Thời gian đọc: 6 phút

Tôi có một quyển Invitation to a Beheading của Vladimir Nabokov năm nay đã 19 tuổi. Tôi tìm được số tuổi của nó từ chiếc mã vạch ở bìa sau quyển sách, cùng với tên cửa hiệu mà tôi đã mua nó: tiệm Borders. Đó là hiệu sách từng nằm ở tầng trệt Trung tâm Thương mại Thế giới, nơi tôi đã ra vào rất nhiều lần trong suốt 18 tháng sinh sống tại New York khi mới từ Ai Cập đến Mỹ vào tháng Mười một năm 1998. Tôi cố gắng nhớ lại khoảnh khắc đứng trước gian trưng bày văn học hư cấu tại Borders, ánh mắt nhìn lướt qua từng giá sách, và có lẽ đã bị thu hút bởi cái tựa gây tò mò. Trong thời khắc đấy, tôi chẳng thể nào ngờ được việc mua một cuốn tiểu thuyết của Nabokov ở Trung tâm Thương mại Thế giới sẽ báo hiệu trước cuộc đời mình như thế nào. Năm đó tôi 23 tuổi.

Rất lâu trước khi tôi đọc bất kỳ cuốn sách nào của ông, tôi đã có một niềm đam mê mãnh liệt với Nabokov. Năm 32 tuổi, tôi trở lại trường học để thay đổi sự nghiệp và quyết định theo học Văn học bằng tiếng Anh. Tôi gật gù tán thành mỗi khi có ai nhắc đến Lolita với giọng điệu không tránh khỏi sự kính nể đã cố gắng kìm nén. Cái gật đầu của tôi không hề liên quan gì đến phong cách của Nabokov – thứ văn chương liên-văn bản lôi cuốn mị hoặc, hay chủ thể táo bạo liều lĩnh gì cả. Mỗi khi nghe đến tên ông, tất cả những gì tôi biết là thế này: ông là một người Nga viết văn bằng tiếng Anh. Bị bao quanh bởi những sinh viên người Mỹ chỉ bằng một nửa tuổi mình, mà nhiều người trong số đó, tôi tin chắc, có sự kết nối tự thân với ngôn ngữ tiếng Anh mà mình sẽ không bao giờ có được, tôi bám víu lấy thành công của Nabokov trong việc làm được điều tôi ao ước mình đạt được.

Lắng nghe các bạn học nói, nói tiếng Anh hết sức tự nhiên mà không bị lẫn giọng, cũng đủ để khiến tôi lao đầu vào nghi ngờ bản thân mình, khiến tôi suy nghĩ lại lần nữa về sự ngu ngốc đã khiến mình bỏ cả một sự nghiệp trong ngành kiến trúc để đi viết văn. Bằng tiếng Anh. Nhưng trong những khoảnh khắc tuyệt vọng đó, chỉ cần nhớ rằng Nabokov cũng sáng tác bằng ngôn ngữ thứ hai của ông cũng đã đủ để khiến tôi yêu mến con người ấy.

Kể cả thời bấy giờ, tôi cũng chẳng phải mù mà không thấy được sự sai lầm trong lập luận đã nuôi dưỡng niềm yêu mến ấy. Vậy mà khi vẽ nên được một liên kết tưởng tượng giữa Nabokov và mình, tôi ôm chặt lấy niềm tin ấy, dẫu ranh giới vốn hết sức mong manh: ông là một người nhập cư; tôi cũng là một người nhập cư. Ông viết văn bằng tiếng Anh, và vì thế (hiển nhiên), tôi cũng sẽ làm điều tương tự. Tôi thừa biết logic này thật sự nhiều lỗi sai nhưng tôi cũng chẳng tài nào quan tâm.

*

Khi đó tôi đang theo đuổi một ước mơ táo bạo đến nỗi tôi nguyện lòng bám víu vào bất cứ tia hy vọng nào cho tính khả thi của nó. Từ lúc lên bảy, tôi đã muốn trở thành nhà văn, và tôi đã viết và xuất bản một số truyện ngắn bằng tiếng Ả Rập khi còn sống ở Ai Cập mà không bao giờ nghĩ đến việc một ngày nào đó mình sẽ sống trên đất Mỹ. Năm năm sau ngày đến Mỹ, tôi ngồi bên bàn làm việc trong căn hộ 2 phòng ngủ ở Los Feliz, và, trong một cuốn sổ gáy xoắn, viết ra hai chiều tranh biện ủng hộ và chống lại việc đổi sang viết văn bằng tiếng Anh.

Cốt lõi chính nhất của sự lưỡng lự này của bản thân tôi là một câu hỏi về mặt đạo đức: liệu tôi có được quyền sử dụng hoàn toàn một ngôn ngữ mà từ lớp bốn đã là ngôn ngữ thứ hai được dạy cho tôi (sau tiếng Đức), liệu tôi có quyền được nhận tiếng Anh là của mình dù không được sinh ra cùng với nó không? Và tôi đang sợ thẩm quyền của ai – ai là người quyết định chuyện tôi được hay không được làm gì? Mà sáng tác văn học bằng ngoại ngữ có khả dĩ không? Đã có ai khác làm được chưa?

Rất lâu sau này, tôi mới biết đến những cây bút đã viết bằng ngôn ngữ thứ hai, một số trong đó còn là phụ nữ gốc Ả Rập, nhưng vào ngày đó, ở năm 2006, ngồi bên một chiếc bàn đi mượn trong căn hộ đủ đồ ở Los Feliz, trong tâm trí tôi chỉ hiện lên duy nhất cái tên Nabokov.

*

Giờ tôi đã hiểu biết hơn để không cứ cho rằng người đàn ông vĩ đại nào cũng là người đàn ông tốt. Tôi đã đọc quá đủ về thái độ khinh thường đối với các cây bút nữ của Nabokov, (ông cho rằng họ “thuộc về một tầng lớp khác” – và tôi sẽ cho rằng ý ông không phải là tầng lớp cao hơn), để giữ cho sự mê mẩn của mình đối với ông ở mức độ vừa phải. Thế nhưng tôi biết ơn ông nhiều đến mức khi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay, In the Language of Miracles, tôi đã quyết định để nhân vật chính có niềm đam mê đối với bươm bướm như một lời tri ân Nabokov. Tôi tưởng tượng rằng loài côn trùng tinh tế rực rỡ sắc màu này sẽ tạo thêm một liên kết mong manh nữa giữa tôi và người đàn ông đã mang lại cho tôi niềm hy vọng khi tôi cần nhất này, con người với những tuyệt phẩm như lời minh chứng rằng các nhà văn có thể viết tốt bằng ngôn ngữ “nhận nuôi” của mình, và không những thế còn có thể viết xuất sắc đến nỗi được ghi nhớ là “một trong những bậc thầy phong cách văn chương của thế kỷ 20” như lời miêu tả trên bìa sau quyển Invitation to a Beheading của tôi.

Lúc này đây, tôi đang ngồi trong căn nhà mình ở West Virginia, và vừa có một cánh bướm bay lượn qua cửa sổ nhà tôi – rõ ràng thật sự! – và tôi cũng xem đây là một dấu hiệu cho hay tôi đã đúng khi vững tin vào một ước mơ bạo dạn như vậy.

*

Sau khi gửi bản thảo cuối cùng của cuốn tiểu thuyết thứ hai, A Pure Heart, cho biên tập viên của mình, tôi cần phải quay lại với Nabokov. Cho đến thời điểm đó, tôi đã vá lại một vài lỗ hổng trong sự học của mình, đọc được một số quyển tiểu thuyết của ông, nhưng tôi vẫn chưa bao giờ đọc Invitation to a Beheading. Cầm lại quyển sách trong tay sau nhiều năm qua đi, tôi cảm nhận được một lòng yêu thương dịu dàng đối với bản thân mình năm 23 tuổi. Tôi hình dung ra một tôi trẻ hơn rất nhiều, một người nhập cư hoàn toàn mới đang đứng trước những giá sách ở Borders và chọn lấy một cuốn tiểu thuyết kể về một người đàn ông bị kết án bi đát do một người nhập cư Nga viết nên, mà không biết rằng chỉ hai năm sau toà nhà Trung tâm Thương mại Thế giới sẽ đổ sụp xuống đất, và rằng tôi và biết bao người Mỹ đạo Hồi nữa sẽ phải dành cả đời mình để nói lời xin lỗi cho sự kiện đó, mà không biết rằng tôi, đúng thế, rồi sẽ xuất bản tiểu thuyết bằng tiếng Anh.

Nhưng chính sự kết hợp giữa hiểu biết và ngờ nghệch đó, có lẽ, đã tạo nên một phần hệ thống biểu tượng ý chí cá nhân của tôi. Trong Invitation to a Beheading, gã Cincinnatus bị cầm tù viết rằng: “Tôi biết gì đấy. Tôi biết cái gì đây. Nhưng thể hiện nó ra thật khó quá làm sao! Không, tôi không thể nào… Tôi rất muốn bỏ cuộc – nhưng tôi cũng có cảm giác thiêu đốt và dâng trào, một sự ngứa ngáy, và nó sẽ khiến anh phát điên nếu anh không tìm được cách diễn tả nó.”

Bản thân tôi cũng sẽ phát điên nếu tôi không thông qua việc viết thể hiện ra tất cả những gì mình đã biết và đã vất vả học được, nếu tôi đã theo đuổi thứ ngôn ngữ mà tôi yêu thương hết mực này, dù không sinh ra là người bản ngữ, nếu tôi đã không cầu xin nó hãy yêu thương tôi lại đủ nhiều để cho phép tôi cuộn mình trong tổ kén của nó, khi tôi ngồi giữa sự thật lạnh lùng phũ phàng ấy là đời sống nhập cư trong năm 2019 này, gõ máy tính trên bàn làm việc, đuổi theo những cánh bướm của Nabokov, toàn tâm toàn ý cho công cuộc tái sáng tạo của mình. Gửi đến Nabokov, người chắc sẽ chẳng bao giờ tán thành hay quan tâm đến sự nghiệp viết văn của tôi: xin cảm ơn ông đã mở cánh cửa mà giờ đây tôi đã, đang, và sẽ bước qua.

Và từ bây giờ, tôi sẽ tự khai phá ra con đường cho chính mình bước đi.

Aimei Lee dịch

Bài viết gốc mang tên Lessons from Nabokov: On Finding Freedom in a Foreign Language của Rajia Hassib đăng ngày 19 tháng Tám, 2019 trên trang Literary Hub.

Về tác giả:

Rajia Hassib sinh ra và lớn lên ở Ai Cập trước khi chuyển đến Mỹ sinh sống vào năm 23 tuổi. Tiểu thuyết đầu tiên của cô, In the Language of Miracles, lọt vào danh sách Editor’s Choice của tờ The New York Times và nhận được một lời nhắc danh dự tại Giải thưởng Sách Mỹ Ả Rập. Cô nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Viết văn từ Đại học Marshall và đã viết cho chuyên mục Book Review của The New York TimesThe New Yorker trực tuyến. Hassib sống ở West Virginia với chồng và hai con.

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Ally Le
Website | Các bài viết khác

Cô gái bàn bên