Thời gian đọc: 9 phút

where-to-start-reading-murakami-960.jpg

Hãy tưởng tượng bạn là một cô gái nhỏ lớn lên trong một thành phố ở đất nước Nhật Bản. Trong nhà bạn không ai đọc sách cả, và thế là bạn phải tự mình đi tìm sách. Bạn sẽ bắt đầu ở đâu? Tất nhiên là thư viện trường rồi. Dưới mục “Văn học”, bạn đọc tên của những nhà văn nổi tiếng nhất nước Nhật – Akutagawa, Soseki, Dazai, Mishima – và một vài tên tuổi lớn ở những nơi khác trên thế giới – Dostoevsky, Tolstoy, Camus, Sartre, Steinbeck. Sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa bạn mới gặp được những cái tên như Virginia Woolf, Yuko Tsushima hay Susan Sontag. Nhưng khi đứng giữa những dãy sách trong thư viện trường, ngắm nghía từng gáy sách một, bạn không hề nhận ra rằng không có cái tên nào trong số đó là tên tác giả nữ cả.

Những năm đầu thuở niên thiếu, tôi bắt gặp cái tên Haruki Murakami trên bìa một quyển sách còn khá mới. Khi ấy, Murakami đã là cái tên ai cũng sẽ tìm thấy ở mọi thư viện hay hiệu sách to nhỏ. Tôi lấy quyển sách xuống và mở ra xem. Tôi nhớ rằng mình đã cảm thấy như chưa từng đọc được một cái gì giống như vậy. Không có cha mẹ, gia đình, những lời giảng giải chán chường buồn ngủ, không có bất kì cuộc vật lộn với cái tôi hay những chiến thắng thường thấy trong văn học. Tôi, sa lầy trong những hoàn cảnh và tình huống không do bản thân lựa chọn, đã rất kinh ngạc trước tính cá nhân của Murakami. Hơn tất cả mọi điều, tôi cứ ngỡ mình chỉ cần đọc mãi mãi một trang thôi cũng được – thứ văn chương kì diệu choáng váng ấy. Nó tuyệt vời bởi nó không hề liên quan gì đến giới tính của tác giả hay của chính tôi. Tôi không thể nào quên mình đã phấn khích như thế nào khi phát hiện ra những tiểu thuyết như vậy quả nhiên có tồn tại. Và từ lúc ấy, Murakami trở thành một nhà văn vô cùng đặc biệt với tôi.

Những tự sự của Murakami thường phát triển theo một khuôn mẫu: nhân vật chính đơn độc mạo hiểm dấn thân vào một thế giới khác để tìm và lấy lại những thứ đã mất. Chúng ta liên tục được cho thấy rằng những gì ta thấy và tin là thật đều có cái bóng, và bằng cách vượt qua một “cái giếng” đột nhiên xuất hiện trong cuộc sống thường nhật, sự tồn tại của ta dễ dàng bị ném vào một nơi xa lạ. Những câu chuyện này thâm nhập và gắn liền với những thế giới mà ta ngỡ như được dựng lên hoàn toàn từ ngữ pháp của trạng thái vô thức, những địa hạt mà chỉ có trong đó người đọc mới có thể tìm thấy các phương pháp chữa lành và tái tạo.

Khi bạn đọc sách và đắm mình trong một câu chuyện, chính bản thân bạn trở thành một quan điểm, một điểm nhìn. Đó là một điều tuyệt đẹp, nhưng khi rời mắt khỏi trang giấy, bạn lại quay về và mắc kẹt trong thực tại. Bạn trở lại trong cơ thể mình, oằn mình gánh chịu sức nặng của thời gian và vô số những hạn chế khác. Và nếu như điều đó còn chưa đủ, đa số phụ nữ còn phải chịu thêm gánh nặng lạc lõng bất tận trong thân phận người nữ. Bởi vì chúng ta tồn tại trong cơ thể này, ta được/bị ham muốn, được/bị gán cho giá trị và được/bị tiêu thụ. Ta bị ép buộc phải trở thành ai và cái gì, và ta tự chủ quan hoá những chuyện này đến mức chính mình còn không nhận ra. Thế giới của những câu chuyện là nơi mà việc gì cũng có thể xảy ra, nhưng đa số thời gian ta lại gặp phải những áp lực tương tự đang cố gắng nhấn mạnh sức ảnh hưởng của chúng. Nếu tìm phụ nữ trong văn học hư cấu, bạn có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi – tiểu thuyết, phim ảnh, và tất nhiên là anime, sản phẩm văn hoá xuất khẩu chính của Nhật Bản – nhưng những người nữ ấy thường bị đặt vào vai phụ, tính dục hoá và luôn phải hy sinh bản thân. Bất luận tuổi tác, dường như nàng không còn cách nào khác ngoài bước đi trên một trong hai con đường: hiền mẫu hay gái điếm.

*

Tôi đã có rất nhiều cơ hội trò chuyện với nhiều người về sự nghiệp văn học của Murakami trong nhiều năm nay. Tôi đã nói chuyện với các học giả, dịch giả, tác giả và độc giả, cả trong và ngoài nước Nhật. Tôi đã nghe họ nói với sự đam mê vô cùng về những trải nghiệm của mình với Murakami và cố gắng tìm những từ ngữ để giải thích sức cuốn hút lạ kì của những câu chuyện của ông. Chúng tôi bàn luận về cách ông phát triển chủ đề và phong cách trong 40 năm vừa qua. Chúng tôi nói về cách những yếu tố này thay đổi ra sao – và đã giữ nguyên như thế nào. Rồi, khoảng 10 năm trước, cả đàn ông lẫn phụ nữ bắt đầu hỏi cùng một câu hỏi trong tâm thế hết sức cấp bách: “Bạn nghĩ gì về cách Murakami miêu tả phụ nữ?” Câu hỏi có trọng lượng đến mức không ai có thể làm ngơ.

Và câu trả lời thì hằng hà sa số. Có người ước phải chi ông tiếp cận chủ thể phụ nữ với cùng sự sáng tạo như khi viết về đàn ông (hay giếng). Có người cho rằng “Những người phụ nữ này tự khiến mình dễ dãi một cách bất hợp lý,” trong khi người khác lại bảo “Tôi không thấy có gì sai cả.” Ngoài ra, có nhiều người cho hay họ thật sự nghĩ cách Murakami miêu tả phụ nữ rất chân thật – và có sức thuyết phục.

Rồi họ quay sang tôi và hỏi: “Cô nghĩ thế nào?”

Tôi hiểu vấn đề ở đây là gì. Một trong những khoái lạc chân chính của việc đọc một câu chuyện do Murakami dàn dựng chính là cách ông biến thế giới mà ta quen thuộc trở thành một nơi xa lạ. Đa phần thời gian tình dục đóng vai trò là xương sống, là chìa khoá để các nhân vật chính mở cánh cửa tiến vào thế giới khác. Bởi những nhân vật chính này đều là nam giới và hoàn toàn dị tính, phụ nữ khắc phải đóng vai đồng phạm tình dục. Tôi nhận ra rằng khuôn mẫu này xuất hiện trong không ít tác phẩm của ông, và hiểu được khuôn mẫu này đồng nghĩa với việc ta có thể khám phá thêm nhiều điều mới. Nhưng thật ra ta có thể hiểu được điều gì từ những motif này? Những quy chuẩn đạo đức cá nhân, sự ám ảnh, hay thái độ tác giả dùng để đối diện thế giới? Nó có nói lên được điều gì về tầng tầng lớp lớp sâu bên dưới tác phẩm? Tất cả mọi điều trên? Khi ta khai thác những motif này, liệu chúng có thay đổi bản chất của những gì ta đã đọc hay không?

Có nhiều điều ta có thể nghía vào từ những khuôn mẫu ta khám phá ra, và nhiều điều khác chúng không giải thích được. Nói cách khác, có những chuyện ta có thể chia sẻ chung về trải nghiệm đọc sách, và có nhiều chuyện quá riêng tư để nói thành lời. Niềm vui đến từ việc đọc sách thì không tài nào đong đếm được, nhưng niềm vui ấy trở thành hiện thực chính là do hành động đọc sách này, thực hành đọc sách này, là một việc hết sức cá nhân và riêng tư. Khi đọc sách, ta gặp được những điều quá cá nhân không thể chia sẻ với ai. Tôi đã nói đôi lời về một trong những khuôn mẫu tìm thấy trong truyện của Murakami. Vây thì, đâu là thứ mà tôi, hay bạn, gặp phải trên bình diện cá nhân khi đọc Murakami?

*

Ta hãy nghĩ về những nhân vật nữ của Murakami. Ai là người bạn nghĩ đến đầu tiên? Midori trong Rừng Na Uy? Aomame trong 1Q84? May Kasahara trong Biên niên ký Chim vặn dây cót?

Đối với tôi, đó là người kể chuyện trong “Sleep”, một trong những truyện ngắn hay nhất của Murakami.

“Sleep” được xuất bản ở Nhật năm 1989. Ba năm sau đó, bản dịch tiếng Anh do Jay Rubin dịch được đăng trên tờ The New Yorker. “Sleep” mở đầu bằng lời kể của người dẫn truyện về ngày thứ 17 liên tiếp mất ngủ không thể giải thích nổi. Đây là một phụ nữ  ở nhà làm nội trợ trong độ tuổi 30 có chồng là nha sĩ và một đứa con trai nhỏ. Nhìn bề ngoài thì có vẻ như cuộc sống của cô khá ổn, chỉ là cô không thể ngủ được thôi. Đã hơn hai tuần rồi – và lạ làm sao – không ai khác để ý hết. Quanh đi quẩn lại giữa hồi tưởng và thời điểm hiện tại, cô đọc Anna Karenina xuyên màn đêm. Thời gian thời gian mải miết chạy đuổi. Không gian ngày càng bào mỏng đi khi ta phiêu dạt ngày càng gần hơn đến với “bên kia”, không thể quay lại được nữa.

Điều quan trọng là, nỗi cô đơn của người kể chuyện không phải là thứ phiên bản của phụ nữ về cô đơn. Thứ mà câu chuyện này miêu tả chính là một nỗi cô đơn không thể thể hiện nổi của con người, một sự tuyệt vọng mà trong đó những điều xói mòn gặm nhấm chờ đợi ta, ngay tại đây trong cuộc đời thầm lặng của mình với những người thương, với cơ thể rã rời và ký ức lão hoá – dù không ai biết khi nào nó sẽ đến. Điều mà nó miêu tả không phải là một nỗi cô đơn hay sự bất lực được chuẩn hoá cho phụ nữ, kiểu cảm xúc phụ nữ thường quen và nhận diện được, thông qua sự đồng cảm và quen thuộc, để có thể nhìn thấy chính mình trong đó. Sự cô đơn của nhân loại này, được kể lại với ta thông qua một nỗi căng thẳng không phút giây nào nguôi ngoai, biến sự thật rằng người kể chuyện là phụ nữ trở thành một vấn đề. Đúng thế, bởi phụ nữ cũng là con người. Người kể câu chuyện này là người phụ nữ đầu tiên trong văn học hư cấu mà tôi có thể công nhận là một con người thực thụ. Cô, và nỗi cô đơn thao thức của mình, vẫn là một phần trong tôi ngày hôm nay. Xin phải thú thật, tôi đã rất kinh ngạc khi phát hiện người phụ nữ này do một người đàn ông viết nên. Đọc “Sleep” cũng đã giúp tôi hiểu ra đầy đủ cách nhân vật được dựng nên trong văn học hư cấu. Đây là một tác nhân mang tính quyết định đối với trải nghiệm đọc Murakami của cá nhân tôi.

*

Mối quan hệ giữa các tác phẩm của Murakami và độc giả của ông hết sức siêu phàm. Biết bao người trên thế giới này, đến từ những hoàn cảnh văn hoá và bối cảnh lịch sử khác nhau, trong những bản dạng giới khác nhau và thuộc về các thế hệ khác nhau, đều đã đọc văn của Murakami. Rất nhiều người trong số đó đã cầm lên và không bao giờ đặt xuống. Chao lượn, và đôi khi lảo đảo, giữa những phê bình chia sẻ được và những trải nghiệm cá nhân bất khả bàn tính, chúng tôi tiếp tục đọc, ngay cả khi cảm thấy lòng đất dưới chân mình dịch chuyển. Tôi chắc chắn rằng sự chú ý gia tăng đối với những khoảnh khắc gian nan này sẽ tạo động lực cho những phê bình sôi nổi hơn trong những năm tiếp tới, không chỉ trong giới tiểu thuyết mà cả trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác.

Vài năm gần đây, người ta bắt đầu đặt câu hỏi liệu chúng ta còn có thể đọc hay viết mà không cần để tâm đến những chuẩn mực giới tính được nữa không. Là một người viết và người đọc, tôi nghĩ đó là một điều tuyệt vời. Bằng cách chiếu những ánh sáng khác nhau lên tác phẩm – những phê bình tốt nhất có thể soi sáng lên những chiều sâu và bóng ảnh, đem đến cho người đọc những triển vọng và cơ hội mới.

Những câu chuyện không phải quảng cáo. Cũng không phải sách giáo khoa. Nguyên tắc cơ bản nhất của văn học hư cấu chính là tác giả được viết bất cứ điều gì mình muốn – và càng không kém phần quan trọng – chính là độc giả được đọc theo những cách mình muốn. Đôi khi tiểu thuyết được dùng để biện minh cho một loại tư tưởng. Kể cả cách đọc đấy cũng rất công bằng. Chúng ta chỉ cần hiểu rằng không có một tiêu chuẩn bất biến nào để đánh giá mọi tác phẩm. Cơ hội là vô tận. Phê bình theo chủ nghĩa nữ quyền là một trong những cơ hội đấy – là một trong vô số – mà nếu không có nó ta sẽ không có cơ hội tiếp nhận những hiểu biết sâu sắc của người trong cuộc.

Không có một quy luật nào đề ra những yếu tố làm cho tiểu thuyết hay hay dở, chỉ có sự tuyệt vời hay chán chường mà mỗi tác phẩm riêng biệt theo đuổi hay chan chứa trong đó. Chúng ta cần chấp nhận điều này, thưởng thức nó, xử lý nó – bởi về cơ bản, việc đọc vốn đi liền với hành động tin tưởng, giữa người đọc với tác phẩm, hay giữa người đọc với người viết.

Có đôi lần, khi bạn dao động và lưỡng lự giữa những nghi vấn mang tính phản biện và trải nghiệm cá nhân, nhưng vẫn tiếp tục đọc tác phẩm của tác giả đấy, có một điều gì đấy xuất hiện và tồn tại giữa bạn và câu chuyện. Hãy gọi đó là sự tin tưởng, giữa bạn và tác phẩm, không thể chia phần cho người khác. Đối với tôi, “Sleep” và người kể chuyện của nó nằm ở trung tâm mối quan hệ của tôi với Murakami. Hơn cả như thế, đó là cách ông viết, cách viết mà đối với tôi sẽ luôn sống động như lần đầu đọc. Thứ văn chương mà Murakami đã dồn vào đấy tất cả mọi thứ, và liên tục vận động và tiến hoá với mỗi tác phẩm mới.

Thế còn bạn thì sao? Sự tin tưởng giữa bạn và văn Murakami được hình thành ra sao? Nó có hình dạng gì và giao tiếp với bạn như thế nào? Nó tồn tại bên trong bạn bằng cách nào?

 Aimei Lee dịch

Bài gốc mang tên Acts of Recognition: On the Women Characters of Haruki Murakami của Mieko Kawakami do Sam Bett và David Boyd dịch tiếng Anh đăng trên trang Literary Hub ngày 3 tháng Mười, 2019.

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Ally Le
Website | Các bài viết khác

Cô gái bàn bên