Thời gian đọc: 39 phút

1.

Alex và Wendy yêu văn hoá. Đó là cách họ sử dụng thời gian rảnh. Đó là chủ đề họ nói đến khi tham gia những bữa tiệc tối. Khi chạy bộ hay đến phòng tập gym, họ nghe podcast trên điện thoại di động. Mỗi tối Chủ nhật họ đều xem chương trình truyền hình yêu thích mới. Đôi khi họ cũng đi đến rạp phim, nhưng kể từ khi MoviePass làm ăn thất bát, họ chuyển sang xem phim trên mạng là chính. Họ tham gia vào những câu lạc bộ đọc sách gặp nhau vài tuần một lần. Alex và Wendy đều làm việc chăm chỉ, nhưng vẫn có một ít thời gian để kiểm tra feed (trang chủ mạng xã hội) ở nơi làm việc. Trên feed họ có gì? Feed nói cho họ biết về văn hoá. Feed của họ là một dạng tiện nghi và khuây khỏa. Feed giải thích lại những chuyện họ đã hiểu sẵn rồi. Feed nói cho họ hay những người khác đều đang xem, đọc và nghe những thứ giống hệt nhau. Feed kể cho họ về những người tạo ra thứ văn hoá họ tiêu thụ, những người không khác họ là mấy, có chăng là hơi lấp lánh tưng bừng hơn một chút. Feed của Alex và Wendy bảo đảm rằng họ không cô đơn. Feed của họ cho phép họ thích những gì mình đã thích sẵn. Feed của họ cho biết văn hoá của họ đang thắng thế.

Alex và Wendy tin vào thuật toán. Đó là thế lực sắp xếp feed trên trang chủ của họ, xếp danh sách nghe-nhìn của họ, và nói cho họ biết nếu họ thích bài hát này, đoạn video này, hay quyển sách này, có thể họ cũng sẽ thích những cái tương tự. Họ không bao giờ phải nghĩ về thuật toán, và feed đem lại cho họ một cảm giác được bảo vệ. Alex ghét phung phí thời gian. Thời gian của anh quá quý giá. Wendy cảm thấy buồn khi đọc phải một quyển sách mà nàng không thấy thích. Có lẽ nàng đã đọc một quyển sách mà các bạn nàng thích mê. Nếu feed khiến họ lầm đường lạc lối, Alex và Wendy sẽ điều chỉnh lại. Họ chỉ có chừng đó thời gian, và khi có con rồi thời gian sẽ lại càng eo hẹp nữa. Alex và Wendy không phải những kẻ trưởng giả đua đòi. Họ không cần người khác bảo mình không được thích cái này cái kia. Họ thà không biết về những thứ đó còn hơn.

Lẽ dĩ nhiên, tôi không tin rằng Alex và Wendy thật sự tồn tại. Nhưng là một nhà báo mảng văn hoá, là một nhà phê bình sách, tôi được/bị thông báo rằng bây giờ tôi làm việc cho họ.

2.

Hiển nhiên chúng ta đang sống trong thời kỳ phân cực chính trị và chiến tranh văn hoá, nhưng nếu không xét văn hoá theo nghĩa trái (sai) hay phải (đúng) mà như một tổng hợp các thái độ đối với nền nghệ thuật, vậy thì, ít nhất trong số những người có quan tâm đến các bộ môn nghệ thuật, chúng ta đang sống trong một thời kỳ trân quý sự thuận lòng nhất trí. Đầu tiên ta nhất trí với nhau rằng đây là một kỷ nguyên dư dả. Ta phải cảm thấy bản thân mình may mắn bởi có quá nhiều thứ để xem, để nghe, để nhìn, và để đọc. Ta mắc phải lời nguyền có quá ít thời gian để tiêu hoá cho bằng hết tất thảy những điều tuyệt vời được đưa ra. Người tiêu thụ văn hóa (Alex hay Wendy) vì thế được phục vụ tốt nhất nhờ những dịch vụ có nhiệm vụ chỉ cho họ đến với những sản phẩm tốt đẹp và hợp lý nhất. Tìm được đúng sản phẩm phù hợp là bạn sẽ có một trải nghiệm có thể chia sẻ được với bạn bè, kể cả hàng nghìn người bạn chưa gặp bao giờ. Tất nhiên, mỗi cá nhân đều có những thú quan tâm và ưu tiên riêng, vì thế những bộ lọc, là máy hay là người, đều vô cùng cần thiết. Mỗi người đều có những sản phẩm yêu thích.Thứ thừa thãi chính là quan điểm tiêu cực. Quan điểm tiêu cực làm phung phí thời giờ của Alex và Wendy.

Không còn nghi ngờ gì nữa cách tiếp cận nghệ thuật theo hướng tiêu thụ đã luôn thường trực ở bên ta. Biểu hiện hiện nay của nó lặp lại chính ngữ pháp của mạng xã hội: những mẩu nhỏ, những gì like được, share được, định lượng được và dẫn đầu xu hướng. Không ngạc nhiên gì khi một nhóm các biểu hiện này đã trở nên vượt trội hơn cả. Thứ gây bức bối chính là sự tự mãn của những người đáng lẽ phải khôn ngoan hơn. Các biên tập viên và nhà phê bình thuộc về một chuyên môn có nhiệm vụ nghi vấn. Thay vào đó, ta thấy một lứa nhà báo hứng quá hóa rồ. Trên truyền hình, đó là sự hả hê: một phương tiện truyền thông rác rưởi đã trưởng thành, và được tôn vinh cùng những nhà phê bình của riêng nó. Trong âm nhạc, đó là sự lạc quan đại chúng, một niềm tin rằng bất cứ thứ gì thị trường đặt lên hàng đầu đều nhất định tốt và hay. Viết về điện ảnh và hội họa đã suy đồi từ rất lâu bởi những sự mê muội gần như nô lệ vào dữ liệu doanh thu phòng vé và tiền đấu giá được đến nỗi giờ đây rất khó tưởng tượng khác đi. Báo chí mảng văn học thì đang cố gắng cầm cự lại trong cuộc chiến xói mòn này: mặc dù những bom tấn văn học vẫn khoe khoang thành tích đứng đầu, sự hiện diện trên các danh sách bán chạy nhất vẫn luôn bị xem là trái ngược lại hoàn toàn với chất lượng, quyển nào vừa bán chạy vừa hay thì là kẻ dị hợm tốt phúc.

Tác nhân chính thông thường của mảng đưa tin văn học trên báo giấy và tạp chí luôn là lịch trình của các nhà xuất bản sách. Sách vốn được xem như tin tức và các vật thể để xem xét đánh giá. Phương pháp tiếp cận chính luôn là mục điểm sách, đặt trên trang quảng cáo mà các nhà xuất bản mua sẵn suất. Mô hình đó đã cổ lỗ sĩ lắm rồi. Đưa tin về sách giờ đây nổi lên rồi lại chìm xuống theo sự dập dềnh của mạng xã hội. Những điều bắt buộc phải có trong bài điểm sách – những phân tích và đánh giá – đã bị gạt đi để ưu tiên vào đó là những danh sách giới thiệu và đề bạt lặp đi lặp lại. Bạn có thể thích quyển này, bạn có thể thích quyển kia. Nào ta hãy trò chuyện tỉ tê cùng tác giả. Sách gối đầu giường của anh là gì? Anh thích chương trình TV nào? Anh có phiền không nếu chúng ta làm một bài hỏi đáp nho nhỏ thay vì điểm sách anh? Sẽ ra sao nếu như một lứa nhà văn trưởng thành trong môi trường không có ai phê bình tác phẩm của họ?

Tôi đang không đề ra một tranh cãi mang tính quý-xờ-tộc, mặc dù tôi có hoài nghi những gì quá phổ biến và thương mại. Để quan tâm đến văn chương tất cả những gì bạn cần là một cái thẻ thư viện. Những bài mang tính văn học là bất kì bài văn nào xứng với sự chú ý mang tính phản biện. Đó là thể loại văn bạn muốn đọc và muốn đọc về nó. Đó là một thứ gì đó khác xa so với giải trí đơn thuần. Nó đòi hỏi những suy xét mang tính thẩm mỹ và chính trị và không dễ định lượng. Sự tiêu cực là một phần của phương trình này bởi nếu không có nó sự tích cực cũng chỉ là vô nghĩa. Ở Mỹ hiện đang có một lứa các nhà văn mới nổi, những cây bút như Yaa Gyasi với văn chương hư cấu lịch sử táo bạo về mặt hình thức; Patricia Lockwood, nhà tiên phong thơ trữ tình con đẻ của nền tảng số; Karan Mahajan, tiểu thuyết gia chính trị cho một kỷ nguyên hậu-toàn cầu hoá; Nico Walker, sử gia đáng gờm của đại dịch nghiện thuốc giảm đau (opioid); và Jenny Zhang, với những câu chuyện nóng bỏng nhiệt tình về cuộc đời của những người nhập cư và con cái họ. (Tôi đã bình luận về tác phẩm của họ trước đây, nên hãy xem như đây là danh sách nên-đọc của tôi – còn bạn nhận hay không nhận thì tuỳ.) Họ đang đến với độc giả thông qua một nhóm các nhà xuất bản lớn ngày càng thân nhau ở New York và một loạt các nhà xuất bản nhỏ ngày càng lan rộng trên khắp nước Mỹ. Những cây bút này và độc giả bị lạm dụng bởi một nền văn hoá đối xử với sách của họ như những đạo cụ chụp ảnh selfie hay những món quà tặng. Họ xứng đáng có được những nhà phê bình với khả năng đem lại những bình luận tỉ mỉ theo truyền thống liên tục tái khám phá những quyển sách bị thất lạc và được tìm lại. Dù tốt hay xấu, công cụ tốt nhất ta có để làm việc này chính là bài điểm sách.

3.

Vào tháng Mười Hai, tạp chí Columbia Journalism Review xuất bản bài viết của Sam Eichner với tiêu đề “Điều gì đứng sau sự trỗi dậy gần đây của báo chí mảng sách?” Câu trả lời chính là nhu cầu gia tăng lượt xem trang web. Các biên tập viên mà Eichner viện dẫn đều hồ hởi ca tụng những hình thức mới chứa chan triển vọng. Sẽ có thêm nhiều bài đề xuất sách mới. Sẽ có nhiều bảng xếp hạng hơn. Sẽ có nhiều câu lạc bộ đọc sách online hơn. Sẽ tận dụng triệt để khả năng của Instagram. Sẽ vẫn có phê bình sách nhưng các bài điểm sách “truyền thống” sẽ ít hơn. Người đọc muốn được phục vụ tận tình như fan hâm mộ. Sách nên được đối xử theo cái cách người ta đối xử phim điện ảnh hay show truyền hình, như những dịp bàn tán tập thể, như những nhà kho chứa những chuyện nhỏ chia sẻ được, và thỉnh thoảng là những thùng đựng ý tưởng tháo ra gỡ vào được. Viễn cảnh chung chính là báo chí mảng văn học đóng vai trò quảng cáo ở mức độ cao hơn. Hoà chung tinh thần thời đại (tinh thần lăng-xê), Eichner nhồi nhét vào bài một loạt những người ông phỏng vấn – các biên tập viên của tờ New York Times, tạp chí New York, BuzzFeed, và The Atlantic, tâng bốc các ấn phẩm của chính họ, cố gắng tìm lí do cho những quyết định biên tập của mình và để giữ công ăn việc làm – và giải thích sự trỗi dậy gần đây của báo chí mảng sách:

Theo nhiều lối khác nhau, báo chí mảng sách đại chúng đang bước dần từ đỉnh cao ngạo nghễ chói lọi trong lịch sử để hoà cùng với phần còn lại của báo chí mảng nghệ thuật, bớt dần việc o bế giới trí thức và phục vụ độc giả bình thường nhiều hơn, những người có thể không có hứng thú với văn chương hư cấu hay phi hư cấu. Với quá nhiều thứ để xem và đọc và nghe – và quá nhiều người cho ý kiến về việc xem gì đọc gì và nghe gì – không ngạc nhiên khi độc giả đang đói khát một nguồn tin đáng tin cậy có thể chỉ hướng cho họ đến những quyển sách đáp ứng đúng sở thích. Và cũng những người đọc đó có thể đang tìm kiếm một loại hình truyền thông đưa tin qua lại hết cỡ thường được dành riêng cho những show nổi lềnh bềnh như Sharp Objects hay những cỗ máy tạo meme như A Star is Born.

Ở đây một viễn tưởng về sự đọc mang tính tiêu thụ được miêu tả là một hình thức chống tinh anh. Việc sử dụng từ “giới trí thức (intelligentsia)” cổ giả gợi nhắc đến một tầng lớp trí thức tự xưng đáng ngờ gợi nhắc về trò vu vạ cộng sản thời Chiến Tranh Lạnh. Và rồi một nhân vật hư cấu xuất hiện: người độc giả bình thường khinh khi sách văn học nhưng khi không bận xem HBO hay nghe podcast thì vẫn hào hứng nghe lời New York Times bảo nên đọc sách này sách kia. Và “truyền thông đưa tin qua lại hết cỡ” miêu tả những gì nếu không phải rác chữ online viết vội viết vàng, biên tập qua loa, rẻ tiền và cuối cùng cũng vứt đi? Đó chính là bản chất của thứ “báo chí mảng sách” mới này. Tôi rất ý thức được phong trào này. Hai tháng trước khi bài của Eichner ra mắt, hợp đồng công việc điểm sách của tôi ở tạp chí New York đã bị cắt. Tôi được bảo rằng dù đúng là sẽ mở rộng mảng sách, việc tôi làm – điểm sách – có “ít giá trị”.

4.

Một trong những hiểm hoạ của cách tiếp cận này, nếu không nói đến sự vô ích rộng hơn của nó xét từ góc độ “có học”, trở nên rõ ràng chỉ vài tuần sau đó. Mục By the Book của The New York Times Book Review là một chuyên mục hằng tuần mà trong đó một tác giả nổi tiếng sẽ trả lời một loạt các câu hỏi rập khuôn về những thói quen đọc sách của mình. Nó có giá trị đưa chuyện rất cao. Nhà văn thì thường có sách cần quảng bá, và tờ Times thì có nội dung miễn phí từ một người nổi tiếng (có khi người đó không nổi tiếng lắm trong vai trò nhà văn, nhưng quan trọng là có tiếng tăm). Trên mục By the Book ngày 16 tháng Mười hai, Alice Walker, nay đã bảy mươi lăm tuổi và là tác giả quyển The Color Purple cùng một tuyển tập thơ mới ra mắt, Taking the Arrow Out of the Heart, khoe rằng một trong những cuốn sách gối đầu giường của bà là And the Truth Shall Set You Free của David Icke, một nhân vật ngoài lề trong văn đàn quê nhà Anh Quốc nhưng lại rất mang tiếng với những luận thuyết bài Do Thái liên quan đến người ngoài hành tinh lưỡng cư gớm ghiếc điều khiển thế giới. “Trong các tác phẩm của Icke có sự toàn vẹn của sự tồn tại, trên hành tinh này và những hành tinh khác, làm ta không ngừng suy tưởng,” Walker viết thế. “Giấc mơ của một kẻ hiếu kỳ thành sự thật.” Việc Walker từ trước đó đã nhiệt tình lăng-xê văn của Icke trên blog cá nhân và cũng có tiền sử phát ngôn bài Do Thái thì chẳng phải là tin tức xa lạ gì nữa. Nhưng tạp chí trực tuyến Tablet vẫn chỉ trích việc Times đăng đề xuất của Walker mà “không thèm phản biện”.

Vào ngày 18 tháng Mười Hai, tờ Times đăng tải một bài phỏng vấn với Pamela Paul, chủ biên mục sách. Cô giải thích rằng By the Book là một bảng câu hỏi mà tòa soạn gửi đến các nhà văn qua email và chỉ biên tập lại cho chính xác căn cứ theo sự thực và cho vừa chỗ trên giấy chứ không sửa nội dung chủ quan. “Độc giả chắc chắn được biết thêm về vị tác giả này cùng những quan điểm và gu của bà ấy,” Paul nói về Walker. “Tôi nghĩ rằng đó là thông tin đáng để biết.” Có lẽ là đúng thế, nhưng đó gần như chưa bao giờ là mục tiêu chính của By the Book trong quá khứ. Mục tiêu chính không bao giờ là soi xét kĩ càng. Mục tiêu là đổi danh tiếng lấy quảng cáo.

5.

Vì sao lại tồn tại bài điểm sách?

Ta biết rằng trong suốt tiến trình lịch sử sách đã luôn được xem như tin tức và những vật thể để đánh giá. Ta biết rằng các nhà xuất bản có thể sẽ muốn đăng quảng cáo trong phạm vi của các bài điểm sách, dù đa phần các bài điểm sách trên báo chí hiện đại không đem lại lợi nhuận gì. Ta có thể nói thêm rằng sách là một thứ được các cây bút tích cực viết về, thường với mức nhuận bút rất khiêm tốn. Nhưng có một lí do nữa để giải thích vì sao bài điểm sách đã tồn tại qua bao nhiêu thế kỷ: chưa có ai tìm được cách nào hay hơn để viết về sách mới ra mắt.

Bài điểm sách đã và luôn là một hình thức không đủ đáp ứng. Trên báo chí, nó là một văn bản dài đâu đó khoảng một nghìn từ có nhiệm vụ vừa phải tóm tắt nội dung, vừa giới thiệu bối cảnh, vừa phân tích, vừa đánh giá một tác phẩm có độ dài gấp năm chục lần bài viết. Những lỗi sai một người bình sách có thể phạm phải thì nhiều vô kể; lời văn chữ vẻ sáo rỗng đã thành bệnh chung. Những bài điểm sách về một tiểu thuyết hay một quyển tự sự phi hư cấu luôn áp dụng một công thức chung: tóm tắt rườm rà nhưng có lệ, xếp trên đó là vài ba thông tin tiểu sử võ vẽ liên quan hay không liên quan dẫn đến những tính từ khen ngợi lịch sự và chung chung (hấp dẫn, lôi cuốn, duyên dáng) trước khi nhúng vào những cảnh báo tắt hứng ở đoạn gần cuối để chứng minh rằng nhà phê bình này đúng là nhà phê bình, và kết lại bằng một đoạn cuối đảm bảo rằng tất cả mọi người vẫn chơi với nhau và không thời gian của ai bị lãng phí hoàn toàn hết. Một nhà phê bình tôi biết từng gọi thể loại này là “bánh kẹp cứt”. Bài chê cũng có thể là một thứ mông lung: nhà phê bình chửi bới tác giả vì đã không viết nên quyển sách mà cô ta ao ước viết ra, đập một tiểu thuyết gia “truyền thống” bằng cây gậy Kafka, và tế sống nhà văn nổi tiếng vì tội lỗi của người hâm mộ. So với đó, việc dồn dập lời khen và đánh giá quá tầm một quyển sách lại là cách để nhượng bộ các nhà xuất bản trình diện sản phẩm của mình: các thông cáo báo chí tồn tại để được tái chế trong các bài điểm sách.

Phê bình văn học thì đã xưa như trái đất nhưng bài điểm sách chỉ mới xuất hiện đại chúng từ thế kỉ mười bảy và mười tám. Thứ mà Andrew O’Hagan gọi là Kỷ Điểm Sách bắt đầu sau khi Samuel Johnson qua đời năm 1874. Tờ Edinburgh Review, thường được tôn là tiền thân của các tạp chí văn học hiện đại, được thành lập vào năm 1802. “Một đám văn sĩ bỗng có nghề viết về sách hơn là viết sách,” Stopford A. Brooke viết trong cuốn English Literature ad 670 to ad 1832, “và văn học Phê bình trở thành một quyền năng.” Thứ quyền năng đó liền lập tức suy đồi. Bên bờ nước Mỹ, trong loạt bài công kích năm 1846 mang tên “The Literari of New York City” (Giới chữ nghĩa của thành phố New York), Edgar Allan Poe cố gắng làm sáng tỏ “sự khác biệt giữa ‘quan điểm’ về phẩm chất của các tác giả đương đại phổ biến trong dư luận và những quan điểm người ta phát biểu trong những hội nhóm văn học riêng tư.” “Những kẻ bất tài nhưng làm bộ giỏi giang” đã thổi phồng tên tuổi chính mình thông qua những cuộc vận động giao lưu mà một thiên tài sẽ không bao giờ làm, đó là lý do vì sao một thiên tài như Nathaniel Hawthorne lại nghèo khổ và vô danh. “Ta không ngần ngại đặt lên báo hàng loạt lời khen mà ở ngoài đời ta không thể nào thốt lên, kể cả để cứu mạng mình, mà không đỏ mặt ngượng ngùng hay bật cười ha hả.”

Những lời ca thán về bình luận sách thường tập trung vào chất lượng và giọng điệu của bài phê bình. Thỉnh thoảng nó cũng bao gồm cả yếu tố xã hội do những kẻ độc hành hay những loại vật họp theo bầy viết ra. “Đội Rotary văn chương,” Dorothy Parker viết vào năm 1928, “đã giúp ta và chính bọn họ hiểu rằng bạn viết ra cái gì không quan trọng; mọi người viết đều bình đẳng.” Năm 1935, theo lời Michelle Dean kể lại trong công trình nghiên cứu về các nhà phê bình nữ, Sharp, Margaret Marshall và Mary McCarthy cho xuất bản một loạt bài năm phần trên tờ The Nation, “Những nhà phê bình của chúng ta, dù đúng hay sai”: “Lịch sử nền phê bình Mỹ trong vòng mười năm trở lại đây,” họ viết, “là một lịch sử của những lạm phát và giảm phát: lạm phát thì ồn ào và khoa trương; giảm phát thì hối lỗi, giữ gìn thể diện, phát ra qua những lời thầm thì.” Nếu phê bình được xét theo tiêu chuẩn trong các ngành khoa học, thì nó đã hiểu mọi thứ sai be bét:

Phê bình ở Mỹ trong vòng mười năm trở lại đây nói chung đã gây biết bao sự hiểu lầm đối với các tác phẩm nghệ thuật và suy đồi gu thẩm mỹ. Các nhà phê bình sang chảnh cũng như những kẻ bình luận sách qua loa đều có phần trong mớ tiêu chuẩn vô kỷ luật này.

Hãy để ý rằng ở đây McCarthy và Marshall nói đến một thế giới mà trong đó ý niệm về “các tiêu chuẩn” chính là vấn đề quan trọng và việc đánh giá sai lệch là một tội nguy hiểm. Hai thập kỷ sau đó, vào năm 1959, Elizabeth Hardwick tranh cãi rằng khoảng cách giữa hai cực lạm phát và giảm phát bị lấp đầy bằng một đống “nhượng bộ sến sẩm”, một cụm từ bà mượn từ Emerson:

Những đề xuất ngọt ngào nhạt nhẽo mọc lên như nấm; một sự dàn xếp chung chung, có phần ngớ ngẩn, lên ngôi. Một quyển sách sinh ra rơi thẳng vào trong vũng lầy những lời đường mật; thứ phê bình phản đối như nước muối cô đặc giờ đây chỉ còn là ký ức.

Sáu mươi năm sau, tiểu luận của Hardwick mang tựa “The Decline of Book Reviewing” (Sự thoái trào của điểm sách) đã trở thành một huyền thoại. Người ta đồn rằng nó trở thành tuyên ngôn sáng lập The New York Review of Books mà năm 1963 Hardwick lập ra cùng chồng Robert Lowell, biên tập viên của nhà Random House Jason Eipstein, và Barbara Eipstein và Robert B. Silvers, hai người trước đó là biên tập viên của Hardwick tại Harper’s Magazine.

Mười lăm năm sau đó, đội của Hardwick, mang tên Nhóm Trí Thức New York, đã trở thành thế lực thống trị giới phê bình, một phần thông qua sức ảnh hưởng của New York Review. Đồng vọng với Poe, nhà phê bình Richard Kostelanetz lên án đội này vì những gì ông gọi là đặc tính kiểu Mafia và thái độ ngó lơ các tài năng trẻ trong một công trình công kích kịch liệt năm 1974 mang tên The End of Intelligent Writing. Một trong những mục tiêu bị nhắm đến là Philip Roth, người mà Kostelanetz cho rằng đã nổi tiếng nhờ các nhà xuất bản và phê bình cấu kết để tâng Portnoy’s Complaint lên quá chín tầng mây xanh. Kostelanetz đề ra một viễn cảnh về hệ thống quyền lực trong giới văn chương nhiều lớp lang như vỏ củ hành, và chỉ mặt điểm tên. Cùng năm đó, trong một lá thư gửi đến New York Review, Roth gợi ý thay thế một trong những nhà phê bình của ông, Christopher Lehmann-Haupt phụ trách mục điểm sách Times hằng ngày, bằng một cuộc thi giữa các sinh viên bậc cử nhân đại học trên toàn nước Mỹ. Những cuộc bút chiến và những mối thù như thế cho thấy dấu hiệu của một nền văn hoá văn học khỏe mạnh, một khu vực nhiều nguy hiểm dù độc giả thì ít và có khi còn chưa ra đời.

Và những cuộc tranh cãi này đã diễn ra trong một nhóm các thể chế ít nhiều ổn định. Còn hai thập kỷ vừa qua lại xảy ra một giai đoạn gồm những biến động đột ngột, hoảng loạn và sụp đổ. Khủng hoảng đã bắt buộc các tờ báo địa phương nước Mỹ đóng cửa đánh vào mục sách trước. Trong giới, các nhà xuất bản, tác giả và các nhà phê bình có quá nhiều oán thán và than thân, một phản ứng dễ hiểu bởi những người này đang mất đi danh tiếng quý giá, chưa kể đến cần câu cơm. Vào nghề với công việc điểm sách cho tờ Hartford Courant, giờ đây không còn xuất bản bình luận sách tự viết nữa mà chỉ thỉnh thoảng lấy đăng lại bài này bài kia, tôi rất hiểu và đồng cảm. Thế nhưng khi những mất mát cứ chất chồng lên nhau, thật khó cảm thấy rằng một điều gì đó tuyệt vời đã bị mất đi, kể cả khi nó có giá trị thật ở nhiều nơi trên cái đất nước đang mất đi rất nhiều thứ cùng một lúc này. Những thứ giá trị còn lại duy nhất là các tờ báo đô thị lớn, đặc biệt là New York Times, và, như Hardwick viết, “các thầy cô giáo bộ môn ngữ văn Anh ở trường trung học, các thủ thư và người bán sách tận tuỵ, những người ngoại ô giàu lòng tin tưởng, những chàng trai cô gái thanh niên ở tỉnh lẻ, tất cả những người tin vào sự đánh giá của tờ Times và những người cần nó dẫn đường chỉ lối.” Khi Times Book Review mất đi sức sống, nó bắt đầu giống “một tạp chí văn học tỉnh lẻ, dài hơn và dày hơn, nhưng rốt cuộc cũng chả khác mấy trang ‘Book Pages’ ở các tạp chí Chủ Nhật ở huyện là bao.” Theo lời Steve Wasserman, biên tập viên Los Angeles Times Book Review từ năm 1996 đến năm 2005, viết trên Columbia Journalism Review vào năm 2007:

Đưa tin sách không chỉ nghèo nàn mà còn thảm hại thậm tệ. Thứ được tính là bài bình luận sách là một sự sỉ nhục đối với trí thông minh của đa số người đọc. Ta muốn nói, thật éo le, rằng sự biến mất của nó khỏi các trang báo Mỹ là một điều đáng ăn mừng.

Có lẽ đúng là như vậy, nếu sau suy sụp là tái khởi, và một thời gian dài đúng là ta có thể nói như vậy.

Thập kỷ đó chứng kiến sự trỗi dậy của các blogger sách. Những blogger sách đầu tiên – với đặc thù là dân không chuyên, rất nhiều người trong số đó sau này trở thành tác giả và phê bình cho các phương tiện đại chúng, trong đó phải kể đến Mark Athitakis, Maud Newton, Mark Sarvas, Levi Stahl, Tao Lin – là một nhóm vô tổ chức, theo đuổi những đam mê cá nhân riêng và kể cả hận thù riêng (Sam Tanenhaus, khi đó là biên tập viên The New York Times Book Review, là một nạn nhân thường xuyên bị nhóm này ném đá vì giận dữ, vì ghen ăn tức ở, và thỉnh thoảng là vì khâm phục quá). Không bị gò bó trong các khuôn khổ hay bởi ban biên tập, các blogger này, khi tốt đẹp nhất, đã giúp đưa các tác giả đáng đọc nhưng không được biết đến nhiều lắm đến với đại chúng, lưu truyền những phê bình thú vị nhất lọt vào mắt họ, và dành rất nhiều thời gian công sức để liệt kê và miêu tả diện mạo văn đàn. Những người này làm vì đam mê. Khi tệ nhất, họ phơi bày những quan điểm mù mờ về những quyển sách chưa hề đọc, nhưng đa phần sản phẩm của họ đều là thuốc bổ. Các blog nhóm như The Millions (gần đây được Publishers Weekly mua lại), Electric Literature, và HTMLGIANT trở thành những diễn đàn dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp chương trình MFA và các nhà văn triển vọng sống ở nơi điều kiện địa lý không thuận lợi được trình bày ý tưởng ở chốn công cộng và kiến tạo những cộng đồng riêng. Cũng như với blog nói chung, các blog sách tiến vào thời kỳ suy giảm khi mạng xã hội trở thành không gian nơi người ta đưa ra những ý kiến đã suy đi tính lại kỹ càng hay (ngày càng) lạc đề của mình. Nhưng DNA của các blog sách vẫn sống sót khi các thể chế văn học bắt đầu đổ nguồn lực và sự hiện diện trực tuyến của mình. The Paris Review Daily, NewYorker.com, và tạp chí này [Harper’s Magazine] – một thời gian dài từng đăng tải trang blog xuất sắc mang tên Sentences do nhà phê bình Wyatt Mason viết – đã hấp thụ một số mô hình của blog sách. Literary Hub, một dự án đầu tư chủ yếu sống bằng tiền của giới xuất bản, giữ vững được phong cách của blog sách vừa là phòng giao dịch đăng các trích đoạn từ sách, tiểu luận cá nhân, và kể cả tác phẩm văn học, một thể loại hiếm khi phổ biến trên mạng. Năm 2013, BuzzFeed tham gia vào không gian sách tuyên bố chính sách chỉ đăng bài tích cực. “Sao lại phải phí công nói xấu thứ gì chứ?” biên tập mảng sách của trang này, Isaac Fitzgerald, nói với Poynter. “Ta đã thấy nó quá nhiều trong những phương tiện truyền thông cổ lỗ sĩ, cái thứ phê bình gay gắt hạ bệ nhau ấy.”

Tôi gặp Fitzgerald cùng khoảng thời gian đấy trong một bữa tiệc, và khá mến anh ta. Những chính sách ủng hộ sách của anh ta có vẻ vô hại, và khi BuzzFeed dốc sức lăng xê một quyển sách, như trường hợp quyển tiểu thuyết năm 2015 You Too Can Have a Body Like Mine của Alexandra Kleeman, Fitzgerald và cả đội đã làm thế với mục tiêu nhắm đến các tài năng trẻ hợp thời có sức hút với nhóm độc giả trẻ của mình. Nhưng tôi thấy bằng việc loại bỏ hoàn toàn các bình luận tiêu cực và về bản chất trở thành người cổ vũ cho một số sách nhất định, BuzzFeed đã làm đúng theo công thức “chả lan quyên gì tới văn chương” khi chối bỏ tinh thần tranh cãi. Ai quan tâm anh nghĩ gì nếu từng lời anh nói ra chỉ toàn là khen?

Khoảng mười lăm năm trước, như thỉnh thoảng vẫn xảy ra, một phong trào trong giới văn học chống lại “bỉ bôi” và hướng đến một sự tử tế mới xuất hiện. Dave Eggers, tác giả và chủ nhà xuất bản McSweeney’s, nói về việc mong muốn gửi một thông điệp đến người trẻ rằng “sách rất tốt, đọc sách rất tốt… và những kẻ tiểu tiện trong góc một hệ sinh thái nhỏ bé mong manh là thế giới văn chương đó chính là đang làm ô uế ảnh hưởng đến tất cả mọi người.” Tôi không nghĩ rằng các bài phê bình tiêu cực, kể cả những nội dung bỉ bôi, lại độc hại như cách Eggers miêu tả, tôi cũng không nghĩ rằng điểm tin sách mới là độc hại. Nếu ta nghĩ theo ẩn dụ về hệ sinh thái của Eggers, đưa tin sách kiểu mới này mới chẳng khác gì xả rác. Những danh sách đề xuất bất tận phá hoại bối cảnh với những tính từ so sánh nhất chẳng thể tin nổi, nhất là khi, và không thể tránh khỏi, chúng không sinh ra từ công trình của các nhà phê bình sách mà viết ra từ những cây bút nhận lương thấp đến nỗi không thèm đọc cả sách mình giới thiệu, một cách làm tiêu chuẩn đối với các danh sách sách mới sắp ra. Những đề xuất mọc tràn lan như cỏ dại trở thành những gì Hardwick gọi là “một thế lực can ngăn ẩn nấp, nhẹ nhàng, nhạt nhẽo, hết sức tôn kính phủ định bất kỳ hứng thú hay quan tâm đối với sách vở hay các vấn đề văn chương nói chung.” Nếu vậy thì để thuật toán phục vụ độc giả còn hơn, bởi ít nhất thuật toán còn không “giả vờ” có quan điểm thật sự.

6.

Truyền hình và văn học khác nhau như thế nào?

Trong bài luận năm 1980 đăng trên tờ New Yorker về sự trỗi dậy của văn hoá truyền hình, “Within the Context of No Context”, George W. S. Trow vạch ra sự phân biệt giữa “mạng lưới thân mật”, đó là, mạng lưới của đời sống xã hội – và nơi chốn mà tại đó sách được đọc, một mạng lưới giữa tác giả và độc giả – và “mạng lưới hai trăm triệu người”, một không gian của những trải nghiệm chung, xấp xỉ tổng số dân Mỹ thời bấy giờ, do truyền hình tạo ra. Thứ mà Trow gọi là “Thẩm mỹ Ăn khách” là một cái gì đó tương tự như “tình yêu”, thứ mà truyền hình cố gắng tạo ra để giữ chân khán giả xem đài:

Thứ tình yêu sinh ra từ sự quen mặt. Tình yêu sai trái chính là Thẩm mỹ Ăn khách. Thứ được yêu trở nên ăn khách. Thứ ăn khách thì được yêu. Mối quan hệ này thiết lập nên bối cảnh. Nó dường như rất mạnh mẽ. Có gì còn có thể mạnh mẽ hơn? Tình yêu của hàng chục triệu người. Nó là một cú Ăn khách! Yêu lắm! Nó là một cú Ăn khách. Nó yêu bạn bởi bạn yêu nó bởi nó Ăn khách! Đây là một bối cảnh có sức mạnh, với một động lực hùng mạnh nhất. Nhưng sao nữa? Nó dừng lại chỉ sau một giây. Đúng như tình yêu có thể dừng lại, nhưng còn nhanh hơn nữa. Nó không phải tình yêu. Có một khoảng cách quá lớn giữa những người tình khiến cho không một sự động chạm nào xảy ra ngoài những va chạm trừu tượng.

Mạng internet đã làm sụp đổ khoảng cách này, nhưng không phải giữa những người tạo ra nội dung truyền hình và khán giả mà giữa khán giả với nhau. Giờ đây người xem có thể bình luận ngay khi các chương trình TV phát sóng, tạo ra một mạng lưới có vẻ thân mật lan rộng giữa những người đang xem truyền hình trong phòng khách và thứ hiện ra trên màn hình TV. Mạng lưới mới này xuất hiện mỗi tối trên Twitter, nơi ngay tức khắc biến mình thành một diễn đàn mỗi khi một chương trình phổ biến lên sóng. Nó cũng tham gia vào một thể loại chỉ được sinh ra nhờ Internet: bài tóm tắt TV.

Ai lại muốn đọc lại tóm tắt chương trình TV mình đã xem tối hôm Chủ nhật vào sáng thứ Hai cơ chứ? Tôi không tài nào hiểu được chuyện này. Từng tập từng tập một, truyền hình không cần phải tự giải thích quá nhiều. Chương trình nào cần giải thích quá nhiều đã không có cửa sống trên sóng, trừ ngoại lệ tiêu biểu nhất là phim của David Lynch. Nhưng thể loại tóm tắt TV đã trở thành một hình thức phổ biến bởi nó kéo dài tình yêu giữa chương trình TV và khán giả. Thứ tình yêu này vẫn mãi sai trái.

7.

Bốn mươi năm trước đây, Trow có thể tự tin mình đang viết cho một lứa độc giả cũng khinh khi truyền hình dù có lẽ người đọc của ông cũng xem TV nhiều hơn họ tự nhận. Việc dành quá nhiều thời gian vào TV bị xem là một bệnh dịch quốc gia và dịch hạch đối với trẻ em ở đất nước này. Ba hay bốn thế hệ đã lớn lên cùng chiếc TV, và tại một thời điểm nào đó trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, sự kỳ thị đối với lòng yêu mến truyền hình cũng không cánh mà bay theo. Cảnh báo hiểm hoạ đầu tiên của sự tôn thờ truyền hình mới này, cái con hoàng yến trong mỏ than ấy, lẽ dĩ nhiên, là phim bộ dài tập The Sopranos, vừa là sản phẩm giải trí cực kỳ thỏa mãn vừa là một tạo tác văn hoá bị đánh giá quá lố nhất thời đại chúng ta. Đúng là xét theo tiêu chuẩn truyền hình, The Sopranos có đem lại diễn xuất xuất sắc, quy tụ vừa diễn viên chuyên nghiệp vừa diễn viên không chuyên nặng sức thuyết phục, cùng kịch bản và giá trị sản xuất vô cùng cao. Tràn ngập những ám chỉ văn hoá liên tục (và rõ ràng) đến điện ảnh kinh điển Hollywood, nó kết hợp cả bạo lực giật gân (pulp) với chuyện tình sến súa cường điệu (melodrama) xoay quanh một tình thế đạo đức cơ bản: Liệu Tony Soprano, ông trùm tổ chức tội phạm và một kẻ giết người loạn thần kinh, vẫn có thể, là một người cha tận tụy và một đức ông chồng trăng hoa, được xem là “một người tốt”? Bản thân chương trình này cũng tự diễn giải chính nó qua những buổi trị liệu tâm lý dài bất tận và ngày càng chán ngán được coi là cú phát triển mới mẻ trong thể loại xã hội đen, mặc dù nó chẳng đặc biệt mới mẻ gì. Ngầm ý bị lược bỏ. Bạn sẽ cho rằng điều này khiến chuyện bình luận xa hơn trở nên thừa thãi. Trên thực tế, nó chỉ khiến việc bình luận trở nên dễ dàng hơn, đến tận câu hỏi rỗng tuếch rằng liệu Tony trong cảnh cuối phim có bị khùng không. Diễn giải trở thành một hình thức gỡ băng ghi chép, còn bài tóm tắt trở thành một cầu nối giữa mạng lưới thân mật và mạng lưới hai trăm triệu người.

Một nghìn bài tóm tắt mọc lên như nấm. Các trang web như Slate nhanh chóng có thói quen đăng bài thảo luận ngay ngày hôm sau khi tập phim phát sóng. Thực hành tóm tắt phim lan rộng sang nhiều địa hạt khác, có cả New York Times, và áp dụng cho cả những chương trình truyền hình ngày càng kém công phu. Các nhà báo tham gia vào công việc này như thể đã tìm được cách để làm hai việc yêu thích cùng một lúc – vừa xem TV vừa làm bài tập. Sự thật rằng những chương trình truyền hình này hoàn toàn dễ hiểu và không cần quá nhiều bình luận như đang bình Kinh Thánh cũng chẳng sao cả, bởi người đọc vẫn nhấp chuột vào đọc thôi. Thưởng thức truyền hình, từng là một hành động bị xem là lười chảy thây, giờ đây trở thành một hành động hết sức được tôn trọng giữa những kẻ trưởng giả học làm sang, và ta có thể nghe được một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Đó chính là tiếng hệ thống nhân tài thống trị gỡ mình thoát khỏi bổn phận phải trí thức.

“Những người yêu mến truyền hình trong chúng ta đã thắng cuộc chiến này,” nhà phê bình truyền hình Emily Nussbaum của tờ New Yorker viết thế vào năm 2005. “Những chương trình hay nhất được xem như những tác phẩm nghệ thuật quan trọng – được tranh cãi, được tôn thờ, bị lên án. Các nhà sản xuất phim truyền hình được tung hô như anh hùng và tấm gương để noi theo, và thậm chí được coi là những triết gia luôn.” Thật dễ hiểu rằng các nhà phê bình sẽ muốn đóng vai trò thúc đẩy chính loại hình truyền thông mà họ đang phê bình, đặc biệt là trong trường hợp của truyền hình khi mà kể cả trong kỷ nguyên xem phim online, một chương trình không thu hút được khán giả vẫn sẽ bị huỷ. Nhưng với truyền hình kết quả đã luôn là một sự lạm phát thâm nhập sâu xa. “Khi phải tự mình xoay sở,” Kyle Paoletta viết gần đây trên The Baffler,

các nhà phê bình truyền hình hàng đầu của chúng ta có vẻ chỉ quan tâm đến chuyện định nghĩa những gì hay nhất và vĩ đại nhất, suy tính bằng những tiêu chuẩn ngày càng bí truyền. Những cuộc chuyện gẫu vô thưởng vô phạt ấy đều tốt thôi, nếu như chúng không mang giọng điệu sôi sục cho thấy các nhà phê bình không có khả năng nhìn nhận đề tài của mình với tí ti khoảng cách hay kìm chế nào.

Giọng điệu này đang tràn lan ra những phần còn lại của các ngành nghệ thuật, nơi mà sự biến hình của các mô hình kinh doanh hoặc những khảo sát vĩnh viễn u ám – với ngụ ý cho thấy một sự suy đồi nói chung của việc đọc sách – tạo nên ấn tượng sai lệch về một trạng thái hiểm nghèo.

Việc đem mảng điểm tin sách “xuống từ đỉnh cao chói lọi trong lịch sử”, theo mô hình điểm tin phim truyền hình, và nhấn mạnh sự quan tâm của người đọc vào tác giả sẽ chỉ khiến khán giả khả dĩ duy nhất của chính nó xa lánh nó: những người quan tâm đến sách. Trong một thời gian ngắn không có quyển sách nào thu hút được lượng khán giả nhiều bằng một chương trình TV. Các nhà phê bình truyền hình thường hay bênh vực cho “sự cướp bóc văn chương của chương trình truyền hình theo kịch bản” như Matt Zoller Seitz của New York: lời dẫn truyện trên phim, sự bất khả tín thỉnh thoảng thấy; các tập phim theo kết cấu chương hồi; kết cấu nhiều điểm nhìn; một giọng đặc trưng. Những gì khiến cho một sáng tác giải trí trở nên phức tạp lại đều là những điều cơ bản trong văn học. Những người đọc bài điểm sách thường đọc về một quyển sách không chỉ trên phương diện độc giả tiềm năng của quyển sách đó mà còn tham gia vào một giới trí thức đang không ngừng soi xét số sách nhiều hơn bất cứ ai có thể đọc suốt đời. Thông thường điều thu hút họ chính là văn viết trong bài phê bình. Các bài viết chân dung tác giả có thể đem lại hiệu ứng tương tự nếu được viết trên tinh thần phê bình mang tính trân trọng. Nhưng các nhà văn thì lại không nổi tiếng như các diễn viên, và không nên phải gánh trọng trách trở nên thú vị y như tác phẩm của mình, và tác giả của những quyển sách thú vị nhất sẽ không bao giờ có tính cách thú vị nhất. Đa số các bài hỏi đáp với các tác giả trẻ chỉ đơn thuần nắn ép ngôn từ riêng của họ thành ngôn ngữ bán hàng được mã hoá. Thương thay cái số (phải cố ra vẻ) thảo mai.

8.

Trong một hoàn cảnh mà “những đề xuất ngọt ngào nhạt nhẽo” trở nên thường xuyên như cơm bữa, bài luận của Hardwick vẫn còn dạy cho ta nhiều bài học. “Thực hành ‘đưa tin’ đơn thuần dường như đã thắng thế trong trận chiến quan điểm,” bà viết.

“Tính dễ đọc”, một từ nho nhỏ ấm áp, đã thế chỗ cho yêu cầu cổ điển là một văn phong hay ho, rõ ràng, một thứ hoàn toàn khác. Mọi sự khác biệt về độ xuất sắc, về vị trí, về hình thức đều bị thái độ chấp nhận lơ mơ làm lu mờ hết thảy.

Nhưng Hardwick chỉ đang miêu tả sự thất bại của các nhà phê bình. Ngày nay bản thân việc phê bình cũng đang bị xem là không đủ đáp ứng bởi các bài bình luận không phải động cơ thúc đẩy lượt ghé thăm trang web. “Trong quá khứ,” Pamela Paul nói với CJR,

khi Book Review nhận được một quyển sách, câu hỏi được đặt ra là, “Quyển sách này có xứng đáng được bình luận không? Ta có nên làm bài điểm quyển sách này?…” Bây giờ câu hỏi là, “Quyển sách này có đáng được đưa tin không? Và nếu có thì đưa tin theo dạng nào?”

Nhưng nếu một quyển sách không xứng đáng nhận được bình luận, còn đưa tin về nó làm gì?

Công trình “đưa tin sách” này được xây dựng xung quanh công việc của các nhà phê bình trông rất giống với mô hình điểm tin truyền hình – một loạt danh sách, đề xuất đề cử, chân dung tác giả, hỏi đáp, câu lạc bộ sách trực tuyến, định hướng phong cách sống, và những tiểu luận tự khen của các tác giả sách mới – một diện mạo cẩu thả đến mức có thể bay biến trong một tuần. Và nếu căn nhà này sụp đổ, sẽ chẳng có ai còn nhớ đến nó.

9.

Một số báo điển hình của The New York TImes Book Review thường có hơn chục bài điểm sách dạng dài và khoảng vài bài ngăn ngắn. Về bản chất, đây là loại ấn phẩm sẽ không thể nào đáp ứng được cho tất cả nếu làm đúng công việc của mình: thu hút những người đọc với nhiều quan điểm chính trị và gu khác nhau trong khi giữ vững kiến thức mức sàn. Cùng lúc đó, ba nhà phê bình hàng ngày của báo này  vẫn viết ít nhất tuần một lần (đây là ba người tốt nhất trong tất cả mọi tờ báo tương tự). Ước tính khiêm tốn có khoảng bảy trăm năm mươi bài điểm sách một năm. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Khi những nhu cầu mới xuất hiện, những điều quen thuộc đột nhiên biến mất bằng một cách nào đó. Trong quyển sách ra mắt năm 1999 mang tên My Pilgrim’s Progress: Media Studies, 1950–1998, Trow viết:

Tờ New York Times ngày nay đang cố gắng hiểu hết tâm lý người đọc. Tâm lý độc giả của tờ báo này là một bí ẩn, và New York Times sợ rằng tâm lý của thế hệ đang lớn lên bây giờ – thế hệ sẽ một ngày nào đó thế chỗ độc giả hiện tại – sẽ là một điều hoàn toàn bí ẩn.

Trong suốt hai thập kỷ sau khi Trow đưa ra lời chẩn đoán này, điều bí ẩn và sự kinh hoàng chỉ càng trở nên gay gắt hơn. Số lượt xem trang web dường như là câu trả lời cho điều bí ẩn, nhưng trong rất nhiều trường hợp lượt xem web đã chứng tỏ đây là một người kể chuyện bất khả tín, một người bạn sớm nắng chiều mưa, hay một cú lừa to đùng. Vụ việc tai tiếng nhất phải kể đến cú ngoặt “hướng đến video” do Facebook cầm đầu đã khiến nhiều công ty truyền thông chuyển hướng tài nguyên sang những nội dung hợp với video hơn và sa thải hàng loạt người viết bài. Khi Facebook ngay sau đó ngưng tập trung vào video để đẩy mạnh nội dung cá nhân của người dùng trên trang chủ (newsfeed), ta mới vỡ lẽ những khoản đầu tư đó đều tốn công vô ích, và một số công ty truyền thông non nớt bỡ ngỡ lỡ chuyển hướng đã phải đóng cửa, bị bán đi, hay trong trường hợp của BuzzFeed, lại phải sa thải hàng trăm nhân viên.

Năm 2014, tờ New York Times phát hành một bản báo cáo đổi mới nội bộ. Bản báo cáo này nhanh chóng bị tuồn ra ngoài, và từ đó đến nay những bài học của nó thường được gói gọn trong mấy chữ “trở nên giống BuzzFeed hơn”. Đây không phải lời tóm tắt vô cớ, nhưng đọc từng câu từng chữ trong báo cáo còn đơn giản hơn. Phần mang tiêu đề “Giảm Báo In” bao gồm ba yêu cầu sau:

— Di chuyển trung tâm trọng lực của tòa soạn khỏi Trang Nhất. Tạo ra nhiều thước đo thành công hơn, có thể sử dụng những chuẩn đo như lượt xem trang web, lượt chia sẻ và lượt tương tác.

— Yêu cầu các biên tập viên của toà soạn đọc giống người đọc của tờ báo hơn. Mỗi ban nên có ít nhất một nhân viên giám sát báo cáo trên trang web di động, và trên các ứng dụng di động và máy tính bảng của chúng ta. Việc này sẽ dần trở thành đương nhiên.

— Biến kỹ thuật số thành một phần trong phần đánh giá. Các bài bình luận nên bao gồm các phần nói về doanh thu bản số cũng như bản in. Việc này nên được áp dụng cho cả toà soạn, đặc biệt là ở cấp lãnh đạo. Ban của họ đã phát triển một chiến lược thông minh cho mạng xã hội chưa? Họ có cởi mở và nhiệt tình với việc thử nghiệm? Họ có đang tuyển dụng các nhân viên thông minh và tập trung vào số hoá? Để làm được việc này, đầu tiên ta phải truyền tải được những kỳ vọng về kỹ thuật số đến với các nhân viên.

Một điều mà bản báo cáo không đề cập, đó là đối với một số loại hình báo chí, nhiệm vụ tăng lượt xem trang web không hề phù hợp với, nếu không phải là hoàn toàn trái ngược với, nhiệm vụ cần làm. Khi một nhà phê bình đã chủ động quyết định, hoặc bị/được giao cho, bình luận một quyển sách, vấn đề thu hút người xem có nên hiện diện trong bài đánh giá và phê bình đó không? Nếu làm như vậy, những vấn đề đó sẽ không khỏi khiến nhà phê bình tuyên bố rằng quyển sách này là một kiệt tác hay một thảm hoạ, hoặc chỉ điểm ra những yếu tố sốc hàng nhất nếu có. Một bài bình luận có tâm mà trong đó nội dung chỉ ra tư tưởng mâu thuẫn hay đánh giá trái ngược với tác giả sách sẽ không lan truyền trên mạng xã hội nhanh bằng một bài khen ngợi nức nở. Theo lời biên tập mảng sách của BuzzFeed Arianna Rebolini nói với Eichner trên CJR, “Liệu anh có dành thời gian vào một thứ gì đó không thu hút được nhiều lượt chia sẻ không?”

Tôi bắt đầu viết bài này vào tháng Mười Hai, ngay khi những danh sách “Hay nhất năm 2018” đang đạt đỉnh. Những danh sách vừa để khen thưởng cuối năm vừa đóng vai trò hướng dẫn mua sắm mùa lễ hội này sẽ luôn bên ta. Trên tờ Times, chúng tạo nên một cơn sốt điên cuồng. Bên cạnh “100 Quyển Sách Nổi Bật Nhất Năm 2018” và “Mười Quyển Sách Hay Nhất Năm 2018” đã thành tiêu chuẩn, còn có “Danh sách Off the Book” (Những cuốn suýt và hụt) gồm các đề xuất của nhân viên mảng sách của Times về những quyển sách không lọt vào danh sách “Đáng Chú Ý”. Nếu quá nhiều quyển sách đáng giá bị lược bỏ, tại sao không mở rộng danh sách “Đáng Chú Ý” này thành một trăm hai mươi quyển? Tiếp đó là một danh sách các quyển sách do các tác giả có sách trong “Sách Hay Nhất” khuyên đọc. Năm mới đến cũng không làm các danh sách thuyên giảm. Những thứ như “Sách Nóng Cho Ngày Lạnh”, xuất hiện trên Times ngày 18 tháng Một và sau câu mở đầu (“Khi nhiệt độ giảm mạnh, bạn có thể mặc thêm nhiều chiếc áo len, vùi mình dưới chăn len, uống trà nóng – hay bạn có thể thả mình trong quyển sách sẽ lập tức đưa bạn đến với những vùng đất ngập tràn ánh nắng và mồ hôi”) là một loạt những câu trích dẫn ngắn vô thưởng vô phạt từ chín quyển sách rất nổi (trong đó có Cujo của Stephen King, Yêu Dấu của Toni Morrison, và Chuộc tội của Ian McEwan) trong đó miêu tả không khí mùa hè nóng nực – những thứ này có công dụng gì?

Trong công cuộc thúc đẩy lượt xem web hay tinh thần thể nghiệm hay những cố gắng khiến biên tập viên đọc như người đọc, tờ Times dường như đã quên đi sự thông minh của người đọc. Làm sao để giải thích một bài viết như “Thức tỉnh người đọc bên trong bạn” của Gregory Cowles, một biên tập của Book Review? Một cái tag đi kèm bài viết cho hay “Đây là một bài viết thuộc khuôn khổ “Một năm sống tốt hơn”, một chuỗi bài viết hằng tháng về những hướng dẫn dành cho độc giả đặt báo giúp bạn cải thiện cuộc sống, cộng đồng và thế giới.” Cowles, có khi cũng là một nhà phê bình tốt (và là biên tập viên của tôi khi tôi viết lần duy nhất cho Book Review), làm công việc đó mà không hề hạ cố, dù tôi không thể tưởng tượng ra (do bản thân tôi cũng nhận được vài đơn đặt hàng viết những thứ hướng dẫn mua sắm như thế này) rằng anh thật sự thích nó: “Tìm thời gian để đọc sách thường là tạo ra thời gian để đọc sách, và điều đó có nghĩa biến sách thành một mối ưu tiên.” Đúng thế. Cách tiếp cận theo lối self-help này cũng hiện rõ trong một mảng khác của Times, mang tên Match Book, một chuyên mục chuyên đưa ra lời khuyên cho những bạn đọc đi tìm những đề xuất sách cụ thể (Các thành viên trong nhóm từ thiện của tôi nên đọc gì? Có thể giới thiệu cho tôi sách về Maine không? Truyện hư cấu về âm nhạc thì sao? Thơ tâm linh?) Như chúng ta đều biết nhờ dùng Internet quá nhiều, hay từ quyển tiểu thuyết Miss Lonelyhearts của Nathanael West – một kinh điển về mục lời khuyên trên báo Mỹ – thế giới này ngập tràn những tâm hồn tuyệt vọng. Ai biết được họ mòn mỏi cần được giới thiệu sách như thế? Không phải những thứ này rất dễ tìm thấy ở hiệu sách hay trên Amazon à?

10.

Khi không bận tạo ra những danh sách đề xuất – cố tình bắt chước nỗ lực của các thuật toán thâm nhập khắp nơi, dù có chút yếu tố con người – mục điểm tin sách của Times còn phản trí thức theo nhiều cách truyền thống hơn. “Bạn đang tổ chức một buổi tiệc tối văn học,” nội dung của bảng câu hỏi tờ Times gửi đến người nhận cho mục By the Book. “Bạn sẽ mời ba nhà văn nào, còn sống hay đã qua đời đều được?” Tư tưởng giả định rằng việc đọc cần được trải nghiệm tốt nhất dưới hình thức một sự kiện thanh lịch của giới trung lưu chứ không phải một hành động đơn độc là một lối tránh né việc suy xét theo kiểu khác. Tờ Times đã luôn mắc phải căn bệnh mà Gary Indiana gọi là “chứng tôn thờ thành công kiểu mẫu và những biểu tượng của nó”, và điều này trở thành vấn đề khi tờ báo này đưa tin về các nhà văn, bởi vì so với một người nổi tiếng thực thụ hay một nhà sản xuất truyền hình Hollywood, thành công của một nhà văn chỉ nhỏ như con muỗi. Nếu câu hỏi đầu tiên dành cho tác giả là, Anh/Chị đã làm thế nào để thành công? rất có thể câu trả lời sẽ là bởi vì tác giả này có sách được Amazon đẩy lên danh sách đề xuất. Một mục khác của tờ Times, mục Cover Stories, còn bình luận về bìa sách như thể bìa sách chính là quyển sách vậy.

Vào tháng Mười hai, một bài báo đăng trên tờ Times bản điện tử với tiêu đề “Late-Night TV Hosts Give Publicity-Starved Novelists the Star Treatment.” “Chủ xị chương trình tối tiếp đãi nhà văn đói fame như ngôi sao”. Đấy là những phương pháp tưởng tượng văn học của Times: cách mà các tiểu thuyết gia ước ao được đối xử (như những ngôi sao) và những gì họ khao khát (danh tiếng). Seth Meyers, trong vòng năm năm, đã chào đón “vài chục” tác giả văn học làm khách trên chương trình Late Night, “rất nhiều người trong số đó không phải những cái tên nhà nhà đều biết,” và điều này khiến ông và Trevor Noah, người dẫn chương trình Daily Show có cùng chí hướng, có “một tầm ảnh hưởng lớn đối với giới xuất bản.” Xem Meyers phỏng vấn một tác giả từ bốn đến sáu phút, bạn sẽ có cảm giác có lẽ ông đã thật sự đọc sách của vị khách mời, hoặc ít nhất đã lướt qua đủ để biết nó nói về cái gì và xảy ra ở đâu khi nào. Hẳn nhiên, theo lời Times, các tác giả có thể trông chờ doanh thu và hứng thú đối với sách của mình tăng vọt, nhưng mục tiêu chính của những phỏng vấn như thế dường như vẫn là để đánh bóng hình ảnh của người dẫn chương trình mà thôi. Bạn có thể tin cậy để các danh hài-trí thức này diễn giải tin tức cho mình. Họ còn đọc cả sách cơ mà!

“Đưa các tác giả quay lại bữa tiệc là một cách cho hay đây không phải thứ bí truyền gì, đây là một phần của văn hoá đại chúng,” tiểu thuyết gia Rebecca Makkai chia sẻ với tờ Times về sự xuất hiện của mình trên sóng Late Night. Vả lại ai lại đi ăn thua với một tác giả có sáu phút rưỡi nổi tiếng, kể cả khi triển vọng gia nhập văn hoá đại chúng của bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào, nếu không được chuyển thể cho màn ảnh, đều gần như bằng không cơ chứ? Các tiểu thuyết gia Mỹ được xem như người nổi tiếng và thỉnh thoảng xuất hiện trên truyền hình – Norman Mailer, James Baldwin, Susan Sontag, Philip Roth – thì đều đã chết hết cả rồi. David Foster Wallace cũng thế. Những cây đại thụ – Toni Morrison, Cormac McCarthy, Don DeLillo, Thomas Pynchon – lại vô cùng kín tiếng. [giờ Toni Morrison cũng chết nốt rồi 🙁 – Z] Jonathan Franzen gần như là người nổi tiếng duy nhất trong văn đàn nước Mỹ. Một bài chân dung trên Tạp chí Times, “Jonathan Franzen Is Fine With All of It,” (Jonathan Franzen ok I’m fine với tất cả mọi thứ) của Taffy Brodesser-Akner đăng ngày 1 tháng Bảy, 2018, vài tháng trước khi Franzen ra mắt tuyển tập tiểu luận mới nhất của mình, The End of the End of the Earth. Ngày xửa ngày xưa, Franzen đã bỏ lỡ cơ hội lên truyền hình nhận Chỉ của Oprah Winfrey. Làm vậy thì không được trí thức lắm. Mười bảy năm sau, ông trở thành hiện thân văn học của tất cả những nỗi lo lắng trong thời đại số và truyền hình của Times: Thành công có ý nghĩa gì nếu không xảy ra trên màn ảnh? Bài chân dung này xem các tiểu thuyết của Franzen như những ý nghĩ nghĩ lại, những tiểu luận mới của ông như một cái cớ viết bài, và đam mê ngắm chim cảnh của ông là một tính cách thú vị. Trong ống kính tiêu cự của Times Franzen là một cái meme sinh động trên Internet và một nhà văn truyền hình thất bại.

Một nhà sản xuất dự án chuyển thể tiểu thuyết Purity (2015) của Franzen gọi điện thoại đến báo tin dự án bị huỷ. Ngôi sao Daniel Craig gọi điện xin lỗi tác giả phải bỏ dự án để đóng tiếp tập phim James Bond mới. Tội nghiệp Franzen: dự án chuyển thể The Corrections năm 2012 cũng không thành luôn. Liệu ông có bao giờ thắng không? Vắng bóng Câu lạc bộ Sách của Oprah, doanh số tiểu thuyết của ông đã trượt dài từ bảy chữ số xuống hàng sáu chữ số thấp tè. Huhu. Ông cũng chẳng thắng được trên mạng, nơi mà

dù các nhà phê bình yêu mến ông và ông có được một lượng độc giả trung thành, những người khác đều đang sử dụng những cơ chế và nền tảng mà ông khuyến cáo không nên (như Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng) để chế nhạo ông.

Đúng là Franzen thường bị chế nhạo trên mạng và thành công văn học của ông chưa được dịch sang ngôn ngữ Hollywood, nhưng đó là hai điều ít thú vị nhất về ông. “Những kẻ ghét vô cớ không muốn đọc cả quyển đâu,” Brodesser-Akner viết. “Đa số những người than phiền về tôi đều không đọc tôi,” Franzen nói thế. Thật ra, Franzen có đầy nhà phê bình đọc văn ông rất kỹ và luôn tranh cãi về những vấn đề như hình thức, chủ đề và chính trị trong những quyển sách ông viết ra, nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ biết được từ bài chân dung này. Tuy vậy, tin mừng vẫn đến ở cuối bài. Showtime gọi điện, và dự án chuyển thể Purity có thể vẫn sẽ tiếp tục, dù dưới dạng “con nhộng”, là gì cũng được. Franzen cũng đang có dự án tiểu thuyết mới mà ông tuyên bố sẽ là tiểu thuyết cuối cùng của mình. Nào, đấy là tin sốt dẻo đấy.

11.

Vào cuối đời mình, sau khi không còn viết văn nữa, Philip Roth hình thành nên thói quen nói về cái chết cận kề của tiểu thuyết, điều sẽ xảy ra vài thập kỷ sau cái chết của chính ông. Màn hình đang băng hoại sự chú ý của công chúng. “Chưa bao giờ có một Kỷ Nguyên Vàng Đọc Sách Nghiêm Túc ở Mỹ,” ông nói với tờ Le Monde vào năm 2013, “nhưng tôi không nhớ đã từng thấy trong đời một tình cảnh tệ bạc cho sách đến như thế này như ngày nay – sách với tất cả mọi sự chú ý kiên định và tập trung không gián đoạn cần để đọc sách. Và có khi ngày mai rồi ngày mốt sẽ còn tệ hơn nữa. Dự đoán của tôi là khoảng ba mươi năm nữa, nếu không phải sớm hơn, số người đọc văn học nghiêm túc ở Mỹ sẽ chỉ còn bằng số người đọc được thơ tiếng Latin bây giờ.” Franzen, về phần mình, tuyên bố đã dấn thân sang Hollywood bởi vì ta đang sống “trong một kỷ nguyên mà tiểu thuyết đang dần dần rút lui và người ta đang tìm kiếm lý do để không phải đọc một quyển sách.”

Không người lớn nào cần có một lý do để không đọc sách, và các tiểu thuyết gia vẫn luôn không khỏi xoắn xuýt về số phận nghề nghiệp của mình. Tôi không cần phải tự thuyết phục bản thân rằng chúng ta đang sống trong một Kỷ Nguyên Vàng Của Văn Chương Nghiêm Túc để tiếp tục viết về nó. Tôi sẽ không cho rằng ta đang sống trong một thời kỳ, nói như lời các nhà phê bình truyền hình, của Tiểu Thuyết Đỉnh Cao, nhưng với một thế hệ mới thành hình này, vì sao ta cứ phải giả bộ như thế? Tiểu thuyết là một thể loại trường tồn cùng thời gian bất kể ta có bao lần tuyên bố về cái chết của nó. Hollywood đang trối chết chạy theo các tác giả sách một cách chưa từng có từ thập niên 1930 trở lại đây. Họ là những “vùng đất khởi đầu” của nội dung, dù tốt hay xấu. Nhiệm vụ của các nhà phê bình sẽ là ghi chép những ảnh hưởng từ việc này đối với nền văn học của chúng ta. Các bài điểm sách luôn nằm trên tiền tuyến của văn hoá và chính trị, nơi mà các ý tưởng được đem ra thí điểm trước khi tôi thành giáo điều thốt ra khỏi miệng các cụ phê bình đạo mạo. Như Hardwick đã viết, đó là môi trường nơi mà “văn bất thường, văn khó khăn, văn dài dòng, văn không khoan nhượng, và trên tất cả, văn thú vị, nên hy vọng tìm được độc giả của mình.”

12.

Giờ ta hãy nghĩ lại về Wendy và Alex theo một cách khác, như những người tôi biết có tồn tại. Bạn chắc cũng biết họ đấy. Bạn có lẽ cũng giống họ lắm.

Wendy và Alex chưa bao giờ ngừng đọc sách kể từ khi còn bé. Đọc sách, xem phim, ngắm tranh – đó đơn thuần là những điều họ không bao giờ không làm, bất kể ở giai đoạn nào của cuộc đời, bất kể có tiền nhiều tiền ít. Họ biết cách tìm hiểu về những gì họ có thể thích và những gì có thể họ không thích, dù thông tin đấy được gửi vào thùng thư hay hộp thư điện tử hay một trong những trang chủ của họ (mà trên đó là số người xa lạ bàn luận về Marcel Proust hay Clarice Lispector hay Tuyển tập Thi Ca Norton cũng đông như những người bàn tán về các trang truyền thông đại chúng). Cả Wendy và Alex đều không nghĩ quá nhiều về sự khác nhau giữa văn hư cấu và phi hư cấu, nhưng họ biết thế nào là văn hay văn dở. Văn hay bỏ bùa người ta, mà bùa phép thì khó tìm như mò kim đáy bể. Họ biết tên của các nhà phê bình và yêu thích tiếng não bộ kêu vang lách la lách cách ta nghe được trong một bài phê bình xuất sắc. Họ bị lôi cuốn vào những cuộc tranh luận và những quyển sách hiếm có khó tìm. Họ cũng không bao giờ có đủ thời giờ, nhưng cũng không quá chú trọng đến chuyện phung phí nó. Họ thích tự mình tìm hiểu mọi chuyện.

Christian Lorentzen

Ali Le dịch

“Like this or die” Copyright © 2019 by Christian Lorentzen. Xin cảm ơn tác giả đã đồng ý cho Zzz Review dịch đăng bài viết này.

(Hình lấy từ Boostlikes.)

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Ally Le
Website | Các bài viết khác

Cô gái bàn bên