Thời gian đọc: 20 phút

Phần Một. Chủ nghĩa bài Do Thái.

Đây là một thế kỷ đáng kể, mở đầu bằng Cách mạng Pháp và kết thúc bằng vụ Dreyfus! Có thể hậu thế sẽ gọi đây là thế kỷ giẻ rách. – Roger Martin du Gard

Chương I. Chủ nghĩa bài Do Thái, sự xúc phạm đối với lẽ thường

Vẫn còn nhiều người coi việc ý thức hệ Quốc xã có trọng tâm là chủ trương bài Do Thái, cũng như việc chính sách Quốc xã có mục tiêu truy bức và cuối cùng là tận diệt người Do Thái, một cách thống nhất và triệt để, chỉ là chuyện tình cờ. Chỉ có tấn bi kịch kinh hoàng sau cuối, và hơn thế nữa là tình cảnh không nhà, mất quê của những người sống sót mới làm cho “vấn đề Do Thái” chiếm một vị trí nổi bật như vậy trong đời sống chính trị thường ngày của chúng ta. Còn điều mà phe Quốc xã kêu là khám phá chính yếu của họ – tức vai trò của dân tộc Do Thái trong vận động chính trị thế giới, cũng như mối quan tâm chính yếu của họ – tức truy bức dân Do Thái khắp mọi nơi trên thế giới, thì dư luận nói chung vẫn chỉ liệt vào dạng một cớ để thu hút quần chúng, hay là một công cụ mị dân đáng để ý.

Không coi trọng một điều do chính miệng phe Quốc xã nói ra là một phản ứng dễ hiểu. Khó có điều gì trong lịch sử đương đại lại đáng bực mình hơn và mù mờ khó lý giải hơn là việc, giữa bao nhiêu vấn đề chính trị lớn chưa có lối ra của thế kỷ này, thì chính cái vấn đề Do Thái có vẻ thật nhỏ nhặt không đáng để ý ấy lại có được “vinh dự” khởi động cỗ máy ma quỷ kia. Khoảng chênh lệch giữa nhân và quả ấy là một sự xúc phạm tới tư duy theo lẽ thường của chúng ta, ấy là còn chưa nói đến cảm giác về tính cân bằng và hài hòa của người nghiên cứu sử. Đặt bên những sự kiện đã xảy đến, mọi cách giải thích về thói bài Do Thái đều có vẻ được chế bừa ra vội vã, để chóng lấp đi cái vấn đề đã trở thành mối đe dọa trầm trọng với cảm giác về tỷ lệ và hy vọng giữ được tâm thần tỉnh táo của chúng ta.

Một trong các lối giải thích vội vàng ấy đánh đồng chủ nghĩa bài Do Thái với chủ nghĩa dân tộc thời ấy đang lan tràn với những cơn hận thù bài ngoại chốc lại bùng lên. Bất hạnh thay, thực tế vẫn là thái độ bài Do Thái thời hiện đại tăng lên trong lúc chủ nghĩa dân tộc kiểu truyền thống dần suy giảm, và lên đến đỉnh điểm chính vào lúc hệ thống quốc gia dân tộc châu Âu đổ sập, kéo theo thế cân bằng quyền lực vốn đã mong manh.

Nhiều người đã nhận ra rằng phe Quốc xã không đơn giản là người dân tộc chủ nghĩa. Tuyên truyền mang nội dung dân tộc chủ nghĩa của họ đánh vào bộ phận cảm tình viên, chứ không phải đảng viên trung kiên; các đảng viên Quốc xã thì ngược lại không một phút giây nào được sao nhãng tầm nhìn chính trị trên bình diện siêu dân tộc. “Chủ nghĩa dân tộc” kiểu Quốc xã không chỉ có một điểm chung với những tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa ở Liên Xô gần đây, vốn cũng chỉ đóng vai trò đổ thêm dầu vào những thiên kiến có sẵn của quần chúng. Quốc xã có lòng căm ghét thành thật và không bao giờ đổi ý đối với con mắt hẹp hòi của chủ nghĩa dân tộc, với tính chất địa phương của khái niệm quốc gia dân tộc, và hết lần này đến lần khác họ nhắc lại rằng “phong trào” Quốc xã, một phong trào mang tính quốc tế tương tự phong trào Bolshevik, đối với họ còn quan trọng hơn bất cứ một nhà nước nào, là thứ tất yếu bị trói chặt vào một lãnh thổ cụ thể. Và không chỉ phe Quốc xã mà cả lịch sử năm chục năm bài Do Thái đã minh chứng rằng không thể đồng nhất chủ nghĩa bài Do Thái với chủ nghĩa dân tộc. Những đảng phái bài Do Thái đầu tiên, trong những thập niên cuối thế kỷ mười chín, cũng chính là những tổ chức đầu tiên liên kết với nhau ở tầm quốc tế. Ngay từ khởi thủy, họ đã mở những đại hội quốc tế, thực hiện phối hợp những hoạt động quốc tế hay ít nhất là liên châu Âu.

Những xu hướng lớn, như là kết cấu quốc gia dân tộc đi xuống song song với chủ nghĩa bài Do Thái lên cao, khó có thể chỉ dùng một lý do hay nguyên cớ mà giải thích thỏa đáng. Trong phần lớn những trường hợp đó, người nghiên cứu sử phải đối mặt với một tình huống lịch sử hết sức phức tạp, khiến người đó hầu như tùy ý – nói cách khác là chẳng có gì định hướng – lẩy riêng ra một yếu tố coi là “tinh thần thời đại”. Tuy nhiên cũng có vài quy tắc chung có ích. Có ích nhất cho mục đích hiện thời của chúng ta là phát hiện lớn của Tocqueville (trong L’Ancien Régime et la Révolution, quyển II, chương 1) về những nguyên nhân gây ra lòng căm ghét dữ dội của quần chúng Pháp đối với giới quý tộc khi cách mạng Pháp mới nổ ra, kiểu căm ghét đã khiến Burke nhận xét rằng cuộc cách mạng này tập trung vào “điều kiện sống của nhà quý tộc” hơn là sự cai trị của ông vua. Theo Tocqueville, người bình dân Pháp ghét giới quý tộc khi sắp mất quyền lực còn nhiều hơn đã ghét họ trước kia, chính là bởi thực quyền đang nhanh chóng vuột khỏi tay họ lại không đi kèm với giảm sút đáng kể nào về gia sản của họ. Chừng nào giới quý tộc còn nắm quyền xét xử, chừng đó họ không chỉ được dung thứ mà còn kính trọng. Nhưng khi quý tộc đánh mất đặc quyền, trong đó có đặc quyền bóc lột và áp bức, thì nhân dân cảm thấy họ là loài ăn bám mà không có vai trò thực tế gì trong việc điều hành đất nước. Nói cách khác, áp bức hay bóc lột đứng riêng lẻ đều không tạo thành nguyên do chính để căm thù, mà của cải không đi kèm với chức năng mắt thấy tai nghe mới thật sự khó dung thứ, vì chẳng ai thấy cớ gì mà phải dung thứ cả.

Chủ nghĩa bài Do Thái lên tới đỉnh điểm khi người Do Thái, tương tự với giới quý tộc Pháp, đã để mất chức năng cùng tầm ảnh hưởng của họ trong xã hội, và chẳng còn lại gì ngoài của cải. Khi Hitler lên nắm quyền, các ngân hàng Đức đã gần như “sạch Do” (judenrein) (mà chính ngân hàng là nơi người Do Thái đã giữ những vị trí chủ chốt suốt hơn một trăm năm), và bộ phận người Do Thái ở Đức xét về tổng thể, sau một thời kỳ tăng trưởng dài và đều đặn cả về địa vị xã hội lẫn dân số, giờ đang suy giảm nhanh đến mức giới thống kê ước tính chỉ sau vài thập kỷ họ sẽ không còn tồn tại [với tư cách một thực thể chính trị-xã hội – ND]. Quả đúng là số liệu thống kê không phải bao giờ cũng đi kèm với tiến trình lịch sử thực tế; nhưng điều đáng ghi nhận là, trong mắt nhà thống kê, việc truy bức và tận diệt người Do Thái của Quốc xã có thể giống như sự đẩy nhanh một cách vô nghĩa một quá trình hẳn đằng nào cũng đã xảy ra.

Điều này cũng đúng với hầu như toàn bộ các nước Tây Âu. Vụ Dreyfus bùng nổ không phải vào thời Đệ nhị đế chế Pháp, là khi bộ phận người Do Thái ở Pháp lên đến đỉnh cao thịnh vượng và quyền lực, mà là Đệ tam cộng hòa, khi người Do Thái hầu như đã vắng bóng khỏi những vị trí cao trọng (dù chưa mất tích hẳn trong đời sống chính trị). Chủ nghĩa bài Do Thái ở Áo chuyển sang bạo lực không phải dưới triều đại Metternich và Franz Joseph, mà là ở nước Cộng hòa Áo hậu chiến, khi có thể thấy rõ rành rành rằng chẳng mấy nhóm dân nào chịu thiệt hại nặng cho bằng họ về tầm ảnh hưởng và danh giá sau khi vương quyền Hapsburg sụp đổ.

Truy bức những nhóm thiểu số mất quyền lực hay đang trên đà mất quyền lực có lẽ không phải một cảnh tượng đẹp mắt, có điều đấy cũng chẳng phải là hậu quả từ riêng bản tính nhỏ nhen của con người. Nguyên do khiến con người ta tuân theo hoặc dung thứ cho thực quyền, và ngược lại ghét những người có của cải mà không có quyền lực, chính là thứ bản năng lý tính rằng quyền lực cũng có chức năng nhất định và đem lại lợi ích chung nào đó. Ngay cả bóc lột và áp bức cũng giúp cho xã hội vận hành và thiết lập một thứ trật tự nào đó. Chỉ có của cải mà không có quyền lực, hay tôn vị mà không có thể chế mới bị coi là ăn bám, vô dụng, đáng tởm, bởi những điều kiện ấy đã cắt rời mọi mối dây kết nối con người với con người. Của cải không đi kèm với bóc lột thì còn thiếu đi ngay cả mối quan hệ giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột; tôn vị mà không có quyền hành thì không kể đến ngay cả nỗi quan tâm tối thiểu mà kẻ áp bức dành cho người dưới gót giày.

Dù thế, sự suy tàn chung của bộ phận dân Do Thái ở Tây và Trung Âu chẳng qua chỉ là hoàn cảnh bao quanh những sự kiện xảy ra tiếp theo. Sự suy tàn ấy không phải cớ cho những sự kiện kia, cũng như chẳng phải sự mất quyền lực của giới quý tộc đơn thuần là đủ dẫn đến Cách mạng Pháp. Nắm được những quy luật chung như vậy chỉ có ích cho ta khi cần phủ định những gì lẽ thường mách bảo, muốn ta tin rằng căm thù phát triển thành bạo lực hay nổi loạn thình lình đều tất yếu bắt nguồn từ quyền lực lớn hay sai trái lớn, và do đó sự thù địch có tổ chức nhằm vào người Do Thái chỉ có thể là do phản ứng lại với địa vị và quyền lực của họ.

Nghiêm trọng hơn, bởi dễ lọt tai những người giàu thiện ý hơn, là một ngụy biện cũng thuộc về lẽ thường khác: rằng bởi người Do Thái là một nhóm hoàn toàn không quyền lực bị cuốn vào giữa những xung đột chung không thể hóa giải của thời đại, họ có thể bị quy tội cho những xung đột ấy và rốt cùng bị xây dựng thành hình ảnh kẻ đạo diễn giấu mặt của mọi cái ác trên đời. Ví dụ sinh động nhất, và cũng là cách phủ nhận hiệu quả nhất cho cách giải thích này, mà rất nhiều người theo chủ nghĩa tự do yêu chuộng, có thể tìm thấy trong một truyện cười xuất hiện sau Thế chiến thứ nhất. Một kẻ bài Do Thái khẳng định rằng người Do Thái đã gây ra đại chiến, và nhận được câu trả lời: Phải, người Do Thái cùng các vận động viên xe đạp. Sao lại vận động viên xe đạp? anh ta hỏi. Sao lại là người Do Thái? đối phương đáp lời.

71CfzmoynuL

Cái thuyết cho rằng người Do Thái luôn bị đưa ra làm bung xung gánh tội, hàm ý rằng kẻ bung xung này đã có thể là bất kỳ ai. Thuyết ấy mặc nhận sự vô tội trọn vẹn của kẻ nạn nhân, một sự vô tội ám chỉ rằng kẻ ấy không những không gây ra sự ác nào, mà còn không làm bất cứ điều gì có thể dây mơ rễ má chút nào với vấn đề đang được bàn tới. Quả là “thuyết bung xung” trong dạng thức võ đoán thuần túy vẫn chưa bao giờ xuất hiện trên văn bản. Tuy nhiên, bất cứ khi nào tín đồ của thuyết này khổ công tìm cách giải thích vì sao Bung Xung A lại là ứng cử viên quá ư phù hợp đóng vai này, thì ta đều sẽ nhận ra họ đã rời xa giả thuyết đó và mắc vào cách nghiên cứu sử học thông thường – vốn chẳng bao giờ phát hiện được điều gì, ngoài việc lịch sử hình thành có sự tham gia của rất nhiều nhóm người và một nhóm trong đó bị chọn ra vì một số cớ nào đấy. Và tất yếu kẻ được coi là bung xung sẽ không còn hiện ra như một nạn nhân vô tội, bị thế giới quy chụp lên đầu mọi tội lỗi để chính nó tránh né đòn trừng phạt, mà chỉ còn là một nhóm người giữa rất nhiều nhóm khác, tất cả đều can dự vào việc vận hành thế giới này. Nhóm ấy không thể rũ bỏ phần trách nhiệm của mình chỉ đơn giản vì họ đã trở thành nạn nhân của sự bất công tàn ác của thế giới.

Cho tới gần đây, những mâu thuẫn nội tại của thuyết bung xung vẫn được coi là đủ để gạt bỏ nó theo cùng vô số thuyết khác mọc lên từ mong muốn trốn tránh hiện thực. Nhưng sự phổ biến ngày càng mạnh của khủng bố trong vai trò một vũ khí đắc dụng để quản lý đất nước đã khiến thuyết này trở nên đáng tin hơn bao giờ hết.

Một trong những khác biệt căn bản giữa các chế độ chuyên chính hiện đại cùng mọi thể chế độc tài trong quá khứ là, khủng bố không còn được dùng làm phương thức tận diệt và dọa nạt đối thủ, mà làm công cụ cai trị các khối quần chúng tuyệt đối vâng lời. Khủng bố dưới hình thức chúng ta biết ngày nay giáng xuống mà không cần đợi khiêu khích, và nạn nhân đều vô tội ngay cả trong mắt kẻ bức hại. Điều ấy cũng đúng với nước Đức Quốc xã khi sử dụng khủng bố toàn lực nhắm vào người Do Thái, nghĩa là nhắm vào một lớp người mang một số đặc trưng chung không liên quan gì đến hành vi của từng người. Tình hình ở nước Nga Xô viết thì rối hơn, nhưng không may thay, các sự kiện thì lại quá sáng rõ. Chế độ Bolshevik một mặt, trái với Quốc xã, không bao giờ thừa nhận trên bình diện lý thuyết rằng mình có quyền thực thi khủng bố với dân thường vô tội, và dù khi đối chiếu với một số hành động cụ thể điều này có vẻ đạo đức giả, thì điều đó vẫn làm nên khác biệt đáng kể. Mặt khác, trên bình diện thực hành, ở Nga lại còn “tiên tiến” hơn kiểu Đức ở một khía cạnh: tính võ đoán của hành động khủng bố còn không bị giới hạn trong phân biệt sắc tộc, mà các phạm trù giai cấp cũ thì đã bị xóa bỏ từ lâu, thế nên bất kỳ ai ở Nga cũng đều có thể thình lình trở thành nạn nhân của sự khủng bố cảnh sát. Ở đây chúng ta không bàn về hậu quả sau rốt của sự cai trị bằng khủng bố, đấy là không ai, kể cả các đao phủ, có thể bao giờ trút bỏ được nỗi sợ; trong phạm vi đang bàn tới đây chúng ta chỉ xem xét tính võ đoán của lựa chọn nạn nhân, và về mặt này, có thể chắc chắn là họ đều vô tội xét về khách quan, và họ được chọn ra bất kể họ có thể đã làm hay không làm gì.

Thoạt nhìn, đây có vẻ là sự xác nhận muộn màng thuyết bung xung, và đúng là nạn nhân của khủng bố hiện đại có đầy đủ mọi đặc trưng của thân phận bung xung: người đó vô tội một cách khách quan và tuyệt đối, bởi anh ta có làm gì hoặc không chịu làm gì thì cũng không có ý nghĩa, thậm chí không liên quan gì đến số phận dành cho anh ta.

Vì thế, ta rất dễ bị mời gọi trở lại với cách giải thích tự động phủ nhận trách nhiệm của nạn nhân: có vẻ thế là thích hợp với một hiện thực mà đặc điểm nổi bật mãnh liệt trên hết là sự vô tội tột cùng của cá nhân bị cuốn vào cỗ máy tàn bạo, cùng sự bất lực tột cùng không thể thay đổi số phận của chính mình. Tuy vậy, chỉ trong hình thái phát triển tận cùng của nó khủng bố mới đơn giản là một hình thức quản lý đất nước. Muốn thiết lập một chế độ toàn trị, khủng bố phải được đưa ra như là công cụ thúc đẩy một ý thức hệ cụ thể; và ý thức hệ ấy phải thu hút được sự trung thành của một lượng đông đảo, thậm chí là một lượng đa số, thì khủng bố mới có thể đi tới ổn định. Vấn đề người nghiên cứu sử cần lưu ý là, người Do Thái, trước khi trở thành nạn nhân chính của khủng bố hiện đại, thì đã đóng vai trò trung tâm trong ý thức hệ Quốc xã. Mà một ý thức hệ cần phải thuyết phục và vận động người dân thì không thể chọn nạn nhân một cách võ đoán được. Nói cách khác, nếu một văn bản rành rành là giả mạo như “Biên bản cuộc họp các trưởng lão Zion” mà lại có lắm người tin đến mức nó trở thành thánh kinh cho cả một phong trào chính trị, thì nhiệm vụ của người nghiên cứu sử không còn là khám phá ra sự giả mạo nữa. Hẳn nhiên càng không phải nghĩ ra những cách giải thích lờ đi thực tế chính trị và lịch sử chính yếu: rằng sản phẩm giả mạo ấy được người ta tin. Điều này còn quan trọng hơn cả tình tiết (thứ yếu nếu xét về mặt lịch sử) rằng nó là giả mạo.

Vì thế, cách giải thích “bung xung” vẫn cứ là một trong những nỗ lực chủ chốt để lẩn tránh mức độ nghiêm trọng của phong trào bài Do Thái cùng tầm quan trọng của việc người Do Thái bị đẩy vào tâm bão các sự kiện đã diễn ra. Cũng phổ biến không kém là giáo điều trái ngược xoay quanh thái độ “bài Do Thái vĩnh hằng”, cho rằng lòng thù địch đối với người Do Thái là một phản ứng bình thường và tự nhiên, còn lịch sử chỉ cung cấp thời cơ nhiều hay ít cho nó bùng ra. Những đợt bùng phát như vậy không cần lời giải thích cụ thể, bởi đấy là hệ quả tự nhiên của một vấn đề vĩnh cửu. Giáo điều này được những kẻ bài Do Thái chuyên nghiệp hưởng ứng là một lẽ dĩ nhiên; đấy là lời biện minh khả dĩ hiệu quả nhất cho mọi hành vi bạo ngược. Nếu đúng là nhân loại đã nằng nặc đòi phải giết người Do Thái hơn hai ngàn năm nay, thì giết Do là một hành vi bình thường, thậm chí nhân bản, còn ghét Do là thiên kinh địa nghĩa không việc gì phải bàn cãi nữa.

Nhưng lối giải thích giả định về một thái độ bài Do Thái vĩnh cửu này còn có khía cạnh đáng ngạc nhiên hơn là, nó được tiếp thu bởi rất nhiều người nghiên cứu sử vô tư và bởi người Do Thái còn nhiều hơn nữa. Chính sự trùng hợp kỳ quái ấy khiến thuyết này càng cực kỳ nguy hiểm và khó hiểu. Ở cả hai trường hợp, nó đều bắt nguồn từ cùng một mong muốn trốn tránh hiện thực: điều tất nhiên là kẻ bài Do Thái muốn trốn tránh trách nhiệm từ những hành động của mình, và càng tất nhiên hơn là người Do Thái, bị tấn công, ở thế thủ, không muốn đem phần trách nhiệm của mình ra phân tích dù trong hoàn cảnh nào. Tuy nhiên đối với những người Do Thái, và một phần lớn những người Thiên Chúa giáo, cổ xúy thuyết này, thì khuynh hướng trốn tránh hiện thực trong các tác phẩm hộ giáo chính thức lại bắt nguồn từ những động cơ quan trọng hơn, và ít lý tính hơn.

Sự sinh thành và phát triển của chủ nghĩa bài Do Thái hiện đại đã song hành cùng và đan cài với sự đồng hóa người Do Thái vào dân số từng nước, cũng như sự thế tục hóa và úa tàn những giá trị tôn giáo, tâm linh cũ trong Do Thái giáo. Thực tế đã xảy ra là nhiều bộ phận lớn dân tộc Do Thái chịu hai mối nguy cùng lúc, tiêu diệt về số lượng từ ngoài và tan rã từ bên trong. Trong tình thế ấy, những người Do Thái nào mong mỏi bảo tồn giống nòi mình, trong một sự diễn giải lầm “chết đuối vớ phải bọt” kỳ khôi, sẽ vớ lấy cái ý tưởng an ủi rằng suy cho cùng, chủ nghĩa bài Do Thái có thể trở thành công cụ đoàn kết dân tộc tuyệt diệu, nên giả định về thói bài Do Thái vĩnh hằng thậm chí còn có thể trở thành lời bảo đảm vĩnh hằng về sự tồn tại của dân tộc Do Thái. Điều mê tín ấy, một phiên bản thế tục giễu nhại ý niệm vĩnh hằng cố hữu trong mỗi niềm tin về dân tộc đặc tuyển và hy vọng cứu thế, đã được củng cố thêm bởi qua nhiều thế kỷ, sự thù địch của người Cơ đốc nhằm vào dân Do Thái thực sự đã trở thành chất kết dính mạnh mẽ giúp họ được bảo tồn, cả về tâm linh lẫn chính trị. Người Do Thái đã lầm tưởng thói bài Do Thái kiêm bài Cơ đốc thời hiện đại vẫn giống như sự thù địch với người Do vì lý do tôn giáo [của người Cơ đốc – ND] xa xưa – và sự tin tưởng này còn ngây thơ hơn, bởi quá trình đồng hóa của họ [vào dân ngoại – ND] đã bỏ qua Cơ đốc giáo trên khía cạnh tôn giáo và văn hóa. Vì thế, đối diện với triệu chứng rành rành cho sự suy tàn của Cơ đốc giáo, họ có thể vì thiếu hiểu biết mà tưởng tượng rằng đây chỉ là sự trở lại của cái gọi là “đêm trường Trung cổ” dưới một hình thức nào đó. Thiếu hiểu biết, hoặc hiểu lầm về quá khứ của chính mình, là một phần nguyên nhân họ đã đánh giá thấp đến chết người những hiểm nguy thực tế vô tiền khoáng hậu đang chờ đợi. Nhưng ta cũng cần nhớ rằng sự thiếu nhạy bén và kém xoay sở về chính trị này có gốc gác từ chính bản chất lịch sử Do Thái, lịch sử một giống dân không chính phủ, không tổ quốc, không ngôn ngữ. Lịch sử Do Thái là một tấn kịch phi thường về một dân tộc độc nhất vô nhị, có lịch sử bắt đầu bằng một ý niệm rất rành mạch về lịch sử cùng một quyết tâm gần như có ý thức nhằm hoàn thành trên trái đất một dự án được chỉ vạch rõ ràng, và rồi, dù không buông bỏ ý niệm này, đã đứng ra ngoài mọi hành động chính trị suốt hai ngàn năm. Kết quả là lịch sử chính trị của dân tộc Do Thái lại càng trở nên phụ thuộc vào những nhân tố tình cờ và không dự báo được còn nhiều hơn cả các dân tộc khác, khiến người Do Thái dạt từ vai trò này tới vai trò khác, không chịu trách nhiệm về bất cứ vai trò gì.

Đặt bên cạnh đại thảm họa cuối cùng đã đẩy người Do Thái tới rất gần mép vực tuyệt diệt, luận đề “thói bài Do Thái vĩnh hằng” càng trở nên nguy hại hơn bao giờ hết. Ngày nay nhờ nó mà những kẻ thù địch dân Do Thái sẽ được giải tội cho những tội lỗi lớn tới mức không ai từng tin là có thể. Thói bài Do Thái đã được minh chứng rành rành chẳng phải một lời bảo đảm huyền bí cho sự sống còn của dân Do Thái mà là mối nguy diệt tuyệt giống nòi. Nhưng hướng giải thích này đối với chủ nghĩa bài Do Thái, giống như và cũng từ cùng những lý do tương tự như thuyết “bung xung”, vẫn bám trụ dai dẳng dù cho thực tế đã phủ định nó. Suy cho cùng, bằng những luận điểm khác nhưng với sự cố chấp không thua kém, nó cũng nhấn mạnh vào sự vô tội toàn phần và phi nhân vẫn là đặc trưng nổi bật của những nạn nhân của khủng bố hiện đại, và vì vậy dường như được khẳng định bởi những sự kiện đã diễn ra. Thậm chí nó còn có ưu thế hơn thuyết bung xung ở điểm, cách nào đó nó đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi vốn gây khó xử: tại sao lại là người Do Thái chứ chẳng phải ai khác? – dù bằng câu trả lời chỉ càng gợi thêm nhiều câu hỏi khác: sự thù địch vĩnh hằng.

Điều đáng kể là, chỉ có hai giả thiết chí ít cũng tìm cách lý giải cho ý nghĩa chính trị của phong trào bài Do Thái, thì cả hai đều phủ nhận mọi trách nhiệm cụ thể về phía người Do Thái, và cũng từ chối đưa ra phân tích dựa trên quan điểm lịch sử cụ thể. Trong khía cạnh phủ định cố hữu đối với tầm quan trọng của hành vi con người đó, cả hai đều giống đến kinh hãi những tập tục và hình thức cai trị thời hiện đại đã dùng khủng bố võ đoán hủy diệt hẳn ngay cả khả năng hành động của con người. Trong các trại hành quyết, người Do Thái bị sát hại theo một lối gần như phù hợp với cách hai thuyết này giải thích lý do họ bị căm ghét: họ bị giết bất kể họ đã làm gì hoặc chẳng làm gì, bất kể họ có tội lỗi hay đức tính nào. Thêm nữa, bản thân những kẻ sát hại họ, vốn chỉ tuân theo lệnh trên và hãnh diện về tính hiệu quả không cảm xúc của mình, cũng giống đến gai người những công cụ “vô tội” của một dòng sự kiện phi nhân tính, phi nhân tình như học thuyết bài Do Thái vĩnh hằng miêu tả chúng.

Tự thân những mẫu số chung giữa lý thuyết và thực hành như vậy không phải dấu hiệu cho thấy đấy là sự thật lịch sử, tuy chúng cho thấy tính “đúng lúc” của những ý kiến kia, và giải thích lý do tại sao số đông thấy các ý kiến đó đáng tin đến vậy. Người nghiên cứu sử chỉ nên quan tâm đến chúng như một phần của lịch sử mà hắn đang nghiên cứu, thêm nữa còn ngáng đường hắn đến với sự thật. Hắn là một người đương thời, nên cũng dễ ngả theo sức thuyết phục của chúng như bất kỳ ai khác. Người nghiên cứu sử chuyên về thời hiện đại càng nên thận trọng khi làm việc với những ý kiến đã được công nhận rộng rãi, có tham vọng giải thích cho những chiều hướng vận động lớn của lịch sử, bởi thế kỷ vừa qua đã cho ra đời vô số ý thức hệ đều giả đò là chìa khóa để hiểu lịch sử, nhưng thật ra chẳng qua là những nỗ lực tuyệt vọng nhằm lẩn tránh trách nhiệm.

Trong cuộc đấu khẩu lừng danh với phe Ngụy biện thời cổ đại, Plato đã phát hiện ra rằng cái “nghệ thuật phổ quát dùng luận lý để mê hoặc tư duy” (Phaedrus 261) của họ chẳng nhằm gì đến chân lý mà chỉ đến các ý kiến là thứ về bản chất luôn thay đổi, chỉ có giá trị “vào thời điểm có sự đồng ý và chỉ kéo dài chừng nào sự đồng ý kia còn tồn tại” (Theaetetus 172). Triết gia cũng phát hiện rằng chân lý trong thế giới chiếm một vị trí rất mong manh, bởi “niềm tin xuất phát từ ý kiến chứ không phải từ chân lý” (Phaedrus 260). Điểm khác nhau rõ rệt nhất giữa giới ngụy biện cổ đại và hiện đại là, những người thời cổ chỉ cần lập luận giành được chiến thắng nhất thời còn chân lý chịu thua, trong khi phe hiện đại muốn lập luận lên ngôi bền vững còn chính thực tế bị phế bỏ. Nói cách khác, một đằng vùi dập phẩm giá của tư duy con người, còn đằng kia hủy diệt phẩm giá của hành động con người. Những kẻ thao túng luận lý là mối lo của triết gia, còn những kẻ thao túng các sự kiện thực tế lại ngáng đường người nghiên cứu sử. Bởi chừng nào các sự kiện có thật không còn được coi là một phần tất yếu của thế giới quá khứ hay hiện tại, mà bị lạm dụng nhằm chứng minh ý kiến này hay ý kiến kia, thì chừng ấy chính bản thân lịch sử sẽ bị tiêu hủy, và tính hiểu được của lịch sử – dựa trên việc lịch sử do con người làm nên và do đó con người hiểu được – sẽ lâm nguy.

Đương nhiên sẽ chỉ còn lại rất ít kẻ đưa đường cho ta qua mê cung những sự kiện không ý nghĩa, nếu ý kiến đều bị phế bỏ và tri thức truyền thống không còn được chấp nhận vô điều kiện. Nhưng cảnh hỗn loạn của khoa sử học ấy chỉ là những hậu quả vô cùng nhỏ nếu đặt bên những đảo lộn triệt để của thời đại chúng ta cùng hậu quả chúng để lại cho những kiến trúc lịch sử của con người phương Tây. Kết quả tức thời đã có của chúng là phơi bày tất cả những yếu tố cấu thành nên lịch sử của chúng ta vốn trước giờ vẫn khuất mắt trông coi. Điều đó không có nghĩa là những thứ đã đổ nhào trong cuộc khủng hoảng này (có lẽ là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử phương Tây sau khi Đế quốc La Mã sụp đổ) đều chỉ thuần là bề mặt, dù rất nhiều thứ đã bị lật tẩy là bề mặt tuy mới vài thập kỷ trước ta còn ngỡ là bản chất vĩnh tồn.

Cuộc suy tàn của quốc gia dân tộc châu Âu song song với sự lớn mạnh của các phong trào bài Do Thái, cuộc sụp đổ của châu Âu chia theo ranh giới dân tộc xảy ra cùng lúc với cuộc tận diệt người Do Thái – vốn được mở đường nhờ sự ưu thắng của chủ nghĩa bài Do Thái trước mọi thứ chủ nghĩa cạnh tranh nhau giành giật niềm tin của dư luận liền trước đó -, phải được coi là một chỉ dấu quan trọng về nguồn gốc của chủ nghĩa bài Do Thái. Chủ nghĩa bài Do Thái hiện đại cần được xem xét trong khung khổ chung của sự phát triển hình thức quốc gia dân tộc, nhưng cùng lúc đó nguồn gốc của nó lại phải tìm trong một vài khía cạnh cụ thể trong lịch sử Do Thái, đặc biệt là chức năng xã hội của người Do Thái trong vài thế kỷ vừa qua. Nếu, trong giai đoạn cuối cùng, giai đoạn tan rã, các khẩu hiệu bài Do Thái đã trở nên phương tiện hiệu quả nhất trong việc khơi dậy và tổ chức các khối quần chúng đông đảo phục vụ cho việc bành trướng đế quốc cũng như hủy diệt các dạng thức quản lý đất nước cũ, thì lịch sử mối quan hệ giữa người Do Thái và nhà nước trước kia hẳn phải chứa những manh mối cơ bản giải thích sự thù nghịch mỗi lúc một tăng giữa một vài nhóm trong xã hội và dân Do Thái. Chúng ta sẽ tìm hiểu quá trình này trong chương tiếp theo.

Hơn nữa, nếu sự lớn mạnh không ngừng của đám đông hiện đại – nghĩa là những kẻ mất giai cấp nhất trong mọi giai cấp – lại sinh ra những thủ lĩnh mà, không màng đến câu hỏi người Do Thái có thật quan trọng tới mức đáng được biến thành trọng tâm của cả một ý thức hệ chính trị hay không, vẫn liên tiếp thấy họ là “chìa khóa của lịch sử” và nguyên nhân trung tâm của mọi sự dữ, thì lịch sử mối quan hệ giữa người Do Thái và xã hội trước kia hẳn phải chứa những chỉ dấu cơ bản giải thích mối thù nghịch giữa đám đông và người Do Thái. Chúng ta sẽ xem xét mối quan hệ giữa người Do Thái và xã hội trong chương 3.

Chương 4 nói về vụ Dreyfus, như một màn tập dượt cho màn diễn sau này ở thời chúng ta. Bởi nó đưa ra một cơ hội hiếm hoi để qua một khoảnh khắc lịch sử ngắn ngủi thấy được những tiềm năng bình thường ẩn giấu của chủ nghĩa bài Do Thái như một vũ khí chính trị quan trọng trong khung khổ chính trị thế kỷ mười chín vốn tương đối thăng bằng và sáng suốt, nên vụ việc này sẽ được phân tích kỹ lưỡng đầy đủ.

Ba chương 2-4 đương nhiên chỉ phân tích những yếu tố có tính chuẩn bị, chưa đạt đến dạng thức hoàn chỉnh mãi cho tới khi quốc gia dân tộc tàn lụi hẳn và sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc đã chiếm vị trí tiền cảnh trên vũ đài chính trị.

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

không biết viết ngắn