cũng bằng con số hôm qua tôi nói cho bà.” Lối trả lời này không làm người châu Âu hài lòng, mà kiểu hỏi kia hẳn cũng chả khiến người bản địa thích thú. Nếu bị dồn ép hoặc cật vấn để buộc phải đưa ra lời giải thích về cách ứng xử của mình, họ sẽ lảng xa lâu chừng nào hay chừng đó, và dùng chuyện hư cấu hài hước, lố bịch nào đó đánh lạc hướng ta. Ngay cả lũ nhỏ ở đây, trong tình huống như vậy, cũng có đủ phẩm chất của một tay chơi Poker lão luyện, chẳng thèm bận tâm bạn đánh giá quá cao hay quá thấp lá bài trong tay họ, miễn là bạn còn chưa biết họ thực sự đang giữ những lá bài nào. Nếu quả tình ta có xâm nhập được vào cuộc sống người bản địa, họ sẽ hành xử như bầy kiến lúc bị chọc que vào tổ; chúng sửa sang chỗ hư hại với một năng lượng không bao giờ cạn, khẩn trương và lẳng lặng,–như hòng xóa sạch dấu vết một việc làm sai trái.

Ta không biết, cũng chẳng thể hình dung, họ e ngại mối hiểm họa nào đến từ phía chúng ta. Cá nhân tôi nghĩ cách họ e sợ ta gần với kiểu sợ một tiếng ồn chói tai chợt ré lên, hơn là sợ hãi một nỗi đớn đau hoặc cái chết. Tuy nhiên điều này cũng khó nói, do chỗ người bản xứ rất tài giả vờ. Trong các shamba, lúc sớm tinh mơ, đôi khi bạn bắt gặp một nàng gà gô chạy lệt xệt trước vó ngựa như thể bị gãy cánh, và đang sợ bị lũ chó chộp được. Thế nhưng ả gà không gãy cánh, cũng chẳng hề hãi sợ chó,–nó có thể tùy thời bay vọt lên ngay trước mũi chó nếu muốn,–chỉ là nó có một ổ gà con gần đâu đó, và đang gắng đánh lạc hướng chú ý của chúng ta. Giống như cô nàng gà gô kia, có lẽ người bản xứ tỏ vẻ sợ hãi chúng ta bởi một nỗi khiếp đảm sâu xa hơn mà ta chẳng cách nào phỏng đoán được căn nguyên. Cũng có lẽ, rốt cuộc, cách cư xử của họ trước chúng ta là một thứ trò đùa oái oăm, và những con người e dè kia chẳng hề hãi sợ ta chút nào. So với dân da trắng, người bản xứ ít nhạy cảm hơn nhiều trước các mối hiểm nguy trong cuộc sống. Đôi bận, trong một chuyến đi săn hay ngay tại đồn điền, ở thời khắc căng thẳng tột cùng, bắt gặp những ánh mắt của người bản xứ đồng hành, tôi cảm nhận sự khác biệt lớn lao giữa đôi bên và họ đang kinh ngạc trước nỗi lo lắng về mối hiểm nguy của tôi. Sự thể khiến tôi nghĩ, chẳng hề giống ta, họ cảm nhận cuộc đời như thể môi trường sống của riêng mình, tựa như các loài cá nước sâu suốt đời vô phương nhận thức nỗi sợ đuối nước. Sự vững tâm ấy, thứ nghệ thuật bơi lội ấy, họ có, tôi nghĩ, do chỗ gìn giữ được một tri thức mà ta đã thất truyền từ tổ tiên xa xưa; trong số năm châu, châu Phi là chốn sẽ dạy nó cho bạn: rằng thần linh và quỷ dữ chỉ là một, đó là đấng linh thiêng đời đời, không phải có hai mà chỉ có một đấng tối thượng tự thân mà có, và người bản xứ không lẫn lộn Ba Ngôi cũng như phân chia linh thể của Ba ngôi[14].

Bằng các chuyến đi săn, hay thông qua lao động nơi đồn điền, mối dây liên hệ giữa tôi và những người bản địa được tạo dựng và phát triển thành quan hệ cá nhân bền vững. Chúng tôi là bạn tốt của nhau. Tôi chấp nhận thực tế chẳng bao giờ biết rốt ráo hay hiểu họ ngọn ngành trong khi họ lại thông tỏ về tôi và biết các quyết định của tôi trước cả thời điểm tôi đi đến những quyết định ấy. Có dạo tôi sở hữu một trang trại nhỏ ở Gil-Gil[15], sống trong lều, di chuyển giữa chỗ đó và đồn điền Ngong[16] bằng tàu hỏa. Ở Gil-Gil, lắm bận lúc trời chớm mưa, tôi thình lình quyết định quay về nhà. Vậy mà lúc tới Kikuyu,–ga tàu cách đồn điền mươi dặm,–đã có một người của tôi ở đó cùng con la cho tôi cưỡi. Khi được hỏi do đâu biết tôi sẽ về, họ nhìn tránh qua phía khác, vẻ lúng túng ngỡ như hốt hoảng hay ngao ngán, tựa thái độ ở chúng ta nếu bị một người điếc đặc khăng khăng đòi cắt nghĩa về một bản giao hưởng.

Khi một người bản xứ cảm thấy an toàn lúc ở bên ta, chẳng còn nơm nớp về các cử động đột ngột hay tiếng ồn bất chợt ta gây ra, họ sẽ chuyện trò cởi mở hơn nhiều so với giữa người châu Âu với nhau. Dẫu chưa đáng tin hoàn toàn, nhưng nhìn chung họ khá thành thực. Sở hữu một danh thơm,–tức có uy tín,–là điều cực kỳ hệ trọng trong thế giới người bản xứ. Dường như họ đã cùng nhau, tại một thời điểm nào đó, đánh giá về bạn, và kết luận khi ấy sau này sẽ không được xem xét lại.

Nhiều lúc cuộc sống ở đồn điền thật hiu quạnh, và trong tĩnh mịch của đêm đen khi từng phút, từng phút thời gian trôi qua trên chiếc đồng hồ treo tường và cùng với đó cuộc sống như đang trôi qua bạn, bạn chỉ ước gì có một người da trắng để cùng chuyện trò. Song bao giờ tôi cũng cảm nhận được sự hiện hữu câm lặng, chở che của những người bản xứ, đang song hành với tôi, trên một cõi giới khác. Các trao đổi giữa hai cõi của chúng tôi chỉ là những âm vọng.

Dân bản địa là châu Phi bằng xương bằng thịt. Ngọn núi lửa hùng vĩ Longonot nằm im lìm trên thung lũng Rift, giống cây Mimosa tán rộng mọc dọc các triền sông, loài voi hay hươu cao cổ, hết thảy đều chẳng thể thuần Phi hơn được người bản địa,–những dáng hình nhỏ bé giữa khung cảnh bao la. Tất cả thứ kể trên đều chỉ là các biểu đạt khác nhau của cùng một ý tưởng, các biến thể từ cùng một chủ đề. Đó không phải một tập hợp tương hợp các phần tử bất đồng, mà là tập hợp không đồng nhất của các phần tử tương hợp, như lá sồi và quả sồi đều từ cây sồi. Chính dân da trắng chúng ta, chân mang ủng, luôn sấp sấp ngửa ngửa, lại thường là hình ảnh bất tương hợp ở đây. Người bản xứ hòa hợp làm một với xứ sở này, và khi những con người cao, gầy, mắt huyền, da đen nhẫy, di chuyển,–luôn theo hàng dọc một người nên ngay cả các mạch máu giao thông chính của họ cũng chỉ là các lối mòn vừa bước một chân,–hoặc làm đất, hay chăn dắt đàn mục súc, hoặc nhảy múa tại lễ hội, hay kể bạn nghe một câu chuyện, thì đó chính là châu Phi đang đi lại, làm lụng, nhảy múa hay giúp bạn giải khuây. Trên miệt cao nguyên bạn sẽ nhớ tới mấy câu thơ sau:

Tôi luôn gặp
nét thanh cao nơi dân bản địa,
và cái vô vị ở kẻ nhập cư.[17]

Vật đổi sao dời, xứ thuộc địa giờ đã biến chuyển khác xa dạo tôi còn ở đó. Hy vọng những điều tôi viết lại đây, ở mức độ chính xác nhất có thể, về các nếm trải tại đồn điền, và với đất nước này cùng một số cư dân của thảo nguyên và đại ngàn, khả dĩ mang lại chút thích thú nào đó về mặt lịch sử.

Hà Thế Giang dịch và giới thiệu

(Dịch từ nguyên bản tiếng Anh tác phẩm Out of Africa của Isak Dinesen. Bản dịch tiếng Việt sẽ được NXB Phụ Nữ Việt Nam xuất bản vào tháng 10/2020).

Bản dịch tiếng Việt © Hà Thế Giang và NXB Phụ Nữ Việt nam.


[1] Rặng núi bốn đỉnh, có độ cao gần 2500m (hơn 8000 bộ) so với mực nước biển, nằm trên một dải cao nguyên hẹp trông xuống thung lũng Great Rift, Tây Nam Kenya.

[2] Hơn 1800m.

[3] Đỉnh núi cao nhất của Kenya và cao thứ hai ở châu Phi sau Kilimanjaro, cách Nairobi 200km về phía Bắc.

[4] Năm loài đại thú thường được nhắc tới ở châu Phi là: Sư tử, Voi, Trâu rừng, Báo và Tê giác.

[5] Nguyên văn: acre tức mẫu Anh tương đương 4046m2 (0.4 hecta). Diện tích 600 acre tương đương khoảng 243 hecta. Trong sách, đơn vị diện tích mẫu luôn được hiểu là mẫu Anh.

[6] Tiếng Đức trong nguyên bản: Wir komen nie wieder so jung.

[7] Tiếng Đức trong nguyên bản: zasammen.

[8] Được khai trương năm 1913, cách Nairobi chừng 10km, là địa điểm tụ tập của giới thực dân Anh sống tại xứ Đông Phi thuộc Anh.

[9] Nguyên văn: Bazaar.

[10] Tộc người sống chủ yếu ở Nam Kenya và Bắc Tanzania.

[11] Trong thập niên 1890, bệnh dịch này đã giết 80%-90% đầu gia súc ở châu Phi.

[12] Nhân vật  dân gian biểu tượng cho thái độ nhẫn nại và tuân phục mù quáng.

[13] Tiếng Đức trong nguyên bản: Thị trấn Dybbøl, phía Đông Nam bán đảo Jutland, Đan Mạch. Cha tác giả, ông Wilhelm Dinesen tham gia cuộc chiến giữa Đan Mạch và liên quân Phổ-Áo tại đây năm 1864, ở tuổi 19.

[14] Điều 4 thuộc Tín điều Athanasius.

[15] Thị trấn phía bắc Nairobi, cách Ngong khoảng 120km.

[16] Một trấn nhỏ sát rặng Ngong, phía tây nam Nairobi.

[17] Sáng tác của nhà thơ Đan Mạch Johannes V. Jensen (1873-1950), giải Nobel văn chương năm 1944.

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Hà Thế Giang
Các bài viết khác

Dân bơi Hồ Tây