Thời gian đọc: 8 phút

Vì sao các nhà hát kịch vẫn tiếp tục giới thiệu vở Waiting for Godot (tạm dịch: Chờ đợi Godot) của Samuel Beckett? Bằng cách này hay cách khác, vở diễn phản Địa đàng tưởng chừng như kéo dài vô tận này đã trở nên bất hủ chẳng kém gì vở nhạc kịch The Music Man. Samuel French Inc., nơi cấp phép vở kịch này, cho hay trong vòng ba tháng tiếp theo (tháng Tám đến tháng Mười năm 2017), sẽ có ít nhất 10 vở Godot được dàn dựng và công chiếu chuyên nghiệp vòng quanh thế giới, 65 năm sau ngày ra mắt lần đầu. Và tầm ảnh hưởng văn hoá của vở kịch này còn lớn hơn tất cả những số chỉ này. Chỉ tính trong năm nay, Stephen Colbert đã “xào nấu” lại để châm biếm cuộc tranh luận về chăm sóc y tế [tại Hoa Kỳ] còn Elon Musk thì dùng nó để đặt tên cái máy khoan đường hầm gần như-bất khả-hoàn thành-nhưng-ơn giời-cuối cùng-cũng-chạy được. Biết bao kịch tác gia sẵn sàng sát phạt lẫn nhau chỉ để đạt được độ trường thọ và sức ảnh hưởng văn hoá như thế. Vậy đâu mới là bí mật của Godot?

Không tính đến tư tưởng văn hoá thời đại, tự bản thân vở kịch sở hữu một năng lượng nội tạihết sức mạnh mẽ: kết hợp được giữa giọng điệu và các nhân vật hết sức đặc trưng với một bối cảnh khó nắm bắt. Từ vị trí hàng ghế khán giả, ta quan sát hai người, Vladimir và Estragon, và nghe cuộc tranh luận ảm đạm luẩn quẩn của họ về việc liệu Godot có xuất hiện hay không và cả hai nên làm gì nếu y không đến. Hai nhân vật chính của chúng ta và những vị khách vãng lai Pozzo và Lucky đều hết sức đặc biệt, ngược lại gần như toàn bộ thứ còn lại đều bỏ ngỏ cho những lời giải thích – từ bối cảnh sân khấu (hậu Tận thế hay mùa đông mù xám?) cho đến phục trang (doanh nhân sa cơ lỡ vận hay gánh hát lô-tô?) và kể cả Godot (God/Chúa/Thần hay… chỉ đơn thuần là một gã nào đó tên Godot?)

Và những yếu tố này luôn được bóc trần và lặp đi lặp lại. Bởi những đòi hỏi của Beckett, công đoạn sản xuất sân khấu của Godot hiếm khi thay đổi. Và mặc dù các nhà hát đã cố tình làm ngơ những điều Beckett bắt buộc phải có, những gì ông đã-muốn chính là những gì ta được xem thường xuyên nhất: bốn nam diễn viên, một cái cây chết, cuộc hội thoại không hề cắt xén, và sự u sầu ảm đạm. Trong khi ngôn từ của Shakespeare được biến hoá không ngừng – được/bị cắt xén, sắp xếp lại, hay dựng trên nền những bối cảnh mới như vở Julius Caesar gây tranh cãi mùa hè năm nay trong khuôn khổ chương trình Shakespeare in the Park của đoàn Public Theatre – Godot không bao giờ thay đổi để phù hợp với thị hiếu của ta. Mà chính là, Godot bất biến giữa dòng đời vạn biến.

May mắn thay cho Godot, dù có lẽ không may thay cho ta, những khủng hoảng hiện sinh vẫn chưa hề thuyên giảm, bất kể là đối với toàn thể nhân loại hay một trái tim đơn côi – và lẽ vì vậy ta vẫn luôn nhìn thấy được mình qua sự ứ trệ của vở kịch. Bất luận ta-khán giả mang gì đến cho vở kịch, có khi là đang nghĩ về những lo âu của một công việc văn phòng chán chường hay một cuộc tình tàn úa, hay có khi là sợ hãi hiểm hoạ hạt nhân tên lửa, Godot luôn có khả năng phản ánh và phản xạ lại cho ta soi bóng ta. Thật ra có hơi thất vọng khi thấy nhân sinh không thay đổi là bao trong vòng 65 năm trở lại đây, ít nhất đối với tôi, nhưng vẫn còn một ít chút hy vọng khi thấy được rằng mình chưa bao giờ đơn độc.

*

Trong phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình, tôi không hiểu được điều này ở Godot. Tôi biết đến vở kịch lần đầu khi theo học chuyên ngành Sân khấu tại đại học, từ nhiều năm về trước đây, và miễn cưỡng đọc nó sau khi các giáo sư bảo rằng vở kịch điên cuồng điểm mặt mọi câu hỏi hiện sinh của cuộc đời. Sau khi đọc xong thì tôi cảm thấy, nếu có cảm thấy chút gì, thì cũng là do các thầy cô tôi tốt bụng quá.

Nhưng tôi cũng đã thấy một số bạn học ném mình vào Godot cái cách các nhà leo núi mê mệt đỉnh Everest. Godot tạo ra và đem đến thử thách, còn diễn viên thích bị/được thách thức. Họ cũng thích trở thành trung tâm của mọi sự chú ý. Có lẽ bạn đã từng nghe qua trò đùa chúng tôi thường kể ở đại học: một diễn viên đọc kịch bản mới được giao lần đầu tiên, vừa lướt đọc gã vừa thốt lên: “Vớ va vớ vẩn, vớ va vớ vẩn, ồ, đến lượt mình đây rồi!” Rồi lại tiếp tục lướt đi: “Rổ rá rá rổ, rổ rá rá rổ…”

Với Godot, mọi thứ đều là trung tâm hết sức gay cấn của sự chú ý; không có quản gia hay người hầu gái nào ở đây cả. Thứ hội thoại xoay vòng, luẩn quẩn đó hả? Thử thách. Làm sao để người xem tập trung, và kể cả cười ra tiếng, khi chỉ có mỗi hai người trên sân khấu suốt bấy nhiêu phút đấy? Lại thử thách. Tìm ra sức sống mới trong một vở kịch mà bất cứ ai trên hàng ghế khán giả đều đã biết trước ít nhiều? Một thử thách to đùng, đô con.

Một trong những thú vui của sự sống chính là tiếp cận thử thách, đặc biệt là những thách thức trên bờ vực khả năng của ta, và thúc đẩy bản thân mình đối mặt với nó. Tôi sẽ/muốn gọi cảm giác này là một dạng niềm vui, và đối với những người làm sân khấu, Godot đem lại một niềm vui như thế. Đó là một vở kịch u ám nhắc ta nhớ về sự sống và cái chết của mình, nhưng nó cũng là một thành tựu – tour de force – kĩ thuật và đam mê của các diễn viên (hy vọng là) giỏi nhất. Khán giả có thể ngồi qua hai tiếng lẩm bẩm, ngược đãi, điềm gở tai hoạ, sự kinh hãi và những cuộc trạm chán đau lòng với cái chết cũng một phần bởi sự sống động hữu hình của những gì xảy ra trên sân khấu. (Tất nhiên, kể cả những diễn viên kì cựu nhất cũng không thể đánh lừa nổi ta: ta biết rằng kịch nghệ, suy cho cùng, đều chỉ là giả dối. Hãy để Estragon và Vladimir, Lucky và Pozza sống trên đỉnh cao thịnh nộ: ta biết rằng chẳng mấy chốc họ sẽ lại cười phá lên trong phòng thay đồ mà thôi. Điều ấy giúp ích được ít nhiều).

Người diễn viên luôn không ngừng tìm kiếm một vai diễn để đời và với tư cách khán giả, chúng ta cũng yêu mến việc theo dõi diễn viên không ngừng theo đuổi sự ưu tú. Nhưng tất nhiên, tất cả chúng ta đều là một trò đùa. Bởi Godot không thể nào làm diễn viên bất tử. Không một vở diễn nào có thể làm được điều ấy. Sân khấu vốn dĩ là phù du. Người diễn, và người xem, chỉ có được buổi diễn trong số phút được hoạch định sẵn. Cũng như cuộc đời, nó trôi đi trước khi ta kịp đóng băng nó.

*

Đó là một trong những tư tưởng chính của Beckett trong Chờ đợi Godot: con người ta chỉ sống một lần mà thôi. Ông không chủ định để nó đóng vai khẩu hiệu hay làm lời giải thích cho những hành động tồi tệ. Với Beckett, đó là một lời cảnh báo, hay kể cả một lời nguyền tiềm tàng, và ta tiếp tục đến với sân khấu để nghe đi nghe lại lời khuyên răn ấy. Lấy ví dụ đoạn hội thoại sau đây, khi Vladimir kể với Estragon rằng Godot sắp xuất hiện: “Gã nói gã sẽ đến vào thứ Bảy. (Ngưng). Tôi nghĩ thế.”

“Anh nghĩ thế,” Estragon đáp.

“Tôi chắc hẳn đã ghi lại đâu đây,” Vladimir nói. Chỉ đạo sân khấu cho hay khi tìm kiếm tờ giấy ghi chú, anh “lóng ngóng sờ soạng trong túi, chiếc túi chật căng những rác rưởi linh tinh lỉnh kỉnh.”

Đây cũng là một lời nhắc nhở của/kiểu Beckett: đó là những gì đang chờ đợi tất cả chúng ta (chắc chỉ chừa vài người ra). Tôi biết chính xác điều này, bởi tôi đã nhìn thấy những người mình thương yêu qua đời, và tôi nhận thức được vô cùng rõ rằng chẳng bao lâu nữa, chúng mình cũng sẽ loạng quạng tìm kiếm giữa đống rác vụn vặt mà thôi.

Dẫu thế, memento mori – hãy nhớ, người sẽ chết, không phải là cái kết mà vở diễn đem đến cho ta. Nó soi chiếu nhiều hơn cảm giác tuyệt vọng ta biết sẵn trong xương tuỷ mình; bên trọng đó vẫn là một sự bền bỉ ta nhận dạng được. Cuối vở kịch, Estragon nói, “Tôi không thể tiếp tục mãi thế này được.” và Vladimir đáp lời, “Đó là anh nghĩ thế.” Điều Vladimir nói – điều mà Beckett nói đến, khi viết văn ngay sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc – chính là chúng ta sẽ tiếp tục sống tiếp bởi đó là điều mà con người vẫn làm. Nó không nhất thiết phải đẹp đẽ hay tràn trề hy vọng. Nó chỉ như vậy mà thôi. Cái kết nổi tiếng của buổi diễn chính là Estragon và Vladimir bất động nằm một chỗ – nhưng họ cũng chẳng chết đi đâu.

Trông thì thật lạ, nhưng chính cảnh tượng ấy cũng đem lại niềm vui cho khán giả. Được xem Vladimir và Estragon diễn cảnh không thể tiếp tục đóng vai trò một catharsis – sự phấn chấn hồi hộp có được khi ta đồng thời cảm nhận được những xúc cảm được diễn ra trên sân khấu, trong vở kịch này. Trong suốt những khoảnh khắc kéo dài, ta ngồi họ đứng, tất cả cùng chờ đợi. Nhưng rồi Estragon và Vladimir bị bắt phải chờ đợi mãi mãi mà không có lấy một lối ra, còn tất cả chúng ta được quyền rời khỏi vùng đồng không mông quạnh của họ để trở về với cuộc đời của riêng mình. Họ không động đậy nhưng lạy giời, ta vẫn còn dịch chuyển được.

Và chỉ như thế cũng đủ để kéo ta quay lại. Hơn nửa thế kỷ trở đi, vở kịch vẫn mang trong mình một phép màu u ám. Ta vẫn nghe những đài từ về nỗi đau bất phân ranh giới, vẫn cảm nhận được sự chán chường vô cùng tận của sự tồn tại. Và điều ấy đưa tôi đến với giả thuyết yêu thích của mình, để giải thích cho sự trường tồn của nó: chúng ta trở lại với Godot ít nhất một phần để ta có thể bước ra từ – bước đi khỏi Godot. Vở diễn tàn nhẫn nhưng cũng rất hữu hạn. Cuộc đời có lẽ cũng rất hữu hạn, nhưng ta ít khi tận hưởng được cái kết đời mình. Vậy nhưng Godot vẫn kết thúc, và ta rời đi, có khi cảm động, có khi đã thay đổi, nhưng chắc chắn hết sức tự do tự tại. Ta đã trôi dạt trở đi trở lại trong một cuộc tận thế mà mỗi ngày qua đi đều thấy như gần hơn với chiếc đuôi tôm của nhân vật.

Dàn dựng vở kịch, hay đóng vai trò khán giả xem một vở Chờ đợi Godot, chẳng khác nào vừa đi ngang qua nghĩa trang vừa huýt sáo: ta làm thế bởi vì, đ.c.m., ta còn sống và ta có thể. Thật là sung sướng làm sao.

Aimei Lee dịch

Bài viết gốc mang tên Why We Keep Waiting for Godot của Shannon Reed đăng ngày 30 tháng Tám, 2017 trên trang Literary Hub.

Về tác giả

Shannon Reed là một người góp chữ thường xuyên cho tờ The New YorkerMcSweeney’s Internet Tendency. Các sáng tác của cô cũng đã được đăng tải trên các trang The Washington Post, Guernica, Longreads Vela, cùng nhiều nơi khác nữa. Cô hiện giảng dạy tại Đại học Pittsburgh trong lúc “thai nghén” tiểu thuyết đầu tay. Liên hệ với Shannon tại http://www.shannonreed.org/

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Ally Le
Website | Các bài viết khác

Cô gái bàn bên