Thời gian đọc: 20 phút

Những năm 1970, vẫn còn là một thiếu niên, tôi ôm mộng lớn lên sẽ trở thành người viết, tôi không mơ làm tiểu thuyết gia hay nhà thơ. Tôi muốn làm nhà phê bình. Tôi nghĩ phê bình rất hay ho và tôi thấy những nhà phê bình thật đáng ngưỡng mộ. Tôi nghĩ thế là bởi vì tôi học [được rất nhiều điều] từ họ. Hằng tuần, một tờ The New Yorker được bọc trong thứ giấy gói nâu vàng mà trên đó in chữ BÁO theo kiểu giả vờ khiêm tốn nhất (đấy là tôi nghĩ thế), sẽ được gửi tới nhà chúng tôi ở Long Island. Tôi sẽ nhanh chóng cuỗm lấy nó trước khi bố về để tiếp tục sự nghiệp học hành, mà với tôi khi đó, còn quan trọng hơn cả việc học ở trường.

Tôi học. Tôi học về âm nhạc, đặc biệt là opera, từ những bài nhận xét chi tiết tuyệt vời của nhà phê bình âm nhạc Andrew Porter, những bài tiểu luận ngắn, vừa thể hiện hiểu biết vô cùng phong phú như bách khoa toàn thư về các tác phẩm của nhà soạn nhạc, vừa phân tích cực chi tiết phần thoại và phần nhạc của vở nhạc kịch đang được nói tới, từ Mozart cho tới Michael Tippett (một nhà soạn nhạc ông ấy vô cùng yêu thích, tôi nhớ rõ là như thế), đến nỗi bài phê bình có thể dành tới hơn một nửa độ dài của nó để nói loanh quanh trước khi nói tới đối tượng phê bình chính. Nhưng đây mới là điều đáng nói: đến lúc ông ấy viết về những gì mình đã thấy trên sân khấu, bạn – người đọc – đã có đủ phông nền cần thiết thưởng thức (hoặc là, chỉ trích) màn trình diễn mà ông ấy đã miêu tả. Tôi cũng học được nhiều thứ khác nữa. Nhờ có Helen Vendler với những bài luận công phu mà bà hay đóng góp vào thời ấy về những nhà thơ đương đại và các tác phẩm của họ, tôi bắt đầu nghĩ về thơ ca, về mục đích và phương pháp của nó, và cũng bắt đầu hiểu rằng thơ hay là kiểu thơ có thể vững vàng trước sự soi xét nghiêm khắc mà bà ấy dùng để thảo luận về nó. (Những ngày còn học cấp ba ấy, chúng tôi nghĩ rằng thơ ca chủ yếu là về “cảm xúc”.)

Tôi cũng ngây ngất vui sướng khi thấy rằng những thứ mà tôi nghĩ là trò giải trí kém sang khi đó lại có thể trở thành đối tượng của những cuộc thảo luận đầy tính học thuật và sâu sắc như thế. Năm 1975, dù chẳng có mấy cơ hội được trải qua một đêm tại khách sạn Algonquin hay quán Carlyle, tôi vẫn luôn đọc những bài phê bình của Whitney Balliett về nghệ thuật trình diễn cabaret – những người hát thứ âm nhạc mà tuần nào khi đưa tôi tới lớp guitar bố tôi cũng nghe qua chiếc radio trên ô tô. Khung màn hình đỏ rực của chiếc đài ấy có lòng trung thành không gì lay chuyển nổi với danh sách các bài của Frank Sinatra do Jonathan Schwartz lựa chọn. Tôi không hề có chút hứng thú nào với thứ âm nhạc của bố mẹ tôi khi ấy, Tuyển tập các bài hát hay nhất nước Mỹ (Great American Songbook), nhưng tôi thấy kích thích, bởi một bài phân tích tán thưởng thầm lặng của Balliett về một đêm biểu diễn của (hình như là) Julie Wilson ở Algonquin, nên buộc phải nghĩ thêm một chút, so với bình thường, về thế nào là một bài hát, làm thế nào để viết được một bài hát, ca từ hay và ca từ cẩu thả khác nhau như thế nào, ca từ thể hiện khi biểu diễn như thế nào là hay nhất, và cuối cùng, như thế sẽ ảnh hưởng thế nào đến bạn.

Tôi luôn để dành Pauline Kael đến cuối cùng, bởi tôi thích cách viết bỗ bã của bà ấy, viết như cách mọi người vẫn nói. Cách xưng hô ngôi thứ hai số ít giờ đã nổi tiếng của bà ấy đã khiến tôi thấy như mình bị cuốn vào những bài khi thì khen lúc thì chê nhưng luôn nồng nhiệt và vô cùng chi tiết và nó khiến tôi muốn mình trở nên đủ thông minh để xứng với việc được trò chuyện như thế. Cũng với Kael, tôi giật mình rồi vui vẻ nhận ra rằng loại phim mà tôi xem với lũ bạn (hình như là phim “Carrie”) cũng có thể trở thành đối tượng của sự phê bình bền bỉ, bực bội và công phu như thế.

Suốt những năm đọc các nhà phê bình này, từ lúc học phổ thông đến khi vào đại học rồi cao học, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng họ đang cố gắng thuyết phục tôi thực sự nên đi coi màn trình diễn này, mua volume kia, hay xem bộ phim đó; tôi cũng không hề tưởng tượng ra là mình đang bị bắt nạt hay bị dạy dỗ, hay mình không được phép bất đồng với họ. Tôi nghĩ, trên hết thảy, họ giống như giáo viên vậy, và giống như tất cả các giáo viên giỏi họ dạy bằng cách làm mẫu, những hình mẫu mà họ tạo ra, tuần này sang tuần khác, là để tái hiện lại trên trang giấy cái tấn kịch kể lại bằng cách nào họ đi tới những đánh giá đó. (Mãi tới sau này tôi mới biết từ critic có gốc từ một từ Hy Lạp, có nghĩa là đánh giá).

Với tôi, khi đọc những nhà phê bình đó (và cùng lúc, đọc cả những người khác: Arlene Croce trên chính tạp chí này [The NewYorker], khi cuối cùng tôi cũng biết thưởng thức vũ đạo; Arthur Danto về nghệ thuật trên tờ The Nation, và một vài người khác nữa), cái tấn kịch đó, cái quá trình đó gồm hai yếu tố vô cùng quan trọng. Yếu tố đầu tiên chính là chuyên môn. Nếu Vendler viết về tập thơ mới nhất của, ví dụ James Merrill đi, thì từ những thứ bà nhắc đến ta sẽ thấy rõ ràng là bà đã đọc và nghiên cứu về mọi thứ Merrill đã viết; điều bạn đọc được trong bài phê bình đó không chỉ là một ý kiến về một tập thơ đang được xem xét mà là một cách nhìn nhận tập thơ so với các tác phẩm khác của nhà thơ. Với những người khác cũng vậy. Đọc một bài bình luận của Croce về một vở ballet do Balanchine biên đạo là đọc về lịch sử của chính tác phẩm ấy, một bài giảng ngắn gọn về kỹ thuật của Balanchine, để dễ hình dung, xin ví nó với một viên nén lịch sử chứa cả những màn trình diễn tiêu biểu khác của cùng vở ấy. (Một lần nữa, bài phê bình không chỉ để minh chứng cho đánh giá cuối cùng của Croce, mà còn để mang tới cho người đọc những công cụ giúp đánh giá màn trình diễn đang được bàn tới.) Và dù bạn có không đồng tình, bài phê bình ấy vẫn có thẩm quyền, bởi những lý lẽ của nó được dựa trên những điều cụ thể, những điều mọi người dễ thấy, hơn chỉ là những “cảm xúc” hoặc “ấn tượng”.

Nói vậy không phải những người viết bài phê bình đều là giáo sư tiến sĩ, hay ý kiến chuyên môn và thẩm quyền rành rành trên mỗi trang họ viết đều xuất phát từ một tấm bằng treo trên bức tường trong văn phòng. Lúc đọc Kael, tôi chưa bao giờ biết liệu bà có một tấm bằng chuyên ngành Nghiên cứu Điện ảnh hay không (dù giá như hồi đó tôi biết là có ngành này trên đời), mà tôi cũng chẳng quan tâm; tôi chưa bao giờ nghĩ rằng Whitney Balliett phải có chứng chỉ học thuật nào đó để có thể nhận xét cách Bobby Short hát bài Just One of Those Things ở quán Café Carlyle. Dù sao thì bạn sẽ cảm thấy khối kiến thức mênh mông ấy, trên hết, đều bắt nguồn từ tình yêu lớn lao họ dành cho đề tài đó. Là con của một nhà khoa học và một giáo viên, được nhắc nhở rằng thẩm quyền bắt nguồn từ lòng đam mê chứ không phải vài tờ giấy, với tôi, là một điều hết sức hữu ích.

Tuy nhiên, khi bạn đã có nó rồi, kiến thức rõ ràng mới chỉ là nền tảng, một nền tảng vô cùng quan trọng. Yếu tố quan trọng thứ hai của tấn kịch phê bình, một thứ thuốc thử đưa bạn từ “kiến thức” đến “đánh giá” chính là gu thẩm mĩ, hay còn gọi là sự nhạy cảm – bất kể điều gì mà đối tượng đang được phê bình tác động lên nhà phê bình, là tâm tình, nhận thức hay tính cách. Từ yếu tố này, cũng như từ những điều khác, tôi đã học được rất nhiều điều. Bởi một lẽ, rõ ràng là, gu bản thân nó đã là một bí ẩn: Suốt bao năm, tôi đã thử và vẫn không thể yêu nổi những vở opera của Michael Tippett, và chưa bao giờ thực sự theo được Kael tới thánh địa của Brian de Palma.

Nhưng cuối cùng, quan trọng hơn hết, những cái nhìn trong thoáng chốc vào niềm đam mê và gu thẩm mĩ của các nhà phê bình này đã cho ta thấy điều mà nghệ thuật và văn hóa tác động đến một con người. Tôi vẫn còn nhớ một bài phê bình của Potter về một màn trình diễn vở Così fan tutte của Mozart – chắc phải khoảng cuối những năm 1970 hoặc 1980 gì đó – và ông ấy nói rằng, biểu cảm trên khuôn mặt của giọng nữ cao Elisabeth Soderstrom, trong cảnh bữa tiệc ở hồi hai, đã khiến ông ấy thổn thức, bởi nó gợi ra, dù chỉ chút thôi nhưng tác động thật ghê gớm, những góc đen tối nằm ở trung tâm vở kịch đó, cũng như trong tất cả những vở hài kịch khác. Tôi nhớ mình đã thấy khá sốc khi đọc đến đoạn một người đàn ông trưởng thành lại công khai thừa nhận rằng mình đã cảm động phát khóc khi xem một màn trình diễn một vở opera cũ kĩ.

Tôi cũng nhớ, nhiều năm sau, điều Vendler đã viết về một tập trong các tác phẩm của Merrill, được xuất bản sau khi nhà thơ này qua đời tương đối sớm ở tuổi 68, rằng giờ ông đã ra đi, không còn ở đây nữa để nói cho cô ấy nghe xem ta nên già đi như thế nào. Tôi đọc mà thấy ngạc nhiên. Thì ra đây là lý do thơ tồn tại: nó đưa bạn đi qua từng quãng đời. Còn như với Pauline Kael, lòng cuồng nhiệt đến tuyệt đối, sự thêm thắt hoa mĩ có phần quá đà, cùng những lời chê bai đại ngôn thẳng thừng của bà đã khẳng định rằng khi bạn bước chân vào một rạp chiếu phim, một điều lớn lao nào đó sắp tan biến. Điều này cũng khiến tôi mở rộng tầm mắt thêm một chút.

Bằng việc “kịch hóa” những suy nghĩ của mình trên trang giấy, trình bày những cơ sở cho đánh giá của mình, cho bạn thấy cách họ thể hiện gu thẩm mĩ (kỳ quặc và đậm tính cá nhân), có lẽ tất cả các nhà phê bình đều muốn nói rằng thực ra bạn cũng có thể làm như họ, bạn cũng đưa ra được những đánh giá khác biệt, rằng tác phẩm đó có thể khiến bạn rung động theo những cách rất khác. Cách suy nghĩ mới là điều tôi thực sự học được từ những bài phê bình hằng tuần đó. Chúng ta đã dùng từ đó thường xuyên tới mức không nhận ra mình đang nói gì: học cách tư duy phê bình – tức là học cách suy nghĩ như một nhà phê bình, học cách tự mình đánh giá. Tư duy là sự phê bình dựa trên kiến thức, chấm hết.

Bởi mọi sự phê bình đều dựa trên công thức này: KIẾN THỨC + GU THẨM MĨ = PHÊ BÌNH CÓ NGHĨA. Từ mấu chốt ở đây là có nghĩa. Những ai có cảm xúc mãnh liệt với tác phẩm – và hầu hết chúng ta đều thế – nhưng không có học vấn sâu rộng hơn để đưa ra một ý kiến có sức nặng, thì không phải nhà phê bình. (Đây là lý do tại sao một lượng lớn những nhận xét và đánh giá trên mạng của các độc giả đều không phải là phê bình đúng nghĩa.) Và những ai có kiến thức uyên bác nhưng lại không có gu hoặc khí chất khiến cho đánh giá của mình có thẩm quyền trước con mắt của những người không-phải-là-chuyên-gia khác, cũng không phải nhà phê bình. (Đây là lý do tại sao rất nhiều các học giả chuyên ngành không giỏi viết phê bình cho đối tượng đại chúng). Giống như những hình thức viết lách khác, phê bình cũng là thể loại cần có thiên phú, và những người có thiên phú phê bình là những ai có thể kết hợp một cách đầy thuyết phục và hấp dẫn kiến thức với gu thẩm mĩ của họ với nhau. Suy cho cùng, nhà phê bình là người, khi đưa gu thẩm mĩ của mình phân tích trên nền tảng kiến thức một ví dụ mới thuộc thể loại mà anh ta hứng thú – một bộ phim truyền hình mới, một bộ phim điện ảnh, một vở nhạc kịch, một vở ballet hay một cuốn sách – sẽ luôn có khao khát hiểu được điều mới mẻ đó, để phân tích nó, hiểu nó, cho nó một ý nghĩa.

Vâng, và thế là tôi đã mơ trở thành một nhà phê bình. Tôi luôn mỉm cười khi người phỏng vấn hỏi tôi rằng có phải công việc phê bình chỉ là một kiểu công việc tạm thời (trái ngược với những cuốn sách tôi viết, họ ngụ ý rằng đó mới là việc viết lách “thực sự”). Không, phê bình là công việc chính của tôi.

Tôi thấy tất cả những chuyện phía trên đều đáng nhắc tới bởi trong những cuộc tranh luận sôi nổi gần đây trên mạng cũng như trên báo giấy, người ta chẳng nói gì mấy về (những điều mà tôi coi là) vai trò cốt yếu của giới phê bình và chức năng tối quan trọng của phê bình. Vài tuần trước, tờ Times Books Review đã cho đăng hai bài chê hết sức khoa trương về hai tác phẩm thực sự khơi gợi được nhiều cảm hứng văn chương – một bài là của William Giraldi về hai tác phẩm hư cấu của Alix Ohlin, một bài là của Ron Powers về tiểu thuyết mới nhất của Dale Peck (nhà văn này vốn cũng nổi danh với việc đi ném đá tác phẩm của người khác) – việc này đã gây ra một cơn bão phản đối lẫn chúc mừng lẫn bình luận chung chung về vị trí của nhà phê bình và công việc phê bình trong nền văn hóa văn chương đại chúng. Cơn bão ấy là một điều tốt: có lẽ chưa bao giờ kể từ khi báo in ra đời, bản chất của văn hóa văn chương cùng những hoạt động của những người thực hành nó – tác giả, nhà phê bình, nhà xuất bản – lại đầy biến động đến vậy. Sự sôi động này vừa đầy hấp dẫn mê hoặc, lại vừa nhốn nháo bất an, với những ai đã lớn lên trong những năm tháng suy tàn của một văn hóa văn chương “kiểu cũ”, và những thay đổi mà nó mang lại có thể lâu dài và tạo ra nhiều tác động quan trọng.

Hai hiện tượng liên quan đến sự xuất hiện của Internet đã thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về việc đánh giá nói chung và việc phê bình nói riêng. Đầu tiên, đó là sự bùng nổ các bài phê bình và đánh giá của người đọc đại chúng, trên các diễn đàn, từ hình thức đơn giản như cho điểm (bằng sao, hoặc tương tự thế) các cuốn sách trên các trang như Amazon.com cho đến các bài phê bình-phân tích dài và nghiêm túc của các blogger đam mê văn chương. Lần đầu tiên, những người đọc đại chúng (hoặc fan của bộ môn ballet, hay những người say mê kiến trúc) có thể thể hiện quan điểm của mình về những cuốn sách (hoặc vở ballet, hay các công trình kiến trúc) một cách công khai và rộng rãi. Hiện tượng này chắc chắn đặt ra một câu hỏi về vai trò của những nhà phê bình truyền thống. (“Tại sao chúng ta phải nghe ông X bà Y trong khi chúng ta có thể tự nói lên những gì mình nghĩ?”). Thứ hai, hiện tượng này gần đây hơn, sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông xã hội – Facebook chẳng hạn, với nút Like chứ không phải Dislike; Twitter với việc trao đổi và lan tỏa những likes, và links, và ‘favorites’ dễ đến không cần nghĩ – đã tạo ra một môi trường mà nhà báo Jacob Silverman, trong bài “Against Enthusiam” (một cơn giông trong trận bão vừa rồi) trên trang Slate gọi là “lên đồng tập thể”, một bầu không khí không hợp với sự phê bình nghiêm túc.

Nhưng “phê bình nghiêm túc” là cái gì? Thực ra một trong những điểm chính của cuộc tranh luận nổi lên từ hai bài phê bình trên tờ Times Books Review là về giá trị tương đối của bài khen và bài chê. Silverman, cùng với Dwight Garner – người điểm sách hằng ngày của tờ Times, đã cùng thảo luận về vai trò thiết thực của những bài chê, mà như Silverman nói, để tạo ra một “văn hóa văn chương sôi động, hữu ích”. Một loạt nhà báo và nhà phê bình nổi tiếng đã phản đối quan điểm này của họ. Jane Hu, trên trang The Awl đã có một lời đáp hóm hỉnh dưới dạng một bản tóm tắt lịch sử của kiểu phê bình từng-gay-gắt-và-sắc-bén-hơn-nhiều trong các cuộc tranh luận văn chương đương đại – một lề lối, như cô khéo léo cho thấy, ít nhất cũng lâu đời ngang với “thời kỳ hoàng kim” của kiểu phê bình gay gắt mà Silverman và Gerner đang hoài niệm.

Người phản đối kiểu phê bình tiêu cực còn có Laura Miller (một người bạn thân của tôi), trên trang Salon, khi cô cho rằng người đọc đại chúng thực ra chẳng quan tâm đến văn hóa văn chương đâu, rằng giờ đâu còn một bối cảnh văn hóa nào khiến một phê bình tiêu cực thực sự có ý nghĩa nữa. “Bởi thường thì những cuốn sách mới không có gì nổi trội sẽ trở nên vô hình với độc giả,” cô viết, “những nhà phê bình mà có quyền lựa chọn thường sẽ kêu gọi mọi người chú ý đến những cuốn sách mà họ cảm thấy là đáng đọc.” Cô so sánh nó với bài chê một series phim truyền hình được yêu thích, điều mà theo cô sẽ có ý nghĩa nào đó trong thế giới rộng lớn hơn. Một người (bạn) khác nữa là Richard Brody – một nhà phê bình phim cho New Yorker và người viết tiểu sử của Jean-Luc Godard. Anh có cái nhìn đầy lãng mạn về giới tác giả và đạo diễn, coi họ như những vị thần bảo hộ cho sự sáng tạo, và coi giới phê bình chỉ như “ký sinh trùng” với những tác phẩm không chỉ dựa vào hoạt động của người khác… mà còn là những hoạt động lớn lao hơn của người khác (tôi tự ý in nghiêng), coi họ như những con kền kền móc ngoáy những gan ruột tâm can, đến “không phải vì nghệ thuật” mà là để “vứt bỏ nghệ thuật”. Lev Grossman, nhà phê bình sách của Time, đã bảo rằng – hy vọng là đùa vui thôi – ông tránh không đưa ra những lời phê bình tiêu cực bởi không muốn bản thân khó xử khi đi ăn tiệc lại gặp phải nạn nhân của những bài phê bình ấy.

Những nhà phê bình này tìm thấy động lực của mình từ các mối quan tâm nghiêm túc và tha thiết, một vài trong số chúng khá trừu tượng, một vài cái khác lại thực tế: Garner và Silverman khao khát những cuộc tranh luận văn chương sôi nổi, Miller lại thiết tha với một nền phê bình được đọc rộng rãi và đọc thực sự, còn Brody lại cực kì lo lắng về chuyện những bài “chê” hời hợt và nông cạn có thể hủy hoại sự nghiệp của những người nghệ sĩ nghiêm túc. Nhưng một vài vấn đề này – đặc biệt là thế tiến thoái lưỡng nan giữa một bên là Scylla của sự chê bai nhạt nhẽo và bên kia là Charybdis của sự ca tụng sáo rỗng – càng khó mà quả quyết khi bạn nghĩ về động cơ ẩn sâu phía sau của việc phê bình nghiêm túc: mong muốn được phân tích, giải thích, truyền đạt và đánh giá một cách có ý nghĩa.

Một nhà phê bình nghiêm túc không thể là một kẻ bút chiến chỉ chăm chăm ủng hộ cho một quan điểm duy nhất. Phê bình ném đá nhằm hạ bệ, đặc biệt là khi nó nhắm đến những đối tượng được tung hô quá đà và không đáng, có thể là việc vừa vui vẻ vừa hữu ích. Nhất là trong một nền văn hóa ngập trong cơn cuồng mê và quảng cáo ào ạt (của cả giới chuyên nghiệp, lẫn cả, như Garner và Silverman chỉ ra, giới nghiệp dư – nền văn hóa của sự tâng bốc bản thân), một chức năng quan trọng của nhà phê bình là gột đi lớp bụi cuồng mê ngây ngất của nhà xuất bản, sự tự khen ngợi chúc mừng của tác giả qua những dòng tweet trên Twitter và đưa cuộc nói chuyện về nơi nó nên ở: tác phẩm và những hay – dở của nó, được đánh giá dựa trên một nền tảng kiến thức uyên bác và gu thẩm mỹ công bằng vô tư. Tức là, nếu bạn chỉ làm mỗi công việc ném đá hạ bệ, độc giả của bạn sẽ sớm nhận ra rằng các bài phê bình đó thực ra có phần nào đó là về chính bạn – bạn khoái trá sự nhạo báng hay làm màu hiểm ác hay ác ý – chứ không phải về tác phẩm. Thông thường, vẫn luôn có cái gì đó để ta thích thậm chí trong tác phẩm yếu kém nhất, cũng như vẫn luôn có vài điểm yếu trong những tác phẩm vững chắc nhất; mọi bài phê bình, dù thế nào, nên có sự hòa trộn. (Có lẽ đây chính là một dấu hiệu cho thấy nền phê bình tự-like đã gây hại như thế nào, đến mức, trên thực tế, một bài thể hiện quan điểm trung lập có sự hòa trộn sẽ bị coi là một bài hạ bệ.) Người phê bình nghiêm túc, như Richard Brody đã đúng đắn chỉ ra, trước hết nên là nhà tự-phê: anh ta nên bắt đầu bằng việc xem xét phản ứng của chính mình, khi đó là những phản ứng tiêu cực, và quyết định xem phản ứng như thế có hợp lí không, tức là, nên tránh viết về những tác phẩm, hoặc những nghệ sĩ mình ghét mà chưa cân nhắc đến những lý do mỹ học chính đáng.

(Tôi xin nói thêm rằng, một biên tập viên nghiêm túc sẽ không giao cho một cây bút viết bài phê bình khi thấy có dấu hiệu của mối ác cảm cá nhân. Người đọc không hiểu được cơ chế vận hành của nền báo chí đều không nhận thức được mức độ các biên tập viên phải chịu trách nhiệm cho việc giao nhiệm vụ viết bài, và họ cũng không nhận thức được rằng những người viết bài phê bình đó không có quyền gì trong việc khi nào bài phê bình được công bố. Thứ thường được nhìn như “cú hạ bệ” có tính toán một tác phẩm được yêu thích và được giới phê bình đánh giá cao – những bài chê được công bố rất lâu sau những bài khen đã lên sóng – đã được viết hàng tháng trước đó, cùng lúc với các bài khen.)

Tuy nhiên, người phê bình nghiêm túc cũng không thể chỉ là một người khơi gợi hào hứng. Lòng tôn thờ Nghệ thuật và Nghệ sĩ của người ấy có thể sa đà thành một trò cổ vũ xìu xìu ển ển. Suy cho cùng, một bài chê cũng là một kiểu bài tâm huyết, tâm huyết dành cho thể loại, mà ở trong trường hợp cụ thể đó, người phê bình cảm thấy tác phẩm mình đang nói tới đã hạ thấp nó. Một bài chê sáng suốt thực ra chính là một sự tôn trọng đối với người nghệ sĩ, một sự ghi nhận đối với tác giả của tác phẩm đó: những người nghệ sĩ nghiêm túc, theo kinh nghiệm của tôi, chỉ muốn được phê bình một cách sáng suốt. (Lời khuyên tốt nhất tôi từng nhận được, ngay trước khi tôi xuất bản cuốn sách đầu tiên, đến từ một người thầy của tôi trong ngành xuất bản: “Điều duy nhất tệ hơn một bài chê ngu xuẩn là một bài khen ngu xuẩn.” Và ông nói đúng.) Vì lý do này, bất cứ lời kêu gọi nào muốn xóa bỏ kiểu phê bình chê bai đều đang hủy hoại nghiêm trọng tương lai lớn lao hơn của việc phê bình: nếu một nhà phê bình thực hiện nhiệm vụ của mình một cách nghiêm túc khi đưa ra các nhận định – khen nhiều ngang với chê, nếu chỉ tính đơn thuần về mặt thống kê – thì tinh thần trách nhiệm đối với những nhận định đó và tầm quan trọng của bản thân những nhận định đó phải được đặt lên trên mọi suy xét khác. Người đi đủ các loại tiệc tùng mà không phải chịu bất kì cuộc gặp gỡ lúng túng khó xử nào thì đó là người phục vụ, chứ không phải nhà phê bình.

Đến tận cùng, nhà phê bình yêu đối tượng của mình nhiều hơn yêu độc giả – điều này đưa chúng ta đến vấn đề: đầu tiên ta nên nhận xét về điều gì. Khi bạn viết một bài phê bình văn học hay bất cứ lĩnh vực nào khác, bạn đang viết cho văn chương hoặc cho lĩnh vực đó, hơn là bạn viết cho độc giả: bạn đang thêm vào kho kiến thức mà người ta đã tích lũy về lĩnh vực đó qua bao năm tháng. Nếu lĩnh vực thú vị, đó thật là một công việc xứng đáng. Bởi một nhà phê bình văn chương (hay âm nhạc, hay vũ đạo) nghiêm túc sẽ yêu đối tượng của mình hơn bất kì điều gì khác, anh ta sẽ nhận xét, dù khen hay chê, chính những tác phẩm văn chương hay vũ đạo hay âm nhạc đó – cao cấp hay tầm thường, khác lạ hay đại chúng, được ca tụng hay bị phớt lờ – những điều mà anh ta thấy đáng nghiên cứu, xem xét, phân tích và thấu hiểu. Đưa những tác phẩm thú vị tới trước những độc giả thông thái là sự tôn trọng và công bằng đối với tác phẩm ấy.  Nếu bạn chỉ viết về những gì bạn nghĩ là người ta đang thích, bạn đã phụ lòng tác phẩm, và phụ lòng cả người đọc của bạn nữa, những người, có lẽ, đến cuối cùng, lại thấy vui vì gặp được thứ mình suýt bỏ lỡ. Tôi thấy sợ hãi khi nghĩ tới những điều mình có thể đã bỏ lỡ, khi còn niên thiếu, nếu các vị biên tập của các tờ báo hay tạp chí vào những năm 1970, 1980 đó đồng tình với người bạn Laura Miller của tôi.

Vai trò của nhà phê bình, tôi xin nhắc lại, là tạo một kết nối sáng suốt và hấp dẫn giữa tác phẩm và người đọc của nó, là hướng dẫn và soi rọi một cách thú vị, và nếu được, một cách hài hước. (Nhà phê bình cần có khiếu hài hước hơn bất kì người viết nào). Vì lý do này, tôi không thể chấp nhận lời nhận xét tùy tiện của bạn tôi Richard Brody rằng những nhà phê bình là những con kí sinh trùng tai hại – một lời nhận xét không hay ho gì và càng làm lan rộng sự hiểu nhầm (ở một biến thể cũng nông cạn và vô nghĩa không kém rằng ‘ai không làm được mới dạy’) rằng các nhà phê bình bị thôi thúc bởi “sự phẫn nộ và ghen tị” với những nhà văn, nhà thơ, tiểu thuyết gia “vĩ đại hơn” – tác giả của những tác phẩm họ đang săn đuổi – bởi bản thân họ không thể tạo ra nổi một tác phẩm “sáng tạo”. Đây chính là điều mà một anh chàng Dave Eggers (trẻ măng, tôi phải nói thật) nói trong một bài phỏng vấn vào năm 2000 trên tờ Harvard Advocate, và một đoạn của bài phỏng vấn này đã được Dwight Garner trích đăng trong bài gần đây của anh ấy trên tờ Times, ủng hộ phe “chê”. Egger bảo: “Đừng chê một cuốn sách khi bạn chưa viết được cuốn nào, đừng chê một bộ phim khi bạn chưa làm được bộ phim nào.”

Quan điểm có vẻ rất sôi sục và gay gắt này là thứ bạn thường gặp phải khi người ta không đồng tình với những nhà phê bình chuyên nghiệp – như thể khả năng chuyên môn, thẩm quyền và gu thẩm mĩ là những thứ mà chỉ những người thực hành một thể loại nhất định mới có được. Nhưng nói với một nhà phê bình rằng anh ta không có quyền nhận xét một cuốn tiểu thuyết vì anh ta chưa viết được cuốn nào là một quan điểm vô cùng nguy hiểm, bởi nó đánh vào cốt lõi của ý nghĩa của chuyên môn (và sự am hiểu, và khả năng đánh giá) – nó giống như bảo một bác sĩ không thể chẩn đoán một căn bệnh vì anh ta chưa từng mắc bệnh này, một thẩm phán không thể tuyên án vì anh ta chưa từng giết ai. Sự thật ở đây là, phê bình là một thể loại độc lập, một sự nghiệp đầy tính chính danh và (vâng ạ,) sáng tạo mà trên thực tế rất hiếm người phù hợp với nó, bởi lấy đâu ra nhiều người có sự kết hợp hoàn hảo và hiếm hoi của những phẩm chất tạo nên một nhà phê bình giỏi, giống như rất hiếm người có được sự kết hợp những phẩm chất của một nhà thơ hay một tiểu thuyết gia vĩ đại.

Và cũng có một sự thật là (để dẫn câu nói quen thuộc): không phải ai cũng là nhà phê bình. Sau rốt, đây có thể là điểm mấu chốt của vấn đề, và có thể góp phần giải thích cho phản ứng dữ dội không ngờ nổi đối với những bài chê gay gắt xuất hiện trên tờ Times Book Review đầu mùa hè năm nay [2012], tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi về các nhà phê bình. Trong một bài luận tôi đã viết vài năm trước bàn về kiểu hồi ký “giả mạo”, tôi đã cho rằng cơn phẫn nộ trút lên các tác giả và các nhà xuất bản khi các cuốn hồi ký kiểu truyền thống từng được xuất bản hóa ra lại là thứ giả mạo và ngụy tạo, thực ra là một kiểu thụt lùi về văn hóa: điều khiến tất cả chúng ta lo lắng về sự thật và tính chân xác trong dòng tự sự cá nhân không phải là việc các cuốn hồi ký hóa ra chẳng đúng hay phóng đại, và từ trước đến nay vốn thường là như thế rồi, mà là sự bùng nổ chưa từng thấy của việc viết cá nhân, (và của sự sai lệch, giả mạo) trên mạng, trên các website, blog và những bình luận ẩn danh – những diễn đàn nơi không có biên tập viên, nhà xuất bản, người kiểm soát nào có thể chỉ tay điểm mặt buộc tội.

Tương tự, tôi tự hỏi, liệu cơn bão tranh luận gần đây về công việc phê bình, những lo lắng xôn xao cùng các bàn cãi ồn ào về vị trí thích đáng của việc khen và chê trong giới văn chương có phải là một sản phẩm sinh ra từ cái sự thật rằng công việc phê bình, theo một cách không thể hình dung nổi ngay cả hai mươi năm trước, đã bị tước khỏi tay những người lẽ ra phải đang thực hiện nó: những nhà phê bình đích thực, những người mà, nói chung, biết tung ra một nhận xét chí mạng, và đặt nó ở đâu, dùng nó để làm gì. Khi biết về vụ ồn ào này, lần đầu tiên tôi mới tìm đọc các bài phê bình về các tác phẩm của Peck và Ohlin, tôi phải bật cười. Những lời chê bai, dè bỉu, hạ nhục tồi tệ nhất của những nhà phê bình ta đang nói đến đây đã là gì so với thứ phỉ báng vô lý và đầy tính công kích cá nhân mà bạn thường thấy trên các nhận xét trên Amazon.com hoặc phần bình luận ở các ấn phẩm văn học. Phải, ngày nay, tất cả chúng ta đều có chút nhạy cảm đối với những lời chê; nhưng nếu bạn cứ cứ ngồi mà phán như thật về tất cả mọi người, thì bạn không phải là nhà phê bình đâu.

Daniel Mendelsohn

Chiêu Dương dịch

(Dịch từ bài “A Critic’s Manifesto” đăng trên The New Yorker số ra ngày 28 tháng 8 năm 2012)

(Ảnh lấy từ: https://mosaiko.gr/)

 

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Chiêu Dương
Các bài viết khác

Một người dịch