Thời gian đọc: 6 phút

MỘT CHỖ TRONG ĐỜI
Của Annie Ernaux. Dịch bởi Nguyễn Thị Thúy An.
98 trang. Nhã Nam & NXB HNV. 50.000 đ. Năm xuất bản: 2016

Xin chào mọi người, vì là màn trình diễn đầu tiên, cho phép tôi tự giới thiệu chút ít.
Tôi tên là Chó Xám.
Từ nay bài nào tôi viết thì mở ngoặc đóng ngoặc (Chó Xám). Xin hết.

Năm hết Tết đến, tôi quyết định chọn cuốn sách này để điểm. Một cuốn sách cực ít trang, từ ngữ không đánh đố, đọc tới đâu hiểu tới đó. Một cuốn sách từ khi bản dịch ra mắt, dù ít người để ý nhưng đã có rất nhiều lời đập phá, dịch nó để làm gì, có cái gì để đọc cơ chứ? Phần vì tên tác giả lạ hoắc. Phần khác nó lại là tự truyện, cũng lại không phải của một người nổi tiếng, lại được báo hiệu không nhiều bóc mẽ ghê gớm. Và tôi nghĩ rằng, nếu không phải vì bìa sách đèm đẹp ấy, nó cũng sẽ được xếp xó trong ngăn tủ và nhuộm màu thời gian thôi. Vì thế cho nên, sau đây tôi sẽ nói nhiều hơn một lí do tôi điểm cuốn này từa tựa như làm clip quảng cáo có mùi Tết cho Z, như dầu ăn, bánh kẹo nhan nhản trên truyền hình.

Annie Ernaux hiện là một tên tuổi khá nổi bật trên văn đàn đương đại Pháp. Bà thường rút tỉa một giai đoạn biến cố trong cuộc đời và viết thành tự truyện. Cuốn tự truyện đầu tay của bà, chính là cuốn “La Place”, được dịch ra tiếng Việt là “Một chỗ trong đời” (tôi khá thích cách dịch này) đã đạt giải thưởng Renaudot 1984, một giải thưởng lớn tại Pháp, chỉ xếp sau Goncourt. Và đây cũng chính là cuốn sách đầu tiên của bà ra mắt độc giả xứ ta. Bằng lối văn tối giản mọi thủ pháp nghệ thuật, kỹ thuật viết, cách sử dụng từ ngữ hoa hòe hoa sói, bà tự nhận tự truyện này được viết bằng lối viết nhạt nhẽo, cũng là lối viết bà vẫn dùng để biên thư cho bố mẹ. Ngôn ngữ, trong tự truyện này là một cách mau chóng và hữu hiệu để Ernaux xưng tội với chính bà.

Hai tháng sau khi nhận được tin mừng đã đỗ giáo viên biên chế, cô gái đối diện với cái chết của người cha. Khi tắm táp cho thi hài, cô mới hay đây là lần đầu tiên cô nhìn thấy thân thể không gì che đậy của ông. Quá trình quan sát sự biến dạng của xác chết, cộng với việc nhìn ngắm những đồ vật vẫn gắn liền với ông, cô cảm thấy một sự thôi thúc phải viết thứ gì đó về cha, về sự ra đi của ông như cú sút để cô được đặt nốt bàn chân còn lại vào thế giới tư sản. Tự truyện về quan hệ cha-con vốn mang khoảng cách của tính giai cấp, dồn nén rất nhiều mâu thuẫn? Không cần đọc cũng đoán được diễn tiến? Cứ cho là vậy đi. Nhưng tôi vẫn tin có những cuốn sách cần thiết phải xuất hiện ở đấy, như một sự chờ đợi. Ví dụ như, để làm nội dung cho quảng cáo Tết 😛

mot cho trong doi.jpg
Sau Thế chiến thứ hai tại Pháp, hồi ức hiện ra nhang nhác giống cảnh chờ tàu trong “Hai đứa trẻ”: “Để thấy sự thiếu thốn của chúng tôi, đây là một hình ảnh: một hôm, trời đã tối, từ một quầy hàng nơi khung cửa sổ nhỏ, khung cửa sổ duy nhất trên phố được chiếu sáng, những chiếc kẹo màu hồng, hình ôvan, rắc đường trắng lấp lánh trong túi bóng kính. Muốn mua phải có tem phiếu”. Ở một thế giới hằn vện rất rõ sự khác biệt về tầng lớp, tự truyện này là sự mổ xẻ nỗi mặc cảm của một cô gái xuất thân không quá nghèo đói và thấp kém nhưng được nuôi dạy bởi ông bố bà mẹ có hoàn cảnh như thế. Sự lưng chừng giữa hai thế giới khiến cô không đủ tự tin để sống “tự nhiên” như các cô con gái gia đình tư sản. Cuốn tự truyện này là hỗn độn cảm xúc của một người vừa không thể phủ nhận niềm hạnh phúc của những gì trải qua ở tuổi thơ, lại lo âu liệu có phải thế là tha hóa?

“Proust đã say sưa ghi chép lại những lỗi mới sai và các từ cổ của bà hầu Francoise. Chỉ cái đẹp lôi cuốn ông bởi đây là người giúp việc của ông chứ không phải mẹ ông. Bản thân ông không bao giờ cảm nhận những đoản ngữ này có thể thốt ra từ miệng mình một cách bột phát.”

Người ta chỉ có thể khoan nhượng, hoặc thích thú với những thứ tầm thường khi họ ở một ngưỡng cao hơn. Xuyên suốt tự truyện này, Ernaux mô tả người cha của mình, một đời quần quật lao động tử tế để được thăng tiến về vị trí trong xã hội, từ nông dân đến công nhân, đến ông chủ một quán cà phê bán kèm tạp phẩm. Ông hăng hái nuôi lớn, đáp ứng cho con những nhu cầu tối thiếu và “hạnh phúc” theo định nghĩa của riêng ông. Cô con gái bước chân vào cánh cửa tư sản, tốt nghiệp trường Sư phạm, kết hôn với một ông chồng thượng lưu nhưng thờ ơ, rẻ rúng gia đình vợ. Ông vui mừng vì những sự kiện đó, mặc dù, ông thừa hiểu rằng, kể từ đây, ông sẽ vĩnh viễn mất đi “một chỗ” trong đời đứa con. Cũng để thấy rằng, kể cả khi ông nỗ lực rất nhiều để tìm được một vị trí cao hơn, thứ duy nhất ông không thể che giấu được, chính là ngôn ngữ cùng phong thái hằng ngày và nỗi ám ảnh, không biết người ta nghĩ gì về mình nhỉ? Nỗi mặc cảm ấy giày vò ông cả đời, cũng chính là thứ rào cản giữa hai cha con. Đứa con gái đến trường, giao thiệp với bè bạn và bắt đầu thấy lối nói và ứng xử của mình mọi dạo thật quê kệch. Người cha quanh quẩn trong quán xá, giao thiệp với những người ngang ngửa tầng lớp, thấy con mình đọc sách, nghe nhạc là chướng tai gai mắt. Ngay khi đã lớn, cô và cha vẫn chỉ nói với nhau những mẩu chuyện như khi còn bé. Về cơ bản, mối quan hệ không thể lớn dần theo thời gian. Cô thừa nhận cảm giác xa lạ với những gì liên quan, và người cha đã vô ích trong đời mình.
Mặc cảm. Trốn chạy. Sám hối. Còn gì khác không?
Thứ duy nhất cuốn hút tôi trong tự truyện này chính là câu hỏi: Khi một người thân yêu của chúng ta qua đời, ta sẽ nhớ, và đủ khả năng lưu giữ điều ta nhớ về họ đến bao giờ?

Câu trả lời của Ernaux, rất giản dị, điều bà sẽ nhớ là lối sử dụng ngôn ngữ của cha, là giọng nói của ông. Và bà không đủ tin tưởng mình sẽ nhớ được điều này lâu dài. Đó chính là lí do bà viết tự truyện, chọn cách in nghiêng những cụm từ, những câu nói made by ông bố. Đó là lối nói không ẩn dụ, không tí hài hước dí dỏm như kiểu bà chết mê ở bọn tư sản. Bà đã chọn lối viết này để biên thư cho cha mẹ như một cách giữ kết nối. Và chọn lối viết này để viết tự truyện, chứ không phải tiểu thuyết để nhớ về cha bằng sự đảm bảo độ bảo quản của trí nhớ.

Thế nên, giọng nói, vốn là thứ sẽ gây ấn tượng đầu tiên với người sống và cũng là thứ sẽ bám riết kể cả khi đã chết, chính là cách Ernaux giải mã những kiềm chế đau đớn của mình. Nghe quen quen? Tôi còn nhớ khi đọc “Thư chết” của Linda Le có đoạn này: “Trải qua năm tháng, cha tôi không còn hiện hữu bằng xương bằng thịt nữa, tôi không biết miêu tả đôi mắt, cái miệng, mái tóc và dáng đi của người thế nào nữa. Có nhìn những tấm hình, tôi cũng chỉ thấy một con ma khoác lên mình những lời nói. Những lời nói người gửi đến tôi bằng một thứ tiếng mà tôi đã gần quên hết, những lời ấy đang đầu độc đời tôi. Chúng nói lên sự phản bội của tôi, sự đào tẩu của tôi”. Về phần mình, Ernaux đã phải quay đầu để rượt theo lời nói, giọng nói của một người cô đã kiên quyết rũ bỏ để tiến thân vào thế giới mới. Tự truyện này chính là cuộc rượt tìm ấy, bằng sự hồi nhớ lịch sử đời mình, để cảm thông cho người cha, để nhận thấy mình đã tiến rất xa, và bây giờ muốn về ăn Tết với cha thì cũng đã không thể? Tất nhiên là không phải chuyện ăn Tết, cũng không phải chuyện cha ơi con biết con sai rồi. Tự truyện này, là một thử nghiệm bước đầu để Ernaux tiến hành nhiều cuộc viết tự truyện sau đó, bằng việc đối diện với khả năng khai thác sự thật từ độ lưu giữ những lời nói như vết hằn không thể né tránh của đời mình.

(Chó Xám)

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3