George Orwell, “Tự thú của một tay điểm sách”

Một căn phòng lạnh nhưng bí thở, nửa phòng ngủ nửa phòng ở, đầy những đầu mẩu thuốc lá và những tách trà uống dở, một gã choàng cái áo mặc nhà nhậy cắn lỗ chỗ ngồi bên cái bàn lẩy bẩy, huých huých hẩy hẩy dẹp chỗ cho cỗ máy chữ giữa những chồng giấy dày bụi khắp xung quanh. Dẹp hết mớ giấy đi là chuyện không thể vì bồ giấy rác đầy có ngọn rồi, chưa kể đâu đó giữa những thư từ chưa được trả lời, những hóa đơn chưa được thanh toán biết đâu còn sót một tờ séc 2 ghi-nê mà gã gần như tin chắc mình đã quên đem đến quy ra tiền ở nhà băng. Lại còn những thư cần phải chép địa chỉ vào sổ nữa. Cuốn sổ địa chỉ thì gã đánh mất rồi, và chỉ nghĩ đến chuyện đi tìm nó thôi, hoặc đúng hơn đến chuyện tìm bất cứ thứ gì thôi, lòng gã đã lại tràn ngập cảm hứng mãnh liệt muốn tự sát.
Tuổi gã ba lăm, mặt gã năm ba. Trán gã hói, tĩnh mạch gã giãn, mắt gã đeo kính, hay nói đúng hơn là sẽ đeo nếu không phải cặp mục kỉnh duy nhất trong đời gã mắc chứng mất tích kinh niên. Khi cuộc đời ở chế độ bình thường gã sẽ lử thử vì suy dinh dưỡng, nhưng nếu gần đây có trúng mánh gã sẽ oặt oẹo vì chầu rượu tối qua. Còn hiện tại đang là mười một rưỡi sáng, và theo lịch gã đã phải bắt đầu làm việc từ hai tiếng trước, nhưng cho dù có thực sự nghiêm túc bắt tay vào làm hẳn gã cũng đã bị cản trở bởi tiếng inh ỏi gần như liên tục của messenger chuông điện thoại, tiếng oe óe của đứa con sơ sinh, tiếng phành phạch của khoan điện ngoài phố, tiếng thình thịch khi các loại chủ nợ nện giày lên rồi lại xuống cầu thang. Kẻ phá đám mới nhất là chuyến thư chiều vừa tới, trong đó có hai tờ quảng cáo và một trát đòi thuế thu nhập in đỏ chói.
Khỏi phải nói rằng tay này là một kẻ hành nghề viết. Có thể là nhà thơ, tiểu thuyết, chuyên gia sản xuất kịch bản phim hay chương trình radio, vì đám văn sĩ thì đều cá mè một lứa, nhưng ta hãy tạm cho rằng gã là một kẻ điểm sách. Lấp ló giữa chồng giấy má kia là một kiện hàng to thù lù, trong có năm cuốn sách do biên tập viên gửi đến cho gã cùng dăm lời nhắn nhủ rằng mấy cuốn này “đi cùng nhau có lẽ hay”. Sách đến từ bốn ngày trước, nhưng suốt bốn mươi tám tiếng đồng hồ một cơn tê liệt đạo đức đã khiến tay điểm sách không đủ sức mở gói ra. Hôm qua trong một giây quyết tâm lồng lộng, gã đã giật đứt sợi dây buộc và ở trong có gì? Palestine giữa ngã tư đường, Nuôi bò sữa theo phương pháp khoa học, Lịch sử sơ giản nền dân chủ Âu châu (riêng cuốn này 680 trang và nặng ngót nghét hai ký), Tập tục của các bộ lạc Đông Phi thuộc Bồ, và một cuốn tiểu thuyết, Nằm xuống dễ chịu hơn, chắc là nhét nhầm. Còn bài điểm sách của gã – ta hãy giả định là 800 chữ đi – sẽ phải “lên” vào quãng trưa ngày mai.
Ba trong năm cuốn sách nói về những chủ đề gã không biết dù chỉ cái móng tay, nên gã sẽ phải đọc ít nhất năm chục trang nếu không muốn mắc cái phốt sẽ tố cáo gã không chỉ với tác giả (bởi tất nhiên số này đều nắm hết thói quen của bè lũ điểm sách), mà với cả công chúng. Đến bốn giờ chiều gã sẽ lột được lớp giấy bọc, nhưng vẫn còn run sợ chưa đủ sức mở sách ra. Viễn cảnh phải đọc đống sách này, thậm chí ngay mùi của giấy thôi cũng khiến gã cảm giác như sắp phải ăn chè gạo lạnh rưới dầu thầu dầu. Thế nhưng lạ lùng thay, bài của gã sẽ được gửi đến tòa soạn đúng giờ. Bằng phép lạ nào không biết, bao giờ nó cũng đến đúng giờ. Vào khoảng chín giờ tối đầu óc gã sẽ quang quẻ lại, và từ đó cho đến tờ mờ sáng gã sẽ ngồi trong căn phòng mỗi lúc lại lạnh hơn, giữa màn khói thuốc mỗi lúc một đặc hơn, còn gã nhảy một cách không thể chuyên nghiệp hơn từ cuốn này sang cuốn kia, mỗi lần bỏ cuốn nào xuống lại tương câu tổng kết: “Rác thật sự!” Tới sáng, với đôi mắt nhòe nhoẹt và bộ mặt hầm hầm không cạo, gã sẽ nhìn muốn thủng tờ giấy trắng suốt chừng một hai giờ cho tới khi chiếc đồng hồ chỉ ngón tay đe dọa khiến gã sợ quắn lên mà khởi động. Rồi thình lình, gã sẽ nhào vô. Tất cả những cụm từ bốc mùi cũ kỹ – “cuốn sách không ai có thể bỏ qua”, “mỗi trang một điều khám phá”, “đặc biệt hứng thú là những chương về” vân vân và vân vân – bỗng cái nào xẹt vào chỗ ấy như mạt sắt được dắt bởi nam châm, và bài điểm sách sẽ kết thúc ở đúng lượng chữ cần thiết vào lúc còn độ ba phút nữa thì hết giờ. Trong lúc đó, một chồng sách mới nhìn đã ngán và bắn đại bác cũng không dính dáng đến nhau đã lại cưỡi bưu điện đến gõ cửa. Cứ thế và cứ thế. Mà mới vài năm trước, cái sinh linh giun xéo loạn thần kinh này đã bắt đầu sự nghiệp trong những cao vọng đẹp đẽ chừng nào!
Tôi có nói quá lên không? Tôi dám hỏi bất kỳ kẻ điểm sách thường xuyên nào – những kẻ điểm ít nhất một trăm cuốn một năm chẳng hạn – có dám phủ nhận với lương tâm trong sạch rằng những thói quen và tính cách của hắn không phải đúng y như tôi vừa mô tả. Bất kỳ kẻ viết nào, trong bất cứ trường hợp nào, cũng ít nhiều giống như vậy, nhưng cái công việc điểm sách kéo dài không phân hay dở là một công việc bạc bẽo, gây cáu bẳn và cạn kiệt năng lượng tới mức phi thường. Đấy không chỉ là vấn đề đem rác bốc thơm – dù tất nhiên phải đem rác bốc thơm, đợi lát nữa thôi tôi sẽ cho thấy – mà là việc thường xuyên bịa ra cảm nhận trước những sách mình hoàn toàn không có một thứ cảm xúc tự nhiên gì. Dù có chai sần đến mấy, kẻ điểm sách cũng vẫn có mối quan tâm nghề nghiệp đối với sách, và trong số hàng ngàn cuốn sách ra đời mỗi năm có lẽ chỉ có chừng năm chục, một trăm là hắn thích viết về. Nếu được xếp vào hàng đa đề trong giới, có lẽ hắn sẽ giành được chừng mười, hai mươi trong số đó; nhiều khả năng hơn là sẽ chỉ có hai ba cuốn rơi vào tay hắn. Phần còn lại trong công việc của hắn, dù hắn nâng lên hay đạp xuống có tâm đến đâu, thì về bản chất đều điêu lòi. Hắn đang đổ linh hồn bất tử của mình xuống cống, từng vại một.
Đại đa số các bài điểm sách đều miêu tả hoặc là sơ sài hoặc là sai lạc cuốn sách được đem ra điểm. Từ sau thế chiến, đám xuất bản đã bớt quyền hành buộc thừng xỏ mũi đám biên tập viên văn chương khiến mỗi cuốn sách đẻ ra đều rộ lên một tràng tán thán như trước đây, nhưng mặt khác chất lượng điểm sách nói chung đã đi xuống, vì thiếu không gian trên mặt báo cùng nhiều điều bất tiện khác. Xem xét kết quả nhãn tiền, đôi khi người ta cho rằng giải pháp tốt nhất là đoạt lại công việc điểm sách từ tay đám bồi bút. Các sách chuyên ngành chỉ nên đưa cho các chuyên gia, và mặt khác một phần lớn các bài điểm sách, nhất là với tiểu thuyết, có lẽ nên đưa cho giới nghiệp dư thì tốt hơn. Gần như cuốn sách nào cũng có khả năng khơi dậy những tình cảm mãnh liệt, dù chỉ là một sự không ưa mãnh liệt, trong lòng độc giả nào đó, và ý kiến của những người ấy hẳn sẽ có nhiều giá trị hơn ý kiến của một tay chuyên nghiệp vừa đọc vừa ngáp ngủ. Nhưng không may thay, như biên tập viên nào cũng biết, những loại việc kiểu ấy rất khó tổ chức được cho trơn tru. Trong thực tiễn, cuối cùng biên tập viên luôn phải quay về với đội bồi bút ruột của mình, hay như hắn gọi, đám “cộng tác viên” của mình.
Không có thuốc chữa nào cho tình thế này, chừng nào người ta còn nghiễm nhiên coi mỗi cuốn sách ra đời đều đáng được điểm. Gần như không có cách nào kể sỉ tên sách mà không thổi giá phần đông trong số chúng. Phải đợi tới khi bước vào một mối quan hệ nghề nghiệp kiểu gì đó với sách, người ta mới phát hiện ra đa số sách dở tới mức nào. Đối với quá chín phần mười số sách, lời phê bình khách quan thành thực duy nhất có thể có là, “Cuốn này vô giá trị”, còn lời thành thực về cảm nhận của bản thân người điểm sách chắc là, “Cuốn sách này chả làm tôi thấy hứng thú tí ti ông cụ nào, không giả tiền thì ông đây viết làm gì cho khổ”. Nhưng công chúng không trả tiền để đọc những đánh giá loại đó. Sao phải thế? Họ chỉ muốn có hướng dẫn nào đó về loại sách họ bị yêu cầu đọc, nên họ cần một lời thẩm định giá trị. Nhưng hễ nhắc đến giá trị, thì tiêu chuẩn sẽ vỡ vụn. Bởi nếu người ta nói – và gần như bất kỳ điểm sách gia nào cũng nói đại loại như vậy ít nhất tuần một lần – rằng Vua Lear là một vở kịch hay và Bốn kẻ công chính là một cuốn trinh thám hay, thì chữ “hay” phỏng còn có ý nghĩa gì?
Phương án tốt nhất, như tôi vẫn luôn cảm thấy, đấy là đơn giản gạt qua một bên đại đa số sách ra, và chỉ viết những bài điểm sách thật dài – hèn ra cũng phải được ngàn chữ – cho số ít thực sự đáng kể. Nhắc nhở một hai dòng về các sách sắp ra cũng có thể có ích, nhưng những bài điểm sách “dài vừa” độ 600 chữ phổ biến thì chắc chắn là đồ bỏ, cho dù người điểm có thực lòng muốn viết. Còn thông thường hắn không muốn viết thứ bài đó, và việc biến thành cỗ máy đẻ ra mẩu này mẩu nọ từ tuần này qua tuần khác dần dà sẽ biến hắn thành cái kẻ giun quằn choàng áo khoác mặc nhà mà tôi miêu tả ở đầu bài. Tuy nhiên trong thế giới này ai cũng có kẻ khác dưới cơ để mà khinh thường, và từ kinh nghiệm cá nhân ở cả hai lĩnh vực, tôi phải nói rằng kẻ điểm sách vẫn còn may mắn chán so với kẻ bình phim, là loại người còn không được rảnh rang làm việc ở nhà mà phải đi dự những sự kiện giao lưu vào lúc mười một giờ sáng và, trừ một hai ngoại lệ đáng kể ra, đã quen bán danh dự mình đổi lấy một cốc sherry hạng bét.
George Orwell
1946
Nguyễn An Lý dịch
Chấm sao chút:
Đã có 8 người chấm, trung bình 4.5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3
không biết viết ngắn
1 Comment
“Tuổi gã ba lăm, mặt gã năm ba. Trán gã hói, tĩnh mạch gã giãn, mắt gã đeo kính, hay nói đúng hơn là sẽ đeo nếu không phải cặp mục kỉnh duy nhất trong đời gã mắc chứng mất tích kinh niên. Khi cuộc đời ở chế độ bình thường gã sẽ lử thử vì suy dinh dưỡng, nhưng nếu gần đây có trúng mánh gã sẽ oặt oẹo vì chầu rượu tối qua.” — the great An Lý killing it as always!