Thời gian đọc: 17 phút

William Butler Yeats (13-6-1865 – 28-1-1939, Nobel 1923) trước khi trở thành ông lớn trong thi ca Anh ngữ và thế giới đã bắt đầu bằng sưu tầm truyện cổ và thi ca dân gian Ireland để xây nên và nuôi dưỡng sáng tác của mình. Được trao giải Nobel vì thơ ca, nhưng ông còn được tôn vinh vì kịch; và các hoạt động sân khấu của nhóm ông tại nhà hát Abbey đã đóng một vai trò lớn trong việc thổi bùng tình cảm dân tộc của những người Ireland lúc ấy còn sống dưới ách cai trị Anh quốc, để khi Ireland giải phóng sau một “cuộc cách mạng của các nhà thi sĩ”, ông cũng giữ một vị trí văn hóa trong chính quyền tự chủ đầu tiên của đất nước thời hiện đại.

Cathleen ni Houlihan, hình tượng Mẹ Ireland trong truyền thuyết, được ông dựa vào để viết vở kịch đơn giản nhưng nhiều ý tứ, ngấm ngầm cổ vũ thanh niên Ireland. Maud Gonne, người đóng vai chính trong đợt công diễn đầu tiên, và là người Yeats si mê suốt nhiều năm ròng, là một nhà hoạt động nổi tiếng trong giới cách mạng thời đó.

Dịch theo văn bản và các dị bản trong The Variorum Edition of the Plays of W. B. Yeats, Russell K. Alspach biên soạn, Macmillan, 1966. Vì không có Phu nhân Gregory giúp đỡ nên lời dịch lời thơ chưa đủ quê kiểng, mong độc giả lượng thứ và góp ý không gạch đá.

– Nguyễn An Lý

*

Phu nhân Gregory kính mến, tôi dành tặng bà hai tập kịch mà phần nào cũng là của chính bà.

Thuở bé tôi vẫn thường lang thang quanh mũi Rosses và Ballisodare lắng nghe những bài hát, câu chuyện xưa. Tôi nghe được gì thì chép lại, rồi từ chuyện đó viết thành thơ hay ghi lại thành những chương ngăn ngắn trong bản in đầu The Celtic Twilight, và tôi bắt đầu viết theo lối Ireland như thế.

Rồi tôi đến London kiếm sống, và dù năm nào tôi cũng về Ireland ít lâu, tìm cách lưu giữ ký ức về cách sống xưa nhờ đọc mọi truyện kể nhà quê nào trong sách hay báo cũ mà tôi gặp, thì cũng dần quên gương mặt thật của đời sống thôn quê. Quả đúng những truyện xưa với tôi vẫn còn đang sống, nhưng là một kiểu sống mới, lạ lùng, gần như hư ảo, như thể sống trong bình thủy tinh của tên thuật sĩ, cho tới khi cuối cùng, khi tôi đã soạn xong cuốn The Secret Rose và đang viết dở chừng The Wind Among The Reeds, một bà thông thái đang nhập đồng cho tôi biết cảm hứng của tôi đến từ mặt trăng, và tôi phải luôn sống gần nước, bởi viết lách của tôi gần đây bắt đầy chứa đầy những ý nghĩ trân châu nho nhỏ đến từ mặt trời và không thuộc về dân tộc nào. Tôi chẳng cần giở những sách chiêm tinh mới biết dân chúng sống dưới mặt trăng, cũng không cần đọc Porphyry mới nhớ quyền năng sinh hình ảnh của nước. Tôi cũng không hề ngờ vực rằng lời bà ta nói với tôi chẳng phải là sự thực, vì trong đầu tôi đầy những truyện hoang đường mà tôi không còn đủ kiến thức và cảm xúc để viết ra. Thế rồi bà đưa tôi theo cùng, gặp gỡ những bạn bè bà trong các nhà ở nông thôn, nói chuyện với những cụ già thông thái trên rặng Slieve Echtge, và chúng ta đã cùng nhặt nhạnh với nhau, hay đúng hơn bà đã nhặt về cho tôi, vô số những câu chuyện và tín ngưỡng cổ truyền. Bà dạy tôi hiểu lại từ đầu, hiểu toàn vẹn hơn nhiều khi trước, bộ mặt thực của đời sống nông thôn.

Một đêm tôi đã mơ, chân thực như thị kiến, thấy một ngôi nhà nông thôn hạnh phúc trong lửa bếp đang sửa soạn cho đám cưới, và giữa ngôi nhà ấy bỗng xuất hiện một bà già mặc áo choàng dài. Bà chính là Ireland, là Cathleen ni Houlihan, đã có bao nhiêu bài hát nhắc đến bà, bao nhiêu câu chuyện kể về bà, bao nhiêu người đã vì bà mà bỏ mạng. Tôi nghĩ nếu mình có thể viết ra thành một vở kịch nhỏ, tôi sẽ giúp mọi người thấy được giấc mơ đúng như tôi đã mơ, nhưng tôi chẳng thể xuống khỏi ô cửa sổ đỉnh tháp với lối kịch thơ hoa mỹ ấy, và bất kể bao công bà chỉ dạy tôi vẫn chưa nắm được lời ăn tiếng nói nông thôn. Cần phải sống giữa nhân dân, giống như bà, như tôi đã từng nghe thấy một cụ già nói về bà: “Bà đã là một cô hầu gái trong số chúng ta”, thì mới có thể nghĩ như nhân dân suy nghĩ, nói bằng miệng lưỡi nhân dân. Chúng ta đã cùng biến giấc mơ của tôi thành vở kịch nhỏ Cathleen ni Houlihan, và khi chúng ta đem đến nhà hát nhỏ ở Dublin và nhận ra nhân dân lao động ưa thích nó, bà đã giúp tôi chuyển hóa những truyện hoang đường mang tính sân khấu khác thành lời lẽ. Vài vở đã được đem diễn, nhưng vài vở có thể sẽ còn rất lâu không được diễn, nhưng tất cả trong số đó, dù chỉ là một phần công việc một mùa hè, đối với tôi có lẽ còn mang gương mặt đời sống nông thôn nhiều hơn bất cứ gì tôi đã làm từ thuở bé tới giờ.

W. B. Yeats

2-1903

(Đề tặng Kịch viết cho sân khấu Ireland, tập 1-2.)

*

CATHLEEN NI HOULIHAN

Bảng nhân vật

PETER GILLANE.

MICHAEL GILLANE, con trai Peter, sắp lấy vợ.

PATRICK GILLANE, mười hai tuổi, em trai Michael.

BRIDGET GILLANE, vợ Peter.

DELIA CAHEL, hứa hôn với MICHAEL.

BÀ GIÀ NGHÈO KHỔ.

Hàng xóm.

CẢNH: Bên trong một ngôi nhà nông thôn gần Killala, năm 1798, BRIDGET đang đứng cạnh bàn mở một cái bọc. PETER ngồi một bên bếp lửa, PATRICK bên kia.

Peter. Tôi nghe thấy tiếng gì đấy?

Patrick. Con chả nghe thấy gì. [Lắng nghe.] Con nghe thấy rồi. Nghe như ai hò reo ấy. [Đi tới cửa sổ ngó ra ngoài.] Hò reo cái gì thế nhỉ. Con chả thấy ai cả.

Peter. Chắc là đang đấu hurling.

Patrick. Hôm nay không có đấu. Hò reo như mãi trong thị trấn cơ.

Bridget. Chắc đám con trai nghĩ ra trò gì riêng để chơi rồi. Peter, lại đây, ông xem cho tôi đồ cưới của thằng Michael này.

Peter. [Dịch ghế lại bàn.] Quần áo đẹp ra trò nhỉ.

Bridget. Cái hồi lấy tôi, ông chẳng có đồ gì được thế này, đến Chủ nhật cũng chẳng bận đồ gì khá hơn ngày khác.

Peter. Quả đúng là vậy. Vợ chồng mình chẳng bao giờ nghĩ chính con trai mình sẽ được mặc áo bảnh thế này mà đi hỏi vợ, hay có nhà đẹp thế này mà rước vợ về.

Patrick. [Vẫn đứng bên cửa.] Có bà già trên đường đi lại phía mình kìa. Có phải định đến nhà mình không nhỉ.

Bridget. Chắc là hàng xóm tới hỏi về đám cưới Michael. Mày có nhìn ra là ai không?

Patrick. Con nghĩ là người lạ đấy, nhưng không đến nhà mình đâu. Bà ấy rẽ sang ngả xuống chỗ bố con Murteen xén lông cừu rồi. [Quay sang BRIDGET.] U nhớ Winny ở ngã tư đêm hôm nọ nói gì không, cái người đàn bà lạ thường vẫn đi khắp nước mỗi lần sắp có chiến tranh xung đột ấy?

Bridget. Đừng có nói quàng về mấy chuyện nhảm của Winny nữa, ra mở cửa cho anh mày đi. U nghe thấy nó đang đi lại đấy.

Peter. Tôi hy vọng nó mang đủ đồ hồi môn của con Delia về đây, vì sợ mấy người bên ấy lại nuốt lời sau khi tôi đã cò kè được. Tôi cò kè chán chê mê mỏi đấy.

[PATRICK mở cửa, MICHAEL vào.

Bridget. Mày làm gì mà lâu thế? Thầy u ngóng mày nãy giờ.

Michael. Con đi vòng qua nhà cha xứ dặn cha nhớ ngày mai làm lễ cho chúng con.

Bridget. Cha có bảo gì không?

Michael. Cha bảo là rất xứng đôi vừa lứa, và chưa có đôi nào trong giáo xứ cha vui lòng làm phép cưới hơn con với Delia Cahel.

Peter. Mày lấy được hồi môn chưa, Michael?

Michael. Con mang đây rồi.

[Bỏ túi lên bàn, đi ra xa tựa vào khung lò sưởi. BRIDGET, từ đầu vẫn đang xem xét quần áo, giật thử đường may và kiểm tra lớp lót túi v.v, giờ đặt quần áo lên tủ.

Peter. [Đứng dậy cầm túi dốc tiền ra bàn.] Ờ, thầy đã cò kè rã bọt mép cho mày đấy Michael. Lão John Cahel thì chỉ muốn giữ lại một phần thêm ít lâu nữa. Lão bảo, “Tôi giữ một nửa khi nào có thằng cu đầu lòng thì đưa. Tôi bảo, “Không có đâu nhá. Có thằng cu hay không có thằng cu, Michael cầm đủ trăm bảng rồi thì mới đưa con bé về nhà.” Rồi bà nhà đó quở lão mấy câu, cuối cùng lão cũng chịu.

Bridget. Thầy nó đếm tiền có vẻ sướng ghê nhỉ.

Peter. Quả có thế. Giá tôi cũng có phúc được lấy trăm bảng, hay hai chục bảng cũng được, cái hồi rước vợ về.

Bridget. Ừ thì tôi không mang đến mấy tí, nhưng tôi cũng có được gì đâu. Hồi tôi lấy ông thì ông có gì, có đàn gà mái tự ông phải nuôi, có dăm con cừu non ông lùa đến chợ Ballina. [Nổi cáu nện ca xuống bàn.] Ừ thì tôi không mang tiền về, nhưng tôi đã làm ra tiền, làm đến rục xương, đặt thằng cu tí nằm trên đống rơm, chính là thằng Michael đứng kia kìa, còn tôi thì đào khoai, mà chả bao giờ đòi áo đòi váy gì mà chỉ có đòi làm việc.

Peter. Đúng là thế.

[Vỗ nhẹ vào tay bà.

Bridget. Để yên cho tôi sửa soạn cái nhà đón bà hoàng sắp bước vào đây.

Peter. Bà là bà hoàng xứ Ireland này rồi, nhưng tiền thì cũng tốt lắm. [Lại đếm tiền lần nữa rồi ngồi xuống.] Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ thấy từng này tiền trong cái nhà này. Giờ có tiền rồi ta có thể làm đủ thứ chuyện. Ta có thể lấy mười acre đất ta có quyền mua từ hồi Jamsie Dempsey chết, nuôi gia súc. Ta sẽ đến mua ở chợ phiên Ballina. Con Delia có đòi lại chút tiền nào dùng riêng không, Michael?

Michael. Thưa thầy không. Nó hình như không để ý mấy, cũng chẳng nhìn đến một lần.

Bridget. Có gì lạ chứ. Nó việc gì phải nhìn đến tiền khi nó còn mải nhìn mày, trẻ trai khỏe mạnh như mày? Có được mày hẳn nó phải hãnh diện lắm, mày là thằng tốt, vững vàng, mày sẽ dùng tiền ra lợi chứ không vung phí hay rượu chè như ai kia.

Peter. Chắc thằng Michael cũng chẳng có đầu óc đâu nghĩ đến tiền bạc, mà chỉ nghĩ về nhan sắc con bé.

Michael. [Lại gần bàn.] À, ai chả muốn bên cạnh mình là một cô xinh xắn đáng yêu, cùng đi với mình ra đường. Tiền bạc ít lâu sẽ hết, người đẹp ở lại suốt đời.

Patrick. [Quay lưng khỏi cửa sổ.] Đằng thị trấn lại hò reo nữa kìa. Hay là người ta cho ngựa từ Enniscrone xuống tàu. Khi nào ngựa xuống nước giỏi, người ta lại hò reo vui vui là.

Michael. Ngựa nghẽo gì ở đây. Chúng nó đi đâu được chứ, lại chẳng phải chợ phiên nữa? Patrick, mày chạy ù vào thị trấn xem có chuyện gì.

Patrick. [Mở cửa sắp đi ra, nhưng dừng lại một lúc trên ngưỡng cửa.] Anh bảo chị Delia có nhớ mang con cún chó săn thỏ mà chị ấy hứa em về luôn không?

Michael. Chắc chắn chị nhớ rồi.

[PATRICK đi ra để ngỏ cửa.

Peter. Rồi đến lượt thằng Patrick tìm cửa hồi môn, nhưng nó sẽ thấy chẳng dễ đâu, cu cậu chẳng có lấy một cái nhà.

Bridget. Tôi thỉnh thoảng cũng nghĩ, bây giờ nhà ta suôn sẻ quá, lại có nhà Cahel đỡ đầu ta trong quận, chú con Delia thì là thầy tu, hay ta thu xếp cho thằng Patrick sau này cũng đi làm thầy, nó học hành giỏi giang thế cơ mà.

Peter. Từ từ rồi tính, từ từ rồi tính, u nó lúc nào cũng đủ thứ kế hoạch trong đầu.

Bridget. Ta sẽ đủ sức cho nó học hành, chứ không bắt nó lang thang khắp vùng nông thôn như một gã học trò nghèo sống nhờ của tế bần.

Michael. Reo gì reo mãi chưa thôi.

[Đến cửa ra vào đứng một lúc, đưa tay lên mắt che nắng.

Bridget. Mày thấy cái gì không?

Michael. Con thấy một bà già đang đi lại trên đường.

Bridget. Không biết là ai nhỉ. Chắc là cái bà lạ lùng thằng Patrick thấy lúc nãy.

Michael. Con nghĩ chẳng phải hàng xóm nào quanh đây đâu, nhưng bà ta trùm áo khoác che mặt rồi.

Bridget. Chắc là bà nhà nghèo nào đấy nghe nhà mình đang sửa soạn đám cưới nên đến xem xin được chút gì chăng.

Peter. Tốt nhất là tôi cất tiền đi. Chẳng tội gì bày nó ra cho thiên hạ chõ mắt vào.

[Đi tới cái hộp lớn góc sân khấu, mở ra cho túi tiền vào loay hoay khóa.

Michael. Bà ta đến rồi, thầy ạ! [Một BÀ GIÀ chậm chạp đi ngang cửa sổ, khi đi qua nhìn lên MICHAEL.] Con chẳng vui gì có người lạ đến nhà ngay đêm mình sắp cưới thế này.

Bridget. Mở cửa ra con; đừng để bà già tội nghiệp phải chờ.

[BÀ GIÀ đi vào. MICHAEL đứng tránh ra nhường đường cho bà.

Bà già. Cầu Chúa phù hộ các người!

Peter. Cầu Chúa phù hộ cho bà!

Bà già. Các người có một mái nhà thật yên ấm.

Peter. Cửa nhà chúng tôi rộng mở nếu bà cần đến nương nhờ.

Bridget. Bếp lửa nhà chúng tôi đây mời bà ngồi sưởi.

Bà già. [Hơ tay.] Ngoài kia gió thổi buốt.

[MICHAEL đứng ở cửa ra vào tò mò nhìn bà ta. PETER tiến lại gần bàn.

Peter. Hôm nay bà đã đi nhiều đường đất?

Bà già. Ta đã đi nhiều, đi rất xa, ít ai đã đi xa đến như ta, và nhiều kẻ thấy ta mà không tiếp đón. Có một người có nhiều con trai khỏe mạnh, ta đã tưởng là bạn ta, nhưng họ mải xén lông cừu, không chịu lắng nghe ta.

Peter. Thật đáng thương thay những ai chẳng có một mái nhà.

Bà già. Đó là một lời nói phải, và kể từ ngày đầu cất bước lên đường ta nay lang bạt đã lâu.

Bridget. Bà đi đường nhiều thế mà lại không kiệt quệ thật là lạ quá.

Bà già. Đôi khi chân ta mỏi, tay ta yên, nhưng trái tim ta chẳng chịu yên. Người đời thấy ta lặng yên thì tưởng rằng tuổi già đã đến, sinh lực đã bỏ rơi ta. Nhưng khi phiền muộn tới ta cần đến gặp bạn bè.

Bridget. Bà phải lên đường lang bạt là vì sao?

Bà già. Những kẻ lạ mặt tới chật nhà.

Bridget. Quả là bà trông đã chịu nhiều vất vả.

Bà già. Ta đã chịu nhiều vất vả, quả nhiên.

Bridget. Bà phải chịu vất vả là vì sao?

Bà già. Vì mảnh đất mà ta bị cướp.

Peter. Mảnh đất bà bị cướp có to không?

Bà già. Ta từng có bốn đồng cỏ xanh xinh đẹp.

Peter. [Nói riêng với BRIDGET.] U nó có nghĩ đây là bà vợ góa ông Casey bị đuổi khỏi nhà ở Kilglass hồi gì không?

Bridget. Không phải đâu. Tôi có gặp bà vợ góa ông Casey ở chợ Ballina một lần, trẻ trung đỏ đắn lắm.

Peter. [Nói với BÀ GIÀ.] Bà đi lên đồi có nghe tiếng hò reo không?

Bà già. Ta nghĩ ta đã nghe thấy tiếng như mỗi lần bạn bè đến thăm ta thuở trước.

[Bắt đầu hát nửa như cho mình nghe.

Ta sẽ đến khóc cùng người em gái
Bởi Donough tóc vàng đã chết rồi,
Cổ đã quấn dây thừng thay khăn vải,
Đầu đã trùm vải trắng lạnh người.

Michael. [Từ cửa đi lại.] Bà đang hát gì thế thưa bà?

Bà già. Ta hát về một người ta quen ngày xưa, chàng Donough tóc vàng bị treo cổ ở Galway.

[Hát tiếp, lớn hơn.

Ta đã đến khóc cùng người, em gái,
Đầu đã bù, tóc đã xổ tung,
Ta vẫn nhớ trên cánh đồng trống trải
Lưỡi cày chàng lật đất đỏ tươi ròng,
Nhà kho giữa đỉnh đồi rợp nắng
Chàng dựng bằng đá tảng rêu xanh.
Ôi! Phải chi đây là Enniscrone nọ
Đài bêu kia ta đã giật tan tành.

Michael. Anh ta đi đến chỗ chết là vì sao?

Bà già. Anh chết vì yêu ta; rất nhiều người đã chết vì yêu ta.

Peter. [Nói riêng với BRIDGET.] Nỗi khốn đốn đã khiến bà loạn óc.

Michael. Bài ca ấy làm ra đã lâu chưa? Đã lâu chưa từ ngày anh chết?

Bà già. Chưa lâu, chưa lâu. Nhưng còn nhiều người khác chết vì yêu ta từ rất lâu rồi.

Michael. Họ có phải là hàng xóm của bà không thưa bà?

Bà già. Đến đây với ta, ta sẽ kể anh nghe về họ. [MICHAEL ngồi xuống cạnh bà trước bếp lửa.] Có một người tóc đỏ thuộc họ O’Donnell ở miền Bắc, một người thuộc họ O’Sullivan ở miền Nam, có một người tên Brian đã vong mạng ở Clontarf bên bờ biển, và vô số người ở miền Tây, một số đã chết hàng trăm năm trước, một vài người sẽ chết ngày mai.

Michael. Sẽ chết ngày mai có phải những người ở miền Tây?

Bà già. Đến gần đây, gần đây nữa.

Bridget. Bà ta nói đúng không, thầy nó nghĩ sao? Hay bà ta từ bên kia đến?

Peter. Bà ta không còn biết mình đang nói gì nữa, sau những mất mát khổ sở bà đã trải qua.

Bridget. Tội nghiệp bà già, ta nên đối đãi bà tử tế.

Peter. Cho bà cốc sữa và miếng bánh bột yến mạch.

Bridget. Có lẽ ta nên cho bà thêm ít nữa, để bà lên đường. Vài xu hay hẳn một shilling, nhà ta có nhiều tiền thế cơ mà.

Peter. Thực tình nếu ta rủng rỉnh tôi cũng không bủn xỉn với bà ta đâu, nhưng nếu cứ tiêu xài hoang phí như vậy thì chẳng mấy chốc sẽ phải động đến trăm bảng kia, thì tôi tiếc lắm.

Bridget. Peter, ông không thấy xấu hổ à. Cho bà một shilling kèm với lời chúc phúc đi, nếu không chính chúng ta sẽ bị vận may từ bỏ đấy.

[PETER đi ra hộp lấy một đồng shilling.

Bridget. [Nói với BÀ GIÀ.] Thưa bà, tôi rót cho bà cốc sữa nhé?

Bà già. Ta không muốn thức ăn cũng không cần thức uống.

Peter. [Đưa đồng shilling.] Tôi có chút biếu bà.

Bà già. Ta cũng không cần thức ấy. Ta không muốn những thức bạc tiền.

Peter. Vậy bà muốn hỏi thứ gì?

Bà già. Nếu kẻ nào muốn giúp đỡ ta, hắn sẽ phải đem chính thân mình cho ta, hắn phải cho ta tất cả.

[PETER đi lại bàn trố mắt nhìn đồng bạc trong tay vẻ bối rối, đứng đó thì thào với BRIDGET.

Michael. Bà không có ai chăm sóc cho mình ở tuổi này sao, thưa bà?

Bà già. Ta không có ai. Từng ấy người tình đã đem tình yêu dâng hiến cho ta, nhưng ta không dành giường lại cho ai cả.

Michael. Bà có cô đơn trên bấy nhiêu chặng đường rong ruổi, thưa bà?

Bà già. Ta có suy nghĩ bên ta, ta có hy vọng bạn bầu.

Michael. Có hy vọng nào để bà bám lấy?

Bà già. Hy vọng lấy lại bốn đồng cỏ xanh xinh đẹp, hy vọng đuổi đi những kẻ lạ mặt trong nhà.

Michael. Bà sẽ làm thế nào được vậy, thưa bà?

Bà già. Ta có nhiều bạn tốt sẽ giúp ta. Ngay lúc này đây họ đang tập hợp để giúp ta. Nếu ngày hôm nay họ bại, ngày mai họ sẽ lại vượt lên. [Đứng dậy.] Ta phải đi gặp các bạn đây. Họ đang tới giúp ta, ta phải ra đón họ. Ta phải gọi các hàng xóm đến bên nhau chào đón họ.

Michael. Tôi sẽ đi với bà.

Bridget. Michael, việc của mày không phải đi chào đón bạn bè bà ta, việc của mày là chào đón cô gái sắp đến nhà ta đây này. Mày còn khối việc phải làm, việc của mày là phải mang thức ăn thức uống về nhà. Con bé không về nhà này với hai bàn tay trắng; mày không được ngửa hai bàn tay trắng mà đón người ta. [Nói với BÀ GIÀ.] Thưa bà, chắc bà không biết, thằng bé nhà tôi ngày mai lấy vợ.

Bà già. Ta không tìm đến nhờ giúp đỡ những người đang sắm sanh lấy vợ.

Peter. [Nói với BRIDGET.] U nó nghĩ bà ta rốt cuộc là ai?

Bridget. Bà vẫn chưa cho chúng tôi biết tên, thưa bà.

Bà già. Có kẻ gọi ta là Bà Già Nghèo Khổ, và lại có người gọi ta là Cathleen, con gái Houlihan.

Peter. Hình như hồi xưa tôi có biết ai đó tên này. Không hiểu là ai nhỉ? Chắc là ai đó tôi quen từ hồi trai trẻ. Mà không, nhớ ra rồi, tôi nghe thấy tên đó trong bài hát.

Bà già. [Đang đứng trên ngưỡng cửa.]

Họ ngạc nhiên vì có bài hát viết về ta; đã có rất nhiều bài hát viết về ta. Sáng nay ta có nghe một bài đưa theo gió. [Hát.

Đừng trỗi tiếng khóc than, em gái,
Khi ngày mai nấm mộ đã đào,
Đừng gọi những kỵ sĩ khăn đầu trắng
Khi ngày mai xác sẽ vùi sâu.

Đừng bày tiệc mời người qua kẻ lại
Khi ngày mai ta thức canh chàng,
Đừng phân phát của tiền cầu nguyện
Khi ngày mai người chết bỏ trần gian…

họ chẳng cần đến cầu nguyện đâu, họ chẳng cần đến cầu nguyện đâu.

Michael. Tôi không hiểu bài hát ấy nói gì, nhưng xin bà cho biết tôi giúp gì được cho bà.

Peter. Michael, mày đi lại chỗ thầy đây.

Michael. Thầy ơi, yên lặng nghe bà ấy nói.

Bà già. Những kẻ giúp ta là nhận vào cực khổ. Nhiều cặp má hồng sẽ trở thành tái nhợt, nhiều cặp chân từng tự do tự tại giữa đồi xanh đầm sậy sẽ bước mòn đường phố cứng tha phương, nhiều kế hoạch đẹp đẽ đành sụp đổ, nhiều của cải chắt chiu chẳng ai còn đó mà tiêu, nhiều đứa trẻ sinh ra sẽ được rửa tội đặt tên mà không có cha bên cạnh. Vì ta mà những kẻ má hồng sẽ mang lấy đôi má tái, và bất kể, họ vẫn nghĩ họ đã được đáp đền xứng đáng.

[Đi ra, giọng hát vang lên bên ngoài.

Họ sẽ ở trong tim người mãi mãi,
Mãi mãi còn, mãi mãi lưu danh.
Lời họ nói sẽ vang âm mãi mãi
Mãi mãi ngân, mãi mãi tươi xanh.

Bridget. [Nói với PETER.] Thầy nó nhìn con mình xem, trông nó như kẻ đã bị tiên rù quến. [Lên giọng.] Michael, mày nhìn đồ cưới xem này. Đồ có đẹp không chứ lị! Mày đi thử đồ luôn giờ thì hơn, lỡ mai mặc không vừa, đám con trai sẽ cười mày mất. Michael, mày cầm lấy đồ vào phòng mặc thử đi con.

[Đặt quần áo vào tay anh.

Michael. U nói cưới xin gì? Mai con mặc đồ nào chứ?

Bridget. Đây, đây là đồ mai mày mặc để cưới con Delia Cahel.

Michael. Con quên khuấy đi mất.

[Nhìn xuống số quần áo và quay vào phòng trong, nhưng dừng lại khi nghe tiếng hò reo bên ngoài.

Peter. Đấy tiếng la thét đến tận cửa nhà ta rồi. Có chuyện gì thế?

[Hàng xóm chen chúc đổ vào, PATRICK DELIA đi cùng họ.

Patrick. Tàu vào đầy vịnh, người Pháp đổ bộ Killala!

[PETER bỏ tẩu trong miệng ra và cất mũ, đứng dậy. Áo quần tuột khỏi tay MICHAEL.

Delia. Michael! [Anh không để ý.] Michael! [Anh quay sang cô.] Sao anh nhìn em như người lạ thế?

[Cô buông tay anh. BRIDGET đi lại phía cô.

Patrick. Đám con trai đang đua nhau chạy xuống đồi đến chỗ người Pháp để đi cùng.

Delia. Anh Michael không đi đến chỗ người Pháp đâu.

Bridget. [Nói với PETER.] Peter, ông bảo thằng bé đừng đi.

Peter. Không ích gì đâu. Nó chẳng nghe thấy ta nói gì nữa.

Bridget. Cố dụ nó ra đằng bếp lửa đi.

Delia. Michael! Michael! Anh sẽ không bỏ em! Anh sẽ không đến chỗ người Pháp, chúng mình sẽ lấy nhau!

[Cô choàng tay ôm lấy anh, anh hơi xoay về phía cô có vẻ sắp nghe theo.

Giọng BÀ GIÀ phía ngoài.

Lời họ nói sẽ vang âm mãi mãi
Mãi mãi ngân, mãi mãi tươi xanh.

[MICHAEL gỡ mình ra khỏi DELIA, ngưng lại một giây bên cửa rồi chạy ào ra ngoài theo giọng hát của BÀ GIÀ. BRIDGET ôm lấy DELIA đang khóc không thành tiếng.

Peter. [Nói với PATRICK, nắm lấy cánh tay cậu.] Mày có thấy một bà già đi trên đường không?

Patrick. Con không, nhưng con thấy một cô gái trẻ, bước đi như một nữ hoàng.

*

Chương trình diễn của Nhà hát Abbey vào Tuần phục sinh 1916, khoảng thời gian diễn ra Cuộc nổi dậy Phục sinh khét tiếng.

*

Vở kịch này diễn lần đầu ngày 2-4-1902 ở St. Teresa’s Hall, Dublin, dàn diễn viên như sau: Cathleen – Miss Maude Gonne; Delia Cahel – Miss Maire ni Sheublagh; Bridget Gillan – Miss M. T. Quinn; Patrick Gillan – ông C. Caufield; Michael Gillan – ông T. Dudley Digges; Peter Gillan – ông W. G. Fay.

Miss Maude Gonne diễn tuyệt vời, và bởi cô rất cao nên Cathleen dường như từ cõi trời rơi xuống giữa những người trần bạc nhược chúng ta. Sau này, vở kịch đã được diễn ở Mỹ hai lần nhưng các diễn viên nằng nặc đòi giữ lại gương mặt trẻ trung, có một cô, như tôi nghe kể, còn để tuột áo choàng khi đi ra đến cửa để lộ chiếc váy xa tanh trắng thêu đầy cỏ ba lá [biểu tượng của Ireland – AL] bên trong. Vào một dịp khác – hay cũng chính là dịp đó? – diễn viên đóng Bridget mặc một chiếc váy rất diêm dáng thuộc về thời vua Louis thứ mười bốn. Người đàn bà đẹp nhất thế hệ mình, khi diễn Cathleen của tôi, đã “trang điểm” cho thành già nhiều trăm năm tuổi, và vai diễn này không bao giờ nên diễn mà thiếu đi sự thành thực đó. Đây là vở đánh dấu bắt đầu Trường phái kịch dân gian Ireland của chúng tôi, và trong kịch này lần đầu tiên tỏ lộ cái lối di chuyển lặng lẽ và đọc thoại thận trọng đã mang lại cho các diễn viên của chúng tôi chút tăm tiếng ấy, xuất phát phần vì chủ ý của chúng tôi, phần khác vì sự dốt nát thiếu kinh nghiệm của diễn viên. Nghệ thuật mang ơn thứ gì nhiều hơn, hiểu biết hay dốt nát? Hẳn nhiên, nó đã mang đầy bồ kiến thức mà đi đến giường chết. Tôi không thể hình dung vở kịch này, hay bất kỳ vở kịch dân gian nào khác của trường phái chúng tôi, lại diễn nhờ những diễn viên không biết gì về người nông dân, về sự vụng về và cứng đờ của những cơ thể đã quen cày ruộng, hoặc những diễn viên quá thiếu khiêm nhường không thể bắt chước những đặc điểm kia mà không sa vào ước lệ hay giễu nhại.

Mấy dòng thơ từ “Đừng trỗi tiếng khóc than…” và “Họ sẽ ở trong tim người mãi mãi…” được đọc hoặc hát theo giai điệu mà một trong số diễn viên từng nghe thấy trong mơ.

W. B. Yeats

1907

Nguyễn An Lý dịch

Hình: Vở Cathleen ni Houlihan với Maud Gonne đóng vai chính. Ảnh lấy từ independent.ie.

NB. khổ thơ cuối, rất giản dị và hiệu quả trong bản gốc, đã bị dịch ra có phần hoa mỹ ở đây, có một “bản dịch” bằng âm nhạc thích hợp hơn nhiều của The Waterboys trong album phổ nhạc cho thơ Yeats năm 2011.

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

không biết viết ngắn