Thời gian đọc: 8 phút

Dân chủ chính là khi người ta cũng được phép sai lầm: Peter Handke viết những văn bản khó hiểu, trúc trắc, và đôi khi cũng khá đáng ngờ, văn bản của một người hoài nghi. Nhưng đó không phải là những lời tuyên chiến.

Đoạn văn nói tới “những người đi chân đất” mà Saša Stanišić[1] đề cập đến trong bài phát biểu khi nhận Giải Sách Đức (Deutscher Buchpreis)[2], nằm ở trang 40 của “Bài bổ sung mùa Hè cho chuyến du hành mùa Đông” (“Sommerlicher Nachtrag zu einer winterlichen Reise, 1996) của Peter Handke. Mối liên quan tới những chân đất này có nguyên do là ở trang trước đó, một nhà báo người Mỹ được trích dẫn là đã viết về thủ lĩnh của một đội dân quân Serb rằng người này “thường đi chân đất”. Handke trích dẫn câu viết kỳ lạ này khi ông tự hỏi, làm thế nào mà một đám người đi chân đất có thể ung dung tung hoành ở Visegrád được, và ngay sau đó là câu: “chống lại một thành phần dân chúng được vũ trang mạnh để chiến đấu, mà đa số là người Hồi giáo, hơn nữa lại là thành phần dân đang nắm quyền tối thượng trong vùng?”

Ở đây rõ ràng không phải là nói về giày dép rồi. Ở đây có người hỏi một câu hỏi mà chính tôi cũng có thể hỏi: Làm thế nào mà lại như thế được? Sao mà có thể như thế? Người vừa nhận Giải Sách, được vinh danh vì “những văn bản tự sự phản kháng sự xuyên tạc lịch sử” (!) của mình, đã không trả lời câu hỏi này, mà chỉ diễn giải nó – nghe qua thì lọt tai, nhưng sai: Handke miêu tả “những đội dân quân khi mà đi chân đất như thế không thể đã phạm những tội ác, những tội ác mà họ đã phạm phải”. Đó hẳn là một gợi ý từ một gợi ý – điều mà chỉ một nhà văn mới làm được. Nói tóm lại, nhà văn này (Stanišić) vu khoát Handke rằng ông phủ nhận những tội ác này: Handke – một kẻ phủ nhận sự kiện diệt chủng. Và Stanišić, người được trao Giải Sách, lẽ ra phải biết rõ, vì ông đã có mặt ở hiện trường mà. Nhưng ông đã ở đâu? Khi Handke làm cái việc phủ nhận tội ác nọ?

Năm 1996, tôi đã chứng kiến một cơn bão phẫn nộ (shitstorm) lớn chưa từng thấy ập tới Handke sau khi ông xuất bản văn bản đầu tiên của mình về Nam Tư. Sigrid Löffler[3] vào thời điểm đó đã viết trên tờ báo Áo “Presse”: “Những câu hỏi của Handke về cuộc nội chiến của người Slav miền Nam ngay lập tức – mà do không đọc kỹ lưỡng, có lẽ cũng do chẳng đọc nhiều – được dán nhãn là: ngây thơ, nhoè nhạt, ngu ngốc về lịch sử.”

Hai mươi ba năm sau chúng ta trải nghiệm shitstorm 2.0, con số này cũng đủ nói rõ, cơn bão lần này dường như không biết tới văn bản nào cả, mà chỉ có những ký ức về sự phẫn nộ của chính mình, về những trích dẫn, những thứ nhặt được đâu đó hoặc những điều bịa đặt. Còn những người mang danh nghĩa tiến bộ nhất của chúng ta, những người ít nhất cũng biết viết Handke như thế nào, thì nắn nót những ẩn dụ màu mè kiểu: “Tay Bernd Höcke[4] của ngành văn chương cắt ngang cuộc phỏng vấn”, như Jagoda Marinić[5] viết y như thế trên Twitter. Nhưng thật ra thì Handke đã là (tầm cỡ) Hitler rồi cơ mà, tại sao bây giờ lại lùi về một bước vậy? Nói bấy nhiêu thôi về cái văn hóa thù ghét (culture of hate).

46ut4xemgswy

Ai suy nghĩ kiểu suy tôn chủng tộc ở đây?

Ở thời điểm đó Handke đã muốn gì? Đây cũng là những gì bà Löffler nói: “Ông ấy không muốn thấy là người Serb bị tẩy chay chung chung như là ‘dòng dõi Cain’ (‘Kainsfolk’)”[6]. Năm 1992 các đơn vị Hồi giáo Bosnia cũng đã thực hiện nhiều vụ tấn công thường dân ở các làng Serb quanh thành phố Sarajevo, mặc dù tương đối là ít hơn, người dân ở đó đã bị bắn chết, bị tra tấn và bạo hành mà chết. Nếu muốn, hiện nay bạn có thể tìm đọc về những điều này. Cho đến nay các tội phạm chiến tranh người Croatia và Bosnia cũng đã bị buộc tội và kết án, tuy đã có những vụ được xử một cách do dự. Nhưng điều đó dường như không phù hợp với suy nghĩ của những người mang danh trong sạch, những người muốn có một thế giới tử tế, trong đó cái ác được tách biệt ra khỏi cái thiện: một chủng tộc thủ phạm và chủng tộc nạn nhân – như thể đó là một vấn đề di truyền học. Vậy ai suy nghĩ kiểu suy tôn chủng tộc ở đây?

Cơn giận thực sự của Handke nhắm vào các phương tiện truyền thông. Ông cáo buộc họ là: “bán những sự kiện thật và sự kiện ngụy trơ trụi, gợi ham muốn, do thị trường quyết định”. Trời ạ! Để cho chắc ăn, hãy gạch tên tôi ra khỏi tất cả các danh sách trao giải và danh sách ứng viên khả dĩ đi. Tôi thú nhận, tôi đây cũng đã hoài nghi! Chính tôi cũng đã ngờ vực các phóng viên chiến trường từ Nam Tư, Iraq, Ukraina, Syria và thậm chí cả từ chiến tranh Việt Nam! Sự ngờ vực này có làm cho tôi trông giống như một người không dân chủ không? Hoặc như là một kẻ phủ nhận diệt chủng? Là một tay lý thuyết âm mưu? Là một Nazi?

Có những điều ghê hơn nhiều đã được phát biểu về cuộc chiến ở Nam Tư, ghê hơn so với những gì Handke đã nói. Những điều mà tôi không dám trích dẫn ở đây (sự việc đã đi đến mức này rồi!), ví dụ như nhận định của Tướng Pháp Philippe Morillon, Tư lệnh lực lượng Liên Hợp Quốc UNPROFOR từ 1992 đến 1993, trong bài về Chiến tranh Bosnia trên Wikipedia. Bạn hãy tự tìm đọc và gửi cơn sóng phẫn nộ tới Wikipedia – hoặc Liên Hợp Quốc.

“Những vật báu ngữ nghĩa cho nền hòa bình tương lai”

Tôi không thấy rằng Handke phủ nhận bất cứ điều gì, thậm chí cả những tưởng tượng giết người của ông đối với lãnh tụ (!) Serb Karadžić, mà ông mong ước là sẽ bị một sát thủ thủ tiêu để việc giết chóc chấm dứt – Đây cũng là Handke: một sự chân thành xuẩn ngốc. Còn Peter Turrini[7] ít ra nhận xét rằng tác phẩm “Chuyến du hành mùa Đông” (Tựa đầy đủ: Eine winterliche Reise zu den Flüssen Donau, Save, Morawa und Drina oder Gerechtigkeit für Serbien, 1996) là “văn bản hòa bình”. Elfriede Jelinek[8] thì bảo vệ Handke chống lại Peter Schneider[9]. Và Thomas Assheuer[10] đã viết trên tờ “Frankfurter Rundschau” về “Chuyến du hành mùa Đông”, nguyên do thực sự của vấn đề: Handke thu thập “những báu vật ngữ nghĩa cho nền hòa bình tương lai”. Các bạn, hãy đọc các văn bản của ông ấy đi! Hãy dành thời gian để đọc – hoặc là hãy im lặng đi. Đó là những văn bản khó đọc, xoắn xuýt, uốn khúc; đó là những văn bản của một kẻ hoài nghi, những văn bản mà cũng có thể có tính đáng ngờ. Nhưng những văn bản này không phải là những lời tuyên chiến, không là ngôn từ kích động thù ghét, không là tin tức giả mạo, chúng hoàn toàn không là những thứ đó.

Thế thì chúng là gì? Thế nào mà ngay từ đầu, ngay từ phát biểu đầu tiên, Handke đã hứng chịu sự tức giận cực độ, thậm chí là hận thù của thế giới với tâm thức tự do kia? Thật khó để miêu tả Handke bằng những ngôn từ không phải ngôn từ của chính ông, nhưng ít nhất thì tôi cũng đang tìm cách mô tả, hay đúng hơn là dịch sang ngôn từ của tôi những gì ông muốn nói hoặc những gì tôi hiểu được từ đó. Đây là nói về một thứ gì đó giống như sự tự phụ của phương Tây. Về chủ nghĩa kinh tế tự do mới (Neoliberalism) mà lúc đó có tên gọi khác.

Và về nhận thức của phương Tây, song cũng là về một chủ nghĩa thực dân mới của phương Tây; về sự tham lam mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế, chính trị, tham sùng sục đến mức người ta sẵn sàng chấp nhận xung đột chiến tranh, thậm chí khuấy động chiến tranh. Chứ người ta mong đợi điều gì khác ư, khi mà hối thúc đẩy mạnh việc tách ra các quốc gia nhỏ từ một quốc gia đa sắc tộc đan xen sâu sắc về mặt địa lý như Nam Tư?

Bạn không phải chia sẻ quan điểm đó. Bạn có thể viết chống lại nó, nhưng mọi người ạ, hãy làm việc đó đi! Thay vì nhặt ra một, hai câu nói, chính xác hơn: các câu hỏi từ văn bản, và dùng chúng làm dây thừng treo Handke lên. Tôi tin từng chữ của Saša Stanišić rằng điều đó làm ông đau lòng thật. Nhưng chỉ vì nỗi đau mà ông thành có lý? Tranh luận là việc hoàn toàn tốt. Chúng ta nên tranh luận – thay vì tố cáo lẫn nhau. Nếu chúng ta tiếp tục làm theo cách này thì cuối cùng chúng ta sẽ sống trong một xã hội toàn cáo buộc và tố giác, và điều đó đã xảy ra. Người người đang chịu sự tẩy chay do bị nghi ngờ.

Có những bức tranh bị gỡ xuống, không phải vì vẽ dở, mà vì chúng được vẽ bởi một người không đúng. Và tệ nhất trong tất cả những cái tệ: những người phải chịu điều này lại đang bắt đầu cảm thấy chính mình có lỗi. Họ làm việc tự phê bình. Thừa nhận cái xấu của mình. Và rồi đồng ý với sự phá hủy các tác phẩm nghệ thuật của mình. Điều này tôi biết lắm – từ chủ nghĩa Stalin (mà tôi đã nghiên cứu thật sâu trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của tôi, chủ yếu là vì gia đình tôi).

Trách móc – có lý do – vẫn còn đó, rằng Handke, mặc dù đã bị dồn vào chân tường, bị tẩy chay, trơ tráo, đến dự đám tang của Milosevic (và, với sự sỉ nhục và thù ghét mà ông phải hứng chịu một lần nữa, bây giờ lại sẽ có những phản ứng không lành). Handke đã phạm sai lầm, có thể một số sai lầm. Nhưng chẳng lẽ đó cũng không phải là một sai lầm sao, khi mà NATO – không có sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc! – đánh bom Serbia? Có phải đó là một sai lầm khi vụ này đã giết chết mười hai ngàn người, ít nhất năm trăm trong số họ là thường dân? Hoặc bây giờ có ai đó muốn nói: Hạn ngạch thế là được đấy chứ!

Tôi có thể sai lầm, nhưng tôi cũng được phép sai lầm. Dân chủ là khi người ta được phép sai lầm mà không bị tẩy chay ngay lập tức. Chỉ có vậy! Tất nhiên, tôi sẽ không bị bắn chết, như dưới thời Stalin, và điều đó là hay rồi. Nhưng sự tẩy chay cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng. Chúng ta không có hệ thống chính trị áp chế. Nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại, như chủ nghĩa cộng sản vậy, đã từng dấy lên để giải phóng con người, giờ thì dường như đang dần dần trở thành một ý thức hệ áp chế, lấy đi không gian để suy nghĩ – tức là để thử nghiệm những sai lầm – của chúng ta. Chủ nghĩa Stalin không quay trở lại, lịch sử không lặp lại, có chăng thì chỉ như một trò hề, như Marx nói. Nhưng với trò hề đang xảy ra kia, chúng ta có khi cười không nổi nữa.

Nhà văn Eugen Ruge, sinh năm 1954 tại Liên Xô, vừa ra mắt tiểu thuyết “Metropol”, Nhà xuất bản Rowohlt. Năm 2011, ông được trao Giải Sách Đức cho cuốn “In Zeiten des abnehmenden Lichts“ (Bản tiếng Việt: “Thời nắng lịm”, Hoàng Đăng Lãnh dịch).

Lê Trọng Phương dịch

Nguồn: https://www.faz.net/aktuell/feuilleton/debatten/autor-peter-handke-schwierige-texte-eines-zweifelnden-16445901.html?premium#void

_____

[1] Saša Stanišić: nhà văn Đức gốc Bosnia, Giải Sách Đức 2o19

[2] Deutscher Buchpreis: Giải Sách Đức, giải văn chương của Hiệp hội các nhà xuất bản và nhà sách Đức

[3] Sigrid Löffler: nhà phê bình văn chương Áo

[4] Bernd Höcke: chính trị gia thuộc đảng cực hữu AfD, có quan điểm gần Nazi

[5] Jagoda Marinić: nhà văn Đức gốc Croatia

[6] Cain không nghe lời răn của Chúa và cuối cùng đã giết Abel, em trai mình, trở thành kẻ giết người đầu tiên theo Kinh thánh.

[7] Peter Turrini: nhà văn Áo

[8] Elfriede Jelinek: nhà văn Áo, Giải Nobel Văn chương 2oo4

[9] Peter Schneider: nhà văn Đức

[10] Thomas Asheuer: nhà báo Đức

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3