Người chứng kiến Bức tường Berlin sụp đổ – Trò chuyện với Hoàng Đăng Lãnh – dịch giả tiểu thuyết “Thời nắng lịm” của Eugen Ruge

Bài phỏng vấn này được thực hiện tại Manzi vào buổi chiều hậu Nguyên Tiêu, tháng 2 năm 2017. Khi chúng tôi đến thì chú Hoàng Đăng Lãnh đã vui vẻ ngồi đợi, gọi sẵn một cốc trà gừng, cho cái hôm có đợt không khí lạnh tăng cường ấy. Và thế là, gần như ngay lập tức, cuộc chuyện trò giữa chúng tôi đã rôm rả bắt đầu. Chú Hoàng Đăng Lãnh kể cho chúng tôi về Bức tường Berlin, về Đông Đức và Tây Đức, về Eugene Ruge và bản dịch “Thời nắng lịm” và về những dự án sắp tới khác của mình.
Hoàng Đăng Lãnh, sinh năm 1948, là một tiến sĩ ngành hóa học. Ông là anh trai của nhà văn Bảo Ninh và là con trai của giáo sư Hoàng Tuệ, nguyên viện trưởng Viện ngôn ngữ Việt Nam. Từng công tác tại Phân Viện khoa học Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh, ông sang làm việc ở CHDC Đức lần đầu năm 1979, đến cuối thập kỷ 80 ông sang làm việc tại Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa dân chủ Đức. Sau khi thống nhất Đông-Tây Đức, ông tiếp tục làm việc tại Viện nghiên cứu xúc tác ở Berlin và Rostock. Ông là người thuộc thế hệ từng trải qua thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ở Miền Bắc cũng như thời kỳ “ăn bo bo” ở Miền Nam Việt Nam sau chiến tranh, đồng thời lại có cơ hội chứng kiến sự sụp đổ của bức tường Berlin, và sự chuyển mình của nước Đức giai đoạn sau đó. “Thời nắng lịm” là cuốn sách ông chọn dịch vừa ra mắt độc giả Việt Nam cuối năm 2016, một cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều chi tiết và con người tương đồng giữa một Việt Nam và một Đông Đức dưới thời trước những năm 1990.
NHÀ Z
Rất nhiều người tò mò về dịch giả của cuốn “Thời nắng lịm”: Hoàng Đăng Lãnh là một cái tên lạ lẫm với độc giả vì gần như chưa từng thấy xuất hiện trên các cuốn sách trong độ khoảng 20 năm trở lại đây. Ấy vậy mà dịch giả với dịch phẩm đầu tay ấy lại có thể cho ra đời một bản dịch nhuần nhuyễn và xuất sắc đến vậy.
HOÀNG ĐĂNG LÃNH
Ngày xưa hồi ở Sài Gòn, tôi có dịch một ít, chủ yếu là từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Sau đó tôi sang Đức, thì không còn dịch nữa. Tôi hoạt động trong ngành xúc tác hóa dầu, khi nghỉ hưu mới chen ngang vào dịch thuật.
NHÀ Z
Nhã Nam mời chú dịch “Thời nắng lịm”, hay chú gợi ý cho họ làm?
HOÀNG ĐĂNG LÃNH
Cuốn này, thật ra mà nói, hoàn toàn là do tôi thích mà dịch ra. Lúc dịch thì chưa biết là có thể xuất bản hay không. Sau đó tôi gửi bản thảo cho một số nhà văn và phê bình văn học ở Việt Nam. Đầu năm 2015 tôi về nước, mang theo bản thảo. Sau đó tôi được giới thiệu với An Lý. Tôi có được hai niềm vui lớn khi làm cuốn này, một là quen với ông tác giả Eugen Ruge, hai là được làm quen và làm việc với biên tập viên An Lý. An Lý làm việc rất thông thạo và nghiêm túc. Chị ấy đọc rất kỹ và đã biên tập từng câu một, điều ấy làm cho tôi rất khâm phục.
NHÀ Z
Tại sao chú lại chọn dịch cuốn “Thời nắng lịm” trong cả một mảng lớn là văn học Đức?
HOÀNG ĐĂNG LÃNH
Từ khi tôi sang Đức thì cơ hội đọc sách và tài liệu bùng ra trước mắt mình, những thứ trước đây mình không đọc được, hoặc không biết đến, hoặc không được phép. Ở bên ấy tôi đọc rất nhiều, đặc biệt là những vấn đề về lịch sử cận đại, về Đông-Tây. Đầu tiên tôi cũng không để ý đến văn học lắm đâu. Khi đọc cuốn này tôi rất thích và muốn dịch thử. Cuốn “Thời nắng lịm” lúc ấy vừa được giải thưởng sách Đức năm 2011, và gây ra tiếng vang lớn trong độc giả Đức. Họ cho rằng có lẽ đây là cuốn sách hay nhất về CHDC Đức thông qua lịch sử của một gia đình.
Lúc đầu tôi bắt tay vào dịch thì chủ yếu là dịch cho mình. Tôi đã ít nhiều trải qua giai đoạn “hưng thịnh ” cũng như “suy vong” của CHDC Đức. Lần đầu tiên sang vào năm 79, tôi thấy CHDC Đức như một thiên đường, đến năm 88 sang lại thì thấy nó không còn được như vậy mà bắt đầu đi xuống, không cứu vãn được. Đọc “Thời nắng lịm” ta có thể thấy lại những bước thăng trầm ấy trong một gia đình.
Hơn nữa thì giai đoạn đấy viện nghiên cứu tôi làm việc chuyển lên Rostock. Tôi đi làm ở viện nghiên cứu, đến tối thì hay đọc và dịch sách. Buổi tối, chỉ xem tivi thì chán, đọc và dịch sách thú vị hơn nhiều.
Tôi mừng là cuốn sách có thể ra sớm được như thế. Tôi nghĩ trong cuốn sách có những chi tiết mà những người thuộc thế hệ tôi đọc có thể cảm thấy khó chịu. Đặc biệt là bà Irina, một nhân vật đầy bi thảm. Ngày trước từng đi làm y tá, lăn bò, liều cả mạng sống vì Stalin. Thế mà bây giờ cứ nhìn thấy cái gì, bà lại nghĩ tới cái sự vô ích của cái thời ấy. Hoặc nhân vật ông Kurt, từng bị tù đày, suýt chết, nhưng vẫn không từ bỏ niềm tin vào lý tưởng cộng sản, viết ra bao trang sử rồi rốt cuộc tất cả thành giấy lộn. Đó chính là bi kịch của những người thuộc thế hệ ấy.
NHÀ Z
Sau “Thời nắng lịm,” chú có dịch tiếp cuốn nào không?
HOÀNG ĐĂNG LÃNH
Có người gợi ý tôi dịch tiếp một tác giả nổi tiếng của văn học Áo.
NHÀ Z
Thomas Bernhard ạ?
HOÀNG ĐĂNG LÃNH
Vâng, Thomas Bernhard. Mới đầu tôi chưa biết ông này, nên cứ đọc đã. Sau đó tôi có nói chuyện với mọi người thì họ bảo không dịch được đâu, đây là một nhà văn điên rồ, làm sao mà dịch được. Thế là tôi lại càng muốn dịch. Ông Bernhard thì quả là khó thật, vì ngôn ngữ của ông ấy đầy âm nhạc. Tôi đã hoàn thành xong bản dịch và hiện đang trong quá trình biên tập. Tôi thật hy vọng đó sẽ là một bản dịch tốt.
NHÀ Z
Quan niệm của chú về công việc dịch thuật, về việc dịch là hướng nguồn hay hướng đích như thế nào?
HOÀNG ĐĂNG LÃNH
Trong các bài điểm sách về cuốn “Thời nắng lịm,” tôi thích nhất bài của Bên phía nhà Z. Sở dĩ lúc ấy sau khi sách ra, một bản dịch thì cũng như đứa con của mình, tôi cảm thấy khá hoang mang, băn khoăn không biết mình làm có tốt không, độc giả đón nhận như thế nào. Bài của các bạn là bài sớm nhất, và khen ngợi bản dịch. Tôi cảm thấy an tâm hơn. Cảm ơn các bạn.
Công việc dịch thuật, tôi học hỏi từ các dịch giả lỗi lạc xưa kia như ông Cao Xuân Hạo, và từ những người thân thiết của mình như bố tôi là Hoàng Tuệ; muốn dịch thì anh phải giỏi tiếng Việt trước tiên đã. Tôi cố luyện cho mình giỏi tiếng Việt.
NHÀ Z
Ngày nay mọi người hay than phiền nhiều bản dịch cứng quá, dịch đọc như văn Tây vì giữ nguyên cấu trúc văn bản gốc. Chính vì thế rất nhiều bạn đọc đã đọc “Thời nắng lịm” đều thích và khen đây là một bản dịch tự nhiên, uyển chuyển và vô cùng duyên dáng.
HOÀNG ĐĂNG LÃNH
Quan điểm của tôi là, khi dịch một một tác phẩm, dịch giả phải kể lại câu chuyện theo cách của người Việt.
Ngoài ra, tôi làm việc dịch thuật này hoàn toàn vì sở thích, bởi có thích thì mình mới làm được. Bây giờ có bên nào đặt hàng cho tôi dịch mà tôi không thích tác phẩm đó thì tôi e tôi sẽ không làm được, vì không có hứng thú. Thomas Bernhard thì tôi đọc và thấy rất thích vì ông ấy quá đặc biệt, vấn đề là không biết tôi có chuyển tải được sang tiếng Việt hay không. Tôi có nghe nói mảng văn học Đức có ít người dịch, dẫu là một nền văn học rất lớn và rất nhiều người quan tâm. Thế nên tôi hy vọng đây có thể là địa hạt mà tôi ít nhiều có thể hoạt động được.
Tôi rất vui vì bản dịch của mình được đón nhận một cách tích cực. Đặc biệt là các bạn trẻ, đọc và thích tìm hiểu về những vấn đề như về Đông Tây, về CHDC Đức thì tôi thấy rất mừng.
NHÀ Z
Ông tác giả Ruge sau cuốn này đã ra thêm cuốn mới phải không ạ?
HOÀNG ĐĂNG LÃNH
Có hai cuốn, một trong hai cuốn đó là “Follower”, thuộc loại sách khoa học giả tưởng, kể về hình ảnh xã hội tương lai của nhân vật Markus trong “Thời Nắng lịm” 50 năm sau..
NHÀ Z
Cháu rất không thích nhân vật Alexander, thế hệ trước thú vị và nhiệt tình bao nhiêu, dù là mù quáng tin theo lý tưởng để rồi vỡ mộng, thì thế hệ sau, như lời nhân vật ông Wilhem, lại là bọn “thất bại chủ nghĩa.”
HOÀNG ĐĂNG LÃNH
Xã hội hiện đại, bất kể Đông hay Tây, bởi nhiều lý do, đẻ ra một thế hệ như vậy. Tôi sẽ không gọi đó là thế hệ “thất bại chủ nghĩa”. Theo tôi, có lẽ đó là thế hệ những người “bơ vơ” thì đúng hơn chăng?
NHÀ Z
Trong phỏng vấn tác giả, ông Ruge có cho rằng, trong “Thời nắng lịm,” nhân vật đáng thương nhất là thằng bé Markus, vì nó bị cắt lìa khỏi lịch sử, khỏi ý thức hệ.
HOÀNG ĐĂNG LÃNH
Sự cắt lìa ấy đã bắt đầu từ ngay Alenxander, và cái tâm trạng ấy tôi cũng có thể hiểu được. Tôi thì rất thích nhân vật bà cụ Nadezhda, mẹ của bà Irina.
NHÀ Z
Chính là từ bà mà có cái tên “Thời nắng lịm,” mùa thu hoạch khoai tây là mùa nắng lịm của lý tưởng.
HOÀNG ĐĂNG LÃNH
Đúng thế. Tôi thì thích nhất cái chi tiết bà cụ bảo giá mà mua cái tivi ở Nga mang sang đây thì xem được chương trình tiếng Nga. Một cách suy nghĩ vô cùng ngây thơ.
NHÀ Z
Cháu mê các nhân vật nữ trong “Thời nắng lịm” hơn hẳn các nhân vật nam, và cảm thấy bản dịch đã chuyển thể rất tài tình các giọng của các bà trong truyện, từ cụ bà người Nga, tới bà Charlotte, tới bà Irina.
HOÀNG ĐĂNG LÃNH
Ít nhiều nói đuợc theo giọng của họ, tôi nghĩ, có lẽ là do từ lâu, tôi đã chịu khó nghe ngóng và học hỏi cách nói của mẹ mình, của em gái, em dâu, bạn gái mình, của hàng xóm, láng giềng, của dân trong làng, ngoài phố . Có lẽ ở nền văn hóa nào cũng vậy, dù Đông hay Tây, người phụ nữ đều có chung các nỗi niềm, tâm sự, có chung những số phận cùng các kinh nghiệm cuộc đời. Bởi vậy, thiết nghĩ, giọng nói, tâm tư người phụ nữ Nga hay Đức chắc cũng sẽ ít nhiều giống với giọng nói, tâm tư người phụ nữ Việt
NHÀ Z
Trong quá trình dịch, chú có thường xuyên trao đổi với tác giả hay các dịch giả khác hay không?
HOÀNG ĐĂNG LÃNH
Hội dịch giả ở Đức có tổ chức buổi hội thảo, có trao học bổng, cho các dịch giả từ các thứ tiếng dịch cuốn “Thời nắng lịm” này, họ cùng ngồi với nhau, thảo luận và trao đổi về việc dịch tác phẩm. Rất tiếc là tôi bị lỡ mắt buổi này. Nhưng may mắn là tôi nhận được những ghi chép các câu hỏi của các dịch giả gửi tác giả. Khi đọc các ghi chép này, tôi thấy lộ ra một điều là tất cả các dịch giả đều không biết tiếng Nga. Chính vì thế mà tôi có được chút ít lợi thế chăng? Chả là các nhân vật trong “Thời nắng lịm”, vì lẽ này lẽ khác, sử dụng khá nhiều tiếng Nga.
NHÀ Z
Chú có thể chia sẻ về các dự án dịch tiếp theo của chú được không ạ?
HOÀNG ĐĂNG LÃNH
Tôi sắp ký với Nhã Nam một cuốn nữa, cũng là văn học Đức, là cuốn Deutschstunde (Giờ Đức văn) của Siegfried Lenz. (Bản dịch tiếng Anh là The German Lesson)
Ngoài ra, tôi dự kiến hợp tác với một số nhà văn trẻ ở Đức để dịch một số tác phẩm của các tác giả trẻ Việt Nam sang tiếng Đức vì ở Đức, mối quan tâm đối với văn học đương đại Việt Nam đang càng ngày càng tăng.
NHÀ Z
Cảm ơn chú vì cuộc trò chuyện này. Chúng cháu mong được đọc Thomas Bernhard của chú trong thời gian tới.
Chấm sao chút:
Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3
trên đỉnh cao tuyệt vọng.
Hoàng Đăng Lãnh (Hà Nội) - Dang-Lanh Hoang (Berlin).
1 Comment
Hay quá đồng chí Z à. Sẽ ghi vô danh sách đợt tới về VN mua đọc.