Thời gian đọc: 8 phút

Năm nay tôi đọc được 93 cuốn sách, không đạt mục tiêu 100 đề ra năm ngoái. Tuy vậy, vẫn là năm tôi đọc nhiều sách nhất từ trước tới nay. Thế nhưng, lại không là một năm may mắn, ít nhất là so với năm ngoái với nào Bernhard, nào Pynchon.

Bản thân tôi luôn phải đấu tranh giữa việc đọc sách hay ngừng đọc sách. Trong môn phái của tôi, tri thức không phải thứ được đề cao, hưởng thụ lại càng không. Mỗi khi đọc Kinh, tôi hiểu cái mình cần là dừng lại, dừng suy nghĩ, dừng tìm tòi hay cụ thể ở đây, dừng đọc sách. Khốn nỗi, tôi lại bị sinh ra như một kẻ hiện sinh, luôn khao khát trải nghiệm và sai lầm. Sau rốt, tôi thấy: Thế đấy, có những người may mắn sinh ra đã tĩnh lặng; ngược lại, có những người như tôi, cần phải nát bét ra trước khi bình yên. Một trong những con đường tắt để tới đức hạnh là trụy lạc, và xem ra tôi phải đi con đường tắt này. Tôi đã hưởng lạc hết mình, đắm đuối hết mình, theo một cách tri thức trong sách vở.

Nếu đi sâu vào mọi thứ, ngay cả trong Phật giáo, ta sẽ luôn tìm thấy hình tượng ghê sợ, ác quỷ, tồn tại như một đối trọng. Nếu ta có thể kiểm soát đối trọng đó, thì đó là một thành công lớn. Tôi nói như vậy không phải để bao biện cho việc đọc sách của mình, nhưng sự thật là vậy. Tóm lại, thay vì thiền, tôi đã lấp đầy thời gian trống của mình bằng việc đọc sách, và là những cuốn sách tốt. Lời khuyên cho bạn nào có mong muốn tương tự như tôi là hãy chơi Goodreads để kiểm soát việc đọc của mình.

Dưới đây là Top 10 của năm nay của tôi. Rất khó lựa chọn vì có khá nhiều cuốn tốt như nhau, nhưng lại không trội lên hẳn. Ngoài ra, tôi cũng không chọn theo hướng những cuốn hay nhất nói chung, mà chủ yếu là nó phải mới lạ với tôi. Thứ tự thì chủ yếu theo thứ tự đọc trên Goodreads.

  1. Sách cổ

Thật muộn màng nhưng dù sao thì cũng đã đọc xong hai cuốn Kinh thánh và bộ Thần thoại Hy Lạp. Quả đúng là dù bạn không theo những tôn giáo, tín ngưỡng này nhưng nếu không đọc nó thì sẽ là một thiếu hụt rất lớn về văn hóa. Tôi không mặn mà với cả hai nhưng hiểu là phải đọc. Và đúng là vậy. Tôi mới đọc hai bộ này được vài tháng nhưng trong vài tháng ngắn ngủi đấy thôi, tôi đã va chạm với những nội dung trong đó quá nhiều, qua những cuốn sách khác lẫn trong đời sống. Đặc biệt nếu gu của bạn là văn học nước ngoài, nhất định phải đọc hai bộ này, không thì như mù dở vậy.

12mc.jpg

Nhìn nhận về mặt văn chương thì hai bộ đọc đều mệt do các câu chuyện cứ lặp đi lặp lại rất dễ chán. Nhưng nhìn chung, quả thật là hay. Tinh hoa nhân loại khuôn đúc trong hàng ngàn năm có khác, đặc biệt là Kinh thánh. Rất có tính văn chương.

Năm sau, tôi sẽ cố gắng đọc tiếp các cuốn sách cổ như Kinh Qur’an, Chí tôn ca, Sách của người chết, Triết học Trung Quốc cổ và một phần Kinh Luật Luận của Phật giáo (chắc nhiều năm mới đọc xong hết).

  1. Con đường mây trắng (Anagarika Govinda) và Nẻo về của Ý (Thích Nhất Hạnh)

Năm qua tôi đọc khá nhiều sách của hai tác giả này và đây là hai cuốn tiêu biểu. Tôi tuy đã quy y từ lâu nhưng chỉ đọc Kinh, rất hiếm khi đọc các sách dẫn giải Phật giáo. Cuốn Con đường mây trắng là do vô tình có bạn giới thiệu và tôi quyết định đọc vì khi đọc thử thấy văn chương quá đẹp với cả một người duy mỹ khó tính. Sau khi đọc xong thì lại nhận được nhiều hơn thế: Rất nhiều câu chuyện lịch sử, rất nhiều tập tục khác lạ của đồng môn Tây Tạng và đặc biệt là những kiến thức Phật giáo mới, thật sự mở rộng tầm mắt. Nếu bạn không phải Phật tử, vẫn có thể đọc cuốn này như một chuyến du lịch vậy.

download.jpg

Nẻo về của Ý thì đơn giản là tôi nhớ từng thấy một người bạn đọc nên tò mò chứ quả thật, như đã nói ở trên, tôi không đọc sách dẫn giải, và thêm nữa, lại có tí sính ngoại :”> Ơn Trời Phật là sự tò mò đã dẫn tôi tới với tác giả mà theo tôi là lớn nhất Việt Nam. Về mặt văn chương thì Thích Nhất Hạnh không hoa mỹ như Govinda mà giản dị hơn, nhưng cũng rất đẹp và có nhiều câu chuyện thật xúc động. Về mặt tư tưởng thì sau nhiều cuốn, tôi thấy thật ra Thích Nhất Hạnh không có gì mới. Thầy bám rất sát lời Thích Ca Mâu Ni và các sách của thầy về cơ bản là cầu nối giữa Kinh Luật Luận với Phật tử. Cầu nối này rất quan trọng bởi ví dụ như tôi, rất ngu si, khi đọc Kinh gốc chỉ hiểu được một tí xíu trong tư tưởng lớn của Thích Ca Mâu Ni. Cái gì cũng vậy, quan trọng là phải tìm được con đường phù hợp thì mới đi tới chân lý. Tôi sẽ tiếp tục đọc Thích Nhất Hạnh như những chú thích quan trọng để hiểu Kinh Luật Luận và một phần, để hưởng thụ văn chương.

download (1).jpg

Ngoài ra, có một cuốn dẫn giải đặc biệt hay là Kinh Kim Cang giảng giải của thầy Thích Thanh Từ. Đây là Kinh quan trọng bậc nhất Phật giáo và lời giảng giải của thầy Thanh Từ cũng rất hay.

  1. Dưới cái nhìn của anh hề (Heinrich Böll)

Năm nay tôi mới đọc Böll và thích cả ba cuốn, hay chính xác hơn, thích Böll. Böll bị đóng ghim là nhà văn hậu chiến và đúng là chiến tranh luôn là nền trong các cuốn sách của Böll nhưng trên cái nền đó, ông xây dựng nên mọi góc cạnh của cuộc sống thường nhật. Vô cùng thông minh, vô cùng sắc sảo, ta luôn có thể trông chờ ở Boll một bầu không khí riêng mù mịt mờ ảo chán chường.

X8MreAN.jpg

Ba cuốn của Böll năm nay tôi đọc là Lạc lối về, Dưới cái nhìn của anh hề Người ở đâu về đều rất hay nhưng theo tôi thì Dưới cái nhìn của anh hề toàn diện hơn cả.

  1. Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình (Peter Handke) và Chiến tranh và chiến tranh (László Krasznahorkai)

Thật mừng là Handke đã đoạt giải Nobel. Như vậy, có thêm nhiều hi vọng là các NXB sẽ tiếp tục ra sách của ông. Hai tác giả này tôi xếp chung vì cảm thấy họ giống nhau. Cùng một lối viết rất khó nắm bắt với sức manh của nước. Ta luôn cảm nhận được nó vây quanh nhưng không thể cầm giữ, và nếu nỗ lực đong nó vào chai lọ thì kết quả cũng chỉ thu được một chút ít giá trị so với cả đại dương.

e79b3a227bff8e70abf10654c7b094b6.jpg

Trong hai người thì tôi đánh giá Krasznahorkai hơn về mặt ảo giác nhưng Handke hơn về mặt hình ảnh. Tóm lại hai ông này đọc rất sướng. Và sau khi lên đỉnh, cảm giác lâng lâng vẫn kéo dài rất lâu trong không khí, đủ để mỉm cười thích chí mỗi khi nghĩ đến.

  1. Bên phía nhà Swann (Marcel Proust)

Thêm một cái sướng nữa, đặc trị cho người thích khổ+bạo dâm.

969217_10152060934409085_1248701290_n.jpg

Trên đời có những kiểu nhà văn có lối viết đặc trưng dễ bắt chước và đã nhiều người bắt chước nhưng tất cả chỉ như mô phỏng. Điển hình là Kafka và Proust. Ai cũng có thể nói được đặc trưng của văn Proust là gì nhưng không có Proust thứ hai đâu. Đúng kiểu sướng trong nước mắt. Năm sau, khi nào khỏe mạnh, tôi sẽ tiếp kiến anh Proust này một lần nữa.

  1. Những ngọn nến cháy tàn (Sándor Márai)

Hoan hô đất nước Hungary đã sinh ra toàn những anh tài văn chương. Cứ nhắm mắt vớ đại một cuốn của tác giả Hungary ở Việt Nam thì 80% là một cuốn rất hay. Đó là đánh giá của tôi sau một tháng đọc toàn văn học Hungary năm nay.

nhungngonnenchaytan.jpg

Ngoài Krasznahorkai đã nói ở trên, tác giả Hungary tôi đặc biệt yêu thích là Márai. Cũng như Boll, ông có một bầu trời rất riêng, và đó là hoài niệm. Về mặt văn chương thuần túy thì tôi thích cuốn Di sản của Eszter hơn nhưng nhìn tổng qua nhiều mặt, Những ngọn nến cháy tàn là cuốn hay nhất của Marai mà tôi đọc tới giờ. Đọc xong chỉ có thể vỗ tay 10 phút và gào lên: Đúng rồi, đời là thế đấy!

  1. Sa đọa (Albert Camus)

Camus thì là nhà văn quá quen thuộc với tôi. Là nhà văn tôi yêu nhất bởi thật sự là văn chương rất hợp lòng dù đúng là tôi bị mê cái mắt lồi mơ màng ấy nữa! Tuy vậy, vẫn cho vào Top năm nay bởi đây thật sự là nhà văn không đọc thì phí quá.

DSC_0221-4.jpg

Năm nay tôi có đọc thêm hai cuốn của anh Camus là Sa đọa Thần thoại Sisyphus. Cuốn Sisyphus thì tôi đánh giá không quá cao vì chưa rốt ráo nhưng cuốn Sa đọa thì tôi rất thích màn twist của anh. Rất trí tuệ và đáng yêu đúng chất Camus! Khách quan mà nói là rất nên đọc chứ không phải nỗi lòng fan girl.

  1. Nero, nhà thơ bạo chúa (Dezső Kosztolányi)

Trong các Hoàng đế La Mã thì chắc Nero là cái tên được nhắc nhiều nhất trong văn chương. Lâu lâu đọc một cuốn rất không liên quan lại thấy nhắc tới Nero. Cuốn này tôi đã có một bài review, nhờ chị Z dẫn link vào đây.

Nói đơn giản thì là một cuốn rất đẹp, rất lạ, khác biệt hẳn giữa núi sách như tiên nữ chân trần giữa bầy cung phi bự phấn.

  1. Hành trình đến tận cùng đêm tối (Louis-Ferdinand Céline)

Nếu như Bernhard chửi từ đầu tới cuối sách thì đây là Céline, khoái trá không kém, trung thành với chán đời đến tận cùng. Một tiên dược cho những ai thích văn chương u ám, cục súc. Nghĩ lại vẫn thấy đê mê với dòng chảy đen ngòm bất biến rồi đột nhiên dòng chảy đó tung vọt lên trời, phụt nhoe nhoét vào mặt mọi người xung quanh.

download (2).jpg

Năm nay tôi cũng đọc được hai cuốn khác họ hàng xa là Nghệ sĩ thể hình (Don Delillo) và Mở rộng phạm vi tranh đấu (Michel Houellebecq). Năm tới sẽ thu xếp đọc tiếp phần hai là Chết chịu.

  1. Người đàn bà bị hủy diệt (Simone de Beauvoir)

Người đàn bà viết văn hay nhất mà tôi biết. Người đàn bà vừa đa đoan vừa đứng ở một tầm cao khác để cho qua mọi thứ. Khi đọc cuốn Người đàn bà bị hủy diệt, tôi phải thốt lên rằng đây là lý do tại sao tôi đọc sách. Beauvoir có một cuốn nữa cũng rất hay là Một cái chết rất dịu dàng.

44014426._UY630_SR1200,630_.jpg

Năm nay còn đọc một cuốn rất đàn bà, nhưng theo hướng ngược với Beauvoir, tức là bi lụy dịu nhẹ, mà tôi cũng rất thích là Thời gian của một tiếng thở dài (Anne Philipe).

  1. Đôi bạn chân tình (Hermann Hesse)

Thứ 11 trong Top 10 vì thật ra cuốn này tôi đọc chưa xong nhưng tôi tin là nếu tôi đọc xong thì nó dễ dàng vào Top 10 thôi. Hesse là nhà văn mà tôi tìm thấy sự đồng điệu lớn nhất. Một con người luôn bị mắc kẹt giữa hai cực đối lập. Cuốn Đôi bạn chân tình vừa đọc đã nghe thấy cái phong vị của Sói thảo nguyên Demian mà tôi đều rất thích. Thực tế là ở hai cuốn kia, Hesse cũng không tìm thấy một con đường rốt ráo nào nhưng những cuốn sách thế này là một giải pháp hòa giải rất cần có. Tôi có đôi chút hi vọng ở Đôi bạn chân tình nhưng kể cả không thấy tia sáng mới, nó vẫn là một niềm vui khi đọc văn Hesse. Một màu sắc tâm linh huyền bí lãng đãng nơi con người hóa thần thánh.

download (3).jpg

Nhân nói về Hesse, một tác giả khác mà tôi cũng rất thích và đọc thêm nhiều năm nay, mà tôi thấy có những nét tương đồng là André Gide, đặc biệt là cuốn Kẻ vô luân. Ngoài ra là Đứa con đi hoang trở về Bọn làm bạc giả.

Ngoài ra, năm 2019 tôi còn đọc (đọc lại) được nhiều cuốn rất đáng đọc khác, xin liệt kê một chút để giới thiệu thêm cho các bạn: Tâm cảnh (André Maurois), Pedro Páramo (Juan Rulfo), Henderson, ông hoàng mưa (Saul Bellow), Buồn nôn (Jean-Paul Sartre), Bàn về khoa học (Leon Tolstoy), Tiếng vọng từ Chernobyl (Svetlana Alexievich), Cái tôi và cái nó (Sigmund Freud), Những cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils (Selma Lagerlof), Bức tranh Dorian Gray (Oscar Wilde), Charlotte (David Foenkinos), Chương trình nghị sự (Eric Vuillard), Đêm Chile (Roberto Bolano), Haroun và biển truyện (Salman Rushdie), Một anh hùng thời đại (Lermontop), Hamlet (Shakespeare), Phòng thủ Luzhin (Nabokov),…

Bùi An Bình

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 4.7 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Bùi An Bình
Các bài viết khác

The reader