Thời gian đọc: 8 phút

Chuyên mục trò chuyện với dịch giả của Bên phía nhà Z xin được tiếp tục với dịch giả Giáp Văn Chung, vốn có bằng TS về ngành Giao thông ở Hungary, hiện sinh sống tại Budapest, Hungary, và hoạt động dịch thuật như một nghề tay trái bên cạnh công việc chính là kinh doanh. Giáp Văn Chung là người đóng vai trò hơn cả cầu nối cho hai nền văn hóa Hungary – Việt Nam: ông khai sinh lại trong tiếng Việt một loạt các tác phẩm của các tác giả nổi tiếng: Cánh cửa của Szabó Magda, Bốn mùa, trời và đất, Lời bộc bạch của một Thị dân, Casanova ở Bolzano, Những ngọn nến cháy tàn của Márai Sándor, Không số phận của Kertész Imre (nhà văn Hungary duy nhất đến thời điểm này được trao Nobel văn học)… và gần đây nhất là tác phẩm từng đạt giải thưởng Man Booker International năm 2015, Chiến tranh và chiến tranh của Krasznahorkai László. Năm 2011, ông đã được trao thưởng “Pro Cultura Hungarica” vì các hoạt động truyền bá văn hóa Hungary. Nhà Z vô cùng cảm ơn chú Giáp Văn Chung đã đồng ý tham gia cuộc trò chuyện này, về quá trình dịch cuốn Chiến tranh và chiến tranh, cũng như quan điểm của dịch giả về dịch thuật nói chung.

Nhà Z

Chú biết đến Krasznahorkai László (K. L.) như thế nào? Và trong số các tác phẩm của ông tại sao chú lại chọn Chiến tranh và Chiến tranh đầu tiên?

Giáp Văn Chung

Ở bên này có Nhà dịch thuật Hungary, nơi đón các dịch giả văn học Hung từ khắp nơi trên thế giới có thể đến gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và làm việc trong một không gian rất yên tĩnh, đầy tính học thuật. Trong một vài lần tới làm việc ở đây, tôi đã nghe một số dịch giả nhắc tới K. L., một tác giả đặc biệt, bậc thầy của những câu văn dài, và những tác phẩm hiện đang rất “hot” của ông, đặc biệt là ở Tây Âu. Từ đó tôi bắt đầu quan tâm đến các tác phẩm của ông. Khi ông nhận được giải Man Booker, tôi cũng đã có bài viết giới thiệu ông trên các báo, và có ý định giới thiệu một vài tác phẩm của ông với độc giả Việt Nam. Thực ra tôi định chọn Satantango (tạm dịch: Vũ điệu tăng gô của quỷ Sa tăng) làm tác phẩm dịch đầu tiên của ông, nhưng khi tôi đang đọc tác phẩm đó thì Nhã Nam yêu cầu tôi dịch Chiến tranh và Chiến tranh. Tôi được biết dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng của Nhã Nam là người rất mê K. L., anh đã có ý định dịch tác phẩm nặng ký này qua bản tiếng Anh, nhưng sau Nhã Nam lại đề nghị tôi làm vì có thể họ cho rằng dịch từ bản gốc sẽ chuyển tải được chính xác và đầy đủ hơn ý đồ nghệ thuật của tác giả và tinh thần của tác phẩm.

Nhà Z

Được biết dịch phẩm này đã khiến chú vất vả hơn rất nhiều so với các dịch phẩm trước, chú mất bao lâu để dịch Chiến tranh và chiến tranh?

Giáp Văn Chung

Khi biết tôi bắt tay vào dịch tác phẩm này, một số dịch giả các nước ở Nhà dịch thuật Hungary đã “lắc đầu lè lưỡi”, ai cũng kêu đây là tác phẩm “khó nhằn” nhất của K. L., ngay cả người Hung cũng nói đây là tác phẩm không dễ đọc. Tôi cũng đã dịch những tác phẩm rất khó của Kertész Imre, Márai Sándor…, nhưng so với họ K. L. là tác giả hóc búa hơn nhiều. Tôi đã mất khoảng một năm rưỡi để hoàn thành bản dịch này, nhiều đoạn phải đọc đi đọc lại, rồi đối chiếu với bản dịch tiếng Anh, hay tham khảo ý kiến của các học giả, nhà văn quen biết hoặc trao đổi trực tiếp với tác giả qua e-mail. Việc tra cứu, chú giải hàng mấy trăm chú thích cũng rất công phu và mất nhiều thời gian. Thú thực, nhiều lúc tôi đã tự rủa mình sao lại nhận dịch tác phẩm này, nhưng cũng như người leo một ngọn núi cao, khi lên tới đỉnh, niềm vui chinh phục thành công đỉnh cao đó đã bù đắp tất cả những nỗ lực, khổ công trước đó.

Nhà Z

Chú có làm việc với K. L. trong quá trình dịch Chiến tranh và chiến tranh?

Giáp Văn Chung

Như ở trên đã nói, tôi đã nhiều lần liên hệ với K. L. qua e-mail để cùng ông làm rõ nhiều câu, đoạn khó hiểu, những cổ ngữ, điển cố ngày nay được sử dụng. Hiện nay phần lớn thời gian ông sống ở nước ngoài, nên tôi chưa có điều kiện gặp ông trực tiếp. Qua thư từ, tôi thấy ông rất thân thiện, cởi mở và ông rất vui khi được biết tôi dịch Chiến tranh và chiến tranh, vì Việt Nam là nước châu Á đầu tiên dịch tác phẩm đặc biệt này. Ông nhắn tôi khi nào có bản in tiếng Việt, hãy gửi cho ông một cuốn, và tôi sẽ đáp ứng yêu cầu này của ông nay mai.

Nhà Z

K. L. từng nói thế này: “Dịch giả tiếng Pháp tìm thấy một trăm lỗi dịch, vì tiếng Pháp không xử lý được những sắc thái ý nghĩa mà tiếng Hung có.” Chú có nghĩ tiếng Việt có yếu hay mạnh ở khả năng chuyển tải các sắc thái đa dạng trong ngôn ngữ của K. L.? Hơn nữa ở khoản viết nhưng câu văn dài nhiều mệnh đề phụ như vậy, tiếng Việt có lợi thế hay yếu thế?

Giáp Văn Chung

Vâng, tiếng Hungary là một trong những ngôn ngữ khó nhất trên thế giới, ai học và làm việc với tiếng Hung cũng đều phải công nhận điều đó. Tôi đã có thời gian sống trên ba chục năm ở Hungary, đọc và tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ Hung, nhưng cũng chưa bao giờ dám tự nhận mình giỏi hay thật am tường thứ ngôn ngữ có vốn từ cực kỳ phong phú, giàu nhạc điệu và sắc thái biểu cảm này. Dịch tiếng Hung ra các ngôn ngữ châu Âu – tức là ra ngôn ngữ của các nước có sự tương đồng nhất định về văn hóa, về lối diễn đạt và tư duy – đã là một thử thách không nhỏ đối với dịch giả, thì dịch sang một ngôn ngữ Á Đông, cụ thể là tiếng Việt, lại càng khó khăn gấp bội. Tiếng Việt có những hạn chế khi động đến những chủ đề hiện đại như triết học, tâm lý học, xã hội học… Nhưng theo tôi trong thế kỷ 20 và nhất là trong vài chục năm gần đây tiếng Việt đã có sự phát triển thần kỳ, và đặc biệt tiếng Việt có sự uyển chuyển, linh hoạt ít thấy ở các ngôn ngữ khác. Trước Chiến tranh và chiến tranh tôi cũng đã dịch những tác phẩm rất khó của văn học Hung như Không số phậnKinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời (của Kertész Imre) hay các tản văn Bốn mùa, Trời và đất (của Márai Sándor), tiểu thuyết Cánh cửa của Szabó Magda… Do đó tôi nghĩ với tình yêu và sự trân quý tiếng Việt, với sự nghiêm túc và cẩn trọng cần thiết, với sự khiêm tốn và cầu thị, dịch giả vẫn có thể vượt qua những khó khăn của hàng rào ngôn ngữ để chuyển tải thành công các tác phẩm của K. L. Dĩ nhiên thành công ở mức nào, xin để bạn đọc Chiến tranh và chiến tranh đánh giá.

Nhà Z

Chú có thể nói rõ hơn các khó khăn khi chuyển ngữ tác phẩm của K. L. không? Cụ thể cách xử lý các câu dài hàng trang của Chiến tranh và Chiến tranh của chú như thế nào, chú có cắt nhỏ từng đoạn ra không?

Giáp Văn Chung

Những câu văn không chỉ dài lê thê, có khi tới hang mấy trang, mà còn rối rắm, kỳ dị, trùng lắp trong Chiến tranh và chiến tranh, với rất nhiều mệnh đề phụ chồng lấp lên nhau, đòi hỏi sự kiên nhẫn khi đọc và hiểu. Ban đầu, tôi cũng đã phân vân không biết có nên cắt nhỏ các câu “khủng” đó ra từng đoạn cho dễ đọc hay giữ nguyên cách viết của tác giả. Và cuối cùng tôi đã chọn phương án thứ hai, vừa để trung thành với bản gốc, vừa không phá vỡ những gì đã làm nên đặc trưng của văn phong K. L. Và sau khi hoàn thành bản dịch, tôi thấy mình đã lựa chọn đúng.

Nhà Z

Quá trình dịch của chú có phân theo mốc dịch từng câu: mỗi ngày kết thúc được vài câu hay dang dở giữa câu?

Giáp Văn Chung

Tôi không phân định theo mốc dịch từng câu. Tùy thuộc vào từng khoảng thời gian ngồi dịch, tôi cứ làm tuần tự. Nhiều khi đang dịch, do bận việc khác, phải bỏ dở giữa câu đến vài hôm sau mới lại tiếp tục được, khi đó mình lại phải đọc lại từ đầu câu, hay cả vài câu trước đó, có khi đến mấy lần để “nhập thần” trở lại, trước khi dịch tiếp.

Nhà Z

Trong các buổi trò chuyện, K. L. thường nhắc đi nhắc lại, rằng bản dịch tiếng Anh không có một từ nào của ông ấy, từng từ, từng từ một hoàn toàn là của dịch giả, đều do dịch giả viết ra. Người nghe có thể tưởng K. L. đùa, nhưng ông hoàn toàn nghiêm túc. Chú nghĩ sao về nhận định này về dịch thuật của K. L., với tư cách là tác giả của bản tiếng Việt?

Giáp Văn Chung

Bản dịch tiếng Anh Chiến tranh và Chiến tranh là của George Szirtes (G. Sz.), một dịch giả nổi tiếng người gốc Hung hiện sống tại Anh. Chính K. L. cũng đã có lần nói ông thật may mắn được G. Sz. dịch các tác phẩm của mình. Do đó cũng phải hiểu nhận định trên của ông một cách tương đối, hay nói như bạn đó là một nhận định “tưởng như đùa, nhưng lại rất nghiêm túc”. Đương nhiên trong bản dịch, từng từ, từng từ một phải là của dịch giả, do dịch giả viết ra, nhưng đó là sự sáng tạo của dịch giả dựa trên văn bản gốc của tác giả. Chính các dịch giả (đích thực) đã làm sống lại tác phẩm của tác giả trong một ngôn ngữ khác, đó là điều thật kỳ diệu. Học giả Bödők Zsigmond đã có một nhận xét rất xác đáng về dịch thuật, khi ông viết: “Các bản dịch không bao giờ có thể cho ta một phiên bản trung thành của tác phẩm: nhịp điệu thay đổi, hình ảnh ngôn ngữ yếu ớt, vần điệu lệch lạc, sự bay bổng của vần thơ và cùng với nó là ý tưởng bị đứt gãy. Vì ý tưởng và ngôn ngữ liên hệ hữu cơ với nhau và cùng ẩn náu đâu đó trong những góc khuất của não bộ, chúng chỉ có khả năng sáng tạo hoàn mỹ khi song hành cùng nhau.” Dĩ nhiên, nếu độc giả yêu văn chương đọc được tác phẩm qua bản gốc, thì đó là điều tuyệt vời nhất. Nhưng vì không phải ai cũng có thể đọc tác phẩm bằng ngôn ngữ mà nó được viết ra, nên vẫn rất cần có những bản dịch, nhất là những bản dịch xác tín và có chất lượng.

Nhà Z

Trong tương lai chú có định tiếp tục dịch K. L. cho độc giả Việt Nam có cơ hội được đọc tác giả đặc biệt này?

Giáp Văn Chung

Hiện nay tôi đang dịch tác phẩm thứ hai của K. L., tiểu thuyết đầu tay, nhưng cũng rất nổi tiếng của ông là Vũ điệu tăng gô của quỷ Sa tăng. Dù như tôi hay nói đùa với bạn bè, dịch ông này (K. L.) rất tổn thọ 🙂. Nhưng phương châm của tôi là sẽ cố gắng giới thiệu của mỗi tác giả lớn ít nhất hai, ba tác phẩm, để độc giả có thể nhận ra diện mạo của tác giả ấy, qua đó nhận ra diện mạo của văn học Hungary nói chung.

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

trên đỉnh cao tuyệt vọng.