Thời gian đọc: 6 phút

ĐỒNG HỒ XƯƠNG
Của David Mitchell. Dịch bởi Như Mai.
688 trang. NXB Trẻ. 235.000 đ. Năm XB: 2016
Đánh giá: ****

“Đồng hồ xương” của David Mitchell, cũng như “Bản đồ mây,” là những tham vọng văn chương lớn lao, được thực thi thành công, với thành quả là những cuốn tiểu thuyết đồ sộ với nghệ thuật kể chuyện đứng vào hàng ngũ của những đại sư phụ, những chưởng giáo sư môn. Cuốn tiểu thuyết là một và nhiều câu chuyện hòa quyện giữa hiện thực và fantasy mà tác giả luôn biết cách vừa điều tiết hai đối lực để rồi đẩy căng giới hạn khi cần thiết để bức phá và biến cuốn sách hóa sang một thể loại mới. Trên hết, “Đồng hồ xương” là một sản phẩm đơn thuần hướng tới việc đọc, của việc đắm mình vào câu chuyện được kể.

Vẫn lấy cấu trúc 6 novella-truyện dài như “Bản đồ mây”, và là một đặc điểm cố hữu trong các tiểu thuyết của Mitchell, nhhư chính lời tác giả rằng mỗi cuốn sách như một đứa con với cá tính riêng biệt, “Đồng hồ xương” kể 6 câu chuyện từ ngôi thứ nhất xưng “tối” của các nhân vật, tuổi tác, nơi ở, nghề nghiệp, đều khác nhau, dàn trải từ một đợt nóng mùa hè nước Anh năm 1984, đến thế giới tận thế ở Ireland năm 2043. Nhưng vì thay vì đặt một chiếc gương soi như ở “Bản đồ mây”, tiểu thuyết này dùng một nhân vật làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt là Holly Sykes.

Và thế là các câu chuyện quấn-quít vào nhau: về một Holly 15 tuổi bỏ nhà theo trai rồi phiêu lưu các nơi để rồi tình cờ gặp một phụ nữ bí ẩn tên Esther Little và mơ hồ đồng ý cho bà mượn một nơi trú ẩn, để rồi tình cờ làm việc ở trang trại hái quả và rồi được tin em trai Jacko mất tích; về một Hugo Lamb sinh viên đại học Cambridge năm 1991 chuyên lừa đảo lại gặp Holly ở khu trượt tuyết để rồi được chiêu dụ vào một nhóm bí ẩn mà phó soái đã từng gặp anh ta lúc trước là Constantin; về một Ed Brubeck phóng viên chiến trường Iraq trở về Anh dự đám cưới em gái Holly và rồi con gái Aoife của họ mất tích và được tìm thấy một cách kỳ bí; về một nhà văn nổi loạn của văn đoạn Anh quốc Crispin Hershey năm 2015 phải đương đầu với sự nghiệp từng lẫy lừng nhưng đang dần thành sao xẹt và quan trọng hơn là với mối thâm thù với tay phê bình gia Richard Cheeseman và Crispin lại tình cờ gặp Holly trong các chuyến giới thiệu sách của mình, một Holly đại tác gia viết về những giọng nói cô được nghe lúc còn bé và người em trai mất tích; về bác sĩ Marinus vào năm 2025, người từng chữa trị cho Holly và giờ đây tập hợp lực lượng để tấn công vào tâm não của một nhóm đối lập: những kẻ duy trì thanh xuân vĩnh viễn bằng linh hồn của người khác, những Ẩn sỹ; và cuối cùng, cuốn tiểu thuyết lại kết ở Holly, giờ đây đã 74, trong một thế giới cạn kiệt mọi tài nguyên và nguồn wifi duy nhất lại do Tàu khựa cung cấp chập chờn lúc có lúc không (thật đầy tính tiên tri và éo le cho đồng bào Việt Nam nhé).

nxbtre_full_23122016_091233-u547-d20161128-t141452-389644

Độc giả khi cập bến được đến chương thứ 5, khi fantasy là nốt chủ đạo, đánh bật mọi câu chuyện có vẻ hiện thực trước đó, sẽ nhận ra, một chủ đề lớn hơn, được nhỏ giọt ẩn hé ở các chương chuẩn bị, để rồi bùng phát toàn lực vào chương này, rằng “Đồng hồ xương” là một là cuộc chiến đấu và giằng co nhiều thế kỷ, của hai thế lực, Ẩn Sỹ và Trắc thời Sỹ, của thế lực đen tối muốn cho cái đồng hồ xương của những bệnh tật chết choc mỗi con người mang trong cơ thể mình dừng lại, và dùng mọi phương tiện để thực hiện điều đó, với thế lực những người linh hồn có khả năng tái sinh vạn kiếp.
Các tiểu thuyết của David Mitchell, như ông mong muốn, thuộc về một thứ gọi là “uber-book”, một siêu sách, một vũ trụ bao trùm tất cả mà các cuốn sách cùng nhau cư ngụ, như Trung Địa của J.R.R Tolkien, ở đó các chủ đề được lặp lại, ở đó các nhân vật của tiểu thuyết này lại xuất hiện trong tiểu thuyết kia. Hugo Lamb đã từng xuất hiện trong “Làng thiên nga đen”, Ed Brubeck làm việc cho tạp chí Spyglass nơi Luisa Rey của “Bản đồ mây” từng làm phóng viên, còn Crispin Hershey nhà văn thì chính là tác giả của “The Voorman Problem” từ tiểu thuyết “number9dream”.

Với tiểu thuyết có 5 yếu tố chủ chốt: cốt truyện, nhân vật, ý tưởng, cấu trúc, và phong cách, Mitchell, với trí tưởng tượng phong phú, khả năng sáng tạo từ mới, với các nhân vật đa dạng có những câu chuyện đặc biệt, kết hợp với cấu trúc thông minh bọc trong một thứ văn chương nhuần nhuyễn, nhịp truyện nhanh gọn, trên cả hóm hỉnh và duyên dáng, tạo ra được, thêm một lần nữa, một tiểu thuyết vô cùng độc đáo. Chính cách tưởng tượng các nhân vật đang viết một bức thư cho chính mình, bằng chính cái giọng chỉ của riêng từng người, tác giả đã viết được những câu chuyện bằng đủ các loại giọng điệu biến hóa khôn lường đến vậy trong “Đồng hồ xương,” và dịch giả Như Mai đã chuyển dịch một cách lóng lánh sang bản dịch tiếng Việt.

Trong bài điểm sách trên tờ The New Yorker, nhà phê bình nổi danh Michael Wood đã phê phán Mitchell, rằng ông có nhiều chuyện để kể nhưng có gì để nói? Rằng tiểu thuyết của Mitchell không đi vào cái gọi là điều tra một cách nghiêm túc sâu sắc trạng huống con người, như lời của Ford Madox Ford. Wood có lẽ đã rơi vào một cơn hẹp hòi không tưởng của phê bình gia, mà quên rằng cả một vùng văn chương rộng lớn mỗi người đều có quyền chọn cho mình một lĩnh vực mà họ muốn: thích thì nói chuyện thiện ác, thích thì nói chuyện số phận con người, thích thì chiến tranh và thân phận, thích thì sự phát triển của công nghệ, thích thì sự biến đổi khí hậu và sự suy tàn của con người. Vấn đề luôn là người ta thích nói chuyện gì và người ta nói như thế nào? Vấn đề sẽ không phải là tại sao anh không nói chuyện mà tôi nghĩ là quan trọng.

Tiểu thuyết của Mitchell, có lẽ, hướng tới một đặc trưng: một khoái cảm đọc câu chuyện thuần túy, mà việc rút ra bài học cuối cùng, có hay không có, không phải là vấn đề. Câu chuyện đơn thuần sống và đứng trên chân của chính nó. Cái hay của “Đồng hồ xương” là nó có thể kể nhiều chuyện khác nhau, dùng một nhân vật xuyên suốt, nó như một hình tròn có các mũi tên chĩa ra và Mitchell đã rất khéo léo phát triển toàn diện các mũi tên ấy lẫn vẽ cái hình tròn ấy.
Dĩ nhiên không phải toàn bộ 6 novella của ông đều xuất sắc như nhau, phần kể của anh nhà báo Iraq nhạt nhẽo một cách đều đều, cho dù câu chuyện con gái bị lạc và chuyện chiến tranh tàn bạo có lồng vào nhau thì vẫn là yếu hẳn hơn so với các phần. Cái kết về nước Ireland và con thuyền đến đón đứa cháu ngoại từ Iceland thì như viết vội qua một đêm khi tác giả không biết gì để cho vào nữa. Nhưng phần viết về Hugo Lamb và cuộc chiến giữa văn học và phê bình văn chương của nhà văn Hersey là những điểm mạnh khó chối cãi.

Ở phần về chàng trai trẻ từng học Cambridge ấy, độc giả nhìn thấy một khía cạnh khác ở Mitchell, một tác giả có biệt tài viết về tình yêu, những rượt đuổi, những thăng hoa, những đứt gãy, dẫu có hơi hướm sến, vẫn đầy khả năng gây rung cảm. Cái mối tình đứt đoạn đột ngột bị coi như tình một đêm của Hugo Lamb và Holly Sykes ấy, gợi nhớ rất nhiều đến “Núi thần” của Thomas Mann, ở cái vùng núi tuyết ấy, ở cái tuổi trẻ đầy phiêu lưu ấy, ở cái trạng thái say đắm mê mệt khi bị tình yêu đốn khụy chỉ giơ tay xin hàng mà chuồi theo cảm xúc, cuối cùng lại có thể có một cái kết day dứt, khi mấy chục năm sau gặp lại, sở khanh lưu manh lừa tình lừa tiền lừa bạn lừa bè lừa người già lừa trẻ nhỏ, một phản diện đích thực, lại có thể băn khoăn suốt ngần ấy thời gian, dẫu có trẻ mãi không già, dẫu có quyền lực vô song, rằng cái đêm hôm ấy, khi cả hai còn rất trẻ, liệu cô ấy có yêu chàng hay không? Một câu hỏi vô cùng đơn giản mà làm nhói buốt cả lòng độc giả (cụ tỉ là tôi).

Mitchell luôn giữ một câu hỏi tối thượng trong đầu, rằng tại sao độc lại muốn đọc một cuốn sách của ông, và luôn tìm cách trả lời cho câu hỏi ấy. Thời gian là vàng bạc xa xỉ. Độc giả dành cho ông chục tiếng trong đời họ, và ông muốn trả lại cho họ một thứ gì đó. Và đó chính là một trải nghiệm thú vị. Của việc đọc. Còn đòi hỏi gì hơn, ở văn chương, hỡi các phê bình gia?

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

trên đỉnh cao tuyệt vọng.