Thời gian đọc: 69 phút

Ghassan Kanafani, sinh năm 1936, ly hương trong Cuộc di cư Nakba năm 1948 (khi Israel lần đầu tiên giành được một phần lớn lãnh thổ là nơi định cư của người Ả Rập Palestine), là một nhân vật quan trọng của Mặt trận Bình dân Giải phóng Palestine, là nhà văn Marxist và ủng hộ chủ nghĩa dân tộc. Ông là một trong những tác giả đầu tiên đưa đề tài Palestine bị chiếm đóng vào tác phẩm của mình, đồng thời cũng là một người có ảnh hưởng lớn trong quá trình hiện đại hóa văn học Palestine. Ông chết vì một quả bom cài vào xe năm 1972 tại Beirut.

Rijāl fīsh-Shams, truyện dài được xuất bản năm 1963, lấy bối cảnh vào năm 1958 trong cơn sốt dầu ở Kuwait, là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông trên toàn thế giới. Tác phẩm này đã được đạo diễn người Ai Cập Tawfiq Saleh chuyển thể thành phim vào năm 1973. Bản dịch này dựa trên bản dịch tiếng Anh Men in the Sun and other Palestinian Stories của Hilary Kilpatrick do Three Continents Press xuất bản năm 1998.

479

ABU QAIS

Abu Qais ngồi nghỉ trên nền đất ẩm, và mặt đất bắt đầu đập bên dưới bác, những nhịp đập mệt mỏi, run rẩy thấm qua lớp cát rồi nhập vào từng tế bào trong người bác. Kể từ lần đầu và sau đó cứ mỗi lần vật người áp mình xuống đất, bác đều cảm thấy nhịp đập ấy như trái tim quả đất đã tìm đường từ nhiều tầng địa ngục lên gặp nắng trời. Một lần bác kể vậy với ông hàng xóm, người chung ruộng trên mảnh đất bác đã rời bỏ mười năm trước, và người kia nhạo báng đáp:

“Đấy chỉ là tiếng tim ông đập thôi. Ông nằm áp người xuống đất thì sẽ nghe thấy nó chứ gì.”

Vớ vẩn và độc ác thế đấy! Còn mùi thì sao? Còn cái mùi mỗi hơi thở lại xộc vào đầu bác rồi tràn xuống từng mạch máu. Mỗi lần nằm trên đất hít cái mùi ấy, bác lại tưởng như là mùi tóc vợ khi bác gái vừa tắm xong, khi vừa xả tóc bằng nước lạnh. Đúng cái mùi ấy, mùi người đàn bà vừa tắm nước lạnh và phủ mái tóc ướt còn ẩm lên mặt bác. Đúng nhịp đập ấy, như con chim nhỏ nâng niu ủ ấp trong hai bàn tay.

Mặt đất ẩm chắc hẳn là do mưa hôm qua, bác nghĩ. Không phải, hôm qua đâu có mưa. Bây giờ lấy đâu ra mưa nữa, trời chỉ còn đổ nóng ngột ngạt và bụi mù thôi. Mày quên là mình đang ở đâu rồi hử? Mày quên rồi sao?

Bác lật người nằm ngửa, lấy tay làm gối. Mắt nhìn sững lên trời cao. Nắng lóa mắt, tít trên cao có con chim đen lẻ loi đang lượn vòng, vô phương hướng. Không hiểu sao lòng bác bỗng ngập tràn cay đắng phải làm kẻ lạ nơi này, và thoáng chốc bác nghĩ mình sắp khóc. Không, hôm qua không mưa. Bây giờ đã là tháng tám. Mày quên rồi sao? Hàng dặm đường hối hả qua vực không, cõi vô tận đen hun hút. Mày quên rồi ư? Con chim vẫn lượn vòng một mình như điểm đen giữa nền sáng lóa trải ra bên trên. Đang là tháng tám. Vậy sao mặt đất ẩm ướt thế này? Đấy là dòng Shatt. Mày không thấy nó đang trải ra hút tầm mắt bên mình hay sao?

“Nơi hai dòng Tigris và Euphrates gặp nhau, chúng hòa thành sông Shatt al-Arab, chảy từ trên Basra[1] cho đến…”

Ustaz Selim, một ông già gầy gò tóc bạc, đang cất giọng oang oang nhắc lại câu đó cả chục lần cho chú nhỏ đứng cạnh bảng, khi bác đang băng ngang trường làng. Thế là bác đứng lên một tảng đá nghe trộm qua cửa sổ. Ustaz Selim đang đứng trước cậu trò nhỏ, quát tướng lên còn tay thì lắc cây gậy mảnh:

“Nơi hai dòng Tigris và Euphrates gặp nhau…”

Cậu bé lo lắng phát run, còn bọn trẻ trong lớp lên tiếng cười rộ. Abu Qais thò tay gõ nhẹ vào đầu một đứa. Thằng bé nhướng mắt nhìn bác đang thập thò ngoài cửa sổ.

“Cái gì đấy?”

Thằng bé cười đáp thì thào:

“Nó là thằng ngốc!”

Bác lùi lại, xuống khỏi hòn đá và đi tiếp, giọng Ustaz Selim vẫn đuổi theo đằng sau: “Nơi hai dòng Tigris và Euphrates gặp nhau…”

Tối đó bác thấy Ustaz Selim ngồi trong phòng khách của trưởng làng, hút ống điếu dài sòng sọc. Ustaz Selim được phái từ Jaffa[2] tới làng dạy bọn trẻ, ông đã dành phần lớn đời mình dạy dỗ đến nỗi tôn hiệu “Ustaz” đã trở thành một phần tên ông. Tối đó trong phòng khách có người đã hỏi:

“…vậy thứ sáu này thầy có chủ trì buổi cầu không ạ?”

“Không. Tôi chỉ là thầy giáo, không phải imam, tôi không chủ trì cầu nguyện được.”

Trưởng làng hỏi:

“Có khác nhau gì đâu? Thầy giáo trước ở đây cũng làm imam.”

“Ông ấy dạy trường đạo, còn tôi dạy trường thường.”

Trưởng làng một mực hỏi:

“Thế thì có gì khác?”

Ustaz Selim không trả lời, đưa mắt sau cặp kính nhìn khắp mọi người như cầu cứu. Nhưng mọi người có mặt đều hoang mang, không khác gì ông trưởng làng.

Sau một quãng im lặng dài, Ustaz Selim hắng giọng trả lời thật nhỏ:

“Tôi không biết cầu nguyện.”

“Không biết hả?”

Xung quanh ai nấy rên lên, nhưng Ustaz Selim vẫn nhắc lại:

“Tôi không biết.”

Những người ngồi đó nhìn nhau kinh ngạc, rồi lại nhìn sang trưởng làng, ông cảm thấy trách nhiệm đặt lên mình phải nói gì đấy. Ông bật ra mà không nghĩ:

“Vậy thì ông biết cái gì?”

Ustaz Selim có vẻ đã đoán trước câu ấy, bởi ông đáp rất nhanh, vừa nói vừa đứng dậy:

“Biết nhiều thứ lắm. Chẳng hạn tôi bắn giỏi.”

Ông tới bên cửa rồi quay lại, khuôn mặt gầy guộc run lên.

“Nếu làng bị tấn công thì đánh thức tôi dậy; có thể tôi sẽ có ích.”

Vậy đây là con sông Shatt mà Ustaz Selim đã nói mười năm trước. Còn bác đang nằm đây hàng nghìn dặm, nhiều ngày đường cách xa làng cũ cùng trường học của Ustaz Selim. Cầu Allah ban phước cho ông, Ustaz Selim, cầu Allah ban phước cho ông. Allah hẳn đã thương ông nên mới cho ông chết đúng vào đêm trước khi ngôi làng khốn khổ rơi vào tay quân Do Thái. Đúng đêm trước ấy. Lạy thánh Allah, có còn ơn sủng nào lớn hơn thế? Quả đúng là dân làng búi quá không kịp chôn và làm lễ cho ông được. Nhưng dù sao ông cũng ở lại. Ông đã ở lại. Ông đã thoát khỏi ô nhục khốn khổ, tuổi già ông không bị ố bẩn vì tủi nhục. Cầu Allah ban phước cho ông, Ustaz Selim. Nếu ông còn sống, nếu ông ngập trong nghèo khó như tôi, ông có làm như tôi bây giờ không? Ông có cõng tuổi già trên lưng mà trốn qua sa mạc tới Kuwait kiếm miếng bánh mì?

Bác ngồi dậy, chống khuỷu tay quỳ trên mặt đất, và nhìn lại con sông lớn như chưa nhìn thấy bao giờ… Vậy ra đây là Shatt al-Arab, “một con sông lớn có tàu bè xuôi ngược chở dừa và rơm, như con đường đầy xe cộ xuyên giữa thị trấn”.

Đấy là câu cậu con trai liến thoắng hét to khi bác hỏi nó tối hôm đó:

“Shatt al-Arab là gì?”

Bác định thử con, nhưng Qais[3] đã trả lời rất chóng và ồn ào, lại còn nói thêm:

“Hôm nay con thấy thầy ngó qua cửa lớp…”

Abu Qais ngoảnh sang nhìn vợ, thấy bác gái cười cười. Bác thấy hơi ngượng bèn chữa thẹn:

“Thầy biết từ lâu rồi.”

“Làm gì có. Hôm nay nhìn trộm vào lớp thầy mới biết.”

“Cũng được thôi. Thế thầy không biết thì đã làm sao: đâu phải ngày tận thế?”

Bác gái liếc xéo bác rồi ra lệnh:

“Qais, sang phòng bên chơi đi con.” Khi cậu bé đã biến mất sau cửa, bác gái quay sang bảo:

“Mình đừng nói thế trước mặt con. Thằng bé đang vui vì biết được điều mới. Sao mình lại làm nó nhụt?”

Bác đứng dậy, đi tới bên bác gái và đặt cả hai tay lên bụng bác thì thầm:

“Sắp chưa?”

“Còn bảy tháng nữa.”

“Ôi!”

“Lần này tôi mong có con gái.”

“Không, tôi mong có con trai. Con trai cơ!”

Nhưng bác gái đã sinh một bé gái đặt tên là Hosna, được hai tháng thì nó chết. Bác sĩ nói rất vô duyên:

“Nó chỉ còn là cái túi da kẹp lép.”

Chuyện xảy ra chỉ một tháng sau khi bác bỏ làng, trong một nếp nhà nhỏ ở một làng xa vùng chiến sự.

“Abu Qais! Tôi sắp đẻ rồi mình ơi!”

“Được rồi, được rồi. Yên nào.”

Bác tự nhủ:

“Ước gì đàn bà mang thai một trăm tháng hãy đẻ. Sao lại nhè đúng lúc này?”

“Lạy thánh Allah!”

“Sao đấy?”

“Tôi đẻ đến nơi rồi.”

“Tôi có nên gọi ai không?”

“Umm Umar.”

“Bà ấy ở đâu bây giờ?”

“Cho tôi cái gối!”

“Tìm Umm Umar ở đâu bây giờ?”

“Ôi mẹ ơi! Nhấc tôi dậy một chút nào. Đỡ tôi dựa vào cái tường kia.”

“Đừng nhúc nhích. Để tôi đi tìm Umm Umar đã.”

“Nhanh lên! Nhanh lên! Lạy thánh toàn năng!”

Bác vội vã đi ra. Nhưng ngay khi đóng cửa bác đã nghe thấy đứa bé mới sinh khóc ré lên, thế nên bác quay lại áp tai lên vách cửa gỗ…

Tiếng gầm của dòng Shatt, tiếng thủy thủ gọi nhau, bầu trời sáng lóa, và con chim đen vẫn lượn vòng thảnh thơi.

Bác đứng dậy, phủi bụi đất bám trên quần áo, đứng nhìn ra sông.

Hơn lúc nào hết bác thấy mình xa lạ và nhỏ bé. Xoa xoa cái cằm lởm chởm, bác rũ khỏi đầu mọi ý nghĩ đã tụ lại như bầy kiến bâu.

Ở bên kia dòng Shatt, ngay bên kia bờ thôi, là mọi thứ bác đã bị tước đi. Bên kia là Kuwait. Những thứ chỉ là giấc mơ, là tưởng tượng trong trí bác thì bên kia có thực. Đấy là những tồn tại thực, là đá, là đất, nước, và trời, chứ không như những thứ què quặt trong đầu óc xáo trộn của bác. Chắc chắn có đường sá, có đàn ông đàn bà, có trẻ em chạy nhảy giữa hàng cây.

Không. Đừng. Không có cây đâu. Saad bạn bác đã vượt biên qua đó, làm lái xe, rồi trở về túi chật ních tiền, nói bên đó làm gì có cây. Cây chỉ có trong cái đầu mày thôi, Abu Qais, trong cái đầu mệt mỏi của mày thôi, Abu Qais. Mười cái cây thân vặn vẹo mỗi mùa xuân đều cho những quả ô liu[4] và phúc lành. Ở Kuwait làm gì có cây, Saad đã bảo thế. Mày phải tin Saad bởi cậu ta biết nhiều hơn mày, dù cậu ta trẻ hơn mày. Tất cả bọn họ đều biết nhiều hơn mày, tất cả.

Mười năm rồi mày chẳng làm gì chỉ đợi. Mày đã đợi mười năm chết đói mới chịu tin mày đã mất cây, mất nhà, mất tuổi trẻ, mất cả ngôi làng. Người khác qua những năm dài ấy đã đi đường khác, còn mày ngồi chồm hỗm ở đây như con chó đói canh nếp nhà hoang. Mày nghĩ mày đang chờ đợi cái gì? Đợi tiền của rơi từ trên nóc nhà xuống à? Nhà nào? Đây có phải nhà mày đâu. Một người hào hiệp đã bảo mày: “Đến đây mà sống.” Thế thôi. Rồi một năm sau người đó lại bảo mày: “Cho tôi nửa căn phòng,” thế là mày giăng vải bố vá chằng vá đụp lên ngăn mày với các hàng xóm mới. Mày cứ ngồi chồm hỗm đến khi Saad tới lắc mày như lắc sữa thành bơ.

“Nếu anh đến được sông Shatt, anh sẽ sang Kuwait rất dễ. Ở Basra có rất nhiều người dẫn đường có thể đưa lậu anh qua sa mạc. Sao anh không đi?”

Khi bác gái nghe Saad nói, bác nhìn từ người này sang người kia rồi lại bắt đầu đưa con.

“Như thế liều quá, mà ai biết được kết quả ra sao?”

“Kết quả ra sao? Ha ha! Abu Qais mà lại nói: ‘Ai biết được kết quả ra sao?’ Ha ha!”

Rồi Saad nhìn bác gái mà bảo:

“Chị có nghe thấy anh nhà nói gì không? Ai biết được kết quả ra sao! Cứ như sống chỉ là xúc sữa chua vào miệng không bằng. Tại sao anh ấy không làm như chúng tôi? Anh ấy giỏi hơn à?”

Bác hy vọng bác gái sẽ quắc mắt nhìn Saad, nhưng không.

“Anh chị thích sống như thế này à? Mười năm rồi mà vẫn sống như ăn mày. Thật khốn nạn. Cậu Qais kia, đến bao giờ nó mới được học tiếp? Rồi chẳng mấy chốc con bé con cũng lớn lên. Làm sao anh nuôi nó được khi chẳng có…”

“Được rồi. Đủ rồi đấy.”

“Không. Đủ thế nào được. Thật kinh khủng. Anh đang là trụ cột một gia đình rất đông. Tại sao anh không qua đó? Chị nghĩ thế nào, Umm Qais?”

Bác gái im lặng, còn bác nghĩ: “Chẳng mấy chốc thằng bé cũng lớn lên…” nhưng lại nói:

“Đường dài lắm. Mà tôi thì già rồi, tôi không đi bộ được khỏe như cậu. Nhỡ tôi chết thì sao.”

Ba người không ai nói gì. Bác gái vẫn đung đưa đứa bé. Saad không nằn nì nữa, nhưng cái giọng oang oang vẫn nổ ra trong đầu bác:

“Chết à! Ai nói chết lại không tốt hơn sống như thế này? Suốt mười năm mày vẫn hy vọng trở về với mười cây ô liu ngày xưa trong làng của mày. Làng của mày! Ha!”

Bác quay sang vợ:

“Mình nghĩ thế nào hả Umm Qais?”

Bác gái nhìn lại, thì thầm:

“Cũng như mình thôi.”

“Chúng mình sẽ có thể cho Qais đi học.”

“Phải.”

“Và có lẽ mua một hai chồi ô liu.”

“Đúng thế.”

“Có thể còn mua được căn chòi đâu đó nữa.”

“Hẳn rồi.”

“Nếu tôi tới được. Nếu tôi tới được.”

Bác dứt lời, nhìn lên bác gái. Bác biết vợ mình sẽ khóc, môi dưới bác gái đã run lên và rồi một giọt lệ ứa ra, lớn dần và lăn xuống cái má nâu nhăn nheo của bác. Bác muốn nói gì đó, nhưng không nói nổi. Một cục nghẹn đang chặn ngang họng bác. Giống như cục nghẹn cái lần bác tới Basra và đến cửa hàng lão béo chuyên đưa người lậu từ Basra về Kuwait. Bác đứng trước mặt lão ta, lão chủ cái văn phòng ấy, vai gánh mọi sỉ nhục và hy vọng mà sức người già gánh nổi. Và sự im lặng bao trùm sau khi lão béo nhắc lại lần hai:

“Hành trình sẽ rất cực, tôi nói cho ông biết. Phải mười lăm dinar.”

“Ông có bảo đảm chúng tôi đến nơi an toàn không?”

“Tất nhiên ông sẽ đến nơi an toàn. Nhưng sẽ phải chịu bất tiện một tí. Ông cũng biết bây giờ đang là tháng tám. Sức nóng rất nghiệt mà sa mạc không có bóng râm. Nhưng ông sẽ đến nơi.”

Cái cục nghẹn vẫn còn trong cổ. Nhưng bác cảm thấy nếu chần chừ không nói bây giờ, sau này sẽ không thốt ra được.

“Tôi đi hàng nghìn dặm mới gặp được ông. Saad nói tôi đến. Ông có nhớ anh ta không? Nhưng tôi chỉ có đúng mười lăm dinar. Ông lấy mười dinar để cho tôi phần còn lại có được không?”

Lão ta ngắt lời ông:

“Ông nghĩ là chuyện đùa chắc. Bạn ông không nói với ông là giá cứng rồi à? Chúng tôi đánh liều mạng sống của người dẫn đường vì ông đấy.”

“Chúng tôi cũng phải liều mạng sống mà.”

“Tôi đâu có ép ông.”

“Mười dinar nhé.”

“Mười lăm, ông nghe không?”

Bác không cò cưa được nữa. Lão béo ngồi sau bàn, mồ hôi rỏ giọt, đang trừng mắt xoáy ánh nhìn vào bác. Bác ước gì lão thôi đừng nhìn. Rồi bác cảm thấy chúng, nóng và dâng đầy trong mắt, chực lăn ra. Bác muốn nói gì đó nhưng không được. Bác thấy nước mắt đầy ắp cả đầu mình mà vẫn không ngừng dâng lên, nên bác quay người đi ra phố. Những hình người mờ đi sau màng nước mắt, dòng sông ở chân trời và bầu trời nhòa lẫn vào nhau, xung quanh mọi thứ chỉ còn là màu trắng lóa vô tận. Bác về nhà, vật người nằm xuống nền đất ẩm, nó lại bắt đầu đập dưới ngực bác, trong lúc mùi đất dâng lên mũi tỏa vào mạch máu như lũ tràn.

9780894100222-uk

ASSAD

Assad ngồi trước mặt lão béo, chủ văn phòng chuyên đưa người lậu từ Basra đến Kuwait, bùng ra: “Mười lăm dinar tôi sẽ trả. Được lắm! Nhưng khi nào đến nơi mới trả, không trả trước.”

Lão kia nhìn lên cậu dưới đôi mi sùm sụp, hỏi vẻ ngớ ngẩn: “Vì sao?”

“Vì sao à? Ha! Vì cái tay dẫn đường ông phái đi sẽ chuồn thẳng trước khi chúng tôi đi được nửa đường chứ sao nữa. Mười lăm dinar, được, nhưng chưa đến thì chưa trả.”

Bàn tay gập mấy tờ giấy màu vàng để trên bàn, lão ta nói giọng trách móc: “Tôi đâu có bắt buộc cậu làm gì. Tôi đâu có bắt buộc cậu.”

“Nghĩa là sao?”

“Nghĩa là nếu không thích các điều kiện ở đây, cậu vẫn có thể quay đằng sau, bước ba bước, đi ra đường.”

Đi ra đường! Trên đời này vẫn còn đường ư? Chẳng phải cậu đã lấy trán mà chùi, lấy mồ hôi mà rửa đường hết ngày này qua ngày khác? Ai cũng nói một điệu: “Mày sẽ ra đến đường.” Abul-Abd, người đưa cậu từ Jordan đến Iraq đã bảo:

“Chỉ cần đi vòng quanh trạm H4[5] thôi, có đi lạc vào trong một chút cũng không sao. Cậu vẫn còn trẻ nên chịu đựng tí nóng cũng được. Rồi quay lại đây, cậu sẽ thấy tôi đứng chờ trên đường.”

“Nhưng điều kiện đâu phải thế. Lúc ở Amman[6] anh nói sẽ đưa tôi đến tận Baghdad[7], tôi đã trả anh tròn hai mươi dinar. Anh đâu có nói tôi phải đi bộ vòng quanh H4.”

Abul-Abd đập tay vào mũi xe tải bết bụi, một vệt hình năm ngón tay hiện ra bên dưới thấy màu đỏ chói thân xe. Cái xe tải lớn đã ở cạnh ngôi nhà gần Jebel Amman[8] khi hai người mặc cả, và cậu còn nhớ rõ các điều kiện nêu ra.

“Việc này khó lắm. Chúng nó sẽ tống tôi vào tù nếu bắt được tôi đi với cậu. Nhưng tôi cũng sẽ làm hết sức giúp cậu bởi tôi có biết cha cậu, cầu Allah ban phước cho ông. Chúng tôi có chiến đấu bên nhau ở Ramla[9] mười năm trước.”

Abul-Abd không nói gì một lúc. Áo sơ mi xanh trên người anh ta đẫm mồ hôi, và khuôn mặt khắc khổ khiến Assad cảm thấy anh ta hẳn không nghĩ người chủ gia đình phải có tài thánh. “Tôi sẽ lấy của cậu hai mươi dinar. Còn cậu sẽ đến được Baghdad.”

“Hai mươi dinar?”

“Phải, và cậu cũng phải giúp tôi trên đường nữa. Ta sẽ đi ngày kia. Tôi phải đưa xe con về hộ một nhà giàu Baghdad đi nghỉ hè ở Ramallah[10] rồi lại đổi máy bay về Baghdad.”

“Nhưng mà… hai mươi dinar á?”

Abul-Abd chăm chú nhìn cậu rồi bùng nổ: “Tôi cứu mạng cậu lấy hai mươi dinar đấy. Cậu nghĩ cậu sẽ trốn tránh được ở đây cả đời à? Chỉ sang ngày mai là cậu bị tóm.”

“Nhưng đâu ra bây giờ? Tôi lấy đâu ra hai mươi dinar cho anh bây giờ?”

“Vay giật thôi. Bạn bè nào cũng sẵn lòng cho cậu hai mươi dinar nếu biết cậu muốn đi Baghdad.”

“Hai mươi dinar?”

“Hai mươi, hai mươi.”

“Đến Baghdad?”

“Chạy suốt.”

Nhưng anh ta nói dối. Anh ta lợi dụng sự ngây thơ dốt nát của cậu để lừa cậu, bắt cậu ra khỏi xe giữa đường giữa trời nắng như thiêu, bảo cậu phải đi bộ vòng qua H4 mới không rơi vào tay lính gác cửa khẩu, rồi hứa đón cậu trên đường.

“Nhưng tôi đâu có quen thuộc vùng này. Anh có hiểu đi bộ từng ấy đường đất quanh H4 khi mặt trời đang lên giữa đỉnh đầu là thế nào không?”

Abul-Abd lại đập vào thành xe đầy bụi. Chỉ có họ ở đây cách H4 một dặm. Anh ta hét lên:

“Thế không thì cậu nghĩ sẽ thế nào? Tên cậu đã sức đến mọi cửa khẩu rồi. Nếu họ mà thấy cậu đi với tôi, hộ chiếu không có mà thị thực xuất cảnh cũng không có, một thằng âm mưu chống nhà nước, cậu nghĩ sẽ thế nào? Đừng gây thêm rắc rối nữa đi. Cậu khỏe như vâm và chân cậu đi tốt. Tôi sẽ đón cậu trên đường khi nào qua H4.”

Ai cũng nói về đường. Ai cũng nói: “Cậu sẽ ra đến đường!” Và họ chỉ biết mỗi con đường màu đen có hai vỉa hè. Đây lão béo này, lão đưa người Basra này, cũng phun lại trò cuội ấy. “Cậu nghe không? Tôi không thừa thời gian. Tôi đã nói: mười lăm dinar là sẽ đưa cậu đến Kuwait. Tất nhiên cậu sẽ phải đi bộ một quãng, nhưng cậu còn trẻ, sức còn dai; cậu sẽ chẳng làm sao cả.”

“Nhưng sao ông không chịu nghe tôi? Tôi đã nói sẽ đưa ông tiền khi nào đến Kuwait.”

“Cậu sẽ đến nơi, cái đó chắc chắn.”

“Làm sao tôi biết?”

“Tôi thề danh dự với cậu cậu sẽ tới được Kuwait.”

“Anh thề danh dự?”

“Tôi thề danh dự với cậu tôi sẽ đón cậu khi nào qua H4. Cậu chỉ cần đi vòng tránh cái chỗ khốn nạn đó rồi sẽ thấy tôi đứng đợi.”

Cậu đã đi vòng thật rộng tránh H4. Mặt trời đổ lửa xuống đầu, và mỗi bước chân trèo lên dốc cát vàng cậu lại thấy như mình có một mình trên thế giới. Cậu lê chân trên cát như đang bước trên bãi biển sau khi lôi lên một chiếc thuyền to nặng, sức lực đã cạn khỏi chân. Cậu đi qua những mảng đá nâu sắc như dao, cậu trèo lên đồi thấp đỉnh bằng đất vàng mềm như bột. Nếu có bị bắt về nhà tù sa mạc Al-Jafr ở H4, không biết đời cậu có đỡ khốn khổ hơn bây giờ không. Chẳng ích gì. Sa mạc ở khắp nơi. Abul-Abd có cho cậu cái khăn quấn quanh đầu, nhưng cũng chẳng ngăn được ánh chói. Thậm chí cái khăn hình như cũng đang bốc hỏa. Đường chân trời là những đường màu cam thẳng tắp, nhưng cậu quyết tâm nhích từng bước dấn về phía trước. Ngay cả khi mặt đất đã biến thành mặt giấy vàng chói chang cậu cũng không chậm bước. Bỗng những tờ giấy vàng bay tung lên, cậu cúi mình gom chúng lại.

“Cám ơn, cảm ơn. Cái quạt chết tiệt này làm giấy tờ cứ bay loạn xạ lên, nhưng không có nó thì không chịu được. Ha. Cậu quyết định xong chưa?”

“Ông có chắc người dẫn đường không lẩn mất không?”

“Anh ta lẩn đi đâu được, cái cậu ngố này? Các cậu phải đến mười người. Anh ta trốn làm sao khỏi các cậu được.”

“Anh ta sẽ đưa chúng tôi đến đâu?”

“Đến đường Jahra, qua khỏi Mutlaa. Đến đó là đã vào Kuwait rồi.”

“Chúng tôi có phải đi bộ nhiều không?”

“Sáu bảy giờ gì đó thôi là hết.”

Bốn tiếng sau cậu ra đến được đường. Cậu đã qua H4, và mặt trời đã lặn sau rặng đồi nâu. Nhưng đầu cậu vẫn còn nóng bỏng, có cảm giác trán đang rỉ máu. Cậu ngồi xuống tảng đá nhìn về cuối con đường đen thẳng tắp. Đầu cậu đặc lại, một ngàn tiếng nói quẫn bách chen nhau trong đó, và cậu nhận ra cái xe tải đỏ xuất hiện cuối đường chỉ là một ảo tưởng ngu ngốc. Cậu đứng dậy, lại nhìn ra đường, nhưng vẫn chưa nhìn được rõ. Đấy là tại tắt nắng hay mồ hôi? Đầu vẫn ong ong, cậu thét lên xé phổi:

“Abul-Abd, tổ cha nhà anh, tổ sư nhà anh!”

“Cậu nói gì cơ?”

“Tôi à? Không, tôi có nói gì đâu. Lúc nào thì bắt đầu đi?”

“Khi nào có đủ mười người. Cậu cũng hiểu là chúng tôi đâu thể cho mỗi cậu một người dẫn đường riêng được. Nên chúng ta đợi đến khi nào đủ mười người và cử một người dẫn đường đi cùng. Bây giờ thì cậu đặt tiền ra đây được chưa?”

Cậu nắm chặt số tiền trong túi ngẫm nghĩ:

“Chỉ chưa đầy một tháng là mình có đủ tiền trả chú. Người ta có thể kiếm tiền trong nháy mắt ở Kuwait.”

“Đừng lạc quan quá. Hàng chục người trước cháu đã đi rồi về mà chẳng được xu lẻ nào. Nhưng chú cũng vẫn sẽ cho cháu năm mươi dinar cháu xin. Chỉ cần cháu nhớ đây là tiền kiếm được sau cả một đời người đấy.”

“Thế sao chú lại cho cháu tiền nếu nghĩ là cháu không trả được?”

“Cháu biết tại sao mà? Chú muốn cháu có một khởi đầu, trong địa ngục cũng được, miễn là sau đó cháu có bàn đạp để lấy Nada. Chú không muốn con bé tội nghiệp đợi thêm nữa. Cháu hiểu không?”

Cậu thấy cổ mình rát bỏng vì câu chửi mắng phải ngậm im, và khao khát muốn trả lại năm mươi dinar cho ông chú, muốn quăng tiền vào mặt ông ta dùng hết sức lực trong tay và hết nỗi căm ghét trong lòng. Gả bán cậu cho Nada à? Ai nói cậu muốn lấy Nada chứ? Chỉ vì ông bố và ông chú đã cùng đọc câu kinh Fatiha[11] khi cậu và Nada sinh ra trùng ngày? Chú cậu cho đấy là định mệnh. Thực tế ông ta còn từ chối quãng trăm người đến dạm hỏi con gái mình và bảo nó đã có nơi có chốn rồi. Lạy thánh mớ bái! Ai bảo ông rằng cậu, Assad này, muốn lấy con bé đó? Ai bảo ông rằng cậu có bao giờ muốn kết hôn? Thế mà ông lại nhắc nhở lại lần nữa. Ông ta muốn mua cậu cho con gái mình như mua bao phân cho đồng cỏ. Cậu bóp chặt hơn số tiền trong túi chực đứng lên. Nhưng khi chạm vào đó, mềm và ấm áp, cậu cảm thấy mình đang nắm chìa khóa vận mệnh mình. Nếu buông xuôi cho cơn tức giận mà trả lại tiền cho chú, cậu sẽ không bao giờ có cơ hội kiếm được năm mươi dinar bằng cách nào khác nữa. Cậu dằn lòng lại, mím chặt môi và siết chặt nắm tiền trong túi quần. Rồi cậu nhắc lại:

“Không, không. Tôi sẽ đưa ông tiền khi mọi thứ chuẩn bị xong đợi lên đường. Tôi sẽ ghé qua đây hàng ngày. Tôi đang ở một khách sạn gần đây.”

Lão béo mỉm cười. Lão mỉm cười mãi, và rồi lão bật ra cười ha hả:

“Không phải phí thời gian đâu con. Chú mày cứ hỏi người đưa đường nào cũng ra giá đó thôi. Chúng tôi thỏa thuận với nhau hết rồi. Không cần phí sức làm gì. Dù sao thì cứ giữ tiền cho đến lúc chuẩn bị xong đi. Tùy cậu thôi. Cậu nói đang ở khách sạn nào nhỉ?”

“Khách sạn Shatt.”

“À, cái ổ chuột.”

Con chuột hoang chạy ngang đường, đôi mắt nhỏ lóng lánh khi đèn xe chiếu qua. Người phụ nữ tóc vàng nói với chồng, đang tập trung cầm lái:

“Có cáo đấy. Anh thấy không?”

Người chồng, cũng là ngoại quốc, bật cười: “Đúng là đàn bà! Trông con chuột hóa con cáo.”

Họ đã đón cậu lên khi mặt trời vừa lặn, khi xe đi qua thấy cậu đang đứng vẫy. Khi người chồng dừng xe, cậu ngó qua cửa kính. Cậu đang run rẩy vì giá lạnh buổi đêm. Người vợ khiếp sợ, nhưng cậu dồn hết vốn tiếng Anh đã học trong đầu nói:

“Bạn tôi phải cho xe quay lại H4, và anh ấy bỏ tôi…”

Người đàn ông ngắt lời:

“Đừng nói dối. Cậu trốn khỏi đó. Không sao. Vào đi. Tôi sẽ đưa cậu đến Baqubah[12].”

Ghế sau rất êm, và bà vợ cho cậu cái chăn, cậu quấn quanh mình: cậu không rõ mình run vì khí lạnh sa mạc, hay sợ hãi, hay kiệt sức. Người đàn ông hỏi:

“Cậu đi bộ nhiều chưa?”

“Tôi không rõ. Có lẽ khoảng bốn tiếng.”

Người đàn bà quay sang hỏi cậu:

“Sao cậu phải trốn khỏi đó?”

Người đàn ông trả lời thay:

“Chuyện dài lắm. Này, cậu lái được xe không?”

“Có.”

“Cậu có thể lái thay tôi sau khi nghỉ ngơi. Có thể tôi giúp được cậu qua cửa khẩu Iraq. Chúng ta sẽ tới đó lúc hai giờ sáng, giờ đó họ đều đang ngủ.”

Cậu không thể tập trung trí mình vào một chuyện. Cậu bối rối không biết phải bắt đầu từ đâu trong chuỗi câu hỏi cần giải đáp, thế nên cậu cố ngủ, chỉ khoảng nửa tiếng cũng được.

“Cậu quê ở đâu?”

“Palestine. Ramla.”

“Ồ, Ramla cách đây rất xa. Vài tuần trước tôi vừa ở Zeita. Cậu biết Zeita không? Tôi đứng trước hàng rào thép gai. Một chú nhóc đến bên tôi và nói bằng tiếng Anh rằng nhà chú ở đằng sau dây thép gai vài bước.”

“Ông làm việc trong văn phòng à?”

“Làm việc trong văn phòng à? Ha! Đến quỷ cũng phải bị tống cổ khỏi văn phòng vì khờ khạo quá. Không đâu bạn nhỏ ạ. Tôi chỉ đi du lịch.”

“Nhìn kìa, nhìn kìa! Lại con cáo nữa! Anh không thấy mắt nó lóe lên à?”

“Đấy là con chuột, cưng ơi, con chuột. Sao em cứ phải khăng khăng là cáo làm gì? Cậu đã nghe chuyện mới xảy ra gần Zeita chưa?”

“Không. Chuyện gì thế?”

“Đến quỷ cũng không biết có chuyện gì[13]. Cậu có định ở lại Baghdad không?”

“Không.”

“Ối. Sa mạc này đầy những chuột. Chúng ăn cái gì chứ?”

Cậu trả lời nhỏ:

“Lũ chuột bé hơn.”

“Thật hả?” người đàn bà nói. “Thật đến khiếp. Chuột là thứ vật kinh tởm, đáng khiếp.”

Lão béo chủ văn phòng nói:

“Chuột là thứ vật kinh tởm. Làm sao cậu ngủ trong khách sạn ấy được?”

“Ở đấy rẻ.”

Lão béo chủ văn phòng đứng lên đi về phía cậu, đặt cánh tay nặng trịch lên vai cậu:

“Cậu trông mệt mỏi quá con trai. Có chuyện gì thế? Cậu ốm à?”

“Tôi ấy à? Không.”

“Nếu ốm cậu cứ nói tôi. Có thể tôi giúp được. Tôi có nhiều bạn là bác sĩ. Không phải lo, cậu không mất tiền đâu.”

“Ông tốt quá. Nhưng tôi chỉ hơi mệt một tí, có thế thôi. Chuẩn bị mất nhiều thời gian không?”

“Không. Ơn trời người như cậu rất nhiều. Trong vòng hai ngày là cậu đã ra đến đường rồi.”

Cậu quay lưng đi ra cửa, nhưng trước khi ra khỏi cửa còn nghe thấy tiếng lão béo cười khùng khục sau lưng:

“Nhưng đừng để chuột ăn thịt trước khi lên đường.”

51ad-CxAJaL._SL500_SX316_BO1204203200_

MARWAN

Marwan ra khỏi cửa hàng của lão béo chuyên đưa người từ Basra sang Kuwait, và thấy mình đứng giữa con phố mái che đông đúc, hăng mùi dừa và những sọt rơm to. Chú không nghĩ được rõ ràng giờ phải đi đâu; trong đó, trong cửa hàng, những sợi chỉ hy vọng cuối cùng níu giữ mọi thứ trong chú nhiều năm ròng đã đứt. Những lời cuối của lão béo quả là những lời cuối; chú có cảm giác những lời ấy đúc bằng chì.

“Mười lăm dinar, cậu nghe không?”

“Nhưng mà…”

“Thôi xin cậu, thôi xin cậu. Đừng có hú lên ở đây. Các cậu ai cũng đến đây rồi hú lên như mụ góa. Chú em ơi! Chú em thân mến ơi! Có ai bắt cậu phải tới đây đâu. Sao cậu không đi hỏi thử ai khác? Ở Basra đầy những mối đưa người.”

Phải, tất nhiên Marwan sẽ đi hỏi người khác. Hasan đã làm việc ở Kuwait bốn năm, Hasan đã bảo chú đưa một người từ Basra sang Kuwait mất năm dinar không hơn, và bảo khi đến gặp bọn đưa người chú phải mạnh mẽ hơn một tay dũng sĩ, phải tỏ ra cứng rắn hơn cả kẻ can trường, nếu không chúng sẽ cười nhạo chú, lừa đảo chú, lợi dụng cái tuổi mười sáu của chú.

“Người ta bảo tôi giá cho mỗi người là năm dinar.”

“Năm dinar? Ha, ha! Giá đó từ trước thời Adam ngủ với Eve rồi. Quay lại đi, chú nhóc ơi, bước ba bước, cậu sẽ thấy mình đứng trên đường chứ không phải bị đuổi ra.”

Marwan gom hết can đảm đặt vào lời nói. Trong túi chú chỉ còn lại bảy dinar, và một phút trước chú còn thấy mình rất giàu. Nhưng bây giờ… có phải chú đang bị xỏ mũi không?

“Ông sẽ nhận của tôi năm dinar và thế là hết, bằng không…”

“Bằng không?”

“Bằng không tôi sẽ báo ông cho cảnh sát.”

Đứng dậy, lão béo đi vòng quanh bàn tới khi sừng sững trước mặt Marwan, thở hổn hển, vã mồ hôi. Lão ta nhìn sững chú một lúc, từ đầu đến chân, rồi giơ bàn tay nặng trịch lên trời. “Mày muốn báo cảnh sát tao, thằng khốn…”

Bàn tay nặng trịch giáng xuống má chú, và chữ cuối câu chìm trong tiếng gầm đáng sợ đang rung lên giữa hai tai chú. Chú suýt mất thăng bằng trong một lúc, và phải loạng choạng lùi vài bước. Giọng lão béo vang tới tai, khàn đi vì tức giận:

“Cứ bảo thằng dắt mối là tao đánh mày. Mày muốn báo cảnh sát tao hả?”

Marwan đứng vững trong một lúc, đủ để nhận ra có nỗ lực lấy lại danh dự nữa cũng vô ích. Thực tế tận xương tủy chú cảm thấy mình đã phạm một tội bất khả tha thứ. Những vết tay trên má chú rát bỏng, lòng chú bắt đầu thấm thía nỗi nhục của mình.

“Mày còn đợi ở đây làm gì?”

Chú quay người đi ra cửa. Xộc vào mũi chú là mùi dừa và sọt rơm. Chú phải làm gì bây giờ? Chú không muốn nêu ra câu hỏi ấy. Nhưng không hiểu sao chú thấy gần như nhẹ nhõm: lý do là đâu? Chú muốn khuây khỏa tâm trí bằng cách đi tìm lý do ấy. Lòng chú một phần đã thấy vui và nhẹ nhõm, nhưng cũng không làm nguôi hết nỗi buồn dâng đầy tim chú suốt nửa giờ đồng hồ qua. Khi mọi cố gắng đều thất bại, chú đứng tựa vào tường. Người người lũ lượt qua mà không hề để ý đến chú. Có lẽ lần đầu tiên trong đời chú thấy mình cô đơn xa lạ giữa dòng người như vậy. Chú muốn biết lý do đưa đến cái cảm giác xa xôi khiến chú hài lòng và nguôi dịu ấy; nó giống như cảm giác mỗi khi chú xem xong một bộ phim, và cảm thấy đời thật rộng lớn, thấy tương lai chú sẽ thuộc về những người sống từng giờ từng ngày trong hoan lạc và mới lạ. Nhưng tại sao cảm giác ấy lại đến lúc này, khi chú đã từ lâu không còn xem bộ phim nào như thế, và chỉ vài phút sau khi những sợi chỉ hy vọng từng dệt những giấc mơ êm đềm trong tim chú bị dứt đứt trong cửa hiệu lão béo?

Chẳng ích gì. Có lẽ chú sẽ không thể chọc thủng tấm màn phiền muộn đang ngăn chú với cảm giác tuyệt vời kia đang náu mình không ra mặt đâu đó trong đầu. Cuối cùng chú quyết định không hành hạ đầu óc nữa, mà bước đi cho lòng khuây khỏa. Nhưng ngay khi vừa rời khỏi tường bắt đầu bước vào đám đông, có bàn tay chộp lấy vai chú.

“Đừng tuyệt vọng thế. Cậu định đi đâu bây giờ?”

Người đàn ông cao to kia lập tức bước đi cạnh chú như quen biết lắm, và khi ngước lên Marwan nghĩ đã thấy anh ta ở đâu đó rồi. Tuy thế chú vẫn bước tránh ra và ném cho anh ta cái nhìn dò hỏi.

“Hắn ta là tay ăn cướp khét tiếng,” người kia nói. “Sao cậu lại đến chỗ hắn làm gì?”

Chú trả lời sau một lúc do dự:

“Ai cũng đến chỗ ấy.”

Người kia đến gần khoác lấy tay Marwan, cứ như đã quen chú từ đời nào.

“Cậu muốn đến Kuwait không?”

“Làm sao anh biết được?”

“Tôi vừa đứng gần cửa cái tiệm đó, tôi thấy cậu đi vào rồi đi ra. Cậu tên là gì?”

“Marwan. Còn anh?”

“Người ta gọi tôi là Abul Khaizuran.”[14]

Lần đầu tiên kể từ lúc nhìn người đàn ông, Marwan nhận thấy anh ta quả thật rất giống thân tre. Anh ta cao gầy như cây sào, nhưng cái cổ và đôi bàn tay lại nói lên sức mạnh và sự cứng rắn, và không rõ làm sao mà cảm giác anh ta có thể gập người móc đầu vào giữa hai chân mà không sợ bẻ xương sống hoặc đốt xương nào khác.

“Vậy anh muốn gì ở tôi?”

Abul Khaizuran tránh câu hỏi bằng một câu khác:

“Sao cậu lại muốn đến Kuwait?”

“Tôi muốn làm việc. Anh biết ở đó thế nào đấy. Nhiều tháng trời tôi đã…” Bỗng nhiên chú yên lặng và đứng yên.

Chỉ đến lúc này chú mới nhận ra nguồn cơn cảm giác bình lặng và hài lòng vài phút trước chưa nhận thấy. Lý do ấy bỗng hiện ra với chú hết sức sâu đậm và sáng rõ: thực tế, một cách diệu kỳ khó hiểu, nó đã đập tan chính những rào cản khiến chú không nhận ra. Cảm giác ấy lại trở về chiếm lĩnh con người chú mạnh mẽ không gì sánh nổi. Việc chú làm đầu tiên sáng hôm đó, từ rất sớm, là viết một lá thư dài cho mẹ. Lúc này chú càng thấy nhẹ người vì đã viết thư ấy trước khi mọi hy vọng sụp đổ tan tành trong cửa tiệm lão béo, và đánh mất niềm vui thuần khiết đã trải vào thư. Thật tuyệt vời được ở bên mẹ một thời gian sáng hôm ấy.

Sáng hôm ấy chú dậy rất sớm. Người phục vụ đã đưa giường lên nóc khách sạn, bởi ngủ trong phòng khi trời nóng ẩm thế này là chuyện không thể. Mặt trời lên làm chú mở mắt. Thời tiết tuyệt đẹp và dịu nhẹ, và trời vẫn còn xanh, những con bồ câu đen bay là đà trên đầu. Chú còn nghe tiếng vỗ cánh khi chúng sải một vòng rộng quanh nóc khách sạn. Lớp màn im lặng phủ lấy muôn vật, bầu khí có cái mùi thanh sạch lúc sáng sớm. Chú thò tay kéo cái va li nhỏ dưới gầm giường, lấy sổ và bút ra, và viết thư cho mẹ trong lúc vẫn nằm trên giường.

Nhiều tháng nay chú mới làm một việc tuyệt vời như thế. Chú không bắt buộc phải viết, nhưng chú tự nguyện làm. Tâm trạng chú đang phơi phới, và lá thư hình như phản ánh bầu trời thanh tĩnh trên cao. Không hiểu vì sao chú lại cho phép mình nói rằng cha mình chẳng qua chỉ là một con thú sa đọa, nhưng chú không muốn gạch những chữ đã viết ra; chú không muốn gạch chữ nào trong cả lá thư – không chỉ vì mẹ chú coi chữ bị gạch là điềm xấu, mà còn đơn giản vì chú không muốn.

Dù sao thì chú cũng không ghét cha mình nhiều lắm. Hẳn nhiên cha chú đã làm chuyện tồi tệ, nhưng trên đời ai mà chẳng đôi lúc phạm lỗi lầm? Chú có thể thông cảm được những hoàn cảnh đã thúc đẩy cha chú và có thể thông cảm được quyết định của ông. Nhưng liệu cha chú có tha thứ được cho mình cái tội lỗi đó?

“Bỏ lại bốn đứa trẻ, ly dị mẹ không có lý do gì hết, rồi cưới người đàn bà tàn tật ấy. Đấy là một điều cha sẽ không thể tự tha thứ nếu ngày kia nhận thức được việc mình đã làm.

“Con không muốn ghét bỏ ai: điều đó quá sức con kể cả nếu con muốn. Nhưng tại sao cha lại làm thế với m? Mẹ không muốn chúng con nói về cha. Con hiểu. Nhưng mẹ nghĩ vì sao cha làm thế?

“Mọi chuyện đã qua, không còn hy vọng chúng ta sẽ có lại cha được nữa. Nhưng vì sao cha làm thế? Ít nhất ta hãy đặt câu hỏi vì sao.

“Con sẽ cho mẹ biết vì sao. Khi nhà mình không còn nhận được tin anh Zakaria, mọi sự cuối cùng cũng thay đổi. Zakaria vẫn gửi từ Kuwait về hai trăm rupee mỗi tháng. Số tiền đó đủ duy trì phần nào giấc mơ yên ổn của cha con. Nhưng từ khi nhà không còn nhận được tin anh Zakaria nữa – cầu mong anh ấy không sao cả – mẹ nghĩ là cha đã nghĩ gì?

“Cha đã tự nhủ, mà thực ra đã nói với cả nhà, rằng sống là một việc phi thường, và rằng cha muốn sống tuổi già yên ổn chứ không muốn phải nuôi nửa tá tàu há mồm. Chẳng phải cha nói thế sao? Zakaria biến mất… không có tin tức gì về anh. Ai sẽ nuôi nấng cả nhà? Ai sẽ kiếm tiền cho Marwan đi học nốt, mua quần áo cho May, kiếm bánh mì về cho Riyad, Salma, Hasan? Ai?

“Cha thì trắng tay, như mẹ biết đấy. Tham vọng duy nhất của cha là dời từ cái nhà đất cha đã sống mười năm trong trại để sống dưới mái nhà xi măng, như cha vẫn nói. Bây giờ Zakaria biến mất rồi. Mọi hy vọng của cha đã sụp đổ, mọi giấc mơ đã tan tành, tham vọng duy nhất ấy đã tàn úa. Vậy thì cha sẽ làm gì, mẹ nghĩ sao?

Bạn cũ của cha, cha của Shafiqa, đã khuyên cha lấy con mình. Ông ta nói cô ta có một căn nhà ba phòng bên rìa thị trấn, mua bằng tiền một hội từ thiện quyên góp cho cô ta. Cha Shafiqa chỉ ước một điều duy nhất: kiếm một người chồng gánh lấy cô ta, cùng cái chân duy nhất còn lại sau trận bom dội xuống Jaffa. Ông ta sắp sửa xuống mồ và muốn nhắm mắt mà được yên tâm về số phận con gái mình; ai cũng từ chối cô ta vì cái chân cưa mất sát đùi. Cha con đã suy nghĩ kỹ: nếu cha cho thuê hai phòng và sống với cô vợ cụt ở phòng thứ ba, cha sẽ được yên ổn đến cuối đời, không lo lắng gì hết. Quan trọng hơn nữa, được sống dưới mái nhà xi măng.”

“Cậu định đứng đây đến hết đời à?”

Chú lắc đầu và đi tiếp. Abul Khaizuran đang liếc xéo, chú nghĩ anh ta sắp cười khinh miệt.

“Cậu làm sao mà nghĩ ngợi ghê gớm thế? Suy tư không hợp với cậu đâu, Marwan. Cậu còn trẻ, đời thì dài…”

Marwan dừng lại và hơi giật đầu ra đằng sau.

“Thế còn anh muốn gì ở tôi?”

Abul Khaizuran đi tiếp, nên Marwan lại rảo theo anh ta.

“Tôi có thể đưa cậu đến Kuwait.”

“Bằng cách nào?”

“Đấy là việc của tôi. Cậu muốn đến Kuwait, phải không? Có người có thể đưa cậu đến đó. Cậu còn muốn gì hơn nữa?”

“Anh muốn bao nhiêu?”

“Cái đó không quan trọng lắm.”

“Có đấy.”

Abul Khaizuran nhoẻn cười, môi mở hé lộ ra hai hàm răng trắng sáng. Rồi anh ta nói:

“Tôi sẽ thú thực với cậu. Tôi có việc đến Kuwait, và tôi tự nhủ: sao không tranh thủ kiếm thêm chút đỉnh, có chú chàng nào muốn đến thì đưa họ theo? Cậu trả được bao nhiêu?”

“Năm dinar.”

“Thế thôi à?”

“Tôi không còn chút nào.”

“Được. Tôi đồng ý.”

Abul Khaizuran thọc tay vào túi rồi đi tiếp, sải từng bước dài đến nỗi Marwan suýt mất dấu và phải rảo lên đuổi theo. Nhưng anh ta đột ngột dừng lại và lắc ngón tay trên môi. “Nhưng… cậu không được nói với ai đấy. Tức là nếu tôi có lấy của người khác mười dinar, đừng có nói là tôi chỉ lấy cậu năm.”

“Nhưng làm sao tôi tin anh được?”

Abul Khaizuran nghĩ một lúc rồi lại cười toét miệng, trả lời:

“Cậu nói đúng. Cậu sẽ đưa tôi tiền ở quảng trường Al-Safa ở Kuwait – ở thủ đô, chính giữa thủ đô luôn. Chịu chưa?”

“Được.”

“Nhưng ta sẽ cần thêm người nữa cho chuyến đi. Cậu phải giúp tôi. Đây là điều kiện.”

“Tôi có biết một người ở cùng khách sạn cũng muốn đi.”

“Tuyệt vời. Tôi cũng biết một người nữa. Ông ta cũng ở làng tôi ở Palestine, ngày xưa, tôi tình cờ gặp lại ở đây. Nhưng tôi vẫn chưa hỏi cậu: cậu muốn làm gì ở Kuwait? Cậu có quen ai ở đấy không?”

Marwan lại dừng, nhưng Abul Khaizuran nắm tay chú kéo đi và chú lập cập bước theo bên cạnh.

“Anh tôi làm việc ở đấy.”

Abul Khaizuran lắc đầu trong lúc vẫn bước rất nhanh. Rồi anh ta rùn vai làm cho cổ rụt lại và bỗng nhiên trông thấp hẳn.

“Nếu anh cậu làm việc ở đấy thì cậu còn muốn kiếm việc làm gì? Tuổi cậu lẽ ra vẫn còn đi học.”

“Tôi vẫn đi học hai tháng trước. Nhưng bây giờ tôi muốn làm việc để nuôi gia đình.”

Abul Khaizuran dừng lại rút tay trong túi áo ra, đứng chống nạnh. Anh ta nhìn Marwan cười cợt.

“À, tôi hiểu rồi! Anh cậu không còn gửi tiền về nhà nữa, phải không?”

Marwan gật đầu và định bước tiếp, nhưng Abul Khaizuran tóm lấy tay khiến chú phải đứng lại.

“Tại sao? Anh cậu cưới vợ à?”

Kinh ngạc, Marwan nhìn sững Abul Khaizuran thì thầm:

“Làm sao anh biết?”

“Chà! Chẳng cần phải thiên tài cũng phải đoán ra. Người ta sẽ thôi gửi tiền về khi nào cưới vợ hoặc có bồ thôi mà.”

Marwan cảm thấy có chút thất vọng dâng lên trong tim, không phải vì ngạc nhiên, mà bởi phát hiện ra đấy chỉ là một điều tầm thường ai cũng biết. Chú đã tưởng mình giấu trong tim một bí mật không ai được biết. Chú đã giấu khỏi cha mẹ mình suốt nhiều tháng ròng, thế mà đây Abul Khaizuran đang nói về nó như nguyên tắc hiển nhiên. “Nhưng… tại sao họ làm thế? Tại sao họ không…?”

Chú lặng yên. Abul Khaizuran cười ha hả.

“May là cậu đang đến Kuwait, ở đó cậu sẽ học được nhiều thứ đấy. Thứ đầu tiên cậu cần biết là: tiền bạc trước, đạo lý sau.”

Khi Abul Khaizuran đã thỏa thuận gặp lại chú buổi chiều và đi mất, Marwan thấy những cảm giác tuyệt vời sáng nay thanh lọc chú đã không cánh mà bay. Thực tình chú còn ngạc nhiên sao bức thư viết cho mẹ lại có thể gây nên cái tâm trạng diệu kỳ khiến nỗi khổ tâm của chú có vẻ bớt trầm trọng hơn thực tế. Một lá thư ngớ ngẩn, viết trong cô đơn và hy vọng trên mái khách sạn tồi tàn ở tận cùng thế giới. Thư đó thì có gì đáng kể? Chẳng lẽ chú nghĩ mẹ mình không biết từ đầu đến cuối câu chuyện hay sao? Chú còn muốn nói gì nữa? Chẳng lẽ chú muốn mẹ tin rằng ông chồng bỏ rơi mình và các con là một việc tự nhiên, ổn thỏa? Thế thì còn nói nhiều như thế làm gì? Chú yêu cha, một tình yêu lớn không gì lay chuyển được. Nhưng điều đó không thay đổi cái thực tế đáng sợ, rằng cha chú đã chạy… chạy đi. Cũng như anh Zakaria khi anh cưới vợ và gửi chú lá thư cộc lốc bảo đã đến lượt mày, hãy nghỉ cái trường ngu ngốc chẳng dạy dỗ gì ấy đi và nhảy vào chảo lửa như mọi người khác.

Suốt đời mình Marwan đã xung khắc với Zakaria. Nói thẳng ra là hai người ghét nhau. Zakaria không thể nào hiểu nổi sao mình lại phải bỏ mười năm cung phụng gia đình trong khi Marwan hàng ngày đến trường như em bé. Marwan muốn trở thành bác sĩ. Chú vẫn bảo mẹ Zakaria chẳng bao giờ hiểu nổi ý nghĩa của việc học hành, vì anh đã bỏ học từ khi rời Palestine, nhảy vào chảo lửa như anh vẫn nói.

Và bây giờ thì anh cưới vợ mà không cho ai biết ngoại trừ Marwan, cứ như muốn chú lương tâm cắn rứt. Nhưng chú còn lựa chọn nào đây? Chỉ có rời trường, nhảy vào chảo lửa và ở lại đó cho đến mạt kiếp.

Được lắm! Được lắm! Chỉ vài ngày nữa chú sẽ đến Kuwait. Nếu Zakaria giúp chú thì tốt, nhưng nếu anh giả vờ không quen biết, chú cũng sẽ tìm ra cách khởi nghiệp, như hàng bao nhiêu người khác đã làm. Chú sẽ gửi tất tần tật về cho mẹ, và tới tấp tặng quà cho mẹ và các em đến khi căn lều đất biến thành lâu đài và cha cứ việc cắn móng tay hối tiếc.

Nhưng chú cũng không thể ghét cha quá, đơn giản vì ông vẫn yêu vợ con. Marwan hoàn toàn tin điều đó sau khi đến chào từ biệt cha trước lúc ra đi. Chú không cho mẹ biết mình đến nhà Shafiqa, bởi mẹ sẽ nổi tam bành lên mất. Cha chú đã bảo:

“Marwan, con biết ba không có quyền lựa chọn. Tất cả đã định cho chúng ta từ ngày Allah tạo thành thế giới.”

Shafiqa nói:

“Chúng tôi có bảo mẹ cậu đến sống cùng nhưng bà không chịu. Chúng tôi còn làm được gì nữa?”

Chị ta ngồi trên tấm thảm da dê. Cái nạng đặt bên cạnh, và chú nghĩ: “Không biết chân chị ta cụt ở đâu?” Khuôn mặt chị ta rất xinh đẹp, nhưng cứng rắn, như mặt những người mang bệnh không thuốc chữa, và môi dưới méo xệch đi như sắp khóc.

Cha chú nói:

“Cầm lấy đi. Mười dinar: có thể con cần đấy. Con sẽ viết thư về chứ, phải không?”

Khi chú đứng dậy, Shafiqa giơ đôi tay lên cầu nguyện ban phước cho chú. Giọng chị ta vỡ ra, và khi chú quay lại phía chị ta trước khi ra cửa, chị ta òa lên khóc. Cha chú bảo:

“Cầu đức Allah cho con may mắn, Marwan, cậu bé dũng cảm của ba.”

Và ông cố cười nhưng không được, chỉ đưa bàn tay lớn sần sùi xoa lưng chú, trong lúc Shafiqa nhặt nạng lên vụt đứng dậy. Chị ta đã thôi khóc.

Marwan đóng cửa rồi đi. Chú vẫn nghe thấy tiếng cây nạng của Shafiqa gõ đều đều lên sàn gạch, nhưng im mất khi chú rẽ ở góc đường.

THA THUN

Marwan đưa bạn là Assad cùng đến gặp Abul Khaizuran. Hai chàng trai đến hơi muộn, thấy Abul Khaizuran đang đợi mình, ngồi cạnh Abu Qais trên ghế xi măng lớn bên vệ đường chạy dọc bờ sông Shatt.

“Ở đây đủ mặt cả nhóm rồi hở!” Abul Khaizuran cười lớn, đưa một tay đấm vào vai Marwan còn tay kia chìa ra bắt Assad.

“Vậy đây là bạn của cậu đấy. Cậu ấy tên gì?”

Marwan đáp cụt lủn:

“Assad.”

“Giới thiệu các cậu đây là ông bạn già của tôi, Abu Qais. Giờ đủ mặt cả nhóm rồi. Có thêm một người nữa thì cũng tốt, nhưng hiện giờ thì chúng ta cũng đủ rồi.”

Assad nói:

“Tôi thấy anh có vẻ là người Palestine. Anh có đúng là người sẽ chuyển lậu chúng tôi đi không?”

“Đúng tôi đây.”

“Làm cách nào?”

“Đấy là việc của tôi.”

Assad cười khẩy rồi nói chậm rãi, gằn từng chữ một:

“Không. Đấy là việc của chúng tôi. Anh phải nói rõ cho chúng tôi từng chi tiết. Chúng tôi không muốn vừa bắt đầu đã rắc rối.”

Abul Khaizuran nói giọng quyết đoán:

“Tôi sẽ nói rõ các chi tiết cho mọi người khi ta thống nhất xong, chứ không nói trước.”

Assad đáp lại:

“Chưa biết rõ chi tiết thì sao chúng tôi thống nhất được. Mọi người nghĩ sao?”

Không ai trả lời, nên Assad lặp lại:

“Abu Qais nghĩ sao?”

Abu Qais đáp:

“Tôi cũng nghĩ như cậu.”

“Còn cậu thì sao, Marwan?”

“Em theo anh.”

Assad đanh giọng nói:

“Được thôi, ta hãy nói ngắn thôi. Tôi thấy có vẻ bác Abu Qais không biết gì về những chuyện thế này, còn về Marwan thì đây là lần đầu tiên. Còn tôi đã già đời trong chuyện này rồi. Hai người có đồng ý tôi đứng ra mặc cả thay mặt hai người không?”

Abu Qais giơ một bàn tay lên ra hiệu chấp thuận, còn Marwan gật đầu. Assad quay sang Abul Khaizuran:

“Anh thấy chưa, họ chọn tôi làm người đứng mũi chịu sào. Anh hãy nghe tôi nói câu này. Chúng ta là người cùng một nước. Chúng tôi muốn kiếm tiền, anh cũng thế. Được thôi. Nhưng tất cả chuyện này phải công bằng. Anh phải giải thích chi ly từng bước cho chúng tôi, và nói đích xác anh muốn bao nhiêu. Tất nhiên là chúng tôi sẽ đưa tiền cho anh sau khi đến nơi chứ không phải trước.”

Abu Qais nhận xét:

“Assad nói phải lắm. Chúng ta phải làm rõ với nhau. Mất lòng trước, được lòng sau, cách ngôn nói thế.”

Abul Khaizuran rút hai tay khỏi túi đứng chống nạnh. Anh ta đưa mắt chầm chậm và lạnh lùng nhìn từng khuôn mặt, tới khi dừng lại ở Assad.

“Trước hết là mỗi người các cậu sẽ trả mười dinar. Đồng ý không?”

Abu Qais nói:

“Tôi đồng ý.”

Assad phản đối:

“Làm ơn đi. Bác đã để cháu chịu trách nhiệm, vậy hãy để cháu nói. Mười dinar là khoản tiền lớn. Bọn đưa người chuyên nghiệp lấy mười lăm. Thế thì…”

Abul Khaizuran ngắt lời.

“Thế là chúng ta đã bất đồng từ lúc chưa bắt đầu. Đấy chính là điều tôi đã sợ. Mười dinar, một xu không bớt. Tạm biệt.”

Anh ta quay lưng chậm rãi bước đi nhưng Abu Qais đã đuổi theo, hét to:

“Có gì mà anh phải cáu chứ? Đây là chuyện ngã giá, và nhẫn nại là mẹ tán đồng.”

“Được lắm. Chúng tôi sẽ trả anh mười dinar. Nhưng anh sẽ đưa chúng tôi đi cách nào?”

“A ha, giờ là có tiến triển rồi đấy. Nghe đây!” Abul Khaizuran ngồi lên ghế xi măng và ba người kia đứng vây quanh. Anh giải thích cho họ, hai bàn tay dài huơ lên minh họa:

“Tôi có chiếc xe tải được cấp phép đi qua biên giới. Mọi người phải hiểu là đấy không phải xe tôi. Tôi thì nghèo rớt, nghèo hơn cả ba người đây, và tôi có xe chẳng qua vì tôi là người lái. Người chủ xe rất giàu và có tên tuổi, nên nó không phải đợi lâu ở biên giới cũng không bị lục soát. Người chủ xe có tiếng và được kính trọng, cái xe cũng có tiếng và được kính trọng, nên chi người lái cái xe cũng có tiếng và được kính trọng.”

Abul Khaizuran là một bác tài cừ. Trước 1948 anh đã lái xe trong quân đội Anh hơn 5 năm. Khi giải ngũ rồi tham gia quân kháng chiến, anh nổi danh là người lái xe tải cừ nhất người ta từng gặp. Chính vì thế nhóm du kích làng Al-Tira đã mời anh về lái cái xe tăng cũ làng chiếm được sau một đợt tấn công của quân Do Thái. Dù chưa có kinh nghiệm lái xe tăng bao giờ, anh đã không phụ lòng những người đứng dọc bên đường, xem anh trèo qua cánh cửa xe nhỏ bọc thép và biến mất vào trong vài phút, sau đó cỗ máy gầm lên và xe từ từ nhích đi trên con đường hẹp đầy cát. Nhưng chẳng mấy chốc cái xe lại chết máy, và Abul Khaizuran cố gắng đến đâu cũng chẳng làm nó chạy được trở lại. Dân làng thất vọng một thì Abul Khaizuran thất vọng mười, nhưng dù sao anh cũng đã bồi đắp thêm kinh nghiệm ngồi máy của mình. Và ai biết chuyện ấy lại chẳng có ích khi anh nhập đội lái xe thuê cho Al-Haj Rida ở Kuwait?

Một hôm anh đã lái được cả cái xe bồn đựng nước qua hết đường muối lấm bùn mà không bị lún vào đất chết cứng như các xe khác trong đoàn. Hôm ấy Haj Rida vào sâu trong sa mạc với một nhóm người, dự định đi săn vài ngày. Nhưng mùa xuân là mùa rất khó lường, và khi cả đoàn trở lại, mặt đường nhìn rất cứng và trắng, nên các tài xế cứ thế đi thẳng không e ngại. Rồi từng cái xe cả lớn lẫn nhỏ theo nhau chìm xuống bùn. Nhưng Abul Khaizuran lái chiếc xe tải khổng lồ ở chót đuôi đã tài tình cho xe tiến tới, không dừng lại một giây. Khi bắt kịp xe Haj Rida, ngập ba phần tư bánh dưới bùn, anh cho xe dừng lại. Anh ra khỏi xe tới bên Haj Rida hỏi:

“Liệu Haj Rida có muốn lên xe tôi chăng? Sẽ phải mất hơn bốn giờ mới bẩy được mấy cái xe này lên, và lúc đó thì Haj Rida đã về đến nhà rồi.”

Haj Rida đáp:

“Tuyệt vời. Nghe tiếng máy xe tải anh còn dễ chịu hơn là ngồi đây bốn tiếng đồng hồ.”

Abul Khaizuran lái chiếc xe tải khổng lồ mất sáu tiếng qua mặt đường lừa đảo, trông cứng và trắng chỉ vì lớp muối mỏng đã đọng khô trên bề mặt. Suốt quãng đường anh xoay bánh lái thật nhẹ và gấp sang trái lại phải để hai bánh trước mở lối hơi rộng hơn cần thiết.

Haj Rida rất đỗi vui mừng trước tài lái xe của Abul Khaizuran, và khoe với khắp bạn bè suốt hàng tháng. Ông còn vui mừng hơn khi được biết Abul Khaizuran đã từ chối vài lời mời làm việc ở nơi khác đến với anh sau khi câu chuyện truyền đi rộng rãi. Ông gọi anh tới khen ngợi, rồi tăng lương cho anh chút xíu. Quan trọng hơn là Haj Rida đặt ra quy định bắt buộc Abul Khaizuran phải có mặt trong mọi chuyến đi săn hoặc hành trình lâu ngày.

Vừa mới tuần trước Haj Rida dẫn một đoàn xe tải lên đường, một cuộc săn đặc biệt dành cho mấy vị khách đang ở thăm ông. Ông đã yêu cầu Abul Khaizuran lái chiếc xe bồn lớn đi theo đoàn xe từ đầu đến cuối để đảm bảo đủ nước trong suốt chuyến đi hơn hai ngày. Đoàn xe đã đi sâu vào sa mạc thì đột nhiên Haj Rida quyết định chọn đường khác trở về, đi qua Al-Zubair, và rồi từ Al-Zubair ông sẽ theo đường chính về Kuwait. Abul Khaizuran lúc này lẽ ra đã có mặt ở Kuwait cùng cả đoàn nếu không phải vì chiếc xe bồn có chút trục trặc, khiến anh phải ở lại Basra thêm hai ngày chờ sửa, rồi mới đuổi theo những người đã đi trước mình…

“Nghĩa là anh muốn chúng tôi chui vào bồn nước trên xe trên đường anh về à?”

“Chính thế. Tôi tự nhỉ: ‘Tại sao không nhân dịp này kiếm vài đồng lương thiện, trong lúc mày đang ở đây và xe của mày thì không bị soát?”

Marwan nhìn sang Abu Qais rồi Assad. Hai người kia lần lượt nhìn lại chú dò hỏi.

“Nghe này Abul Khaizuran. Tôi nghe không lọt tai lắm. Anh tưởng tượng xem? Trời nóng thế này, ai mà ngồi được trong bồn nước đóng kín?”

“Đừng có bé xé ra to. Đây chẳng phải lần đầu tiên. Cậu có biết làm thế nào không? Cách biên giới năm phút thì các cậu chui vào bồn nước, rồi đi quá năm chục mét thì chui ra. Chúng ta sẽ làm lại lần hai trong năm phút nữa ở Murlaa trên biên giới Kuwait, và rồi hấp! các cậu đã ở Kuwait rồi.”

Assad lúc lắc đầu nhìn đăm đăm xuống đất, môi dưới trề ra. Marwan nghịch nghịch một cành củi khô, còn Abu Qais vẫn nhìn người tài xế cao lớn. Bỗng nhiên Marwan hỏi:

“Trong bồn còn nước không?”

“Tất nhiên là không rồi. Cậu nghĩ cái gì thế? Tôi là người chuyển lậu hay thầy dạy bơi?” Abul Khaizuran có vẻ thích thú câu đó, anh ta bắt đầu cười khúc khích, đập bôm bốp vào đùi và quay người. “Cậu nghĩ cái gì thế? Tôi là thầy dạy bơi à? Nghe này cậu nhỏ, bồn không có nước đã sáu tháng nay rồi.”

“Tôi tưởng anh vừa chở nước cho đoàn đi săn tuần trước,” Assad chậm rãi nói.

“Ồ… cậu hiểu mà. Cậu hiểu ý tôi mà.”

“Không, tôi không hiểu.”

“Ý tôi là sáu ngày. Tôi hay thích thổi phồng một chút. Giờ thì chúng ta nhất trí chưa? Kết thúc buổi họp lớn thôi nào.”

Abu Qais đứng lên, chuẩn bị nói lời cuối. Nhưng trước khi nói bác nhìn một vòng quanh chờ đợi, nhìn Assad như cầu xin trợ giúp. Bác tiến tới bên Abul Khaizuran.

“Nghe này, Abul Khaizuran. Đầu óc tôi đơn giản và tôi không hiểu hết những thứ phức tạp đấy. Nhưng câu chuyện về chuyến đi săn kia… Tôi không thích câu chuyện đó. Anh nói anh chở nước cho Haj Rida, và giờ thì anh bảo bồn nước trên xe không có nước đã sáu tháng nay rồi. Tôi nói thực với anh, tôi mong anh đừng giận. Tôi ngờ anh chẳng có cái xe nào hết.” Abu Qais quay sang hai người kia và buồn bã nói: “Tôi thà trả mười lăm dinar theo bọn đưa người qua sa mạc còn hơn. Tôi không muốn rắc rối thêm nữa.”

Abul Khaizuran cười và nói lớn:

“Cứ đi xem ra sao… bác tưởng tôi không biết những thằng đó à? Tụi nó đem người bỏ giữa đường rồi biến mất không tăm tích. Và cả bác cũng sẽ chảy mất tăm tích trong cái nóng tháng tám mà chẳng ai biết. Đi đi, cứ đi đi xem thế nào. Trước bác đã có nhiều người lắm rồi. Bác có muốn tôi chỉ đường cho không? Bác nghĩ vì sao mà chúng nó lấy tiền trước?”

“Nhưng tôi biết rất nhiều người đã đến nơi nhờ họ.”

“Mười phần trăm là cùng. Cứ đi hỏi họ xem, họ sẽ nói với bác họ đến nơi không có tay đưa người hay dẫn đường nào đi cùng, và chỉ có vận may mới giúp họ sống sót.”

Abu Qais chết đứng tại chỗ. Trong một lúc nhìn bác như sắp ngã quỵ. Marwan nhận thấy Abu Qais trông rất giống cha mình, và chú nhìn đi chỗ khác, không thể tập trung nghĩ về một điều được. Abul Khaizuran vẫn nói tiếp, giờ đã hét lên:

“Mấy người phải quyết định nhanh thôi! Tôi không có nhiều thời gian đâu. Tôi thề danh dự với mấy người…”

Assad lặng lẽ ngắt lời:

“Bỏ chuyện danh dự sang lúc khác đi. Không thề danh dự sẽ xuôi chèo mát mái hơn nhiều.”

Abul Khaizuran quay sang cậu:

“Được rồi, Assad. Cậu là người thông minh từng trải. Cậu nghĩ thế nào?”

“Về chuyện gì?”

“Về mọi chuyện.”

Assad mỉm cười, nhận ra Abu Qais và Marwan đều đang chờ nghe quyết định của mình. Cậu bắt đầu nói chậm và cay độc:

“Trước hết xin thôi đừng bắt chúng tôi tin câu chuyện đi săn của anh. Tôi thấy có vẻ như cả Haj Rida và anh, thưa anh, đều nằm trong đường dây buôn lậu. Xin lỗi, để cho tôi nói hết. Haj Rida nghĩ là chuyển lậu người trên đường về là chuyện vặt, nên mặc kệ việc đó cho anh – còn anh thì ngược lại mặc kệ ông ta buôn lậu những món quan trọng hơn, để nhận một phần lời xứng đáng. Hay là anh nghĩ ông ta không biết anh chuyển lậu người trên đường về?”

Abul Khaizuran cười rộng miệng, lần nữa lại lộ ra nguyên hàm răng trắng. Anh ta có vẻ không muốn trả lời Assad. Marwan bật ra:

“Còn chuyện đi săn thì sao?”

Assad đáp:

“Chuyện đi săn bịa ra để che mắt đám lính biên phòng, không phải chúng ta. Nhưng Abul Khaizuran thấy kể ra thì cũng chẳng hại gì…”

Abul Khaizuran miệng còn ngoác to hơn nữa và đưa mắt nhìn ba người trước mặt không nói gì. Khoảnh khắc đó trông anh ta như một gã ngốc. Abu Qais nhận xét:

“Nhưng Haj Rida buôn lậu cái gì? Anh đã nói là ông ta rất giàu.”

Tất cả cùng nhìn Abul Khaizuran, còn anh ta chợt thôi cười, trở lại vẻ thờ ơ và uy quyền. Anh ta nói dứt khoát:

“Nói chuyện phiếm thế là đủ rồi. Assad, đừng có nghĩ là cậu thông thái lắm. Cậu quyết định sao rồi?”

Assad lặng lẽ đáp:

“Cá nhân tôi thì chỉ quan tâm đến chuyện tới được Kuwait. Tôi không quan tâm bất cứ chuyện gì khác. Vì thế tôi sẽ đi cùng Abul Khaizuran.”

Marwan phấn khích nói:

“Tôi sẽ đi cùng cả hai người.”

Abu Qais nói:

“Các anh có nghĩ tôi đủ sức đi cùng các anh không? Tôi đã già rồi.”

Abul Khaizuran cười ngặt nghẽo khoác lấy tay Abu Qais. “Hà hà! Trời, Abu Qais, ai bảo với bác là bác già nào? Umm Qais à? Bác phải đi với chúng tôi chứ.”

Họ đã bước tới vài bước bỏ lại Marwan và Assad đứng bên cái ghế xi măng. Abul Khaizuran nhìn lại qua vai hét:

“Abu Qais tối nay ngủ trong xe tải với tôi. Tôi sẽ tới bóp còi trước cửa khách sạn sáng ngày mai, rất sớm đấy.”

CON ĐƯỜNG

Ngồi ở đuôi xe tải cũng không đến nỗi khó chịu lắm. Dù mặt trời đang đổ lửa không thương tiếc xuống đầu, luồng gió nhẹ khi xe chạy khiến họ cũng thấy cái nóng dịu bớt. Abu Qais đã trèo lên nóc với Marwan, hai người ngồi cạnh nhau trên mép bồn nước. Họ đã rút thăm và Assad được ngồi bên ghế tài xế trong chặng đầu chuyến đi.

Assad nghĩ bụng: “Ông già sẽ là người cuối cùng được ngồi đây trong bóng râm. Nhưng cũng chẳng sao; dù sao giờ này nắng vẫn chưa đến nỗi. Đến trưa thì ông già sẽ gặp may.”

Abul Khaizuran đột ngột nói lớn để Assad nghe được trong tiếng máy ồn ào:

“Cậu tưởng tượng xem! Trong đầu tôi so sánh một trăm năm chục cây số này với con đường trong kinh Koran Allah hứa các sinh linh sẽ phải qua trước khi được chỉ tới Thiên đàng hoặc Địa ngục. Kẻ nào ngã xuống sẽ rơi vào Địa ngục, còn ai lành lặn đi qua thì sẽ lên Thiên đàng. Ở đây thiên thần gác cửa là đám lính biên phòng.”

Abul Khaizuran rống lên cười cứ như không phải chính mình vừa nhận xét, rồi anh ta bắt đầu đập cả hai tay vào bánh lái và lắc đầu. “Cậu biết không, tôi sợ là hàng họ sẽ hỏng hết cả trên kia…”

Anh ta hất đầu làm hiệu chỗ ông già đang ngồi với Marwan trên bồn nước, và lại cười sằng sặc.

Assad lặng lẽ hỏi:

“Abul Khaizuran, cho tôi hỏi. Anh đã lấy vợ bao giờ chưa?”

“Tôi à?” anh ta ngạc nhiên hỏi lại, và khuôn mặt gầy bỗng trở buồn như không phải vừa cười lớn chỉ trước có một phút. Rồi anh ta chậm rãi đáp: “Sao cậu lại hỏi thế?”

“Chẳng vì sao cả. Tôi đang nghĩ cuộc đời anh thật tuyệt vời. Chẳng ai lôi anh về hướng nào hết. Anh có thể bay xa một mình đến bất kỳ đâu anh muốn… có thể bay xa một mình.”

Abul Khaizuran lắc đầu, rồi nheo mắt lại trước ánh nắng vừa chợt hắt vào kính chắn gió. Ánh sáng chói đến mức đầu tiên anh không nhìn thấy gì cả. Nhưng anh cảm thấy cơn đau nhói dội lên giữa hai đùi. Sau một hồi anh nhận ra hai chân mình đang bị buộc vào hai cây chống giơ lên cao, có vài người xúm xít xung quanh. Anh nhắm mắt một lúc, rồi mở to hết cỡ. Vòng sáng tròn phía trên đầu choán hết trần nhà phía sau và sáng đến lòa mắt anh. Trong lúc nằm đó, bị trói chặt trong tư thế kỳ quái ấy, anh chỉ nhớ được đúng một điều đã xảy ra vừa lúc trước, và không còn nhớ gì khác. Anh cùng một nhóm người vũ trang đang chạy cùng nhau thì đất trời nổ tung trước mắt và anh ngã sấp mặt xuống. Tất cả chỉ thế. Và bây giờ thì cơn đau khủng khiếp vẫn cắt xé giữa hai đùi anh và ánh sáng tròn khổng lồ vẫn lơ lửng trước mắt còn anh thì cố nhìn thấy mọi vật và người xung quanh, nheo mắt càng nhỏ càng tốt. Bỗng một ý nghĩ đen tối ập đến và anh thét lên như điên. Anh không nhớ nổi mình nói gì, nhưng anh cảm thấy có bàn tay bọc găng trơn truội ập lấy miệng anh hung dữ. Tiếng nói vẳng đến tai anh như xuyên qua lớp bông:

“Tỉnh táo nào. Tỉnh táo nào. Ít nhất cũng hơn là chết.”

Anh không biết họ có nghe thấy anh đang thét qua kẽ răng, trong lúc bàn tay trơn tuột bịt miệng anh không. Hay là giọng anh đã tắc lại trong họng? Dù sao thì anh vẫn nghe thấy như có người khác đang hét vào tai anh:

“Không. Thà chết còn hơn.”

Bây giờ… đã mười năm sau cái cảnh kinh hoàng đó. Mười năm đã qua kể từ khi họ cắt mất nam tính khỏi anh, và anh sống mãi cái ngày ô nhục ấy, ngày qua ngày, giờ qua giờ. Anh đã nuốt nó vào tận đáy lòng kiêu hãnh của mình, và soi xét nó từng giây phút suốt mười năm đó. Và anh vẫn chưa thể quen với nó, chưa thể chấp nhận nó. Suốt mười năm anh đã cố chấp nhận hoàn cảnh mình? Nhưng hoàn cảnh gì? Thú nhận đơn giản rằng anh đã mất tư cách đàn ông trong khi chiến đấu vì tổ quốc? Và đem lại cái gì? Anh đã mất tư cách đàn ông và mất cả tổ quốc, mất hết mọi thứ trên cái thế giới khốn nạn này.

Không, anh không thể vừa lòng, dù mười năm đã qua, không thể quên đi bi kịch của mình mà quen với nó. Anh không thể chấp nhận ngay từ khi anh còn nằm dưới lưỡi dao còn họ thì tìm cách thuyết phục anh mất cái đó còn hơn mất mạng. Ôi mẹ cha quỷ sứ! Họ còn không biết điều đó, họ chẳng biết quái gì hết, thế mà họ tự cho mình dạy người ta mọi thứ! Chẳng phải anh đã không chấp nhận, hay anh không có khả năng chấp nhận nổi chăng? Từ những giây đầu tiên anh đã quyết ý không chấp nhận: phải, là thế đấy. Hơn nữa anh không thể hình dung đầy đủ những chuyện đã xảy ra, và anh đã bỏ trốn khỏi bệnh viện, mù quáng, theo bản năng, trước khi hồi phục hẳn. Cứ như thể chạy trốn sẽ làm mọi chuyện trở về như cũ. Anh đã mất rất lâu mới quen lại được việc mình còn sống, nhưng anh có thành công không? Vẫn chưa. Mỗi lần có ai hỏi anh tình cờ, “Sao anh không lấy vợ?” cái đau dội giữa hai đùi lại trở lại, như anh vẫn đang nằm dưới vòng ánh sáng, hai chân treo giữa trời.

Ánh sáng chói đến mức mắt anh bắt đầu chảy nước. Assad với tay hạ cái chắn sáng dài xuống che mặt Abul Khaizuran.

“Được, như thế tốt hơn rồi. Cảm ơn cậu. Cậu biết không, Abu Qais may mắn lắm đấy.”

Assad nhận ra Abul Khaizuran muốn ngắt đề tài cưới hỏi, nên cậu chỉ trả lời:

“Vì sao?”

“Nếu bác ta đã đi với toán chuyển người, thì chỉ có trời mới giúp được bác ta đến Kuwait.” Gập hai cánh tay quanh bánh lái, Abul Khaizuran tì cả ngực lên. “Các cậu không biết ở đây ra sao. Các cậu chẳng ai biết cả. Chính tôi mới là người đáng hỏi, tôi đây này. Những chuyện tôi biết nhiều như lông trên người con mèo.”

“Ông béo có vẻ tốt bụng. Tôi ưa ông ấy.”

Abul Khaizuran gập đầu xuống quệt mồ hôi trán vào ống tay áo vẫn đặt trên bánh lái. Rồi anh bảo:

“Ha! Lão béo không vượt biên giới cùng cậu, lão chẳng biết có chuyện gì xảy ra.”

“Có chuyện gì xảy ra?”

“Tôi có người bà con tên Hasanain từng được đưa lậu qua biên giới. Sau hơn bảy giờ cuốc bộ thì đêm xuống. Tay dẫn đường mới chỉ về đám ánh sáng đằng xa mà bảo, ‘Kuwait đấy. Cứ đi bộ nửa tiếng nữa khắc đến nơi.’ Rốt cuộc cậu có biết làm sao không? Kuwait quái đâu, chỉ là một làng Iraq hẻo lánh. Tôi có hàng nghìn câu chuyện tương tự kể cho cậu. Những người trông chẳng khác gì súc vật, cầu khấn cho được một hai giọt nước thấm cái lưỡi khô rang. Rồi đến lúc họ gặp được trại Bedouin[15] nào thì sao? Để mua một ngụm nước họ bỏ lại hết tiền bạc hay nhẫn cưới đồng hồ mang theo người. Người ta bảo Hatim[16] là một người Bedouin, nhưng tôi nghĩ đấy hoàn toàn là dối trá. Cái thời ấy qua từ lâu rồi, Abu Saad ạ, qua lâu lắm rồi. Các cậu không nhận ra mà thôi. Các cậu cứ nghĩ lão béo có quyền lực làm bất kỳ điều gì. Tôi biết một người sống sót qua bốn ngày trong hoang mạc một mình; khi gặp được xe đón trên đường tới Al-Jahra anh ta đã thân tàn ma dại. Cậu có biết làm sao không? Anh ta chỉ còn một ham muốn duy nhất: anh ta muốn trở lại Basra ngay khi khỏe lại, dù có phải vượt lại sa mạc cũng cam. Cậu biết vì sao không? Anh ta bảo tôi chỉ muốn quay lại đó nắm cái cổ mập của lão béo bóp cho chết, rồi thì muốn ra sao thì ra. Anh ta lên đường với hai người bạn từ thuở trẻ, từ Gaza, vượt Israel, vượt Jordan, vượt Iraq. Rồi bọn đưa người bỏ mặc họ lại trong sa mạc, ngay trước khi vượt biên giới Kuwait. Anh ta đã chôn các bạn trong vùng đồng không nhà trống ấy và cầm thẻ căn cước của họ theo, hy vọng đến được Kuwait gửi về cho gia đình họ. Anh ta chẳng muốn nghe lời khuyên của bất kỳ ai, anh ta nói mình không muốn quên cũng chẳng cần tha thứ. Chưa hết một tháng thì anh ta lộn ngược đường về lại Iraq, nhưng đến đó thì anh ta bị bắt, và bây giờ đã ngồi bóc lịch đến năm thứ hai. Các cậu nghĩ cái gì trong đầu? Các cậu rời trường đến thẳng đây, một lũ vắt mũi chưa sạch, cứ tưởng sống dễ lắm. Các cậu nghĩ chẳng phải Abu Qais đang đem đời mình ra đánh bạc à? Và bác ta sẽ thua chắc. Cái đó cũng sáng rõ như mặt trời đốt trên đầu ta đây. Ngày mai khi đến được Kuwait, các cậu sẽ ca ngợi tôi mà bảo, ‘Abul Khaizuran nói thật tình với chúng tôi,’ và các cậu sẽ cảm ơn trời ngàn lần bởi tôi đã cứu các cậu ra khỏi nanh vuốt lão béo. Cậu có bao giờ nhìn thấy tận mắt bộ xương vùi trong cát chưa?”

“Anh nói gì cơ?”

“Tôi hỏi cậu có bao giờ thấy tận mắt xương vùi trong cát chưa?”

“Chưa.”

Abul Khaizuran đánh bánh lái rất ngặt tránh một rãnh lớn trên cát, rồi chiếc xe bắt đầu nảy tưng tưng trên đường như đang lao xuống cầu thang rộng. Assad thấy ruột gan sắp ộc cả ra khỏi hàm răng đang đánh vào nhau.

“Cậu sẽ thấy khối nếu đi cùng đám đưa người. Mà dù sao thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.”

“Tại sao?”

“Vì cậu quá bận bịu chẳng nghĩ đến chúng nổi, hay như Hasanain nói, cậu sẽ chẳng muốn nghĩ đến chúng.”

Assad chỉ mỉm miệng cười ngây độn, không biết phải nói gì. Rồi cậu huých Abul Khaizuran hỏi:

“Thế sao anh lại đi chuyển lậu?”

“Tôi á? Chuyển lậu à?”

Assad cười lớn, đập tay lên đùi Abul Khaizuran.

“Thế không thì anh đang làm gì đây?”

“Tôi nên thú thực với cậu chăng? Tôi muốn có tiền, muốn có nhiều, nhiều nữa. Mà tích lũy tiền bằng cách làm ăn lương thiện thì cha chả là khó. Cậu có thấy tôi là sinh vật thảm hại thế nào không? Tôi có chút tiền rồi. Chỉ cần hai năm nữa là tôi sẽ rửa tay gác kiếm, sẽ ổn định. Tôi muốn nghỉ ngơi, muốn duỗi người, muốn nằm nghỉ trong bóng râm, muốn nghĩ ngợi hay là khỏi phải nghĩ ngợi. Tôi chẳng muốn động đậy thêm gì sất. Tôi đã chịu quá nhiều mệt mỏi rồi. Phải, quá nhiều rồi.”

Abul Khaizuran nhanh tay tắt máy, mở cửa rồi nhảy xuống. Bây giờ anh ta hét lên: “Giờ đến phần khó rồi. Ra thôi! Tôi sẽ mở nắp bồn nước cho các cậu. Hà! Trong đó thật chẳng khác nào dưới hỏa ngục.”

Anh thoăn thoắt trèo lên thang sắt nhỏ bên bồn và bắt tay xê dịch cái nắp tròn. Marwan đờ đẫn nghĩ: “Tay anh ấy khỏe thật.” Hai cánh tay đang nhỏ mồ hôi, còn áo anh ta đã ướt đẫm và mặt trông như lấm bùn.

Nắp bồn mở đánh đùng như sấm, Abul Khaizuran đỡ mép tấm kim loại tròn lên đến khi dựng đứng trên bản lề để lộ mặt trong đỏ vì rỉ. Abul Khaizuran ngồi bên miệng bồn, chân dạng rộng thả xuống, lau mồ hôi bằng cái khăn tay đỏ vắt qua gáy cài vào cổ áo sơ mi xanh. Anh ta thở hổn hển.

“Ba người bỏ áo ra thì hơn. Hơi nóng ngột ngạt kinh khủng, mọi người sẽ đổ mồ hôi như ngồi trong lò. Nhưng chỉ khoảng năm bảy phút thôi, tôi sẽ cố gắng lái nhanh hết sức. Trong đó có các thanh chắn sắt, mỗi góc một cái, tốt nhất là mọi người bám chặt lấy nếu không sẽ lăn lông lốc ở trong. Tất nhiên giày cũng phải bỏ ra nữa.”

Tất cả đứng im phắc trên mặt đất. Abul Khaizura nhổm lên rồi nhảy xuống, cố vui cười.

“Nếu trời dịu hơn tí chút thì ngủ trong ấy cũng được.”

Abu Qais nhìn sang Marwan rồi cả hai nhìn Assad. Bị những cái nhìn thúc ép, cậu bước lên vài bước, rồi trở lại và lại đứng yên, trong khi Abul Khaizuran quan sát.

“Tôi nghĩ mọi người nhanh lên thì hơn. Giờ mới đầu giờ sáng, nhưng chẳng mấy chốc nữa trong bồn sẽ đúng y như cái lò. Có thể mang bình nước vào, nhưng khi nào thấy xe đứng yên thì đừng có động đậy.”

Marwan quyết định rồi rảo bước tới bên thang. Nhưng Assad đã chạy tới trèo lên thang trước, rồi cúi mình nhìn vào miệng bồn mở. Cậu thò đầu vào trong vài phút, rồi ngẩng ra.

“Đúng là địa ngục. Trong này đang cháy.”

Abul Khaizuran xòe hai tay nói:

“Tôi đã nói trước rồi mà.”

Cả Marwan cũng đã trèo lên đến nơi và ló đầu vào miệng bồn, rồi lại rút ra với vẻ ghê tởm sợ hãi. Abu Qais lên đến bên cả hai, thở hổn hển. Abul Khaizuran đứng dưới hét lên:

“Mọi người biết nếu muốn hắt hơi thì phải làm gì rồi chứ?”

Assad uể oải cười, còn Marwan nhìn xuống, Abu Qais thì có vẻ chẳng hiểu đâu vào với đâu.

“Để ngón tay chặn dưới hai lỗ mũi thế này này.” Abul Khaizuran minh họa, trông anh ta đúng y như gã hề.

Assad tiến lên trước nói:

“Chắc là chúng tôi có ai hắt hơi được trong cái lò hấp này đâu. Về chuyện đó thì anh khỏi lo.” Assad chống tay lên hông đứng cạnh miệng bồn, đầu cúi thấp, như đang muốn nhìn xem có gì bên trong; còn Abu Qais cởi áo rồi cuộn lại cẩn thận, kẹp dưới nách. Bộ ngực trần của bác lún phún lông muối tiêu, xương bả vai lồi ra.  Bác ngồi xuống mép miệng bồn, chân đung đưa ở trong. Bác ném áo xuống trước, rồi tuột mình xuống theo, chậm và thẳng, tì trên hai cánh tay dựa vào mép miệng bồn đến khi chân chạm vào đáy rồi thả hai tay ra, trượt người xuống thật thận trọng. Đầu bác biến mất bên trong và hai tay cũng đi theo.

Assad cúi mình hỏi lớn:

“Tình hình thế nào?”

Tiếng vọng đáp lại từ bên trong như ở dưới vực sâu bay lên:

“Đúng là giếng quỷ. Xuống đi!”

Assad nhìn sang Marwan, chú đã cởi áo đứng đợi trong lúc Abul Khaizuran lại trèo lên thang.

“Đến lượt ai?”

“Tôi.” Marwan đến bên miệng bồn, xoay lưng lại. Chú thả hai chân xuống trước, tì bụng vào mép. Cả thân người chú thành thạo tuột xuống dưới, hai bàn tay còn lại bám vào gờ miệng bồn một thoáng trước khi biến mất.

Assad đi theo hai bạn mà không bỏ áo, và khi miệng bồn đã che lấp cậu, Abul Khaizuran gập người cố nhìn xem ở trong thế nào. Nhưng anh chẳng nhìn được gì hết, bởi mỗi lần nhìn thì thân mình anh lại chắn ánh sáng chiếu vào trong. Cuối cùng anh hét lên: “Thế nào?”

Tiếng vang vang đáp lại:

“Anh còn đợi gì? Nhanh lên chứ! Chúng tôi chết ngạt đến nơi rồi.”

Abul Khaizuran đóng nắp thật nhanh rồi xoay tay cầm hai lần. Anh nhảy xuống rồi vội vàng lên buồng lái. Cửa chưa kịp đóng thì bánh xe đã nghiến trên mặt đường.

Trong vài phút ấy chỉ có một ý nghĩ duy nhất chạy qua đầu Abul Khaizuran. Con đường xẻ rãnh như cái cầu thang dài đang lắc cái xe như điên như dại. Thế này thì sữa sẽ thành bơ nhanh đến máy đánh điện cũng chẳng bì. Marwan thì chẳng sao: chú còn nhỏ. Assad cũng chẳng sao, cậu ta thân hình lực lưỡng. Nhưng Abu Qais thì sao? Chẳng lạ là răng anh đánh như người sắp chết cóng, chỉ có điều đây chẳng có băng.

Abul Khaizuran có thể giảm xóc nảy nếu chạy nhanh hơn, nếu bắt cái xe chết tiệt này chạy trăm hai chứ không phải chín mươi như đồng hồ đang chỉ. Nhưng nếu làm thế thì ai bảo cái xe sẽ chẳng lộn nhào trên mặt đường khốn nạn thế này? Cái xe có lộn thì cũng không sao, chẳng phải xe anh, nhưng nếu nó lại chổng bánh lên trời thì sao? Và ai biết máy có chịu nổi tốc độ như thế trong thời tiết như này, trên địa hình thế ấy? Một bác tài lão luyện nếu tỉnh trí thì chẳng nên đua tới những con số phi lý trên mặt đồng hồ.

Anh không đi chậm lại khi vào đến Safwan, cũng chẳng nhích chân một mảy khỏi bàn đạp ga khi quẹo vào quảng trường, hướng đến phòng cò bên trái. Anh đánh xe quay tròn, bắn lên một đường cung bụi rộng, và chỉ nhả chân khi kéo phanh thật gắt ngay trước cửa vào. Anh lao vọt vào trong như mũi tên.

Quảng trường xuất nhập cảnh ở Safwan rộng, rải cát, chỉ có đúng một cái cây đơn lẻ đứng giữa, lá dài rủ xuống cũng tạo được bóng rộng giữa quảng trường. Xung quanh là những phòng cửa gỗ trổ thấp, các cơ quan bao giờ cũng đông và người nào cũng bận rộn. Khi thân hình lêu đêu của Abul Khaizuran chạy ngang quảng trường, anh chẳng nhận thấy gì trừ vài người phụ nữ dưới bóng cây, quấn khăn trùm kín người. Một hai đứa trẻ đứng cạnh vòi nước máy, người gác thì ngủ gật trên ghế đẩu cũ.

“Abul Khaizuran hôm nay vội gớm.”

“Phải. Haj Rida đang đợi. Nếu tôi về muộn ông ấy sẽ tống cổ tôi.”

“Haj Rida chẳng đời nào tống cổ anh đâu. Khỏi phải lo. Ông ấy kiếm đâu ra được một chàng trai bằng anh.”

“Trên đời này trai trẻ mọc như nấm. Ông ấy chỉ cần vẫy tay là sẽ có cả đống bu vào.”

“Anh có gì mang theo?”

“Vũ khí. Xe tăng. Xe thiết giáp. Sáu máy bay và hai súng.”

Người kia bật cười ha hả. Abul Khaizuran lẹ làng kéo tờ giấy dưới tay ông ta ra rồi lao vọt ra ngoài. Vào đến phòng sau anh tự nhủ: “Phần khó nhất qua rồi.” Một phút sau anh đã ra khỏi phòng bên cạnh, và chưa kịp nháy mắt anh đã bật máy, xé toang bức màn im lặng phủ trên Safwan và lên đường.

Trong khi chiếc xe lao vun vút trên đường, kéo theo luồng bụi sau lưng, mồ hôi chảy đầm đìa khắp người Abul Khaizuran, vằn vện trên mặt rồi tụ lại dưới cằm. Mặt trời vẫn sáng chói, gió rất nóng mang theo bụi mịn như bột. “Cả đời mình chưa bao giờ thấy thời tiết khốn khiếp thế này.” Anh cởi các cúc áo và ngón tay đụng vào lớp lông dày trên ngực cũng ướt đẫm. Con đường giờ phẳng ra, xe không còn xóc như điên nữa, anh tăng tốc. Đồng hồ tốc độ bật lên như con chó trắng bị buộc vào cột lều.

Anh nhìn xoáy tới trước, mắt mờ đi vì mồ hôi, cố tìm đường viền ngọn đồi nhỏ. Qua khỏi đó là Safwan khuất tầm mắt, và đến đó anh sẽ phải dừng lại.

Anh ấn mạnh nữa vào bàn đạp để xe lên dốc không bị chậm. Anh cảm thấy các bắp thịt chân xoắn lại sắp rách đến nơi. Mặt đất vùn vụt lao qua, chiếc xe gầm lên. Cỏ chói lóa, mồ hôi cháy bỏng mắt. Nhưng đỉnh đồi vẫn còn xa thăm thẳm. Lạy thánh toàn năng! Làm sao có một đỉnh đồi mà gọi lên ngần ấy cảm giác đang trào qua huyết quản anh, đổ lửa lên da mặt lấm bụi của anh như mồ hôi muối. Lạy thánh nhân từ chưa bao giờ đến với tôi, chưa bao giờ nhìn xuống tôi, chưa bao giờ được tôi tin tưởng, liệu người có thể có mặt ở đây lúc này không? Chỉ lần này thôi?

Anh chớp mắt vài lần cho mồ hôi chảy khỏi mắt, và khi mở lại đỉnh đồi đã ngay trước mặt anh. Anh trèo lên đỉnh, tắt máy, cho xe lăn xuống một lúc rồi dừng hẳn và nhảy từ cửa xe xuống đuôi bồn nước.

Marwan trèo ra trước. Chú giơ hai tay lên, Abul Khaizuran thô bạo kéo chú lên đặt nằm trên đỉnh bồn. Abu Qais nhô đầu lên, định cố trèo ra nhưng quá sức bác. Thế nên bác giơ hai tay để Abul Khaizuran giúp mình. Assad trèo được lên đến miệng. Cậu cũng đã bỏ áo ra.

Abul Khaizuran ngồi trên đỉnh bồn rất nóng. Anh đang thở dốc, nhìn anh có vẻ già đi mấy tuổi. Trong lúc đó Abu Qais đã chầm chậm tụt xuống bên bánh và nằm úp mặt trong bóng râm thành xe. Assad đứng sững một lúc, hít thở thật sâu. Có vẻ cậu muốn nói gì đó mà không được. Cuối cùng cậu thở hắt ra:

“Ôi! Ngoài này lạnh thế.”

Mặt cậu đã đỏ bừng và dâm dấp. Quần ướt đẫm vì mồ hôi, ngực có những vết rỉ đỏ trông như máu lấm tấm. Marwan nhỏm dậy theo thang tụt xuống, chú đã mệt lử. Mắt chú đỏ vằn, ngực bám đầy rỉ. Khi xuống tới đất, chú ngả đầu trên đùi Abu Qais, chậm chạp duỗi người bên bánh xe. Assad xuống theo sau một lúc, và rồi đến Abul Khaizuran. Tất cả ngồi gục đầu trên gối nghỉ, chân gập lại. Abul Khaizuran một lúc sau cất lời:

“Đáng sợ lắm không?”

Chẳng ai trả lời anh. Ánh mắt anh lướt ngang mặt từng người, trông ai cũng vàng bệch như xác ướp. Nếu không phải ngực Marwan vẫn phập phồng còn Abu Qais vẫn thở khò khè, chắc anh nghĩ họ đều đã chết cả.

“Tôi đã bảo mọi người là bảy phút mà. Dù sao thì từ đầu đến cuối cũng chưa quá sáu phút.”

Assad trừng mắt nhìn anh. Marwan mở mắt mà chẳng nhìn cái gì cụ thể, còn Abu Qais quay mặt đi.

“Tôi thề danh dự với mọi người! Đúng sáu phút chẵn. Nhìn đi! Sao, chẳng ai muốn nhìn à? Tôi đã nói với mọi người rồi, tôi nói ngay từ đầu mà, thế mà bây giờ các người làm như tôi nói dối. Đồng hồ đây này. Nhìn xem! Nhìn xem!”

Marwan ngẩng đầu lên, chống tay đứng dậy, đưa mắt nhìn về phía Abul Khaizuran, đầu hơi ngả ra đằng sau. Cứ như chú không nhìn rõ anh.

“Anh đã thử ngồi trong đó sáu phút chưa?”

“Tôi đã bảo…”

“Đấy không phải là sáu phút.”

“Sao cậu không nhìn đồng hồ của cậu xem? Cậu nhìn xem? Ngay trên tay cậu kìa. Nào, nhìn đi! Nhìn đi! Và đừng có ngớ ngẩn nhìn tôi thế.”

Abu Qais nói:

“Đấy đúng là sáu phút. Từ đầu đến cuối tôi vẫn đếm. Từ một đến sáu mươi, là một phút. Tôi tính bằng cách đó. Tôi đếm được sáu lần. Lần cuối cùng tôi đếm rất chậm.”

Bác vừa nói vừa ngắc ngứ, giọng nhỏ hẳn, khiến Assad hỏi:

“Có chuyện gì không Abu Qais? Bác ốm à?”

“Tôi à? Tôi à? À… không đâu. Nhưng tôi đang tranh thủ hít khí trời.”

Abul Khaizuran đứng dậy phủi cát khỏi quần. Anh chống tay vào hông đưa mắt nhìn từ người này sang người kia.

“Đi thôi. Chúng ta không nên phí thời giờ thêm nữa. Mấy người còn phải ngồi xông hơi một chặp nữa sau mấy phút nữa đấy.”

Abu Qais đứng dậy đi về buồng lái, và Assad trèo lên thang, nhưng Marwan vẫn ngồi lại trong bóng râm. Abul Khaizuran hỏi:

“Cậu không định dậy à?”

“Sao chúng ta không nghỉ thêm chút nữa?”

Assad hét vọng xuống:

“Chúng ta sẽ nghỉ thật lâu sau khi tới nơi, không phải là bây giờ. Lên đi.”

Abul Khaizuran cười ngặt nghẽo. Anh đập tay vào vai Marwan nói:

“Lên ngồi với Abu Qais đi. Cậu gầy thế chẳng vướng gì chúng tôi đâu. Trông cậu mệt quá.”

Marwan trèo lên ngồi cạnh Abu Qais. Abul Khaizuran hét to trước khi đóng cửa:

“Mặc áo vào đi Assad, nếu không mặt trời nướng chín cậu đấy.”

Marwan hết hơi lẩm bẩm với Abul Khaizuran:

“Bảo anh ấy để ngỏ cửa lò, có khi nó nguội bớt.”

Abul Khaizuran tươi tỉnh hét to:

“Và để ngỏ cửa bồn.”

Máy lại gầm lên và chiếc xe bắt đầu vạch một đường mờ sương ngang sa mạc, dâng lên rồi biến mất trong cái nóng.

NNG VÀ RÂM

Chiếc xe bồn, một thế giới nhỏ, đen kịt như đêm, lần đường ngang sa mạc như giọt dầu nặng lăn qua tấm thiếc bỏng rãy. Mặt trời lơ lửng tít trên cao, tròn xoe, cháy rực, sáng đến lóa mắt. Chẳng ai buồn lau mồ hôi nữa. Assad trải rộng áo trên đầu, gập chân lại, mặc cho nắng nướng không thèm kháng cự. Marwan tựa đầu lên vai Abu Qais nhắm mắt lại. Abu Qais nhìn sững con đường, môi mím chặt dưới hàng ria dày xám.

Bốn người chẳng còn ai muốn nói chuyện, không phải chỉ vì đã mệt lả do chặng hành trình, mà còn vì mỗi người đang chìm đắm trong suy nghĩ riêng. Cái xe lớn đang đưa họ đi theo con đường, đưa cả những ước mơ, những gia đình, những hy vọng và ham muốn, những khổ ải và bi lụy, đưa sức mạnh và yếu đuối, quá khứ và tương lai họ, như đẩy cánh cửa hùng vĩ mở ra một vận mệnh mới lạ lẫm, và mọi con mắt đều dồn về cánh cửa như bị thắt lại bởi những sợi dây vô hình.

Chúng mình sẽ đủ tiền cho Qais đi học và còn mua một hai chồi ô liu nữa. Có thể chúng mình sẽ xây được cái chòi nhỏ mà sống, của riêng chúng mình. Tôi đã già rồi; có thể tôi sẽ tới nơi mà cũng có thể không. Và bác nghĩ sống ở đây thế này là tốt hơn chết à? Sao bác không ráng sức như chúng tôi đây? Sao bác không nhấc mông khỏi đệm và dấn vào cõi thế của Allah mà tìm cách kiếm ăn? Bác định bỏ cả đời ăn suất phát chẩn một ký lô bột mà ném danh dự ở cửa quan à?

Cái xe đi mãi trên mặt đất cháy bỏng, máy xe gầm lên không xót thương.

Shafiqa chẳng có lỗi gì. Mới còn thiếu niên cô đã bị đạn súng cối bắn dập cẳng, bác sĩ phải cắt bỏ từ tận gốc đùi. Và mẹ chú chẳng muốn nghe ai nói chuyện về bố chú.  Zakaria đã biến mất. Đến đó, đến Kuwait, mày sẽ hiểu ra mọi điều. Mày sẽ học được mọi điều. Mày vẫn còn nhỏ xíu, mày chẳng biết gì về đời cũng như đứa bé ẵm ngửa chẳng biết gì về căn nhà xung quanh. Trường học chẳng dạy được gì đâu. Chỉ dạy thói nằm ườn thôi. Thế nên bỏ trường đi và nhảy vào chảo lửa như tất cả mọi người đi.

Cái xe đi mãi trên mặt đất cháy bỏng, máy xe gầm lên không chịu nổi.

Có thể nó chôn ngầm dưới đất, anh dẫm phải khi chạy qua, hoặc có thể quả bom quẳng ra trước mặt anh từ tay một người nấp trong hào gần đấy. Nhưng chẳng còn gì quan trọng nữa. Chân anh đã bị treo lơ lửng trên không còn hai vai vẫn nằm trên cái giường trắng êm ái, cơn đau khốn khổ vẫn sắc bén giữa hai đùi. Có cả một người đàn bà ở đó, trợ giúp các bác sĩ. Mỗi lần nhớ lại chuyện này, mặt anh lại tối lại vì hổ thẹn. Và rồi ái quốc đem lại cho mày cái gì đây? Mày ném cả đời vào chuyện phiêu lưu, rồi bây giờ mày chẳng còn ngủ với đàn bà được! Và mày đã làm được công trạng gì? Cứ để người chết tự chôn người chết. Bây giờ tôi chỉ muốn có tiền, có nhiều tiền.

Cái xe đi mãi trên mặt đất cháy bỏng, máy xe gầm lên điếc tai.

Tay cảnh sát đẩy cậu xuống trước mặt tay sĩ quan, và tay này bảo: “Mày nghĩ mày anh hùng lắm khi lũ lừa công kênh trên đường mà biểu với chẳng tình.” Hắn nhổ vào mặt cậu, nhưng Assad không hề nhúc nhích mặc nước bọt lăn trên trán rồi đọng lại trên đỉnh mũi thành một bãi kinh tởm. Chúng dẫn cậu ra ngoài, rồi khi vào đến hành lang cậu nghe người cảnh sát đang bóp vai mình nói nhỏ: “Thù bộ đồng phục này!” Rồi anh ta buông cậu ra, và Assad bỏ chạy. Ông chú muốn gả tháo cậu cho con gái nên muốn cậu có đà tiến trong đời. Nếu không cả đời cậu cũng chẳng tích đâu ra được năm mươi dinar.

Cái xe đi mãi trên mặt đất cháy bỏng, máy xe há hoác miệng đớp từng miếng đường.

Mặt trời giữa bầu trời tỏa một lồng lửa trắng chụp lên sa mạc, vệt bụi sau xe phản chiếu lại lóa mắt. Họ đã quen nghe kể ai đó tới Kuwait chẳng về bởi anh ta đã chết; anh ta đã chết vì trúng nắng. Anh ta đang cắm mai vào đất thì sụp xuống một đầu gối rồi hai. Và rồi thì sao? Anh ta chết vì trúng nắng. Anh muốn chôn ở đây hay đằng kia? Trúng nắng, chỉ có thế thôi. Đúng lắm. Ai đã nghĩ ra từ “trúng nắng”? Chẳng phải thiên tài lắm sao? Sa mạc như một gã khổng lồ đang nấp, giơ những lưỡi roi lửa quật vào đầu họ, đổ nhựa đường sôi. Nhưng liệu mặt trời có thể giết họ cùng mùi hôi thối nghẹt tắc trong ngực họ được không? Những ý nghĩ hình như chạy từ đầu người này sang người nọ, trĩu nặng những ngờ vực chung, bởi họ chợt cùng đưa mắt nhìn nhau. Abul Khaizuran nhìn Marwan và rồi nhìn Abu Qais, nhận ra bác cũng đang nhìn mình. Anh cố mỉm cười, nhưng không được, nên giơ tay áo lau mồ hôi trán và lầm bầm:

“Đây đúng là địa ngục mà tôi được dạy.”

“Địa ngục của Allah?”

“Phải.”

Abul Khaizuran đưa tay tắt máy, rồi anh chậm chạp xuống xe, theo sau là Marwan và Abu Qais, trong lúc Assad vẫn ngồi vắt vẻo trên cao.

Abul Khaizuran ngồi trong bóng râm bên xe đốt thuốc lá. Anh nói nhỏ:

“Ta nghỉ ngơi một chút trước khi nhảy múa tiếp nào.”

Abu Qais hỏi:

“Sao anh không đưa chúng tôi đi từ tối qua, như thế sẽ được đi trong tối mát mà chẳng phiền thế này?”

Chẳng nhìn lên khỏi mặt đất, Abul Khaizuran trả lời:

“Đường từ Safwan tới Mutlaa ban đêm đầy tuần cảnh. Ban ngày chẳng tay nào liều điều tra trong cái nóng thế này.”

Marwan nhận xét:

“Nếu xe của anh bất khả xâm phạm chẳng bao giờ bị lục soát, sao chúng tôi không thể ở ngoài cái nhà ngục kinh khủng đấy?”

Abul Khaizuran gắt gỏng đáp:

“Đừng có dở hơi. Cậu sợ năm sáu phút ngồi trong đó thế kia à? Chúng ta đi được quá nửa chặng đường rồi, chỉ còn phần dễ nhất thôi.” Anh đứng dậy, đi lấy túi da đựng nước vắt ngoài cửa, mở nắp. “Tôi sẽ thết cả nhà một bữa ngon lành khi nào đến nơi. Tôi sẽ mổ hai con gà…” Anh nâng túi nước đổ vào miệng tới khi nước trào ra khóe mép chảy xuống cằm và xuống cái áo ướt sẵn. Khi đã thỏa cơn khát anh đổ nốt phần còn lại trong túi lên đầu, mặc cho nước chảy xuống trán, xuống cổ, xuống ngực, khiến trông anh rất lạ thường. Anh treo lại túi nước bên ngoài cửa, xòe hai bàn tay lớn và la to:

“Nào, các bạn đều đã học lành nghề cả. Mấy giờ rồi? Mười một rưỡi rồi. Cứ nghĩ xem, đúng bảy phút ở bên ngoài nữa tôi sẽ mở nắp cho mọi người. Nhớ lấy, mười một rưỡi.”

Marwan nhìn đồng hồ gật đầu. Chú định nói thêm điều gì nữa nhưng không đủ sức, nên chỉ bước vài bước lại bên thang trèo lên.

Assad cuốn áo lại chui tọt vào miệng bồn. Marwan lưỡng lự một chút rồi vào theo, tì bụng lên mép và khéo léo tuột vào trong, cử động rất gọn. Abu Qais lắc đầu hỏi: “Bảy phút cơ à?”

“Ở bên ngoài!”

Abul Khaizuran vỗ vai Abu Qais và nhìn thẳng vào mắt bác. Họ đứng bên nhau ròng ròng mồ hôi, cả hai không nói nên lời.

Abu Qais trèo lên thang, bước chân mạnh bạo, thả chân vào miệng bồn. Hai cậu trẻ giúp bác vào trong.

Abul Khaizuran đóng nắp và xoay tay cầm hai lần trước khi vội vã nhảy xuống chạy về buồng lái.

Chỉ một phút rưỡi sau anh đã lái qua cổng lớn đang mở giữa hàng rào thép gai quanh đồn Mutlaa. Anh cho xe dừng lại trước những bậc thềm lớn dẫn lên tòa nhà một tầng lát gạch nằm giữa các phòng nhỏ cửa sổ thấp khép chặt. Đối diện là mấy quầy bán đồ ăn, tiếng máy điều hòa rì rầm khắp nơi.

Chỉ có một hai chiếc xe đang đỗ bên rìa quảng trường. Cảnh im lặng đè nặng không bị phá vỡ, ngoại trừ tiếng u u của máy điều hòa gắn vào mọi cửa sổ nhìn ra quảng trường. Chỉ có một người lính đứng trong túp lều gỗ nhỏ bên bậc thang rộng.

Abul Khaizuran hối hả chạy lên thềm nhằm phòng thứ ba bên phải. Ngay khi mở cửa vào bên trong, những ánh mắt ném về phía anh từ những người ngồi trong đã khiến anh cảm thấy có chuyện gì sắp xảy ra. Nhưng anh không chậm lại mà vẫn đẩy giấy tờ về phía viên thư lại béo mập ngồi giữa phòng.

“À, Abu Khaizurana đấy ư!” viên thư lại hét to, cùng lúc gạt tập giấy sang bên cố tình tỏ ra hờ hững, hai tay khoanh lại trên mặt bàn kim loại. “Anh mất mặt ở đâu lâu nay?”

Abul Khaizuran thở gấp:

“Tôi ở Basra.”

“Haj Rida hỏi thăm anh không dưới sáu lần.”

“Cái xe bị hỏng giữa đường.”

Ba viên chức trong phòng bật cười hô hố và Abul Khaizuran quay nhìn quanh rất hoang mang. Rồi anh nhìn chăm chú vào mặt tay béo.

“Sáng nay các ông có gì vui thế?”

Ba tay viên chức liếc nhau rồi lại phá ra cười. Abul Khaizuran căng thẳng nói, đổi từ chân này sang chân kia:

“Abu Baqir này, tôi không có thời gian đùa bỡn đâu. Làm ơn…”

Anh đưa tay đẩy tập giấy về gần lại tay kia, nhưng lần nữa Abu Baqir đẩy lại sang mép bàn, khoanh tay mỉm cười độc địa.

“Haj Rida hỏi thăm anh sáu lần.”

“Tôi đã nói là xe hỏng mà. Và Haj Rida với tôi sẽ giải thích được khi nào gặp nhau. Xin ông ký cho. Tôi đang vội.”

Anh lại đẩy tập giấy về, nhưng lần nữa Abu Baqir lại đẩy ra.

“Xe anh hỏng à?”

“Đúng thế. Làm ơn! Tôi đang vội quá.”

Ba tay viên chức nhìn nhau cười khẽ ra vẻ thông hiểu. Một người trên bàn trống trơn, chỉ có mỗi cốc trà nhỏ; người kia đã ngưng làm việc để theo dõi câu chuyện.

Gã béo tên là Abu Baqir rống lên:

“Tỉnh táo tí nào Abu Khaizurana. Thời tiết này việc gì phải vội vã chứ? Phòng đây thì mát, tôi sẽ pha cho anh cốc trà. Cứ thoải mái tận hưởng đi.”

Abul Khaizuran cầm xấp giấy, nhặt cái bút trước mặt Abu Baqir và đi vòng qua bên kia bàn tới đứng cạnh gã ta. Anh đẩy cái bút về phía gã, huých vai gã.

“Tôi sẽ ngồi với ông cả giờ đồng hồ khi nào quay lại, nhưng giờ thì cho tôi đi đi, nhân danh Baqir và cả mẹ Baqir nữa. Ký vào đây!”

Abu Baqir không đưa tay mà vẫn trơ trơ nhìn anh, trông như sắp phá lên cười nữa.

“Cái thằng quỷ Abu Khaizurana này! Sao anh không nhớ là anh phải vội cái lúc còn ở Basra? Hử?”

“Tôi đã bảo ông là xe nằm chết trong gara mà.”

Anh lại đẩy bút cho Abu Baqir, nhưng gã ta không nhúc nhích.

“Dối làm gì nữa, Abu Khaizurana! Haj Rida đã kể chúng tôi nghe đầu đuôi câu chuyện rồi.”

“Câu chuyện nào?”

Bọn họ liếc nhìn nhau, còn mặt Abul Khaizuran trắng bệch vì sợ, cây bút run bắn trong tay anh.

“Câu chuyện về cô ả vũ nữ đó. Tên ả là gì Ali nhỉ?”

Ali ngồi ở cái bàn trống trả lời:

“Kawkab.”

Abu Baqir đập tay đánh sầm xuống bàn cười toe toét:

“Kawkab. Kawkab. Abu Khaizurana, đồ quỷ sứ. Sao anh không nói toẹt ra anh ở Basra làm những trò gì? Anh cứ làm ra vẻ đường hoàng chính đính trước mắt tụi tôi, rồi thì anh đi Basra nhảy tăng gô với cô nhỏ đó. Kawkab à. Đúng rồi, Kawkab, đúng là tên ấy.”

“Anh nói nhảm Kawkab Kawkiếc gì vậy? Để tôi đi đi không Haj Rida tống tôi khỏi cửa bây giờ.”

Abu Baqir đáp:

“Làm gì có chuyện. Kể xem cô em vũ nữ này thế nào đi. Ông Haj biết tất tật và kể hết cho tụi tôi rồi. Xem nào.”

“Nếu Haj Rida kể cho các ông rồi thì sao còn bắt tôi kể lại làm gì?”

Abu Baqir đứng dậy hú lên một tiếng như bò rống.

“À há! Vậy là đúng rồi. Đúng đứt đuôi con nòng nọc đi rồi.” Gã ta đi vòng qua bàn ra giữa phòng. Những chuyện tục tĩu làm gã ta phấn chấn. Gã ta đã ngày đêm nghĩ về chuyện đó, thêm mắm dặm muối bằng những thứ bẩn thỉu sinh ra trong cảnh thiếu thốn lâu dài đói khát của mình. Ý nghĩ một người bạn mình đã ngủ với gái điếm làm gã ta phấn khích, đáng giá tất cả những giấc mơ kia.

“Anh đi Basra rồi kết luận là xe hỏng, và rồi anh hưởng những đêm thần tiên với cô nàng Kawkab. Giời đất ơi, Abu Khaizurana! Giời đất ơi, đồ quỷ sứ nhà anh! Từ từ kể xem cô nàng thổ lộ tình yêu ra sao nào. Haj Rida nói nàng yêu anh đến mức vung tiền cho anh và viết cả chi phiếu cho anh nữa chứ. Á à, đồ quỷ sứ nhà anh!”

Gã ta tiến lại phía Abul Khaizuran, mặt đỏ ửng lên. Rõ ràng gã ta khoái trá được nghĩ về câu chuyện Haj Rida kể qua điện thoại. Gã ta cúi lại khàn khàn thì thào vào tai anh:

“Có phải do anh mạnh mẽ quá chăng? Hay ở đó hiếm đực rựa?”

Abul Khaizuran cười nghiêng ngả rồi dúi tập giấy vào ngực Abu Baqir. Gã ta cầm bút ký không nhìn, người rung lên vì cố nén cười. Nhưng khi Abul Khaizuran chìa tay định cầm tập giấy, Abu Baqir giấu ra sau lưng, tay kia gạt Abul Khaizuran ra.

“Lần sau thì tôi sẽ tháp tùng anh đến Basra. Duyệt chứ? Anh phải giới thiệu tôi với cô Kawkab này mới được. Haj Rida nói cô ta đúng là đại mỹ nhân.”

Abul Khaizuran run rẩy đáp, tay giơ ra tìm cách lấy số giấy tờ:

“Tôi đồng ý.”

“Thề danh dự chứ?”

“Thề danh dự.”

Abu Baqir lại cười nghiêng cười ngả, cái đầu tròn lắc lia lịa trở về chỗ cũ, còn Abul Khaizuran cầm giấy tờ chạy vụt ra ngoài, còn bị giọng gã ta văng vẳng đuổi theo:

“Đồ quỷ sứ, Abu Khaizurana! Hắn ta lừa dối chúng mình suốt hai năm, nhưng giờ hắn đã lòi đuôi ra rồi. Abu Khaizurana, đồ quỷ sứ!”

Abul Khaizuran chạy vụt vào phòng bên cạnh, mắt nhìn đồng hồ. Mười hai giờ kém mười lăm rồi. Những giấy tờ còn lại không mất quá một phút. Ra khỏi cửa luồng khí nóng lại quất vào người, nhưng anh chẳng hề chú ý, nhảy xuống hai bậc một tới khi đến xe. Anh ngước nhìn bồn nước một giây, cảm giác kim loại sắp chảy ra dưới nắng hừng hực. Máy chạm vào là gầm lên, anh lập tức đóng cửa, chẳng mất công vẫy tay gác. Đường bây giờ đã hoàn toàn bằng phẳng và anh phải mất một phút hay phút rưỡi mới qua chỗ ngoặt đầu tiên, tránh khỏi tầm nhìn đồn cảnh sát. Anh buộc phải chậm lại một chút khi ngang qua một xe tải lớn, nhưng sau đó anh đạp lút ga cho xe phóng hết tốc lực. Khi đến chỗ ngoặt bánh xe ré lên như thét, suýt cán vào mép cát khi đánh vòng cua khổng lồ. Đầu anh tràn ngập kinh hoàng, anh nghĩ mình sắp ngất xỉu ngay trên bánh lái. Bánh lái nóng rực đốt bỏng hai bàn tay rắn chắc, nhưng anh không buông lỏng tay. Da mặt ghế bỏng rát dưới mông anh, cửa kính xe bụi bặm và chói lóa vì ánh mặt trời.

Tiếng rít rợn người dưới bánh xe nghe như muốn lột mặt nhựa đường. Sao mày phải nói lắm chuyện ngu xuẩn như thế hả Abu Baqir? Sao mày phải mửa những thứ bẩn tưởi của mày lên mặt tao và mặt họ? Cầu Allah trừng phạt mày. Cầu Allah không có trên đời trừng phạt mày, Abu Baqir! Cả mày nữa, Haj Rida, đồ dối trá! Vũ nữ ư? Kawkab à? Khốn nạn cả lũ nhà mày!

Anh cho xe dừng gắt, trèo qua bánh xe lên nóc bồn nước. Khi chạm vào nắp kim loại anh bị bỏng tay, không dám đặt lại lâu. Anh lùi tay lại, tì khuỷu tay bọc tay áo lên mặt bồn, bò đến cái chốt đặt xeo xéo. Anh lấy một góc áo sơ mi bọc lấy rồi vặn, nó bật tung và cái đĩa kim loại rỉ sét quay thẳng đứng.

Buông cái nắp ra anh thoáng nhìn thấy đầu kim đồng hồ trên tay. Đã mười hai giờ kém chín phút. Mặt đồng hồ tròn đã nứt vụn. Miệng bồn mở hoác. Tiến lại như bị thôi miên, khuôn mặt anh méo đi, môi dưới run rẩy, anh thở hồng hộc, kinh sợ rụng rời. Một giọt mồ hôi trên trán anh rơi xuống mặt bồn lập tức bốc hơi. Anh chống tay lên đầu gối, gập cái lưng đẫm ướt đến khi mặt hướng vào lỗ hổng, gọi to giọng khô khản:

“Assad!”

Tiếng hô bật lại từ lòng bồn xói vào tai anh muốn thủng màng nhĩ. Khi tiếng vọng chưa kịp tắt, anh lại hô lớn:

“Ê này!”

Anh đặt hai bàn tay thật vững trên mép miệng, chống tay đỡ rồi tuột vào trong lòng bồn. Bên trong rất tối, ban đầu anh không nhìn ra gì, nhưng khi dịch khỏi miệng bồn một mảnh sáng vàng rọi vào trong lộ ra bộ ngực đầy lông bạc, sáng lóa như tráng thiếc. Abul Khaizuran gập người áp tai vào mớ lông bạc ẩm. Cái thân người đã lạnh cứng. Anh duỗi tay, lần đường ra đến đuôi bồn. Xác thứ hai vẫn còn nắm lấy thanh sắt. Anh cố tìm xem đầu ở đâu nhưng chỉ chạm được vào đôi vai ướt, rồi anh cũng tìm ra cái đầu đang gục trên ngực.  Khi lần tới mặt, bàn tay anh chạm phải cái mồm đang ngoác hết cỡ.

Abul Khaizuran thấy muốn ngạt. Người anh bắt đầu đổ mồ hôi đầm đìa đến nỗi anh thấy như đang kẹt trong dầu đặc, và anh không hiểu mình run như thế này là vì lớp dầu đang bọc khắp ngực và lưng anh đây hay là vì sợ. Anh gập người xuống, mò mẫm đi ra lỗ hổng, và khi nhô đầu lên không hiểu sao khuôn mặt Marwan tới ám vào đầu anh, không chịu nhòa đi. Anh thấy như khuôn mặt chiếm hữu anh từ bên trong, như bức phù điêu lập lòa trên vách tường, anh lắc đầu thật mạnh khi tuột xuống khỏi miệng bồn và mặt trời thiêu rụi nó. Anh đứng hồi lâu hít thở không  khí ngoài trời. Anh chẳng nghĩ được gì. Khuôn mặt Marwan đã lại nổi lên choán hết đầu óc anh, như dòng suối ngầm phụt lên cao vút trên không. Khi về lại chỗ ngồi anh nhớ đến Abu Qais, cái áo bác vẫn còn nằm trên ghế bên cạnh. Anh đưa những ngón tay dài nhặt lấy rồi ném đi thật xa. Anh bật khóa xe và máy lại gầm lên, chiếc xe bệ vệ lăn xuống dốc.

Anh ngoảnh lại nhìn qua cửa sổ nhỏ gắn lưới dây thép sau lưng, thấy cái đĩa tròn đang mở dựng đứng trên bản lề, mặt trong rỉ lỗ chỗ. Chợt cái nắp biến mất dưới những giọt nước mặn tràn vào mắt anh. Đầu anh đau dữ dội và lảo đảo. Đấy là nước mắt hay là mồ hôi từ trán bỏng rát đang chảy xuống?

NM M

Abul Khaizuran cho xe chạy khỏi thành phố ngủ thiếp giữa đêm đang xuống. Những bóng đèn nhạt màu run rẩy hai bên đường, anh biết chỉ chốc nữa hai hàng đèn đang vùn vụt chạy lùi trước kính xe sẽ mất hẳn, thành phố sẽ nằm lại hoàn toàn sau lưng. Khi ấy màn đêm chỉ còn là khối đặc. Đêm không trăng, bìa sa mạc sẽ im lặng như mồ.

Anh cho xe rẽ khỏi đường nhựa vào đường mòn trên mặt cát đi vào sa mạc. Lúc trưa anh quyết định sẽ chôn họ, mỗi người một mồ riêng. Đến giờ thì anh thấy toàn thân mệt lả, cứ như bị chích thuốc vào bắp. Anh không thấy còn sức làm việc, chắc chẳng cầm xẻng đào nổi ba cái huyệt. Trước khi cho xe ra khỏi gara của Haj Rida, anh lại nghĩ sẽ không chôn nữa. Anh sẽ quẳng ba cái xác ra giữa sa mạc và về nhà thôi. Nhưng bây giờ anh lại không muốn thế. Anh không muốn xác các bạn đồng hành tiêu tan trong sa mạc, làm mồi cho chim thú, chỉ vài ngày chẳng còn gì ngoài xương trắng trên mặt cát.

Xe chạy ầm ì trên đường cát, Abul Khaizuran suy nghĩ. Không hẳn là anh suy nghĩ rành rọt, chỉ có những hình ảnh đứt quãng nối nhau chạy miên man qua đầu anh, không mạch lạc mà cũng không duyên cớ. Cảm giác mệt mỏi bò dọc chân tay anh như kiến bò.

Có gió thoảng đưa đến mùi thối rữa. Anh nghĩ: “Chính quyền tự quản đổ rác thải ra đây.” Rồi suy tính: “Nếu bỏ ba cái xác ở đây, đến sáng  người ta sẽ phát hiện và chôn cất dưới sự quản lý của chính quyền.” Anh đánh xe vòng lại theo dấu bao nhiêu xe khác đã cày trên mặt cát, rồi tắt đèn trước chầm chậm tiến lên nhờ đèn hai bên hông. Khi núi rác đã lù lù trước mặt, anh tắt nốt đèn hông. Không khí xung quanh nghẹt mùi hôi thối kinh tởm, nhưng anh cũng chóng quen. Rồi anh tắt máy xuống xe.

Abul Khaizuran đứng cạnh xe một lúc để đảm bảo không có ai nhìn, rồi trèo lên bồn. Nắp bồn lạnh và ẩm. Anh chầm chậm xoay tay cầm rồi dựng nắp sắt lên, nó mở đánh sầm. Bám chặt hai tay, anh nhẹ nhàng thả mình vào trong. Cái xác đầu tiên đã lạnh cứng, anh vắt lên qua vai. Anh đẩy cái đầu qua miệng trước, rồi nắm hai chân nhấc lên, xô mạnh về phía trước, nghe tiếng nó trượt qua thành bồn ầm ầm rồi cắm bụp xuống cát. Anh khó khăn lắm mới cạy được tay cái xác thứ hai nắm vào thanh sắt, nhưng rồi nắm chân lôi đến miệng bồn ném lên qua vai, thẳng và cứng đờ. Anh nghe tiếng nó rơi xuống. Cái xác thứ ba dễ hơn hai cái kia.

Anh nhảy xuống, thận trọng đóng nắp, trèo thang xuống mặt đất. Chung quanh bóng tối mịt mù, anh mừng không phải nhìn thấy mặt. Nắm bàn chân, anh lần lượt lôi từng cái xác ra cuối đường ném xuống, đúng nơi xe rác vẫn thường dừng trút rác hàng ngày, để sáng mai xe nào đến đầu tiên sẽ dễ nhìn thấy.

Anh trèo lên xe, bật máy, chầm chậm lùi lại, cố hết sức đè lên các vệt bánh xe có sẵn. Anh đã quyết định cho xe chạy giật lùi về đường chính để xóa nhòa mọi vết tích. Nhưng khi đi được một quãng rồi anh lại nảy ra ý định, tắt máy xe và đi bộ trở lại các thi thể, lấy tiền trong túi họ. Anh cũng tháo cả đồng hồ của Marwan. Rồi anh dẫm lại đường cũ về xe, đi bằng mép bàn chân.

Khi về lại đến xe vừa giơ một chân lên, một ý nghĩ xẹt qua đầu anh. Anh đứng đờ tại chỗ, muốn nói hay làm gì đó. Anh muốn gào lên, nhưng lập tức nhận ra làm thế quá ngớ ngẩn. Anh cố bước hẳn vào trong xe nhưng thấy rã rời cả người. Đầu anh như muốn nổ tung. Cảm giác mệt mỏi trong cơ thể chợt trào cả lên đầu đung đưa trong đó, anh rúc đầu vào hai bàn tay nắm tóc dứt, muốn xua đuổi ý nghĩ kia. Nhưng nó vẫn nằm nguyên, càng lúc càng to và lớn tiếng, không thể rũ đi cũng không thể trốn chạy được. Anh quay người nhìn lại chỗ đã bỏ ba cái xác nhưng chẳng thấy gì, mà động tác ấy chỉ càng châm mồi lửa khiến ý nghĩ thiêu đốt não anh. Đột ngột anh không còn nhốt được trong đầu nữa và buông xuôi hai tay giương mắt trừng trừng nhìn bóng tối.

Ý nghĩ kia thoát khỏi đầu chạy xuống lưỡi anh: “Sao ba người không gõ vào thành bồn?” Anh quay người, nhưng sợ mình sắp ngã, nên trèo lại vào ghế gục đầu lên bánh lái.

“Sao mấy người không gõ vào thành bồn? Sao mấy người không nói gì cả? Tại sao?”

Sa mạc chợt vang lại tiếng dội:

“Sao mấy người không gõ vào thành bồn? Sao mấy người không đập vào đấy? Tại sao? Tại sao?”

Nguyễn An Lý dịch, 2012

[1] Basra: thành phố lớn thứ nhì Iraq, nằm gần miệng sông Shatt đổ ra vịnh  Ba Tư, là một cảng quan trọng của Iraq, cũng gần biên giới Iraq với Iran và Iraq với Kuwait.

[2] Jaffa (Joppa, Yapho): thành phố cảng bên bờ Địa Trung Hải, có dấu vết người ở từ năm 7500 trCN và tiếp tục là một khu sầm uất qua các thời mảnh đất thay thầy đổi chủ. Sau 1948, Jaffa sát nhập với Tel Aviv, trở thành Tel Aviv-Yafo năm 1950.

[3] Khi có con, người A rập được gọi theo tên con: Abu Qais = bố thằng Qais; Umm Qais = mẹ thằng Qais.

[4] Ô liu là một loài cây nông nghiệp quan trọng và là một trong những biểu tượng quê hương của người Palestine.

[5] Trạm bơm trên đường ống dẫn dầu của Công ty dầu Iraq, trong lãnh thổ Jordan, đồng thời cũng là một trạm đóng quân.

[6] Thủ đô Jordan.

[7] Chắc ai cũng biết.

[8] Ngọn đồi gần trung tâm Amman.

[9] Thành phố gần Tel Aviv, có từ thế kỷ 8 CN. Năm 1948 đây là một điểm nóng trong cuộc chiến Israel – Ả rập; cuối năm đó hầu hết dân Ả rập đã bị trục xuất khỏi thành phố và ngày nay đây chủ yếu là một thành phố của dân Israel.

[10] Thành phố ở Bờ Tây, không khí chính trị tương đối êm ả vào giai đoạn trong truyện.  Sau này trở thành “thủ đô” của chính quyền Palestine. Quê hương của nhà thơ Mourid Barghouti, tác giả I saw Ramallah (1997).

[11] Chương đầu kinh Koran, thường đọc khi kết thúc hợp đồng hay thỏa thuận.

[12] Thành phố Iraq, cách Baghdad khoảng 50km.

[13] Reference chưa tìm ra. Palestine có 2 làng tên Zeita bị xóa sạch năm 1948.

[14] “Khaizuran” nghĩa là “tre”.

[15] Các bộ lạc du mục Ả rập, sống trong sa mạc.

[16] Hamit, người thuộc bộ lạc Taiy, nổi tiếng hào hiệp mến khách trong folklore Ả rập.

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

không biết viết ngắn