Dịch là mất?
“Khi bạn đọc Haruki Murakami, bạn thật ra đang đọc tôi, ít nhất là đến tận 95% tổng thời gian,” Jay Rubin, một trong những dịch giả Murakami lâu năm nhất.

“Khi bạn đọc Haruki Murakami, bạn thật ra đang đọc tôi, ít nhất là đến tận 95% tổng thời gian,” Jay Rubin, một trong những dịch giả Murakami lâu năm nhất.
Tháng trước (tháng Tư, 2013), Haruki Murakami ra mắt tiểu thuyết mới nhất tại Nhật Bản. Trước khi có ai đọc được, quyển sách đã kịp phá vỡ kỷ lục đặt hàng trước qua mạng internet tại đất nước mặt trời mọc, khiến nhà xuất bản phải thông báo sẽ in trước nửa triệu bản, và các nhà sách tại Tokyo phải mở cửa lúc nửa đêm để đón từng hàng dài khách hàng đã chờ đợi sẵn từ rất lâu, rất nhiều người trong số đó sau khi mua xong đã túm tụm lại trong góc các quán cà phê gần hiệu sách để đọc ngay và luôn. Nhưng lần này, cơn lốc ấy kéo đến như một cảnh deja vu – một hiện tượng gần như rập khuôn lại thành công của lần ra mắt cuốn tiểu thuyết 1Q84 của Murakami cách đây 3 năm. Phản ứng này chẳng còn khiến ai lạ gì. Có lẽ là ngoại trừ chính Haruki Murakami mà ra.
“Sự thật rằng tôi đã có khả năng theo đuổi sự nghiệp tiểu thuyết gia chuyên nghiệp, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn là một ngạc nhiên lớn đối với tôi,” Murakami viết trong một email ba ngày trước khi ra mắt cuốn Tazaki Tsukuru Không Màu và những năm tháng hành hương. Ông nói thêm: “Nói đúng hơn, mỗi và mọi điều xảy ra trong suốt 34 năm vừa qua đều là một chuỗi những chuyện ngạc nhiên hết sức.” Điều ngạc nhiên thật sự, có lẽ, chính là việc giờ đây các tiểu thuyết của Murakami đã kích thích sự háo hức chờ đợi và thèm muốn mạnh mẽ ở cả ngoài phạm vi nước Nhật, dù chúng được viết bằng một thứ ngôn ngữ của một nhóm dân số ít ỏi trên một quần đảo xa xôi nhỏ bé ở phía Bắc Thái Bình Dương.
Murakami là một tác giả không những có tác phẩm được dịch (sang hơn bốn mươi thứ tiếng tính đến nay) mà còn là một tác giả tự mình dấn thân vào dịch thuật. Theo lời kể, ông đã viết những trang đầu tiên của tiểu thuyết đầu tay Lắng nghe gió hát bằng tiếng Anh rồi dịch lại sang tiếng Nhật “chỉ để nghe xem thế nào”. Và ông cũng đã dịch một số tác giả người Mĩ sang tiếng Nhật mà nổi bật nhất là Carver, John Irving, J. D. Salinger, và F. Scott Fitzgerald – tác giả Đại gia Gatsby mà Murakami xem là nguồn cảm hứng chính cho toàn bộ sự nghiệp văn chương của mình.
Motoyuki Shibata, một dịch giả, học giả, và giáo sư tại Đại học Tokyo, nói với tôi rằng văn học hư cấu (fiction) của Mỹ trở thành một sinh vật hoàn toàn khác trong một môi trường xa lạ khi được đem đến cho độc giả Nhật. “Vào thời Minh Trị (Meiji), đa số người Nhật đọc văn Mỹ để tìm kiếm những chỉ dẫn về mặt đạo đức,” ông nói. “Họ muốn học hỏi về các khái niệm như sự tự chủ (autonomy), chủ nghĩa cá nhân (individualism), hay Thiên Chúa giáo (Christianity). Họ hoàn toàn không đọc để giải trí.” Văn học Mỹ theo chân quân đội Mỹ đến nước Nhật vào thế kỷ mười chín – mở toang cửa đóng then cài nước Nhật và ép buộc người Nhật tiếp xúc với những ý tưởng và công nghệ hiện đại. Theo Shibata, các dịch giả và độc giả thuở ban đầu tiếp cận cuộc đời và văn học theo cùng một hệ thống cấp bậc chủng tộc cứng nhắc: người da trắng trên đầu, kế đến là người Nhật, còn lại tất cả các dân tộc và màu da khác đều ở dưới đáy. Mọi thứ người da trắng đến từ phương Tây viết nên đều được xem là thượng đẳng không cần tranh cãi, tất cả là bởi người Nhật chỉ nhìn lên chứ chẳng nhìn xuống.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, các tiểu thuyết như Ông già và biển cả, Tiếng gọi nơi hoang dã, Moby-Dick đã làm mê đắm độc giả Nhật lúc bấy giờ đang khát khao một tương lai hứa hẹn chủ nghĩa anh hùng, thiên nhiên, và lý tính trước sự sụp đổ của chủ nghĩa quân sự, loạn lạc và đổ nát họ phải chịu đựng sau chiến tranh. Ánh sáng dẫn đường vẫn là một yếu tố hấp dẫn, nhưng chủ nghĩa anh hùng và các vấn đề về danh tính giành lấy vị trí dẫn đầu. Sự chuyển mình hoàn toàn sang việc tương tác thuần tuý với văn học Mỹ, cùng những độc giả thật sự trân trọng và yêu thích văn học Mỹ mà không cần lo nghĩ về bài học giá trị rút ra, chỉ thật sự xảy đến vào năm 1975. Đó là năm Kurt Vonnegut và Richard Brautigan được dịch sang tiếng Nhật, kéo theo đó nào là sự khôi hài, sự kì quặc và những bình luận xã hội cất lên thông qua tiếng nói của những nhân vật người-bình-thường.
Bản dịch tác phẩm nổi tiếng nhất của Brautigan, quyển Trout Fishing in America, do Kazuko Fujimoto thực hiện chuyển ngữ là một mặc khải đối với các độc giả người Nhật như Shibata và Murakami. “Đó là lần đầu tiên”, Shibata kể lại, “thay vì ngước nhìn lên tác giả và các nhân vật trong truyện, tôi nhìn ngang tầm mắt với họ. Tôi cảm thấy như cuối cùng các nhân vật cũng bắt đầu ăn nói như người thật, dù họ vẫn có những điều khác biệt dị thường riêng.” Ông kể tiếp: “Tiếng Nhật của bà Fujimoto thường rất tinh quái và hài hước, nhưng cả những sự tinh quái hay hài hước đấy đều luôn theo sát âm hưởng của bản gốc. Bà đã phá vỡ các quy tắc thông thường trong tiếng Nhật, thế nhưng như thế lại làm tác phẩm vui hơn và làm giàu thêm cho tiếng Nhật, thay vì tra tấn bản dịch như một số dịch giả lớn tuổi hơn.”
Brautigan và Vonnegut ngày nay còn nổi tiếng và được đọc nhiều hơn cả những siêu sao trên văn đàn đương đại Mỹ như John Updike, Philip Roth, và Toni Morrison. Người đọc có xu hướng mua sách dựa trên cách kể chuyện hài hước và cốt truyện thú vị, chất lượng và âm hưởng của văn dịch tiếng Nhật, cũng như danh tiếng của dịch giả. “Đôi lúc tôi không hiểu nổi độc giả Mỹ,” Murakami than phiền với tôi vài năm trước tại Boston khi cố gắng phân tích lí do vì sao tiểu thuyết yêu thích của ông, quyển The Nuclear Age của Tim O’Brien, lại bị chỉ trích gay gắt như vậy ở Mỹ. “Đôi lúc tôi nghĩ họ đang bỏ sót điều gì đó.”
Để điền vào chỗ trống này, Shibata và người bạn Ted Goossen, một dịch giả văn học Nhật và giáo sư tại Đại học York, Toronto, đã khởi xướng một tạp chí văn học tiếng Anh hằng năm mang tên Monkey Business International: New Writing from Japan (tôi có tham gia trong vai trò cộng tác biên tập). Dự án sinh ra từ một sự bức bối: tại sao Haruki Murakami lại là tác giả đương đại người Nhật duy nhất mà người ở ngoài nước Nhật biết đến? Goossen đã động viên Shibata lựa chọn tác phẩm góp mặt trên tạp chí văn học tiếng Nhật theo quý của chính ông, tờ Monkey Business gốc. Lẽ dĩ nhiên, Murakami cũng là một người góp chữ, nhưng văn của ông đã mang thêm nhiều màu sắc mới hơn khi được đặt cách văn thơ của các cây viết đương thời (trẻ hơn hay già hơn), văn học cổ điển, và kể cả manga.
Dẫu vậy, tôi vẫn không thể không tự hỏi liệu suy cho cùng việc dịch thuật văn học, dù cao cả anh hùng đến mấy, vẫn đều tốn công vô ích, khi mà trong đó sức mạnh và ngay cả tính cách của bản gốc đều bị/được lồng ghép sâu trong đặc thù ngôn ngữ. “Khi bạn đọc Haruki Murakami, bạn thật ra đang đọc tôi, ít nhất là đến tận 95% tổng thời gian,” Jay Rubin, một trong những dịch giả Murakami lâu năm nhất, nói với tôi tại Tokyo vào tháng trước trong một nỗ lực giải thích với độc giả Mỹ dù đại đa số chỉ muốn tin vào chiều ngược lại. “Murakami viết ra những tên người và tên nơi chốn, nhưng từng câu từng chữ tiếng Anh là của tôi.” Murakami từng một lần kể với tôi rằng ông không bao giờ đọc lại các bản dịch sách của mình bởi thấy không cần thiết. Mặc dù ông nói và đọc tiếng Anh với một sự nhạy bén cao độ, việc đọc tác phẩm của chính mình trong một thứ tiếng khác có thể gây thất vọng – hay những điều còn tệ hơn thế nữa. “Sách của tôi tồn tại trong nguyên bản tiếng Nhật. Đó là điều quan trọng nhất, bởi tôi đã viết nên chúng bằng cách đó.”
Nhưng rõ ràng Murakami cũng để tâm rất nhiều đến công đoạn dịch thuật. Rubin kể rằng lần đầu tiên dịch tiểu thuyết của Murakami, quyển Biên niên ký Chim Vặn Dây Cót, ông đã gọi điện cho tác giả mấy lần một ngày để đảm bảo lựa chọn được từ ngữ chính xác nhất và chỉnh sửa lại những điểm bất cập. “Trong một cảnh, nhân vật đeo kính gọng đen. Trong cảnh khác thì cặp kính đấy lại màu nâu. Thế là tôi hỏi: vậy rốt cuộc kính màu đen hay kính màu nâu?” Tôi thấy mẩu chuyện nhỏ của Rubin khơi mở ra thật nhiều điều. Ngôn ngữ Nhật có được vẻ đẹp và nội lực phần lớn từ tính gián tiếp – hay những đặc tính mà người nói tiếng Anh có thể gọi là “vagueness” – tính khó đoán, “obscurity” – sự mơ hồ, hay “implied meaning” – nghĩa ẩn ý. Các chủ thể hay bổ ngữ (object) thường không được dùng đến trong cấu trúc câu tiếng Nhật, còn từ tượng thanh (onomatopeia) – những từ khẩu ngữ được dùng để miêu tả ý nghĩa, luôn là một đặc trưng ngôn ngữ rất khó để tái hiện lại hoàn toàn trong tiếng Anh.
Ngược lại, tiếng Anh thường được ngợi khen bởi tính cụ thể của nó. Henry James từng khuyên các tiểu thuyết gia phải hình dung được rõ nét một tấm thảm trải sàn, ý rằng chi tiết và độ chính xác đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc diễn đạt bằng văn viết. Liệu có xảy ra trường hợp rằng vì tiếng Anh và tiếng Nhật quá khác nhau nên dịch giả chỉ có thể tái-sáng tạo lại giọng văn bằng cách sáng tác ra tác phẩm hoàn toàn mới? Tuần trước, Shibata, Goossen, và nhiều nhà văn đến từ Mỹ và Nhật đã đến New York để tổ chức một chuỗi sự kiện nhằm giới thiệu số tạp chí mới nhất (thứ 3) của tờ Monkey Business tiếng Anh trong khuôn khổ Lễ hội PEN World Voices Festival. Trong cuộc đối thoại tại Asia Society, Goossen dẫn lời Charles Simic nói về sự kỳ lạ ma thuật trong việc chuyển ngữ thơ: “Việc chuyển thể không chỉ nghĩa đen mà còn truyền tải thế giới quan khác lạ từ một thứ tiếng này sang một thứ tiếng khác là một nỗ lực cứng đầu và to lớn… Dịch thuật không chỉ khiến ta trải nghiệm những điều tạo nên sự khác biệt của một ngôn ngữ, mà còn là để đến gần hơn với sự thần bí trong mối quan hệ giữa từ ngữ và sự-vật, con chữ và tinh thần, bản ngã và thế giới.”
Murakami chắc chắn sẽ đồng ý. Trong một một tiểu luận gần đây nói về quyết định dịch Đại gia Gatsby sang tiếng Nhật, vị tác giả sáu mươi tư tuổi hé lộ rằng “chuyện ấy” đã trở thành một nhiệm vụ suốt đời ông. Ông đã nói với nhiều người về tham vọng này ở độ tuổi ba mươi, và tin rằng mình sẽ sẵn sàng đối mặt với thách thức này khi đạt ngưỡng sáu mươi tuổi. Thế nhưng Murakami chẳng tài nào đợi được. Như một đứa trẻ quá hăm hở mở quà sinh nhật sớm, ông đã dịch Gatsby ba năm trước tiến độ. Việc dịch, ông viết, cũng tương đồng với ngôn ngữ và mối liên hệ giữa ta và thế giới quanh mình. Nó cũng cần phải được làm mới luôn luôn:
Dịch thuật là một vấn đề của kĩ thuật ngôn ngữ học… và già đi tự nhiên theo sự thay đổi chi tiết của một ngôn ngữ. Mặc dù các tác phẩm bất hủ có tồn tại, trên lý thuyết không thể có một bản dịch bất biến. Vì thế rất cần phải có những bản dịch mới xuất hiện theo chu kỳ như cái cách mà các phần mềm máy tính được cập nhật thường xuyên. Ít nhất điều này sẽ đem đến nhiều sự lựa chọn hơn, và người được hưởng lợi nhiều nhất chính là người đọc.
Aimei Lee dịch
Bài gốc mang tên Lost in Translation của tác giả Roland Kelts đăng trên mục Page-Turner của tờ The New Yorker ngày 9 tháng Năm, 2013.
Về tác giả:
Roland Kelts là tác giả cuốn sách “Japanamerica: How Japanese Pop Culture Has Invaded the United States.” Ông dành thời gian giữa hai nơi New York và Tokyo.
Chấm sao chút:
Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3
Cô gái bàn bên