Thời gian đọc: 21 phút

Độc giả phổ thông

Có một câu trong bài “Life of Gray” của Dr. Johnson[1] có lẽ đã được viết ra trong những căn phòng ấy, những căn phòng xoàng xĩnh chẳng thể gọi là thư viện nhưng cũng chất đầy sách, nơi những kẻ ẩn dật lặng lẽ bước đi trong cuộc truy tầm việc đọc. “Tôi vui mừng khi có cùng quan điểm với độc giả phổ thông; bởi chính cảm nhận chung của người đọc, mang đánh giá không vấy bẩn bởi những định kiến văn chương, thứ chẳng qua là những gạn lọc từ  và sở học mang nặng tính giáo điều, cuối cùng mới phải quyết định địa vị trên văn đàn.” Nó định rõ phẩm chất của những người ấy, tôn lên mục tiêu của họ; nó ban tặng cho một cuộc truy tầm sẽ ngốn nhiều thời gian nhưng có khả năng chẳng để lại điều gì đáng kể, sự đồng tình của những bậc cao nhân.

Độc giả phổ thông, như ngụ ý của Dr. Johnson, khác với nhà phê bình hay học giả. Anh ta không được học hành nhiều mà tạo hóa cũng chẳng hào phóng ban cho anh ta tài năng. Anh ta đọc vì niềm vui thích của riêng mình chứ không phải để truyền bá kiến thức hay sửa sai ý kiến của người khác. Trên hết, bản năng dẫn lối anh ta để từ những mẩu đầu thừa đuôi thẹo nhặt được, tạo ra cho chính mình một thể vẹn toàn—một chân dung người nào đó, một phác thảo thời đại, một lý thuyết về nghệ thuật viết. Khi đọc, anh ta không khi nào ngừng dựng lên một kết cấu ọp ẹp và lẩy bẩy mang lại cho anh ta chút thỏa mãn nhất thời rằng trông nó cũng hao hao cái đối tượng thực sự một cách thỏa đáng đủ để cho phép anh ta yêu mến, cười vui hay tranh luận. Vội vã, sai sót, hời hợt, khi thì vồ lấy bài thơ này, lúc thì món đồ nội thất cũ nọ, chẳng màng tìm thấy nó ở đâu hay bản chất tự nhiên của nó là gì, miễn sao nó phục vụ cho mục đích của anh ta và bổ túc cho công trình của anh ta, những thiếu sót của anh ta với tư cách một nhà phê bình đã quá rõ ràng; nhưng, như Dr. Johnson nói, nếu anh ta có chút tiếng nói trong việc xếp loại cuối cùng địa vị trên văn đàn, thì có lẽ cũng đáng ghi ra đây vài suy tưởng, dù tự thân chúng chẳng đáng kể, nhưng vẫn đóng góp vào kết quả to lớn kia.

Nên đọc sách thế nào?

Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh dấu hỏi cuối tiêu đề của tôi. Dù tôi có thể tự trả lời câu hỏi ấy, đáp án ấy sẽ chỉ đúng với tôi chứ không phải bạn. Thực vậy, lời khuyên duy nhất mà một người có thể trao cho người khác về việc đọc là đừng nghe theo lời khuyên nào cả, hãy đi theo bản năng của bạn, dùng lý trí của bạn, đưa ra kết luận của bạn. Nếu chúng ta nhất trí điều này, tôi sẽ thấy thoải mái khi đưa ra vài ý tưởng và gợi ý vì bạn sẽ không để chúng giam cầm sự độc lập vốn là điều quan trọng nhất mà một độc giả có thể nắm trong tay. Sau cùng thì, có thể áp đặt luật lệ nào cho sách vở cơ chứ? Trận Waterloo chắc chắn diễn ra vào một ngày cụ thể rồi; nhưng vở Hamlet có hay hơn vở Lear không? Chẳng ai biết được. Mỗi người phải tự mình trả lời câu hỏi ấy. Chấp nhận các đấng uy quyền, dù đức cao vọng trọng đến đâu, vào trong thư viện của chúng ta và để họ bảo cho ta biết phải đọc như thế nào, đọc cái gì, hay những thứ ta đọc có giá trị ra sao, là hủy hoại tinh thần tự do vốn là sinh khí của chốn thiêng liêng ấy. Chúng ta có thể phải tuân theo luật lệ và quy định ở bất kỳ nơi nào khác—chứ ở đây thì không.

Nhưng để tận hưởng tự do, nếu có thể xin bỏ qua cho lối nói sáo rỗng ấy, tất nhiên chúng ta phải kiểm soát bản thân. Chúng ta không thể lãng phí nội lực của mình, một cách vô vọng và dốt nát, phun nước khắp nửa ngôi nhà chỉ để tưới cho một bụi hồng; chúng ta phải rèn nó, một cách chuẩn xác và hiệu quả, ngay tại điểm trọng tâm. Có thể đó là một trong những khó khăn đầu tiên ta phải đối mặt trong thư viện. Nhưng đâu là “điểm trọng tâm”? Dường như chẳng có gì ngoài một mớ lộn xộn rối rắm. Thơ và tiểu thuyết, sách lịch sử và hồi ký, từ điển và sách danh nhân[2]; sách viết bằng đủ mọi ngôn ngữ bởi cả đàn ông và phụ nữ ở đủ mọi trạng thái cảm xúc, chủng tộc, tuổi tác chen lấn nhau trên giá. Còn ngoài kia lừa thì kêu be be, đám đàn bà tám chuyện bên máy bơm nước, ngựa non chạy khắp cánh đồng. Chúng ta phải bắt đầu từ đâu đây? Làm sao mang lại trật tự cho đống hỗn loạn này để thu nhận niềm khoái cảm sâu rộng nhất từ những gì chúng ta đọc?

Thật đơn giản nếu nói vì sách chia thành nhiều loại—như văn học hư cấu, tiểu sử, thơ—nên chúng ta nên tách biệt các loại và nhận lấy từ mỗi thể loại những gì chúng trao cho ta. Nhưng rất ít người hỏi sách rằng chúng có thể mang lại gì cho ta. Thường thì chúng ta đến với sách bằng tâm trí mù mờ và mâu thuẫn, đòi văn hư cấu phải thực, thơ ca phải bịa, tiểu sử phải tâng bốc, mà lịch sử thì phải khẳng định thành kiến của chính mình. Nếu chúng ta có thể xóa bỏ hết những thiên kiến ấy khi đọc, đó sẽ là một khởi đầu tuyệt vời. Đừng bảo tác giả phải làm gì; hãy cố trở thành anh ta. Hãy là người đồng nghiệp, kẻ đồng lõa với anh ta. Nếu từ đầu bạn đã do dự, dè dặt hay chỉ trích, chính bạn sẽ cản trở bản thân tiếp nhận giá trị khả dĩ vẹn tròn từ những gì bạn đọc. Nhưng nếu bạn mở rộng tâm trí, thì dấu hiệu và gợi ý của những tinh túy cơ hồ vô hình từ bao ngoắt ngoéo trong những câu đầu tiên sẽ đưa bạn đến với sự hiện diện của một người không giống như ai khác. Hãy dành nhiều thời gian nghiền ngẫm tác phẩm, hãy tự mình làm quen, rồi bạn sẽ sớm nhận ra tác giả đang trao cho bạn, hoặc cố gắng trao cho bạn, điều gì đó rất rõ ràng. Ba mươi hai chương của một cuốn tiểu thuyết—nếu trước tiên chúng ta xét xem nên đọc tiểu thuyết ra sao—là nỗ lực tạo nên một thứ hình hài cụ thể như một tòa nhà: nhưng ngôn từ khó nắm bắt hơn gạch ngói; đọc là quá trình phức tạp và dài lâu hơn nhìn. Có lẽ cách nhanh nhất để hiểu những việc cơ bản tiểu thuyết gia đang làm không phải là đọc mà là viết; là tự mình thử nghiệm với những hiểm nguy và khó khăn của ngôn từ. Vậy, hãy nhớ về sự kiện nào đó để lại ấn tượng rõ ràng trong bạn—có thể là khi bạn lướt qua hai người đang nói chuyện nơi góc phố. Ngọn cây đung đưa; ánh điện nhảy múa; giọng điệu cuộc nói chuyện thật hài hước, nhưng cũng đầy bi kịch; trọn vẹn cảnh tượng và nhận thức về nó dường như gói gọn trong khoảnh khắc ấy.

Nhưng khi cố tái dựng bằng ngôn từ, bạn sẽ nhận ra nó vỡ vụn thành hàng ngàn mảnh ấn tượng đầy mâu thuẫn. Một số phải bị kìm nén; số khác được nhấn mạnh; trong quá trình ấy có lẽ bạn sẽ đánh mất chính cảm xúc. Lúc này hãy chuyển từ những trang viết mơ hồ rời rạc của bạn sang những trang mở đầu của những tiểu thuyết gia lớn—Defoe, Jane Austen, Hardy. Giờ bạn sẽ có thể nhận ra tài năng bậc thầy của họ. Đó không đơn thuần là chúng ta đứng trước sự hiện diện của một người khác—Defoe, Jane Austen hay Thomas Hardy—mà là chúng ta sống trong một thế giới khác. Trong Robinson Crusoe, chúng ta lê bước trên con đường trống trải hoang vu; chuyện nọ tiếp nối chuyện kia; chỉ cần sự kiện và thứ tự của chúng là đủ. Nhưng nếu không gian mở và cuộc phiêu lưu là tất cả với Defoe thì chúng lại chẳng có ý nghĩa gì với Jane Austen. Đây là phòng khách, mọi người đang trò chuyện và cuộc trò chuyện là những tấm gương tiết lộ tính cách họ. Và khi đã quen với phòng khách cùng những ánh phản chiếu của nó, chúng ta chuyển sang Hardy, lại quay ngoắt một lần nữa. Quanh ta là đồng hoang và trên đầu là những vì sao. Giờ đây hiển lộ trước mắt ta là mặt phía bên kia của tâm trí—mặt tối vẫn xuất hiện trên nhất khi ta cô độc, chứ không phải mặt sáng phô ra trước bạn bầu. Mối quan hệ của chúng ta không phải với con người, mà với tự nhiên và định mệnh. Dù những thế giới ấy khác nhau nhưng mỗi thế giới tự nó lại rất nhất quán. Người tạo ra chúng đã cẩn thận quan sát những quy tắc theo điểm nhìn của anh ta, dù khiến chúng ta căng thẳng nhường nào, họ cũng không khi nào khiến ta bối rối, như một số ít nhà văn hay làm, bằng cách đưa ra hai thực tại trong cùng một cuốn sách. Vì thế, chuyển từ một tiểu thuyết gia lớn này sang một tiểu thuyết gia lớn khác—từ Jane Austen sang Hardy, từ Peacock sang Trollope, từ Scott sang Meredith—là một lần nhổ bật rễ; là bị quăng từ nơi này sang nơi khác. Đọc tiểu thuyết là nghệ thuật phức tạp và khó khăn. Bạn không những phải có khả năng cảm nhận cực kỳ tế vi mà còn phải có trí tưởng tượng táo bạo nếu muốn nhận được ích lợi gì từ tất thảy những điều mà tiểu thuyết gia—người nghệ sĩ vĩ đại—trao cho bạn.

Nhưng nhìn qua mớ hỗn tạp trên giá sách bạn sẽ thấy rất hiếm khi tác giả là “nghệ sĩ vĩ đại”; thường một cuốn sách còn chẳng nhận mình là một tác phẩm nghệ thuật. Còn những cuốn tiểu sử và tự truyện, chẳng hạn như về cuộc đời vĩ nhân, của những người từ lâu đã chết và bị lãng quên, nằm ngay kế bên những tiểu thuyết và thơ, chúng ta có từ chối đọc vì chúng không phải “nghệ thuật”? Hay chúng ta vẫn sẽ đọc, nhưng đọc theo một cách khác, với một mục đích khác? Chúng ta có đọc những cuốn ấy để thỏa mãn trí tò mò vẫn đôi khi xâm chiếm ta mỗi khi tối trời, ta nán lại trước cửa một ngôi nhà vẫn sáng đèn, rèm chưa buông và mỗi tầng của căn nhà ấy lại phô bày cho ta một góc khác của nhân sinh? Khi đó chúng ta đắm chìm trong tò mò về cuộc đời những người ấy—đám giúp việc tán chuyện, các quý ông ngồi ăn tối, cô gái này diện đồ cho buổi tiệc, bà lão nọ đan lát bên cửa sổ. Họ là ai, họ làm gì, tên họ ra sao, nghề nghiệp, suy nghĩ và hành trình của họ thế nào?

Sách tiểu sử và hồi ký trả lời những câu hỏi như thế, thắp sáng vô số những căn nhà như thế; chúng cho ta thấy con người trong đời sống hằng ngày của họ, làm việc, thành công, thất bại, ăn uống, yêu ghét, cho tới khi họ chết. Thảng hoặc khi ta ngắm, ngôi nhà mờ dần, những hàng rào song sắt biến mất và chúng ta bước về phía biển; chúng ta đi săn, ra khơi, chiến đấu; chúng ta đứng giữa những kẻ hung bạo và những lính tráng; chúng ta dự phần vào những chiến dịch vĩ đại. Hay nếu chúng ta thích ở Anh, ở London này, cảnh vật cũng sẽ vẫn đổi thay; phố nhỏ lại; nhà hẹp hơn, chật chội hơn, hôi hám và lắp cửa sổ song sắt hình thoi. Chúng ta thấy nhà thơ Donne bị xua ra khỏi căn nhà như vậy vì tường mỏng tới nỗi tiếng khóc trẻ em có thể xuyên qua. Chúng ta đi theo ông, qua những con đường nằm trong trang sách, đến Twickenham; đến Công viên Phu nhân BedFord, nơi gặp gỡ nổi tiếng của quý tộc và nhà thơ; rồi chúng ta quay bước sang Wilton, ngôi nhà lớn cuối chân đồi, và nghe tiếng Sidney đọc Arcadia cho em gái mình; dạo chơi giữa chính những đầm lầy và ngắm nhìn chính những con diệc trong thiên tình lãng mạn nổi tiếng ấy; rồi ta lại quay về phương Bắc với một Phu nhân Pembroke khác, Anne Clifford, với những đồng truông hoang dại của bà, hoặc lao vào thành phố và kiềm chế niềm hân hoan của mình khi trông thấy Gabriel Harvey trong bộ vét nhung đen đang bàn luận thơ phú với Spenser. Không gì thú vị hơn được dò dẫm và trượt chân vào London lúc thì đêm đen sâu thẳm lúc thì nguy nga tráng lệ dưới thời Elizabeth. Nhưng ta chẳng thể ở đó mãi. Nhà Temple và Swift, nhà Harley và St. John vẫy gọi chúng ta; ta có thể dành hàng giờ tháo gỡ những bất hòa của họ và giải mã tính cách họ; và khi đã mệt với họ chúng ta có thể dạo bước, ngang qua một quý cô diện đồ đen đeo kim cương, đến với Samuel Johnson, Goldsmith và Garrick; hoặc băng qua eo biển Manche nếu thích để gặp Voltaire, Diderot, Madame du Deffand; rồi quay trở lại Anh và Twickenham—những nơi chốn và tên gọi cứ lặp lại như thế!—nơi từng là Công viên Phu nhân Bedford sau này là nơi Pope sống, đến nhà của Walpole trên đồi Strawberry. Nhưng Walpole giới thiệu cho ta biết bao mối quan hệ mới, có nhiều nhà phải ghé thăm với nhiều chuông cửa phải gọi tới nỗi chúng ta có thể hơi do dự một chút, ví dụ, khi nhìn lên ngưỡng cửa nhà cô Berry, ta sẽ thấy Thackeray; anh là bạn của người phụ nữ mà Walpole yêu; chỉ đơn giản bằng cách gặp gỡ người bạn này tới người bạn nọ, đi từ khu vườn này tới khu vườn kia, ngôi nhà này tới ngôi nhà khác, chúng ta đã đi từ đầu này tới đầu kia của văn chương Anh và lại thấy mình ở đây giữa hiện tại này, nếu chúng ta có thể tách biệt khoảnh khắc này với những gì xảy ra trước đó. Vậy đó, đây là một trong những cách chúng ta có thể dùng để đọc về cuộc đời và thư từ cá nhân; chúng ta có thể khiến chúng thắp sáng nhiều cửa sổ trong quá khứ; chúng ta có thể nhìn thấy những người nổi tiếng đã chết với thói quen của họ và đôi khi thích thú tưởng tượng rằng chúng ta ở rất gần và có thể bắt quả tang những bí mật của họ, đôi khi chúng ta có thể lôi ra một vở kịch hay bài thơ họ viết để xem liệu có khác gì không khi ta đọc chúng trước mặt tác giả. Nhưng điều này lại dấy lên những câu hỏi khác. Chúng ta phải tự hỏi, cuốn sách bị ảnh hưởng bởi cuộc đời nhà văn bao nhiêu phần—trong chừng mực nào ta có thể để con người thực diễn giải con người nhà văn? Trong chừng mực nào chúng ta phải chống lại hoặc chịu thua lòng đồng cảm hay ác cảm mà anh ta dấy lên trong lòng ta—ngôn từ thật nhạy làm sao, dễ ảnh hưởng vì tính cách của tác giả làm sao? Đây là những câu hỏi đặt ra khi chúng ta đọc về cuộc đời và thư từ cá nhân của họ, chúng ta phải tự mình trả lời chúng, vì không gì nguy hại hơn là để bị dẫn dắt theo sở thích của người khác trong một vấn đề rất đỗi cá nhân.

Nhưng chúng ta cũng có thể đọc những cuốn sách ấy với một mục đích khác, không phải để soi tỏ văn chương, chẳng phải để quen biết người nổi tiếng, mà để làm mới mình và thực hành năng lực sáng tạo của riêng ta. Chẳng phải có một cửa sổ đang mở ngay phía bên phải giá sách sao? Thật vui sướng biết bao khi dừng đọc mà nhìn ra ngoài! Cảnh sắc thật lý thú, trong sự vô thức, xa vời và vận động không ngừng của nó—ngựa non phi nước đại trên đồng, người phụ nữ múc đầy xô nước bên giếng, con lừa ngửa cổ cất tiếng rền rĩ inh tai. Điều giá trị hơn cả trong bất kỳ thư viện nào không gì khác ngoài việc ghi lại những khoảnh khắc thoáng qua như thế trong đời người đàn ông, phụ nữ và con lừa. Trên hành trình trưởng thành, mỗi nền văn chương đều có những đống rác của nó, bản ghi những khoảnh khắc đã mất và những cuộc đời đã bị lãng quên kể bằng giọng ngập ngừng và lí nhí nay đã tàn lụi. Nhưng nếu bạn cho phép bản thân vui thú đọc những thứ rác ấy, bạn sẽ ngạc nhiên, thực vậy, bạn sẽ bị khuất phục trước những chứng tích của đời sống nhân sinh đã bị tống cổ để dần dần mục ruỗng. Đó có thể chỉ là một từ—mà tầm nhìn rộng lớn biết bao! Đó có thể chỉ là vài câu—mà khung cảnh khoáng đạt nhường nào! Đôi khi cả câu chuyện mang vẻ hóm hỉnh, cảm động và vẹn toàn như thể đó là tác phẩm của một tiểu thuyết gia vĩ đại, nhưng thực tình chỉ là một anh diễn viên già, Tate Wilkinson, nhớ lại câu chuyện kỳ lạ của Đại úy Jones; chỉ là anh trung úy dưới quyền Authur Wellesley và đem lòng yêu một cô nàng xinh đẹp ở Lisbon; chỉ là Maria Allen đánh rơi đồ khâu vá trong phòng khách trống không và thở dài ước sao nàng đã nghe lời khuyên tốt đẹp của tiến sĩ Burney để đừng bao giờ trốn đi cùng Rishy. Chẳng điều gì trong số ấy có giá trị; nếu có cũng chẳng đáng kể; nhưng thật thú vị biết bao khi đôi lúc được bới qua đống rác để tìm những chiếc nhẫn,  kéo, và mũi gãy chôn vùi trong quá khứ mênh mông và cố ghép chúng lại trong khi chú ngựa non đang phi nước đại trên đồng, người phụ nữ múc đầy xô nước bên giếng còn con lừa kêu be be.

Nhưng về lâu dài, chúng ta mệt mỏi khi phải đọc những thứ rác. Chúng ta mệt mỏi khi phải kiếm tìm thứ cần có để hoàn tất một nửa sự thật, ấy là tất cả những gì mà những Wilkinson, Bunbury hay Maria Allen có thể trao cho chúng ta. Họ không có sức mạnh tinh thông loại bỏ những gì không cần thiết như người nghệ sĩ; họ không thể kể toàn bộ sự thật, thậm chí là về chính cuộc đời họ; họ bóp méo câu chuyện có thể vốn đã rất hoàn chỉnh. Họ chỉ có thể mang đến cho chúng ta những sự kiện, nhưng sự kiện là dạng thức rất thấp kém của hư cấu. Vậy nên trong chúng ta nảy sinh khao khát vứt bỏ những câu nói nửa vời và những điều tam đủ; thôi không kiếm tìm những sắc thái tinh vi trong tính cách con người, để tận hưởng sự mơ hồ tuyệt vời hơn, sự thật thuần khiết hơn của hư cấu. Vì thế chúng ta tạo ra cảm xúc, mãnh liệt và khái quát, không chú ý tới tiểu tiết nhưng vẫn được nhấn mạnh bởi nhịp điệu đều đặn, vốn là biểu hiện tự nhiên của thơ; và đó là lúc đọc thơ… khi chúng ta gần như có thể sáng tác thơ.

Hỡi gió Tây khi nao ngươi thổi?
Cơn mưa nhỏ lại đổ nơi đây.
Giá người thương lại ấp trong tay
Và tôi lại thấy mình trên giường lần nữa!

Ảnh hưởng của thơ mạnh và trực diện tới nỗi trong một khoảnh khắc không thể có một cảm giác nào ngoài chính bài thơ. Chúng ta bước vào chiều sâu khôn cùng—đắm mình đột ngột và trọn vẹn xiết bao! Chẳng có gì để bắt lấy; chẳng có gì ngăn ta giữa chuyến bay. Ảo giác hư cấu bước đến dần dần; ảnh hưởng của nó được chuẩn bị sẵn; nhưng có ai khi đọc bốn dòng ấy dừng lại tự hỏi ai là người viết ra chúng, hay gợi lên suy nghĩ về ngôi nhà của Donne hay thư ký của Sidney; hoặc đưa chúng vào quá khứ chằng chịt và những thế hệ tiếp nối trong tương lai? Nhà thơ luôn cùng thời với chúng ta. Sự tồn tại của chúng ta cô đặc lại trong khoảnh khắc ấy, như trong mọi cú va chạm cảm xúc cá nhân dữ dội. Sau đó, quả có thế, cảm giác bắt đầu lan tới những vòng rộng hơn thông qua trí não; chạm tới những cảm giác xa hơn; chúng bắt đầu lên tiếng và bình luận, khiến chúng ta ý thức được những tiếng vọng đáp và ánh phản chiếu. Xúc cảm mãnh liệt mà thơ mang lại trải dài trên bao cảm xúc. Chúng ta chỉ cần so sánh sức mạnh và sự trực diện của những câu này

Tôi ngã như cái cây, và tìm thấy mộ mình,
Chỉ nhớ, rằng lòng tôi đau

với sự quanh co ngập ngừng trong những câu

Mỗi phút đo bằng hạt cát rơi,
Như đồng hồ cát đong đếm; thời gian
Rục thân ta xuống mồ, còn ta nhìn xuống;
Một thời hân hoan, đã say sưa hết, cuối cùng
Cũng quay về, và kết trong tiếc nuối; mà cuộc đời
Chán chường chè chén, vẫn đếm từng hạt cát,
Than van thở dài, tới hạt cuối cùng rơi,
Khép lại tai ương trong bình yên,

hay đặt sự điềm tĩnh trầm tư của những câu

Chúng ta dù trẻ hay già,
Định mệnh, con tim và mái ấm của tồn tại ta,
Luôn ở với vô cùng, và chỉ ở đó;
Ở với hy vọng, hy vọng không bao giờ tắt,
Nỗ lực, kỳ vọng và khát khao,
Và điều gì trường cửu hãy còn chưa tới,

bên cạnh vẻ yêu kiều toàn vẹn khôn xiết của những câu

Trăng bước mãi lên cao,
Chẳng dừng lại chốn nào:
Nhẹ nhàng lên cao mãi,
Bên cạnh mấy vì sao—

hoặc trí tưởng tượng tuyệt vời của những câu

Kẻ hay lui tới rừng
Thơ thẩn mãi chẳng dừng;
Xa xa một khoảnh đồng,
Khi thế giới bùng cháy,
Một ngọn lửa vươn dậy,
Dường như anh trông thấy,
Hoa nghệ tây trong bóng

để khiến chúng ta nhận ra nghệ thuật đa dạng của các nhà thơ; khả năng ngay lập tức biến chúng ta thành diễn viên và khán giả của anh ta; khả năng thọc đôi tay của anh ta vào nhân vật như thể đó là một đôi găng tay, để trở thành Falstaff hay Lear; khả năng cô đọng, mở rộng, nói rõ, một lần và mãi mãi.

“Chúng ta chỉ cần so sánh”—với những lời ấy, bí mật đã hé lộ và sự phức tạp của việc đọc được thừa nhận. Bước đầu tiên, tiếp nhận những ấn tượng ban đầu với tất cả hiểu biết, chỉ là một nửa quy trình đọc; việc đọc chỉ hoàn thiện khi ta nhận được trọn vẹn niềm hân hoan từ cuốn sách bằng một bước nữa. Chúng ta phải đưa ra đánh giá về vô số những ấn tượng ấy; từ những khối hình nhất thời ấy chúng ta phải nặn chúng thành một khối hình vững chãi và bền lâu. Nhưng không phải một cách trực tiếp. Hãy chờ cho lớp bụi khi đọc lắng xuống; cho mâu thuẫn và hoài nghi ngủ yên; đi đứng, chuyện trò, bứt những cánh hoa tàn từ bông hồng, hoặc chìm vào giấc ngủ. Thế rồi bất thình lình khi ta chẳng ngờ tới, bởi chính bàn tay tự nhiên làm nên cuộc chuyển hóa này, cuốn sách sẽ trở lại, nhưng theo một cách khác. Nó sẽ trôi trên tâm trí ta như một thể vẹn toàn. Cuốn sách vẹn toàn khác với cuốn sách được tiếp nhận theo từng khúc riêng biệt. Giờ đây những tiểu tiết tự mình khớp vào vị trí của chúng. Chúng ta trông thấy khối hình ấy từ đầu tới cuối; đó là một kho thóc, một chuồng heo hay một nhà thờ. Giờ chúng ta có thể so sánh cuốn này với cuốn kia như thể so sánh ngôi nhà này với ngôi nhà khác. Nhưng hành vi so sánh này có nghĩa là thái độ chúng ta đã thay đổi; chúng ta không còn là bạn của tác giả, mà trở thành kẻ phán xử anh ta; và cũng như không thể quá cảm thông khi là bạn, chúng ta cũng không nên quá hà khắc khi làm người phán xử. Chẳng phải chúng là tội phạm sao, những cuốn sách làm lãng phí thời giờ và lòng cảm thông của chúng ta; chẳng phải họ là những kẻ thù xảo quyệt nhất của xã hội, những kẻ nhũng nhiễu, ô uế, tác giả của những cuốn sách phản trắc, dối lừa, những cuốn sách lấp đầy bầu không khí bằng thối rữa và bệnh hoạn đó sao? Vậy thì hãy thật nghiêm khắc trong những đánh giá của mình; hãy so sánh mỗi cuốn sách với những cuốn hay nhất cùng thể loại. Dáng hình cuốn sách chúng ta đã đọc vẫn neo trong tâm trí trở nên vững chãi hơn bởi những đánh giá của chúng ta về chúng—Robinson Crusoe, Emma, The Return of the Native. Hãy so sánh tiểu thuyết với những cuốn ấy—ngay cả những tiểu thuyết mới nhất và ít giá trị nhất cũng có quyền được so sánh với những cuốn hay nhất. Còn với thơ—khi niềm say sưa với giai điệu đã lắng xuống, ánh hào quang của ngôn từ đã nhạt màu, một hình khối mộng ảo sẽ quay trở lại với chúng ta, và ta phải so sánh nó với Lear, với Phèdre, với The Prelude; nếu không phải với những bài ấy thì cũng phải là với những bài hay nhất hoặc đối với chúng ta là hay nhất trong thể loại ấy. Chúng ta có thể cam đoan rằng nét tươi mới của thơ và văn hư cấu mới cũng là nét nông cạn nhất của nó và rằng chúng ta chỉ phải thay đổi chút ít, chứ không phải đập đi xây lại những quy chuẩn mà chúng ta đã dùng đánh giá các tác phẩm cũ.

Sẽ thật ngu ngốc khi vờ rằng bước thứ hai của việc đọc, bước đánh giá và so sánh, lại đơn giản như bước đầu tiên—bước mở rộng đón nhận bao ấn tượng vô kể ùa vào tâm trí. Đọc khi sách không còn ở trước mặt, xếp chồng bóng này lên bóng nọ, đọc rộng và sâu để những so sánh ấy sống động và sáng tỏ—điều ấy mới khó; còn khó hơn nữa khi đi sâu hơn và nói rằng, “Cuốn sách không chỉ thuộc dạng này mà còn mang những giá trị này; nó thành công chỗ này, thất bại chỗ nọ, được chỗ này, không được chỗ kia”. Người đọc gánh vác được trách nhiệm này cần có trí tưởng tượng và hiểu biết sâu sắc tới nỗi thật khó mà cho rằng bất kỳ ai cũng làm được; ngay những người tự tin nhất cũng không thể tìm được gì hơn ngoài những hạt giống của sức mạnh ấy trong mình. Chẳng phải sáng suốt hơn khi bỏ đi bước ấy của việc đọc và để những nhà phê bình, những vị đức cao vọng trọng của thư viện, quyết định giá trị cuốn sách cho ta sao? Nhưng việc ấy cũng thật là không thể! Chúng ta có thể coi trọng lòng đồng cảm, hạ bớt cá tính của mình khi đọc. Nhưng chúng ta biết rằng không thể hoàn toàn đồng tình hay chôn vùi bản ngã; trong ta luôn có một con quỷ thầm thì, “tôi ghét, tôi yêu” và chúng ta không thể bắt nó câm lặng. Thực tế, chính bởi chúng ta yêu ghét mà mối quan hệ của ta với nhà thơ và tiểu thuyết gia mới trở nên gắn bó đến nỗi đôi bên không thể dung thứ cho sự hiện diện của nhau. Thậm chí khi kết quả thật đáng ghét và đánh giá của chúng ta là sai, gu đọc, cái dây thần kinh cảm giác gửi những cú náo động đi khắp châu thân vẫn là thứ chính yếu soi đường cho ta; chúng ta tri nhận bằng cảm xúc; chúng ta không thể kìm nén cái riêng của mình mà không bào mòn nó. Nhưng theo thời gian, có lẽ chúng ta có thể uốn nắn gu của mình; khiến nó thuận theo một mức độ kiểm soát nào đó. Khi nó ngấu nghiến một cách tham lam và hoang toàng đủ mọi loại sách—thơ ca, hư cấu, lịch sử, tiểu sử—rồi dừng đọc và kiếm tìm những khoảng trống mênh mông giữa sự đa dạng muôn màu muôn vẻ và sự khập khiễng của thế giới, chúng ta sẽ thấy nó thay đổi chút ít; nó không quá tham lam mà lại biết suy nghĩ hơn. Nó sẽ mang đến cho chúng ta không chỉ đánh giá thuần túy về những cuốn sách cụ thể mà sẽ cho chúng ta biết có một phẩm chất chung ở những cuốn sách nhất định. Nó sẽ nói, hãy lắng nghe, chúng ta phải gọi THỨ NÀY là gì? Và nó sẽ đọc cho chúng ta nghe, có lẽ là Lear hay Agamemnon để phẩm chất chung ấy hiển lộ. Bởi thế, khi có gu dẫn dắt, chúng ta sẽ đánh bạo nhìn xa hơn một cuốn sách cụ thể mà kiếm tìm những phẩm chất để nhóm các cuốn sách lại với nhau; chúng ta sẽ đặt tên cho chúng và từ đó đặt ra quy tắc mang lại trật tự cho nhận thức của ta. Chúng ta sẽ nhận được sự hài lòng hiếm hoi hơn từ sự phân biệt ấy. Nhưng bởi quy tắc chỉ tồn tại khi nó không ngừng bị phá vỡ do va chạm với bản thân sách vở—không gì dễ dàng và vô tác dụng hơn việc tạo ra quy luật tồn tại không liên quan gì tới sự thật, trong hư vô trống rỗng—cuối cùng, để bình tâm trong nỗ lực khó nhọc này, có lẽ chúng ta nên quay về với những tác gia hiếm hoi soi sáng cho ta về văn chương như một thứ nghệ thuật. Coleridge, Dryden và Johnson, trong những bình phẩm thấu đáo của họ, chính những nhà thơ và tiểu thuyết gia, trong những phát ngôn tường tận của họ, thường khi lại rất có ích; họ khiến những ý tưởng mập mờ đang rơi vào vực sâu mơ hồ của tâm trí chúng ta trở nên sáng rõ và vững chãi. Nhưng họ chỉ có thể giúp nếu chúng ta đến với họ với tâm trí chất đầy những câu hỏi và gợi ý thành thực thu nhận được trên hành trình đọc của ta. Họ chẳng thể làm gì nếu chúng ta chỉ biết làm theo ý họ và ngoan ngoãn nằm yên như con cừu bên bờ giậu. Chúng ta chỉ có thể hiểu phán quyết của họ khi nó mâu thuẫn và đánh bại đánh giá của ta.

Nếu đúng như vậy, nếu việc đọc một cuốn sách đúng cách cần tới những tưởng tượng, hiểu biết và khả năng đánh giá hiếm hoi, có lẽ bạn sẽ kết luận rằng văn chương là thứ nghệ thuật rất phức tạp và rằng chúng ta khó có thể, thậm chí dù dành cả đời để đọc, đóng góp được chút giá trị nào cho việc phê bình. Chúng ta phải giữ nguyên vị trí độc giả; chúng ta đừng nên vờ rằng mình có được thứ hào quang chỉ thuộc về số ít là những nhà phê bình. Nhưng chúng ta cũng có trách nhiệm và thậm chí là tầm quan trọng của mình với tư cách độc giả. Tiêu chuẩn chúng ta đặt ra và đánh giá chúng ta đưa ra sẽ lẻn vào không trung và trở thành một phần trong bầu không khí mà các tác gia hít thở khi họ làm việc. Ảnh hưởng được tạo ra sẽ cho họ biết dù rằng chẳng khi nào nó xuất hiện trên giấy mực. Ảnh hưởng ấy, nếu chỉ dẫn đầy đủ, có khí lực mạnh mẽ, độc đáo và chân thành, có thể sẽ mang lại nhiều giá trị khi mà nền phê bình lúc này đang trì trệ; khi những cuốn sách được đem đi bình luận như đám thú nối đuôi nhau trong phòng tập bắn và nhà phê bình chỉ có một giây để lên đạn và ngắm bắn thì có lẽ cũng nên rộng lòng nếu anh ta nhầm thỏ với hổ, đại bàng với gà, hay bắn trượt và lãng phí viên đạn khi bắn phải một chú bò đang thư thái gặm cỏ trên cánh đồng xa. Nếu sau những cuộc nổ súng tấn công thất thường của báo giới, tác giả nhận ra rằng còn có một kiểu phê bình khác, ý kiến của những người đọc vì tình yêu với việc đọc, chậm rãi và không chuyên, đánh giá bằng lòng cảm thông độ lượng mà vẫn nghiêm khắc cẩn trọng, chẳng nhẽ điều ấy không cải thiện chất lượng tác phẩm của anh ta? Nếu bằng cách ấy, sách trở nên mạnh mẽ hơn, giàu có hơn và phong phú hơn, đó sẽ là cái đích rất đáng vươn tới.

Nhưng ai đọc để đi đến đích chứ, dù cái đích đáng khao khát nhường nào? Chẳng phải có những cuộc truy tầm mà chúng ta theo đuổi chỉ bởi chính cuộc truy tầm ấy, chứ chẳng phải vì lòng thỏa mãn khi đến cái đích cuối cùng? Mà đây chẳng phải một trong số đó sao? Tôi thường hay mơ rằng cuối cùng khi Ngày Phán xét tới, những kẻ chinh phục vĩ đại, những luật sư và chính khách bước lên nhận phần thưởng của họ—vương miện, vòng nguyệt quế, tên tuổi muôn đời ghi dấu trên phiến đá cẩm thạch bất diệt—đấng Toàn năng sẽ quay sang Peter và nói, không khỏi ít nhiều ghen tị khi người thấy chúng ta bước tới với những cuốn sách cắp trong tay, “Nhìn xem, những kẻ này chẳng cần phần thưởng gì nữa. Chúng ta chẳng còn gì cho họ ở đây. Họ đã biết yêu việc đọc”.

Virginia Woolf
Thúy dịch

[1] Bài tiểu sử về nhà thơ Thomas Gray, nằm trong cuốn sách Lives of the Most Eminent English Poets của Samuel Johnson, bút danh Dr. Johnson.

[2] Blue-book: sách liệt kê tên các nhân vật nổi tiếng xã hội.

Dịch từ “The Common Reader” trong The Common Reader (1925) (First Series) và “How should one read a book” trong The Common Reader (1935) (Second Series) của Virginia Woolf.

Chấm sao chút:

Đã có 6 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Thúy
Website | Các bài viết khác

Ngày đêm đếm lá và đếm sao.