Phỏng vấn dịch giả “Đồng hồ xương” – một Michell geek”

Mục phỏng vấn đầu tiên của Bên phía nhà Z xin bắt đầu với dịch giả Như Mai. Chị là dịch giả của bản tiếng Việt “The Bone Clocks,” – “Đồng hồ xương” của nhà văn đương đại nổi tiếng hàng đầu của Anh, David Mitchell. Xuất bản tháng 12 năm 2016 ở Việt Nam, “Đồng hồ xương” là một bản dịch đồ sộ, gần 700 trang in khổ lớn, với lượng nhân vật dày đặc đi kèm giọng điệu đa dạng, và cũng là nơi Mitchell triển một loạt các từ mới cho câu chuyện nhiều yếu tố fantasy của mình. Với các yếu tố đó, tác phẩm với một bản hợp đồng mang đầy âm hưởng “Faust”, bán linh hồn – chọn thanh xuân, như chính lời tác giả tâm sự, như một cuốn tiểu thuyết khủng hoảng tuổi trung niên, là một thử thách lớn với người dịch. Vốn là người đam mê dịch thuật, Như Mai đã từng chuyển ngữ nhiều tác phẩm khác sang tiếng Việt, chẳng hạn như, “Chuyện nhỏ trong thế giới lớn” của E.H. Gombrich, “Harry Potter và Đứa trẻ bị nguyền rủa” của J.K.Rowling, “Con chim khát tổ” và “Con tằm” của Robert Galbraith. Bên phía nhà Z xin chân thành cảm ơn chị đã đồng ý tham gia mục phỏng vấn này.
Z
“Đồng hồ xương” là tác phẩm đầu tiên của Mitchell bạn dịch, làm thế nào mà bạn lại biết đến tác giả này, và rồi quyết định dịch?
NHƯ MAI
Bạn biên tập nghĩ tới mình khi đọc thẩm định Đồng Hồ Xương, rồi gởi cho mình xem thử. Lúc biên tập hỏi thì mình chỉ mới nghe nói về Cloud Atlas (Bản Đồ Mây). Mình đọc thấy hay quá, gật đầu ngay. Rồi mình tìm đọc tất cả những tác phẩm khác của Mitchell, các phỏng vấn, các bài bình sách cũng như xem clip trên youtube. Rồi mình tự động đứng vào hàng ngũ “Mitchell geek” – tức tương đương với Cumberbitch nếu bạn hâm mộ anh diễn viên đóng vai Sherlock. (Nói vậy để bạn hình dung mức độ cuồng của fan Mitchell bên này, mặc dù so về số lượng thì anh Ben để lại anh Dave ở vòng gởi xe)
Z
“Đồng hồ xương” dài thăm thẳm giếng sâu, bạn đã mất bao lâu để dịch cuốn này? Bạn đã gặp những khó khăn gì trong việc chuyển ngữ một tác phẩm đầy yếu tố fantasy như tiểu thuyết này, chẳng hạn như sáng tạo ra các từ mới để dịch các thuật ngữ, “the Anchorites,” thành “Ẩn sĩ”, “the Horologists” thành “Trắc thời sĩ”, “Aperture,” dịch thành “Khê Môn,” “Decanting” thành “Thanh Linh” cùng nhiều từ chuyên môn khác nữa?
NHƯ MAI
Nhà xuất bản không đặt áp lực về mặt thời gian. Từ lúc bắt đầu tới lúc nộp hết bản thảo khoảng chừng 7-8 tháng. Trong quá trình dịch mình gởi trả bản thảo sau mỗi phần sách, để vừa giữ tiến độ, vừa nếu có vấn đề gì về giọng văn thì biên tập sẽ góp ý để mình thay đổi cho phù hợp.
Mình thích rị mọ, thích tra cứu “tào lao bí đao”, nên mình không có áp lực khi gặp những chỗ khó dịch. Thực tình mình chỉ có thể làm hết sức, nếu đã hết sức mà vẫn chưa tới thì…đành vậy 🙂 Mình thường ghi chú lại những thuật ngữ và những chỗ khó. Khi nào bất chợt nghĩ ra thì ghi lại cho khỏi quên. Nên mình có nhiều thời gian suy nghĩ để tìm ra cách giải quyết hợp lý.
Phần thuật ngữ: Anchorites tương đối đơn giản hơn vì từ này vốn có nghĩa là Ẩn Sĩ và trong sách cũng một cảnh các nhân vật giải thích nghĩa gốc của khái niệm này. Còn Horologists thì mình đi ngược về từ Horology- là ngành học về phương pháp đo thời gian, tức “trắc thời”, vậy là mình luận ra tiếp chữ Trắc Sĩ, cũng hai âm tiết, để đặt nó trong thế đối lập với Ẩn Sĩ.
Tuy vậy cách làm này đã khiến mình phải bỏ đi một chỗ chơi chữ ở cuối. Đó là khi các Ẩn Sĩ cải trang thành cảnh sát, gọi bộ đàm cho nhân vật “Anchor số 2”, thì mình chỉ có thể dịch là Neo số 2, chứ không tạo được liên hệ với từ Ẩn Sĩ/ Anchorite được.
Aperture trong sách có nghĩa là một cái portal- cánh cửa đi giữa các thế giới, rất thường gặp trong sci-fi và fantasy, được mô tả như một tấm màn mở hé. Mình dịch là Khê Môn, có nghĩa là cánh cửa khe (chữ Khê có một nghĩa là cái khe). Còn decant dịch thành thanh linh, nghĩa là… thanh lọc, gạn chắt lấy linh hồn. Khi đã nghĩ ra được một từ, các từ khác tự động lần lượt tới.
Ưu tiên của mình là làm sao trong văn cảnh đó người đọc sẽ hình dung ra ngay ý nghĩa. Trên trang maiba.co.uk mình có nói cụ thể hơn một chút về cách tiếp cận này và đăng một vài trích đoạn so sánh để người đọc có thể hình dung được cách dịch của mình.
Cơ bản là mình cố gắng học tập sư phụ Mitchell (còn học được tới đâu thì mình chịu). Sư phụ vốn thích chế từ mới/ý nghĩa mới của nhưng đặt trong văn cảnh người đọc vẫn có thể hoàn toàn hiểu và cảm được, chẳng hạn như những đoạn tả cảnh sắc Nhật Bản trong “The thousand autumns of Jacob de Zoet” hay phần ngôn ngữ tương lai của “Bản Đồ Mây.”
Z
Với một xê ri các nhân vật được xây dựng rất đa dạng và độc đáo trong tiểu thuyết này, bạn thích ai (chương nào) nhất trong “Đồng hồ xương”? Hoặc không thích ai (chương nào)?
NHƯ MAI
Mình thích Marinus nhất, chính là nhân vật Tôi của phần Mê Lộ của một trắc sĩ và ít thích nhất là anh Ed Brubeck của Bữa tiệc cưới tưng bừng. Nhưng ở mỗi phần đều có những thứ mình thích và “ít thích hơn”.
Ở đây mình nghĩ là chuyện gu của từng người. Gu của mình là những chuyện ly kỳ, nhiều màu sắc, “tào lao bí đao”… ngoài ra, mình yêu hòa bình, ghét chiến tranh súng đạn. Cũng như tất cả các độc giả nữ của Đồng Hồ Xương mà mình biết (tổng cộng 4 người: mình, biên tập, bạn và một người bạn của mình) thì mình thích anh Hugo (đẹp trai, thông minh, đểu giả, man trá, [SPOILER ALERT] cuối cùng bị tình yêu đánh gục) hơn anh Ed (người đâu tốt thấy ớn, tới nhược điểm hóa ra cũng là phẩm chất).
David Mitchell từng tự nhận mình là một nhà văn “omnivorous” (ăn tạp, viết tạp?). “Đồng hồ xương” với mình là một bữa tiệc linh đình mà ai cũng có thể tìm được món mình thích trong khi tha hồ thử những món khác.
Những độc giả trưởng thành ở Anh thời những năm 80, kinh qua giai đoạn bà Thatcher ăn hiếp thợ mỏ hay fan của Talking Heads hẳn sẽ bắt gặp lại ký ức của mình trong phần đầu tiên của Holly. Hầu hết chị em sẽ thích phần thứ hai của Hugo- lý do nêu trên. Bản thân mình sau vài lần đọc cũng thấy phần ba của Ed thú vị và gợi suy nghĩ. “Người trong ngành” như bạn hẳn sẽ thích thú với phần bốn của nhà văn Crispin Hershey. Mình có một người bạn lớn tuổi. Với bà thì phần cuối cùng là hay và thấm thía nhất, có lẽ vì bà mang cái mặc cảm tội lỗi của thế hệ Baby Boomer với thế hệ của tụi mình. Margaret Atwood có viết một truyện ngắn tựa là Torching The Dusties, cùng một viễn kiến u ám như vậy, không biết bạn đã đọc chưa?
Z
Có vẻ như David Mitchell rất thích thiết kế tiểu thuyết của mình theo dạng một tập hợp các novella – truyện dài, xuyên suốt các thời đại và không gian khác nhau, điển hình trong hai tác phẩm vừa có bản tiếng Việt là “Bản đồ mây,” và “Đồng hồ xương”, bạn nghĩ vì sao ông lại làm như vậy?
NHƯ MAI
David Mitchell đã xuất bản tổng cộng 7 tiểu thuyết (ngoài ra có một tác phẩm được chôn xuống đất để xuất bản năm 2114 trong dự án Future Library). Trong số 7 tác phẩm đó thì hết 4 là viết theo kiểu tập hợp các truyện dài như bạn nói. Mình nghĩ ổng làm vậy vì đó là cách viết riêng của ổng, theo kiểu mỗi nhà văn đều có một cách viết mà bản thân cảm thấy thoải mái nhất. Mình có xem một phỏng vấn trong đó khi được hỏi tại sao cứ viết kiểu vậy, Mitchell đã trả lời, một cách rất khiêm nhường và có phần ngượng ngùng, đại khái là “À, tại hồi đó tui mới bắt đầu tập viết tiểu thuyết nên chỉ viết được mỗi truyện dài chừng đó thôi.”
Mình còn nhớ từng đọc một comment dưới bài phỏng vấn Mitchell, “chuyên gia” này đoán Mitchell hẳn chỉ viết được truyện ngắn, trong ổ cứng thủ sẵn vô số truyện ngắn, khi nào buồn tình thì lấy ra xâu chuỗi lại rồi in tiểu thuyết (?) chứ giỏi giang khỉ gì?
Mình đọc mà tức giùm ảnh, á lộn, ổng. Vì các nhân vật của Mitchell không chỉ đi từ câu chuyện này qua câu chuyện kia trong mỗi tiểu thuyết, mà còn từ tác phẩm này qua tác phẩm khác. Động vật, đồ vật cũng vậy luôn. Các fan cuồng tha hồ vẽ sơ đồ, đôi khi họ còn nhớ tốt hơn cả chính tác giả là ai/cái gì đã xuất hiện ở đâu.
Trong một phỏng vấn khác Mitchell nói chính ổng cũng từng suy nghĩ tại sao mình lại viết như vậy. Rồi ổng ngờ ngợ (và hơi hơi xấu hổ) nhận ra mình đang làm cái việc là tự tạo ra một Middle Earth, một Earthsea, tóm lại là một thế giới riêng của mình. [Mitchell là fan ruột của Tolkien và Ursula K. Le Guin, nhất là Le Guin]. Còn nói theo kiểu người lớn hơn, DM từng phát biểu rằng mỗi tác phẩm viết ra lại là một câu chuyện thêm vào cuốn “Übernovel”, tức cuốn siêu tiểu thuyết bao trùm hết sự nghiệp viết lách của ổng.
Z
Trong “Đồng hồ xương” bạn đã thay đổi khá nhiều giọng dịch khác nhau (miền Nam, miền Bắc) cho các nhân vật, bạn có thể lý giải vì sao lại có sự linh hoạt đó không?
NHƯ MAI
Mình dùng các giọng địa phương khác nhau, cũng như thay đổi lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân vật để phản ánh sự khác nhau về văn phong tiếng Anh giữa các phần trong sách. Sáu phần của sách thực đúng là được viết với sáu phong cách khác nhau, ứng với tính cách và gốc gác của người kể chuyện.
Với mình Holly ở phần đầu nói giọng rặt miền Nam kiểu thân thiện, bình dân vì gia đình của Holly là người Ai-len định cư ở miền nam nước Anh, vốn thuộc tầng lớp bình dân bán quán. Trong tiếng Anh Holly gọi mẹ là “mam”, chứ không phải là “mum”, rất là Irish, khiến mình nghĩ tới “má”. Còn Crispin Hershey thì nói giọng Bắc kiểu “Tràng An thanh lịch nho nhã” vì ông này là nhà văn nổi tiếng, thích chơi chữ, sinh trưởng trong một gia đình có gốc gác. Hugo trong phần 2 cũng nói giọng Bắc nhưng kiểu “hải đăng Thăng Long“, vừa để đặt trong thế đối lập với Holly, vừa thể hiện được chất ngang tàng, trẻ trung mà đáo để của một anh sinh viên Cambridge.
Mình hi vọng cách xử lý của mình đã phần nào tái hiện lại văn phong của nhà văn. Đương nhiên, mọi thứ đều tương đối. Khi đọc lại mình vẫn nghĩ có những chỗ thoại mình đã có thể xử lý tự nhiên hơn. Thôi thì để mình rút kinh nghiệm, biết đâu lại còn được dịch Mitchell tiếp?
Z
Giới phê bình văn chương thường xuyên được Mitchell chế giễu, lúc thì nhà phê bình bị ném từ tầng 12 xuống, lúc thì bị tống vào tù bóc lịch. Mitchell chắc có chút thâm thù “nhẹ nhàng” với họ, và có vẻ rất chia xẻ cảm giác đọc bài phê bình xấu thì như bị tạt a xít vào mặt?
NHƯ MAI
Chuyện này mình nghĩ đâu riêng gì Mitchell, mà cũng chẳng riêng gì nhà văn. Bạn thử tưởng tượng bạn nhọc công đi chợ nấu nướng, trình bày nọ kia mà lại gặp một thực khách khó ưa. “Ông trời con” hết chọt đũa chỗ này tới chỗ kia, không thèm biết bạn đã công phu ướp thái ra sao mà chỉ chăm chăm “cái này cùng lắm chỉ là bò Cô Xê, Cô Đê thôi, không thể là bò Kobe được”. Gặp cảnh vậy ai mà hổng tức được bạn?
Nói đùa chứ mình nghĩ mối quan hệ giữa nhà văn và nhà phê bình vô cùng thú vị. Yann Martel từng nói có bốn kiểu bài phê bình: khen đúng chỗ, chê đúng chỗ (kiểu điểm huyệt), khen trớt quớt và chê trớt quớt (tức là khen chê nhưng không thấy được ý của nhà văn).
Bị chê thì xót ruột không nói làm gì rồi, nhưng được khen nhiều quá cũng không hẳn là hay. Nhà văn mà được khen nhiều quá, rồi suốt ngày lo chuyện hương hỏa bánh trái xôi chè, đến nỗi không viết được thì đau khổ, sống dở chết dở lắm. Nhà văn chỉ hạnh phúc nhất khi viết được thôi. Mình nghĩ Mitchell viết Crispin Hershey như một kiểu tự răn mình. (Mặc dù có nhiều người nói rằng Hershey thực là Mitchell đang đá đểu Martin Amis, nhưng đó lại là chuyện khác)
Z
Bạn nghĩ như thế nào về quan niệm “dịch là sáng tạo”?
Với mình “dịch là sáng tạo” chỉ đúng theo kiểu “nấu ăn là sáng tạo”, “làm bánh là sáng tạo”, tức là bạn cũng có cái giảm giác thỏa mãn như khi nấu ăn hay làm bánh, nếu bạn thích nấu nướng bánh trái.
Còn nếu nói “dịch là sáng tạo” trong so sánh với “viết văn là sáng tạo” thì mình không thấy vậy. Vì dịch chỉ là diễn tả lại câu chuyện mà nhà văn đã sáng tạo ra bằng một thứ ngôn ngữ khác thôi. Sáng tạo ở đây là của nhà văn, không phải của người dịch.
Chấm sao chút:
Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.
Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3
trên đỉnh cao tuyệt vọng.