Thời gian đọc: 20 phút

Trước tiên, độc giả ngày nay hẳn không thể không thấy nếu hai nhà phê bình ngồi lại một bàn với nhau thế nào cũng bày tỏ những ý kiến ​​hoàn toàn khác biệt về một cuốn sách. Anh bên phải bảo rằng cuốn sách hẳn là kiệt tác văn xuôi Anh ngữ; anh bên trái lại nói đấy đích thị là một mớ giấy lộn chỉ đáng đem đốt, nếu lửa kia đủ nhiệt. Thế mà cả hai anh phê bình ấy đều một lòng đồng tình về Milton[1] và Keats[2], chiềng ra sự nhạy cảm mẫn tiệp lẫn lòng nhiệt tình kính cẩn son sắt. Nhưng đến khi thảo luận về tác phẩm của các nhà văn đương đại, họ kiểu gì cũng cãi nhau tóe khói. Cuốn sách được bàn tới vừa là đóng góp to lớn cho văn học Anh lại cũng là đống mửa ngu si tự huyễn. Vì sao vậy? Ta chỉ có thể giải thích rằng vì cuốn ấy mới được xuất bản hai tháng trước.

Lời giải thích này quả có kỳ lạ. Độc giả cần tìm chỉ dẫn trong hỗn mang của văn học đương đại vì thế mà thấy hoang mang, rồi những nhà văn có mong muốn bản năng được biết liệu tác phẩm của mình – thứ được kiến tạo từ nỗi đau vô hạn, trong bóng tối gần như tuyệt đối – sẽ có khả năng trường tồn toả sáng cùng với các ngôi sao bất diệt khác của nền văn học tiếng Anh, hay trái lại, sẽ tắt ngóm, cũng không kém phần hoang mang. Nhưng nếu chúng ta đặt mình vào vị trí người đọc mà tìm hiểu thế lưỡng nan ấy trước thì nỗi hoang mang ấy cũng chỉ là nhất thời mà thôi. Trước đây ta cũng thấy điều tương tự xảy ra thường tình. Chúng ta đã nghe các cây cao bóng cả bất đồng quan điểm về cái mới và đồng tình về cái cũ, khoảng hai lần một năm, xuân thu hai mùa, kể từ khi Robert Elsmere,[3] hay Stephen Phillips nhỉ,[4] bằng cách nào đó chiếm lĩnh văn đàn, và tương tự thế, những người tinh hoa lịch duyệt cũng lại bất đồng ý kiến về những tác phẩm này. Nếu ngày nào đó có điều kỳ diệu, khi cả hai quý ngài đều đồng ý rằng cuốn sách của Blank[5] là một kiệt tác không thể nghi ngờ thì hẳn là tuyệt vời xiết bao, mà kỳ thực cũng đáng buồn xiết bao, bởi lẽ ta bị đẩy vào tình thế đắn đo liệu có nên ủng hộ phán xét của họ tới cái mức bỏ tiền ra mà mua giấy hay chăng. Cả hai đều là những nhà phê bình danh tiếng; những ý kiến ​đưa ra một cách chủ quan ở đây sẽ được đóng khung và đính lại trên trên danh mục văn xuôi tử tế, thứ sẽ trở thành chuẩn mực văn chương ở Anh và Mỹ.

Dù họ có đồng tình với nhau hay không (mà ta không thấy có vẻ gì là họ sẽ đồng tình) thì khi cuộc luận chiến xảy ra, hẳn là sự hoài nghi bẩm sinh cộng với lòng bất tín hẹp hòi về các thiên tài đương thời đã tự động xác định ngay chủ kiến ta, rằng nửa cắc cũng là quá đáng nếu ta phung phí vào một tác phẩm đương đại người người săn đón, và rằng nỗi băn khoăn ấy có thể được giải quyết đơn giản chỉ bằng một thẻ thư viện. Câu hỏi vẫn còn để ngỏ, và chúng ta hãy thẳng thắn hỏi ngay các nhà phê bình. Với một độc giả chỉ chăm chăm đọc các tác phẩm từ người thiên cổ, nhưng lại dằn vặt bởi niềm nghi hoặc rằng lòng tôn kính dành cho người xưa không thể tách rời sự hiểu người nay, liệu có chỉ dẫn nào cho độc giả như thế? Hỏi nhanh ra thì cả hai nhà phê bình đều một mực rằng ối làm gì có người như thế. Thế thì khi ta bàn tới những cuốn sách mới, đánh giá của họ còn nghĩa lý gì? Chắc chắn là không đáng tiền giấy lộn. Thế rồi từ hàng rổ kinh nghiệm của mình, họ đưa ra ví dụ khủng khiếp về những sai lầm ngớ ngẩn trong quá khứ; thứ tội ác của phê bình, rằng nếu họ chống lại người xưa chứ không phải người nay, hẳn họ đã mất việc và toi luôn cả danh tiếng. Họ chỉ có thể khuyên độc giả hãy tôn trọng và nghe theo bản năng của chính mình không phút do dự, đừng răm rắp nghe lời các nhà phê bình hay tay điểm sách đương thời, mà hãy tự kiểm chứng bằng cách đọc đi đọc lại những kiệt tác của quá khứ.

Dù ta âm thầm biết ơn họ (những nhà phê bình), ta lại không thể không nghĩ rằng chuyện đâu đơn giản có thế. Ngày xửa ngày xưa, ta hằng tin hẳn là có một bảng quy tắc và tiêu chí thao túng toàn bộ cộng đồng độc giả theo một kiểu mà nay ta không tài nào hiểu nổi. Nói thế không có nghĩa là nhà phê bình vĩ đại – hãy kể tới Dryden[6], Johnson[7], Coleridge[8], Arnold[9] – là vị thẩm phán toàn mĩ của văn chương đương đại, phán quyết của họ đóng dấu vĩnh viễn lên bìa một cuốn sách và cứu người đọc khỏi rắc rối phải tự nhận định đúng sai hay dở. Sai lầm của những bậc đại nhân ấy về văn chương đương thời của chính họ quả là kinh khiếp, không đáng nói lại. Nhưng ta hãy luôn nhớ một điều rằng những sai lầm ấy lại có ảnh hưởng vô cùng rộng lớn. Ta chẳng lấy gì làm vui khi phải thừa nhận ý kiến của họ có khả năng làm dịu bất đồng trên bàn ăn, trong cuộc trò chuyện ngẫu nhiên về một cuốn sách mới ra, mà người người lại cứ hớp lấy lời các đại nhân. Các trường phái khác nhau cứ thế mà tranh cãi nảy lửa như thường tình, nhưng sâu trong tâm trí, người đọc ngầm ý thức rằng luôn có kẻ nào đó nắm giữ các nguyên tắc chính của nền văn học theo quan điểm chủ quan: người mà, nếu gặp được một tác phẩm đương đại có chút lạ thường, ông ta có thể khiến nó trở nên trường tồn và trói buộc nó bằng quyền lực ẩn trong những lời khen ngợi và chỉ trích đầy trái ngược của mình.[10] Nói đến yếu tố làm nên một nhà phê bình thành công buộc phải nhắc đến thiên thời địa lợi nhân hoà. Những bàn tròn tranh luận rải rác trong đời sống hiện đại, sự rượt đuổi và xoáy vòng của những dòng chảy tạo nên xã hội hôm nay, chỉ có thể bị chi phối bởi một người khổng lồ với kích thước vĩ đại. Nhưng người khổng lồ vĩ đại mà chúng ta có quyền mong đợi ấy đang ở đâu? Chúng ta có bao nhiêu tay điểm sách, nhưng không có nhà phê bình; có một triệu điều tra viên liêm khiết và thạo nghiệp vụ, nhưng không có nổi một thẩm phán. Không có những người sở hữu gu đọc sành sỏi, khả năng học hỏi không ngừng, khả năng dạy dỗ lớp trẻ, và lòng tôn vinh người thiên cổ. Kết quả là nhiều khi những cây bút sắc sảo và siêng năng ấy lại hút cạn mô sống của nền văn học và biến chúng trở thành những bộ xương quắt queo. Chúng ta sẽ không thể  tìm thấy ở bất cứ đâu sức sống mãnh liệt của một Dryden, một Keats với căn chất tự nhiên và tốt đẹp, với sự sáng suốt và tỉnh táo sâu sắc, hay Flaubert[11] với sức mạnh dữ dội của sự cuồng tín, hay Coleridge, trên tất cả, với sự trù liệu về toàn thể thơ ca trong đầu, và để cho vấn đề ấy, thỉnh thoảng, trở thành một trong những tuyên bố chung sâu sắc nổi lên trong tâm trí mỗi khi nóng lên do cọ sát lúc đọc, như thể chúng mới là linh hồn của chính cuốn sách.

Và với tất cả điều này cũng vậy, các nhà phê bình đồng ý đầy thiện chí. Một nhà phê bình thực sự có tầm vóc, họ nói, là kiểu người hiếm gặp nhất. Nhưng nếu nhà phê bình ấy mà xuất hiện một cách kỳ diệu thì chúng ta nên nuôi dưỡng ông ta như thế nào, nên cho ông ta ăn gì đây? Các nhà phê bình vĩ đại, nếu bản thân họ không phải là những nhà thơ vĩ đại, được nhân giống từ sự trù phú của thời đại. Chúng ta có nhà phê bình vĩ đại cần được công nhận, trường phái cần được thiết lập hoặc phá hủy. Nhưng thời đại của chúng ta nghèo đói đến mức cơ cực. Không có một cái tên nào đủ sức thống trị phần còn lại. Không có bậc thầy nào đáng để các bạn trẻ hãnh diện khi được học nghề từ họ. Quý ngài Hardy[12] từ lâu đã rút khỏi đấu trường, và có một yếu tố kỳ dị khó cắt nghĩa trong tài năng thiên bẩm của quý ngài Conrad[13] khiến ông ấy không thể trở thành tượng đài có tầm ảnh hưởng, được tôn vinh và ngưỡng mộ, mà lại khiến ông trở nên xa cách và tách biệt. Đội ngũ những người phê bình còn lại, mặc dù đông đảo và mạnh mẽ và cuồn cuộn hoạt động sáng tạo, nhưng không ai có khả năng ảnh hưởng sâu sắc đến bộ mặt đương đại, hoặc tác động vượt xa cả thời đại, vươn đến tương lai không xa – thứ mà chúng ta gọi là sự bất tử. Nếu chúng ta có thể kiểm chứng tương lai trong vòng một thế kỷ tới, và hỏi xem có bao nhiêu tác phẩm được viết ra ngày nay ở Anh quốc còn tồn tại đến khi ấy, ta sẽ không chỉ cần thừa nhận rằng ta không thể đồng tình về cùng một cuốn sách, mà còn phải thừa nhận nỗi hoài nghi sâu sắc rằng liệu một cuốn sách như vậy có tồn tại hay không. Đây là thời đại của những mảnh vụn. Một vài khổ thơ, một vài trang sách, một vài chương văn ở chỗ này chỗ nọ, phần đầu của cuốn tiểu thuyết này, phần cuối của cuốn tiểu thuyết kia, có thể sánh với những phần hay nhất của bất kỳ thời đại hay tác giả nào. Nhưng liệu chúng ta có thể chạm tới hậu thế bằng những trang giấy rời rạc, hoặc yêu cầu độc giả tương lai sàng lọc toàn bộ đời sống văn chương đương đại của chúng ta – một đống rác khổng lồ – để tìm ra những hòn ngọc nhỏ nhoi? Đó là câu hỏi mà các nhà phê bình nên đặt ra một cách chính đáng cho những người bạn đồng hành của họ tại bàn tròn bình luận, với các nhà văn và nhà thơ.

Lúc đầu, sức nặng của sự bi quan dường như là đủ để hạ gục mọi ý kiến trái ngược. Vâng, thời đại này là một thời đại héo hon, chúng ta lặp lại, với nhiều lý do để biện minh cho sự nghèo đói; nhưng, thành thật mà nói, nếu chúng ta đặt thế kỷ này bên thế kỷ khác, sự so sánh dường như sẽ chống lại chúng ta. Waverley, The Excursion, Kubla Khan, Don Juan, tiểu luận của Hazlitt, Kiêu hãnh và Định kiến, Hyperion, và Prometheus Unbound[14] đều đã được xuất bản trong khoảng 1800 đến 1821. Thế kỷ của chúng ta không thiếu các tác phẩm văn chương; nhưng nếu chúng ta đòi hỏi phải có được những kiệt tác thì nhìn chung, những kẻ bi quan đang đúng. Có vẻ như thời thiên tài luôn theo sau thời nỗ lực; thời tao loạn phù phiếm theo sau thời trong sáng cần cù. Hiển nhiên, tất cả vinh dự sẽ thuộc về những người đã hy sinh sự bất tử của mình để thiết lập trật tự cho xã hội. Nhưng nếu chúng ta đòi hỏi phải cho ra được những kiệt tác, ta phải tìm chúng ở đâu đây? Một chút thi ca, chúng ta có thể chắc chắn, sẽ tồn tại; một vài bài thơ của Yeats[15], Davies[16], De la Mare[17], Lawrence[18], tất nhiên là có những khoảnh khắc trác tuyệt, nhưng lại có hàng giờ liền thứ ko thể gọi là xuất sắc. Beerbohm[19], theo cách của riêng ông, mang đến thứ thi văn hoàn hảo, nhưng không hề vĩ đại. Những đoạn trích trong Far Away and Long Ago chắc chắn sẽ có khả năng đến được với hậu thế. Ulysses thì là một thảm họa không thể nào quên – bố láo khôn tả, khủng khiếp vô lượng. Và vì vậy, chúng ta kén cá chọn canh, lựa cái nọ cái kia, cầm lên đặt xuống soi xét, nghe người này người kia ca ngợi hay chế giễu, để rồi cuối cùng phải gặp phản biện rằng dù ngay cả khi chúng ta chỉ đồng ý với các nhà phê bình thì thời đại của chúng ta cũng vẫn chỉ là thời không có khả năng nối gót tiền nhân, thời rặt một đám văn vụn, và không đáng so với tiền thời.

Nhưng đó là khi ý kiến ý cò lên ngôi thắng thế và chúng ta chỉ nói leo theo nhà phê bình thành ra đến chúng ta cũng khăng khăng không tin một lời từ miệng mình. Thời đại này quả cằn cỗi và cạn kiệt, chúng ta nhắc lại; chúng ta phải nhìn lại quá khứ mà ghen tị. Dẫu vậy, hôm nay là một trong những ngày đầu tiên của mùa xuân tươi đẹp. Cuộc sống không đến mức thiếu vắng màu sắc. Điện thoại, thứ làm gián đoạn những cuộc trò chuyện nghiêm túc nhất và cắt ngắn những sự quan sát hệ trọng nhất, cũng đem lại sự lãng mạn của riêng nó. Cuộc nói chuyện ngẫu hứng của những người có thể thoải mái nói lên suy nghĩ vì không bao giờ có cơ hội được trở nên bất tử, thường diễn ra trong một khung cảnh trữ tình, với ánh nắng, đường phố, nhà cửa, con người, đẹp đẽ hay kỳ cục, sẽ len lỏi vào khoảnh khắc bất diệt. Nhưng đây là cuộc sống thực; và câu chuyện thì là về văn học. Chúng ta phải tách bạch và biện minh cho niềm lạc quan nổi dậy chống lại cái bi quan giảo biện.

Như vậy sự lạc quan của chúng ta chủ yếu là theo bản năng. Nó bắt nguồn từ ngày tươi đẹp ấy, cùng với rượu và cuộc nói chuyện; nó bắt nguồn từ thực tế là khi cuộc sống ngày ngày dâng lên kho báu trù phú, ngày ngày gợi ý nhiều hơn những gì mà kẻ mồm miệng liến thoắng nhất trên đời có thể diễn tả, thì mặc dù chúng ta ngưỡng mộ người chết, chúng ta vẫn thích cuộc sống hiện tại. Có một thứ gì đó ở hiện tại khiến chúng ta sẽ không bao giờ đồng ý đánh đổi, ngay cả khi chúng ta được thoải mái lựa chọn bất kỳ thời đại đã qua nào để sống. Và văn học đương đại, với tất cả những gì không hoàn hảo của nó, cũng chi phối chúng ta như vậy và cũng mê hoặc như vậy. Nó giống như một mối quan hệ mà chúng ta xỉ vả, đay nghiến mỗi ngày, nhưng, sau tất cả, không thể sống thiếu. Nó có cùng phẩm chất đáng quý với bản chất chúng ta, là thứ mà chúng ta đã tạo ra và đang sống trong, chứ không phải thứ gì quá oai phong, quá xa lạ mà chúng ta chỉ có thể nhìn vào từ bên ngoài. Cũng không một thế hệ nào cần trân trọng những người cùng thời hơn chúng ta. Chúng ta bị chia cắt một cách phũ phàng với các bậc tiền nhân. Khi cán cân dịch chuyển – Thế chiến thứ nhất, cú dịch chuyển đột ngột của những khối quần chúng vốn bị giữ nguyên một chỗ qua bao thế kỷ – đã làm rung chuyển cơ cấu xã hội từ thượng tầng xuống đến hạ tầng, khiến chúng ta xa lánh quá khứ và có lẽ, khiến chúng ta quá chăm chú vào hiện tại. Mỗi ngày chúng ta có thể thấy mình làm, nói hoặc nghĩ những điều không tưởng trong con mắt của thế hệ cha anh. Ta cảm thấy nhiều điểm khác biệt đậm nét hơn là điểm tương đồng – tất cả chúng đã được thể hiện rất rõ ràng. Lý do khiến những cuốn sách mới mẻ thu hút chúng ta đến vậy có lẽ một phần là bởi niềm hy vọng rằng văn chương đương đại sẽ phản ánh sự tái sắp xếp thái độ sống của ta – những khung cảnh, những suy nghĩ và hàng tá những điều phi lý có vẻ tình cờ khiến chúng ta khao khát cảm giác có được trải nghiệm kỳ thú, và, như cách văn học vẫn luôn có khả năng, biến trải nghiệm đó thành tài sản của chúng ta, trọn vẹn và bao chứa. Mà quả thực, ta có đủ mọi lý do để lạc quan. Không thời đại nào lại nào giàu có hơn chúng ta về số lượng các nhà văn quyết tâm biểu đạt sự khác biệt – thứ tách biệt họ ra khỏi quá khứ – và né tránh sự tương đồng – thứ kết nối họ với quá khứ. Sẽ thật mất lòng nếu phải nhắc đến những cái tên cụ thể, nhưng người đọc bình dị nhất khi dính vào thơ ca, tiểu thuyết, tiểu sử khó tránh khỏi bị ấn tượng bởi sự can đảm, chân thành, nói một cách vắn tắt, sự độc đáo phổ biến của thời đại này. Nhưng sự hồ hởi của chúng ta lại bị tước đi một cách kỳ lạ. Hết cuốn sách này đến cuốn sách khác bỏ lại cho ta cảm giác bị thất hứa, cảm giác về sự nghèo nàn trí tuệ, về sự lỗi lạc đã bị cướp khỏi cuộc sống nhưng không được chuyển hóa thành văn học. Phần lớn những gì xuất sắc nhất trong văn chương đương đại dường như chỉ được viết lại dưới áp lực và phương pháp tốc ký trống rỗng, lưu giữ những chuyển động và biểu cảm của các nhân vật một cách tài ba đáng kinh ngạc khi họ ngang qua ống kính. Nhưng ánh đèn flash ấy sớm kết thúc, chỉ còn chúng ta ở lại với sự bất mãn sâu sắc. Sự tức giận cũng mãnh liệt như niềm khoái cảm dữ dội khi xưa.

Rốt cuộc, chúng ta trở lại điểm xuất phát, hoang mang đi từ thái cực này sang thái cực khác, từ khoảnh khắc nhiệt tình đến khoảnh khắc bi quan, để rồi không thể đưa ra bất kỳ kết luận nào về văn chương đương đại. Chúng ta đã nhờ cậy các nhà phê bình giúp đỡ, nhưng họ từ chối. Vì vậy, giờ là lúc để nhận lấy lời khuyên của họ và sửa chữa những thái cực này bằng cách tham khảo các kiệt tác trong quá khứ. Ta cảm thấy bản thân bị dạt về phía chúng, bị thúc đẩy không phải bởi sự phán xét công tâm mà bởi nhu cầu cấp thiết để được neo giữ sự bất ổn của ta bằng cảm giác an toàn nơi chúng. Nhưng, thành thật mà nói, cú sốc ập đến khi so sánh giữa quá khứ và hiện tại thoạt đầu gây bối rối. Không còn nghi ngờ gì nữa, luôn có sự buồn tẻ ẩn trong những cuốn sách tuyệt vời. Xuyên suốt những trang sách của Wordsworth, Scott và Austen là sự u mặc mênh mang – thứ thuốc an thần kéo ta đến bên rìa của sự buồn ngủ. Cơ hội xuất hiện và họ bỏ bê chúng. Các sắc thái riêng cũng như sự tinh tế chất đống ở đó và họ tảng lờ chúng. Họ dường như cố tình từ chối thuận theo hệ cảm quan được kích thích đột ngột bởi những kẻ đương thời; thị giác, thính giác, xúc giác – và trên hết là cảm quan nhân sinh, chiều sâu và sự đa dạng trong nhận thức, sự phức tạp, sự nhầm lẫn, bản thể con người, nói tóm lại. Những điều này phần nào được phản ánh trong các tác phẩm của Wordsworth[20], Scott[21] và Jane Austen[22]. Vậy từ đâu mà cảm giác an toàn được phát sinh – thứ đã dần dần, khéo léo, và hoàn toàn chế ngự ta? Chính sức mạnh niềm tin – đức tin của họ đã áp lên chúng ta. Nhìn vào nhà thơ triết học Wordsworth là đủ thấy rõ. Điều đó cũng đúng với Scott lơ đễnh, người đã viết vội ra những kiệt tác để xây lâu đài trước giờ ăn sáng, và đúng với cả cái quý cô khiêm tốn đã cặm cụi và lặng lẽ viết chỉ đơn giản để mang đến niềm vui. Họ tin vào những phẩm chất nhất định của cuộc sống. Họ có những đánh giá riêng về cách đối nhân xử thế. Họ hiểu mối quan hệ giữa người với người và mối quan hệ giữa con người với vũ trụ. Có lẽ chẳng ai trong số họ có thể thẳng thắn nói về điều này, nhưng mọi thứ phụ thuộc vào nó. Chỉ cần tin tưởng mà thôi, chúng ta tự nhủ, và tất cả những gì cần đến sẽ đến. Lấy ví dụ một tác phẩm mới ra mắt đây, The Watsons[23] (Tạm dịch: Gia đình Watson), để thấy rằng hãy tin tưởng một cô gái tốt bụng sẽ cố gắng làm dịu cảm xúc của một chàng trai khi chàng trai ấy bị khước từ lời mời khiêu vũ, và nếu bạn hoàn toàn tin vào điều đó, bạn sẽ không chỉ có khả năng khiến cho con người ở thời điểm một trăm năm sau cũng tin vào điều tương tự, mà còn khiến họ cảm thấy đây mới là văn học. Đó cũng chính là điều kiện khiến cho việc viết lách trở nên khả thi. Niềm tin rằng quan điểm của bạn mang lại giá trị tốt đẹp cho người khác – giải phóng họ khỏi sự tù túng và giam hãm của cá nhân. Đó là sự tự do, cũng như Scott đã từng được tự do, để khám phá cuộc đời với sự mãnh liệt khiến chúng ta bị mê hoặc bởi thế giới đầy phiêu lưu và lãng mạn. Đó cũng là bước đầu tiên trong quá trình bí ẩn mà Jane Austen là bậc thầy xử lý. Một trải nghiệm nho nhỏ khi đã được chọn lựa, được tin tưởng và đưa ra bên ngoài bản thể chủ quan, có thể được đặt chính xác vào vị trí cần thiết, và bà có thể tự do in dấu ấn của mình vào định nghĩa văn học, bằng một quá trình không bao giờ để lộ bí quyết cho các nhà phân tích.

Vì vậy, các tác giả đương đại làm chúng ta phiền muộn vì họ đã không còn tin tưởng. Chỉ những người chân thành nhất mới cho chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra với họ. Họ không thể tạo ra một thế giới mới, bởi vì họ không thể thoát khỏi những con người khác. Họ không thể kể một câu chuyện vì họ không tin rằng câu chuyện đó xảy ra ở đời thật. Họ không thể khái quát toàn cảnh. Họ bị phụ thuộc vào cảm giác và cảm xúc, thứ đem lại bằng chứng đáng tin cậy, thay vì chọn nghe theo nội tâm, thứ chỉ dâng lên thông điệp mơ hồ. Và họ không thể ép bản thân khước từ sử dụng những vũ khí mạnh mẽ và tinh vi nhất của mình. Với toàn bộ sự giàu có của tiếng Anh chống lưng, họ rụt rè chuyển những đồng xu có giá trị nhất từ bàn tay này sang bàn tay khác và từ cuốn sách này sang cuốn sách khác. Xét vấn đề từ góc độ mới của khía cạnh vĩnh cửu, họ chỉ có thể lấy sổ tay của mình ra để ghi lại những vệt sáng đang bay lượn với nỗi đau mãnh liệt, nhưng những vệt sáng ấy thì soi tỏ điều gì? và sự lộng lẫy nhất thời, thứ mà có lẽ, không nói lên bất cứ điều gì đáng kể. Nhưng đây là chỗ để các nhà phê bình can thiệp và cho thấy công lý.

Tất nhiên tầm nhìn của chúng ta do vị trí ta đứng quyết định, các nhà phê bình có thể tuyên bố rằng nếu thời của chúng ta thực sự là thế này, vậy thì công việc đánh giá các tác phẩm đương đại mang nhiều nguy cơ hơn bao giờ hết. Có đủ lý do để họ mắc phải sai lầm; và không còn nghi ngờ gì nữa, tốt hơn là hãy lánh đi, như Matthew Arnold từng khuyên, hãy từ bề mặt nóng bỏng của hiện tại tìm đến sự yên tĩnh an toàn của quá khứ. “Chúng ta đã bước vào vùng đất đang cháy hừng hực”, Matthew Arnold viết, “ngay khi chúng ta tiếp cận thơ ca của những thời kỳ kề cận, thơ ca như của Byron[24], Shelley và Wordsworth, đánh giá thường không chỉ mang tính cá nhân, mà mang tính cá nhân đầy nhiệt huyết”, và điều này, họ nhắc nhở chúng ta, đã được viết từ năm 1880. Họ cảnh báo ta hãy cẩn thận khi soi chiếu dưới kính hiển vi một inch trong dải ruy băng dài nhiều dặm; mọi thứ sẽ tự đâu vào đó nếu bạn biết chờ đợi; tiết chế, và nên nghiên cứu những tác phẩm kinh điển. Hơn nữa, cuộc sống rất ngắn ngủi; đã sắp sửa một trăm năm kể từ thời của Byron; mà câu hỏi nóng bỏng ở thời điểm này nên là, ông ấy, có hay không, từng kết hôn với em gái mình? Tóm lại – nếu ta thực sự có thể đi đến bất kỳ kết luận nào khi tất cả mọi người đều đang lên tiếng cùng một lúc và đã đến lúc phải rời đi – có vẻ như sẽ là khôn ngoan khi các nhà văn hiện tại từ bỏ hy vọng tạo ra được những kiệt tác. Những bài thơ, vở kịch, tiểu sử, tiểu thuyết của họ không phải là sách mà là sổ ghi chép, và quý ngài Thời gian, giống như một giáo viên tận tuỵ, sẽ cầm chúng trong tay, chỉ vào những tì vết và nét vẽ nguệch ngoạc, những nét tẩy xoá, rồi xé toạc; nhưng ông ấy sẽ không ném chúng vào thùng đựng giấy lộn. Ông ấy sẽ giữ lại vì các học sinh khác thấy chúng hữu ích. Chính từ những cuốn sổ tay của hiện tại mà những kiệt tác của tương lai được tạo ra. Văn học, như các nhà phê bình nói, đã tồn tại từ lâu, đã trải qua nhiều thay đổi, và nó chỉ là một cái nhìn hạn hẹp, một tâm trí thiển cận thường phóng đại tầm quan trọng của những cơn gió lẻ – dù chúng có thể lay động những chiếc thuyền nhỏ đang tung tăng ngoài biển. Giông bão và mưa gió ở trên mặt nước; còn sự nhất quán và bình thản nằm dưới lòng sâu.

Đối với các nhà phê bình mà mục tiêu là đưa ra phán xét về những cuốn sách đang được ưa chuộng, những người mà công việc của họ, chúng ta phải thừa nhận, là khó khăn, nguy hiểm và thường không lấy gì làm dễ chịu, chúng ta hãy yêu cầu họ hào phóng những lời khích lệ mà bỏ qua những vòng hoa dễ dàng xô lệch, tàn úa, khiến cho người đội, trong vòng sáu tháng, trông hơi lố bịch. Hãy để họ phát triển tầm nhìn bao quát và hạn chế tính cá nhân về văn học hiện đại, hãy để họ xem các nhà văn là những người đang dấn thân xây dựng một công trình vĩ đại bằng nỗ lực chung, ngay cả khi những người thợ đơn lẻ ấy có thể vẫn ẩn danh. Hãy để họ đóng sầm cửa trước hội đoàn ấm cúng nơi đường thì rẻ và bơ sữa thì dồi dào, ít nhất là trong một khoảng thời gian, dừng thảo luận về chủ đề hấp dẫn đó – liệu Byron có kết hôn với em gái mình không – và, có lẽ, lùi một đoạn ​khỏi cái bàn nơi chúng ta ngồi buôn chuyện, mà nói điều gì đó hay ho về chính văn học. Chúng ta hãy níu gấu áo họ khi họ sắp sửa rời đi, và gợi họ nhớ lại ký ức về nàng quý tộc mảnh mai ấy, Lady Hester Stanhope[25], người giữ ngựa trong chuồng chờ thánh Messiah, mòn mỏi ngóng trông ngày Người tới, và hãy như nàng; phóng tầm mắt về phía chân trời; nhìn về quá khứ trong mối tương quan với tương lai; vậy nên, hãy dọn đường cho những kiệt tác sắp xuất hiện.

Virginia Woolf

phạm thu hà dịch

[1] John Milton (1608 – 1674) là một nhà thơ, nhà phê bình văn học người Anh. Ông nổi tiếng với các tác phẩm Thiên đường đã mất (Paradise Lost), Thiên đường trở lại (Paradise Regained) và “Areopagitica” – bài luận lên án sự kiểm duyệt.

[2] John Keats (1795 – 1821) – nhà thơ Anh, người cùng thời với Percy Bysshe Shelley, Lord Byron, một đại diện tiêu biểu của trường phái lãng mạn Anh thế kỉ XIX.

[3] Robert Elsmere là tiểu thuyết của Humphry Ward, xuất bản năm 1888. Nó đã ngay lập tức thành công, nhanh chóng bán được hơn một triệu bản và nhận được sự ngưỡng mộ của nhiều người có tên tuổi trên văn đàn bấy giờ.

[4] Stephen Phillips (1864 – 1915) là một nhà thơ và nhà viết kịch người Anh.

[5] Có lẽ là tác phẩm của Hubert Bland, một trong những người sáng lập ra Fabian Society.

[6] John Dryden (1631- 1700) là một nhà thơ, nhà phê bình văn học, dịch giả, nhà soạn kịch người Anh. Ông là người đã được nhận giải Poet Laureate đầu tiên của nước Anh năm 1668.

[7] Samuel Johnson (1709 – 1784) là người có những đóng góp to lớn cho văn học Anh với tư cách là nhà thơ, nhà viết kịch, nhà viết tiểu luận, nhà đạo đức học, nhà phê bình văn học, nhà viết tiểu sử, biên tập viên, và nhà từ điển học.

[8] Samuel Taylor Coleridge (1772 –1834) – Nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà triết học Anh, một đại diện tiêu biểu của các nhà thơ vùng Hồ (Lake Poets) – gồm Samuel Taylor Coleridge, Robert Southey và William Wordsworth. Ông cũng là cha của nữ nhà thơ Anh Sara Coleridge và nhà thơ, nhà thư mục Hartley Coleridge.

[9] Enoch Arnold Bennett (1867 – 1931) là một tác giả người Anh, nổi tiếng với tư cách tiểu thuyết gia.

[10] Xem hai đoạn trích sau đây trên tờ The Daily News là thấy lời khen và chê dữ dội thế nào. “Tác phẩm này  [Told by an Idiot] nên được đọc như Tempest, và nên được đọc như Gulliver’s Travels, bởi nếu tài năng văn chương của cô Macaulay tình cờ lại không trác tuyệt bằng tác giả của Tempest, và nếu sự châm biến của cô ấy lại không ghê gớm bằng tác giả Gulliver’s Travels, thì sự công bằng và uyên thâm của cô không xuất sắc bằng họ.”

Ngày tiếp đó chúng ta đọc được trên tờ The Manchester Guardian: “Những người còn lại chỉ có thể nói rằng, nếu quý ngài Eliot[10] đã thoả mãn khi được viết lách bằng thứ ngôn ngữ Anh đầy dân chủ thì tập thơ Vùng đất hoang (The Waste Land) đã không tồn tại, vì nó là dành cho tất cả mọi người trừ các nhà nhân chủng học và các nhà nghiên cứu văn học, quả là lãng phí giấy.” (Chú thích của tác giả)

[11] Gustave Flaubert (1821 – 1880) là một tiểu thuyết gia người Pháp, được coi là một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất của phương Tây.

[12] Thomas Hardy (1840 – 1928) là một tiểu thuyết gia và nhà thơ người Anh.

[13] Joseph Conrad (1857 – 1924) là một nhà văn người Anh gốc Ba Lan, tiểu thuyết gia viết bằng tiếng Anh.

[14] Tên những tựa sách kinh điển

[15] William Butler Yeats (1865 – 1939) là một nhà thơ người Ireland và là một trong những nhân vật quan trọng nhất của văn học thế kỷ 20.

[16] William Henry Davies (1871 – 1940) là một nhà thơ và nhà văn xứ Wales.

[17] Walter John de la Mare (1873 – 1956) là một nhà thơ, nhà văn viết truyện ngắn, và tiểu thuyết gia người Anh.

[18] David Herbert Lawrence (1885 – 1930) là một nhà văn và nhà thơ người Anh.

[19] Sir Henry Maximilian “Max” Beerbohm (1872 – 1956) là một nhà tiểu luận, người hát rong và nghệ sĩ biếm họa người Anh.

[20] William Wordsworth (1770 – 1850) là nhà thơ lãng mạn Anh, người cùng với Samuel Taylor Coleridge khởi xướng trào lưu lãng mạn) trong văn học tiếng Anh với tác phẩm Thơ trữ tình (Lyrical Ballads, 1798).

[21] Sir Walter Scott (1771 – 1832) là một nhà viết  tiểu thuyết lịch sử, nhà thơ, nhà viết kịch và nhà sử học người Scotland. Nhiều tác phẩm của ông vẫn là tác phẩm kinh điển của cả văn học Anh và văn học Scotland.

[22] Jane Austen (1775 – 1817) là một nữ văn sĩ người Anh, tác giả của nhiểu tác phẩm nổi tiếng.

[23] Một tác phẩm bị bỏ dở của Jane Austen.

[24] George Gordon Byron (1788 – 1824), còn được gọi đơn giản là Lord Byron, là một nhà thơ, chính trị gia người Anh có nhiều ảnh hưởng đến xã hội đương thời.

[25] Lady Hester Lucy Stanhope (1776 – 1839) là một nhà xã hội, nhà thám hiểm người Anh.

Dịch từ “How It Strikes A Contemporary” trong The Common Reader (First Series) của Virginia Woolf.  Một phiên bản khác đăng ở TLS.

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Phạm Thu Hà
Các bài viết khác

Hoa hậu làng văn hạ phàm