A. S. Byatt: “Tôi viết thế vẫn còn chưa đủ”
Tôi viết tiểu thuyết chính vì tôi đã phát hiện ra tiểu thuyết châu Âu. Phát hiện ra Proust và nói thêm là cả Dostoyevsky đã biến đổi hẳn tôi trong tư cách nhà văn.

Tôi viết tiểu thuyết chính vì tôi đã phát hiện ra tiểu thuyết châu Âu. Phát hiện ra Proust và nói thêm là cả Dostoyevsky đã biến đổi hẳn tôi trong tư cách nhà văn.
Bối cảnh nơi tôi trò chuyện với nhà văn A. S. Byatt đúng là sinh ra để dành cho ngòi bút mô tả của bà. Ngoài kia bên con kênh đào đậm vẻ Amsterdam, những ngôi nhà cổ soi dáng dưới dòng nước thẫm. Trong này, những tranh tượng thắp sáng bằng những đèn giấu kín, ánh nến soi các tủ sách viền quanh phòng bar khách sạn. Antonia, Nữ hiệp sĩ về văn học nghệ thuật, hẹn tôi ở đây lúc sáu giờ, nhưng khi tôi đến bà đã có khách: Cees Nooteboom, văn sĩ Hà Lan, ông ghé qua mang cho người bạn cũ một tuyển tập mới sách của ông bằng tiếng Pháp. Ông gọi whiskey, bà ly sâm panh. Rồi hai vị cây đa cây đề văn chương, đầu đã bạc nhưng mắt còn tinh anh ấy lui về phòng bên trò chuyện, trong khi tôi ở lại bên quầy tán gẫu với Peter Duffy, người chồng râu quai nón hiền hậu của bà. Một giây khắc tĩnh lặng, nhưng xét theo những diễn biến thời sự mới đây nó đượm một vẻ thấm thía, như một cảnh từ giấc mơ trao đổi văn hóa xưa đang dần nhạt phai.
Thời điểm tôi tới gặp, Byatt đang chuẩn bị chính thức tiếp nhận giải Erasmus, là giải thưởng quốc tế quan trọng nhất dành cho văn hóa nghệ thuật của Hà Lan. Một vinh dự xứng đáng với một nhà văn viết dựa trên cái nền kiến thức mênh mông về ngôn ngữ và văn học, khoa học và mỹ thuật châu Âu. Nhưng giải thưởng còn ghi nhận một nhân vật văn chương nổi danh và được yêu mến, một người kể chuyện bẩm sinh có những tác phẩm bác học mà vẫn không kém phần lôi cuốn. Chiếm hữu (1990), câu chuyện đã giành giải Booker của bà về hai nhà nghiên cứu đương thời theo dấu một chuyện tình thời trung đại, quả là cuốn sách mà một độc giả trí thức sẽ vui lòng ôm theo lên đảo hoang. Truyện trẻ con (2009) là một cuốn tiểu thuyết giàu chi tiết và dễ hoang mang về những văn nghệ sĩ ở bước chuyển mình thế kỷ trước. Công và dây leo, cuốn sách mới nhất của bà, là một bản tiểu sử dài về nhà thiết kế người Anh William Morris và nhà thời trang haute couture người Tây Ban Nha Mariano Fortuny. Byatt viết trong tháp ngà thật đấy, nhưng luôn mở toang cánh cửa tháp cho công chúng và dẫn họ theo trong những cuộc tham quan đáng nhớ.
Với Byatt, đọc, viết và suy nghĩ không chỉ là những nguồn đưa đến niềm vui. Sinh ra trong thời buổi thắt lưng buộc bụng sau chiến tranh, bà đã đến với văn học và lịch sử như những lối thoát ly, ban đầu thoát ly khỏi tuổi thơ bất hạnh, rồi khỏi phận đàn bà trong hôn nhân, rồi khỏi bi kịch trong đời riêng. Sự quảng bác của bà có vẻ cũng bảo vệ cõi lòng riêng của bà. Lần tôi phỏng vấn bà cũng trong khách sạn này hồi năm năm trước, bà nói về các ý tưởng nhiều hơn về bản thân, và hăng say nói về cuốn sách bà đang bắt tay vào nghiên cứu, là một cuốn tiểu thuyết lịch sử xoay quanh cuộc đời các nhà thơ siêu thực Pháp hồi những năm 1920.
Trước mắt, cuốn sách đã bị đình lại. Hè năm ngoái Byatt đã phải nằm viện, mê man bất tỉnh, sau khi trượt ngã trong ngôi nhà London, giờ vẫn chưa hồi phục hẳn. Bà đi lại còn khó khăn, và tỏ ra đau thấy rõ. Biên tập viên xuất bản sách cho bà ở Hà Lan báo trước với tôi rằng bà “yếu”, nhưng trong cuộc nói chuyện tôi không cảm thấy có thể miêu tả bà bằng chữ này. Ở bà không có gì là mong manh cả. Dáng vóc bệ vệ của bà vẫn không suy giảm, và bà vẫn ngồi trên xô pha vững chãi như thường, đôi mắt nâu vẫn cháy tò mò và quan ngại. và cởi mở, trong lúc chúng tôi đi từ những chuyện thời sự sang đời tư của bà và rồi, sang bóng ma của sự chết.
Tôi không biết mình có nên hỏi về Brexit không; có lẽ bà không muốn…
“Không, chị làm ơn hãy hỏi về Brexit đi. Tôi biết có cả đống người đã khóc rưng rức khi Brexit đến. Và thực tế là từ hồi tới đây – bởi giờ tôi đang ở châu Âu đây – tôi nhận ra rằng những người như mình, những người cần cảm thấy mình là người châu Âu, sẽ còn tích cực sắm vai người châu Âu nhiều hơn nữa. Chúng tôi không muốn thuộc về ‘Brexit bé nhỏ’. Tôi không thích ‘nước Anh bé nhỏ’. Tôi viết tiểu thuyết chính vì tôi đã phát hiện ra tiểu thuyết châu Âu. Phát hiện ra Proust và nói thêm là cả Dostoyevsky đã biến đổi hẳn tôi trong tư cách nhà văn. Khi nước Anh gia nhập châu Âu, tôi đã nghĩ đây chính là thế giới mà tôi vẫn luôn muốn sống. Và giờ thì tôi sống trong một nước đã bỏ phiếu không muốn sống ở châu Âu.
Chồng tôi là nhà kinh tế, và anh khá mừng vì nước Anh đã rời châu Âu, dù bản thân anh nói nhiều thứ tiếng châu Âu và cũng như tôi thường tới đây ngay khi có dịp. Anh nghĩ chính sách kinh tế của cộng đồng chung châu Âu rất bất lợi cho nước Anh. Vậy nên người Anh cũng có người thế này người thế kia. Nhưng tôi ghét nhất là loại người Anh muốn ngăn sông cấm chợ.”
Cảm giác thuộc về về kinh tế và về văn hóa là hai điều khác hẳn nhau.
“Chính thế. Chồng tôi muốn nói rằng có nhiều nhóm người, đặc biệt những nhóm thu nhập thấp, ở Anh thật sự không được hưởng lợi mấy từ châu Âu. Nghe anh nói vậy, tôi nhận ra mình quan niệm về châu Âu một cách khá lý tưởng, và có thể nó không làm được những việc tốt mà nó hứa hẹn ngày trước. Tôi không biết. Đáng ra tôi phải biết rõ hơn.”
Câu cuối cùng, bà nói trong nuối tiếc: mấy tháng gần đây bà không theo dõi tình hình thời sự. Nhưng bà sẽ tìm hiểu, bà cương quyết. “Tôi sẽ khỏe lại. Và tôi sẽ viết tiếp quyển sách, và sẽ hân hoan đi nhận giải thưởng này. Nhận một giải thưởng từ châu Âu vào lúc này chính là thời điểm thích hợp chứ không có gì trái khoáy. Ban đầu tôi đã nghĩ, thật là kinh khủng. Đúng vào lúc tôi nhận giải thưởng ấy – một giải thưởng thậm chí còn không giới hạn riêng cho tiểu thuyết nữa, mà là dành cho tư duy – thì chúng tôi đi ra khỏi châu Âu. Nhưng cũng không sao. Chỉ là chúng ta cần đối thoại với nhau nhiều hơn.”
Ngoài là châu Âu, bà cũng cảm thấy mình là người Anh một cách sâu sắc, là đứa con của thời hậu chiến thắt lưng buộc bụng và của vùng Yorkshire công nghiệp mà nay không còn nữa, “một thứ thế giới địa phương hầu như không hề biết tới cái gì ở ngoài mình”. Thời thơ ấu của bà đầy đủ nhưng không mãn nguyện. Bà, cùng với chị gái là nhà tiểu thuyết Margaret Drabble, đều đã viết về gia đình sóng gió ưa tranh đua của họ, cùng người mẹ thất vọng và giận dữ của họ, tốt nghiệp Cambridge nhưng nghĩ mình phải ở nhà vì con. “Bà muốn được làm những điều mà tất cả chúng tôi đều làm khi lớn lên, tất cả đám con bà,” ngày nay Byatt nói. “Bà muốn đọc, viết, suy nghĩ, sáng tạo. Nhưng bà không có…” – bà dừng lại tìm từ – “cả sự tự tin và tầm nhìn hẹp. Nếu muốn viết sách, ta cần không nghĩ đến rất nhiều thứ.”
Quyết tâm “không bị nhốt”, Byatt cũng đi Cambridge, nhưng bà bỏ dở chừng luận án tiến sĩ khi giáo sư hướng dẫn nói bà không thể cùng lúc vừa nghiên cứu vừa gây dựng gia đình. “Tôi phải nói rằng, các con tôi đều là do lỡ. Ít nhất thì có đứa đầu là lỡ 100%,” bà nhận xét, và khi ấy dường như con gái đầu lòng ra đời sẽ chấm dứt sự nghiệp viết văn còn chưa khởi sự của bà. “Tôi đặt tên cho nó là Antonia vì tôi nghĩ, ‘nó mang lấy cái tên ấy là hơn, vì giờ mình sẽ không bao giờ viết sách nữa.’ Hồi ấy tôi còn rất trẻ. Và rồi ít lâu sau, tôi lại trở lại viết sách như thường, vì đấy là việc dành cho tôi.”
Bà sinh cho người chồng đầu hai người con, rồi ly hôn, tái hôn và lại sinh thêm hai con nữa. Bà xuất bản hai cuốn tiểu thuyết vào thập kỷ 1960. Rồi tới năm 1972, con trai bà, Charles, khi ấy mười một tuổi, bị một tên lái xe say rượu tông chết khi đi trên hè phố. Tiếp đó mấy năm bà không viết được. Bà từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng bà không bao giờ nguôi ngoai được nỗi đau, và chỉ tiếp tục viết lại nhờ tự nhủ: “Giờ mày có thể làm một trong hai việc. Hoặc mày tự sát, hoặc mày hãy quan tâm đến tất cả mọi thứ trên đời.”
Dần dà bà thiết lập danh tiếng nhà văn, và nỗi quan tâm đến tất cả mọi thứ trên đời thể hiện rõ trong những thành tựu văn chương xuất sắc của bà, kể cả Truyện trẻ con phần nào liên quan đến tình yêu của bà dành cho thiết kế và cái đẹp. Sách và đồ vật mới cho bà cảm giác về căn tính của mình, chứ không phải nơi chốn, bà nói.
Bà đến từ miền Bắc, sống ở London, có nhà ở Pháp, cảm thấy thuộc về châu Âu. Với bà thế nào gọi là nhà?
“Tôi càng lúc càng cảm thấy chồng tôi chính là ‘nhà’. Chúng tôi lấy nhau đã lâu, nhưng hồi đầu tôi nghĩ mình chưa cảm thấy như vậy bên anh ấy. Tôi cảm thấy mình yêu anh và muốn sống trong một căn nhà có anh, và muốn nói chuyện với anh về sách vở và ý tưởng. Nhưng giờ tôi đơn giản là thích có anh bên cạnh.
Nhưng thêm nữa, tôi còn sưu tập những đồ tạo tác bé tí mà mọi người làm ra, và sưu tập cả cầu thủy tinh trang trí. Và ngôi nhà ở Anh gọi là ‘nhà’, còn ngôi nhà ở Pháp tôi rất yêu nhưng vẫn cứ là ‘ngôi nhà ở Pháp’, một phần là vì những quả cầu thủy tinh tôi sưu tập rải khắp ngôi nhà ở Anh.”
Bà có nghĩ viết lách và sưu tập có mối liên hệ với nhau không?
“Dĩ nhiên là có. Người ta sưu tập các đồ vật đem về nghiên cứu. Còn tôi sưu tập các ý tưởng đem về nghiên cứu. Rồi tôi sưu tập đời sống của mọi người đem về nghiên cứu. Và vì tôi không viết tiểu thuyết có tính tự truyện, nên tôi cần nhiều hơn một cuộc đời, cũng như tôi cần nhiều hơn một quả cầu thủy tinh, cần hết những mẫu hoa văn khác nhau, để thấy cái gì giống cái gì khác. Tôi có cảm thấy như vậy về người thật, về người trong sách, về người trong tiểu sử. Đấy là một khao khát rất con người, được biết thêm.
Từ hồi tôi đi viện đến nay thật sự rất kinh khủng, vì khi ra viện tôi thấy mọi người đã di chuyển lung tung mọi thứ. Và tôi không tìm thấy những thứ tôi vẫn coi là nhà.
Khi chị hỏi câu đó, tôi đã nghĩ về châu Âu và nước Anh. Tôi là người châu Âu. Và nhà của tôi là một ngôi nhà ở nước Anh, nhưng đấy là nhà tôi chính vì nó đựng đầy sách vở bằng đủ thứ tiếng, trong những tủ sách cũng là nhà tôi.”
Nói chuyện về thời thơ ấu, về sưu tập, về quãng thời gian nằm viện khiến bà ý thức về tuổi tác mình: giờ bà đã “già đến mức chết được rồi”, bà nhận xét. “Nếu qua được tuổi 80, người ta có thể chết bất kỳ lúc nào. Tôi rất ngạc nhiên rằng những người quá 80 khác lại không suốt ngày nghĩ về việc họ có thể chết bất cứ lúc nào. Nói chuyện với Cees dễ chịu, bởi ông nghĩ đúng như thế.”
Cảm giác ấy như thế nào?
“Là cảm giác mình ở rất xa xăm. Mình nghĩ: ‘Mình quan tâm đến mấy chuyện hết sức địa phương này mà làm gì? Vòi nước không chảy, hay sách của mình về đề tài nào đó đã bị dời hết đi chỗ khác, hay va li mất thì đã sao cơ chứ?’
Và rồi – điều này thì khá hay – tôi cũng nghĩ về những hình ảnh vũ trụ thấy trên tivi. Tôi nghĩ đến trái đất bay vèo vèo quanh , và rồi có cảm giác mình không thực sự tồn tại, một cảm giác tôi khá thích.
Trên báo hay thấy tin người ta chết hàng loạt ở Trung Đông, chết mà chưa hề được sống. Và tôi lo cho họ. Mà không phải tôi lo, tôi khóc thương cho họ, cho những người xa xăm chết trước khi đã sống.
Cũng không sao. Tôi đã sống rồi. Không có ai được sống hoàn hảo cả.”
Bà có cảm thấy mình viết đủ rồi không?
“Không. Tôi còn có cuốn sách này, rất lớn, và tôi đã nghiên cứu rất nhiều, mà tôi sẽ phải khôi phục lại vì tôi cứ quên suốt, mà nằm hôn mê trong bệnh viện thì không tốt cho việc nhớ. [cười] Thật sự là không tốt. Vì vậy tôi sẽ cứ viết tiếp cuốn sách như thể mình sẽ sống đủ lâu mà viết đủ hay để có thể kết thúc nó. Mà nếu không được thì tôi cũng có biết đâu,
Người phụ trách truyền thông đã gõ cửa và dặn tôi đừng làm bà mệt. Nhưng câu chuyện giữa chúng tôi lại chuyển phớt qua đề tài làm mẹ, cũng như mẹ của Byatt và những điểm khác nhau trong cảnh sống của hai người. Bà kết luận: “Tôi nghĩ hầu như cả đời tôi đã thấy mình rất may mắn, bởi tôi đã nghĩ mình sẽ không thể viết sách, mà tôi lại không thực sự muốn làm gì khác cả.”
Bà nghĩ không thể, là vì con cái ư?
“Là vì cuộc đời. Tôi nghĩ hẳn là mình sẽ là một kẻ bỏ đi. Tôi là một đứa trẻ thành công nhưng cũng chỉ là suýt soát. Tôi làm bài tốt khi đi thi. Chỉ có thế thôi. Tôi không giỏi thể thao hay chơi với bạn bè. Tôi có học đại học, nhưng kể cả vậy vẫn nhiều khả năng tôi sẽ kết thúc cuộc đời trong xó bếp, như mẹ tôi. Và đúng là tôi đã về trong xó bếp. Nhưng cũng không sao, vì đó cũng không phải là kết thúc.”
Nguyễn An Lý dịch
Bài viết gốc: “A. S. Byatt: I Have Not Yet Written Enough”, đăng trên LitHub ngày 9-2-2017. Xin cảm ơn tác giả Julie Phillips đã đồng ý cho Zzz Review dịch đăng bài viết này.
Julie Phillips là một nhà tiểu sử và phê bình văn học Mỹ hiện sống ở Amsterdam. Bà đang soạn một cuốn sách nói về viết lách và làm mẹ, The Baby on the Fire Escape, cùng một cuốn tiểu sử Ursula K. Le Guin.
Chấm sao chút:
Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3
không biết viết ngắn